Hai con cừu con bị xích suốt ngày cạnh chuồng chó trên mảnh đất trống. Tiếng kêu be be của chúng, đều đặn và trầm đục, bắt đầu khiến ông bực mình. Ông rảo bước đến chỗ Petrus, anh ta đang dựng ngược chiếc xe đạp lên để sửa chữa. “Mấy con cừu kia kìa,” ông nói - “cậu không nghĩ chúng ta có thể cột chúng ở nơi chúng gặm cỏ à?”
“Chúng được dành cho bữa tiệc,” Petrus đáp. “Hôm thứ Bảy, tôi sẽ làm thịt chúng cho bữa tiệc. Ông và Lucy phải tới đấy.” Anh ta lau sạch hai tay. “Tôi mời ông và Lucy đến dự bữa tiệc.”
“Vào hôm thứ Bảy à?”
“Vâng, tôi sẽ tổ chức tiệc vào hôm thứ Bảy. Một bữa tiệc lớn.”
“Cảm ơn cậu. Nhưng ngay cả nếu bọn cừu này để dành cho bữa tiệc đi nữa, cậu không nghĩ rằng chúng có thể gặm cỏ à?”
Một tiếng sau, hai con cừu vẫn bị cột, vẫn kêu váng lên đầy buồn thảm. Chẳng thấy Petrus ở đâu hết. Kiệt sức, ông bèn cởi trói cho chúng rồi lôi mạnh chúng đến cạnh con đập, nơi có rất nhiều cỏ.
Lũ cừu uống đẫy nước rồi mới bắt đầu nhẩn nha gặm cỏ. Chúng là giống cừu Ba Tư mặt đen, giống nhau về kích thước, những vết loang, thậm chí cử chỉ cũng giống nhau. Những con sinh đôi, trong tất cả mọi khả năng, số phận đã định sẵn từ khi mới sinh ra là chúng sẽ bị giết thịt. Chẳng có gì ấn tượng trong chuyện này. Con cừu cuối cùng chết vì tuổi già là khi nào? Bản thân lũ cừu chẳng thuộc về bản thân chúng, thậm chí chúng còn chẳng được sống cuộc sống của mình. Chúng tồn tại để bị lợi dụng, từng mi-li-mét thịt của chúng sẽ thành thức ăn, xương của chúng bị nghiền nát và làm thức ăn cho gia cầm. Chẳng có thứ gì bỏ đi, có lẽ ngoại trừ túi mật, vốn chẳng ai thèm ăn. Descartes chắc đã nghĩ đến chuyện này. Linh hồn, cái túi mật đắng ngắt ấy, lơ lửng trong bóng tối, lẩn trốn.
“Petrus mời bố con mình đến dự tiệc đấy,” ông kể với Lucy. “Tại sao anh ta lại mở tiệc nhỉ?”
“Vì chuyển nhượng đất, con đoán vậy. Nó chính thức diễn ra vào ngày đầu tiên của tháng tới. Đó là một ngày trọng đại đối với anh ta. Chúng ta ít nhất nên xuất hiện, tặng họ một món quà.”
“Cậu ta sẽ làm thịt hai con cừu. Bố không tưởng tượng được hai con cừu ấy lại đi được xa thế.”
“Petrus là một tên keo kiệt. Nếu đổi lại ngày xưa, hẳn sẽ là một con bò đực.”
“Bố không chắc mình ưa cách cậu ta làm mọi thứ - mang động vật giết mổ về nhà làm quen với những người sắp ăn thịt chúng.”
“Thế bố thích cái gì hơn nào? Rằng việc giết mổ phải được tiến hành tại lò mổ để bố không cần phải suy nghĩ khi ăn à?”
“Đúng.”
“Tỉnh lại đi, David. Đây là nông thôn. Đây là Nam Phi.”
Những ngày này, Lucy trở nên gắt gỏng tới nỗi mà ông không còn gì để biện minh. Thông thường, những câu trả lời của ông là rút vào im lặng. Có những lời nguyền khi hai người họ như những kẻ xa lạ dưới cùng một mái nhà.
Ông tự nhủ bản thân rằng mình phải kiên nhẫn, rằng Lucy vẫn đang sống trong bóng tối của vụ tấn công, cần phải vượt qua khoảng thời gian này trước khi con bé trở lại là chính mình. Nhưng nhỡ ông sai thì sao? Thế nếu sau một cuộc tấn công như thế, người ta sẽ không bao giờ còn là chính mình nữa thì sao? Chuyện gì xảy ra nếu một cuộc tấn công như thế vừa biến người ta thành con người khác vừa biến người ta thành kẻ đen tối hơn thì sao?
