Một tháng về trước, có người anh đến phòng khám để bác sĩ tư vấn bệnh. 50 tuổi, thể trạng béo đặc biệt vùng bụng, là một doanh nhân, tiếp khách nhiều nhưng ít vận động thể dục thể thao… Anh đến khám vì gần đây thấy đau mỏi lưng nhiều. Qua chụp chiếu, cột sống có vấn đề nhưng không có gì lo ngại, anh đau do các đĩa đệm thoái hóa theo thời gian. Nguyên nhân đau sâu xa chính là trọng lượng đồ sộ của anh ấy đã “đè” lên lưng trong suốt thời gian dài trên nền ít vận động thể dục. Thời gian chính anh dành cho những cuộc họp, những chuyến bay, hàng giờ trên ô tô và cả những bữa tiệc tiếp khách. Đứng trước anh, bác sĩ không thể dừng lại ở việc tư vấn bệnh cột sống vì ai cũng hiểu rằng anh đang có những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng “rình rập” phía trước. Với người trên 50 tuổi, béo phì, ít vận động, công việc căng thẳng kéo dài, bia rượu thay cơm… thì cao huyết áp, mỡ máu, rối loạn chuyển hóa, tiểu đường, thoái hóa các khớp chi dưới, thậm chí đột tử do bệnh lý mạch vành, huyết khối xơ vữa tĩnh mạch sâu… luôn chờ đón nếu chúng ta không nhận ra để thay đổi kịp thời. Dành 15 phút phân tích tư vấn, anh như “nuốt” từng chữ. 50 năm nay, anh đâu có biết những điều này. Và thực tế, thầy thuốc không chia sẻ thì cũng chẳng ai nói với anh những điều như vậy. Bác sĩ xây dựng cho anh phác đồ kiểm tra sức khỏe các chuyên khoa và cả lối sống, chế độ ăn, vận động thể dục. Anh nắm thật chặt tay bác sĩ như để hàm ơn. Còn bác sĩ, cảm giác nhẹ nhõm đi rất nhiều. Vì bác sĩ hiểu rằng mình đã hoàn thành một việc thuộc về trách nhiệm của người thầy thuốc: phòng bệnh cứu người.
Một lần khác trong đêm trực, bác sĩ tham gia đánh giá ca cấp cứu nghi ngờ chấn thương cột sống. Bệnh nhân bị sập hầm than ở Quảng Ninh chuyển lên, toàn thân lơ mơ, đáp ứng chậm, da tái nhợt, xây xát gần như toàn thân… Với trường hợp này, người thầy thuốc luôn cần nhanh chóng đánh giá các dấu hiệu sinh tồn cũng như ưu tiên khảo sát những thương tổn đe dọa đến tính mạng trước. Chúng bao gồm sốc mất máu do vỡ tạng đặc trong ổ bụng, sốc đa chấn thương, suy hô hấp do tràn máu, tràn khí ở phổi, máu tụ cấp tính nội sọ, suy thận cấp do dập hủy cơ vân… Việc khảo sát mức độ tổn thương cột sống chưa phải là ưu tiên số một lúc này, dù bác sĩ chuyên về mảng đó.
Hôm nay giảng cho sinh viên Y năm thứ ba, bác sĩ cũng đã truyền tải thông điệp này đến các bạn − những đồng nghiệp trong tương lai. Đứng trước một bệnh nhân, chúng ta cần có một cái nhìn tổng thể rồi mới đến chi tiết, tuyệt đối không được chăm chăm vào đúng “sở trường” của mình để rồi quên đi những tổn thương nghiêm trọng và nguy hiểm khác, vì cơ thể là một khối thống nhất, không tách rời. Một tầm nhìn hẹp, một góc tiếp cận sai, một thiếu sót cơ bản… có thể sẽ phải trả giá bằng chính mạng sống của một con người. Sự học là muôn đời, không ai có thể biết hết cũng như đảm bảo không mắc sai lầm. Nhưng khi không ngừng học tập vươn lên, chúng ta sẽ ngày càng tiến bộ và có được những tầm nhìn toàn diện hơn, phải không các bạn?
Hà Nội, ngày 2/6/2019