Điểm khởi đầu của mọi thành công
Tôi là một phụ nữ có sứ mệnh và quyết tâm theo đuổi ước mơ của mình.
- ESTÉE LAUDER
BẠN CÓ BIẾT KHÁT KHAO CHÁY BỎNG CỦA MÌNH LÀ GÌ KHÔNG? Bạn cũng sẽ tự hỏi: “Liệu mình có khát khao cháy bỏng nào không?”. Không giống với những mong muốn thông thường, khát khao cháy bỏng là nhu cầu cần phải thực hiện và hoàn thành bằng được một điều gì đó. Khát khao này sẽ bắt đầu từ một ý tưởng hay nhận thức, rồi phát triển thành động lực thúc đẩy bạn trong mỗi hành động hàng ngày. Nó được dẫn dắt bởi giá trị cốt lõi của con người và sẽ can thiệp vào mỗi quyết định của bạn.
Ngay lập tức, bạn có thể tìm ra những mục tiêu của cuộc đời. Đó có thể là cuộc sống cá nhân, mục tiêu kinh doanh, tài chính, vật chất hay tinh thần. Còn nếu bạn vẫn chưa đạt được mục tiêu của mình thì hãy hỏi bản thân tại sao. Liệu có thành công không nếu mục tiêu bạn đặt ra không phù hợp với khát vọng của bạn?
Nhưng mà khoan đã, hãy nghĩ về thời điểm người ta mô tả bạn bằng những từ như: đam mê, có chí tiến thủ, có mục đích rõ ràng, tập trung cao độ, tận tụy, kiên quyết, năng động, độc lập, có khả năng thuyết phục, kiên trì theo đuổi, mạnh mẽ, đáng tin cậy, kiên định, trung thành, vững vàng, tận lực, có tinh thần thép.
Khi bạn kết hợp những mục tiêu rõ ràng cùng với một quyết tâm mạnh mẽ để đạt được mục đích cuối cùng, điều này sẽ mang lại cho bạn nguồn năng lượng cần thiết (động lực, sức mạnh, sức bền) để tạo lập và hoàn thành kế hoạch.
Trong Nghĩ giàu và làm giàu, Napoleon Hill đề cập đến khát khao cháy bỏng là thứ liên quan đến tài sản tài chính, ông viết:
Bất cứ ai khi đến cái tuổi hiểu được giá trị của đồng tiền đều sẽ mong ước có được nó. Nhưng chỉ mong ước thôi thì không thể giàu lên được. Nếu khát vọng làm giàu chiếm giữ toàn bộ tâm trí bạn thì nó lại trở thành nỗi ám ảnh. Nó sẽ lên kế hoạch, xác định con đường và cách thức để trở nên giàu có, nó sẽ giúp đỡ những ai đang kiên trì với kế hoạch làm giàu không màng thất bại chỉ với mục đích là trở thành người giàu có.
Hill chỉ ra 6 bước, bao gồm cả thực tế và lý thuyết, để biến khát vọng của bạn trở thành tài sản thật sự, tôi sẽ tóm tắt ngắn gọn dưới đây:
Bước thứ nhất, bạn cần biết chính xác bạn muốn có bao nhiêu tiền (KHÁT VỌNG).
Bước thứ hai, vạch rõ những điều bạn sẵn sàng làm để có được số tiền bạn mong muốn (không có chuyện “cố gắng cũng chẳng để làm gì”).
Bước thứ ba, lên kế hoạch vào ngày nào, tháng nào, năm nào bạn sẽ sở hữu trong tay số tiền kia.
Bước thứ tư, lên một kế hoạch hành động rõ ràng, rồi thực hiện ngay lập tức. Mục tiêu mà không có kế hoạch rõ ràng thì cũng chỉ là ước mơ hão huyền mà thôi. Đừng trì hoãn khát vọng của bạn.
Bước thứ năm, hãy viết ra một nhiệm vụ cho bản thân, một “câu thần chú”, một tuyên bố ngắn gọn, rõ ràng về số tiền mà bạn muốn có, trong thời gian bao lâu bạn sẽ đạt được mục tiêu đó, dự định những việc bạn sẽ làm để có số tiền đó; và cuối cùng, hãy mô tả chi tiết kế hoạch hành động của bạn để có số tiền đó trong tay.
Bước thứ sáu, đọc “câu thần chú” của bạn hai lần mỗi ngày, trước khi đi ngủ và mỗi sáng sớm thức dậy.
BẤT CỨ KHI NÀO ĐỌC “CÂU THẦN CHÚ” ẤY, HÃY NHÌN RA, CẢM NHẬN VÀ TIN RẰNG BẢN THÂN BẠN ĐANG DẦN SỞ HỮU ĐƯỢC TIỀN.
KHÁT VỌNG sẽ trở thành phụ tá của bạn. Nếu bạn thật sự KHÁT VỌNG tiền của thì chắc chắn khát khao cháy bỏng này sẽ là sự ám ảnh đối với bạn, khi đó bạn sẽ không gặp bất cứ trở ngại nào để khẳng định niềm tin rằng bạn sẽ đạt được những điều mình mong muốn.
Mục đích của bạn là muốn có tiền, muốn sở hữu nó, vì thế bạn phải mạnh mẽ THUYẾT PHỤC bản thân mình rằng bạn sẽ có tiền.
Chỉ những ai để tiền ăn sâu vào trong tiềm thức mới có cơ hội trở thành người giàu. “Ý thức về tiền” là một khái niệm cho thấy tâm trí đã hoàn toàn đắm chìm vào KHÁT VỌNG có thật nhiều tiền, khi đó mỗi cá nhân nhìn thấy bản thân mình đang sở hữu rất nhiều tiền.
Trong phần bình luận của Hill, ông chỉ tập trung vào việc làm sao để giàu có về mặt tài chính. Trong cuốn sách của mình, ông viết: “Ý thức về tiền là một khái niệm cho thấy tâm trí đã hoàn toàn đắm chìm vào KHÁT VỌNG có thật nhiều tiền, khi đó mỗi cá nhân nhìn thấy bản thân mình đang sở hữu rất nhiều tiền” đã gợi ra các câu hỏi dành cho người đọc.
Chính vì vậy, mỗi khi đọc đến đoạn này, tôi đều phải dừng lại để trả lời và suy nghĩ về các câu hỏi của bản thân.
Có thể nhiều người sẽ phản ứng với nội dung của dòng này vì nó đi ngược lại với lời răn dạy trong Kinh Thánh: “Tình yêu dành cho tiền bạc là gốc rễ của mọi tội ác”.
Chắc chắn đã có rất nhiều ví dụ trong suốt chiều dài lịch sử tiền tệ, đó là trường hợp của cải dư thừa lại mang đến những điều tồi tệ cho cuộc sống con người, điều này vạch trần bộ mặt thật của những người giàu có. Nếu bạn là người keo kiệt thì cho dù có kiếm được bao nhiêu chăng nữa, bạn sẽ chỉ càng keo kiệt hơn mà thôi. Tuy nhiên, ở chiều hướng ngược lại, điều này cũng đúng. Nếu bạn đã là người hào phóng thì việc có nhiều tiền hơn sẽ càng khiến bạn rộng rãi hơn.