Thậm chí còn một lời giải thích ghê sợ hơn về trạng thái ủ rũ của Lucy, lời giải thích mà ông không thể xóa khỏi tâm trí. “Lucy,” cũng trong ngày hôm ấy ông hỏi, hoàn toàn bất ngờ: “Có chuyện gì con đang giấu bố phải không? Con không nhận thứ gì từ mấy tên đó đấy chứ?”
Cô đang ngồi trên xô-pha đùa nghịch với con mèo, trong bộ đồ pyjama và váy ngủ. Trời đã quá trưa. Con mèo hẵng còn bé, cảnh giác, khó chiều. Lucy nhử nhử dây đai của váy ngủ trước mặt nó. Con mèo vung chân vỗ vỗ vào cái dây đai, những móng vuốt nắm lại thành nắm đấm đưa ra rất nhanh, một - hai - ba - bốn.
“Mấy tên ư?” cô nói. “Mấy tên nào cơ?” Cô hắt nhẹ cái dây đai sang bên, con mèo vồ theo chụp lấy nó.
Bọn chúng nào cơ? Ông như muốn đứng tim. Con bé hóa điên rồi sao? Hay con bé không muốn nhớ?
Nhưng hóa ra con bé chỉ trêu ông thôi. “David, con không còn là trẻ con nữa. Con đã đi gặp bác sĩ rồi, làm xét nghiệm rồi, con đã làm hết mọi thứ nên làm rồi. Giờ con chỉ cần phải đợi thôi.”
“Bố hiểu. Thế ý nghĩa cái từ đợi ấy con có nghĩ như bố nghĩ không?
“Vâng.”
“Sẽ mất bao lâu?” Cô nhún vai.
“Một tháng. Ba tháng. Hoặc lâu hơn. Khoa học giờ vẫn chưa đặt giới hạn thời gian người ta phải đợi. Có thể là mãi mãi.”
Con mèo vồ lấy sợi dây đai rất nhanh, nhưng trò chơi lúc này đã kết thúc.
Ông ngồi xuống cạnh con gái; con mèo nhảy xuống khỏi xô-pha, lẻn đi mất. Ông cầm lấy tay cô. Giờ thì ông ở sát gần bên cô, cái mùi hôi hôi phảng phất, bẩn thỉu phả vào mũi ông. “Ít nhất sẽ không phải mãi mãi đâu, con yêu ạ,” ông nói. “Ít nhất con sẽ thoát khỏi nó.”
Con cừu dành hết thời gian còn lại trong ngày ở gần con đập nơi ông đã cột chúng lại. Sáng hôm sau, chúng đã quay lại khoảnh đất cằn cỗi cạnh chuồng.
Có lẽ chúng vẫn còn sống đến sáng thứ Bảy, hai ngày nữa. Có vẻ đây là một cách khốn khổ để hưởng nốt hai ngày cuối cùng trong cuộc đời. Phong cách nông thôn - Lucy thường gọi nó như thế. Ông thì dùng từ khác: lãnh đạm, nhẫn tâm. Nếu nông thôn có thể đưa ra phán xét về thành phố, thì thành phố cũng có thể làm vậy với nông thôn.
Ông đã nghĩ đến việc mua lại hai con cừu của Petrus. Nhưng làm thế phỏng ích gì? Petrus sẽ chỉ dùng tiền ấy mua các động vật giết mổ khác, rồi bỏ túi khoản chênh lệch. Vả lại một khi bỏ tiền ra mua lũ cừu thoát khỏi kiếp nô lệ, ông sẽ làm gì với chúng? Thả chúng chạy tự do trên đường cái à? Nhốt chúng vào mấy cái lồng chó và cho chúng ăn cỏ khô sao?
Ông chẳng biết như thế nào, nhưng có vẻ như một mối ràng buộc đã nảy sinh giữa bản thân ông với hai con cừu Ba Tư kia. Mối ràng buộc ấy không phải là tình cảm. Thậm chí còn không phải là mối ràng buộc đặc biệt nào với hai con cừu này, những con mà ông không thể chọn ra từ cả một bầy trên cánh đồng. Tuy nhiên, bất thình lình và chẳng có lý do, số phận của chúng đã trở nên quan trọng với ông.
Ông đứng trước mặt chúng, dưới ánh mặt trời, đợi chờ âm thanh náo động trong tâm trí mình lắng xuống, đợi chờ một dấu hiệu.
