Kính thưa các vị pháp sư, các vị thiện tri thức:
Hôm nay, chúng ta tiếp tục thảo luận về pháp ấn thứ hai trong Tam pháp ấn, là pháp ấn vô ngã. Nay chúng ta lấy tên chủ đề là Nhân sinh quan tương đối để giảng giải cho dễ hiểu.
Pháp ấn vô ngã và pháp ấn vô thường, mặc dù đều là triết lý Phật pháp giải thích về vọng chấp đảo kiến của con người, nhưng hàm nghĩa và tính chất của hai loại đó lại có những điều khác nhau. Chủ đề Thế giới quan thay đổi (tức là pháp ấn vô thường) được nhắc đến ở bài giảng trên là đạo lý quán sát sự thay đổi của một sự vật từ phương diện sự tướng (hiện tượng), điều này ta có thể thấy được cụ thể, vì thế nên dễ dàng tiếp thu, lý giải.
Vô ngã là bước tiến sâu hơn nhằm nghiên cứu và tìm kiếm lý tính ẩn chứa bên trong sự tướng. Lý tính là thứ trừu tượng, vô hình. Trong Phật pháp, tuy cuối cùng ta có thể chứng biết được vô ngã, nhưng đối với những người mới bắt đầu học Phật, khái niệm trừu tượng và tương phản với cách nghĩ đã thành thói quen này, rõ ràng là không dễ hiểu. Nhưng Phật pháp có vô vàn phương tiện thiện xảo, chỉ cần thoát khỏi các thành kiến, thì từ lý trí chúng ta có thể nhận thức được chân đế vô ngã.
Trước khi giải thích nguyên lý “vô ngã”, chúng ta hãy điểm lại các vấn đề thực tế với những mâu thuẫn, phiền não mà chúng ta gặp phải trong cuộc sống khi lấy cái “tôi” làm trung tâm.
I. Vấn đề cuộc sống và vấn đề sinh tử
Trong cuộc sống thực tại, các chuyện lớn nhỏ xảy ra có thể nói là nhiều không đếm xuể, nhưng vấn đề lớn mà chúng ta đưa ra bàn luận hôm nay, không gì ngoài cuộc sống và sinh tử, đồng thời là những phiền não, đau khổ mà hai vấn đề này gây ra, cụ thể như sau:
1. Vấn đề cuộc sống
Con người vừa sinh ra đã có bản năng và khát khao sinh tồn. Do sự thôi thúc của những mong muốn trong cuộc đời này mà con người tất yếu phải sống, lao động bươn chải, từ đó sinh ra các vấn đề về cuộc sống. Sinh tồn luôn đòi hỏi có điều kiện. Đối với nhân loại, khi vừa ra đời, ai cũng cần người khác chăm sóc nuôi dưỡng, nếu không thì không thể tồn tại được. Xét về phương diện vật chất, nếu thiếu một trong những thứ: quần áo, lương thực, chỗ ở, đi lại, thì con người không thể tồn tại được. Để giải quyết những nhu cầu này, con người tất yếu phải làm các công việc mưu sinh.
Khi trưởng thành thì có nhu cầu ghép đôi nam nữ, từ khát khao này, lại nảy sinh nhu cầu xây dựng gia đình. Lấy gia đình làm nền tảng, hình thành nên các tổ chức xã hội, các tổ chức quốc gia. Các mối quan hệ phức tạp giữa ta và người, ta và vật do đó mà sinh ra, với động lực ban đầu là mưu cầu sự sinh tồn cá thể.
Nhưng thông thường người ta hoàn toàn không chú ý hoặc suy xét căn nguyên các vấn đề này, chỉ biết hướng ra bên ngoài để tìm kiếm tất cả những gì mà cuộc sống cần. Đồng thời đối với những thứ vật chất mà mình đang mong muốn, bản thân dễ nảy tham chấp, vì thế mà sinh ra sự đam mê, bám víu và theo đuổi lương thực, sắc đẹp, danh lợi, quyền lực,... làm cho cuộc sống càng thêm phiền phức.
