Kính thưa các vị pháp sư, các vị thiện tri thức:
Lần trước trong bài giảng Khoa học và Phật pháp, tôi đã nói những phát minh trong khoa học cận đại không những không mâu thuẫn với các lý thuyết Phật giáo mà còn cung cấp bằng chứng có ích cho tôn giáo này. Nói cách khác, Phật pháp cũng có thể được giải thích bằng các phương pháp khoa học. Liên quan đến sự cấu thành thế giới vật chất, khoa học hiện đại đã có thể suy ra chân tướng của chúng (vũ trụ tồn tại trong điều kiện không gian bốn chiều) từ các công thức toán học. Khám phá này có ý nghĩa to lớn đối với nền khoa học. Trong triết học, đây là vấn đề bản chất đã gây ra tranh cãi kéo dài hàng nghìn năm chưa dứt, mặc dù khoa học đã cung cấp tư liệu khẳng định, nhưng thực chứng sâu hơn nữa, trong phạm vi khoa học hiện đại, chỉ có thể nói đây là cảnh giới không thể diễn tả bằng ngôn ngữ, chẳng thể nghĩ bàn, chỉ đến đây mà thôi.
Trong Phật giáo, cái gọi là “Niết bàn”, “thực tướng” và “nhất chân pháp giới”, mặc dù cũng là cảnh giới không thể diễn tả hay nghĩ bàn, nhưng có thể trải nghiệm thông qua thực chứng; và đồng thời có một cách thuyết giảng theo phương tiện có khả năng giúp đỡ chúng ta hiểu biết thêm về cảnh giới này. Bây giờ, tôi thử dùng pháp phương tiện để giải thích thực tướng bất khả thuyết đó, dự kiến giảng ba buổi sẽ xong. Trước tiên, hôm nay tôi nói về sự biến đổi của thế giới quan.
I. Sơ lược về Tam pháp ấn
1. Ba chân lý lớn của vũ trụ nhân sinh
Trước khi bàn về chủ đề này, tôi xin nói sơ qua về Tam pháp ấn.
Tam pháp ấn là gì? Tam pháp ấn là tiêu chuẩn để phân biệt Phật giáo với ngoại đạo. Ấn, chính là ấn chứng, tức là dựa trên ba tiêu chuẩn này mà ta có thể ấn định pháp nào đó có phải Phật pháp chân thực hay không. Tất cả các pháp đều phải khế hợp với ba pháp ấn này thì đó mới là Phật pháp, nếu không hoàn toàn tương hợp thì không phải là Phật pháp, ấy gọi là: “Nếu không phải Tam pháp ấn này, tức là ma thuyết, chẳng phải Phật pháp”. Tam pháp ấn là tổng hợp nghĩa lý tinh hoa vi diệu của Phật giáo: “Phật pháp thu nhiếp mà lập ba loại pháp ấn”. Người học Phật không thể hiểu được cốt lõi của đạo Phật nếu không hiểu được Tam pháp ấn.
Nội dung cụ thể của Tam pháp ấn là gì? Kinh A Hàm (阿含經) nói: “Tất cả hành vô thường, tất cả pháp vô ngã, cùng Niết bàn tịch tĩnh, đây là Tam pháp ấn”. Tất cả chư Phật, Bồ tát đều thông đạt Tam pháp ấn mà chứng đắc quả vị Phật!
Từ góc độ của thế giới hiện thực, những gì mà Tam pháp ấn chứa đựng: tính vô thường, tính vô ngã, tính vô sinh diệt, cũng là ba chân lý lớn trong vũ trụ nhân sinh. Người bình thường không hiểu sự thật này, thấy biết chân tướng một cách đảo lộn, rồi bị chấp trước bởi đảo kiến (cái nhìn sai lệch) đó, và khởi ngã tướng, nhân tướng, chúng sinh tướng, thọ giả tướng, từ đó có: sinh, lão, bệnh, tử, buồn phiền, khổ não và trở thành nguồn gốc của mọi đau khổ. Đức Phật nói rằng Tam pháp ấn là nhắm vào những người không hiểu chân lý và bị chấp vào đảo kiến, để họ hiểu được lẽ thật, có chính kiến, thoát khỏi vòng luân hồi của sinh, lão, bệnh, tử, phiền não, khổ đau!