Có một con ruồi đang cố gắng bò vào tai một trong hai con cừu. Cái tai rung rung. Con ruồi cất cánh bay đi; lượn vòng, quay lại, đậu xuống. Cái tai lại rung lên.
Ông bước một bước về phía trước. Con cừu khó chịu lùi lại kéo căng hết cỡ sợi dây.
Ông nhớ lại cảnh Bev Shaw cưng nựng con dê đực già có hai quả tinh hoàn nát bét, vuốt ve nó, an ủi nó, bước vào cuộc đời nó. Cái trò giao tiếp với động vật này, sao bà ta làm chuẩn thế nhỉ? Vài ngón nghề mà ông không biết. Có lẽ người ta càng ít rắc rối, người ta càng trở thành những người tốt.
Ánh nắng chiếu lên mặt ông với tất cả tia phóng xạ của mùa xuân. Ông nghĩ mình có nên thay đổi không? Mình có nên giống như Bev Shaw không?
Ông nói chuyện với Lucy. “Bố đang nghĩ về bữa tiệc này ở nhà Petrus. Xét toàn diện, bố không muốn đi. Thế có bị xem là thô lỗ không?”
“Có liên quan đến việc giết cừu không ạ?”
“Có. Không. Bố không thay đổi ý kiến đâu, nếu ý con là thế. Bố vẫn không tin rằng các loài vật được sống cuộc sống theo đúng nghĩa. Con nào trong số chúng được sống, con nào trong số chúng phải chết, thì chúng cũng đều khốn khổ cả, chừng nào bố còn quan tâm. Tuy nhiên...”
“Tuy nhiên?”
“Tuy nhiên, trong trường hợp này thì bố thấy khó chịu. Bố không thể nói rõ là tại sao.”
“Petrus và những vị khách của anh ta chắc chắn không từ chối những miếng sườn cừu để bày tỏ lòng tôn kính bố và những trách nhiệm của bố.”
“Bố không đòi hỏi điều đó. Không phải đến dự bữa tiệc thì bố sẽ thích hơn, vào lúc này thì không. Bố xin lỗi. Bố không bao giờ tưởng tượng cuối cùng mình phải nói chuyện thế này.”
“Hành động của Chúa bí ẩn lắm, David.”
“Đừng có chọc bố nữa đi.”
Thứ Bảy là một ngày chợ phiên ảm đạm. “Chúng ta có nên ra chợ không?” ông hỏi Lucy.
Cô nhún vai. “Bố quyết đi,” cô đáp. Và ông không ra chợ nữa. Ông không thắc mắc quyết định của cô; thực ra ông thấy nhẹ nhõm.
Những chuẩn bị cho lễ hội của Petrus được bắt đầu vào trưa ngày thứ Bảy, khi một nhóm phụ nữ mà một nửa trong số này rất khỏe mạnh, mặc trên người những bộ đồ mà ông nghĩ là trang phục lộng lẫy khi đi lễ. Họ nhóm lửa sau chuồng ngựa. Chẳng bao lâu sau, cái mùi khó chịu khi luộc phần thịt cắt bỏ theo gió phả đến, từ hơi gió ông biết rằng công việc đã xong xuôi, cả hai con đã lên mâm, và thế là hết.
Ông có nên than khóc không? Khóc thương cho những sinh vật không tự biết khóc thương chính mình liệu có hợp nhẽ không? Nhìn thẳng vào trái tim mình, ông chỉ có thể tìm thấy một nỗi buồn mơ hồ.
Quá gần, ông nghĩ: chúng ta sống quá gần Petrus. Như thể sống chung trong một ngôi nhà cùng những kẻ xa lạ, chia sẻ với nhau những tiếng ồn, chia sẻ với nhau những mùi vị.
Ông gõ cửa phòng Lucy. “Con có muốn đi dạo không?” ông nói.
“Cảm ơn bố, nhưng thôi ạ. Bố dắt con Katy đi đi.” Ông dắt theo con chó bull, nhưng cô ả đi chậm rề rề và sưng sỉa đến nỗi khiến ông càng bực, bèn đuổi cô ả quay về trang trại, rồi một mình đi bộ theo đường vòng tám cây số, bước đi rất nhanh cố gắng khiến bản thân mệt mỏi.