Xưa nay, việc không quần áo, không lương thực, có thể làm cho người bình thường cảm thấy khổ não vì không có được điều bản thân mong muốn (cầu bất đắc khổ). Nhưng vì luôn tìm kiếm những thứ ở bên ngoài, trong khi ham muốn thì vô biên giới, nên có được cái ăn cái mặc rồi, lại muốn có càng nhiều càng tốt, nếu không được như ý sẽ càng thất vọng, càng phiền não.
Vì thế cho dù giàu sang đến mức có cả thiên hạ, quyền thế khắp bốn biển, nhưng vẫn chẳng một ai tránh được phiền não. Dẫu cho tất cả những ham muốn kia đều được củng cố vững chắc, nhưng cái “tôi” muốn được chiếm lĩnh, hưởng thụ tất cả những thứ đó thì lại không chịu ở yên. Chẳng thể sống mãi, mối đe dọa của sự sống và cái chết không lúc nào thôi ám ảnh con người. Chừng nào con người còn sống trong sự vô minh, không nhận thức được chân tướng, thì thực sự cuộc đời này chung quy vẫn tràn đầy đau khổ và phiền não.
2. Vấn đề sinh tử
Có sinh ắt có tử, đây là quy luật tất yếu. Nhưng con người bẩm sinh vốn luôn khát khao sự sống, trừ bậc giác ngộ đã thấu tỏ bản chất sinh tử, thì con người lúc đối diện với cái chết, không tránh khỏi nảy sinh nỗi sợ hãi vô cùng lớn. Có người cho rằng những người tự sát là người không sợ chết. Nhưng đâu biết rằng người tự tìm đến cái chết, hoàn toàn không phải không sợ chết, chỉ là họ cảm thấy sự bức bách cùng cực của nỗi khổ đã vượt quá cả nỗi sợ chết, nhầm tin rằng “cái chết” có thể giải thoát sự đau khổ trong cuộc đời, nên mới hành động ngu xuẩn như vậy. Không có dũng khí để sống tức là kẻ hèn nhát, có lý nào kẻ hèn nhát lại không sợ chết?
Người lạc quan vô tư sẽ xem cái chết như là kết quả của tự nhiên và coi nó rất nhẹ nhàng, nhưng thái độ nhân sinh thuận theo tự nhiên này cũng không triệt để, càng không thể mang lại cho con người giá trị tích cực để vươn lên, tuyệt đối không phải là nhân sinh quan hoàn mỹ, toàn vẹn.
Đối với người bình thường khi chưa nắm được nhân sinh quan đúng đắn, thì cái gọi là “cuộc sống” thực chất là “sinh tử”, bởi đã sinh ra đời thì không thể tránh được việc bước vào con đường diệt vong. Chỉ có những con người hiểu thấu đáo về nhân sinh quan tương đối, mới có thể sống một cách sinh động hoạt bát. Do vậy có thể nói rằng, vấn đề cuộc sống và vấn đề sinh tử không thể tách rời nhau.
Đứng trước những phiền não mà các vấn đề cuộc sống gây ra và những đau khổ do không hiểu rõ các vấn đề sinh tử dẫn đến, nhân loại đã sáng tạo ra các loại triết học, tôn giáo, nhân sinh quan, vũ trụ quan về mặt tư tưởng, nhằm cố gắng giải thích những bí ẩn về nhân sinh vũ trụ. Nhưng tư tưởng có những hạn chế cố hữu của chúng (xem giải thích cụ thể khi giảng về “Pháp ấn Niết bàn” ở phần sau), nên ở đây tôi chỉ có thể phân tách thời gian và không gian để quan sát. Cho nên khi có một vật thể, đối tượng (khái niệm đã biết) nào đó, thì chính nó đã bị đóng băng trong trạng thái tĩnh, đã không còn sức sống, đã rơi vào trạng thái sinh diệt (cũng chính là nguồn gốc của sinh tử).
Do vậy, nếu muốn thiết lập một tập hợp những tư tưởng bao gồm tất cả triết học, khoa học, tôn giáo trên thế giới, nhằm giải thích các vấn đề nhân sinh vũ trụ là điều không thể thực hiện được. Bởi vì nếu chỉ đứng trên mặt tư tưởng, ta không thể bàn đến thực tướng của không gian bốn chiều. Điều này đã được nói rất rõ ràng trong Phật pháp, và khoa học cũng đã chứng minh tính chuẩn xác của nó (xem Khoa học và Phật pháp).
