Bill đã từng đánh giá một cậu bé tám tuổi, mẹ cậu bé nói với cậu rằng bà sẽ chỉ trả tiền học phí đại học nếu con trai đậu các trường đại học Harvard, Yale, Princeton hoặc Brown. Bill cười, cho là cô đang nói đùa, nhưng người mẹ nói cộc lốc với anh rằng cô không đùa. Bill cố gắng khuyên giải bằng lời lẽ hợp lí nhất có thể: “Cô có nhận thấy rằng điều này hơi điên rồ khi mà đại đa số những người thành công không theo học Đại học Harvard, Yale, Princeton hay Brown không?” Người mẹ rõ ràng rất tức giận và vặc lại: “Tôi thấy thế đấy. Mọi thứ phải diễn ra như thế.”
Nhiều người có những niềm tin rõ ràng là không gắn liền với thực tế. Chúng tôi gọi kiểu hệ thống niềm tin vô căn cứ này mà nhiều người lớn, đặc biệt là người giàu có, tin tưởng là “ảo tưởng chung.” Nhà trường biết tình hình rõ hơn cha mẹ – suy cho cùng, họ gặp hàng trăm trẻ em như vậy mỗi năm – nhưng họ thường vẫn ủng hộ kiểu suy nghĩ không thực tế này. Khi chúng tôi hỏi hiệu trưởng của các trường trung học: “Tại sao các ông không nói cho trẻ biết sự thật về đại học? Rằng nơi các em học tạo ra rất ít khác biệt trong cuộc sống tương lai và không phải là một yếu tố để dự báo thành công?”, họ luôn nói rằng: “Nếu chúng tôi nói như vậy, chúng tôi sẽ nhận được những cuộc gọi và lá thư đầy phẫn nộ từ cha mẹ học sinh, những người tin rằng nếu con cái họ biết sự thật, chúng sẽ không học tập chăm chỉ và sẽ thất bại trong cuộc sống.”
Chúng tôi phát hiện ra rằng đơn giản chỉ cần nói cho trẻ biết sự thật về thế giới, bao gồm cả những lợi thế của một học sinh giỏi, sẽ làm tăng động lực và tính linh hoạt của trẻ. Điều này tạo động lực cho những trẻ thiếu động lực chuyển trọng tâm suy nghĩ từ “Đây là những thử thách gay go mà mình phải vượt qua để có thể thành công” sang “Đây là một số trong nhiều cách mà mình có thể chọn để phát triển bản thân nhằm có đóng góp quan trọng cho thế giới này.” Khi chúng tôi nói về các lựa chọn thay thế với bạn bè, đồng nghiệp và tại các buổi nói chuyện ở trường học, mỗi người đều kể một câu chuyện: Thợ sửa xe ô tô của họ có bằng tiến sĩ kĩ thuật của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) nhưng đã bỏ ngành kĩ thuật để chuyển sang ngành khác mang lại cho họ cảm giác thỏa mãn hơn; hoặc có thể là thợ sửa ô tô của họ không học đại học nhưng lại làm việc rất xuất sắc và là một doanh nhân thành công đến nỗi anh ta nghỉ hưu ở tuổi 32 vì đã có mười hai thợ sửa xe làm việc cho anh ta. Hoặc trái lại, bạn của họ có hai bằng tiến sĩ nhưng từng bỏ học cấp ba.
Lấy danh nghĩa làm suy yếu tâm lí đám đông, và vì “người thật việc thật” thường có sức ảnh hưởng mạnh mẽ hơn so với số liệu thống kê, chúng tôi sẽ dành phần còn lại của chương này để kể ra một vài trong số những câu chuyện yêu thích của chúng tôi về những người đã có được hạnh phúc và thành công bằng các phương cách độc đáo khác biệt. Bản thân Bill đã từng chọn một con đường khác để đến với tâm lí học thần kinh, vì vậy chúng tôi sẽ bắt đầu với câu chuyện của anh.