Lúc năm giờ, các vị khách bắt đầu lục tục kéo đến, bằng xe con, bằng taxi hay đi bộ. Ông ngắm nhìn từ phía sau tấm rèm nhà bếp. Hầu hết mọi người đều ngang tuổi với chủ tiệc, trầm tính, vạm vỡ. Có một bà già được đón tiếp đặc biệt ầm ĩ: bà ta mặc bộ complet nữ màu xanh giống ông, cùng chiếc váy màu hồng lòe loẹt. Petrus ra đến tận con đường mòn để chào đón bà ta.
Trời đã tối trước khi vị khách trẻ hơn xuất hiện. Theo cơn gió nhẹ, vẳng đến tiếng rì rầm trò chuyện, tiếng cười và âm nhạc, thứ âm nhạc làm ông nhớ đến tuổi trẻ của chính mình ở Johannesburg. Đúng là dễ chịu thật, ông tự nhủ - thậm chí còn rất vui vẻ nữa.
“Đến lúc rồi,” Lucy nói. “Bố đi chứ?”
Khác với ngày thường, cô mặc chiếc váy dài tới đầu gối và đi giày cao gót, kèm thêm chuỗi vòng cổ với những hạt ngọc làm bằng gỗ sơn tiệp màu với đôi bông tai. Ông không chắc mình có ưa lối phục sức này không. “Được rồi, bố sẽ đến. Bố sẵn sàng rồi.”
“Bố không mang bộ complet nào theo à?”
“Không.”
“Thế thì ít nhất bố thắt cravat đi chứ.”
“Bố tưởng chúng ta đang ở nông thôn mà.”
“Càng thêm lý do để ăn diện. Đây là một ngày trọng đại trong cuộc đời Petrus.”
Cô cầm theo một chiếc đèn pin nhỏ. Họ bước lên con đường mòn dẫn tới nhà Petrus, cha và con gái khoác tay nhau, cô chiếu đèn soi đường, ông ôm trên tay món quà của họ.
Họ dừng chân trước cánh cửa mở, miệng mỉm cười. Chẳng thấy Petrus đâu, chỉ có một bé gái nhỏ mặc váy dạ tiệc bước tới dẫn họ vào nhà.
Cái chuồng ngựa cũ không có trần và sàn là sàn đất, nhưng ít nhất thì nó rộng rãi và có điện. Những bóng đèn có chao và các bức tranh treo trên tường (gồm Hoa Hướng dương của Van Gogh, Cô Gái Mặc Váy Xanh của Tretchikoff, Jane Fonda Mặc đồ Barbarella, Bác sĩ Khumalo Ghi Bàn) xua tan sự ảm đạm.
Hai cha con là những người da trắng duy nhất. Có một cuộc khiêu vũ đang diễn ra, ông nghe thấy giai điệu nhạc jazz cũ của Nam Phi. Những ánh mắt tò mò ném vào hai người họ, hoặc chỉ ném về phía cái sọ trắng hếu của ông mà thôi.
Lucy quen biết vài người phụ nữ trong số này. Cô bắt đầu giới thiệu. Tiếp theo, Petrus xuất hiện bên họ. Anh ta không đóng vai chủ tiệc hăng hái, không mời họ đồ uống nhưng anh ta nói: “Không nuôi chó nữa. Tôi không còn là anh chàng nuôi chó nữa,” và Lucy chấp nhận câu nói ấy như lời nói đùa, có vẻ như tất cả mọi người cũng thế.
“Chúng tôi có mang tặng anh một thứ,” Lucy nói, “nhưng có lẽ chúng tôi nên tặng nó cho vợ anh. Món quà này dành cho ngôi nhà.”
Từ gian bếp, nếu người ta có thể gọi nó như thế, Petrus gọi vợ ra. Đây là lần đầu tiên ông trông thấy vợ anh ta từ khoảng cách gần như thế. Cô ta còn trẻ - trẻ hơn cả Lucy - gương mặt trông ưa nhìn hơn là xinh, nhút nhát, rõ ràng đang mang bầu. Cô ta nắm lấy tay Lucy nhưng không nắm tay ông, cũng như lảng tránh đôi mắt ông.
Lucy nói vài câu bằng tiếng Xhosa rồi trao cho cô ta một cái gói. Lúc này nửa tá khách dự tiệc đã vây xung quanh hai người.
“Cô ấy phải mở quà,” Petrus nói.
“Đúng, chị phải mở quà,” Lucy nói.
Cẩn thận để không làm rách lớp giấy gói đẹp đẽ có in hình những chiếc đàn mandolin và các cành nguyệt quế, người vợ trẻ mở gói quà. Đó là một xấp vải có thiết kế Ashanti khá hấp dẫn. “Cảm ơn em,” cô ta thì thầm bằng tiếng Anh.
