Xã hội phát triển mạnh mẽ nhờ tài năng đa dạng của người dân trong xã hội đó. Đa dạng sinh học là dấu hiệu của một hệ sinh thái khỏe mạnh. Chúng ta cần những người mơ mộng, nghệ sĩ và những người sáng tạo. Chúng ta cần các doanh nhân và những người làm cho mọi thứ xảy ra. Chúng ta cần những người có thể lực cường tráng hoặc có đôi tay làm việc khéo léo. Albert Einstein đã nói: “Nếu bạn đánh giá một con cá bằng khả năng trèo cây, nó sẽ sống cả đời với niềm tin rằng nó thật ngu ngốc.” Như nhà tâm lí học phát triển Howard Gardner đã chỉ ra, có nhiều loại hình trí thông minh khác nhau: có thể là trí thông minh âm nhạc - nhịp điệu, trí thông minh thị giác - không gian, trí thông minh lời nói - ngôn ngữ, trí thông minh logic - toán học, trí thông minh vận động, trí thông minh tương tác giao tiếp, trí thông minh nội tâm và trí thông minh thiên nhiên.3 Nói cách khác, bạn có thể là một học sinh kém nhưng là một vũ công xuất sắc (hoặc ngược lại). Bạn có thể đạt mức trung bình trong hầu hết mọi việc nhưng lại rất giỏi trong việc đọc cảm xúc khác của người khác. Điều cốt lõi là tìm ra điểm mạnh của mình.
Vấn đề chúng ta thấy – đặc biệt là ở bậc trung học – là trẻ em bị ép buộc phải tin rằng để thành công, trẻ cần phải vượt trội về mọi thứ, từ tiếng Anh đến khoa học, ngoại ngữ. Ta rất dễ dàng nhìn xung quanh và thấy những người khác giỏi hơn ở hầu hết mọi lĩnh vực. Lấy việc trở thành “người giỏi nhất” làm mục tiêu có nghĩa là phải liên tục so sánh bản thân với người khác. Nó có thể thúc đẩy bạn, nhưng thường là làm cho bạn chùn bước. Một phần của sự trưởng thành là biết khi nào nên buông bỏ, và lựa chọn không theo đuổi điều gì.
Bill thường xuyên nói với những trẻ em và thanh thiếu niên mà anh đang kiểm tra đánh giá rằng: “Thầy hi vọng thầy sẽ tìm ra những việc mà các em làm rất tệ – vì những người thành công là người giỏi ở một số lĩnh vực và không giỏi ở những lĩnh vực khác, nhưng họ khôn ngoan lựa chọn kiếm sống bằng những lĩnh vực mà họ giỏi.” (Với những trẻ nhỏ hơn, ông nói đơn giản: “Thầy hi vọng tìm ra được việc gì đó mà em không giỏi lắm.) Nói cách khác, bạn khó có thể tìm thấy con đường dẫn đến thành công bằng cách cải thiện những kĩ năng yếu nhất rồi cố gắng để trở nên giỏi vừa phải. Nhiều học sinh thấy khó chấp nhận điều này. Một trong những học sinh của Ned là David, cậu ta đã chùn bước khi Ned gợi ý rằng một phần công việc của cậu ở tuổi vị thành niên không chỉ là khám phá xem mình thích gì mà còn là xem mình giỏi hơn hầu hết mọi người ở lĩnh vực nào và nỗ lực trong lĩnh vực đó.
“Nhưng làm vậy chẳng phải là không ổn hay sao?”, David hỏi lại: “Chỉ làm những gì dễ dàng không phải là lừa đảo ư”?
Ned phản hồi: “Hãy xem, em cao năm feet tám (172,72 cm) và nặng 180 pound (81,6 kg). Em có thể đẩy tạ nặng 380 pound (172,3 kg). Đó là lí do tại sao em lại là trung vệ trong môn bóng bầu dục. Nhưng em sẽ là một vận động viên marathon tệ kinh khủng vì em không có vóc dáng phù hợp.”
Ned không gợi ý David từ bỏ mọi thứ mà cậu ấy bẩm sinh không giỏi. Có những bài học quan trọng cần phải học ở cả trường học và trong cuộc sống, ngay cả trong những chủ đề không hề dễ dàng. Nhưng việc nhận ra và bồi dưỡng tài năng thiên bẩm của bạn cũng có giá trị nhất định.
Khi trẻ nói với bố mẹ: “Con không thông minh bằng Eric” hay “Con không thông minh bằng hầu hết các bạn trong lớp toán”, nhiều cha mẹ sẽ cố gắng trấn an con bằng cách nói: “Có mà, con cũng thông minh như các bạn ấy.” Bill có cách tiếp cận khác. Anh nói với những đứa trẻ rằng: em chỉ cần đủ thông minh để làm một điều gì đó thú vị trong thế giới này – trẻ vốn thông minh như vậy. Anh cũng nói với trẻ rằng anh biết ơn tất cả những người thông minh hơn trong lĩnh vực của anh. Họ chính là những người đã xây dựng các lí thuyết và những bài đánh giá cho phép anh có thể kiếm sống bằng cách giúp đỡ mọi người.