“Tôi kinh hãi khoảng thời gian từ bữa tối cho đến khi đi ngủ, vì chúng tôi toàn ‘chiến tranh’,” một phụ huynh nói.
“Nó chẳng khác gì chiến trường,” một người khác chia sẻ.
“Chiến tranh thế giới thứ ba diễn ra trong nhà tôi mỗi đêm.”
Chúng tôi sửng sốt trước tần suất cha mẹ sử dụng hình ảnh ẩn dụ chiến tranh khi nói về việc làm bài tập về nhà của trẻ hằng đêm. Có một điều giúp bạn hình dung được quy mô của các Cuộc chiến Bài tập về nhà đó là cả ba ý kiến trích dẫn ở trên đều được chia sẻ với Bill trong cùng một tuần. Vì thế, chúng tôi nhận thấy rằng không có diễn đàn nào thảo luận về những hoài nghi và quan ngại của cha mẹ về mô hình cha-mẹ-là-người-tư-vấn tốt hơn là diễn đàn về cuộc chiến bài tập. Chính vì vậy, mặc dù chương này nói về bài tập về nhà nhưng thực ra còn nhiều hơn thế.
Có ba lí do chính cho thấy cuộc chiến bài tập về nhà không có ý nghĩa gì.
Thứ nhất, có thể bạn đang cố ép buộc các nguyên tắc và thái độ mà bạn không thực sự tin tưởng. Một ông bố hoảng sợ khi thấy mình nói chuyện với cô con gái mười tuổi về tầm quan trọng của việc ghi nhớ tên tất cả thủ phủ của các bang – mặc dù, theo lời ông nói, “Tôi học xong đại học và trường luật, nhưng nếu buộc phải nói thật thì, tôi chẳng hề biết thủ phủ của Wyoming là gì.” (Đó là Cheyenne. Nhưng làm ơn đừng có kiểm tra chúng tôi về thủ phủ của 49 bang còn lại.) Cha mẹ thường cảm thấy mình có trách nhiệm phải đảm bảo con cái hoàn thành bài tập về nhà mà không nghĩ đến mục tiêu cơ bản của việc đó: nuôi dạy những người học tò mò và có khả năng tự học.
Thứ hai, khi cha mẹ cố gắng nhiều hơn so với trẻ nhằm giải quyết các vấn đề của trẻ, trẻ sẽ trở nên yếu đuối hơn, chứ không cứng cỏi hơn. Nếu bạn sử dụng 95 đơn vị năng lượng của mình để giúp trẻ thành công, trẻ sẽ chỉ sử dụng 5 đơn vị năng lượng. Nếu bạn quá bực mình hoặc lo lắng, dùng 98 đơn vị năng lượng để hành động mạnh tay hơn, trẻ sẽ phản hồi tương ứng, và chỉ dùng 2 đơn vị năng lượng. Trong trường hợp của Jonah, cậu bé có một gia sư, một nhà trị liệu, một cố vấn học tập ở trường – những người thường xuyên liên lạc và thông báo với cha mẹ cậu về các bài tập cậu bé còn thiếu. Jonah không hề tự mình bước một bước nào. Mô hình phản tác dụng này sẽ không thay đổi cho đến khi nguồn năng lượng thay đổi, thường xảy ra khi cha mẹ đã hoàn toàn nổi điên và nói “Cha/mẹ không thể chịu nổi nữa. Con tự mình xoay xở đi.”
Nếu bạn hành động như thể trách nhiệm của bạn là phải nhìn thấy con mình làm bài tập về nhà, tập đàn piano, hay chơi thể thao, bạn đang củng cố một niềm tin sai lệch rằng ai đó, chứ không phải trẻ, là người chịu trách nhiệm hoàn thành công việc của trẻ. Trẻ không cần phải suy nghĩ đến trách nhiệm ấy, bởi vì ở một mức độ nào đó, trẻ biết rằng cuối cùng cũng sẽ có ai đó “buộc” trẻ thực hiện.
Thứ ba, có lẽ đây là điểm mấu chốt, bạn không thể ép buộc một đứa trẻ làm một việc gì mà nó thà chết chứ không làm. Niềm tin rằng bạn nên và phải cố gắng làm vậy cuối cùng sẽ chỉ khiến bạn phát cáu khi mọi việc không như ý.
Có lẽ bạn đã từng được nghe những Lời nguyện An tĩnh(1), những câu như: “Xin Chúa, hãy cho con sự điềm tĩnh để chấp nhận những gì con không thể thay đổi, lòng dũng cảm để thay đổi những gì con có thể, và sự khôn ngoan để nhận ra sự khác biệt giữa hai điều ấy.” Cha mẹ cũng cần ghi nhớ những điều này. Chúng tôi giúp bạn làm rõ nghĩa của chúng ra như sau:
(1) Lời nguyện An tĩnh (The Serenity Prayer) là lời nguyện do Reinhold Niebuhr viết vào khoảng năm 1932 - 1933.