“Cái này là ga giường,” Lucy giải thích với Petrus. “Lucy là mạnh thường quân của chúng tôi đấy,”
Petrus nói; rồi quay sang Lucy: “Cô là mạnh thường quân của chúng tôi.”
Dường như với ông, mấy từ này nghe rất khó chịu, như con dao hai lưỡi, làm hỏng cả khoảnh khắc này. Thế nhưng có thể trách Petrus được không? Giá mà anh ta biết, thứ ngôn ngữ anh ta sử dụng một cách tự tin như thế nó mệt mỏi, mong manh như thế nào, như thể bị bầy mối đục ruỗng từ bên trong. Vẫn chỉ có thể dựa vào các từ đơn âm tiết, thậm chí còn chẳng có từ nào như thế cả.
Phải làm gì bây giờ? Từng có thời là giảng viên về thông tin liên lạc, nhưng ông chẳng nhìn ra được gì. Chẳng có gì giống như kiểu bắt đầu học lại từ ABC. Chờ đến lúc những từ ngữ đao to búa lớn quay trở lại, cấu trúc lại, được thanh lọc, xứng đáng được tin tưởng một lần nữa, thì chắc ông đã xanh cỏ từ lâu rồi.
Ông run rẩy, như thể một con ngỗng giẫm lên mộ phần của mình.
“Đứa bé - khi nào thì vỡ chum đấy?” ông hỏi vợ Petrus.
Cô ta nhìn ông không hiểu.
“Tháng Mười ạ,” Petrus nói đỡ. “Dự sinh là vào tháng Mười ạ. Chúng tôi hy vọng sẽ là con trai.”
“Ồ, chẳng nhẽ cậu không thích con gái à?”
“Chúng tôi đang nguyện cầu là con trai.” Petrus nói. “Con đầu là trai bao giờ cũng là tốt nhất. Sau đó nó có thể dạy dỗ các em gái của mình - dạy dỗ chúng cách hành xử. Vâng.” Anh ta ngừng lời. “Một đứa con gái thì tốn lắm.” Ngón tay cái và ngón tay trỏ của anh ta xoa vào nhau. “Lúc nào cũng tiền, tiền, tiền.”
Lâu lắm rồi ông mới lại nhìn thấy cử chỉ đó. Ngày xưa, cái cử chỉ tiền-tiền-tiền này do người Do Thái phát minh ra, kèm theo cái nghiêng đầu đầy ý nghĩa. Nhưng có lẽ Petrus không biết hết mẩu kiến thức vụn vặt về truyền thống châu Âu ấy.
“Con trai cũng tốn kém mà,” ông nhận xét, góp phần vào câu chuyện.
“Ông phải mua cho chúng cái này, ông phải mua cho chúng cái kia,” Petrus nói tiếp, đang vào đà nên anh ta chẳng buồn lắng nghe nữa.. “Thời nay đàn ông không trả tiền cho người đàn bà nữa. Giờ là tôi trả.” Anh ta huơ tay trên đầu người vợ; cô ta khiêm nhường cụp mắt xuống. “Tôi trả. Nhưng thời ấy xưa rồi. Quần áo, những món đồ đẹp đẽ, đều giống nhau hết: trả, trả, trả.” Anh ta lặp lại động tác xoa tay. “Không, con trai vẫn tốt hơn. Ngoại trừ con gái ông. Con gái ông là ngoại lệ. Con gái ông quý giá như con trai vậy. Gần như thế!” Anh ta cười trước câu nói hóm hỉnh của mình. “Này, Lucy!”
Lucy mỉm cười, nhưng ông biết cô lúng túng. “Con ra nhảy đây,” cô thì thầm, rồi bỏ đi.
Cô khiêu vũ một mình trên sàn như thể xung quanh không còn ai, mà giờ đây, kiểu nhảy đó có vẻ đang là mốt. Không lâu sau đó một thanh niên, cao ráo, chân tay mềm dẻo, ăn mặc lịch sự đến nhảy cùng cô. Anh ta nhảy trước mặt cô, búng ngón tay tanh tách, khiến cô mỉm cười, tán tỉnh cô.
Các phụ nữ đang bắt đầu từ bên ngoài tiến vào trong, mang theo các khay đựng thịt nướng. Không khí nồng nặc mùi các món khai vị. Thêm rất nhiều vị khách nữa tràn vào trong, trẻ trung, ầm ĩ, sinh động với gu thời trang không hề lỗi mốt tí nào. Bữa tiệc đang bắt đầu vào thời điểm sôi động.