Sử dụng từ ngữ hiện đại để giải thích Tam pháp ấn:
a. Tính vô thường - thế giới quan biến đổi - Pháp ấn “vô thường”.
b. Tính vô ngã - nhân sinh quan tương đối - Pháp ấn “vô ngã”.
c. Tính vô sinh diệt - thực tướng của vũ trụ nhân sinh - Pháp ấn “Niết bàn”.
2. Mối liên hệ chặt chẽ của ba chân lý lớn
Tam pháp ấn: Vô thường, vô ngã, Niết bàn là pháp môn quán chiếu từ nông đến sâu, có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, và đó cũng là tầng bậc tu trì thông thường.
Quán sát từ các hiện tượng, ta thấy mọi sự vật đều không ngừng thay đổi. “Thế sự vô thường” là một khái niệm ai cũng thấy, dễ hiểu, dễ tiếp nhận. Nhưng chân lý “vô ngã” lại không phải điều để mọi người dễ thấu hiểu và chấp nhận. Bởi vì từ khi sinh ra cho đến bây giờ, mọi người đều chấp trước vào cái “tôi”, vừa nghe nói rằng không có cái tôi liền không tránh khỏi kinh ngạc, và hầu hết mọi người sẽ cảm thấy thật khó để tưởng tượng về điều đó. Nhưng nếu ai đó có nhận thức về sự thật vô thường trong thế gian, thì sẽ muốn tìm hiểu liệu có một cái “tôi” như vậy hay không từ đạo lý vô thường đó. Chân lý vô ngã cũng không có gì là quá khó để lý giải. Hiểu được chân lý vô thường và vô ngã thì sẽ không khó để thông đạt chân lý vạn vật vốn không sinh không diệt.
Biết “ảo” là ảo nên không bám vào, biết “giả” là giả nên không chấp trước, liền có thể chứng đắc chân lý. Vì vậy, thông đạt vô thường và vô ngã, tự khắc sẽ thông đạt thể tính vô sinh vô diệt. Bởi vì “chân” là thực tướng của “sự”, là thực tính của “lý”, hiểu được sự tướng của vô thường, thấm nhuần lý tính của vô ngã, sẽ hiển lộ ra bản thể của vô sinh diệt - “chân”. Khi đã chứng đắc bản tính chân như thì mọi huyễn sự, giả tướng đều trở thành tác dụng của bản thể.
Cần giải thích thêm rằng, “chân” được nói đến ở đây cũng được đặt trong mối tương quan với huyễn và giả, vì vậy cũng không nên chấp trước vào nó. Nếu có thể không chấp trước tức đã có thể chứng ngộ tự tính lìa ngôn thuyết tư duy, không thể diễn tả bằng văn tự. Tất cả những đau khổ phiền não trên đời đều nảy sinh do chấp trước cho rằng sự tướng, lý tính là thường, là ngã. Do đó, trong Kinh Tăng Nhất A Hàm (增一 阿含經), ngoài Tam pháp ấn còn thêm “nhất thiết hành khổ” (tất cả các hành đều là khổ), trở thành Tứ pháp ấn.
Để mọi người hiểu được bản chất của đau khổ và thể chứng được vô thường, vô ngã, cũng chính là giúp ta nhận ra thực tướng không sinh không diệt. Ngược lại, nếu thấu suốt được chân lý vô thường và vô ngã, chúng ta cũng có thể khai thông cội nguồn và diệt trừ gốc rễ của khổ đau. Đồng thời, vì không chấp vào ngã pháp (sự tướng), sự và lý của mọi hiện tượng vốn dĩ tịch tĩnh, sinh tử phiền não đều quy về tịch diệt, nên con người ta tự khắc bước vào cảnh giới không sinh tử trong bốn chiều không gian và thể nghiệm thực tướng của vũ trụ nhân sinh.
Đức Phật nói tất cả các pháp, mục đích không gì khác ngoài việc giúp chúng sinh tự tìm cầu giác ngộ và chứng đắc tự tính. Tam pháp ấn thu nhiếp thống lĩnh tất cả các pháp của vũ trụ nhân sinh, là pháp toàn diện, cụ thể và đơn giản nhất.