Bill
Tôi tốt nghiệp trung học với điểm trung bình 2.8. Tôi từng thích chơi nhạc rock & roll (organ, bass, guitar) hơn là học hành, và tôi đã trượt môn tiếng Anh ở quý đầu tiên của năm cuối cấp. Dù vậy thì hứng thú học hành của tôi cuối cùng cũng tới vào năm tôi 19 tuổi. Tôi lấy bằng cử nhân Đại học Washington và tiếp tục học cao học ngành Ngôn ngữ Anh tại Đại học California ở Berkeley. Tôi đã hình dung mình sẽ có bằng tiến sĩ và trở thành giáo sư Stixrud ở tuổi 26. Nhưng mọi chuyện đã không diễn ra theo hướng đó. Tôi mắc chứng lo âu, thiếu tự tin và có lẽ là lạm dụng caffeine, và tôi có năng khiếu trốn tránh làm bài tập hơn bất cứ điều gì khác. Tôi đã trải qua hai mươi tuần mà không nộp một bài tập nào. (Tôi nói với những sinh viên cá biệt mà tôi gặp là: “Hãy hạ gục nó!”). Không có gì đáng ngạc nhiên, tôi đã bị đuổi khỏi trường cao học. Tôi cực kỳ xấu hổ và rất lo lắng rằng mình đã tự tay phá hỏng tương lai. Sau đó tôi trở về nhà ở khu vực Seattle để suy nghĩ xem nên làm gì tiếp theo. (Lúc đó, cha tôi vừa mới mất, mẹ tôi nhiệt tình giúp đỡ và động viên rằng tôi sẽ tìm ra lối đi khác). Tôi vào làm việc cho một bộ phận đánh máy và nhanh chóng bị sa thải… có lẽ bởi chứng lo âu của tôi đã làm cho các nhân viên khác trong nhóm đánh máy thấy lo lắng (Tôi không phải là một người đánh máy tồi). Sau đó, tôi xin được một công việc lao động chân tay là nhặt hàng theo đơn trong một nhà kho. Nhìn lại tất cả mọi thứ, đó không phải là quãng thời gian tuyệt vời trong cuộc đời tôi.
Tôi đã có rất nhiều thời gian rảnh rỗi ngoài công việc, và tôi thấy rằng tôi rất thích dành thời gian với cháu gái bốn tuổi của mình. Tôi nhớ mình đã đưa cô bé đi chuyến xe buýt lần đầu tiên của cuộc đời bé và thật vui biết bao khi chỉ lắng nghe những câu hỏi của cô bé và cách cô bé trả lời những câu hỏi của tôi. Tôi đã nhớ lại những lần trong đời khi gia đình tôi đi nghỉ với những gia đình khác có con nhỏ và mặc dù tôi không muốn thừa nhận nhưng tôi rất thích ở gần những đứa trẻ. Điều này đã cho tôi ý tưởng làm việc với trẻ em.
Tôi bắt đầu tham gia các lớp về sư phạm và cuối cùng lấy được một tấm bằng và trở thành giáo viên. Tôi tiếp tục học lấy bằng thạc sĩ về giáo dục đặc biệt và thỉnh thoảng có tham gia dạy học. Trong một năm đi dạy toàn thời gian, tôi bị đau đầu vào mỗi thứ Hai. Hồi tưởng lại, tôi nghĩ điều này là do dù tôi có một số điểm mạnh của một giáo viên (Tôi rất tốt bụng) nhưng kĩ năng quản lý hành vi của tôi rất tệ và tôi thấy căng thẳng khi phải cố gắng quản lý một nhóm học sinh có nhu cầu đặc biệt. Điều này khiến tôi nhận ra rằng nếu tôi định làm việc với trẻ em, nó sẽ phải diễn ra trong một bối cảnh khác. Ở tuổi 32, tôi hoàn thành chương trình tiến sĩ về chương trình tâm lí học học đường trước khi tiếp tục làm nghiên cứu sinh sau tiến sĩ khoa tâm lí học thần kinh lâm sàng. Trong bốn mươi ba năm, tôi đã không hề nhìn lại, và tôi không hề bị đau đầu thêm lần nào kể từ một năm dạy học toàn thời gian đó.