1. Bạn không thể ép trẻ làm những việc trái với mong muốn của trẻ.
2. Bạn không thể ép trẻ muốn những điều trẻ không muốn.
3. Bạn không thể ép trẻ không muốn những điều trẻ muốn.
4. Ít nhất là tại thời điểm hiện tại, việc trẻ muốn những điều chúng muốn và không muốn những điều chúng không muốn là hoàn toàn bình thường.
Khi chúng tôi nêu lên quan điểm trong các bài giảng rằng bạn không thể ép ai đó làm điều gì trái với ý muốn của họ, rất nhiều người sẽ gật đầu đồng ý, như thể điều đó quá hiển nhiên. Nhưng rất nhiều người sẽ phản đối kịch liệt. (Một nhà tâm lí học ở trung tâm của Bill nói: “Đừng nói điều đó với những đứa con của tôi!”) Vấn đề về việc ép buộc này có thể gây ra phản ứng cảm xúc dữ dội. Khi Bill nói điều này với một nhóm giáo viên và trợ giảng, một giáo viên tức giận tranh luận: “Tất nhiên là có thể. Tôi vẫn luôn ép học sinh của tôi học tập.” Nhưng điều đó không thực sự chính xác. Giả sử, con bạn không muốn ăn những món mà bạn nấu, và bạn định “ép” trẻ. Bạn sẽ làm gì? Bạn có bắt con phải mở miệng ra, tống đồ ăn vào, rồi ép hai hàm nhai lên nhai xuống? Nếu bạn làm vậy, ai là người đang ăn thực sự? Đứa trẻ không ăn – trẻ đang bị ép ăn. Với bài tập về nhà, nếu con bạn thực sự kháng cự việc bạn ép trẻ học, bạn định làm gì? Kéo mắt trẻ mở ra, đưa trang sách tới trước mặt trẻ chăng? Cho dù bạn có thể làm như thế và thực sự có tác dụng, liệu điều đó có gì tốt cho trẻ? Liệu trẻ có thực sự đang học?
Ned có một học sinh bị mẹ ép phải nộp hồ sơ vào Đại học Chicago nếu cô bé không đỗ nguyện vọng 1. Cô bé nói “Nhưng mẹ ơi, con không thích Chicago.”
“Chẳng sao cả. Đó là một trường tốt”, người mẹ trả lời.
“Con sẽ không nộp hồ sơ đâu”, cô bé quả quyết.
“Mẹ sẽ gửi hồ sơ cho con, còn chị con sẽ viết bài luận”, người mẹ vẫn khăng khăng.
May mắn thay, cô bé đậu nguyện vọng 1 trước khi cuộc chiến ý chí nổ ra. Nhưng chúng tôi lo ngại những gì đang diễn ra trong gia đình đó.
Thỉnh thoảng, chúng ta có thể ngăn cản trẻ em và thanh thiếu niên làm những việc mà chúng ta không muốn trẻ làm, bằng cách ra tay ngăn cản hay chỉ ra những hậu quả nghiêm trọng. Chúng ta có thể thực hiện những hành động như đưa trẻ đến phòng khám nha khoa, mặc cho trẻ đấm đá và gào thét. Chúng ta có thể cố gắng điều chỉnh cách đề xuất để cố gắng có được sự hợp tác hoặc sự đồng ý của trẻ. Và chúng ta có thể cố gắng khuyến khích trẻ bằng cách đưa ra phần thưởng hoặc đe dọa. Nhưng trên thực tế, bạn không thể bắt ép trẻ làm bất cứ việc gì cả. Chúng ta không sống trong một thế giới độc tài Cỗ Máy Con Người, nơi mà hành vi của con người có thể bị điều khiển bằng cách kết nối họ vào những cỗ máy. Cố gắng lắm thì chúng ta cũng chỉ có thể làm cho mọi thứ khó chịu đến mức trẻ phải nghe lời. Cho dù đôi khi phương pháp này có hiệu quả trong thời gian ngắn, nhưng về lâu dài thì không. Nó giống như nỗi sợ - một nguồn động lực ngắn hạn khiến bạn chạy nhanh hơn, nhưng để lại những hậu quả tiêu cực về lâu dài, bởi vì ai có thể sống theo cách đó chứ?
Chấp nhận thực tế rằng bạn không thể ép buộc con cái chính là tự giải phóng. Bạn có thể buông bỏ áp lực. Lần sau, nếu bạn thấy mình đang ép con làm việc gì đó, hãy dừng lại và tự nhủ: “Tình huống này có gì đó không ổn. Mình đang hành động như thể mình có thể ép con làm việc này, nhưng thực sự thì mình không thể làm được.”
