Thất bại 37
Khi đi ăn với cấp trên, một mình tôi ăn xong trước
Nên tôi lấy thuốc lá ra hút thì lập tức bị sếp nhắc nhở: “phải giữ nhịp cùng người khác chứ”.
Dù là nhân viên có năng lực nhưng nếu hành động không biết nghĩ đến người xung quanh thì vẫn sẽ bị đánh giá thấp.
Các sếp cứ mải nói chuyện nên mới ăn xong chậm. Làm việc vất vả mãi rồi, đến bữa ăn cũng không được ăn theo ý mình sao?
Khi dùng bữa với ai đi nữa, ta cũng phải để ý ăn sao cho cùng nhịp với người đi ăn cùng ta. Mặt khác, nói chuyện ngoài công việc trong bữa ăn với cấp trên cũng rất cần thiết đấy!
Cần phải nói chuyện ngoài công việc với cấp trên ư? Tôi không thích bị moi móc đến chuyện đời tư đâu!
Nói chuyện ngoài công việc không có nghĩa là tiết lộ chuyện riêng tư. Em nên biết là từ những cuộc nói chuyện ngoài công việc trong bữa ăn, người ta sẽ hiểu tính cách của nhau hơn, từ đó sẽ biết cách giao thiệp với nhau, cùng phát triển mối quan hệ bền vững. Những bữa ăn là dịp tốt để thực hiện điều đó.
Lời khuyên của Mammy Fujihara
Gần đây, khi dự các bữa tiệc, tôi nhận thấy mọi người hiếm khi nói chuyện với nhau để cùng chia sẻ khoảng thời gian quý giá đó. Người thì mải miết nhắn tin điện thoại, người thì nghe nhạc... Khi món ăn được mang ra, có món nào ngon lạ thì họ cứ thỏa thích gắp ăn trước cả cấp trên. Người chỉ biết có mình như thế rất dễ khiến người khác có ấn tượng không tốt. Dù mình có năng lực trong công việc nhưng trong cung cách cư xử thường ngày cũng phải có ý tứ. Phải biết để ý đến mọi người xung quanh. Đừng để người ta đánh giá mình là người chưa chín chắn.
Thất bại 38
Tôi không thích không khí tiệc tùng, những buổi liên hoan cuối năm cũng vậy.
Tôi không uống được rượu nên đã không đến buổi tiệc do công ty tổ chức.
Thế là ngay hôm sau, sếp cho gọi tôi đến gặp!
Phải tham gia đầy đủ các hoạt động chung của công ty.
Đừng e ngại gì cả. Nên nhớ là sự hiện diện của bạn mới là điều quan trọng.
Khi đi làm, trong công ty tất nhiên sẽ có các hoạt động tập thể, những buổi gặp mặt ăn uống vì công việc ngày càng nhiều. Người không uống được rượu như tôi cảm thấy rất miễn cưỡng khi phải tham dự.
Uống được hay không uống được không quan trọng. Có nhiều người vẫn tham gia họp mặt vui vẻ dù chỉ đi ăn chén chè, uống tách trà với nhau thôi. Ít nhất ta cũng nên tham gia các hoạt động chung của công ty. Ở nơi làm việc mà bị gắn mác là người không hòa đồng thì không tốt đâu.
Ơ… Tôi không muốn để lại ấn tượng xấu trong mắt mọi người đâu! Vậy bây giờ tôi phải làm sao?
Đừng có quan trọng hóa vấn đề như vậy. Cũng đừng tạo áp lực tâm lý cho mình khi đi dự tiệc. Hãy cứ tự nhiên thoải mái, là chính mình.
Lời khuyên của Mammy Fujihara
Công ty tổ chức các hoạt động chung nhằm tạo điều kiện đào sâu, mở rộng mối quan hệ thân tình giữa các nhân viên. Khi mạnh dạn tham gia những hoạt động tập thể, ta sẽ có cơ hội khám phá ra nhiều điều thú vị về bản thân và mọi người. Trong những dịp này, ta có thể mở rộng mối quan hệ, tiếp xúc với rất nhiều người – dù đó là cấp trên khó tiếp cận hay đồng nghiệp trước đây ta ít có dịp nói chuyện trong công ty. Đừng tự cho mình là người mới, chưa có kinh nghiệm rồi khép kín trong vỏ bọc của mình. Phải học cách chia sẻ niềm vui chung với tất cả mọi người.
Thất bại 39
Tôi chỉ tham gia cuộc trò chuyện của các đồng nghiệp về công ty, vậy mà hôm sau có lời đồn là chính tôi nói xấu công ty!
Không được a dua theo người khác.
Phải giữ quan điểm riêng của mình trước những lời bình phẩm không hay về công ty.
Những buổi tiệc tùng thật đáng sợ! Mọi người cứ thay nhau bới móc những mặt hạn chế của công ty. Tôi chỉ im lặng bày tỏ sự đồng tình thôi, vậy mà...
Tôi khuyên em phải có cái nhìn đúng đắn trước những tin đồn không có căn cứ. Đừng bao giờ để những kẻ xấu mồm xấu miệng lôi kéo. Em phải biết rằng những người đi nói xấu người khác chứng tỏ họ cũng không tốt đẹp gì đâu.
Nhưng lúc đó không theo mọi người cũng không được. Tôi không muốn mình bị cô lập với mọi người.
