Ở bất kì độ tuổi nào, căng thẳng độc hại cũng đều không tốt cho sức khỏe, nhưng có những khoảng thời gian nhất định trong cuộc đời, mức độ nguy hại của nó cao hơn hẳn. Giống như rối loạn ăn uống có thể gây nguy hại nghiêm trọng cho những cơ thể non trẻ và đang phát triển, căng thẳng mãn tính có thể gây ra những ảnh hưởng mang tính tàn phá đối với những bộ não non trẻ và đang phát triển.
Những khoảng thời gian não bộ con người dường như nhạy cảm nhất với căng thẳng bao gồm: 1) trong thai kì (những người phụ nữ mang thai bị căng thẳng trầm trọng có thể sinh ra những đứa con có phản ứng mạnh hơn với căng thẳng), 2) những năm tháng đầu đời, khi các mạch thần kinh dễ bị ảnh hưởng, và 3) trong giai đoạn vị thành niên – ở giữa thời thơ ấu và tuổi trưởng thành – thời kì vô cùng mạnh mẽ nhưng lại dễ bị tổn thương.23
Hãy cùng xem xét não bộ của trẻ vị thành niên kĩ hơn, vì nó vô cùng năng động. Ngoài mấy năm đầu đời, trẻ em trong độ tuổi 12-18 tuổi có não bộ phát triển mạnh hơn bất kì giai đoạn nào khác trong cuộc đời. Não bộ trẻ vị thành niên tạo ra những liên kết và đường dẫn truyền thần kinh mới quan trọng, nhưng các chức năng nhận thức của vùng vỏ não trước trán, cái nôi của óc phán đoán, vẫn chưa trưởng thành cho đến khoảng 25 tuổi. (Chức năng kiểm soát cảm xúc trưởng thành khoảng ở tuổi 32!) Khi hệ thống phản hồi căng thẳng được bật lên trong khoảng thời gian kéo dài, vùng vỏ não trước trán không thể phát triển như bình thường. Điều này thực sự gay go vì tuổi vị thành niên dễ bị tổn thương do căng thẳng hơn là trẻ nhỏ và người trưởng thành.
Trẻ vị thành niên bình thường, kể cả những trẻ không hề gặp phải bất cứ tác nhân gây căng thẳng đặc biệt nào, cũng có những phản hồi căng thẳng thái quá. Trong một nghiên cứu ở Cornell do B.J. Casey đứng đầu, trẻ vị thành niên được xem hình ảnh của các khuôn mặt đang sợ hãi, hạch hạnh nhân của chúng phản ứng mạnh hơn nhiều so với hạch hạnh nhân của trẻ em và người lớn. Khi nói trước đám đông, nhóm trẻ vị thành niên cũng thể hiện phản hồi căng thẳng mạnh hơn các nhóm khác. Nghiên cứu trên động vật cho thấy sau một thời gian bị căng thẳng kéo dài, não của người trưởng thành thường sẽ hồi phục trong vòng 10 ngày, trong khi não của trẻ vị thành niên cần tới 3 tuần. Trẻ vị thành niên cũng có sức chịu đựng căng thẳng thấp hơn người lớn. Chúng dễ mắc các chứng bệnh liên quan tới căng thẳng như cảm lạnh, đau đầu, hay đau dạ dày.24
Lo âu sản sinh lo âu, dù ở bất kì độ tuổi nào, nhưng một nghiên cứu năm 2007 cho thấy, điều này đặc biệt đúng với thanh thiếu niên.25 Não bộ phản hồi căng thẳng bằng cách giải phóng một loại steroid tên là THP giúp làm dịu các tế bào thần kinh và giảm lo âu. Nhưng mặc dù THP có tác dụng trong một nghiên cứu về chuột trưởng thành, như một thứ thuốc an thần trong não, nó lại không có mấy tác dụng ở chuột đang lớn. Điều này có nghĩa là tuổi vị thành niên là thời kì khó khăn: dễ bị tổn thương do căng thẳng, và có rất ít công cụ để chống lại nó. Lo âu tự mình tích tụ, và ít có hi vọng được giải tỏa.