II. Chủ đề: Thế giới quan thay đổi
Sự thay đổi chính là sự biến động. Do không gian biến động mới sinh ra khái niệm thời gian, nên thời gian có thể biểu thị sự thay đổi của không gian. Mặc dù vũ trụ rộng lớn, nhưng một chữ “động” có thể khái quát hết được nó. Trong vũ trụ, tất cả mọi sự vật sự việc lúc nào cũng ở trạng thái đang chuyển động và thay đổi trong tích tắc. Chỉ với một ý niệm, thế giới này đã không còn là thế giới cũ! Hãy tưởng tượng chỉ trong khoảnh khắc, có bao nhiêu thứ trên thế giới đã thay đổi so với vị trí ban đầu của nó, và cũng không biết các hành tinh trong vũ trụ đã di chuyển bao nhiêu triệu dặm!
Vũ trụ tuy lớn nhưng không có gì là không thay đổi, chỉ là chúng thay đổi nhanh hay chậm khác nhau mà thôi. Thông thường, những thay đổi và chuyển động mà chúng ta có thể cảm nhận được chỉ là những thay đổi nhanh hoặc khá nhanh, còn những biến động chậm hay tương đối chậm đôi khi thật không dễ nhận thấy.
1. Quán sát hiện tượng theo nhận thức thông thường
Khi tiến hành tìm hiểu đạo lý vô thường từ nhận thức thông thường, ta sẽ nhận ra tất cả đều không nằm ngoài quy luật sinh - trụ - dị - diệt. Vạn vật trên thế giới không bao giờ sinh ra mà không biến đổi, trụ mà không động, biến dị biến diệt, cũng đều như vậy. Hãy thử kiểm chứng chân lý vô thường từ các hiện tượng vật lý, sinh lý, tâm lý khác nhau:
Sự biến đổi của hiện tượng vật lý: thành - trụ - hoại - không.
Sự biến đổi của hiện tượng sinh lý: sinh - lão - bệnh - tử.
Sự biến đổi của hiện tượng tâm lý: sinh - trụ - dị - diệt.
a. Bây giờ chúng ta xem xét sự biến đổi của hiện tượng vật lý trước. Bước tiến nhanh nhất của khoa học hiện đại chính là nghiên cứu vật chất, do đó, con người có hiểu biết nhiều nhất về vật lý. Vật chất, nguyên tố, nguyên tử, hạt nhân,… núi sông đại địa, mặt trời,… toàn bộ vũ trụ, đều là hiện tượng vật lý. Xét tiểu vũ trụ (Micro Cosmic) bên trong nguyên tử, tất cả các hạt nhân và electron đều không ngừng quay, không ngừng chuyển động, suy rộng điều đó đến đại vũ trụ (Macro Cosmic), trái đất chuyển động không ngừng, thay đổi không ngừng, các hành tinh, ngôi sao khác cũng như vậy.
Theo quan điểm khoa học, mặt trời ngày hôm nay không còn là mặt trời của ngày hôm qua. Mặt trời đã hình thành được ba tỷ năm, theo ước tính của các nhà khoa học, sau một trăm tỷ năm nữa, độ rực rỡ và sức nóng của nó cũng sẽ giảm dần và thậm chí biến mất. Nói cách khác, mặt trời cũng đang thay đổi, sự xuất hiện theo chu kỳ của các điểm đen trên mặt trời đủ cho ta thấy mặt trời không chỉ chuyển động mà còn chuyển động rất rõ rệt, chỉ là con người khi cảm nhận trực tiếp sẽ rất khó phát hiện. Nói tóm lại, toàn bộ vũ trụ không thể thoát khỏi quy luật thành - trụ - hoại - không. Bất luận là xét từ góc độ khoa học hay Phật pháp, tất cả đều thay đổi trong từng khoảnh khắc, lưu chuyển trong từng khoảnh khắc, mãi mãi chuyển động không ngừng, lưu chuyển không ngừng.
