Kính thưa các vị pháp sư, các vị thiện tri thức:
Chủ đề của buổi diễn thuyết hôm nay là: Khoa học và Phật pháp. Trước khi giảng về chủ đề này, tôi nhận thấy có hai điểm cần phải nói rõ: Thứ nhất, tôi chọn chủ đề này dường như là không tự lượng sức, bởi vì tôi không phải nhà khoa học, cũng không phải nhà Phật học. Mặc dù học về kỹ thuật và tin Phật hơn hai mươi năm, nhưng tôi rất ít khi nghiên cứu về cả hai, chỉ có thể nói rằng đó là những hiểu biết nông cạn về khoa học và Phật pháp của tôi. Lý do khiến tôi mạnh dạn chọn lấy chủ đề này, đó là tôi xem đây chỉ như là một cách khích lệ lòng tin. Tôi tin rằng dùng phương pháp giảng dạy phổ thông có thể làm sáng tỏ mối quan hệ giữa khoa học và Phật pháp, cung cấp thêm một tài liệu tham khảo, gợi lên cảm hứng tìm kiếm theo đuổi chân lý cho mọi người. Còn những nghiên cứu chuyên ngành sâu xa hơn thì xin chờ các vị đại sư và chuyên gia hoàn thành. Tôi tin rằng Phật pháp đa phương diện có thể được hiểu theo lẽ thường, cũng có thể giải thích bằng khoa học.
Thứ hai, lần này tôi chọn nói tiếng Quảng Đông cũng là một trải nghiệm táo bạo. Với vốn tiếng ít ỏi gượng gạo của tôi, có thể ngôn từ sẽ không diễn tả được hết ý nghĩa, nhưng vì mục tiêu phổ cập kiến thức rộng rãi và tránh rắc rối khi phiên dịch, tôi sẽ cố gắng nói tiếng Quảng Đông, mong các vị hoan hỷ.
Định nghĩa Khoa học và Phương pháp khoa học
Khoa học là gì? Nói một cách đơn giản, khoa học là học thức về các ngành khác nhau, có nhiệm vụ thực hiện những nghiên cứu về các mối quan hệ qua lại giữa các sự vật hiện tượng một cách có hệ thống, tiến hành các thực nghiệm chứng minh rồi rút ra những tri thức mang tính quy luật, công thức. Loại kiến thức này gọi là kiến thức khoa học, những kết luận rút ra từ đó là kết luận khoa học. Loại kiến thức và kết luận khoa học này, mặc dù cũng được đúc kết từ kinh nghiệm của con người, nhưng phương pháp khoa học bắt buộc phải trải qua chứng minh thực tế, một giả thiết cần phải được thực nghiệm chứng minh mới có thể xác lập.
Vì vậy, những kết luận thông qua phương pháp khoa học, nhất định có thể giải thích chính xác một sự vật hiện tượng nào đó, bởi vì dựa vào kiến thức khoa học thực nghiệm, mới có thể tránh được những suy đoán chủ quan và những sai sót khi phán đoán. Con người ai cũng có quan điểm và suy nghĩ của riêng mình về những điều xung quanh, hầu hết những quan điểm và suy nghĩ này đều mang tính chủ quan và chưa chắc đã đúng, ví dụ như ban đầu con người cho rằng trời tròn đất vuông, mặt trời quay xung quanh trái đất, bây giờ thì tất cả mọi người đều biết cách nghĩ này là không chính xác. Đây chính là cách khoa học cải chính những phỏng đoán chủ quan của con người.
Kiến thức khoa học và diễn tiến phát triển của nó
Sự nhận thức và phát triển của khoa học về thực tướng của vũ trụ (Reality) đã liên tục có những khám phá cực kỳ quan trọng trong những thế kỷ gần đây. Đối với sự cấu thành của vũ trụ, khoa học đã có những hiểu biết tiến bộ và cụ thể hơn, bây giờ ta có thể chia ra làm hai phần:
(1) Diễn tiến của khái niệm nguyên tử:
Vào thế kỷ XVII, nhận thức của con người về vật chất cho rằng bất cứ vật thể nào cũng được cấu thành từ một loại hạt cơ bản không thể phân tách được, được gọi là nguyên tử (Atom). Ý nghĩa nguyên bản của nó là “không thể tách rời”.
Cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX, John Dalton là người tiên phong đưa ra thuyết nguyên tử (Atomic Theory), cho rằng mọi vật chất trong vũ trụ đều được cấu thành từ các nguyên tố hữu hạn, các nguyên tố do các nguyên tử cùng loại cấu thành và các nguyên tử không thể phân chia được.
Năm 1913, nhà khoa học người Đan Mạch - Boyle, sau khi thí nghiệm đã rút ra được kết luận: Nguyên tử có thể chia thành hai phần, đó là electron và hạt nhân. Hạt nhân thì kiên cố, còn electron thì chuyển động quanh hạt nhân và chứa đường sức từ.
Chuyên gia điện học Faraday mô tả hình dạng của nguyên tử giống như một con sao biển, thân hình nhỏ nhưng các chi to dài. Khái niệm này rất quan trọng, nó đã phá vỡ quan điểm ban đầu về sự tồn tại độc lập của nguyên tử, cho thấy rằng các vật thể đang kiểm soát, ảnh hưởng lẫn nhau, tồn tại tương quan với nhau. Tất cả những điều này tương hợp với triết lý “các pháp đều do nhân duyên sinh khởi” trong Phật giáo.
Năm 1905, Einstein dự đoán rằng vật chất (tức khối lượng) và năng lượng có thể chuyển hóa lẫn nhau, đồng thời cho rằng vật chất rất nhỏ có thể chuyển hóa thành một năng lượng lớn. Ông đã thiết lập một công thức cho mối quan hệ giữa vật chất và năng lượng: E = MC2, E đại diện cho năng lượng, M đại diện cho khối lượng vật chất, C đại diện cho tốc độ ánh sáng và C2 là bình phương tốc độ ánh sáng. Nói cách khác, lấy khối lượng vật chất nhân với bình phương tốc độ ánh sáng, kết quả của phép tính chính là năng lượng. Có nghĩa là, với tốc độ ánh sáng là 300.000 km/s, thì một vật chất cực kỳ nhỏ cũng có thể biến thành một năng lượng khổng lồ đáng kinh ngạc. Nếu bạn chuyển một pound (tương đương 453.6 g) than thành nguồn năng lượng thì có thể đạt được mức bằng 9.6x1017 foot-pound1.
Chú thích:
1 Một foot-pound là năng lượng để nâng một vật nặng một pound (453.5 g) lên một foot (30.48 cm).
Dự đoán của ông đã được chứng thực hoàn toàn bởi sự thành công của quá trình phân tách nguyên tử. Lý thuyết cho rằng nguyên tử không thể tách rời cuối cùng đã bị phá vỡ. Điều đó khẳng định chắc chắn rằng vật chất và năng lượng có thể chuyển hóa lẫn nhau, và quan trọng hơn là khiến cho giả thiết ngoài sức tưởng tượng - “vật chất nhỏ bé biến thành năng lượng vĩ đại” trở thành hiện thực. Đây là một bước phát triển vô cùng quan trọng và mang tính cách mạng trong lịch sử khoa học. Không nghi ngờ gì nữa, nó sẽ tác động sâu sắc đến phương thức sản xuất, lối sống và thậm chí là toàn bộ lịch sử của con người.
Sự phân tách của nguyên tử và những khám phá mới khác trong khoa học giống như một quả bom nguyên tử được phóng ra làm lung lay cơ sở lý luận cho rằng vạn vật do thần linh tạo ra của một số tôn giáo. Ngoại lệ duy nhất chính là Phật giáo. Sự phát triển của khoa học không những không đủ để phủ nhận mà còn cung cấp một luận chứng hùng hồn cho các lý luận Phật giáo.
Hơn hai nghìn năm trước, kinh Phật đã dùng hình ảnh “một hạt cải chứa cả núi Tu Di” để mô tả một loại sức mạnh mà khi tập hợp lại, nó có thể ẩn chứa trong hạt cải, khi giải phóng ra có thể lớn hơn núi Tu Di (ngọn núi lớn nhất, hình dung vô cùng to lớn). Trong quá khứ, khi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni giảng Kinh Pháp Hoa (法華經), Ngài ngồi suốt năm mươi kiếp (kiếp là khoảng thời gian dài hàng tỷ năm). Đó là minh chứng của Phật giáo về thời gian và không gian.
Trên cơ sở lý luận Thuyết tương đối của Einstein, nếu một chiếc máy bay bay với tốc độ bằng bội số nguyên của vận tốc ánh sáng trong chân không, thì thời gian và không gian có thể đồng thời ngừng trôi hoặc quay ngược lại, khiến ta nhìn thấy ngàn vạn sự vật hiện tượng trong quá khứ.
