Xã hội của chúng ta có xu hướng nghĩ rằng “nếu làm việc đủ chăm chỉ thì điều gì cũng có thể làm được”. Nếu ai đó thất bại, thì câu nói nguy hiểm theo sau là, chắc là người đó cố gắng chưa đủ. Có sự khác biệt rất lớn trong năng lực bẩm sinh của con người và trong cách thức bộ não của họ hoạt động. (Mỗi người sẽ có tốc độ xử lí, trí nhớ và sức chịu đựng căng thẳng khác nhau). Và bạn có thể cố gắng rất nhiều, nhưng vẫn không đạt được điều mình muốn. Câu hỏi thực sự là, bạn hiểu được điều gì từ thất bại đó? Bạn xem nó là một phán quyết đối với giá trị của bản thân? Bạn quyết định sẽ tìm ra một chiến lược khác? Hay bạn chấp nhận điều đó và thử một mục tiêu khác?
Ned nhìn thấy điều này thể hiện rõ rệt trong việc tuyển sinh đại học. Quan điểm cho rằng tuyển sinh là một quá trình chiêu mộ nhân tài thuần túy gây ra sự căng thẳng – và nó cũng không chính xác. Các trường đại học coi trọng kết quả học tập, chắc chắn là vậy, nhưng hầu hết các trường đều có sự ưu tiên cho vận động viên, sinh viên có người thân từng theo học trường đó, và sinh viên thuộc các nhóm đa dạng (kinh tế xã hội, địa lý, dân tộc, thế hệ đầu tiên học đại học). Trường Harvard có thể tuyển đủ chỉ tiêu với toàn các học sinh da trắng giàu có từ Massachusetts với điểm trung bình 4.0 hay điểm SAT trên 1400. Nhưng họ không làm thế. Nếu một học sinh không trúng tuyển nguyện vọng 1, liệu điều đó có đồng nghĩa với việc học sinh đó không đủ cố gắng? Đương nhiên là không. Có rất nhiều yếu tố mà bạn không thể kiểm soát, ví dụ như số lượng thí sinh đăng kí, hay đột nhiên đại diện tuyển sinh hôm đó trải qua một ngày tồi tệ, hoặc quá mệt mỏi khi phải xem nhiều hồ sơ ứng tuyển của học sinh các trường tư thục ở Iowa có đai đen và nói tiếng Nga. Khi chúng ta nhận hết trách nhiệm về mình và tin rằng mình có thể kiểm soát những thứ không thể kiểm soát, chúng ta đã tự đưa mình vào thế nguy hiểm.
Mục tiêu chủ đạo của cuốn sách này là giúp phụ huynh hỗ trợ con trẻ nâng cao sức chịu đựng căng thẳng – khả năng hoạt động tốt trong những tình huống căng thẳng – và “loại bỏ” căng thẳng thay vì để chúng tích tụ lại. Sức chịu đựng căng thẳng có mối liên hệ mật thiết với sự thành công ở mọi khía cạnh trong cuộc sống. Chúng ta muốn thử thách con cái mà không làm chúng cảm thấy choáng ngợp, muốn chúng phát triển mà không làm chúng tổn thương. Chúng ta muốn con cái trải qua một số căng thẳng tích cực và căng thẳng có thể chịu được, nhưng theo cách thức đúng đắn và với sự hỗ trợ thích hợp. Chúng ta muốn đem đến cho não bộ của con sự hỗ trợ và không gian cần thiết để phát triển khỏe mạnh. Câu hỏi làm thế nào sẽ luôn đưa ta quay trở lại với ý thức tự kiểm soát. Ý nghĩa của điều này đối với bạn trong vai trò là phụ huynh sẽ được làm rõ trong chương tiếp theo, khi chúng tôi khuyến khích bạn trở thành người tư vấn cho con, chứ không phải sếp hay người quản lý của chúng.