C
hristopher Columbus đã dong buồm ra khơi hướng về phía châu Mỹ nhưng ông không hề biết điều đó. Ông cứ nghĩ điểm đến của mình là Ấn Độ. Một ngày nọ, khi đang lênh đênh giữa biển, đoàn thủy thủ trên tàu đến gặp ông và yêu cầu ông phải quay tàu trở về ngay trong hôm đó. Các thủy thủ có một linh cảm mạnh mẽ rằng tàu của họ sắp rơi khỏi rìa của trái đất phẳng. Christopher Columbus đưa ra thỏa thuận: ông cho tàu đi thêm một ngày nữa, và nếu vẫn không đến được đâu thì ông sẽ cho tàu quay lại.
Lúc đó Columbus không hề biết ông đang ở khá gần hòn đảo mà ngày nay chúng ta gọi là San Salvador. San Salvador cách Ấn Độ khoảng mười sáu ngàn ki-lô-mét. Columbus lấy ra một đồng tiền vàng, đóng nó lên cột buồm và tuyên bố rằng thủy thủ đầu tiên nhìn thấy đất liền sẽ được nhận đồng tiền vàng này. Thế là khi trời đã về khuya, các thủy thủ vẫn chăm chăm vào màn đêm với hy vọng nhìn thấy gì đó. Columbus nói hình như ông đã nhìn thấy đốm sáng lập lòe, nhưng thật ra ông không nhìn thấy gì cả. Không thể nào có ánh sáng nhân tạo ở ngoài khơi xa thế này. Ở đài quan sát trên cột buồm, thủy thủ Rodrigo de Triana đã nhìn thấy đất liền và hô to, “Tierra! Tierra!” (Đất liền! Đất liền!).
Ai nấy đều phấn khích và con tàu được bẻ lái theo hướng nhìn của Rodrigo. Ít phút sau, nhiều thủy thủ khác cũng hô to rằng họ đã nhìn thấy đất liền. Chưa đầy nửa giờ sau, mọi người trên tàu đều trông thấy hình dáng của rặng núi nhỏ trước mặt mình.
Bạn sẽ phải tra cứu rất kỹ thì mới tìm được cái tên Rodrigo trong những quyển sách lịch sử, vì Columbus đã tự nhận lấy đồng tiền vàng kia. Nhưng có một sự thật đơn giản: Rodrigo chính là người đầu tiên trên chuyến tàu đó nhìn thấy châu Mỹ.
***
Có một người đàn ông tên Enrique đến từ Malacca và sống tại Philippines. Ông bị bọn buôn bán nô lệ bắt và đưa tới Ấn Độ. Tại đó, ông bị đem ra chợ nô lệ. Cũng vào khoảng thời gian đó, nhưng cách nửa vòng trái đất, một trung úy trẻ thuộc lực lượng hải quân Tây Ban Nha đã khởi hành từ Gibraltar trên một con tàu thẳng tiến đến Ấn Độ, và hy vọng là đến được cả vùng đất Trung Hoa bí ẩn.
Sau khi tiến về phía nam trong một khoảng thời gian dài như vô tận, con tàu chở vị trung úy đến được Mũi Hảo Vọng và đi vòng qua vùng cực nam của bờ tây châu Phi. Mục tiêu của vị thuyền trưởng là đưa tàu đến Ấn Độ. Vì vậy, tàu tiếp tục vòng qua Đông Phi, đi lên hướng bắc và cuối cùng cập bến tại Ấn Độ. Chàng thủy thủ trẻ bước xuống tàu. Anh đã đi gần nửa vòng trái đất, từ tây sang đông, và đó là chặng đường dài nhất anh từng đi.
Thuyền trưởng và các thuyền viên đã khám phá ra nhiều điều tại đây. Lần đầu tiên vị trung úy trẻ nhìn thấy thuyền tam bản của Trung Quốc. Anh và nhóm thủy thủ đến khu chợ bán các loại gia vị và thảo mộc của vùng đất phương Đông bí ẩn. Và không ai ngờ được chuyện họ còn phát hiện ra một nhà thờ Ki-tô giáo. Sau nhiều cố gắng phiên dịch và so sánh các ghi chú, nhóm thủy thủ mới nhận ra đất nước Ấn Độ thật sự có những tín hữu Ki-tô giáo. Họ cũng được cho biết rằng khi xưa Thánh Tô-ma Tông đồ đã lặn lội đến tận đây để gieo hạt giống phúc âm và xây dựng giáo hội. Cộng đoàn Ki-tô hữu ở Ấn Độ đều theo đạo Công giáo La Mã hoặc Chính thống giáo phương Đông.