Khái niệm về không gian và thời gian này của khoa học, hoàn toàn phù hợp với thời gian và không gian thể chứng của Phật giáo. Sự phân tách của các nguyên tử trong thế giới khoa học biến vật chất rất nhỏ thành một năng lượng rất lớn, đã phá vỡ lý luận nguyên tử không thể bị tách rời. Còn về lý luận Phật giáo, nếu như có thể phá vỡ “ngã chấp” chúng ta cũng sẽ có khả năng tạo ra sức mạnh tinh thần không gì sánh được, chẳng qua năng lượng vật lý là thứ có thể nhìn thấy được, còn năng lượng tinh thần lại chẳng thể đo đếm. Dùng phép ẩn dụ, sức mạnh của trí tuệ và lòng từ bi vĩ đại được tạo ra sau khi Đức Phật phá vỡ ngã chấp, rất giống với ánh sáng và sức nóng được sản sinh khi giải phóng các nguyên tử trong thế giới vật chất.
(2) Khái niệm tĩnh lực học phát triển thành khái niệm động lực học của Thuyết tương đối:
Định luật chuyển động của Newton cho rằng một vật sẽ giữ mãi trạng thái đứng yên hoặc chuyển động. Nếu ứng dụng nó cho các hiện tượng vật lý khác nhau trên trái đất thì phù hợp, nhưng đối với vũ trụ rộng lớn bên ngoài không gian (Macro Cosmic) và vũ trụ nhỏ bên trong nguyên tử (Micro Cosmic) thì không thể áp dụng định lý đó được. Cho đến khi Thuyết tương đối của Einstein ra đời, một khái niệm cơ học mới đã thay thế cho định luật Newton. Nó cho rằng động tĩnh là tương đối, tuyệt đối động hay tuyệt đối tĩnh đều vô nghĩa, mọi năng lượng của tất cả vật chất đều tồn tại và phát triển một cách tương đối, thậm chí thời gian và không gian cũng tồn tại một cách tương đối, từ những biến đổi của không gian mà khái niệm thời gian mới được sinh ra. Điều này hiện đã được chứng thực trong du hành vũ trụ.
Còn về lý luận không gian bốn chiều mà Minkowsky thiết lập, điều cốt yếu ở đây, cái gọi là “không gian bốn chiều”, tức là ba chiều không gian dài, rộng, cao cộng thêm thời gian (cũng chính là không gian cộng với thời gian). Vật chất tồn tại trong không gian ba chiều không thể miêu tả đầy đủ chuyển động của vũ trụ, do vậy ta bắt buộc phải thêm vào yếu tố thời gian, mới có thể biểu đạt thực tướng vũ trụ. Đây chính là vũ trụ quan của khoa học, loại vũ trụ quan này được các nhà khoa học suy ra dựa trên phương diện toán học.
Các nhà khoa học cho rằng vũ trụ trong không gian bốn chiều này mặc dù là thực tướng, nhưng ý thức của con người chúng ta không thể hiểu rõ và nghĩ bàn được, điều này giống với quan niệm “nhất chân pháp giới” hay “chư pháp thực tướng” là bất khả tư nghì trong nhà Phật. Ít nhất ở điểm này, nó thống nhất với kết luận của các nhà khoa học hiện đại, giống như ông Vưu Trí Biểu trong cuốn Quan điểm khoa học Phật giáo (佛 教科學觀) đã nói: “Khoa học càng phát triển hưng thịnh thì giáo lý của đạo Phật càng được truyền bá rộng rãi, càng được hiển dương rạng rỡ”. Giáo lý Phật giáo không chỉ vượt qua được sự thử thách, kiểm nghiệm của khoa học, mà những khám phá mới trong khoa học còn góp phần giải thích rõ ràng hơn cho giáo lý Phật giáo.
Ảnh hưởng của sự phát triển khoa học đến đời sống con người
(1) Nói một cách tổng quát, khoa học tiên tiến đã thúc đẩy nền văn minh vật chất của nhân loại phát triển và nâng cao mức độ hưởng thụ cuộc sống của con người. Mặt khác, nó cũng làm thay đổi cuộc sống của con người, đặc biệt là ở các đô thị. Do nền công nghiệp tiên tiến, dân cư đông đúc, công việc bận rộn và cuộc sống căng thẳng, số người mắc các bệnh thành thị ngày càng gia tăng, nhất là ở các quốc gia có nền văn minh vật chất vượt trội. Một báo cáo mới đây của nhà tâm lý học người Anh là Fox cho biết: “Một phần tư người Anh trưởng thành mắc các chứng bệnh tâm thần, nguyên nhân gây ra là do lo lắng và sợ hãi”1.
