Có nhiều lí do tại sao thanh thiếu niên có thể chưa sẵn sàng học đại học ngay sau khi tốt nghiệp trung học. Các em có thể thiếu các kĩ năng học tập phù hợp, kĩ năng tự nhận thức hoặc kĩ năng tự điều chỉnh, hoặc phải vật lộn với chứng lo âu, trầm cảm. Các em có thể chưa sẵn sàng quản lý các khía cạnh của cuộc sống độc lập. Hoặc các em có thể đã kiệt sức sau bốn năm dốc hết sức lực ở bậc trung học. Các em có thể dễ bị cô lập về mặt xã hội. Hoặc chỉ đơn giản là não bộ của các em chưa đủ phát triển. Hãy nhớ rằng, giống như việc trẻ em phát triển thể chất ở các tốc độ khác nhau, não bộ của các em cũng phát triển như vậy.
Một số câu hỏi để xác định mức độ sẵn sàng học đại học của con bạn bao gồm:
Con bạn có chấp nhận chịu trách nhiệm cho cuộc sống của chính mình không?
Ai khởi xướng việc tìm kiếm trường đại học? Nếu một học sinh không thể tự mình hoàn thành đơn dự tuyển và bài luận vào đại học, hoặc cần có sự hỗ trợ, có lẽ học sinh đó chưa sẵn sàng học đại học. Một vài trẻ được che chở đến mức trẻ đã 17 tuổi mà không có nhiều ý thức về việc tự chăm sóc bản thân – hay thậm chí không biết cách làm. Liệu bạn có thể thực sự để con bạn sống một mình trong một môi trường không được kiểm soát nếu con chưa bao giờ nghĩ đến việc tự giặt quần áo hay nấu một bữa ăn hay không? Ned từng dạy kèm cho một cậu học sinh không biết cái rây là cái gì. “Ồ”, Ned nói “nó giống như một cái rổ lọc.” Cậu bé ngây người nhìn Ned không hiểu. “Em biết đấy”, Ned nói một cách khích lệ “khi nấu mỳ spaghetti, sau khi luộc mỳ em đổ chúng vào một cái rổ lọc để nước chảy hết ra ngoài. Nó làm từ kim loại với các lỗ ở phía dưới đáy.”
“Em không nấu ăn. Không ai trong gia đình em nấu nướng cả”, cậu bé nói.
“Ồ, chắc nhà em hay ăn ở tiệm”, Ned nói.
“Không ạ”, cậu bé trả lời, “nhà em có người giúp việc.”
Rõ ràng là nhà có người giúp việc không khiến bạn không đủ tư cách để vào đại học. Nhưng trong trường hợp này, cậu bé đã được nuôi dạy với niềm tin rằng mọi thứ đều được làm sẵn cho cậu. Khi cậu vào học tại Đại học Georgia, mọi chuyện đã không tiến triển tốt đẹp. Ned tình cờ gặp cậu trong kỳ nghỉ lễ Tạ ơn, cậu tuyên bố rằng mọi người ở trường đó “rất ngu ngốc. Thật là một đám ngốc.” Cậu bị đuổi học vào cuối học kì đầu tiên. Cậu cũng chẳng hề có ý thức về quyền sở hữu. Mọi chuyện đã xảy ra với cậu, và thế là thất bại của cậu ta đều là lỗi của người khác.
Con bạn có đủ hiểu bản thân hay không?
Trẻ có biết những điều gì khiến trẻ gặp khó khăn và tác động của chúng đối với bản thân trẻ không? Trẻ có nhận ra rằng khi không ngủ đủ tám tiếng, trẻ dễ bị xúc động không? Trẻ có biết rằng chạy bộ thực sự giúp ích khi bị căng thẳng không? Trẻ có hiểu khi nào mình có thể làm việc hiệu quả nhất và khi nào cần nghỉ ngơi không? Trẻ có biết trẻ có thể cần được hỗ trợ những gì khi học đại học không? Bây giờ bạn có thể nói rằng một người có thể đặt những câu hỏi này cho người lớn và thấy họ không đủ khả năng trả lời, nhưng để có thể phát triển tốt trong môi trường đại học, trẻ nhất định phải có một mức độ hiểu biết cơ bản về bản thân và sự sẵn sàng trong việc tự chăm sóc bản thân, thay đổi hay điều chỉnh hành vi nếu cần thiết vì sức khỏe của trẻ.
Con bạn có đủ khả năng tự điều chỉnh để làm chủ cuộc sống của mình không?