Viên trung úy trẻ đó tên là Ferdinand Magellan, và trong thời gian lưu lại Ấn Độ, anh đã mua một nô lệ. Nô lệ đó đến từ Philippines, đã bị bắt, bị còng tay và bị đem đến chợ nô lệ ở Ấn Độ. Người nô lệ tên Enrique từ đây trở thành người luôn đồng hành bên cạnh Magellan.
Các thủy thủ không hề biết những người ở đó đã lên kế hoạch giết hết thủy thủ đoàn, đánh chìm con tàu và bưng bít thông tin để bảo đảm tin tức con tàu đã đến được Ấn Độ không thể truyền đến châu Âu. Người châu Âu sẽ không bao giờ biết đến sự tồn tại của Ấn Độ Dương.
Cuộc thảm sát diễn ra ngay sáng hôm sau. Thuyền trưởng người Tây Ban Nha, cùng phần lớn thủy thủ, đã bị sát hại. Trung úy Magellan cùng một số thủy thủ còn sống vội vã lên tàu và căng buồm rời khỏi nơi đó.
Đó là một hành trình rất dài vì họ phải đi dọc theo bờ đông châu Phi để đến Mũi Hảo Vọng và tiếp tục tiến về phía bắc để cuối cùng đến được Eo biển Gibraltar.
Báo cáo của Magellan rất đơn giản: “Thế giới rộng lớn hơn rất nhiều so với những gì chúng ta tưởng tượng. Chúng tôi vẫn chưa đến được Trung Quốc”.
Anh tin hải trình lý tưởng nhất không phải xuất phát từ Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha và đi về hướng đông, mà phải đi về phía tây, tìm đến cực nam châu Mỹ, sau đó tiếp tục tây tiến băng qua Thái Bình Dương, rồi cuối cùng cập bến ở Trung Quốc. Magellan đã đề xuất hải trình này suốt nhiều năm. Sau cùng, đề xuất của anh cũng được Vua Charles Đệ nhất của Tây Ban Nha phê duyệt và tài trợ kinh phí. Một lần nữa, Enrique đồng hành cùng anh trong chuyến đi này.
Đó là một trong những cuộc thám hiểm đường biển gian khổ nhất trong lịch sử, và Magellan là người chỉ huy trong nhiệm vụ thám hiểm ấy. Khi Magellan cùng năm con tàu trong đoàn thám hiểm đến được bờ đông của Nam Mỹ và tiến xuống phía nam để tìm ra nơi mà ngày nay chúng ta gọi là Eo biển Magellan, anh đã dập tắt một cuộc nổi loạn do ba thuyền trưởng khác khởi xướng. Các thủy thủ của anh bắt đầu nản chí vì lương thực đã cạn kiệt và họ phải khổ sở vì bệnh kiết lỵ hoành hành. Nhưng Magellan không hề biết còn nhiều điều kinh khủng hơn đang chờ họ ở phía trước.
Ba con tàu còn lại trong đoàn của anh nhiều lần tìm đường đi qua các đảo ở cực nam Nam Mỹ. Hết lần này đến lần khác, họ phải quay trở ra và đi xa hơn về phía nam, rồi lại đâm vào ngõ cụt trên hành trình đã chọn. Ngày 28 tháng Mười Một năm 1520, hải đoàn ấy cuối cùng cũng tiến được vào vùng biển Nam Thái Bình Dương.
Trong suốt bốn tháng, Magellan cho tàu đi về phía tây bắc Thái Bình Dương. Nguồn thực phẩm duy nhất của họ là những sợi dây da được luộc chín. Thỉnh thoảng họ tìm thấy một hòn đảo nhỏ. Những lúc như vậy, họ lên đảo tìm thức ăn rồi trữ trong thân tàu. Và thế là họ lại bền chí kiên gan lên đường.