Chú thích:
1 Xem trên Nhật báo Tinh Đảo (Sing Tao Daily) - số ra ngày 21 tháng 2 năm 1964.
Những nước công nghiệp phát triển khác cũng có hiện tượng tương tự. Ba tháng qua ở Hồng Kông đã xảy ra hơn 102 vụ tự tử, đây là điều không thể tưởng tượng trong thời đại xã hội nông nghiệp. Có thể nói, khoa học phát triển đã khiến không ít người rơi vào trạng thái cảm xúc tiêu cực. Khoa học đã làm phong phú thêm đời sống vật chất của loài người nhưng nó cũng mang lại cho chúng ta nhiều rắc rối! Nguyên nhân chính của điều này không nằm ngoài những điểm sau:
a. Các quan niệm đạo đức và tín ngưỡng tôn giáo nhằm duy trì và kết nối lòng người trong quá khứ đã dần bị phai nhạt bởi sự phát triển của khoa học.
b. Bản thân khoa học đã không thiết lập một nền tảng đạo đức mới hoặc tôn giáo mới, điều này khiến tinh thần con người xuất hiện trạng thái trống rỗng và đánh mất đi nơi gửi gắm.
c. Những thành tựu vật chất đã làm tăng mức độ hưởng thụ của con người đối với những ham muốn vật chất. Cái gọi là “ham muốn khó có thể lấp đầy” chính là căn nguyên dẫn đến sự túng quẫn của con người hiện đại. Ngoài việc chú trọng vào công việc và hưởng lạc con người sẽ hoang mang không biết làm thế nào.
(2) Nói về các khía cạnh đặc biệt, sự phát triển của khoa học đã chứng minh thực tướng vũ trụ trong không gian bốn chiều, từ đó thiết lập ra vũ trụ quan khoa học mang ý nghĩa vô cùng to lớn trong triết học. Nhưng đối với người bình thường, những công thức phức tạp ấy không giúp ích gì nhiều. Có điều, theo quan điểm Phật giáo, vũ trụ quan khoa học này không trái ngược với vũ trụ quan trong Phật giáo và chẳng khác gì đang cung cấp những giải thích khoa học cho các lý luận Phật giáo, đồng thời cũng nhân đó mà xây lên nhịp cầu kết nối cho sự hòa hợp, liên thông cho cả hai. Vì vậy đối với Phật giáo, đó là sự phát triển vô cùng quan trọng và tất yếu, giúp sức cho sự lớn mạnh rực rỡ của Phật giáo trong tương lai!
Nên có nhận thức và đánh giá về khoa học
Khoa học đã làm giàu thêm kiến thức và kinh nghiệm của con người. Khoa học cải tiến việc sử dụng vật liệu, thỏa mãn nhu cầu hưởng thụ cuộc sống của con người và cũng đã tạo ra vũ khí đủ khả năng hủy diệt nhân loại. Vậy thì rốt cuộc khoa học mang lại hạnh phúc hay tội ác? Đây là chuyện của bản thân “người” vận dụng khoa học, còn bản thân khoa học vốn là một công cụ của loài người, bất luận là công trạng hay sai lầm. Ví dụ, biết dùng lửa một cách tích cực có thể sử dụng để nấu chín thức ăn, nhưng sử dụng nó sai cách sẽ gây ra thảm họa.
Hiện nay, loài người vẫn chưa có những kiến thức phổ biến và đúng đắn về chân lý của vũ trụ nhân sinh, không cách gì kiểm soát được lòng tham, sân, si, nghi, mạn thì lúc này đây, đột nhiên sở hữu một quả bom hạt nhân có sức công phá khủng khiếp. Việc này giống hệt như một đứa trẻ đang cầm ngọn đuốc trên tay vậy, thực sự vô cùng nguy hiểm. Vì vậy, chúng ta cần phải bình tĩnh đối mặt với hiện thực:
(1) Thành tựu khoa học trên phương diện vật chất có thể làm tăng thêm hạnh phúc cho con người, cũng có thể phá hủy cả nền văn minh nhân loại. Mấu chốt nằm ở chỗ con người vận dụng nó như thế nào, là họa hay là phúc, vẫn do con người tự lựa chọn.