b. Sự biến đổi của hiện tượng sinh lý không nằm ngoài quy luật sinh - lão - bệnh - tử. Quán sát từ cuộc đời con người, sinh ra, lớn lên, già bệnh cho đến khi chết đi là một quá trình tất yếu, cũng chính là minh chứng cho sự biến đổi của sinh lý. Theo quan điểm khoa học, tế bào cấu tạo nên cơ thể động vật luôn luôn trong quá trình trao đổi chất. Các nhà sinh lý học cho biết, tất cả các tế bào trong cơ thể con người sau khi trải qua quá trình trao đổi chất trong khoảng mười một tháng đều được thay mới hoàn toàn. Những cơ chế vận hành khác như: tuần hoàn máu, hấp thụ O2, thải CO2, cho tới các bộ phận như gân cốt, da thịt, lông tóc,… đều không ngừng thay đổi. Nói chính xác là thân thể của ngày hôm nay không phải thân thể của ngày hôm qua, sự không thay đổi chỉ là ảo giác mà thôi. Gần đây, trên tạp chí Giác Thế có đăng một bài thơ với tựa đề Râu, xin được dẫn ra để minh họa cho đạo lý biến hóa vô thường:
Mấy ngày không cạo
Ngươi đã dài dài
Mười mấy năm trước
Ngươi ở phương nào
Bây giờ ngươi đen
Sau này ngươi trắng
Tương lai thế nào
Vô thường vô thường.
c. Giờ ta bàn đến sự biến đổi của hiện tượng tâm lý. Phật nói: “Niệm niệm sinh diệt!” Nếu như chúng ta có thể quán sát lại bản thân chỉ trong sát na thì có thể tự mình phát hiện ra rằng hiện tượng tâm lý luôn luôn thay đổi. Dưới góc độ của con người, các nhà tâm lý học chia sự biến đổi tâm lý của con người thành ba trạng thái: tri, tình và ý.
Tri - tri thức, tri giác, chức năng nhận thức, bất cứ lúc nào khi đối nội đối ngoại, đều có tác dụng khởi nhận thức phân biệt, biện luận.
Tình - cảm xúc, tình cảm khởi lên từ tri giác, như vui vẻ, buồn phiền, bi thương, sợ hãi, phẫn nộ, lo lắng,… thăng trầm từng khoảnh khắc, biến hóa không thôi, một số hiện tượng trong đó dẫn khởi và xuất hiện do sinh lý đồng thời thay đổi mang tính chu kỳ.
Ý - ý chí được thúc đẩy do mong muốn hoặc nguyện vọng, chúng không ngừng chỉ huy ngôn ngữ, hành động, cử chỉ của cơ thể. Chẳng hạn như chuyện nam nữ, ăn uống, sinh tồn,… đều là những mong cầu cơ bản thúc đẩy hành động của con người. Sau khi hiểu rõ chân lý những mong cầu này mới có thể được chuyển hóa thành nguyện vọng tương đối cố định.
Ba loại trên là ý thức rõ ràng, là những hoạt động tâm lý mà bản thân có thể nhận thức được. Những hoạt động tâm lý này bất kể ngày đêm đều hoạt động từng giờ từng phút, kể cả trong lúc ngủ, có điều hơi chút mơ hồ mà thôi.
Tiềm thức - tương đương với “A lại da thức” trong Phật giáo, cũng là thức thứ tám. A lại da thức dịch ý là “tàng thức”, có khả năng ẩn chứa tất cả các loại kinh nghiệm phức tạp trong suốt quá trình trải nghiệm của bản thân, giữ cho chúng nguyên vẹn và trở thành một thế lực tiềm tàng chi phối một số ý nghĩ, hành động nào đó một cách vô thức.
Biểu hiện rõ ràng nhất chính là thế lực bám chấp vào cái “tôi” trong tiềm thức, sau khi được sinh ra, nó không khi nào không bám víu xoay quanh cái tôi, điều đó hẳn không còn nghi ngờ gì. Thói quen dần thành lẽ tự nhiên, trong tiềm thức đã hằn sâu hình bóng cái tôi không thể xóa nhòa. Kiên quyết chấp vào cái tôi một cách vô ý thức, cho rằng nó có thực, tạo nên một thế lực trung tâm vô cùng ngoan cường, được thể hiện ra ngoài một cách cố ý hay vô tình, trở thành cá tính của cái tôi. Hay nói cách khác, tính cách bị chi phối bởi tiềm thức và cũng là sự phản ánh của tiềm thức, như câu nói: “Giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời”.
