H
ubert Mitchell chắc chắn là một trong những người tuyệt vời và đáng nể nhất tôi từng biết. Trong lần đầu gặp ông, có hai điều nổi bật nhất ở ông làm tôi nhớ mãi: chất giọng trầm vang và sự tự tin không nao núng trước bất cứ việc gì.
Hubert là một nhà truyền giáo. Sứ mệnh của ông là đến truyền đạo tại những vùng chưa từng được nghe về phúc âm, cũng như lặn lội vào những khu rừng thiêng nước độc và truyền giảng cho những bộ lạc không hề biết đến sự hiện diện của Thiên Chúa. Ông đã tìm đến nơi sinh sống của bộ lạc Kubu hoang dã trên đảo Sumatra, trong khi đối với đa số mọi người thì việc đặt chân lên hòn đảo biệt lập và hoang vu ấy gần như là bất khả thi.
Một số câu chuyện truyền giáo của Hubert nghe rất khó tin, nhưng mục đích tôi gặp ông không liên quan đến những vấn đề này. Theo tôi biết, ông nổi danh vì khả năng dẫn đưa người khác đến với đức tin Thiên Chúa.
Tôi gặp Hubert khi ông đã lớn tuổi. Vào những năm tháng xế chiều, ông đã rời cánh rừng già của Sumatra và đến sống tại “cánh rừng của những tòa nhà chọc trời” ở thành phố Chicago sầm uất. Cứ mỗi tuần, ông lại gặp gỡ các nhóm doanh nhân tại khu trung tâm tài chính - thương mại của Chicago và làm chứng cho Chúa trước mặt họ. Đó là buổi họp mặt giữa những người có tầm ảnh hưởng nhất thành phố. Hubert xem nơi ấy như trung tâm của một ngôi làng, còn ông là một mục sư tỉnh lẻ.
Tôi bay từ Texas đến Chicago để gặp Hubert. Khi ấy tôi là một chàng trai trẻ đang mong mỏi tìm được người có thể dạy mình cách hiệu quả để mang bài giảng của Chúa Giê-su đến với mọi người - tôi không biết cách, và cũng không quen biết ai làm được điều đó.
Hubert gặp tôi tại sân bay O’Hare. Ông đã đồng ý cho tôi đi cùng “đến từng nhà”. (Lúc đó tôi không biết “đến từng nhà” theo ý ông là gì!)
Sau khi rời sân bay, Hubert đỗ xe tại khu trung tâm thành phố và hỏi tôi: “Cậu có muốn bắt đầu ngay bây giờ luôn không?”.
Tôi đồng ý.
Ông nhìn cả chục tòa nhà chọc trời xung quanh chúng tôi. Một lúc sau, ông khẳng định: “Tôi chưa từng đến tòa nhà này”.
Hubert đã chọn một trong những tòa nhà cao nhất mà tôi từng thấy. Chúng tôi bước vào thang máy, và trước sự ngỡ ngàng của tôi, Hubert bấm nút lên tầng cao nhất. Khi cửa thang máy mở ra, chúng tôi gặp nhân viên lễ tân của ngài chủ tịch kiêm chủ sở hữu tòa nhà.
“Chào buổi tối. Tôi là mục sư Ki-tô giáo, và mỗi tuần tôi đều đến gặp những người làm việc tại khu trung tâm tài chính - thương mại này. Tôi mong muốn được dâng lời cầu nguyện cùng ngài chủ tịch.”
Lúc ấy tôi và cô lễ tân hẳn đều kinh ngạc đến sững sờ như nhau. Vẫn chưa kịp hoàn hồn, cô nhấc điện thoại lên và nói với người ở đầu dây bên kia: “Thưa ngài, có một người đàn ông nói là muốn dâng lời cầu nguyện cùng ngài”.
Đầu dây bên kia lập tức trả lời: “Mời ông ấy vào”.
Hubert hiên ngang đi vòng qua bàn lễ tân. Cô nhân viên, sau khi đã “tiêu hóa” những gì vừa diễn ra, đã kịp đi theo và dẫn ông đến văn phòng của chủ tịch.
Lúc bấy giờ đến lượt tôi hồi hộp.
Khi tôi lảo đảo ngồi xuống ghế, toàn bộ thế giới quan của tôi trong vai trò một nhà truyền giáo đã vĩnh viễn thay đổi. Khoảng nửa giờ sau, Hubert quay lại. Ông cảm ơn cô lễ tân rồi quay sang nói với tôi: “Ông ấy sẽ tham gia buổi họp mặt tiếp theo với chúng ta”.
Tôi kinh ngạc đến nỗi không thốt nên lời.