(2) Những nghiên cứu và thành tựu tinh thần của khoa học kém xa so với những nghiên cứu và thành tựu về mặt vật chất mà nó mang lại. Trong khoa học, phương diện tinh thần thể hiện rõ sự tụt hậu, do đó, sự phát triển mất cân bằng giữa hai mặt là nguyên nhân chính dẫn đến sự hoang mang, phiền não của con người.
(3) Do sự phát triển của khoa học, một số lý luận tôn giáo bị phá hủy, một số quan niệm đạo đức xã hội bị ảnh hưởng, một số người đã đánh mất niềm tin tâm linh, dẫn đến tinh thần con người trống rỗng và hoang mang.
(4) Rất ít người có thể hiểu được ý nghĩa triết học của những công thức toán học về thực tướng vũ trụ do khoa học lập ra, do đó chúng không thể trở thành đối tượng nghiên cứu của người bình thường khi theo đuổi chân lý. Những “báu vật” là sản phẩm của khoa học lại chẳng thể được con người ứng dụng phổ biến rộng rãi, để bù đắp vào sự trống rỗng tinh thần do khoa học tạo ra.
Cho dù thích hay không thích những sự thật này, chúng ta đều không thể phủ nhận sự tồn tại của chúng, cũng chẳng có cách nào đảo ngược lịch sử của nhân loại. Trong tương lai, đời sống tinh thần của nhân loại sẽ đi đâu về đâu? Chúng ta nên chuyển tải qua lại những tri thức khoa học phong phú sẵn có đó để tự nhận thức về bản thân - bản thể của mình. Biết được nguồn gốc của tri thức, chúng ta mới có thể tiến thêm một bước là tiến đến nhận thức thực tướng và chân lý của vũ trụ nhân sinh! Do đó, chúng ta chỉ có cách đó là giới thiệu Phật giáo để giải đáp và giải quyết những vấn đề cấp bách này.
Phật là gì?
Phật (Buddha) là người đã giác ngộ triệt để về thực tướng của vũ trụ và nhân sinh. Trong thế giới của chúng ta, người đầu tiên được giác ngộ hoàn toàn là Đức Thích Ca Mâu Ni (Gotama Sakyamuni) ở Ấn Độ. Ngài hiểu biết tường tận về chân lý nhân sinh vũ trụ, hiểu một cách triệt để năng tri (chủ thể nhận thức) là gì? Sở tri (đối tượng của nhận thức) là gì? Giữa chúng có mối quan hệ gì?
Tất cả những hiện tượng sự tướng và bản chất trong vũ trụ về vật lý, sinh lý, tâm lý đều không lìa năng tri, sở tri cùng những mối quan hệ nhân quả biến hóa giữa chúng. Tất cả những biến hóa của sự vật cùng với quan hệ nhân quả giữa chúng gọi chung là “pháp”. Hiểu được mối liên hệ giữa các pháp này, để nhận biết, để thực chứng bản lai diện mục, nhất thiết cứu cánh, kiếm tìm giác ngộ, đó chính là Phật pháp! Vì vậy mới nói: “Phật pháp không tách rời khỏi pháp thế gian”, Phật pháp chính là giác ngộ hoàn toàn các pháp thế gian. Bất kỳ ai nếu dựa vào giáo pháp, Phật pháp để thực hành (tu trì) đều có thể giác ngộ, cũng tức là nói người người đều có thể trở thành Giác giả - Phật.
Pháp là gì?
Dựa theo kiến thức phổ thông của chúng ta, “pháp” có thể phân loại như bảng dưới đây:
Giải thích:
(1) Bản thể của pháp là bất khả tư nghì, không thể nói rõ, chỉ khi con người ta chứng đắc mới thực sự cảm ứng được. Theo cách nói phương tiện, trong bản thể, sự và lý không phải là hai việc khác nhau. Xét về sự, thực tướng của sự vật là “diệu hữu” có được từ duyên khởi. Nói về lý, bản thể chính là “chân không lý tính” (chân lý) duyên sinh vô tự tính. Diệu hữu là cái có mà chẳng phải thực có, cho nên diệu hữu hiển bày lý tính của chân không. Chân không không phải là “ngoan không” (chấp vào cái không, thực ra chính là chấp vào cái có).