Vì tính cách của người bình thường do tiềm thức điều khiển một cách vô thức, còn tiềm thức lại lấy sự chấp trước vào bản ngã đã ăn sâu bám rễ làm trung tâm. Quả thực rất khó thay đổi điều này, nhưng như thế không phải là không thể thay đổi, chỉ là khó thay đổi mà thôi. Bởi tiềm thức cũng đang thay đổi, do trải qua quá trình giáo dục sau khoảng thời gian dài, hoặc do bị tác động một cách đột ngột hay mạnh mẽ điều đó có khả năng thay đổi tính cách của con người.
Một hành động lặp đi lặp lại thường xuyên cũng có thể dần dần thay thế hoặc làm phai nhạt ý thức tiềm ẩn ban đầu. Ví dụ như viết chữ, lúc ban đầu ta học thư pháp Nhan Chân Khang, đó là thể chữ Nhan (tiềm thức cũ), giờ nếu như muốn thay đổi thành thể chữ Triệu Mạnh Phủ, chỉ cần thường xuyên luyện tập không ngừng, theo thời gian tay sẽ viết thể chữ Triệu một cách thuận lợi.
Nói về phương diện Phật pháp, nội dung của tiềm thức có thể thay đổi, mục đích của các công phu tu trì như: niệm Phật, quán chiếu, giữ giới, thiền định,… trong Phật pháp là để sửa chữa và thay đổi những sai lầm trong tiềm thức con người. Ví dụ như bám víu vào bản ngã, chấp thường, vốn là những đảo kiến thâm căn cố đế trong tàng thức con người, ngay cả khi bản thân hiểu rõ đạo lý vô ngã, vô thường nhưng cũng không thể loại trừ chấp ngã chỉ trong tức khắc, mà nhất định phải thường xuyên không ngừng dành tâm huyết, sức lực để tu tập. Cũng giống như viết chữ, đến thời điểm công phu chín muồi mới có thể viết ra kiểu chữ mà mình mong muốn, tu hành chính là đạo lý này.
Nói tóm lại, chìa khóa cốt lõi để làm phàm phu hay thành Thánh nhân chính là dựa vào ý thức xem có thể thay đổi những đảo kiến sai lầm trong tiềm thức hay không.
Tiềm thức cũng là thứ có thể biến đổi. Thông thường ta cần phải hiểu rõ những gì được thực hiện, được nghe được thấy trong ý thức vẫn đang liên tục tiếp diễn một cách vô thức, đồng thời chính chúng cũng vô hình trung làm thay đổi nội dung của tiềm thức.
Từ những phân tích trên có thể thấy rằng, trong vũ trụ, tất cả các hiện tượng vật lý, sinh lý, tâm lý từ khi sinh khởi, hiện hữu cho đến khi biến đổi, diệt vong đều không ngừng thay đổi, không ngừng chuyển động, không có thứ gì đã hình thành mà mãi mãi không thay đổi, cũng không có bất cứ sự vật nào vĩnh viễn đứng yên. Biến đổi là đặc trưng cơ bản trong quá trình tiến hóa của mọi sự vật trong vũ trụ, chúng ta cũng phải nhìn thẳng vào những đặc trưng biến đổi này, từ đó tuân theo quan điểm vô thường để lý giải tất cả sự vật hiện tượng, tìm kiếm chân tướng của nó mới có thể thu được nhận thức đúng đắn.
Ngược lại, nếu như ta chấp trước những hiện tượng bên ngoài là thường, cho rằng đất đai núi sông trường tồn không thay đổi, mặt trăng mặt trời vĩnh hằng bất biến, thường trụ chẳng đổi, cứ theo đó mà tìm kiếm chân lý, thì khi ấy chân lý giống như sừng thỏ vậy, mù mịt không thể có được. Vì vậy, khái quát cuộc đời này, nhân sinh là phiền muộn vô tận, chấp thường mà thực ra là vô thường, chấp ngã thực ra là vô ngã, bị vòng xoáy danh lợi được mất, sinh lão bệnh tử xoay vần, khó tránh khỏi việc chịu nhận quả đắng của những phiền muộn sinh tử.