Trong vòng sáu tháng sau khi rời Berkeley, tôi nhận ra rằng bị đuổi học là điều tốt nhất đã xảy đến với tôi. Chuyện rất hay xảy ra là khi có cảm giác mọi thứ đang đi sai hướng, hóa ra là mọi thứ đang được sắp xếp lại theo những cách hữu ích mà chúng ta không bao giờ có thể đoán trước.
Robin
Robin lớn lên trong một gia đình trung lưu ở Maryland. Suốt thời gian học trung học cơ sở, cô luôn đứng đầu lớp và là một người lãnh đạo ở trường. Khi học lớp Tám, cô đã làm đơn kiến nghị thành công để có thể bỏ qua học kì hai và chuyển thẳng lên học lớp Chín, và cô đã học xong chương trình chỉ trong một học kì. Cô bắt đầu đi chệch khỏi con đường chuẩn mực vào mùa hè sau đó. Cô mang thai, bỏ trốn cùng bố của đứa trẻ và sống này đây mai đó trong những khu nhà chung và các nhà trọ tồi tàn. Cô thi lấy chứng chỉ GED(1), ly dị người chồng tuổi vị thành niên và nhanh chóng tái hôn. Người chồng thứ hai của cô là một bác sĩ ưa kiểm soát và có thể nói là độc ác.
(1) General Education Development: Bài kiểm tra giáo dục tổng hợp, nếu thi đỗ sẽ nhận được chứng chỉ tương đương bằng tốt nghiệp trung học phổ thông.
Mặc dù là mẹ của một bé trai và mẹ kế của hai đứa trẻ khác nhưng cô đã tìm cách đăng kí vào Đại học Keene State ở New Hampshire và tốt nghiệp ở tuổi 27 với điểm trung bình 4.0. Cô luôn quan tâm đến tâm linh, vì vậy cô đã nộp đơn vào Trường Thần học Harvard. Điều khiến cô bất ngờ là cô đã được trường này chấp nhận. Cô theo học một học kì, nhưng sau đó nhận thấy rằng nếu cô muốn có nền tảng tài chính đủ mạnh để bỏ người chồng hiện tại, cô cần phải kiếm được nhiều tiền hơn. Vì vậy, cô học lấy bằng MBA (Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh) và làm chuyên gia về đào tạo và phát triển trong một công ty lớn. Khi điều kiện tài chính đảm bảo hơn, Robin bỏ chồng, và ngay sau đó, cô gặp Peter, kết hôn và có một cuộc hôn nhân hạnh phúc với anh trong suốt hai mươi bốn năm qua.
Về sự nghiệp, cuộc sống của Robin đã có bước ngoặt khác. Cô không thích thế giới doanh nghiệp, vì vậy cô đã đi học để dạy yoga và khiêu vũ. Cô đã xuất bản một cuốn sách về đời sống tinh thần của phái nữ, đồng thời cô dạy yoga và thiền cho những cô gái có nguy cơ gặp nguy hiểm. Sau một vài năm, cô bắt đầu làm việc với các quân nhân bị PTSD (Rối loạn căng thẳng sau sang chấn) cấp tính và/hoặc chấn thương sọ não. Cô dạy yoga và thiền cho các binh sĩ tại Trung tâm Y tế Quân sự Quốc gia Walter Reed, và đồng sáng lập tổ chức “Warriors at Ease”, chuyên đào tạo giáo viên yoga để dạy yoga và thiền cho các binh sĩ theo phương pháp có tính đến những tác động của chấn thương và văn hóa quân sự. Tổ chức của cô đã đào tạo hơn bảy trăm giáo viên trên khắp thế giới và “Warriors at Ease” hiện đang phục vụ khoảng mười nghìn binh sĩ mỗi năm.