(2) Giả thiết của triết học Phật giáo cho rằng bản thể là bất khả thuyết, là giả lập, ví dụ như bản vẽ thiết kế ngôi nhà (hai chiều không gian) dùng để minh họa cho ngôi nhà ba chiều (lập thể); hay như một bức ảnh tĩnh để thể hiện một nhân vật động: mối quan hệ giữa triết lý với bản thể cũng lặp lại như vậy.
(3) Giả thiết của khoa học cũng là phép chiếu hay bản thiết kế của thực tướng, nhưng vì xuất phát điểm của nó đã cho rằng sự vật là tồn tại và có thật, cuối cùng suy ra rằng sự vật tồn tại tương đối, cái có đó là tương đối. Bởi vì khoa học nghiên cứu về đối tượng của nhận thức chứ không phải về bản thể của nhận thức, cho nên không có cách nào thể nghiệm được “giả” là bản vẽ minh họa của “thật”. Muốn đi tìm kiếm thực tướng từ đối tượng nhận thức, điều đó giống như việc đi tìm người thật trong bức ảnh, hẳn là không thể.
(4) Nếu như đã biết các giả thiết của khoa học là “giả”, lập tức ta có thể dung hòa liên thông chúng với các triết lý Phật giáo để thiết lập nhận thức đúng đắn về thực tướng.
(5) Tình kiến thông thường (những phân biệt, vọng tưởng bị ảnh hưởng bởi tình thức), bởi vì không lìa tác động chủ quan của “ái” (thuộc về tình cảm), “kiến” (thuộc về lý trí), coi thực tướng huyễn hóa thành bản vẽ không chính xác, thì chẳng khác nào đeo kính màu nên không thấy được bản lai diện mục của sự vật. Tuy nhiên, mặc dù tình kiến là vọng tưởng, nhưng bản chất của vọng tưởng không xa lìa thực tướng, chỉ cần có thể bỏ chiếc kính màu đó ra (loại trừ tình kiến), thì thực tướng vốn hiện hữu ngay trước mắt!
Các bước giác ngộ chứng đắc thực tướng
(1) Ta dùng mối quan hệ tương đối giữa các sự vật hay giữa tâm với sự vật, (dùng mối quan hệ nhân quả) để hiểu tất cả pháp, nhận thức bản tính của pháp (thực tướng của tất cả pháp), để có được tri thức đúng đắn (chính tri), từ đó sinh ra niềm tin đúng đắn (chính tín)! (Ngộ ra chân lý từ giả thuyết).
(2) Nhờ sức mạnh sinh ra từ niềm tin đúng đắn, từ đó ta khởi phát ra những hành động tương ứng với thực tướng dựa trên nguyên tắc của quy luật nhân quả. Đó chính là tu trì.
(3) Từ sự trưởng thành từng bước của hành vi tiến đến sự viên mãn hoàn hảo (tức giác hạnh viên mãn) cứu cánh cuối cùng, ta giác ngộ chứng đắc thực tướng của tất cả các pháp (nhân sinh, vũ trụ). Một là giác, hai là hạnh, thứ ba là giác hạnh viên mãn. Chứng đắc triệt để thực tướng của tất cả các pháp, đó là Phật. Phương pháp thực hành dựa vào sự thể chứng đó, cách thức hành trì đó để thấu tỏ rốt ráo bản thể của tất cả vũ trụ nhân sinh, là Phật pháp.
Giới thiệu về chân lý của Phật pháp
Khi giải thích mối quan hệ giữa các pháp thế gian, kinh Phật thường nói: “Cái này có thì cái kia có. Cái này không thì cái kia không. Cái này sinh thì cái kia sinh. Cái này diệt thì cái kia diệt”. Hai câu trước nói rõ sự vật đồng thời tồn tại một cách tương đối, hai câu sau nói rõ mối quan hệ nhân quả ở các thời điểm khác nhau. Vế trước là mô tả theo chiều ngang, vế sau là mô tả theo chiều dọc. Câu đầu tiên và câu thứ ba là “lưu chuyển môn”, nếu chấp trước vào đó không chịu tỉnh ngộ thì khó thoát ra khỏi sáu cõi luân hồi. Câu thứ hai và câu thứ tư là “hoàn diệt môn”, có thể khiến cho con người thoát khỏi sinh tử. Tóm lại, tất cả các pháp đều do nhân duyên sinh khởi và chúng tồn tại tương đối phụ thuộc lẫn nhau.