2. Nghiên cứu và tìm kiếm chân lý - Giải thích dựa vào phương tiện Phật pháp
a. Thế sự vô thường, tại sao lại vô thường? Bởi vì chúng đang biến đổi, tại sao lại biến đổi? Phật pháp giải thích rằng tất cả các pháp là do chúng duyên (tức điều kiện) sinh ra, tồn tại tương đối. “Cái này có thì cái kia có, cái này sinh thì cái kia sinh, cái này không thì cái kia không, cái này diệt thì cái kia diệt”, tất cả dựa vào nhau tồn tại, cũng tức là không có tự tính (không có tính thực hữu bất biến, tồn tại độc lập), sinh là sinh ảo, diệt là diệt ảo, là tùy theo nhân duyên biến đổi mà có sinh diệt.
Chân lý duyên sinh trong Phật pháp là pháp nhân quả của mối quan hệ này, là quy luật vô cùng phức tạp và tinh tế về mối quan hệ này. Mọi người đều phải tuân theo hạn định của quy luật nhân duyên này, chỉ cần một nhân duyên trong số đó thay đổi thì tất cả các duyên khác cũng thay đổi theo. Căn cứ theo khoa học, một vật thể sẽ tạo ảnh hưởng đến các vật thể khác xung quanh nó, đồng thời nó cũng bị ảnh hưởng bởi các vật thể khác. Sự tồn tại phụ thuộc và tương tác lẫn nhau như vậy cũng chính là sự tồn tại do các nhân duyên sinh khởi mà Phật pháp nói đến. Trong trạng thái tồn tại này, tất cả sự vật hiện tượng biến hóa vô thường vô cùng rõ ràng và rất dễ nhận ra.
b. Giải thích quá trình biến đổi sự tướng: Bất cứ sự vật nào đều không thoát khỏi quy luật sinh - trụ - dị - diệt, quy luật này cũng là quá trình về sự biến đổi sự tướng. Về mặt hiện tượng, sinh và diệt là những biến đổi đột ngột (đột biến), là sự biến đổi về chất; còn trụ và dị là biến đổi dần dần (tiệm biến), là sự biến đổi về lượng. Mọi người đều có thể lý giải được đột biến song lại dễ bỏ qua tiệm biến, nhưng mọi sự vật luôn luôn thay đổi, đây là điều chắc chắn. Lấy con người làm ví dụ:
Sinh: Là hiện tượng chúng duyên hòa hợp, cũng là một “sự khởi đầu của dị thục quả”. Dị thục quả là gì? Theo Phật pháp, đó là chủ thể do nghiệp từ các đời trước trong quá khứ hình thành nên quả báo ở kiếp này. Bắt đầu sinh mệnh mới, từ khi sinh ra đến khi lớn lên, những thay đổi của giai đoạn này (khoảng hai mươi tuổi) vô cùng rõ rệt, mọi người đều có thể cảm nhận được.
Trụ: Từ lúc trưởng thành đến trung niên (đến khoảng năm mươi tuổi), hình thái dần ổn định, bề ngoài có vẻ không chuyển biến mạnh nhưng thực ra vẫn đang thay đổi, có điều không nhanh chóng và dễ nhận thấy như lúc nhỏ. Vì thế luôn bị nhầm rằng thường trụ không thay đổi, dẫn đến xem nhẹ chân tướng của vô thường, biến đổi. Cho nên, những người trong thời kỳ này thường không dễ hoặc không muốn tin vào tính vô thường của sự vật.
Dị: Sau khi trải qua một thời gian ngắn ổn định, từ tuổi trung niên, dần dần bước sang giai đoạn già nua, dần xuất hiện những biểu hiện lão hóa trên phương diện sinh lý: răng lung lay, tóc rơi rụng, tinh thần và thể lực suy yếu, khiến người ta không thể không thừa nhận hiện thực thay đổi vô thường. Trong giai đoạn này, con người nhờ những trải nghiệm của bản thân mà cảm nhận được sự tướng vô thường.