Xem lại phần Hill phỏng vấn những người giàu có nhất thế giới, hầu hết họ là những người vô cùng nhân ái, tôi muốn viết lại đoạn này như sau: “Ý thức về tiền là khi tâm trí hoàn toàn đắm chìm vào KHÁT VỌNG có tiền, giúp người ta làm được nhiều việc tích cực, và giúp bản thân mình hướng thiện hơn”. Tôi tin Hill cũng tán thành cách hiểu đoạn này của tôi khi ông ấy tiếp tục bàn luận về “những nhà lãnh đạo vĩ đại”.
Phải hiểu rằng bất cứ ai trước khi đạt được những thành công lớn lao đều phải bắt đầu từ những điều đơn giản nhất. Trước hết phải có mơ mộng, hy vọng, ước mơ, KHÁT VỌNG, rồi lên KẾ HOẠCH.
Bạn cũng nên biết rằng những nhà lãnh đạo vĩ đại từ buổi đầu của nền văn minh nhân loại đến nay đều là những kẻ mơ mộng.
KHÁT VỌNG sở hữu một điều gì đó luôn là điểm khởi đầu của những kẻ mơ mộng muốn biến ước mơ thành hiện thực. Ước mơ sẽ chẳng bao giờ đồng hành với những ai thờ ơ, lười biếng hay không có tham vọng .
Phần nào đó trong tôi kháng cự lại những lời khuyên của Hill để đạt được tham vọng về tiền bạc, bởi vì đơn giản tôi cũng là phụ nữ. Trong một bài báo năm 2013 của tạp chí Forbes Woman, Peggy Drexler, tiến sĩ Tâm lý học thuộc khoa Tâm thần học của trường Y Weill Cornell, nói rằng phụ nữ và đàn ông định nghĩa về thành công vô cùng khác nhau.
Vậy ý nghĩa thật sự của thành công là gì? Lý do khiến nhiều phụ nữ đặt ra câu hỏi này vì những câu trả lời mà họ nhận được thường phức tạp hơn rất nhiều so với câu hỏi dành cho đàn ông. Barbara Annis, chuyên gia nghiên cứu về trí thông minh theo giới tính lại tin rằng định nghĩa về thành công dành cho nam giới rất đơn giản. Đó là sự chiến thắng. Thành công có thể được định nghĩa là có nhiều tiền hơn, công việc tốt hơn, hoặc có chỗ đỗ xe tốt hơn, thậm chí là có một cô vợ nóng bỏng. Nhưng thành công chính là sự chiến thắng trước vô vàn cuộc đấu, cuộc đọ sức vào thời điểm không tên nào đó. Dĩ nhiên, phụ nữ cũng muốn có được chiến thắng như vậy. Tuy nhiên, Annis cũng kết luận phụ nữ mong muốn giá trị của mình được đề cao. Bà cũng tiết lộ, khi làm cố vấn xếp hạng 500 công ty, tập đoàn hàng đầu thế giới cho tạp chí Fortune, bà nhận ra một trong những lý do khiến phụ nữ từ bỏ công việc là vì họ nhận thấy công việc của mình không được trân trọng và khả năng của bản thân không được thừa nhận.
“Chúng tôi đều thử thực hiện theo những định nghĩa về thành công, tiền bạc và quyền lực của đàn ông nhưng chúng không hiệu quả”, Arianna Huffington đồng sáng lập và là tổng biên tập của tờ Huffington Post đã nói như vậy trong chương trình Today vào tháng 6 năm 2013. “Chúng không hiệu quả với đàn ông, chúng cũng không hiệu quả với phụ nữ. Chúng không hiệu quả với bất kỳ ai”.
Tờ Huffington Post cũng đặt ra câu hỏi “Thành công có ý nghĩa như thế nào với bạn?” dành cho cộng đồng người sử dụng Facebook và Twitter. Tôi không rõ họ đã bỏ ra bao nhiêu công sức để thực hiện cuộc khảo sát này, nhưng kết quả của khảo sát sẽ cho chúng ta thấy phụ nữ định nghĩa thế nào về thành công và quyền lực. Trong bài báo do Emma Gray viết vào tháng 7 năm 2013, cô chia sẻ bài lời phát biểu của Valerie Jarrett trong hội nghị Third Metric của Huffington Post rằng: “Chúng ta có thể có tất cả, nhưng chúng ta không thể có tất cả cùng một lúc”. Bên cạnh đó, cô cũng chia sẻ 19 định nghĩa về thành công trong khảo sát vừa thực hiện:
DƯỚI ĐÂY LÀ 19 ĐỊNH NGHĨA VỀ THÀNH CÔNG THEO Ý KIẾN CỦA BẠN ĐỌC HUFFINGTON POST:
1. Làm một việc gì đó hết sức mình và tận hưởng từng phút giây thực hiện công việc ấy.
2. Tìm thấy điểm tích cực giữa những điều không hoàn hảo của cuộc sống.
3. Nhận ra mình có những đóng góp hữu ích cho thế giới.
4. Tạo nên sự khác biệt bằng cách giúp đỡ người khác đạt được thành công.
5. Sống và yêu thương trọn vẹn, không ân hận và không hối tiếc.
6. Ủng hộ lẽ phải, chẳng hạn như cuộc chiến chống lại nạn phân biệt chủng tộc.
7. Đi chơi biển hàng ngày.
8. Mang lại hạnh phúc cho gia đình.
9. Đóng vai trò tích cực trong phong trào đòi bình đẳng giới.
10. Có khả năng kiểm soát lịch làm việc của bản thân.
11. Sống lành mạnh – giúp những phụ nữ khác cũng sống lành mạnh như mình.
12. Có nghị lực để cố gắng, cố gắng hơn nữa – kể cả khi bạn vấp ngã.
13. Tự hào về bản thân.
14. Làm hết khả năng của mình và luôn biết ơn những điều tốt đẹp đã diễn ra trong cuộc sống.
15. Tìm ra giải pháp tuyệt vời để cân bằng giữa việc chăm sóc gia đình thân yêu và công việc yêu thích.
16. Luôn có những người bạn khiến bạn bật cười.
17. Trân trọng những việc bạn phải làm vì mưu sinh.
18. Biết được rằng con gái bạn biết đứng về lẽ phải và tự tin thể hiện bản thân trước mọi người.
19. Học cách sống chậm lại thay vì chỉ mải miết bước đi.
Có thể khảo sát này không hoàn toàn được thực hiện một cách bài bản, nhưng những câu trả lời trong đó liên quan mật thiết đến định nghĩa của cá nhân tôi về thành công. Khi tôi được hỏi thành công là gì, câu trả lời của tôi là: Thành công là cách bạn suy nghĩ về bản thân mỗi khi nhìn vào gương mỗi buổi tối, và bạn thấy hài lòng với hình ảnh phản chiếu của mình trong đó.
Thế có nghĩa là phụ nữ không muốn trở nên giàu có ư? Tất nhiên là không! Nhưng tôi tin chắc phụ nữ có cách nhìn nhận về sự giàu có toàn diện hơn ai hết. Họ khao khát có tiền để phục vụ nhu cầu thực tế của bản thân, chứ không phải bản thân đồng tiền. Những lời khuyên của Hill nhằm đạt được thành công về mặt tài chính đều có thể áp dụng ở nhiều lĩnh vực khác như: phát triển bản thân, vật chất, tinh thần/tâm linh, hay thành công trong kinh doanh. Hãy cùng đọc lại 6 bước của Hill một cách toàn diện hơn:
Làm theo 6 bước dưới đây, nhưng chú trọng vào điều mà bạn coi là khát khao cháy bỏng của mình:
Thứ nhất, xác định rõ bạn muốn đạt được điều gì một cách tối ưu, hoặc thay đổi nào bạn muốn nhìn thấy nhất (KHÁT VỌNG).
