• Lên danh sách các công việc mà con bạn có quyền kiểm soát. Bạn có thể thêm gì nữa vào danh sách đó không?
• Hỏi con bạn xem liệu có điều gì mà con cảm thấy muốn được kiểm soát mà hiện tại con chưa được làm không?
• Trong khi lập kế hoạch, hãy cân nhắc ngôn ngữ của bạn. Bạn sẽ nói: “Hôm nay chúng ta sẽ làm điều này và sau đó là điều kia”, hay bạn sẽ đưa ra vài lựa chọn?
• Hãy nói với con (nếu chúng từ mười tuổi trở lên) những câu kiểu như: “Bố/mẹ vừa đọc được điều này hay lắm. Có bốn thứ trong cuộc đời khiến chúng ta căng thẳng: tình huống mới, tình huống mà chúng ta không thể đoán trước, tình huống mà chúng ta cảm thấy có thể bị tổn thương/xấu hổ hoặc bị chỉ trích, và tình huống khi con cảm thấy mình không kiểm soát được những gì đang diễn ra. Bố/mẹ thấy rất hay, vì trong công việc, bố thấy mình căng thẳng nhất khi bố cần phải làm một việc gì đó, nhưng bố không thể kiểm soát tất cả mọi thứ cần thiết để có thể hoàn thành công việc. Có điều gì khiến con căng thẳng không?” Bằng cách nhận diện căng thẳng trong cuộc sống của mình và nói về nó, bạn đang làm mẫu cho con về việc nhận thức căng thẳng, một bước quan trọng hạn chế tác hại của căng thẳng. Giống như câu thành ngữ: “Bạn phải chỉ mặt gọi tên mới mong chế ngự được nó.”(1)
(1) Bản gốc là câu You’ve got to name it to tame it, xuất phát từ cụm từ Name it to tame it, một chiến thuật làm cha mẹ do tác giả, tiến sĩ Daniel Siegel đề xướng trong cuốn sách The whole brain child (Dan Siegel và Tina Payne Bryson). Name it to tame it có thể hiểu đơn giản là nhận biết, gọi tên cảm xúc mà mình đang trải qua để giúp bản thân bình tâm lại, từ đó có thể giải quyết vấn đề hiệu quả. Chiến lược này giúp giảm bớt căng thẳng.
• Nếu con bạn thực sự đang rất lo âu, hãy tìm một bác sĩ nhi khoa. Hãy xác định xem có cần thiết phải cần đến sự can thiệp chuyên khoa không. Nghiên cứu chỉ ra rằng điều trị chứng lo âu từ sớm giúp giảm thiểu đáng kể nguy cơ tái phát.
• Khi con quá lo lắng, bạn có thể nói cho con biết là con an toàn, và bạn luôn ở bên con, nhưng đừng nhấn mạnh nó quá mức. Hãy cho trẻ biết bạn tin rằng trẻ có khả năng ứng phó với các tác nhân gây căng thẳng trong cuộc đời trẻ. Nhưng đừng coi nhẹ những cảm xúc của trẻ hay cố gắng xử lí thay con.
• Hãy suy nghĩ về những cách thức mà dù vô tình hay cố ý, bạn có thể đang cố gắng ngăn con trải qua các tình huống căng thẳng nhẹ mà con có thể trưởng thành từ đó. Bạn có quá chú trọng vào vấn đề an toàn hay không? Có những tình huống nào bạn có thể cho con độc lập hơn hay nhiều lựa chọn hơn không?
• Trong nhiều năm qua, hàng tá các thang đo được phát triển để đo lường ý thức tự kiểm soát của một người. Thang đo đầu tiên có lẽ là Thang đo Rotter do J. B. Rotter phát triển năm 1966. Chúng tôi khuyến khích bạn sử dụng thang đo này để đánh giá điểm mạnh và những khó khăn của chính bạn đối với sự tự chủ. Đối với trẻ em, chúng tôi ưa thích thang đo của Steven Nowicki và Bonnie Strickland, với những câu hỏi như “Bạn có nghĩ rằng bạn có thể ngăn mình bị cảm lạnh không?” hay “Khi một người không thích bạn, bạn có thể làm gì đối với việc đó không?” Bạn có thể sẽ ngạc nhiên với mức độ tự chủ của con mình.