Brian
Brian là một đứa trẻ thông minh đến từ vùng ngoại ô Washington, DC, anh từng nhận thấy môi trường trường học như sự trừng phạt. Mối quan hệ của anh với cha mẹ khi còn là một thiếu niên đầy mâu thuẫn, bất đồng. Cha mẹ Brian đã cố gắng đặt ra giới hạn cho anh, nhưng Brian luôn xoay xở tìm cách vượt qua chúng. Anh chọc phá em gái mình, thức khuya nghe nhạc – mục đích chính là để cho cha mẹ thức giấc – và thách thức họ đi vào phòng và thực hiện hành động nào đó.
Năm 16 tuổi, Brian học kém, anh ghét trường học và không dành thời gian cố gắng học hành hay phát triển các kĩ năng học tập. Cha mẹ thấy không đành lòng khi để anh bỏ học, vì vậy họ đã gửi anh đến một trường nội trú ở New England. Các giáo viên ở đó cũng không giỏi việc thiết lập các giới hạn hơn là mấy, và Brian đã cùng với bạn gái bỏ trốn tới Florida. Ở Florida, anh ta và bạn gái làm những công việc được trả mức lương tối thiểu. Cuối cùng, sức hấp dẫn của tự do suy yếu dần. Brian đã thấm sự vất vả cực nhọc của những công việc cu li, và anh đã hỏi xin cha mẹ hỗ trợ học phí để theo học cao đẳng cộng đồng ở Florida, và họ đã đồng ý. Sau khi đạt được một số tín chỉ ở đó, Brian đã nộp đơn sang Cao đẳng Evergreen ở Olympia, Washington, và tốt nghiệp ngành giáo dục. Sau đó, Brian lấy bằng thạc sĩ giáo dục và hiện là một nhà giáo dục xuất sắc tại các trường công lập của Quận Columbia.
Con đường chuẩn mực là học tập tốt ở tất cả các cấp học không áp dụng cho Brian. Nhưng anh đã có thể tìm ra con đường đến với sự nghiệp và cuộc sống hạnh phúc, thỏa mãn. Điều lạ lùng là sau khi chật vật cố gắng học tập tốt, Brian đã đi đúng một vòng tròn và công việc của cuộc đời anh là hỗ trợ học sinh để các em học tốt.
Peter
Peter là một học sinh trung bình trong hệ thống trường công lập ở Chicago. Sau khi theo học năm trường khác nhau, cuối cùng anh tốt nghiệp một trường cao đẳng giáo dục khai phóng nhỏ ở Trung Tây (nay là một trường cao đẳng trực tuyến) chuyên ngành Ngôn ngữ Anh. Bởi vì anh thấy tấm bằng tiếng Anh không hữu ích gì, và vì anh luôn thích nấu ăn, anh bắt đầu công việc của một đầu bếp phụ trách các món nhanh, và theo đuổi giấc mơ điều hành nhà hàng của riêng mình. Trong nhiều năm, Peter đã trải qua nhiều vị trí trong ngành công nghiệp thực phẩm, bao gồm bồi bàn, bồi bàn trưởng, đầu bếp và bếp trưởng. Có thời điểm, anh thậm chí còn mở một quầy bán xúc xích. Sau đó, Peter bắt đầu làm việc cho một chuỗi nhà hàng với vị trí quản lý cấp thấp và có kinh nghiệm về mua nguyên vật liệu. Công việc này hoàn toàn phù hợp với Peter, anh có đầu óc tính toán, kĩ năng giao tiếp xuất sắc và năng lực đàm phán tuyệt vời trên tinh thần đôi bên cùng có lợi. Anh nhanh chóng được một chuỗi nhà hàng start- up hiện đang có ba cơ sở để ý. Công việc mua hàng của Peter gây ấn tượng đặc biệt với các sếp nên họ đã chia cổ phần cho anh. Khi công ty niêm yết trên sàn chứng khoán, nó có hơn ba trăm nhà hàng trên khắp thế giới. Peter đã làm rất tốt cả về chuyên môn và tài chính, và anh cũng có một gia đình tuyệt vời.