Nếu nói như vậy, các vấn đề nhân sinh vũ trụ phải chăng mãi mãi không thể giải đáp hay sao? Cũng không phải thế. Phật pháp có phương tiện thiện xảo, tuy ngôn từ chẳng thể diễn thuyết nhưng có thể dùng các phương pháp tương đối để giải thích, gỡ bỏ khúc mắc, dẫn dắt chúng sinh tự chứng đắc, tự tri nhận thực tướng của nhân sinh vũ trụ.
Bây giờ, chúng ta sẽ dựa vào các phương tiện của Phật pháp để giảng giải về các vấn đề cuộc sống và sinh tử trong đời sống hiện thực.
Phật pháp nói, vấn đề nhân sinh, vấn đề vũ trụ, bề ngoài xem ra có vẻ rất phức tạp, thực ra khi tìm được trọng tâm của vấn đề để quán sát, thì chúng lại rất đơn giản! Mấu chốt là con người không thể hiểu chính xác thể tính của chủ thể nhân sinh - “ngã” (tôi) và thể tính của vạn vật trong vũ trụ - “pháp”. Nếu có thể làm rõ bản chất của “ngã” (tôi) và “pháp” thì giải quyết những vấn đề nhỏ khác sẽ dễ như trở bàn tay.
II . Ý nghĩa của “ngã” và “pháp”
Định nghĩa về cái “ngã” (cái tôi) bao hàm hai ý nghĩa: Thứ nhất, có tính tồn tại độc lập; thứ hai, có khả năng làm chủ bản thân, tự do tự tại. Nếu có thể chứng minh tất cả chúng sinh hữu tình không có hai loại đặc tính này, như vậy “ngã kiến” là không có căn cứ, cũng tức là “nguyên tắc vô ngã” có thể được thiết lập.
“Pháp” là vật thể khách quan đã được nhận thức, vì thế nói nó có hay không “tự do tự tại” và “chủ tể” thì không chính xác. Chỉ cần có thể làm rõ nguyên tắc của tất cả những sự vật hiện tượng trong vũ trụ đều là “vô tự tính”, đều không thể tồn tại độc lập, tức là có thể chứng thực nguyên tắc “pháp vô ngã”.
Việc xác lập ý nghĩa chân thực của “ngã” và “pháp” sẽ có thể giải thích và giải quyết một cách chính xác vấn đề căn bản của nhân sinh vũ trụ.
Nhân đây xin được nói thêm, sự giải thích của Phật pháp đối với nhân sinh vũ trụ không nhất định là duy tâm, cũng không nhất định là duy vật, mà thông thường luôn là thuyết tương đối giữa tâm và vật. Bởi vì vấn đề nhân sinh và vấn đề vũ trụ trong Phật pháp hoàn toàn không thể tách rời. Có “hữu tình” tức là có thế giới hữu tình thuộc về, nói đến “thế giới” mà xa rời “hữu tình” thì chỉ có giả danh trừu tượng mà thôi. Muốn tưởng tượng ra nó, vẫn phải dựa vào kinh nghiệm cuộc sống trong quá khứ của “hữu tình” để làm nền tảng cho sự nhận thức.
Chủ đề này nói về Nhân sinh quan tương đối, trên thực tế chắc chắn đã phải đề cập đến vũ trụ quan vốn rất liên quan đến nó, nhưng ở đây sẽ thiên về phương diện nhân sinh hơn. Phật pháp chưa bao giờ nói điều viển vông, đâu đâu cũng coi trọng hiện thực, coi trọng thực tiễn, coi trọng cơ sở quan điểm, giá trị của niềm vui nỗi khổ. Do đó, ta rất hiếm khi thấy Phật pháp bàn riêng đến chuyện vũ trụ được hình thành như thế nào, bởi vì nó gần như không có quan hệ trực tiếp với hiện thực và khổ lạc.
Bây giờ, chúng ta thảo luận “nhân vô ngã” hoặc “hữu tình vô ngã” trước.
1. Tìm “bản ngã” ở nơi đâu?
Thông thường, sự giải thích phổ biến nhất là: Bản thân chúng ta chính là bản ngã. Nhưng một khi tiến hành phân tích giảng giải thì đó lại là vấn đề lớn.