Diệt: Đổi khác về lượng đã xong, cuối cùng hẳn nhiên phát triển đến sự thay đổi về chất, là kết quả tất yếu của bất cứ sự vật nào - hoại diệt. Đối với con người, đó là cái chết.
Trong Kinh Kim Cương (金剛經), Đức Phật nói: “Các pháp hữu vi ấy, như chiêm bao huyễn mị, bọt bèo bóng chớp mù, nên tưởng đều như vậy”. Cái nhìn của bậc giác ngộ về con người, nêu ra những ví dụ về sự biến chuyển nhanh chóng, khiến nhân thế ngộ ra mọi sự vật đều đang thay đổi chóng mặt. Hầu hết mọi người đều nghĩ rằng cuộc đời của một người thật dài, nhưng nếu nhìn từ quan điểm lịch sử thì đó chỉ là sự việc trong khoảnh khắc, và nhiều người nhầm “khoảnh khắc” này là vĩnh cửu, đó là cái nhìn thiếu hiểu biết về thế sự vô thường.
c. Vô thường là chân lý của tất cả các pháp hữu vi (tất cả mọi sự vật hiện tượng). Không ai có thể phủ nhận chân lý về sự đổi khác này, nhưng hầu hết mọi người đều bám chấp vào những vọng tưởng sai lầm, coi vô thường là trường tồn, vì vậy không tránh khỏi dẫn đến nỗi sợ hãi với đủ các loại mâu thuẫn, phiền não, đau khổ và cái chết. Tất cả những điều này là hậu quả tất yếu của việc không nhận thức đúng đắn chân lý vô thường, để rồi tha thiết hy vọng rằng cái “tôi” và tất cả mọi thứ thuộc về “tôi” có thể tồn tại vĩnh viễn, đặc biệt là khát vọng sống.
Từ xưa đến nay, ngoại trừ Giác giả (Đức Phật) ra, dẫu cho có thành tựu vang dội, nắm trong tay cả thiên hạ như Tần Thủy Hoàng, Hán Vũ Đế, nhưng cũng không thể có được thuốc trường sinh bất lão, vượt khỏi quy luật vô thường, cũng tức là không thoát khỏi đau khổ do vô thường gây ra.
d. Loại bỏ đảo kiến, tức thấy thực tướng. Liệu rằng con người có khả năng thoát khỏi vòng vô thường không? Đáp án là có thể. Thường và vô thường đối lập nhau, chấp thường là thấy biết chân tướng của sự lý một cách điên đảo, chuyển ngược đảo kiến lại mới là nhận thức chính xác. Người chấp thường thì không tránh được vô thường, còn nếu ai có thể xa lìa thường kiến thì quan niệm vô thường cũng sẽ không tồn tại nữa. Nếu như hiểu được đạo lý “bản chất của vạn vật vốn không có tự tính” mà chúng được sinh ra bởi chúng duyên, hiểu được cái “có” do nhân duyên hòa hợp là cái có huyễn ảo không thật, thì ta sẽ không bao giờ khởi lên thường kiến.
Bên trong đối với thân tâm, bên ngoài đối với mọi sự tướng, thường quán vô thường như vậy, thể nghiệm mọi pháp chỉ có huyễn tướng mà không có thực thể; thời gian cứ thế trôi đi, rồi bỗng nhiên một ngày nào đó, ta chứng nghiệm chân tướng vô thường (thực tính), thấy được bản thể không sinh diệt mà thoát khỏi biển khổ của phiền não sinh tử. Đây là “Vô nguyện Tam muội” trong Phật pháp, còn được gọi là “Vô nguyện giải thoát môn” - trong tất cả các pháp của sự sống và cái chết, thiền định giải thoát mà ta đạt được nhờ lìa bỏ các mong cầu ham muốn hay ý niệm tạo tác, có thể nói chính là sự giải thoát về phương diện tình và ý.
Về mặt trí tuệ, ta cũng có thể bắt đầu từ nhận thức chư pháp chúng duyên sinh vô tự tính mà đi vào “Không Tam muội” và “Không giải thoát môn”, chi tiết xin chờ thảo luận trong lần giảng tiếp theo về pháp ấn thứ hai.