Một đĩa đồ ăn được dúi vào hai tay ông. Ông chuyển nó sang cho Petrus. “Không,” Petrus nói, “cái này cho ông mà. Bằng không chúng tôi sẽ chuyển đĩa này suốt đêm mất.”
Petrus cùng vợ anh ta dành phần lớn thời gian bên ông, khiến ông cảm thấy mình như ở nhà. Những người tử tế, ông nghĩ. Những người nông thôn.
Ông liếc xéo Lucy. Chàng trai trẻ đang khiêu vũ lúc này chỉ đứng cách Lucy vài phân, đang nhấc chân lên cao rồi giậm mạnh xuống, hai cánh tay đưa lên đưa xuống, thích thú.
Đĩa ông đang cầm đựng hai miếng sườn cừu, một miếng khoai tây nướng, một muôi cơm đang bồng bềnh trong nước thịt, một lát bí đỏ. Ông thấy một cái ghế liền ngồi xuống, cùng một ông già gầy còm với đôi mắt đang chảy nước mắt. Mình sẽ ăn món này, ông tự nhủ. Mình sẽ ăn nó rồi xin tha thứ sau.
Sau đó, Lucy đến bên ông, thở hổn hển, gương mặt căng thẳng, “Chúng ta về ngay được không?” cô nói. “Chúng ở đây.”
“Ai ở đây cơ?”
“Con thấy một tên trong số bọn chúng ở phía sau. David, con không muốn làm ầm lên, nhưng chúng ta có thể về ngay được không?”
“Cầm lấy cho bố.” Ông trao cho cô cái đĩa của mình, bước ra phía cửa sau.
Cả bên ngoài cũng gần như đông nghẹt khách, tụ tập xung quanh ngọn lửa, nói chuyện, uống rượu, cười đùa. Phía đầu kia ngọn lửa, một người đang nhìn ông chằm chằm. Ngay lập tức mọi thứ trở về đúng vị trí. Ông biết khuôn mặt đó, ông biết nó trông rất quen. Ông chen qua đám đông. Mình sẽ phải làm ầm lên, ông nghĩ. Thật đáng tiếc trong một ngày như thế này. Nhưng vài việc sẽ phải đợi thôi.
Ông đứng như trời trồng trước mặt thằng bé. Đó là tên thứ ba trong số chúng, thằng nhóc học nghề có gương mặt đần độn, thằng nhóc bị chó đuổi. “Tao biết mày,” ông nói dứt khoát.
Thằng nhóc có vẻ như không bị giật mình. Mà ngược lại, nó như thể đang đợi chờ giây phút này, như đang chuẩn bị cho giây phút này. Giọng nói phát ra từ cổ họng ông đặc quánh vì phẫn nộ. “Mày là ai?” ông nói, nhưng những từ ngữ này mang một nghĩa khác: Mày có quyền gì mà được ở đây? Cả cơ thể ông phát ra mùi bạo lực.
Sau đó, Petrus đến chỗ họ, nói rất nhanh bằng tiếng Xhosa.
Ông giật giật tay áo Petrus. Anh ta hất ra, ném sang cái nhìn sốt ruột.
“Cậu biết ai đây không?” Ông hỏi.
“Không, tôi chẳng biết cái gì đây hết,” Petrus giận dữ nói. “Tôi chả biết có chuyện gì. Làm sao thế?”
“Nó - thằng ôn này - đã từng tới đây cùng đồng bọn của nó. Nó là một trong số chúng. Nhưng cứ để nó nói cho cậu biết chuyện này đầu đuôi thế nào. Để nó nói cho cậu biết tại sao nó lại bị cảnh sát truy nã.”
“Điều đó không đúng!” thằng nhóc quát lên.
Nó lại nói chuyện với Petrus, một tràng những từ ngữ giận dữ. Âm nhạc tiếp tục tan nhòa vào bầu không khí ban đêm, nhưng không còn ai nhảy nữa. Những vị khách của Petrus đang túm lại xung quanh họ, chen lấn, xô đẩy. Bầu không khí rất tệ.
Petrus nói. “Nó bảo nó không biết ông đang nói chuyện gì.”
“Nó nói dối. Nó biết quá rõ. Lucy sẽ xác nhận.” Nhưng tất nhiên Lucy sẽ không xác nhận. Làm sao ông có thể mong Lucy sẽ đứng ra trước mặt những người xa lạ này, trước mặt thằng nhóc, chỉ tay vào nó và nói, Phải, nó là một trong số bọn chúng. Nó là một trong số những kẻ đã làm chuyện đó.