Theo kiến thức chung, cơ thể chúng ta do máu thịt, xương cốt, lông tóc,… tạo thành. Dựa vào khoa học, những bộ phận đó lại do các nguyên tố hóa học như cacbon, oxy, sắt,… hợp thành. Sinh học lại nói do các tế bào tạo thành. Thêm nữa, cơ thể con người lúc nào cũng cần hấp thụ dinh dưỡng như không khí, thức ăn, mặt khác lại có nhu cầu bài tiết các chất thải; nói cách khác cơ thể con người và môi trường xung quanh có quan hệ mật thiết với nhau. Như vậy, chúng ta có đủ chứng cứ để chứng minh: Cơ thể con người thực sự không thể tồn tại độc lập được.
Nói sâu hơn, ta hấp thụ dinh dưỡng từ bên ngoài nhờ các hoạt động hít thở và ăn uống,… thực tế bản thân không do mình làm chủ, tuyệt đối không có năng lực tự do tự quyết. Đã không thể tồn tại độc lập, càng không có cách làm chủ, tức là không có tính chất của bản ngã. Bản ngã chỉ là hoang tưởng của “hữu tình vô lý”. Trái lại, tính vô ngã mới là thực tướng.
Về phương diện tinh thần, có hay không có một bản ngã? Tác dụng của tinh thần không nằm ngoài tri - tình - ý của ý thức và bản năng, tập tính của tiềm thức,… Tất cả những điều này đều có thể là do chấp trước vào tự ngã.
“Tri” có phải là bản ngã không? Triết học phương Tây có câu: “Tôi tư duy nên tôi tồn tại”, rồi cho rằng “tri” là “ngã” mà không biết tri thức, tư tưởng của mình đều sinh khởi, thay đổi dựa vào môi trường bên ngoài. Không có sự vật đóng vai trò làm đối tượng của nhận thức (sở tri), thì làm thế nào con người có thể chứng minh tồn tại một “tự ngã” độc lập làm chủ thể của nhận thức (năng tri)? Vì thế “tri” trong chủ thể nhận thức, cùng với vật đã được nhận thức, dựa vào nhau để hình thành một cách tương đối, nhưng cả hai đều không thể độc lập tồn tại. Khi mà ta đối diện với môi trường bên ngoài, không thể nhìn mà không thấy, nghe mà không rõ, nhờ vậy có thể chứng ngộ ta không có khả năng tự tại, làm chủ với “tri”, do vậy “tri” không có tính bản ngã.
Trong cuộc sống hàng ngày, cảm xúc của chúng ta thăng trầm như những con sóng, động cơ của chúng chín mười phần là do ngoại cảnh tác động, dẫn dắt, không sinh khởi đơn độc và càng khó tự mình làm chủ, vì vậy “tình” cũng không có tính bản ngã.
Xét về ý chí của con người, nhìn bề ngoài dường như là mình có thể tự chủ, nhưng trên thực tế, tất cả đều chịu sự điều khiển của những mong cầu bên trong và sự can thiệp từ ngoại cảnh mà bản thân không tự nhận thức được. Cái gọi là ý chí tự do, đối với những người chấp lấy “bản ngã” làm trung tâm chắc chắn là không có. Những ham muốn như khát khao sống, ham muốn tình cảm nam nữ vô cùng mãnh liệt, đa phần đều kiểm soát ý chí của con người, khiến chúng ta không được an nhiên tự tại, cho nên “ý” cũng không có tính bản ngã.
Ba chức năng tri, tình và ý nói trên, thực ra có liên quan chặt chẽ không thể tách rời với nhau. Tri có thể ảnh hưởng đến tình, ý. Tình có thể ảnh hưởng tri và ý. Ý cũng có thể ảnh hưởng đến tri và tình. Điều này càng chứng minh từng chức năng không có tính tồn tại độc lập, tức là không có tính bản ngã.
Tiềm thức một mặt duy trì những kinh nghiệm có được nhờ nhận thức và hành vi trước đây của con người, mặt khác lại hình thành tiềm lực ảnh hưởng đến các hoạt động của tri, tình và ý sau này, từ đó tổng hợp lại để hình thành nên tính cách của con người. Vì vậy, tiềm thức và ý thức có quan hệ nhân quả với nhau, tức là đều không thể tồn tại độc lập được. Hơn nữa, trong tiềm thức luôn ẩn chứa các loại bản năng và xung đột vốn có, đều không thể do bản ngã tự do thống trị. Vì vậy, tiềm thức cũng không có tính bản ngã.