Mọi điều tôi được dạy và đọc về việc làm chứng cho Chúa đã tan thành mây khói vào buổi tối hôm đó. Hubert không hề có một “phương pháp” cụ thể nào. Ông sống với kỳ vọng rằng những người mà ông trò chuyện đều muốn đón nhận Chúa Giê-su làm Đấng Cứu Thế. Hubert chỉ có một mục đích duy nhất: nói về Chúa Giê-su.
Trong quyển How to Bring Men to Christ (tạm dịch: Dẫn Đưa Con Người Đến Với Chúa), R. A. Torrey khuyên độc giả trích dẫn Kinh Thánh vì đó chính là quyền năng cứu độ của Thiên Chúa. Nếu có người chống đối, hãy trích Kinh Thánh vì đó là quyền năng cứu độ của Chúa. Thật ra, cách này thường gây tranh cãi. Khi phát biểu như vậy, Torrey ngầm đồng ý với hai giả định: thứ nhất, nếu người ta không đón nhận phúc âm, thì, thứ hai, chỉ cần quyền năng của Kinh Thánh cũng đủ để khiến họ hoán cải.
Lúc đó, và thậm chí là ngay hôm nay, tôi vẫn luôn nghi ngờ giả định này, nhưng thực tế là các mục sư cùng thời với tôi cũng không làm tốt hơn tôi trong việc dẫn đưa người khác đến với đức tin vào Thiên Chúa.
Sau khi làm chứng cho Chúa trước ngài chủ tịch sở hữu tòa nhà chọc trời, Hubert đưa tôi đến một khu dân cư. Tại đó, ông đã đến gõ cửa từng nhà, hy vọng rằng một vài người trong số họ sẽ mời ông vào nhà.
“Tôi là Hubert Mitchell và là một Ki-tô hữu. Tôi muốn được vào nhà để dâng lời cầu nguyện cùng gia đình anh chị.”
Và họ đã mở cửa đón tiếp chúng tôi. Chúng tôi bước vào nhà, và tôi quan sát cách Hubert Mitchell dẫn đưa một người đến với Chúa Giê-su.
Hubert luôn nói về Chúa Giê-su. Ông không trích dẫn Kinh Thánh; ông chỉ tập trung nói về Chúa Giê-su. Không ai có thể làm ông ngừng nói về Ngài. Qua Hubert, tôi học được một trong những bài học giá trị nhất trong đời. Không phải logic hay lý lẽ, cũng không phải những trích dẫn trong Kinh Thánh đã dập tắt được tranh cãi, vì thực chất là không có cuộc tranh cãi nào cả. Sức mạnh vĩ đại nhất vũ trụ này có thể đưa con người đến với Thiên Chúa chính là bản thân Ngài. Không cần ai nói thì hẳn bạn cũng nhận ra Hubert là người sống trọn vẹn trong Chúa Giê-su. Thông qua cuộc đời lấy Chúa Giê-su làm trung tâm và luôn làm chứng cho Ngài, Hubert đã hé lộ một bí quyết truyền giáo: hãy giới thiệu về Chúa.
Năm đó tôi hai mươi bốn tuổi, và một nhận thức đã thay đổi cuộc đời tôi vĩnh viễn: tôi nhận ra Thiên Chúa hiện diện khắp mọi nơi, không chỉ trong các sự vật, mà quan trọng hơn là trong bản thân mỗi người.
Ngày nay, tôi thường trích dẫn câu: “Trong mỗi người đều có một khoảng trống mang hình dạng Thiên Chúa mà không gì có thể lấp đầy ngoài Đức Giê-su Ki-tô”.
Khi rời Chicago, tôi đã trở thành một con người khác. Trở về Texas, tôi cảm thấy việc làm chứng nhân cho Chúa là một niềm hân hoan và vui sướng. Các mục sư khác mời tôi đến nhà thờ của họ để giúp họ dẫn đưa nhiều người đến với Chúa. Cuối cùng tôi viết quyển Here’s How to Win Souls (tạm dịch: Cách Truyền Giáo Đích Thực). Không lâu sau đó, tôi tổ chức những buổi đào tạo kéo dài một tuần trên phạm vi toàn địa hạt về chủ đề truyền giáo cá nhân. Theo sau đó là những chiến dịch toàn thành phố về việc truyền giáo đến từng nhà.
Khởi đầu của tất cả chuyện này là câu nói: “Chào buổi tối, tôi là Hubert Mitchell. Tôi muốn được dâng lời cầu nguyện cùng ngài chủ tịch”.
***
Một buổi tối nọ, Hubert kể cho tôi nghe về thời ông còn truyền giáo trong những khu rừng già Sumatra. Trong đó có một câu chuyện khá hài hước.