Bài tụng Trung Luận (中論) của ngài Long Thọ đã nói rất hay rằng: “Các pháp do duyên khởi, ta nói tức là không, cũng chính là giả danh, và cũng là trung đạo”. Bởi các pháp do nhân duyên sinh khởi nên chúng không có tự tính (không tồn tại thực sự, độc lập), nên nói là không, để phá trừ các tình kiến chấp trước vào các quan niệm có, thực và thường. Lại vì không có tự tính nên Phật pháp cho rằng tất cả các pháp đều giả danh có, để diệt trừ các vọng tưởng chấp vào thực, không và đoạn. Không chấp vào cái “không” và cái “giả”, triệt để giác ngộ chân lý không - giả, ấy là trung đạo. Nói cách khác, loại trừ mọi chấp trước vọng tưởng chủ quan và quán sát thấy bản thể của tất cả các sự vật hiện tượng là chẳng phải không cũng chẳng phải có, sẽ có thể giác ngộ chứng đắc rốt ráo thực tướng của các pháp, thấu triệt nhân sinh.
Ở đây có hai điểm cần phải nói thêm: Thứ nhất, Phật pháp là trí tín, không phải là mê tín. Phật pháp là sản phẩm trí tuệ khách quan nhất có tác dụng loại trừ cái tôi chấp trước (chủ quan), loại bỏ sự u mê, ảo tưởng và mê tín của con người! Có người cho rằng đạo Phật là mê tín dị đoan, nhưng họ đã hiểu sai về vẻ bề ngoài của Phật giáo. Phật pháp được lưu truyền từ lâu đời nên khó tránh khỏi bị pha tạp bởi tín ngưỡng quỷ thần vốn có của từng địa phương và một số nghi lễ tôn giáo nhất định khiến mọi người bối rối, lẫn lộn.
Thứ hai, chữ nghĩa trong kinh sách quá sâu sắc, những từ ngữ cổ khiến người hiện đại khó hiểu rõ, nắm bắt. Đây là điểm cấp thiết cần sớm tìm cách cải thiện, xây dựng phương hướng sử dụng ngôn ngữ đơn giản và hiện đại cùng các kiến thức khoa học để giải thích Phật pháp, kết hợp bổ trợ lẫn nhau, giúp mọi người dễ hiểu và dễ tin. Cần thuyết giảng Phật pháp dựa trên căn cơ từng chúng sinh, nếu thuyết giảng không đúng đối tượng và trình độ thì đều là nói suông, vì thế cũng không nên gò bó theo lối cố hữu mà nên lựa chọn những đề tài hiện đại để diễn giải kinh Phật, làm cho mọi người dễ hiểu và dễ chấp nhận.
Hai điểm nêu trên, rất mong những ai tin theo đạo Phật sẽ góp phần gạn đục khơi trong, đề xướng và phát huy.
Chân lý - Cầu nối giữa Phật pháp và khoa học
Từ mối quan hệ giữa Phật pháp và khoa học nêu trên, có thể thấy hai chủ thể không những không đối lập mà còn có nhiều điểm tương đồng: Quan điểm khoa học là khách quan, quan điểm Phật giáo là loại trừ chủ quan (cái tôi) một cách tuyệt đối. Khoa học là sản phẩm của lý trí và nó đã phá bỏ những ngụy biện của con người về vật lý; Phật giáo là minh chứng thấu triệt của lý trí, loại bỏ hoàn toàn những mê chấp và ngu muội về tâm lý của con người. Phương pháp nghiên cứu của các nhà khoa học đó là tiến hành suy luận, quy nạp các sự vật hiện tượng phức tạp khác nhau và đưa ra kết luận chính xác thông qua các thí nghiệm dựa trên quy luật logic; Phật giáo sử dụng phương pháp tư duy chính xác để quán chiếu và thể nghiệm chân tướng của vạn vật trên thế gian. Mục đích cuối cùng của Phật pháp và khoa học đều là theo đuổi chân lý. Chân lý có thể trở thành điểm gặp gỡ và là cầu nối giữa khoa học và Phật giáo. Do đó, khoa học và Phật pháp cùng nhau phát triển rực rỡ và bổ trợ, thành tựu cho nhau.