Cảm giác về tính vô thường của sự tướng được khởi lên từ nhận thức chấp thường, diệt trừ được kiến giải chấp thường. Sự tướng tức là thực tướng, mọi thứ trong thực tướng là tương đối và thống nhất. Nói thường hay vô thường đều là dư thừa, căn bản không có cái gì gọi là thường và vô thường. Nhưng đối với người chấp thường thì nói vô thường, đối với người chấp vô thường (kiến chấp đoạn diệt) cũng không ngại nói về thường, tự tại vô ngại, tức là cảnh giới Niết bàn không có sinh diệt. Khi giảng về pháp ấn thứ ba, ta sẽ nghiên cứu chi tiết.
Đức Phật thuyết pháp viên dung vô ngại như vậy, truyền cảm hứng gợi mở cho suy nghĩ sâu sắc của mọi người từ nhiều khía cạnh, sôi nổi sống động, thuận tiện tự tại, chứ không phải chủ nghĩa giáo điều cứng nhắc. Vì thế, nhân đây có thể nói thêm rằng, trong một số kinh điển có những cách dùng từ đặc biệt, nhìn qua thì có vẻ mâu thuẫn trái ngược nhau nhưng trên thực tế chúng đều hòa hợp và thống nhất một cách tự nhiên.
Ví dụ Kinh Kim Cương viết: “Không có nhân tướng, ngã tướng, chúng sinh tướng, thọ giả tướng” rõ ràng phù hợp với đạo lý pháp ấn vô thường, vô ngã, nhưng trong Kinh Di Đà (彌陀經) lại nói: “Tuổi thọ của Đức Phật và chúng sinh cõi này là vô lượng vô biên A tăng kỳ kiếp”, hai ý này dường như mâu thuẫn và không thể lĩnh hội được. Thực ra, Kinh Di Đà nói chính là “cảnh giới quả vị” của những bậc Giác giả, tức là nói không bám chấp vào thọ giả tướng (thường kiến), thọ mệnh lập tức được vô lượng. Ở quả vị Phật thì mọi mâu thuẫn đều thống nhất, hai mặt tích cực và tiêu cực cùng hình thành, không phải một cũng chẳng sai khác, gọi là pháp môn bất nhị.
Phật nói vô thường là để chỉ ra thực tướng của mọi sự vật, cảnh tỉnh chúng sinh về những vọng kiến chấp thường. Nói vô lượng thọ là dành cho những người chấp thường ngoan cố, sau khi nghe nói chư pháp vô thường lại chuyển qua kiến chấp đoạn diệt (cho vạn vật có lúc diệt hoàn toàn không còn gì), để từ đó thuận theo căn cơ chúng sinh mà thuyết pháp, dần dần khéo léo dẫn dắt từng bước. Cảnh giới quả địa, tự chứng tự hiểu, không sinh không diệt cũng chính là vượt qua thời gian và không gian, trong khi không gian vô biên, thời gian vô biên, như vậy chẳng phải là “vô lượng thọ” sao?
Nói cho cùng, không có pháp nào để thuyết, thường và vô thường đều là những phương tiện thuyết pháp của Phật, đều không thể chấp trước. Không chấp trước mới có thể viên dung vô ngại, tự chứng thực tướng!
Xin được kết thúc bài giảng bằng cách ghi lại Kệ Khuyên Niệm Phật của vị cao tăng nhà Đường - Hòa thượng Thiện Đạo. Lời kệ dựa trên quan niệm vô thường, hướng dẫn con người tìm kiếm chính giác chính đạo, để có thể tỉnh ngộ sâu sắc. Kệ rằng:
Dần dần tóc bạc da nhàu
Bước đi run rẩy theo màu thời gian.
Dẫu là vàng ngọc đầy tràn
Nào ai tránh được tuổi tàn bệnh đau.
Mặc cho sung sướng bao lâu
Vô thường sẽ đến cùng sau đã đành.
Chỉ duy có lối tu hành
A Di Đà Phật chân thành niệm tâm.
Tọa đàm về Phật giáo phổ thông tại Thư viện Phật giáo Trung Hoa, Hồng Kông, ngày 27 tháng 9 năm 1964.