Có bao nhiêu trẻ em mười tuổi có mong muốn cháy bỏng là lớn lên trở thành người mua nguyên vật liệu cho một chuỗi nhà hàng lớn? Thế nhưng cuộc đời và sự nghiệp của Peter mới tuyệt làm sao.
Ben
Ben đã luôn vật vã trong học tập và nhớ lại khoa học và toán là hai môn khó hơn cả. Anh thấy mình khó có thể thúc đẩy bản thân học hành, và tốt nghiệp trung học với điểm trung bình dưới 1.0 (suýt nữa thì không thể tốt nghiệp). Dù vậy anh luôn xuất sắc ở các môn nghệ thuật, và một khóa học thư pháp năm lớp Bảy đã để lại cho anh một ấn tượng lớn. Cha mẹ anh, một người là nhà tâm lí học lâm sàng và một người là y tá chuyên khoa ung thư, đã ủng hộ anh đi một con đường khác và phát hiện ra một trường trung học chuyên về nghệ thuật. Anh trai của Ben đã tiên phong học một chương trình hai năm chuyên ngành kĩ thuật hình ảnh và đã thành công ở Los Angeles. (Anh ấy hiện là một trong những đạo diễn hình ảnh thành công nhất ở Hollywood.) Mặc dù Ben đăng kí học một chương trình nghệ thuật ba năm nhưng anh ấy đã không học đủ ba học kì. Anh ấy đã phát triển đủ các kĩ năng để có thể làm một loạt công việc thiết kế đồ họa và tìm thấy công việc đặc biệt thu hút mình là xây dựng thương hiệu. Khi mới 23 tuổi, Ben đã thành lập công ty riêng của mình là Brand Army. Điều đáng nói là anh chưa bao giờ có bằng đại học nhưng khách hàng hiện tại của anh có cả Đại học George Mason và Georgetown.
Ben và anh trai đều theo đuổi đam mê của mình và thành công đến nỗi giờ đây họ kiếm được nhiều tiền hơn cha mẹ mình. Như cha của họ đã nói: “Những gì tôi học được là: Nếu bạn thấy một đốm lửa nhen nhóm trong con mình, hãy tiếp thêm nhiên liệu cho nó.”
Lachlan
Ngay từ khi còn học mẫu giáo, Lachlan đã thích mày mò. Anh thích sửa chữa những đồ vật bị hỏng trong lớp hơn là đi ra ngoài chơi. Lên cấp hai, anh gây ấn tượng với giáo viên bằng trí thông minh chứ không phải là khả năng hoàn thành bài tập. Anh cũng cho thấy tính nổi loạn của mình. Năm lớp Tám, anh đấu nối dây với hệ thống chuông báo ở trường học, cho phép anh nhấn nút bất cứ lúc nào để tan học. Anh cũng can thiệp vào hệ thống báo động của trường để anh và bạn bè có thể vào trường bất cứ khi nào họ muốn.
Năm 16 tuổi, Lachlan làm việc cho một trung tâm bảo dưỡng của Shell. Anh bắt đầu với công việc thay lốp và thay dầu nhưng chẳng mấy chốc anh có thể dỡ tung những chiếc xe và lắp ghép lại như một thợ máy. Anh bỏ nhà ra đi và không tham gia hầu hết các giờ học ở trung học. Cuối năm lớp Mười một, điểm trung bình của anh là 0.9. Anh chỉ cố gắng có tấm bằng tốt nghiệp trung học và bắt đầu làm kỹ sư âm thanh. Năm 21 tuổi, anh được giao một hợp đồng với Trung tâm Kennedy, nơi anh thiết kế hệ thống âm thanh cho nhà hát opera và phòng hòa nhạc.
Cuối cùng anh chuyển sang công việc kĩ thuật truyền hình. Mặc dù mới có ít kinh nghiệm nhưng anh đã làm việc rất chăm chỉ và khám phá mọi thứ một cách nhanh chóng. Nhờ hứng thú, tài năng và nỗ lực của mình, anh đã gặp những người mở ra cánh cửa giúp anh thành công. Anh bắt đầu công việc quản lý kĩ thuật cho mạng lưới truyền hình quốc gia Hoa Kỳ và làm việc tại đó hơn hai mươi năm. Sau một thập kỷ, anh được thăng chức lên vị trí giám đốc kĩ thuật. Rõ ràng Lachlan có tài năng đặc biệt. Nhưng anh cũng biết làm những thứ mà có người sẽ trả tiền mua và tập trung nỗ lực vào việc cải thiện các kĩ năng của mình để hướng tới những mục tiêu có thể đo lường được.