Thứ hai, cam kết với những gì mình sẵn sàng làm để đạt được ý nguyện (sẽ không có chuyện “cố gắng cũng chẳng để làm gì”).
Thứ ba, chính xác vào ngày nào, tháng nào, năm nào bạn sẽ hoàn thành mục tiêu của mình.
Thứ tư, lên kế hoạch hành động chi tiết, thực hiện ngay lập tức. Mục tiêu mà không có kế hoạch thực hiện thì cũng chỉ là mơ mộng hão huyền. Đừng trì hoãn khát khao của mình.
Thứ năm, viết ra nhiệm vụ cho bản thân, một “câu thần chú”, một ghi chú ngắn gọn về hành động mà bạn muốn thực hiện, thời hạn dự kiến hoàn thành, dự định làm việc gì để đạt được mục tiêu đó, rồi mô tả rõ ràng kế hoạch và bước thực hiện để đạt được mục tiêu.
Thứ sáu, đọc “câu thần chú” của bạn hai lần mỗi ngày, một lần trước khi đi ngủ, một lần vào sáng sớm khi thức dậy.
Điều quan trọng nhất, hãy NHÌN THẤY, CẢM NHẬN và TIN TƯỞNG rằng bạn đã thành công trong việc đạt được mục tiêu của mình.
Khi bạn nhận thấy mình muốn làm một việc gì đó, đạt được thành quả nào đó, hay thay đổi một điều gì, thậm chí muốn trở thành một người xấu xa thì bạn đã chính thức có một KHÁT VỌNG.
Bạn sẽ thấy mình vô cùng tập trung nhằm hoàn thành mục tiêu đã đặt ra, quan trọng hơn, bạn cảm thấy thoải mái khi được làm như vậy.
Một trong những minh chứng vĩ đại nhất về KHÁT VỌNG của con người không vì mục đích của cải, tiền bạc là Mẹ Teresa Calcutta, người đã cống hiến cả cuộc đời mình để giúp đỡ người nghèo, người ốm đau, bệnh tật trên toàn thế giới, đặc biệt là người dân Ấn Độ. Bà cảm nhận khát khao cháy bỏng bên trong đang kêu gọi và thúc giục mình ra ngoài để giúp đỡ người nghèo xung quanh. Sự cống hiến của bà đã truyền cảm hứng cho hàng triệu người. Bà cống hiến đời mình để mang lại hy vọng và hạnh phúc cho những vùng đất bị tàn phá tan hoang.
Mẹ Teresa mô tả bổn phận và khát khao cháy bỏng của mình là trao đi tình yêu thương vô hạn cho toàn nhân loại: “Đừng bao giờ cảm thấy thỏa mãn với việc cho tiền. Chỉ tiền thôi vẫn chưa đủ, họ sẽ nhận tiền nhưng họ cũng cần có trái tim thật sự yêu thương họ. Cho nên hãy trao đi yêu thương ở bất cứ nơi đâu bạn đến”.
Mẹ Teresa là minh chứng tuyệt vời cho thấy phụ nữ có thể thay đổi thế giới!
Nhưng Mẹ không đơn độc. Dù không nổi tiếng như Mẹ Teresa, nhưng Wangari Maathai cũng là một người phụ nữ vĩ đại khác làm nên lịch sử khi biến khát khao cháy bỏng thành hành động. Tốt nghiệp ngành sinh vật học tại Hoa Kỳ, bà là người phụ nữ đầu tiên ở Đông và Trung Phi nhận bằng tiến sĩ, và là người phụ nữ châu Phi đầu tiên nhận giải Nobel Hòa Bình.
Wangari Maathai là người sáng lập phong trào Vành đai xanh (Green Belt Movement) vào năm 1977. Lúc đó, bà nhận thấy hàng trăm nghìn phụ nữ ở Kenya phải đi bộ hàng dặm đường để lấy củi và nước sạch. Rừng ở đây bị phá hủy nghiêm trọng, cả đất nước đương đầu với hạn hán và đói nghèo. Giải pháp đơn giản của bà là: trồng cây. Bà bắt đầu trả tiền cho những phụ nữ châu Phi để họ trồng cây. Cây trồng giúp ngăn chặn xói mòn đất và còn được dùng làm chất đốt. Thành quả nhận lại sau bao nỗ lực không mệt mỏi của người phụ nữ này là 51 triệu cây đã được trồng trên toàn châu Phi từ năm 1977. Wangari Maathai đạt được thành công vì kiến thức, sự tận tâm, tầm nhìn rộng lớn và có trách nhiệm với công việc, cũng như sự kiên định. Bà đạt được thành quả như mong muốn còn nhờ vào việc nói đi đôi với làm, với tâm huyết, với sự chính trực cũng như không phàn nàn hay đòi hỏi điều gì.
Bà cho biết: “Khi chúng tôi trồng cây, chúng tôi đang gieo những hạt mầm của hòa bình và hy vọng”.
Nói về khát khao cháy bỏng của mình, bà nói: “Tôi cũng không biết tại sao tôi lại quan tâm đến vấn đề này nhiều như vậy. Tôi chỉ biết có ai đó bên trong tôi nói với tôi đây là một vấn nạn, tôi phải làm gì đó để giải quyết vấn nạn này. Tôi nghĩ chính Chúa đang dẫn lối trong tôi”.
Một hình mẫu tiêu biểu khác về người đã đạt được thành công và có một cuộc sống ý nghĩa hơn phải kể đến là Oprah Winfrey, một trong những người tự thân thành công và giàu có nhất thế giới. Tại lễ trao bằng tốt nghiệp cho sinh viên đại học Harvard ngày 31 tháng 5 năm 2013, bà chia sẻ rằng hiện tại bà được mọi người đánh giá là đang ở trên đỉnh cao sự nghiệp, nhưng bà cũng đã từng áp dụng phương pháp 6 bước khi phát hiện bản thân đang phải đối mặt với “quãng thời gian đen tối nhất” của cuộc đời.
Thật khó để tưởng tượng một người như Oprah Winfrey lại cảm thấy áp lực và không thể tiếp tục vươn tới thành công, nhưng bạn sẽ cảm nhận được niềm hạnh phúc khi bà mô tả làm thế nào mà bà có thể tìm thấy khát khao cháy bỏng để đi đến thành công, cho bản thân một hạn định, lên kế hoạch đổi hướng kinh doanh ra sao. Oprah Winfrey Show luôn đứng đầu trong số các chương trình truyền hình suốt hơn hai mươi năm cho đến khi bà kết thúc và giới thiệu chương trình OWN – Oprah Winfrey Network. Sau hàng chục năm luôn là hình mẫu hoàn hảo cho sự thành công, bà xác định “đó là khoảng thời gian để tính toán lại, tìm ra một lĩnh vực mới, khám phá những vùng đất mới”. Đã quen với thành công, nên với Oprah Winfrey Show bà đạt được thành công một cách “khá thoải mái”. Bà mong muốn có được thành tích tương tự với OWN. Tuy nhiên, OWN lại không được như kỳ vọng. Winfrey chia sẻ về điều này:
“Gần như mọi phương tiện truyền thông đều tuyên bố dự án mới của tôi là một thất bại. Họ không chỉ gọi đó là thất bại, mà là thất bại nặng nề. Tôi vẫn còn nhớ cái ngày tôi mở tờ USA Today và đọc dòng tít: ‘Oprah, danh tiếng không đứng về phía OWN’. Tôi như bị sốc, USA Today đây sao? Giờ thì tờ báo này tử tế hơn nhiều rồi. Giờ này năm ngoái là khoảng thời gian đen tối nhất trong sự nghiệp của tôi. Tôi cảm thấy áp lực và thất vọng, thành thật mà nói tôi còn cảm thấy xấu hổ nữa.”