Quán sát tổng thể cả hai phương diện thân và tâm, ta đều không tìm được tính bản ngã tồn tại độc lập, tự do, tức là trong thân tâm không thể tìm ra bản ngã! Bản ngã chỉ là cảm giác và thành kiến sai lầm về mặt cảm xúc. Vì vậy nói: Có tình mà không có lý.
Phật pháp nói, bản ngã là thể giả hợp chức năng vật chất và tinh thần của con người, khi tập hợp lại với nhau thì có danh giả là “bản ngã”. “Ngã” cũng chỉ là đại từ thay thế mà thôi. Ví như quần thể nhiều cây hợp lại thành rừng, “rừng” là giả danh đại diện cho tập hợp nhiều cái cây, ngoài quần thể cây ra thì không có rừng.
Trong kinh Phật có một đoạn ngụ ngôn liên quan đến vô ngã, cũng đủ để khiến chúng ta tỉnh thức, xin được ghi lại như sau:
Ngày xưa, có một người đi sứ phương xa, một mình tá túc trong căn nhà trống. Nửa đêm có con quỷ nọ vác theo một xác chết đột ngột xuất hiện trước mặt anh ta. Rồi lại có một con quỷ khác chạy đến mắng con quỷ lúc đầu rằng: “Xác chết kia là của ta, tại sao ngươi dám vác đi?” Hai con quỷ tranh nhau co kéo hai cánh tay xác chết. Con quỷ đầu tiên nói: “Ở đây có người, mau hỏi hắn. Xác chết này do ai mang đến đây?”
Người đó nghĩ thầm: “Hai con quỷ này sức mạnh khôn lường, nếu nói thật chắc sẽ chết, nhưng nói dối thì cũng chết. Đằng nào cũng không thoát được, sao phải nói dối”, vì vậy đáp rằng: “Là quỷ đến trước mang theo”. Con quỷ đến sau đùng đùng nổi giận, giằng đứt một cánh tay anh ta vứt xuống đất. Con quỷ trước đó liền nắm vai xác chết, lấy ra cánh tay lắp trả vào vai người kia.
Cứ như vậy, hết tay, chân lại đến đầu, mình, xương, cốt, bị lấy đi thì lại được bù bằng các bộ phận tương tự của xác chết. Thế là sau một hồi hai con quỷ cùng nhau nhai ngấu nghiến những phần cơ thể vừa tráo đổi đó, ăn xong lau miệng rồi rời đi.
Người kia nghĩ: Thân thể ta do cha mẹ ta sinh ra, tận mắt thấy hai con quỷ kia ăn hết, thân ta hiện tại là xương thịt của kẻ khác, vậy rốt cuộc thân thể ta còn hay không? Nếu có thì là thân kẻ khác, nếu không thì sao cái thân này đang rõ ràng đến thế. Anh ta nghĩ tới nghĩ lui thấy tâm trí bấn loạn bối rối như kẻ điên.
Ngày hôm sau, anh ta tìm đường tới nước gần đó, nhìn thấy ngọn tháp thờ Phật cùng chúng tăng, chẳng hỏi chư tăng những chuyện khác chỉ vội hỏi thân mình có thực hay không? Các vị Tỳ kheo hỏi: “Ông là ai?” Đáp rằng: “Tôi e cũng không biết mình có phải là người hay không nữa rồi”. Ông liền kể lại câu chuyện xảy ra đêm qua cho chư tăng nghe.
Các vị Tỳ kheo nói: “Người này tự biết vô ngã, có thể được độ”, lại nói: “Thân ông từ trước đến nay vốn là vô ngã, chẳng phải chỉ bây giờ. Chỉ là tứ đại giả hợp, cho là thân mình. Tức độ là đạo, đoạn tận mọi phiền não, tức chứng quả La hán. Đã biết rằng vô ngã thì đường chính đạo chẳng còn xa”.