Trẻ có thể tự lên giường đi ngủ, ra khỏi giường và nghỉ ngơi đầy đủ không? Nếu bạn cùng phòng của trẻ thức đến bốn giờ sáng, trẻ có thể giữ vững giờ giấc sinh hoạt của mình không? Trẻ có thể điều tiết việc sử dụng các thiết bị công nghệ hoặc chơi game của bản thân không? Nếu trẻ sử dụng thuốc kích thích/ma túy hoặc rượu bia, trẻ có biết khi nào cần dừng lại không? Nếu câu trả lời là không cho bất kì câu hỏi nào trong số này, bạn có thể cần cân nhắc hoãn việc học đại học của trẻ cho tới khi trẻ học được cách tự kiểm soát tốt hơn.
Con bạn có đủ động lực cho việc học không?
Trẻ có thể nói không với những thú vui khi có bài tập về nhà cần phải làm không? Trẻ có biết hỏi xin sự trợ giúp khi cần không? Trẻ có đảm bảo các bài tập và các nhiệm vụ không? Trẻ có thể làm việc liên tục vài giờ cho một dự án không?
Nhiều năm trước, Ned gặp Joel hai lần một tuần trong suốt năm lớp Mười một. Cha của Joel giải thích rằng cậu sẽ không làm bất kì bài tập nào ngoài thời gian học cùng gia sư, vì vậy Ned nên cố gắng tận dụng thời gian họ có.
Joel để mắt đến trường Ivy League mà cả gia đình cậu từng theo học. Cậu rất giỏi toán nhưng phải vật lộn với môn từ vựng. Tuần nào cậu cũng hỏi Ned: “Thầy nghĩ là em có thể đạt được mức 700 điểm không?” Ned trả lời: “Có chứ. Em có thể làm được, chỉ cần em dành vài phút để học từ vựng mỗi ngày, và dần dần em sẽ đạt được mức điểm đó.”
“Vâng ạ”, Joel nói, “thầy cho em bài để làm đi.” Buổi học tiếp theo, cậu ấy đến (như cha cậu dự đoán) không hoàn thành bài tập nào và lại hỏi: “Thầy nghĩ là em có thể đạt được mức điểm 700 không?” Nó giống như trong phim Ngày Chuột Chũi(1) vậy. Cậu đã tiến bộ đáng kể, chủ yếu là do cha mẹ thúc ép cậu đến học kèm với Ned hai lần mỗi tuần. Nhưng khi cậu vào đại học (cậu đã vào được trường Ivy League đó) và chỉ có một mình, cậu đã không hoàn thành được học kì đầu tiên. Có gì lạ không? Cha mẹ thường cõng con cái họ đi 26,1 dặm (~42 km) trong chặng đua marathon, sau đó đặt chúng xuống trong phạm vi nhìn thấy vạch đích. Khi trẻ băng qua được vạch đích đó, mọi người ôm hôn và chúc mừng trẻ. Nhưng trẻ chưa thực sự tới được đích. Trẻ chẳng tham gia mấy vào cuộc chạy – và trẻ biết điều đó.
(1) Bộ phim Ngày Chuột Chũi (Groundhog Day) là một bộ phim hài giả tưởng ra mắt vào năm 1993. Bộ phim kể về một phóng viên khí tượng đi làm vào đúng ngày Ngày Chuột Chũi (2/2) và sau đó bị kẹt trong một vòng lặp, một ngày duy nhất là Ngày Chuột Chũi.
Bạn không thể có được ý thức tự kiểm soát đối với cuộc sống của mình bằng cách tránh né những việc khó hoặc đón nhận các thành tích không phải do bản thân nỗ lực đạt được. Nó đến từ sự siêng năng và cam kết. Hầu hết mọi người đều tự hào về vết sẹo của họ. Rất ít vận động viên khoe về số lần chạy marathon của họ, nhưng họ sẽ nói đùa với bạn về những vết phồng rộp, những cơn chuột rút và những phút cuối đường đua khi họ hầu như không thể chạy nổi… nhưng cuối cùng vẫn hoàn thành. Chúng ta có được sức mạnh từ những thứ chúng ta bỏ công sức và đạt được nó.
Con bạn có thể quản lý cuộc sống hằng ngày một cách tự lập không?
Trẻ có tự mình sắp xếp và đảm bảo các cuộc hẹn của mình không? Có tự trả tiền phạt khi vi phạm luật giao thông không? Có tự giặt quần áo không? Có kiểm soát được việc uống thuốc của mình không? Có đưa ra các lựa chọn xã hội đúng đắn không? Trẻ có thể kiểm soát tốt những vật quan trọng của mình như ví tiền và chìa khóa không? Nhiều sinh viên năm nhất đã gọi cho cha mẹ khi cửa phòng ký túc xá bị khóa. Cha mẹ có thể làm gì khi mà họ ở cách xa hàng trăm hay thậm chí hàng nghìn dặm? Trẻ có thể tự mình giải quyết vấn đề không? Hoặc tốt hơn là, không làm mất chìa khóa ngay từ đầu?