“Tôi sẽ gọi điện báo cảnh sát,” ông nói.
Có tiếng rì rầm tuyệt vọng từ những kẻ đứng xem. “Tôi sẽ gọi điện báo cảnh sát,” ông nhắc lại với Petrus. Mặt anh ta lạnh như đá.
Trong bầu không khí câm lặng, ông quay vào trong nhà, nơi Lucy vẫn đang đứng đợi. “Đi thôi,” ông nói.
Những vị khách nhường đường cho hai cha con.
Không còn vẻ thân thiện trên mặt họ nữa. Lucy bỏ quên ngọn đèn pin: họ lạc lối trong bóng tối; Lucy buộc phải bỏ giày; họ lần mò qua các ruộng khoai tây trước khi tới được ngôi nhà nông trại.
Ông vừa cầm lấy ống nghe trong tay thì Lucy cản ông lại. “David, không, bố đừng làm thế. Đó không phải lỗi của Petrus. Nếu bố gọi cảnh sát, với anh ấy, tối hôm nay sẽ đi tong luôn. Lý trí hơn đi.”
Ông kinh ngạc, đủ kinh ngạc để vặn lại con gái mình. “Vì Chúa, tại sao lại không phải là lỗi của Petrus? Dù sao đi nữa cũng chính là cậu ta cho những kẻ này vào ngay từ đầu. Và bây giờ cậu ta lại vô liêm sỉ tới nỗi mời chúng quay lại: Tại sao bố lại phải lý trí hơn? Lucy à, thực ra từ đầu đến cuối bố không hiểu nổi. Bố không hiểu nổi tại sao con lại không trình ra những lời buộc tội thực sự chống lại chúng, và giờ bố không hiểu nổi tại sao con lại đang bảo vệ Petrus. Cậu ta không phải là kẻ vô tội đâu, Petrus cùng phe với bọn chúng.”
“Đừng quát vào mặt con, David. Đây là cuộc đời con. Con mới là người phải sống ở đây. Chuyện đã xảy ra với con là chuyện của con, của riêng con mà thôi, và nếu con có một quyền nào đó thì đó là quyền không đưa sự việc như thế này ra tòa, đó là quyền không phải tự biện minh với bản thân mình - với bố, hay với bất kỳ ai khác. Về phần Petrus, anh ta không phải là kẻ làm thuê mà con có thể sa thải vì theo như con biết, anh ta có giao du với bọn người xấu. Nhưng tất cả những chuyện này đã qua rồi, thành dĩ vãng rồi. Nếu bố muốn chống lại Petrus, tốt hơn bố nên chắc chắn những thông tin của mình trước đã. Bố không thể gọi cho cảnh sát. Vì con sẽ không có thông tin. Hãy đợi đến sáng mai. Hãy đợi cho đến khi bố nghe hết câu chuyện từ phía Petrus đã.”
“Nhưng trong khi đó, thằng nhóc kia sẽ biến mất!”
“Nó sẽ không biến mất. Petrus biết nó. Dù thế nào , không ai lại biến mất ở Eastern Cape này cả. Đây không phải là một nơi như thế.”
“Lucy, Lucy, bố van con! Con muốn biện hộ cho những sai lầm của quá khứ nhưng đây không phải là cách. Nếu con không chịu đứng lên vì bản thân mình vào lúc này, con sẽ không bao giờ có thể ngẩng mặt lên được nữa. Con cũng có thể gói ghém đồ đạc và ra đi. Về phần cảnh sát, nếu con quá nhũn nhặn mà không gọi cho họ bây giờ, vậy thì ngay từ đầu nhẽ ra chúng ta đã không nên gọi họ tới. Chúng ta chỉ việc giữ im lặng và đợi chờ cuộc tấn công tiếp theo. Hoặc là tự cắt cổ chính mình.”
“Thôi đi, David! Con không cần phải bảo vệ chính mình trước bố. Bố không biết đã xảy ra chuyện gì mà!”
“Bố không biết ư?”
“Không, bố không bắt đầu biết. Hãy ngừng lại và suy nghĩ về điều đó đi. Liên quan tới cảnh sát, để con nhắc bố nhớ tại sao chúng ta gọi họ đến ngay từ đầu: vì bảo hiểm. Chúng ta đã nộp báo cáo bởi vì nếu ta không làm thế, bảo hiểm sẽ không trả cho chúng ta một xu.”