Điều này cũng đúng với trầm cảm, nó dường như để lại các “vết sẹo” trong não, khiến cho lượng căng thẳng cần để kích thích cơn trầm cảm sau này ngày càng nhỏ. Cuối cùng, trầm cảm có thể phát triển mà không cần một tác nhân gây căng thẳng nào từ môi trường. Những người trưởng thành từng trải qua một đợt trầm cảm nghiêm trọng ở tuổi vị thành niên có nguy cơ gặp phải các vấn đề lâu dài trong công việc, các mối quan hệ, và niềm vui mà họ có được trong cuộc sống.26 Kể cả sau khi thanh thiếu niên có vẻ như đã hồi phục hoàn toàn, những người này vẫn dễ có những triệu chứng nhẹ nhưng dai dẳng như bi quan, các vấn đề về giấc ngủ, hay các vấn đề về ăn uống, khiến họ về sau dễ mắc trầm cảm hơn.27
Bill kiểm tra đánh giá Jared lần đầu tiên khi cậu bé lên mười tuổi để xem cậu có mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) hay không (cậu bé mắc chứng này). Jared là một cậu bé vui vẻ, hài hước, cho bạn cảm giác dễ chịu khi ở bên cạnh. Bố mẹ và thầy cô tự hào vì tính cách tích cực của cậu bé, cũng là điều khiến cậu được những người khác yêu mến. Mọi người gọi cậu bé là Đứa trẻ Teflon(1), vì các vấn đề đều bắt nguồn từ cậu.
(1) Teflon Kid: Năm 1988, Daniel Kemp định nghĩa Teflon Kids là những đứa trẻ không bị tác động bởi bất cứ điều gì: hình phạt, cảm giác tội lỗi, lời khen, hứa hẹn, thao túng, phần thưởng… Những đứa trẻ này thường có vẻ vô tâm, cô độc, tăng động, hung hăng và cực kì ích kỉ. Sau khi con người hiểu biết về các chứng rối loạn như ADD, ADHD thì thuật ngữ này gần như không còn tồn tại nữa.
Lần tiếp theo Bill đánh giá Jared là khi cậu 16 tuổi và là học sinh trung học năm thứ hai. Cậu bé học rất tốt và rất quyết tâm vào trường Đại học Duke. Tuy thế, Bill phải rất khó khăn mới biết được rằng sau khi bước vào trường trung học, Jared bị trầm cảm và từ đó phải uống thuốc chống trầm cảm. Cậu kể với Bill rằng áp lực lớn về việc học cộng với việc luôn luôn cảm thấy mệt mỏi cuối cùng đã khiến cậu suy sụp tinh thần, khiến cậu trở nên bi quan và nản lòng. Cậu giải thích, ngay cả khi có sự trợ giúp của thuốc, cậu vẫn cảm thấy cực kì căng thẳng và kiệt sức, một phần là do cậu thường xuyên phải thức khuya tới tận mười hai giờ rưỡi hay một giờ sáng để làm bài tập. Cậu cảm thấy cậu phải thức khuya như vậy: “Em sợ nếu mình đi ngủ sớm hơn, một học sinh ở Idaho sẽ thức tới tận một giờ sáng và chiếm mất suất vào Đại học Duke của em.”
Jared chắc chắn không phải sống cả đời với chứng trầm cảm nghiêm trọng, nhưng cậu luôn dễ mắc phải chứng trầm cảm này. Câu chuyện của cậu là một lời cảnh tỉnh sâu sắc về những thay đổi to lớn có thể xảy đến khi trẻ em bị căng thẳng và mệt mỏi trong một thời gian dài, và sự căng thẳng có thể làm biến đổi bản tính vui tươi tự nhiên của trẻ. Trên thực tế, thông qua quá trình làm việc với những đứa trẻ như Jared, Bill đã đi đến kết luận rằng quá căng thẳng và quá mệt mỏi trong một thời gian dài chính là công thức tạo ra chứng lo âu và trầm cảm.