Nếu sử dụng kiến thức hiện đại để giải thích câu chuyện ngụ ngôn kể trên, ta sẽ thấy nó cũng rất hợp lý. Bởi tế bào trong cơ thể con người luôn trải qua quá trình trao đổi chất, cứ mười một tháng sẽ được thay mới toàn bộ. Đáng tiếc rằng chúng ta không hay không biết mình đang bị con quỷ “vô thường” đánh cắp và tráo đổi, chung quy không thể từ đó mà ngộ ra chân lý vô ngã.
2. Thể tính của pháp
Trong đời sống, ngoài nhận thức chủ quan vẫn còn sự vật khách quan. Nói đến phương diện chủ quan cá nhân, sự vật khách quan chính là “môi trường”, còn Phật pháp gọi chung là “pháp”. “Pháp”, hiểu theo nghĩa rộng là bao gồm tất cả vật chất, tinh thần, sự lý, khái niệm,… Vì vậy có lúc gọi là “chư pháp”, hoặc “nhất thiết pháp”. Ngày nay không có khái niệm tương đương, có thể gọi miễn cưỡng là “vũ trụ vạn hữu”.
Các sự vật hiện tượng vật chất, tinh thần khác nhau trong vũ trụ, nhìn bề ngoài dường như từng cái tồn tại độc lập, mỗi loại đều có những đặc điểm riêng của nó. Bây giờ nói: “Pháp vô ngã”, tức là muốn nói rõ tất cả các pháp đều không tồn tại độc lập. Cái gọi là đặc tính riêng của mỗi pháp, cũng cần dựa vào các pháp khác mới có thể bộc lộ ra. Nói cách khác, tất cả tâm, vật, sự, lý giữa vũ trụ đều không tồn tại tuyệt đối, thay vào đó, chúng chỉ tồn tại tương đối trong trạng thái cùng dựa vào nhau, bao hàm lẫn nhau.
Đạo Phật cho rằng tất cả các pháp đều sinh ra từ các nhân duyên, không có tự tính. Duyên có nghĩa là điều kiện. Ví dụ, một ngôi nhà được làm bằng các vật liệu như: xi măng, gạch, ngói, gỗ, kính và thêm các kỹ thuật khác, dựa vào bản thiết kế kiến trúc, các điều kiện kết hợp lại với nhau, mới có thể hoàn thành. Nếu không phải là các điều kiện đó kết hợp lại với nhau trong một hoàn cảnh thích hợp (hoàn cảnh này cũng là một trong những điều kiện), thì ngôi nhà không thể nào hình thành được. Hơn nữa sau khi hoàn thành, các đặc điểm và chức năng của ngôi nhà cũng được quyết định dựa vào các vật liệu khác nhau tạo nên nó, tức là không có cái “tự tính” của ngôi nhà.
Ví dụ, chức năng đặc trưng vốn có của một ngôi nhà là che mưa che nắng, nhưng nếu một khung cửa kính của ngôi nhà đã vỡ thì chức năng này bị giảm đi đáng kể. Có thể thấy ngôi nhà không có cái gọi là “tự tính”. Khi các điều kiện nhân duyên hợp lại, nó chỉ có công dụng hoặc tính năng tạm thời. Nói là “tạm thời”, bởi vì khi ta tìm hiểu sâu thêm một bước về các loại điều kiện hình thành nên sự vật, lại phát hiện ra mỗi điều kiện cũng lại phải tồn tại dựa vào các điều kiện khác. Vì vậy sự vật không thể tồn tại tĩnh tại và cân bằng, không bao giờ thay đổi. Hơn nữa, chúng luôn thay đổi trong từng sát na (xem phần Thế giới quan thay đổi), đã biến đổi tức là phủ định ý nghĩa của hai chữ “tự tính”.
Trong Trung Luận của Bồ tát Long Thọ có một bài kệ nổi tiếng giải thích ý nghĩa tinh thâm vi diệu của các pháp duyên sinh vô tự tính này. Bài kệ rằng:
Các pháp do duyên khởi
Ta nói tức là “không”
Cũng chính là giả danh
Và cũng là trung đạo.
Xét từ phương diện không có tự tính, ta gọi đó là “không”. Khi chúng duyên đã đạt thành tựu, tướng trạng tương đối, không phải không có tác dụng, thì được gọi tên là “giả danh”. Nói “không”, là đối với bản thể không phải thực có; nói “giả danh”, là đối với hiện tượng (tướng) và tác dụng (dụng) tương đối không phải không có trong sát na.