“Tôi đang đi dọc theo một con đường mòn trong rừng thì phát hiện có ai đó bước bên cạnh mình. Tôi nhìn xuống và thấy đó là một con hổ! Nó đi với tôi một đoạn đường khoảng ba mươi mét rồi quay về rừng. Nếu lúc đó nó muốn dừng lại để dùng bữa trưa thì bây giờ tôi đã chẳng còn ngồi đây.”
Câu chuyện tiếp theo là một sự trùng hợp ngẫu nhiên… hoặc không?
Hubert tiến vào nơi thâm sâu nhất của rừng Sumatra. Ông chỉ dẫn theo một thông dịch viên và quàng trên vai chiếc túi duy nhất chứa lương thực cho cả hành trình. Ông đến một ngôi làng và xin được gặp thủ lĩnh của họ. Vị thủ lĩnh chăm chú lắng nghe câu chuyện của ông. Khi Hubert nói đến đoạn: “Và Chúa Giê-su bị đóng đinh và chết trên cây thập giá vì tội lỗi của loài người và cũng là để cứu chuộc chúng ta”, vị thủ lĩnh tỏ vẻ bối rối. Ông không hiểu từ đóng đinh. Thế là cả hai người đều gặp trở ngại. Vì không hiểu từ đóng đinh, vị thủ lĩnh không thể hiểu hình phạt đóng đinh vào thập giá và cái chết của Chúa Giê-su. Đoạn “chết trên cây thập giá” thì ông có thể hiểu, nhưng ông không biết “đóng đinh” ở đây có nghĩa gì.
Tối hôm đó, Hubert mang theo một túi thức ăn đầy và ngồi dưới tán cây. Ông nhìn vào trong túi và thấy một hộp cam ngâm. Hubert khui hộp cam ra, lấy một múi cam đã được gọt vỏ và thưởng thức. Bỗng nhiên ông nghe thấy tiếng kim loại chạm vào nhau. Ông lại bốc một múi cam khác để ăn. Một lần nữa, ông nghe thấy tiếng kim loại va chạm. Ông tò mò thò ngón tay vào hộp cam và mò mẫm trong đó. Và lạ chưa kìa, Hubert Mitchell tìm thấy một cây đinh trong hộp cam ngâm của mình.
Ông ăn hết số cam còn lại và cất chiếc hộp rỗng vào túi. Ông ngồi đó và chăm chăm nhìn cây đinh không thuộc về vùng đất Sumatra này, và tất nhiên nó cũng không thuộc về hộp cam ngâm được sản xuất ở Nhật này.
Ngày hôm sau, Hubert đến gặp thủ lĩnh của ngôi làng. Vị thủ lĩnh chăm chú nhìn cây đinh, cảm nhận đầu nhọn của nó và xem xét đầu bằng còn lại - chỗ người ta dùng búa đập mạnh vào khi muốn đóng một cây đinh đâm xuyên qua cổ tay. Giờ thì ông đã hiểu cách người ta đóng đinh Chúa Giê-su vào thập giá. Ông đứng lên và xin được nhận Chúa Giê-su làm Chúa của mình.
Vài tuần sau đó, khi đã trải nghiệm ơn cứu độ, vị thủ lĩnh chia sẻ Kinh Thánh với bộ lạc của mình - một bộ lạc mà đến thời điểm đó vẫn chưa có Chúa - và yêu cầu tất cả thành viên trong bộ lạc nhận Chúa Giê-su làm Đấng Cứu Thế, vì giờ đây Chúa Giê-su Ki-tô chính là Thiên Chúa của bộ lạc. Không có gì lạ khi vị thủ lĩnh của bộ lạc - người đã theo Chúa - kêu gọi toàn bộ lạc nhận Chúa Giê-su làm Đấng Cứu Thế. Cả bộ lạc hết lòng tin tưởng nối bước thủ lĩnh của mình.
Vậy là ngày nay, dân cư của một bộ lạc sống trong cánh rừng già ở Sumatra đã trở thành Ki-tô hữu, và tất cả là nhờ một việc lạ thường đã xảy ra với Hubert.
Nhiều người đứng đầu các tập đoàn lớn ở Chicago cũng đã nhận biết Chúa Giê-su và trở thành Ki-tô hữu, tất cả là nhờ một người đàn ông cao lớn với giọng nói trầm vang đã dẫn đưa họ đến với Ngài.
Hubert cũng đã dạy một chàng trai hai mươi bốn tuổi cách để đưa mọi người đến với Chúa. Ông Hubert kính mến, chúc cho sức ảnh hưởng của ông mãi lan tỏa trong những năm sắp tới.