Đây là thông điệp mà Bill gửi tới ba mẹ của Jonah. Anh giải thích rằng việc họ cố gắng nắm quyền kiểm soát đã kích thích Jonah quyết tâm thể hiện quyền kiểm soát của riêng cậu, cho dù điều đó đồng nghĩa với việc làm ngược lại những điều có lợi cho cậu. Bằng cách cho Jonah biết rằng cậu là người hoàn toàn chịu trách nhiệm đối với bài tập về nhà của mình, ba mẹ cậu đã giải phóng để cậu thoát khỏi phản ứng chiến đấu quyết liệt chống lại bất kì sự áp đặt kiểm soát nào. Bill cũng muốn ba mẹ Jonah hiểu rằng họ không nhất thiết lúc nào cũng phải thể hiện sự phản đối chỉ bởi vì họ lo lắng về một vài lựa chọn của Jonah. Họ có thể - và nên - thư giãn và vui vẻ với cậu mà không phải nghĩ rằng mỗi phút ở bên con đều cần phải thể hiện mức độ nghiêm trọng của tình huống.
“Vậy ý anh là gì?”, ba mẹ cậu hỏi “Chúng tôi nên để thằng bé trượt dốc sao?”
Câu hỏi của họ thể hiện một sự nhầm lẫn phổ biến. Cha mẹ thường nghĩ rằng chỉ có hai cách nuôi dạy con: độc đoán và dễ dãi. Cha mẹ độc đoán đặt việc nghe lời lên hàng đầu, còn cha mẹ dễ dãi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc con cái luôn hạnh phúc và luôn cố gắng đáp ứng mọi nguyện vọng của con để khiến con vui vẻ.
Nhưng gần như tất cả các chuyên gia về sự phát triển của trẻ em, bao gồm các nhà tâm lí học và tác giả nổi tiếng như Madeline Levine và Laurence Steinberg, đã tán thành cách thứ ba: Cha mẹ quyết đoán. Kiểu làm cha mẹ này đòi hỏi sự hỗ trợ, chứ không phải sự kiểm soát. Cha mẹ quyết đoán mong muốn con mình hợp tác, bởi vì họ yêu và tôn trọng trẻ, và muốn trẻ học từ chính trải nghiệm của trẻ. Ít nhất là nghiên cứu trong suốt 60 năm đã chứng minh rằng cha mẹ quyết đoán là phương pháp hiệu quả nhất.2 Kiểu làm cha mẹ này nhấn mạnh sự tự định hướng và coi trọng sự trưởng thành hơn là vâng lời. Đó là kiểu làm cha mẹ với thông điệp rằng “Cha mẹ sẽ làm mọi thứ có thể để giúp con thành công, nhưng sẽ không cố gắng ép buộc con phải làm việc đó chỉ vì cha mẹ nói như vậy.” Cha mẹ quyết đoán không để con tùy ý. Họ đưa ra các giới hạn, và sẽ lên tiếng khi họ cảm thấy có điều gì đó không ổn, nhưng họ không kiểm soát. Với phương pháp làm cha mẹ quyết đoán, bộ não đang phát triển của trẻ không phải sử dụng một lượng lớn năng lượng để chống lại những thứ vốn có lợi cho trẻ.
Mặc dù không dễ dàng, nhưng cha mẹ Jonah đã nghe theo lời khuyên của Bill. Thay vì hỏi: “Hôm nay con có bài tập về nhà không?”, mẹ cậu bé bắt đầu hỏi: “Tối nay con muốn mẹ giúp gì không? Mẹ muốn biết để mẹ lên kế hoạch cho buổi tối của mình.” Bà nói rất rõ ràng rằng bà sẵn sàng làm những việc bà có thể làm để giúp cậu bé, và bà sẽ dành thời gian để giúp cậu nếu cậu muốn. Bà chuẩn bị một căn phòng yên tĩnh để cậu học mà không bị làm phiền. Bà gợi ý thuê gia sư hay học sinh lớp lớn hơn đến giúp cậu bé. (Rất nhiều trẻ chống đối cha mẹ trong thời gian làm bài tập về nhà, nhưng lại vui vẻ học tập với gia sư hay học sinh lớp trên. Chúng ta có thể thuê họ với chi phí khá thấp). Nhưng cha mẹ Jonah cũng nói: “Việc cha mẹ không sẵn lòng thực hiện là hành động như thể ép con học tập là nhiệm vụ của cha mẹ – bởi vì nếu cha mẹ làm như thế, cha mẹ sẽ khiến con trở nên yếu đuối.” Bạn sẽ thấy cách này thành công khi chúng tôi chia sẻ câu chuyện của Johah ở phần sau.