Ví như cứ thiên lệch chấp trước chư pháp nhất định là không, thì sẽ xem nhẹ tướng trạng của các duyên sinh, dụng không khởi lên được, trở thành đoạn diệt tà kiến. Nếu chỉ chấp vào tướng trạng của giả danh, cho chúng là có thực thì lại thành quan điểm nhận thức thông thường của con người, trở thành vũ trụ quan nhân sinh cố định, không thể lĩnh hội được thực tính không có tự tính của các pháp. Không chấp trước thiên lệch về hai bên (nhị biên), tức là đệ nhất nghĩa đế trung đạo trong Phật pháp.
Những điều có thể nói rõ được chỉ dừng lại ở đây. Bởi vì thực tướng trung đạo rốt ráo, không thể dùng ngôn ngữ mà giải thích được, chỉ có thể tự chứng tự biết, lìa mọi ngôn thuyết. Tất cả ngôn thuyết (tư tưởng và văn tự) đều được xây dựng trên danh nghĩa giả tạm, chỉ là danh từ thay thế của các pháp mà thôi. Theo khoa học, thực tướng của các pháp là không gian bốn chiều, còn ngôn ngữ, lời nói, tư tưởng, văn tự chỉ có thể đại diện cho không gian ba chiều. Thực tướng các pháp giống như người đang hoạt động, giả danh các pháp giống như bức ảnh của người đó vậy. Bất luận bức ảnh có giống thực như thế nào cũng không thể đại diện một cách chân thực cho người đó được.
Tất cả các nhân duyên đều không có tự tính, đó là phương tiện nói rõ về “pháp vô ngã” trong Phật pháp. Bởi dù hướng vào trong hay nhìn ra ngoài, chúng ta đều chấp rằng các pháp có thật, cho nên bao lâu nay (sẵn từ khi sinh ra), chúng ta đều tin tưởng điều đó tuyệt đối, không chút nghi ngờ. Vì vậy, khi giác ngộ đạo lý “pháp vô ngã”, chúng ta sẽ thấy thế giới này vô cùng thâm sâu vi diệu. Chỉ là tôi nhân đây nhắc đến điều này, còn chi tiết xin chờ đến phần giảng “pháp ấn Niết bàn” sẽ thảo luận thêm.
III. Giá trị nhân sinh quan tương đối
Nhân vật chính trong cuộc sống - “ngã” đã không tồn tại, thì “ngã sở” tương đối của nó - tức tất cả pháp cũng là chúng duyên sinh vô tự tính. Vậy thì những vấn đề cuộc sống, vấn đề sinh tử nảy sinh do chúng ta chấp trước coi “ngã” là trung tâm và các vấn đề vũ trụ sinh khởi từ sự bám víu vào các pháp đã nói đến ở phần trên, đều có thể giải quyết một cách dễ dàng. Nhưng tính tương đối giữa “ngã” và “pháp” chỉ là sự gợi mở, dẫn dắt đúng đắn mà những bậc đã giác ngộ sau khi tự chứng dành cho những người chưa giác ngộ. Còn nếu muốn giải quyết triệt để các vấn đề nhân sinh vũ trụ, thì bắt buộc mỗi người phải tự mình chứng đắc thông qua quá trình trải nghiệm thực tiễn.
IV. Thực tiễn nhân sinh quan tương đối
Có lẽ chúng ta sẽ thắc mắc, tại sao đã biết đạo lý này rồi mà vẫn phải trải qua thực tiễn mới có thể tự chứng đắc? Bởi trong tiềm thức của chúng ta có một loại chức năng quán tính, trước đây ở bất cứ nơi đâu, bất cứ thời điểm nào cũng chấp trước rằng “ngã” là có thực, “pháp” là có thực, bởi thế mà trong tâm hay đối với ngoại cảnh đều khởi phát đủ các hành vi tham lam, tính toán, ngạo mạn,… Các loại hành vi này để lại một kiểu thế lực tiềm ẩn bên trong tiềm thức của chúng ta. Cho dù đã biết các hành vi này làm cho chúng ta phiền não, ngăn cản sự thật, nhưng chúng ta muốn diệt trừ chúng cũng phải sửa chữa từ trong hành vi của mình (trong Phật pháp gọi là đối trị). Thế lực của chấp ngã, chấp pháp này không dễ gì loại bỏ được, không loại bỏ được thì không có cách nào thanh trừ sạch phiền não, chứng được thực tướng. Ví dụ, một người hút thuốc phiện đến mức bị nghiện, cho dù lý trí hiểu được nó có hại và nên bỏ, nhưng nếu không hạ quyết tâm từ bỏ thói quen này đi thì không thể nào thoát khỏi sự trói buộc do cơn nghiện gây ra.