Đúng vào lúc khó khăn đó, Oprah được mời đến phát biểu tại lễ tốt nghiệp của Đại học Harvard. Sự tự tin của bà bị lung lay khi nghe những lời chỉ trích về OWN, bà thậm chí đã nghi ngờ khi hỏi sinh viên: “Tôi biết nói gì với các sinh viên tốt nghiệp Harvard đây, đều là những sinh viên ưu tú nhất trên thế giới, khi mà tôi còn chẳng thành công nữa?”.
Bà kể lại việc này với các cử nhân tại buổi lễ tốt nghiệp hôm ấy – rằng cảm hứng đã đến lúc bà đang tắm (thay vì sẽ ăn một túi bánh Oreo). Lúc đó, bà bỗng nhớ lại lời hát trong một bài thánh ca cổ: “Mỗi ngày qua đi, bình minh lại đến. Rắc rối cũng chẳng thể kéo dài mãi, rồi nó cũng sẽ biến mất thôi”. Đó cũng là lúc bà quyết định sẽ thay đổi định hướng của chương trình.
Sau khi cảm ơn các sinh viên đã giúp bà có động lực để chuyển hướng công việc lên một đỉnh cao mới, bà khuyên các sinh viên nên soạn những bộ hồ sơ xin việc mà trong đó kể ra câu chuyện của riêng mình, những điều mình mong muốn đạt được và lý do tại sao, chứ không chỉ đơn thuần ghi ra ngày tháng đã hoàn thành các cột mốc trong đời. Bà cũng nhắn nhủ với họ những câu chuyện và lý do được nêu ra này sẽ giúp mỗi người vượt qua khoảng thời gian khó khăn trong cuộc sống mỗi khi vấp ngã và thất bại. Sau đó bà yêu cầu mỗi sinh viên suy nghĩ về lý tưởng và mục đích sống của mình.
Rồi Oprah chia sẻ với mọi người câu chuyện của riêng bà về việc tìm kiếm mục đích sống. Cảm hứng xuất hiện khi bà nhìn thấy một bé gái 9 tuổi đi quyên tiền lẻ để giúp đỡ mọi người. Bằng hành động nhỏ bé ấy, cô bé đã quyên được 1.000 đô-la. Khi đó, Oprah tự hỏi không biết mình sẽ gom được bao nhiêu nếu thử làm giống cô bé kia.
Vì thế, Oprah bắt đầu khuyến khích khán giả của bà hãy tiết kiệm. Chỉ trong một tháng, người hâm mộ của Oprah đã gửi đến hơn 3 triệu đô-la. Nhờ vào số tiền này, ở mỗi bang trên toàn nước Mỹ, bà đã có thể tài trợ học bổng cho một sinh viên theo học đại học. Việc này đã biến dự án mạng kết nối của bà trước kia trở thành Mạng lưới Thiên thần (Angel Network).
Mạng lưới Thiên thần của Oprah phát triển một cách đáng kinh ngạc. Nhờ vào lòng hảo tâm và sự ủng hộ nhiệt tình từ các khán giả trung thành, chương trình đã xây 55 trường học ở 12 quốc gia, sửa chữa gần 300 căn nhà bị phá hủy bởi cơn bão Rita và Katrina. Mặc dù Oprah đã làm trong lĩnh vực truyền hình nhiều năm, nhưng thành công của Mạng lưới Thiên thần đã giúp Oprah xác định lại mục đích và định hướng lại ảnh hưởng của bà trên truyền hình. Những gì bà thực hiện, từ các chương trình truyền hình, các cuộc phỏng vấn cho đến nỗ lực kinh doanh và hoạt động từ thiện, giờ đã cùng hướng về một mục đích chung.
Nếu được, bạn nên tìm đọc toàn bộ bài phát biểu của Oprah Winfrey tại lễ trao bằng tốt nghiệp của đại học Harvard. Dù những thông điệp trong bài phát biểu bà dành riêng cho các sinh viên tốt nghiệp nhưng chúng lại có sức ảnh hưởng toàn cầu và ai cũng có thể áp dụng. Bà cũng nhấn mạnh rằng mỗi người trong chúng ta sẽ vấp ngã vài lần trong cuộc sống, nhưng “thất bại là cách mà cuộc sống cố gắng dẫn dắt chúng ta đi theo một con đường khác”. Theo bà, điều quan trọng là:
“... Hãy rút ra điều gì đó từ mỗi sai lầm của mình, vì bất cứ trải nghiệm, tranh đấu, và nhất là sai lầm sẽ chỉ dạy và giúp bạn tiến bộ hơn. Từ đó, bạn sẽ tìm ra được bước đi đúng đắn tiếp theo của mình là gì. Chìa khóa của cuộc sống là phát triển nhân cách, một ‘hệ thống định vị cảm xúc và đạo đức’ chỉ đường dẫn lối cho bạn.”
Ở phần cuối bài phát biểu, Oprah mở rộng lòng mình khi chia sẻ bằng tất cả đam mê, sự chân thành và niềm hy vọng lớn lao vào tương lai của các sinh viên:
“Qua thời gian, bạn có thể sẽ vấp ngã, thất bại, điều đó là chắc chắn, nó sẽ đến, và bạn sẽ hoài nghi về con đường của mình. Tôi hiểu suy nghĩ đó, nhưng nếu bạn chịu lắng nghe, muốn được chỉ lối, thì vẫn còn một tiếng nói bé nhỏ bên trong bạn. Đó là ‘hệ thống định vị cảm xúc và đạo đức’, nó sẽ giúp bạn tìm ra điều gì khiến bạn thực sự tồn tại, bạn sẽ cảm thấy cuộc sống tuyệt vời hơn. Bạn sẽ cảm thấy hạnh phúc, thành công và bạn sẽ tạo nên điều khác biệt của riêng bạn trên thế giới này.”
Chắc hẳn Oprah Winfrey là một fan cuồng của Nghĩ giàu và làm giàu do Napoleon Hill viết. Chắc chắn niềm tin của bà về việc mọi người nên có trách nhiệm với cuộc đời mình có liên quan chặt chẽ với triết lý của Hill.
Không ít khán giả của Oprah Winfrey đã trưởng thành thông qua những ảnh hưởng tích cực từ các chương trình truyền hình mà bà mang lại, cũng như lòng nhân ái của bà. Cũng từ đây, còn có những làn sóng thay đổi mạnh mẽ ở nhiều phụ nữ trẻ, những người đang lãnh đạo các doanh nghiệp. Họ không chỉ tạo nên những kỳ tích trong kinh doanh mà còn dùng thành công đó để giúp đỡ người khác. Hai trong số những người phụ nữ ấy là Sara Blakely và Tory Burch.
Sara Blakely có một KHÁT VỌNG trong việc cải cách ngành công nghiệp sản xuất nội y phụ nữ, để phụ nữ không phải chịu đau đớn và sợ hãi khi phải cố mặc những bộ nội y không phù hợp suốt 50 năm qua. Từng là nhân viên hướng dẫn trò chơi ở Disney World và một nghệ sĩ hài, bà đã trở thành nữ tỷ phú tự thân trẻ nhất thế giới. Bà là một minh chứng huyền thoại về cách biến Khát Khao Cháy Bỏng trở thành thành công đầy ý nghĩa.
