Năm năm về trước, đang đêm bác sĩ nhận được cuộc gọi từ một người em ở thành phố Vinh (Nghệ An) xin tư vấn. Bố em ấy bị nhồi máu cơ tim đang cấp cứu tại bệnh viện tỉnh, gia đình xin ý kiến trước khi chuyển ra Hà Nội. Bác sĩ hội chẩn xin ý kiến từ các chuyên gia tim mạch ngoài này và thống nhất là bệnh nhân cần được can thiệp đặt stent mạch vành cấp cứu ngay tại Nghệ An. Vì với những thương tổn thiếu máu cấp tính, đặc biệt là thiếu máu nuôi tim thì thời gian càng kéo dài, tính mạng bệnh nhân càng bị đe dọa. Bệnh nhân được các đồng nghiệp xử lý trong đêm, qua cơn nguy kịch.
Một lần khác, con trai người bạn kêu đau vùng bìu từ sáng nhưng cả nhà chưa làm gì mà chỉ theo dõi. Lúc gọi cho bác sĩ triệu chứng đau của cháu cũng đã hơn năm tiếng rồi. Với trẻ trai đau bẹn bìu thì tổn thương bác sĩ lo lắng nhất chính là xoắn tinh hoàn hoặc thoát vị bẹn nghẹt, những tổn thương này nếu để quá muộn sẽ đối diện nguy cơ cắt bỏ tinh hoàn hoặc hoại tử ruột do thiếu máu. Bác sĩ hướng dẫn gia đình cho cháu vào viện siêu âm và siêu âm doppler để kiểm tra. Kết quả xoắn tinh hoàn, cháu được mổ cấp cứu và thật may mắn vì tinh hoàn chưa thiếu máu quá lâu nên bảo tồn được.
Câu chuyện thứ ba đau buồn. Bệnh nhân ở Hà Tĩnh chấn thương sọ não nặng, tụ máu nội sọ, phù não lan tỏa. Gia đình quyết tâm đi Hà Nội dù các bác sĩ tại bệnh viện địa phương khuyên mổ cấp cứu lấy máu tụ giải tỏa não ngay, ra đến Thanh Hóa bệnh nhân tử vong, gia đình đành quay xe về quê mai táng.
Cả ba tình huống trên chúng ta đều có thể sử dụng khái niệm “Thời gian vàng” trong Y học để lột tả áp lực về mặt thời gian xử trí. “Thời gian vàng” là những mốc thời gian được đặt ra để người bác sĩ chạy đua với thời gian, với “giờ vàng” nhằm tìm kiếm cơ hội cứu sống tính mạng cho người bệnh trong một số tình huống nhất định. Khi chúng ta bỏ lỡ “giờ vàng” đồng nghĩa với việc bỏ lỡ cơ hội quý giá để cứu sống bệnh nhân. Trong thực hành lâm sàng, hầu hết những thương tổn tuần hoàn máu nuôi tổ chức, cơ quan hoặc những thương tổn sọ não thường liên quan đến giờ vàng. Chúng bao gồm chấn thương sọ não có máu tụ nội sọ nặng tiến triển, những tổn thương xuất huyết (như xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết não, vết thương tim, vết thương mạch máu…), những tổn thương tắc mạch (Nhồi máu phổi, nhồi máu cơ tim, nhồi máu não, huyết khối tắc mạch chi, hội chứng chèn ép các khoang cơ thể, xoắn tinh hoàn, xoắn mạc treo ruột, vết thương đứt rời chi thể...) hoặc những trường hợp nhiễm trùng nhiễm độc (Rắn cắn, ngộc độc hóa chất…). Về nguyên tắc khi gặp tổn thương, yêu cầu mọi xử trí thực hiện càng sớm càng tốt, tuy nhiên mốc giờ vàng trong các cấp cứu thường dao động trên dưới sáu tiếng đồng hồ, đây là quãng thời gian “chịu đựng” tối đa cho những cơ quan, tổ chức và mô khi bị chèn ép, thiếu máu nuôi dưỡng. Với bệnh nhân ở gần những trung tâm thành phố lớn thì còn có nhiều lựa chọn, tuy nhiên với trường hợp ở vùng sâu vùng xa hay những nơi chưa có cơ sở vật chất y tế cũng như trình độ chuyên môn đáp ứng được yêu cầu xử trí thì thực sự nhiều lúc bế tắc, đi không kịp mà ở lại cũng không xong. Hình ảnh bàn tay đứt rời tím đen được người nhà đưa ra viện để nhờ các bác sĩ nối lại cho bệnh nhân đã ám ảnh bác sĩ nhiều năm nay, vì gia đình không biết cách sơ cứu, vì bệnh nhân không thể đến sớm do đường xa, các bạn ạ. Xót xa vô cùng.
Mỗi chúng ta cần chủ động tìm hiểu nhằm phát hiện sớm những tình huống tối cấp cứu trong Y học cũng như biết cách sơ cứu vận chuyển để kịp thời đưa bệnh nhân đến viện nhanh nhất có thể. Đó chính là đã góp công lớn cùng đội ngũ y bác sĩ nâng cao cơ hội chữa trị thành công cho bệnh nhân. Thêm nữa, nước xa không cứu được lửa gần, trong nhiều tình huống chúng ta cần tỉnh táo để đưa ra quyết định đúng đắn, kịp thời nhằm cứu sống bệnh nhân, ở đó việc xin tư vấn chuyên môn từ các chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực đó là rất quan trọng, các bạn nhé!