Con bạn có những phương pháp lành mạnh để kiểm soát hoặc giảm bớt căng thẳng không?
Ai cũng trải qua căng thẳng. Và mọi người đều tìm cách giảm bớt căng thẳng. Nếu con bạn không biết giảm căng thẳng một cách lành mạnh, trẻ sẽ tìm những cách không lành mạnh. Chúng tôi nghĩ rằng hiện tượng nhậu nhẹt và hút thuốc trong trường đại học sẽ ít hơn nếu sinh viên ngủ nhiều hơn, tập thể dục nhiều hơn và tập thiền định.
Con bạn có bị kiệt sức không?
Ned gặp rất nhiều trẻ em kiệt sức, các em cảm thấy như đang ở trên một chiếc máy chạy bộ liên tục không nghỉ. Elaine, một học sinh của anh ấy đã nói: “Khi nhớ lại tất cả những gì em đã làm ở trung học phổ thông là học để đạt thành tích và điểm số cao, em thấy mình đã lãng phí bốn năm cuộc đời. Em đã chẳng làm bất cứ điều gì vui vẻ.” Chúng tôi lo lắng về những đứa trẻ như Elaine. Nhiều trẻ cảm thấy bất an hoặc chán nản, và trẻ sắp bước vào một môi trường thiếu sự kiểm soát – nơi sẽ khiến trẻ càng dễ bị tổn thương hơn. Một số sẽ mắc chứng rối loạn ăn uống, những sinh viên khác lạm dụng bia rượu để xả hơi hoặc có hành vi tự làm hại bản thân. Và không có phụ huynh nào ở đó để chứng kiến những gì đang xảy ra. Đứa trẻ kiệt sức của bạn có cơ chế đối phó lành mạnh không? Có biết các kĩ thuật kiểm soát căng thẳng không? Có biết thỉnh thoảng nên nghỉ ngơi không?
Con bạn có sở hữu các kĩ năng học tập đáp ứng được việc học tập ở bậc đại học không?
Sinh viên đại học cần có khả năng đọc, hiểu và ghi nhớ thông tin từ các văn bản cấp độ đại học với tốc độ cho phép sinh viên hoàn thành bài đọc, bài thi, các bộ câu hỏi và các bài tập khác. Ngoài ra, chúng cần có khả năng lập kế hoạch, tổ chức và ưu tiên các nhiệm vụ học tập và chuẩn bị đầy đủ cho các kì thi. Nhiều đứa trẻ bị quá tải với khối lượng công việc ở bậc đại học, và với những kỳ vọng trong học tập tăng cao chót vót .
Nếu con bạn cần được hỗ trợ học tập, trẻ có biết đề nghị và sử dụng sự hỗ trợ đó không?
Nhiều học sinh trung học mắc chứng khuyết tật học tập, tăng động giảm chú ý (ADHD) và rối loạn phổ tự kỷ rất lưỡng lự khi sử dụng những sự sắp xếp đặc biệt mà họ đã được cung cấp như thêm thời gian làm bài thi, hay sách ghi âm. Tình trạng này không tự nhiên biến mất ở trường đại học. Nhiều sinh viên thấy phẫn nộ hoặc ngượng ngùng trước gợi ý rằng họ cần có sự hỗ trợ hoặc cần học kèm với gia sư để cải thiện kĩ năng viết, vì vậy họ né tránh học kèm và trôi chệch hướng.
Con bạn có đủ năng lực xã hội để kiểm soát một môi trường xã hội phức tạp không?
Đối với những sinh viên dễ bị tổn thương về mặt xã hội, các em có thể cảm thấy quá tải khi phải kiểm soát những thử thách học tập mới ở trường đại học cũng như các nhu cầu xã hội và cuộc sống độc lập ở ký túc xá đại học một cách đồng thời. Nhiều đứa trẻ vụng về hoặc thiếu kĩ năng xã hội sẽ nản chí. Có thể trẻ rất giỏi trong việc học hành độc lập – nhưng liệu trẻ có khả năng xây dựng tình bạn và đàm phán giải quyết các xung đột với các bạn ở cùng ký túc xá không? Trẻ có thể ứng phó với một môi trường xã hội gồm những bữa tiệc tùng của đám nam sinh, nhậu nhẹt say sưa, và áp lực phải kết nối với nhau không?
Khi cha mẹ trả lời những câu hỏi này một cách trung thực, nhiều người sẽ xác định được rằng con của họ chưa sẵn sàng để vào đại học... Ít nhất là chưa phải bây giờ. Thế phải làm sao đây?