Một lần vào năm 29 tuổi, Sara cảm thấy chán nản khi không thể tìm được một bộ nội y phù hợp để mặc với chiếc quần màu kem và giày hở mũi của mình. Bà đã đầu tư toàn bộ 5.000 đô-la tiền “tiết kiệm dưỡng già” của mình và thế là SPANX ra đời. Từ dòng sản phẩm nội y được nêu tên trong chương trình Những thứ Oprah yêu thích (Oprah’s Favorite Thing) cho đến dòng sản phẩm độc quyền mang tên Assets chuyên bán ở hệ thống Target, Blakely đã chèo lái SPANX từ công ty kinh doanh một sản phẩm trở thành tập đoàn buôn bán hơn một trăm mặt hàng khác nhau với doanh thu lên đến hàng trăm triệu đô-la mỗi năm. Bà vẫn giữ 100% quyền sở hữu công ty và chưa bao giờ làm quảng cáo cho công ty.
Lời khuyên của bà là: “Tự tin vào ý tưởng của bạn, tin tưởng vào sự khác biệt của bạn và đừng bao giờ sợ thất bại. Từ lúc bắt đầu ý tưởng về SPANX, tôi đã mất 2 năm mới được cầm sản phẩm hoàn chỉnh trên tay trước khi đem bán trong các cửa hàng. Tôi đã phải nghe từ ‘Không’ hàng nghìn lần. Nếu bạn tự tin 100% vào ý tưởng của mình, đừng để bất cứ ai ngăn cản bạn thực hiện nó! Không sợ hãi trước thất bại là chìa khóa thành công của SPANX”.
Năm 2006, bà đem thành công của mình tập trung vào việc giúp đỡ người khác. Bà sáng lập ra quỹ từ thiện Sara Blakely Foundation giúp đỡ phụ nữ toàn cầu thông qua giáo dục và kinh doanh. Vào năm 2013, khi mới 42 tuổi, bà trở thành nữ tỷ phú đầu tiên ký tên vào Gates-Buffett Giving Pledge, một chiến dịch kêu gọi những người giàu có đóng góp phần lớn tài sản của mình cho mục đích nhân đạo, do Bill Gates và Warren Buffet đồng sáng lập.
Đam mê mãnh liệt và sự tận tâm của Sara không chỉ mang lại cho bà thành công về tài chính, mà còn đưa đến nhiều điều tốt đẹp cho các phụ nữ trẻ trên toàn cầu thông qua hỗ trợ tài chính từ quỹ từ thiện của bà. Mỗi chúng ta đều có thể khẳng định chúng ta có được lợi thế về ngoại hình chính là nhờ vào sản phẩm dựa trên khát khao cháy bỏng của bà – SPANX! Cảm ơn, Sara Blakely!
Bên cạnh Sara vẫn còn một nữ tỷ phú tự thân khác ở tuổi 40 đó là Tory Burch. Tory tạo nên thành công do nhìn thấy được khoảng trống trên thị trường kinh doanh thời trang, và bà đã từng bước thực hiện để lấp đầy khoảng trống ấy. Năm 2004, trên chiếc bàn ăn trong nhà bếp, với tầm nhìn rộng và niềm đam mê sâu sắc dù chỉ có vốn kiến thức kinh doanh cơ bản, Tory ra mắt dòng sản phẩm quần áo may sẵn dành cho phụ nữ với giá cả phải chăng nhưng vẫn hợp mốt, đặc biệt hướng tới những người phụ nữ giàu có và phóng khoáng.
Năm 2006, bà giới thiệu sản phẩm nổi tiếng nhất, một đôi giày múa ba lê đế bằng giá 195 đô-la, được đặt theo tên mẹ bà, Reva. Sau đó vào năm 2010, Oprah đề cập đến đôi giày Reva của Tory trong tập cuối của Những thứ Oprah yêu thích. Theo thống kê của tạp chí Forbes, trong năm 2012, doanh thu của công ty Tory đạt gần 800 triệu đô-la; năm 2013, Forbes đã thêm tên bà vào danh sách những tỷ phú lừng danh.
Vào năm 2009, dựa trên kinh nghiệm của một nữ doanh nhân thành công và một bà mẹ đi làm, bà thành lập quỹ Tory Burch Foundation. Không chỉ lập quỹ từ thiện để trao tặng tiền cho mọi người, bà còn mong muốn tạo cơ hội cho phụ nữ để họ gầy dựng sự nghiệp kinh doanh của riêng mình, từ đó họ sẽ có khả năng độc lập tài chính cho bản thân và gia đình. Quỹ từ thiện của Tory Burch cung cấp các khoản vay từ 500 đến 50.000 đô-la cho các nữ doanh nhân trên khắp Hoa Kỳ thông qua các chương trình: vay kinh doanh nhỏ, chương trình cố vấn và giáo dục kinh doanh. Chương trình giáo dục kinh doanh này hợp tác với chương trình 10.000 Small Businesses của ngân hàng Goldman Sachs, trường Cao đẳng cộng đồng LaGuardia và trường Cao đẳng Babson.
Trong một bài báo viết cho tờ Huffington Post, bà cũng đề cập đến sáng kiến toàn cầu do Goldman Sachs đề xướng: “Trong hơn 5 năm qua, chương trình 10.000 Small Businesses của Goldman Sachs đã chứng minh rằng đầu tư vào phụ nữ trên toàn thế giới là một trong những cách hiệu quả nhất để hạn chế sự bất bình đẳng và tạo điều kiện cho kinh tế phát triển. Một khi phụ nữ được trao quyền, gia đình họ sẽ mạnh khỏe và con cái được giáo dục tốt hơn, sau cùng là tạo nên những cộng đồng thịnh vượng.
Tôi nhận ra một điều khá thú vị là cả Tory Burch và Sara Blakely đều được đề cập đến trong chương trình Những thứ Oprah yêu thích. Oprah là bệ phóng đưa rất nhiều doanh nghiệp vươn tới một tầm cao mới nhờ vào lời giới thiệu và quảng cáo trên kênh truyền thông đầy quyền lực của bà. Trên thực tế, vào năm 2000, tôi đã trải nghiệm và thực sự xúc động bởi đam mê của Oprah dành cho việc giáo dục tài chính và khuyến khích các cá nhân có trách nhiệm với hoạt động tài chính của bản thân, khi bà đề cập đến một cuốn sách của tôi trong chương trình của bà. Oprah từng chia sẻ rằng bà luôn học hỏi như một cô gái trẻ: “Nếu bạn muốn cuộc sống của mình tiến về phía trước, thì chính bản thân bạn phải làm được điều đó trước đã”. Bà ấy đã thực sự khiến bản thân thay đổi – và bà vẫn đang tiếp tục giúp đỡ hàng triệu phụ nữ khác thay đổi bản thân.
Trong khi Oprah, Sara và Tory trở thành những tỷ phú tự thân khi xây dựng sự nghiệp từ hai bàn tay trắng, rất nhiều phụ nữ khác tìm thấy thành công và có khả năng độc lập tài chính bằng việc tham gia làm việc tại các công ty. Có nhiều tổ chức nhượng quyền, cũng như các tổ chức tiếp thị online cung cấp các dịch vụ về giáo dục, tư vấn, các cơ hội có rủi ro thấp cho những phụ nữ muốn kinh doanh. Nhượng quyền thương mại thường tốn nhiều chi phí hơn so với việc tham gia các công ty tiếp thị online, nhưng cả hai hình thức đều có những hình mẫu minh chứng cho sự thành công.