Melody
Ngay từ khi còn nhỏ, Melody đã không thích đi học. Cô chẳng mấy khi đi học mẫu giáo và lớp Một, và tới năm học lớp Năm, cô tuyên bố với bố mẹ rằng cô không muốn quay lại trường học. Cha mẹ Melody đặt rất nhiều niềm tin vào con gái của họ, dù lúc đó cô mới mười tuổi, và họ nói rằng nếu cô ấy muốn ở nhà và học tập độc lập, việc đó hoàn toàn không có vấn đề gì với họ.
“Con có thể là bất cứ ai con muốn”, họ đã nói với cô ấy. “Nếu là một giáo sư ở đâu đó, thật tuyệt vời. Nếu là một người chơi đàn guitar, cũng rất tuyệt. Chỉ cần con chắc chắn rằng con đang làm điều mình thích và nỗ lực để thực hiện điều đó thật tốt.” Đó là một thông điệp mang tính giải phóng, và Melody được hưởng lợi rất nhiều từ sự tin tưởng mà cha mẹ dành cho cô.
Cô quay lại trường học vào năm lớp Sáu và tiếp tục học thêm vài năm nữa, nhưng khi học đến lớp Mười, một lần nữa cô lại đề nghị được nghỉ học. Bố mẹ để cô quyết định, và cô quyết định tự học ở nhà.
Melody là một người có tư duy độc lập và ham hiểu biết, điều đó khiến cho phương thức học tập này có hiệu quả với cô. Nhưng cô cũng có tham vọng và muốn tiếp tục học đại học. Cô nhận ra rằng nếu đại học là mục tiêu của mình, cô nên trở lại trường để học lớp Mười một và Mười hai, và cô đã làm như vậy. Cô tiếp tục theo học tại Đại học Stanford, tốt nghiệp chỉ sau hơn ba năm, sau đó làm việc mười năm trước khi theo học trường luật. Trong nhiều năm qua, cô ấy là luật sư trong một công ty luật ở Seattle.
Melody cảm thấy sự tự do mà cha mẹ dành cho cô là vô giá, cũng như niềm tin của họ rằng không phải chỉ có một con đường hẹp để dẫn tới một cuộc sống tốt đẹp. “Cha mẹ cho tôi biết: ‘Đây không phải là những quyết định vĩnh viễn. Con có thể quyết định không học lớp Năm, và nếu giữa chừng con quyết định muốn đến trường, con có thể tiếp tục. Không sao cả. Không phải con đang đặt mình vào một con đường không thể quay đầu. Không phải con đang đưa một quyết định ảnh hưởng đến sự thành bại của toàn bộ cuộc đời con. Con luôn có thể điều chỉnh hướng đi’.”
Điều đáng nói là mặc dù Melody đánh giá cao cách tiếp cận của cha mẹ nhưng cô ấy đã không áp dụng nó với chính những đứa trẻ của mình. “Khi con trai tôi học xong cấp ba, thằng bé nói: ‘Con nghĩ là con không muốn đi học đại học, con muốn nghỉ một năm’, nhưng chúng tôi đã không đồng ý. Nỗi lo sợ của chúng tôi là: thằng bé sẽ làm gì? Việc đó có thể khiến thằng bé lạc lối. Nhỡ đâu nó sẽ phải nộp đơn dự tuyển lần nữa, nhỡ đâu nó sẽ không đi học nữa. Tôi nghĩ chúng tôi đã không nghe thấy thằng bé nói rằng: ‘Con không muốn làm điều này, con chưa sẵn sàng’. Tôi hơi hối hận về việc đó.”