“Lucy, con khiến bố kinh ngạc. Chuyện này đơn giản là không đúng, và con biết thế. Về phần Petrus, bố nhắc lại: nếu con yếu đuối vào lúc này, nếu con thất bại, con sẽ không bao giờ có thể sống với chính mình được nữa. Con có trách nhiệm với bản thân con, với tương lai, với lòng tự trọng của chính con. Hãy để bố gọi cảnh sát. Hoặc con tự gọi đi.”
“Không.”
Không: đó là từ cuối cùng Lucy nói với ông. Cô rút về phòng mình, đóng cửa lại trước mắt ông, bỏ ông ở ngoài. Từng bước một, không thể đảo ngược như thể họ là vợ chồng, ông và cô cứ thế xa nhau, mà ông chẳng thể làm được gì. Ngay những cuộc cãi vã giữa họ cũng trở nên giống những màn gây lộn của cặp vợ chồng mới cưới, cả hai cùng nhau mắc bẫy không còn lối thoát. Ắt là cô phải ân hận cái ngày ông chuyển đến sống cùng cô lắm! Chắc cô phải ước rằng ông nên biến đi, càng sớm bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu.
Thế nhưng về lâu về dài, cô cũng sẽ phải ra đi. Vì là đàn bà lại sống ở trang trại một mình, cô sẽ không có tương lai, điều đó là rõ ràng. Ngay cả những ngày tháng còn Ettinger, với những khẩu súng và hàng rào thép gai, cùng các hệ thống báo động vượt trội của ông ta. Nếu Lucy có bất kỳ linh cảm gì, cô sẽ bỏ cuộc trước khi số phận giáng xuống cho cô một đòn còn kinh khủng hơn cả định mệnh, hơn cả cái chết. Nhưng tất nhiên, cô sẽ không bỏ đi. Cô cứng đầu, và cũng đắm chìm quá sâu vào cuộc sống mình đã lựa chọn.
Ông lẻn ra khỏi nhà. Thận trọng lần mò trong bóng tối, ông đến gần chuồng ngựa từ phía sau.
Ngọn lửa lớn đã tắt, âm nhạc đã không còn. Có một nhóm người phía cửa sau, một cánh cửa được xây đủ rộng cho cả một chiếc máy kéo đi vào. Ông nhòm qua đầu họ.
Ở giữa sàn đất, một trong số các vị khách đang đứng, một người đàn ông ở tuổi trung niên. Mái đầu ông ta cạo trọc nhẵn thín, cổ bò mộng; ông ta mặc bộ complet tối màu, quanh cổ là một chuỗi dây chuyền đính một chiếc huy chương to cỡ bằng nắm tay, loại mà những tên thủ lĩnh thường được trao tặng như một biểu tượng về địa vị. Những biểu tượng này thường được đúc một thùng đầy tại Coventry hoặc Birmingham, một mặt in hình đầu của Nữ hoàng Victoria gắt gỏng, Nữ hoàng và Hoàng hậu, mặt kia in hình mấy con linh dương đầu bò hoặc những con cò quăm hùng hổ. Những huy chương dành cho các thủ lĩnh. Được vận chuyển khắp Đế chế Già: đến Nagpur, Fiji, Bờ biển Ngà và Kaffraria.
Người đàn ông đang nói, rất khoa trương với những đoạn lên bổng xuống trầm. Ông không hiểu người đàn ông kia đang nói gì, nhưng thi thoảng lại có một khoảng lặng và tiếng thì thầm đồng tình từ phía khán giả, và dường như bao trùm giữa những kẻ này, già có trẻ có, chỉ còn một cảm giác thỏa mãn thầm lặng.
Ông nhìn quanh. Thằng nhóc đang đứng gần đó, ngay phía trong cửa. Đôi mắt thằng nhóc căng thẳng nhìn lướt qua ông. Những đôi mắt khác cũng nhìn theo ánh mắt nó: về phía kẻ xa lạ, về phía kẻ già cả ngoài kia. Người đàn ông đeo huy chương nhíu mày, trong một lúc ngập ngừng, cất cao giọng lên.
Về phần ông, ông không bận tâm chuyện bị chú ý nữa. Cứ để họ biết mình vẫn còn ở đây, ông nghĩ; cứ để họ biết mình không lảng tránh trong căn nhà lớn. Và nếu điều này phá hỏng buổi gặp mặt của họ, thì cứ kệ mẹ cho nó hỏng. Ông sờ một bàn tay lên cái đầu băng trắng xóa của mình. Lần đầu tiên ông thấy mừng khi đã băng trắng đầu, như một thứ trang phục của riêng mình.