Cha mẹ là người tư vấn
Bill đã từng làm việc với một cậu bé 15 tuổi tên là Jonah, cậu rất ghét bài tập về nhà. Điều mà cậu ghét hơn cả bài tập về nhà chính là việc ba mẹ cậu luôn dọa nạt và giám sát liên tục. Khi Bill yêu cầu Jonah kể về một buổi tối điển hình ở nhà, Jonah nói: “Gia đình em thường ăn tối trong khoảng sáu giờ tới sáu rưỡi. Và sau đó, em được xem TV từ sáu rưỡi tới bảy giờ. Tiếp đến, từ bảy giờ tới tám rưỡi, em giả vờ làm bài tập về nhà.”
Một tiếng rưỡi giả vờ làm bài tập về nhà? Cậu bé đã dành rất nhiều nỗ lực cho việc không làm gì. Hãy tưởng tượng, Jonah ngồi đó, bài tập về nhà ngay trước mặt, tìm ra đủ lí do cho việc cậu không làm những bài tập đó. Tại sao cậu bé không làm quách cái việc đó cho rồi? Một phần, cậu quá mệt mỏi khi phải nghe những lời phàn nàn cố hữu của ba mẹ:
“Con chỉ có một cơ hội duy nhất để được vào một trường đại học tốt, vậy mà con đang bỏ lỡ nó đấy.”
“Lớn lên, con sẽ cảm thấy biết ơn ba mẹ.”
“Con sẽ phải học cách làm những việc mình không muốn.”
“Nếu con không học được cách thành công trong học tập, làm sao con có thể thành công trong cuộc sống?”
Bố mẹ của Jonah có ý tốt, nhưng trong những lời nói không mấy dễ nghe đó, có một thông điệp to và rõ ràng: Bố mẹ biết cái gì tốt cho con, còn con thì không. Hãy tượng tượng, nếu bạn nói chuyện với chồng/vợ mình mà đối phương nói những câu như:
“Hôm nay công việc của em ổn không? Dự án của em được đánh giá tốt chứ? Em biết rằng làm việc nghiêm túc quan trọng như thế nào, đúng không? Ý anh là, anh biết không phải lúc nào mọi việc cũng dễ dàng hay vui vẻ, nhưng em thực sự cần biết rằng nếu được thăng chức, em sẽ có nhiều cơ hội hơn trong tương lai. Có vẻ như em chưa bao giờ cố gắng hết mình. Lẽ ra em có thể cố gắng hơn một chút.”
Chắc bạn đã hiểu được vấn đề ở đây – những câu đó sẽ làm bạn phát điên. Chúng cũng làm Jonah khổ sở. Cách duy nhất khiến cậu bé cảm thấy cậu có thể khẳng định cái tôi của mình chính là không làm bài tập.
Chúng ta biết tại sao bố mẹ của Jonah lại làm như vậy. Họ yêu cậu bé hơn bất cứ thứ gì, và họ đau khổ khi thấy cậu bé không chuyên tâm học hành. Họ biết năng lực của con mình, và họ cảm thấy cậu bé đang tự hủy hoại bản thân, đang tự giới hạn con đường tương lai của chính mình chỉ vì quá bướng bỉnh, vô kỉ luật và quá trẻ con, mới 15 tuổi, làm sao tự làm được việc. Họ có thể nhìn thấy bức tranh toàn cảnh, nhưng cậu bé thì không. Và nếu họ có thể cứng rắn với con, nếu họ thúc ép và buộc con học tập, họ có thể giúp con không bị sa lầy và tránh được những hậu quả mà con chưa nhìn thấy được. Họ làm như vậy không chỉ vì họ muốn cậu bé thành công, mà bởi vì đó là trách nhiệm của họ với tư cách là những người làm cha mẹ.
Đây là cách suy nghĩ của rất nhiều cha mẹ yêu con. Nhưng chúng tôi sẽ yêu cầu bạn buông bỏ cách nghĩ này. Trước hết, nó không hiệu quả. Cho dù bố mẹ Jonah có cố gắng bảo vệ Jonah khỏi bản thân cậu thế nào đi nữa, cậu bé vẫn tiếp tục lãng phí thời gian của mình và của bố mẹ, vì cậu không nhận được thông điệp từ môi trường xung quanh rằng “Đây là việc của con, đây là cuộc đời con, và con chỉ nhận được từ nó những gì con đầu tư cho nó.” Cậu cần bố mẹ đưa ra sự trợ giúp, nhưng đồng thời để cho cậu biết là họ hiểu được rằng không ai có thể bắt cậu làm việc. Trong nhiều năm, Bill đã gặp rất nhiều trẻ giống như Jonah trở nên thành công, nhưng điều này chỉ xảy ra khi ba mẹ và thầy cô giáo đã từ bỏ việc cố gắng làm cho bọn trẻ thành công và bọn trẻ được cho cơ hội để tự mình tìm ra nó.