Nếu chấp ngã và chấp pháp đó đều bị loại bỏ thông qua quá trình thực hành, tức là chúng ta đã có thể bước vào cảnh giới chư pháp vốn bình đẳng tự tại, thanh tịnh an lạc, tràn đầy trí tuệ và từ bi của người đã giác ngộ, đến lúc đó mới có thể gọi là giải quyết triệt để vấn đề về nhân sinh vũ trụ.
Bởi không thể hiểu được đạo lý bản ngã và pháp do nhân duyên sinh khởi không có tự tính, nên chúng ta sẽ sống trong một thế giới lấy bản ngã ảo tưởng làm trung tâm, lấy pháp huyễn ảo không có thật làm môi trường. Tâm trí mờ mịt, tình cảm mâu thuẫn, ý chí mù quáng, đâu đâu cũng nghìn trùng trói buộc, vạn phần phiền toái. Ở đó, chúng ta cũng tu hành, nhưng vẫn không thể thoát được sự xoay vần của nghiệp lực, sinh tử tử sinh, luân chuyển vô tận, cuộc sống tức là sinh tử! Vòng xoáy sinh tử như vậy, bậc Giác giả gọi là luân hồi trong thế gian hữu tình.
Còn về vấn đề nghiệp lực luân hồi, chúng ta sẽ nói ở chuyên đề khác, ở đây chúng ta không đề cập đến.
V. Xây dựng vũ trụ nhân sinh chân thiện mỹ
Nhận thức được rõ ràng nhân vật chính trong cuộc sống và tính duyên sinh của môi trường xung quanh, chúng ta sẽ càng hiểu rõ rằng việc không nắm bắt được đạo lý đó, lại chấp trước “ngã” và “pháp” tồn tại độc lập, đã gây ra các loại mâu thuẫn, mê hoặc và phiền não, khiến cuộc sống biến thành sinh tử, gây ra mâu thuẫn, xung đột giữa người và vật, giữa con người với nhau, làm mất đi ý nghĩa sự hòa hợp an lạc, mất đi tác dụng đem lại lợi lạc cho nhau.
Như vậy, ta có thể lập tức khởi sinh quan điểm và niềm tin chân chính vào cuộc sống, dựa vào nhân sinh quan này, từng bước từng bước thực hành sẽ có được trí tuệ sáng rõ hơn, phiền não ngày càng nhẹ dần đi, những tập tính tham, sân, si, mạn do ngã chấp sẽ giảm bớt.
Ta mở rộng lòng đồng cảm, bao dung với con người và sự vật, dần dần sẽ trải nghiệm cảnh giới thanh tịnh trang nghiêm từ tâm mình với ánh sáng hào quang (xa rời bóng tối mê muội), tự tại (thoát khỏi trói buộc), an lạc (lìa bỏ phiền não).
Quan niệm sống này vừa chân thực vừa thiện lương lại đẹp đẽ, đây mới là nhân sinh quan của Phật pháp. Đây không phải là thế giới giả tưởng hoàn hảo Utopia mà là một thế giới chân thiện, đẹp đẽ trang nghiêm được tạo ra, được thể nghiệm bằng sự hiểu biết và hành động. Đây chính là sự gợi mở, khai thị mà bậc giác ngộ chỉ cho chúng ta. Những gợi mở, khai thị này không chỉ đáp ứng được yêu cầu về tri, tình và ý, mà còn vượt qua được sự khảo nghiệm của khoa học, thử hỏi có nhân sinh quan nào viên mãn như vậy? Triệt để như vậy?
Tọa đàm về Phật giáo phổ thông tại Thư viện Phật giáo Trung Hoa, ngày 11 tháng 10 năm 1964.