Donna Johnson chia sẻ câu chuyện chiến đấu để tồn tại, sau đó đạt được thành công to lớn sau khi tham gia vào một tổ chức kinh doanh trên mạng và cô chia sẻ bằng cụm từ: “Sống hết mình”.
“Tôi lớn lên trong một gia đình trung lưu ở Wisconsin. Chúng tôi nhanh chóng rơi vào hoàn cảnh khó khăn sau khi cha tôi rời bỏ gia đình (tôi và 4 anh em trai khác) mà không để lại một đồng trợ cấp, còn mẹ tôi chẳng hề quan tâm đến chúng tôi. Tôi sớm học được cách biết ơn khi được cho quần áo cũ của chị họ để mặc. Cha tôi đến California để tìm kiếm sự giàu có ở một công ty in. Dù sau này đã trở nên giàu có, nhưng ông cũng không bao giờ gửi tiền giúp đỡ chúng tôi, ông còn nói với các anh em trai của tôi rằng ông mong chính phủ sẽ chăm sóc chúng tôi. Cha tôi qua đời khi còn trẻ và để lại phần lớn tài sản cho nhân viên của ông.
Tôi thề sẽ không bao giờ trở thành một người như cha mình và cũng không bao giờ trở thành một người yếu đuối như mẹ tôi. Chuyện này xảy ra khi tôi mới chỉ là một thiếu niên, nên tôi lao vào luyện tập bơi lội và đạt được thành tích cấp quốc gia.
Tôi đã sống hết mình, và sau này tôi nhận ra đây cũng là cách sống mà tôi chọn. Đôi lúc, mọi người sẽ xem những trở ngại như là rào cản ngăn cản họ đến với thành công, nhưng tôi lại không biết điều gì sẽ tốt hơn. Tôi xem các chướng ngại của mình đơn giản chỉ là điều cần phải vượt qua. Tôi giữ cho đầu óc mình tỉnh táo và tập trung, giống như khi tôi bơi và dành chiến thắng trước kia.
Tôi không học đại học, tôi kết hôn sớm, có một gia đình và trở thành huấn luyện viên bơi lội. Tất nhiên đây là một nỗ lực không hề sinh lợi nhuận. Tôi làm công việc huấn luyện vì tình yêu đối với thể thao, tôi cũng yêu trẻ con nữa, nhưng những thứ này không mang lại “miếng ăn” mỗi ngày. Đến khi hôn nhân tan vỡ và chồng cũ không cung cấp đủ tiền trợ cấp cho 4 mẹ con chúng tôi, tôi mới nhận ra đã đến lúc mình cần một kế hoạch rõ ràng. Không phải là do công việc, không phải do người đàn ông nào, không phải là do gia đình đã cứu vớt cuộc đời tôi.
Cuốn sách đầu tiên tôi đọc trong sự nghiệp và cuộc đời mình là Nghĩ giàu và làm giàu của Napoleon Hill. Tôi hoàn toàn được khai sáng nhờ những bài học vô giá mà ông ấy chỉ ra, cuốn sách đã động viên những người giống như tôi, đứa trẻ nghèo xuất thân từ một vùng quê hẻo lánh, có thể chạm tới thành công. Tôi đã thành công với môn bơi lội trong khi nhiều người chế giễu tôi không có căn bản, họ cho rằng họ có đặc quyền và thông minh hơn tôi.
Tôi dựa vào hoàn cảnh của bản thân để sống hết mình. Tôi bắt đầu kinh doanh mạng lưới tiếp thị với mục tiêu đạt doanh thu 5.000 đô-la mỗi tháng. Đó là vào 26 năm trước, tôi đã đạt được mục tiêu trong vòng 5 tháng.
Một vài năm sau, doanh thu của tôi đạt ngưỡng sáu con số mỗi tháng, tôi chưa bao giờ nhìn lại phía sau. Tôi nhận ra cách duy nhất để giúp đỡ mọi người kiếm tiền là tiếp tục bước tới và làm việc nhiều hơn. Tôi cũng hiểu rằng nếu muốn tạo nên sự khác biệt và giúp đỡ người khác, tôi cần cho đi nhiều hơn.
Tôi đã luôn ủng hộ cho cơ quan chuyên trách về thanh thiếu niên, mặc dù tôi có một tuổi thơ không hề yên bình. Chúng tôi cũng hỗ trợ cho rất nhiều trại trẻ mồ côi trên thế giới thông qua chương trình Spirit Wings Kids Charity.
Tôi cũng thường nói với cộng sự của mình rằng cuốn sách Nghĩ giàu và làm giàu không phải là “Làm giàu rồi mới nghĩ”. Đừng làm chuyện ngược đời như thế. Hãy trở thành người mà bạn mong muốn trong tương lai. Đến khi bạn đạt được mục tiêu của mình, chưa chắc bạn sẽ cho đi và phụng sự được đến mức độ đó, hãy bắt đầu từ bây giờ và để nó phát triển tự nhiên. Cuộc đời là những chuyến đi, chứ không phải điểm đến, NGAY BÂY GIỜ, hãy là người mà bạn luôn muốn trở thành!”
Bạn có nhận ra rằng có điểm chung trong câu chuyện của những người phụ nữ này không? Họ đều tin vào tầm quan trọng của việc trao đi, phục vụ cộng đồng và những người cần giúp đỡ. Trên thực tế, họ rất say mê công việc này. Napoleon Hill từng nói rằng: “Bạn cần phải trao đi trước khi nhận lại”. Đó là một thông điệp đơn giản nhưng vô cùng ý nghĩa. Hãy xem số liệu thống kê được công bố bởi Bank of America vào năm 2012, nghiên cứu về giá trị tài sản dùng làm từ thiện được thực hiện bởi trung tâm từ thiện của Đại học Indiana.
• 95% các hộ gia đình có thu nhập cao đều làm từ thiện.
• 62% các nhà tài trợ nhấn mạnh việc đóng góp cho cộng đồng là động lực chính để làm từ thiện.
Hơn nữa, theo báo cáo của tổ chức từ thiện National Philanthropic Trust (NTP):
• 64,3 triệu người tình nguyện đóng góp 15,2 tỉ giờ phục vụ, tương đương 296,2 tỉ đô-la.
Trong một nghiên cứu của trường Kinh doanh Harvard có tiêu đề Feeling Good about Giving: The Benefits (and Costs) of Self-Interested Charitable Behavior (tạm dịch Cảm nhận hạnh phúc khi cho đi: lợi ích (và sự đánh đổi) của hành động từ thiện tự phát), giả thuyết sau đây được ủng hộ:
Những người luôn thấy hạnh phúc thường làm từ thiện nhiều hơn, việc này càng khiến họ hạnh phúc hơn. Cảm giác hạnh phúc và việc làm từ thiện tác động qua lại theo một vòng tròn khép kín (tức là những người hạnh phúc làm từ thiện sẽ càng hạnh phúc, họ sẽ lại tiếp tục làm từ thiện nhiều hơn).
Những người luôn thấy hạnh phúc thường làm từ thiện nhiều hơn, việc này càng khiến họ hạnh phúc hơn. Cảm giác hạnh phúc và việc làm từ thiện tác động qua lại theo một vòng tròn khép kín (tức là những người hạnh phúc làm từ thiện sẽ càng hạnh phúc, họ sẽ lại tiếp tục làm từ thiện nhiều hơn).