Chẳng như các tôn giáo khác, Phật giáo không những vượt qua được những thử thách của khoa học, ngược lại, rất nhiều những phát minh vĩ đại của khoa học trong quá khứ còn trở thành những giải thích hữu hiệu cho lý luận của Phật giáo, chứng thực tính vĩ đại và chuẩn xác của Phật giáo. Ví như không gian bốn chiều đã nói ở trên, xét về mặt vũ trụ quan cơ bản, kiến thức và quan điểm của khoa học và Phật giáo là hoàn toàn hài hòa và nhất quán, bên cạnh đó còn quá nhiều khía cạnh khác không thể kể hết. Trong cuốn Quan điểm khoa học Phật giáo, tác giả Vưu Trí Biểu nêu rất nhiều ví dụ, các vị có thể tham khảo thêm.
Phật pháp và khoa học bổ trợ, thành tựu cho nhau
Sự phát triển của khoa học chắc chắn đã làm lung lay một số lý thuyết tôn giáo, làm dao động niềm tin cố hữu của một số người, làm mất chỗ dựa và nơi ký thác tinh thần cũng như tạo ra sự trống rỗng về tinh thần của con người. Nhưng đối với Phật giáo, khoa học phát triển chính là tự mình thay thế Phật giáo làm công tác kiểm chứng, đồng thời xác nhận tính đúng đắn của các lý thuyết Phật giáo một cách đanh thép. Những lập luận khoa học đã làm phong phú thêm lý luận Phật giáo, củng cố niềm tin vốn có của những người Phật tử, đồng thời, tất nhiên cũng sẽ mở rộng lĩnh vực mới của Phật giáo - trở thành tín ngưỡng mới cho nhiều người! Để giúp một người đánh mất niềm tin, đang hoang mang lạc lối thiết lập lại tín ngưỡng mới về nhân sinh vũ trụ và khôi phục sự phát triển cân bằng giữa đời sống tinh thần và vật chất, về điểm này, thì sự kết hợp của khoa học và Phật pháp mang ý nghĩa vô cùng lớn lao!
Thêm nữa, vận dụng trí tuệ và sức mạnh khoa học hiện đại để hoằng dương Phật pháp, lập luận chứng minh tính chân thật của Phật pháp ắt sẽ khiến nhiều người dễ dàng sinh khởi chính tín - đặc biệt là những trí thức trung thành với khoa học, hướng đến mục tiêu chung của khoa học và Phật pháp: vì mưu cầu hạnh phúc cho nhân loại, đưa nhân loại đến với cảnh giới chân, thiện, mỹ, hòa hợp và hạnh phúc.
So sánh điểm chung và khác biệt giữa Phật pháp và khoa học
Khoa học và Phật pháp có cùng mục tiêu, cũng có chung đặc điểm, kết quả cũng hỗ trợ và bổ sung cho nhau. Tuy nhiên, rõ ràng là có sự khác biệt về phương pháp luận giữa Phật pháp và khoa học. Dưới đây là bảng liệt kê điểm khác nhau giữa hai chủ thể này:
Trong sự phát triển của khoa học hiện đại, chắc chắn những thành tựu về phương diện vật chất lớn hơn rất nhiều so với khía cạnh tâm lý. Khoa học không nghiên cứu chuyên sâu về tâm vương tâm sở (tác dụng của tâm và tính chất của những tác dụng ấy) như Phật pháp, trong khi sự biến đổi sinh diệt của tâm pháp (tâm lý) lại linh hoạt và khó nắm bắt hơn so với sắc pháp (vật chất), do đó sự phát triển của tâm pháp và sắc pháp trong khoa học là không cân bằng. Cũng chính vì thế, sự phát triển của tâm pháp (tâm lý học) trong khoa học sau này tự có một tương lai rộng mở của riêng nó. Bản thân tôi nghiên cứu rất ít về tâm lý học, nhưng tôi tin tưởng rằng nghiên cứu tâm lý học và những thành tựu của nó trong khoa học chắc chắn sẽ giúp ích cho việc giải thích và hoằng dương Phật pháp, giống hệt như cách mà những thành tựu của khoa học về sắc pháp đã cống hiến đối với Phật pháp vậy.
Trên đây là cách nhìn nhận còn nông cạn của tôi về khoa học và Phật pháp. Tôi cũng hy vọng sẽ khơi dậy được cảm hứng và sự quan tâm của quý vị, tiến hành các cuộc thảo luận sâu hơn để chuyển tải, làm rực rỡ hơn ý nghĩa vi diệu, tinh hoa của Phật giáo và mang lại lợi ích cho con người hiện đại! Chân thành cảm ơn sự tham gia của quý vị!
Tọa đàm về Phật giáo phổ thông tại Thư viện Phật giáo Trung Hoa, Hồng Kông, ngày 23 tháng 8 năm 1964.