Đừng có hùa theo người khác như vậy. Không phải cứ nhất nhất nghe theo ý kiến của người khác là mới giữ được quan hệ tốt. Phải biết phân biệt chuyện gì đáng phê phán, chuyện gì cần học hỏi chứ.
Lời khuyên của Mammy Fujihara
Tạo dựng mối quan hệ sâu sắc, bền vững với người tốt ở các nơi như trường học, công sở hay ngoài xã hội là vô cùng khó. Có rất nhiều người e ngại mình bị cô lập giữa một tập thể nên cố a dua theo người khác. Nhưng kéo dài mối quan hệ theo cách đó liệu có ích gì? Để được là chính mình, chúng ta cần phải có đủ can đảm không để chịu thua những thế lực xấu.
Thất bại 40
Tôi cứ say sưa hát karaoke mà quên mất việc hỏi han khách hàng. Khi nhận ra thì bầu không khí chung đã trở nên nhạt nhẽo.
Cùng đi hát karaoke là hoạt động xã giao quan trọng trong làm ăn. Phải biết kiềm chế ý thích cá nhân để hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Tôi thích hát karaoke lắm, nên chỉ toàn chọn bài của tôi thôi. Lúc đầu, họ còn khen tôi hát hay nữa mà.
Họ đều là những người lớn, có kinh nghiệm giao tiếp. Họ có lời khen em là đúng rồi. Ngược lại, em cũng phải biết ý. Nếu thấy ai nãy giờ vẫn chưa góp vui thì em nên gợi ý: “Tôi rất muốn được thưởng thức giọng hát của anh” chẳng hạn.
Chắc là do tôi và các vị ấy thuộc các thế hệ quá khác nhau. Tôi hát toàn những bài trẻ trung, sôi động mà các vị ấy không hưởng ứng gì hết. Thật chán!
Phải biết rằng nhiệm vụ của em là làm tất cả mọi việc sao cho cấp trên và người khách kia cảm thấy vui vẻ, thoải mái. Hãy bỏ lối suy nghĩ trẻ con kia đi. Nếu em không cố gắng tạo ra bầu không khí vui vẻ trong những buổi hát hò giải trí vì công việc thì em đã không nắm được tâm lý của cấp trên, tâm lý khách hàng và cũng không hiểu rõ nhiệm vụ của mình rồi.
Lời khuyên của Mammy Fujihara
Karaoke đúng là một phương tiện để giải trí. Tuy nhiên, một người đã đi làm thì phải biết rằng những buổi karaoke vui chơi trong gia đình, với bạn bè mang tính chất hoàn toàn khác với những dịp karaoke để tiếp đãi khách hay tổ chức sự kiện của công ty. Phải luôn ý thức được nhiệm vụ, vai trò của mình trong từng hoàn cảnh, từng thời điểm cụ thể. Trong những buổi vui chơi, giải trí vì mục đích công việc thì phải luôn ưu tiên nhiệm vụ giao thiệp với khách hàng, với đối tác. Khi dự buổi tiếp đãi khách hay bữa ăn sau giờ làm việc với sếp xong thì ngày hôm sau ta phải có lời cảm ơn đến người đã trả tiền cho bữa ăn đó. Như vậy mới đúng phép lịch sự.
Thất bại 41
Sếp nói: “Hôm nay là ngoại lệ. Mọi người cứ vô tư nhé!”.
Vậy mà khi bị tôi gọi là “bố hói” thì mặt sếp đỏ gay rồi nổi giận đùng đùng với tôi. Mâu thuẫn quá đi mất!
Thật tai hại khi hiểu sai từ “vô tư” trong trường hợp này. Người nhân viên chuyên nghiệp luôn biết giữ phép tắc trong mọi tình huống.
Vậy sếp dặn “mọi người cứ vô tư đi” để làm gì? Sếp đã nói rồi thì phải giữ lời chứ. Sao lại nổi giận với tôi?
“Vô tư” ở đây có nghĩa là bỏ qua những phép tắc hà khắc thường ngày chứ không phải là cho phép em có những lời lẽ vô lễ, thiếu tôn trọng người khác. Em gọi sếp bằng từ “bố hói” là đùa quá mức rồi!
Nếu thế thì sếp phải nói thật rõ ràng chứ! Tôi chỉ hiểu theo nghĩa đen của từ đó thôi nên cứ vô tư hết mức.
Tiệc tùng nơi công sở cũng giống như chất kết dính làm cho tình bằng hữu trong tổ chức thêm sâu đậm, bền vững. Những câu pha trò khéo léo làm cho không khí tập thể thêm vui nhộn bao giờ cũng được cấp trên và mọi người hoan nghênh.
Lời khuyên của Mammy Fujihara
Sau khi buổi tiệc kết thúc, những câu pha trò hóm hỉnh, sắc sảo sẽ trở thành kỷ niệm vui trong lòng mọi người. Tuy nhiên phải thận trọng, tránh lời trêu đùa vô ý xúc phạm người khác, trở thành nỗi ám ảnh với họ. Trường hợp của cậu chỉ bị sếp mắng tại chỗ thôi là còn may đấy! Dù ở trong quán rượu đi nữa cũng phải biết giữ phép tắc nhé. Như vậy mới là người đi làm thực thụ chứ.