Tuy nhiên, nghiên cứu trên cũng chỉ ra sự khác biệt giữa việc làm từ thiện với mục đích đơn thuần là cho đi và từ thiện vì lợi ích cá nhân. Cũng có nhiều lợi ích khác khi làm từ thiện, chẳng hạn như miễn trừ các nghĩa vụ thuế hoặc đóng góp tài chính.
Quan trọng hơn là lợi ích của cá nhân nhận được từ việc đóng góp và ủng hộ. Hoạt động từ thiện không chỉ mang lại hạnh phúc, mà còn giúp bạn cảm nhận rõ hơn về sự sung túc và lòng tự tôn. Bạn sẽ tìm thấy mục đích thực sự của công việc từ thiện và cảm thấy vô cùng hài lòng với bản thân mình. Khi được tham gia các hoạt động từ thiện, bạn sẽ thấu hiểu hơn về mục đích đặc biệt của công việc này, dù là ở lĩnh vực nào: công bằng xã hội hay vấn đề sức khỏe. Bằng việc học hỏi nhiều hơn về từ thiện, bạn sẽ chia sẻ về nó trong tầm ảnh hưởng của mình và lan tỏa nhiều hơn nữa công việc đặc biệt này.
Mọi người thường nói đời sống tinh thần sẽ ngày càng tốt hơn nhờ tham gia các hoạt động từ thiện. Bạn sẽ mở rộng cơ hội xây dựng các mối quan hệ xã hội, đồng thời nhận được những lợi ích cả về mặt vật chất và tinh thần từ lòng hảo tâm của mình.
Tiến sĩ Debra Mesch, Giám đốc Women’s Philanthropy Institute (IUPUI), đưa ra một báo cáo với nhan đề Women Give 2012. Báo cáo cho biết những phụ nữ cao tuổi sẵn sàng làm từ thiện và đóng góp nhiều hơn so với nam giới khi có bất cứ nhân tố nào ảnh hưởng đến việc này. Họ có khuynh hướng lập những quỹ đóng góp với những mục đích cá nhân, và đóng góp nhiều lần hơn, mỗi lần một ít, so với nam giới.
Vì vậy, thông điệp của Napoleon Hill “trao đi trước khi nhận lại” được chứng minh không chỉ qua câu chuyện của những người phụ nữ được chia sẻ trong chương này, mà còn bởi những nghiên cứu khoa học và các công trình nghiên cứu khác.
THỰC HÀNH NGHĨ GIÀU VÀ LÀM GIÀU TRONG CUỘC SỐNG
KHÁT VỌNG trong tôi được nhen nhóm khi tôi còn rất trẻ. Khi còn là một đứa bé, cha tôi thường hỏi tôi hàng đêm: “Sharon, hôm nay con có tạo nên sự khác biệt trong cuộc sống của ai đó không?”. Mặc dù cha tôi mất cách đây nhiều năm, nhưng tôi vẫn luôn tự hỏi bản thân mình câu hỏi này mỗi đêm.
Từ việc tham gia làm tình nguyện ở trường và nhà thờ, rồi trở thành nữ hướng đạo sinh khi còn trẻ, bây giờ là phục vụ tình nguyện tại một số cộng đồng và các tổ chức phi lợi nhuận quốc gia, trao đi và giúp đỡ mọi người là một phần quan trọng trong cuộc đời tôi.
Trong sự nghiệp, tôi đã rất may mắn khi có thể dung hòa được niềm đam mê làm một nữ doanh nhân, một người phụ nữ và một người mẹ vào nỗ lực kinh doanh của mình. Sau khi cho ra đời một tạp chí dành cho phụ nữ và lĩnh vực kinh doanh sách nói – loại sách dành cho trẻ em, khi chạm vào sẽ phát ra tiếng – niềm khát khao cháy bỏng trong tôi suốt 20 năm qua mới tập trung hơn khi đầu tư vào giáo dục tài chính dành cho những người trẻ, cũng như công cụ xây dựng doanh nghiệp dành cho các doanh nhân.
Tôi sẽ không gọi những điều tôi đã làm là công việc vì tôi nhận lại được nhiều hơn so với những gì tôi đã bỏ ra.
Với thành công đạt được, tôi có thể duy trì niềm đam mê, kết hợp làm từ thiện cùng các dự án kinh doanh của mình. Mỗi năm, tôi tài trợ một sáng kiến tài chính của học sinh trung học, làm việc với các tổ chức phụ nữ để thực hiện các hội thảo tài chính và cố vấn, cũng như làm việc với các chủ doanh nghiệp giúp công ty họ có bước tiến mới. Bên cạnh những công việc chính, tôi tái đầu tư một phần tiền kiếm được để cung cấp những dịch vụ tương tự cho tất cả mọi người. Tôi nhận được sự khích lệ lớn khi nhìn thấy một phụ nữ trẻ quyết tâm xây dựng lại cuộc đời với niềm tin và hy vọng mới. Nguồn động lực dồi dào này khiến cho khát khao cháy bỏng trong tôi bùng cháy càng mạnh mẽ hơn!
LỜI KHUYÊN TỪ NHỮNG NGƯỜI PHỤ NỮ THÔNG THÁI
Châm ngôn của những phụ nữ thành công và có cuộc sống ý nghĩa nhờ có KHÁT VỌNG:
MARY KAY ASH (1918 – 2001)
NỮ DOANH NHÂN NGƯỜI MỸ, NGƯỜI SÁNG LẬP HÃNG MỸ PHẨM MARY KAY COMESTICS.
“Chúng ta phải tìm cách để giữ vững hình tượng một người mẹ, một người vợ tốt trong khi luôn phải chiến đấu khốc liệt ở chỗ làm. Đây là nhiệm vụ không hề dễ dàng cho những người phụ nữ phải làm việc toàn thời gian, phải phân định việc nào ưu tiên hơn, và chỉ tiến tới chứ không được phép ngoảnh lại. Có thể mọi giấc mơ của bạn sẽ trở thành hiện thực. Bạn thực sự có thể có tất cả. Tôi muốn bạn trở thành người phụ nữ kiếm tiền giỏi nhất nước Mỹ”.
MAYA ANGELOU
NHÀ THƠ, NHÀ VĂN NGƯỜI MỸ
“Hãy tự hỏi bản thân xem bạn muốn làm gì và chuẩn bị để có nó!”
“Bạn chỉ có thể thật sự hoàn thành việc gì đó mà bạn yêu thích. Đừng để tiền bạc chi phối mục tiêu của mình. Thay vào đó, theo đuổi những việc bạn yêu thích và thực hiện chúng thật tốt để mọi người không thể rời mắt khỏi bạn”.
“Thành công là khi bạn yêu quý chính con người mình, yêu quý những việc bạn làm và yêu quý cách bạn thực hiện những công việc đó”.
MURIEL SIEBERT (1928 – 2013)
NGƯỜI PHỤ NỮ ĐẦU TIÊN CÓ VỊ TRÍ Ở THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN NEW YORK
“Nếu bạn chỉ định ngồi đó và đợi người khác làm mọi việc cho bạn, rồi bạn sẽ sớm trở thành bà lão 80 tuổi nhìn lại quá khứ và tự hỏi: “Này, mình đã làm được gì?”. Mẹ tôi có một giọng hát thiên phú, bà được mời hát trên sân khấu; nhưng thời đó, phụ nữ Do Thái đàng hoàng không ai bước lên sân khấu cả. Vì thế, tôi lớn lên bên cạnh người phụ nữ thất vọng về bản thân mình trong suốt phần đời còn lại. Tôi chắc chắn sẽ không bao giờ đi vào vết xe đổ năm xưa của mẹ tôi. Tôi đã thề tôi sẽ làm bất cứ việc gì tôi muốn làm”.