Ở chương này, chúng tôi sẽ giải thích tại sao việc cố gắng kiểm soát con cái sẽ không mang lại kết quả như bạn mong đợi, và tại sao việc đó lại có nguy cơ tạo ra những đứa trẻ luôn luôn cần được hối thúc vì động lực bên trong của trẻ hoặc là chưa phát triển, hoặc là đã bị áp lực bên ngoài mài mòn. Chúng tôi cũng sẽ yêu cầu bạn cân nhắc một triết lý khác thay cho triết lý cha mẹ là người cưỡng chế: cha mẹ là những người tư vấn.
Hãy nghĩ đến những việc làm của những người tư vấn giỏi trong thế giới kinh doanh: Họ hỏi vấn đề là gì, và vấn đề nào quan trọng nhất. Họ hỏi xem khách hàng sẵn sàng cam kết, hay hi sinh cái gì để đạt được mục tiêu mong muốn. Họ đưa ra lời khuyên, nhưng họ không cố gắng ép buộc khách hàng phải thay đổi, bởi họ nhận thức được rằng đó hoàn toàn là trách nhiệm của khách hàng.
“Đây là con tôi, không phải khách hàng”, bạn có thể nghĩ vậy. Đúng thế. Nhưng một điều khác cũng đúng, đó là cuộc đời của con bạn, chứ không phải của bạn.
Bản năng của chúng ta khi làm cha mẹ là bảo vệ và chỉ dẫn cho con, thông thường kèm theo giả định rằng chúng ta biết điều gì là tốt nhất cho con. Với trẻ sơ sinh, điều này nhìn chung là đúng. Chúng ta phải đảm nhận trách nhiệm quản lý tất thảy mọi mặt cuộc sống của con. Nhưng ngay cả những em bé sơ sinh cũng biết khẳng định dấu ấn cá nhân của mình theo những cách khác nhau, có thể hoàn toàn khiêm tốn – và đáng sợ. Hãy nghĩ đến những em bé sơ sinh không chịu ngủ, hay không chịu ăn. Các chuyên gia về trẻ sơ sinh và sự phát triển của trẻ sơ sinh nhấn mạnh tầm quan trọng của việc điều chỉnh cho phù hợp với nhu cầu và tính cách của con trẻ.
Mỗi khi có phụ huynh tìm đến chúng tôi vì các mối lo ngại về việc thiếu động lực, khó hòa nhập với bạn bè, hoặc kết quả học tập kém, chúng tôi thường bắt đầu bằng cách đặt cho họ một câu hỏi đơn giản: “Đây là vấn đề của ai?” Đây vốn là một câu hỏi tu từ, nhưng phụ huynh thường nhìn chúng tôi có phần bất ngờ. Khi trẻ khóc vì bị hai đứa bạn tẩy chay, hoặc bị giáo viên la mắng trước mặt cả lớp, bạn rất dễ cảm thấy đó là vấn đề của chính mình. Trông thấy con buồn, bạn cũng buồn – có rất ít việc khiến cha mẹ tức giận hơn là trông thấy người ta cư xử không phải với con mình. Bạn có thể vẫn còn đau lòng rất lâu sau khi con đã quên. Nhưng rõ ràng, đó là vấn đề của trẻ, không phải của bạn.
Đây là một nhận thức rất khó chấp nhận với nhiều bậc phụ huynh, những người luôn mong điều tốt đẹp nhất cho con, và muốn bảo vệ con càng nhiều càng tốt. Nhưng thực tế là nếu bạn muốn cho con ý thức tự kiểm soát nhiều hơn, bạn phải nới lỏng bản thân nhiều hơn. Người tư vấn mất bình tĩnh khi công ty không đạt mục tiêu, hoặc không phát huy tiềm năng tối đa cũng trở thành một phần của vấn đề. Hãy lưu ý rằng việc của cha mẹ không phải là giải quyết những rắc rối của con, mà là giúp con học cách sống cuộc đời mình. Điều này có nghĩa là dù chúng ta nên chỉ dẫn, hỗ trợ, dạy dỗ, giúp đỡ và đặt ra giới hạn cho con, chúng ta cũng nên rõ ràng – với con và chính bản thân ta – rằng cuộc sống của con là của riêng con. Như Eckhart Tolle đã viết: “Con cái đến với thế giới này thông qua bạn, nhưng chúng không phải là ‘của bạn.”’1
Chúng tôi không nói rằng đây là việc dễ dàng. Rốt cuộc thì chúng ta đầu tư rất nhiều cho con cái, và một điều có thể khiến ta lo sợ là nhận ra rằng chúng ta có rất ít quyền kiểm soát đối với con. Nhưng nhiều năm kinh nghiệm đã dạy cho chúng tôi rằng cố gắng ép buộc trẻ làm những điều mà bạn nghĩ là đem lại lợi ích tốt nhất cho trẻ sẽ làm tổn hại mối quan hệ của bạn và trẻ, đồng thời lãng phí nguồn năng lượng mà lẽ ra bạn có thể sử dụng để tăng cường mối quan hệ đó bằng những cách khác.