INDIRA GANDHI (1917– 1984)
THỦ TƯỚNG THỨ 3 CỦA ẤN ĐỘ
“Hành động và xem điều gì sẽ xảy ra. Bạn có thể chia nhỏ một kế hoạch lớn thành những kế hoạch nhỏ hơn rồi thực hiện kế hoạch đầu tiên ngay lập tức”.
MARGARET THATCHER (1925 – 2013)
THỦ TƯỚNG VƯƠNG QUỐC ANH (1979 – 1990), NGƯỜI GIỮ VỊ TRÍ THỦ TƯỚNG LÂU NHẤT TRONG THẾ KỶ 20, LÀ NGƯỜI PHỤ NỮ DUY NHẤT NẮM GIỮ VỊ TRÍ NÀY TRONG CHÍNH PHỦ ANH
“Thành công là gì? Đó là khả năng thực hiện những việc bạn đang làm, nhưng như thế vẫn chưa đủ, bạn phải làm việc chăm chỉ hơn và phải biết mục đích của mình là gì”.
“Không thể có tự do nếu không có tự do về kinh tế”.
“Bạn có thể phải chiến đấu không chỉ một lần, nếu muốn giành chiến thắng”.
TORY BURCH
DOANH NHÂN, NHÀ THIẾT KẾ THỜI TRANG
“Tôi nghĩ bạn có thể có được mọi thứ. Việc bạn cần biết đơn giản là phải làm việc”.
J.K . ROWLING
TIỂU THUYẾT GIA NỔI TIẾNG NGƯỜI ANH, TÁC GIẢ CỦA BỘ TRUYỆN HARRY POTTER
“Đặt ra những mục tiêu có thể đạt được là bước đầu tiên dẫn đến sự hoàn thiện bản thân”.
YVONNE CHUA
CHỦ TỊCH (2013 – 2014) LICENSING EXECUTIVES SOCIETY INTERNATIONAL, ĐỐI TÁC CỦA WILKINSON & GRIST, CỐ VẤN PHÁP LUẬT & CÔNG CHỨNG VIÊN Ở HỒNG KÔNG
“Yêu thích những việc bạn làm, làm những việc bạn yêu thích bằng tầm nhìn của mình và tôn trọng sự trợ giúp của những người xung quanh. Hãy đánh bại tất cả và vươn tới đỉnh cao”.
Tôi chia sẻ với các bạn châm ngôn của những phụ nữ mà những lời nói của họ đã ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc đời tôi, với hy vọng các bạn sẽ tìm thấy ngọn lửa làm bùng cháy khát khao cháy bỏng trong chính mình, dẫn lối các bạn đến thành công và có cuộc sống ý nghĩa.
Ở nguyên tác Nghĩ giàu và làm giàu, Napoleon Hill đã cảnh báo rằng: Có sự khác biệt rõ ràng giữa ước mơ có được một thứ với việc sẵn sàng để nắm được thứ đó. Không ai sẵn sàng đón nhận một điều gì cho đến khi người đó tin tưởng mình có thể đạt được. Bạn phải có niềm tin chứ không chỉ là hy vọng hay mơ ước. Cởi mở là điều cần thiết để xây dựng niềm tin. Một tâm trí khép kín sẽ không thể truyền cảm hứng để có được đức tin, lòng can đảm và sự tin tưởng.
Làm thế nào để biến ước mơ, hy vọng, điều ao ước và khát khao cháy bỏng trở thành niềm tin trong mỗi chúng ta? Chương tiếp theo sẽ hướng dẫn bạn bước thứ hai để tiến tới sự giàu có, NIỀM TIN thông qua những mường tượng về thành công và tin tưởng rằng bạn sẽ đạt được khát khao cháy bỏng ấy.
TỰ VẤN BẢN THÂN
Hãy dùng một quyển sổ ghi chép để xác định các bước hành động của bạn, những khoảnh khắc khiến bạn phải thốt lên “À ha” và lập kế hoạch để đạt đến thành công!
Bạn đã bao giờ nhận ra KHÁT VỌNG của mình chưa?
Hãy dành vài phút để ghi chép nó lại trong cuốn sổ của bạn.
Nếu bạn đang gặp khó khăn trong việc nhận ra KHÁT VỌNG của mình, hãy nhắm mắt lại và nhớ về khoảng thời gian mà người ta mô tả bạn bằng một trong những từ sau:
Ghi chép lại các hoạt động, dự án hoặc mục tiêu mà mọi người chia sẻ với bạn. Có thể bạn sẽ nhận được nhiều câu trả lời khác nhau. Xem xét và nhận ra phản ứng (về cảm xúc) của bạn đối với mỗi câu trả lời. Điều này có thể giúp bạn xác định hoặc hoàn thiện khát khao cháy bỏng của mình.
Bây giờ hãy đặt ra các mục tiêu, chia chúng vào các nhóm sau:
- Cá nhân
- Kinh doanh
- Tài chính
- Thể chất
- Tinh thần/Tâm linh
Với mỗi mục tiêu, hãy tự hỏi những câu hỏi sau rồi ghi lại câu trả lời của bạn:
Đây thực sự là mục tiêu CỦA BẠN chứ?
Mục tiêu này có phù hợp với luân thường đạo lý, với lương tâm của bạn không? Nó có dễ thực hiện không?
Bạn có sẵn sàng cam kết với chính mình sẽ đạt được mục tiêu bằng cả sức lực và tình cảm?
Hạn chót để hoàn thành mục tiêu là khi nào? (Nếu không có, hãy xác định thời hạn ngay!)
Viết ra những điểm đặc biệt trong kế hoạch của bạn và bạn dự định làm những gì để đạt được mục tiêu đúng thời hạn đề ra.
Bạn có tin mình sẽ đạt được mục tiêu này không?
Tạo một “câu thần chú”, một nhiệm vụ cho bản thân để đạt được mục tiêu gần với khát khao cháy bỏng của bạn nhất.
Viết tất cả ra giấy ghi chú và dán chúng trên gương trong phòng tắm.
Khi bạn nhìn vào gương mỗi tối, hãy nói với bản thân rằng: “Mình thật tuyệt vời. Mình sẽ làm được”. Sau đó đọc lại nhiệm vụ của bạn.
Lặp lại mỗi sáng và tối cho đến khi bạn nhận ra được mục tiêu của mình!
Đền đáp
Ghi lại trong cuốn sổ của bạn cách mà bạn đóng góp cho cộng đồng bằng tài chính, hoặc dành thời gian và khả năng của bạn để làm công việc tình nguyện.
Bạn cảm thấy thế nào sau khi thực hiện những việc đó?
Có hoạt động từ thiện nào khác mà bạn muốn ủng hộ không?
Bạn có cam kết sẽ tham gia hoạt động từ thiện nhiều hơn mỗi tháng trong vòng sau tháng tới không?
Ghi lại những việc bạn sẵn sàng làm và những điều bạn sẽ trao đi.
Chúc mừng bạn đã xác định được khát vọng của mình và lời cam kết sẽ làm từ thiện nhiều hơn.
Vòng phản hồi tích cực của bạn đã được kích hoạt!
Bạn thật là tuyệt vời!