Ngày 16 tháng Ba năm 1521, đoàn tàu của Magellan cập bến tại thành phố Cebu, Philippines. Người nô lệ của Magellan đã được trở về quê hương. Có lẽ lúc đó không ai nhận ra điều này, nhưng nô lệ đó chính là người đầu tiên đi vòng quanh thế giới bằng đường biển (bởi lẽ Magellan phải đến được Ấn Độ một lần nữa thì mới được tính là đi vòng quanh thế giới).
Thế nhưng tên nô lệ ấy đã phản bội Magellan. Hắn đã thực hiện âm mưu của mình khi Magellan rời tàu để lên bờ đi dạo vào một buổi sáng nọ. Dưới sự cầm đầu của hắn, một nhóm người bản địa đã khơi mào một cuộc ẩu đả đẫm máu, dẫn đến việc Magellan bị đánh đến chết. Magellan không bao giờ có thể hoàn thành chuyến đi vòng quanh thế giới được nữa, nhưng nô lệ của Magellan, Enrique đến từ Malacca, đã làm được điều đó.
***
Matthew Alexander Henson sinh ngày 8 tháng Tám năm 1866. Ông là con trai của cặp vợ chồng người Mỹ da màu tự do làm nghề lĩnh canh. Năm mười một tuổi, ông rời gia đình và tìm được một công việc phục vụ trên tàu. Ở đó, ông được vị thuyền trưởng tốt bụng dạy dỗ và bảo bọc. Trong thời niên thiếu của mình, ông đã được đến châu Á, châu Phi, châu Âu và nhìn ngắm nhiều điều trên thế giới.
Năm 1884, ông gặp nhà thám hiểm Robert Edwin Peary. Vì ấn tượng với kinh nghiệm đi biển của Henson, Peary đã thuê ông về làm việc cho mình, và Henson đã đồng hành cùng Peary trong chuyến thám hiểm Greenland. Vài năm sau đó, hai người nhiều lần cố gắng chinh phục Bắc Cực. Lần chinh phục cuối cùng của họ diễn ra vào năm 1908. Quân số của đoàn thám hiểm ấy khá đông. Ngày 18 tháng Tám, họ khởi hành từ Greenland với “hai mươi hai người đàn ông và mười bảy phụ nữ Eskimo, mười trẻ em, hai trăm bốn mươi sáu chú chó, bảy mươi tấn thịt cá voi, thịt và mỡ của năm mươi con hải tượng, cùng công cụ săn bắn và hàng tấn than đá”. Tám tháng sau, vào ngày 6 tháng Tư năm 1909, Peary dựng “Trại Jesup” cách Bắc Cực khoảng tám ki-lô-mét. Sau đó, ông chọn Henson cùng bốn người đàn ông Eskimo vào một đội sáu người để thực hiện chuyến đi cuối cùng đến cực Bắc của trái đất. Nhưng chưa đạt được mục tiêu đó thì Peary đã không còn đủ sức tự bước đi mà phải nhờ đến xe trượt tuyết dùng chó kéo. Nhiều ghi chép kể rằng ông đã ngã bệnh, bị kiệt sức, hoặc các ngón chân của ông bị tê cứng. Vì vậy, ông cử Henson đi trước để do thám.
Sau này, trong một bài phỏng vấn trên báo, Henson chia sẻ: “Tôi dẫn đầu chuyến đi ấy và đi lố qua cực Bắc vài ki-lô-mét. Sau đó chúng tôi đã quay lại và tôi nhìn thấy dấu chân của mình là dấu chân đầu tiên đã đặt lên vị trí đó”.
Và Henson đã cắm quốc kỳ Mỹ tại cực Bắc.
***
Vậy là chúng ta có ba nhân vật: Rodrigo - người đầu tiên nhìn thấy “Tân Thế Giới”, Enrique - người đầu tiên đi vòng quanh thế giới, và Matthew - người đầu tiên đặt chân lên cực Bắc của trái đất. Tuy nhiên, tên của họ chỉ được xuất hiện ở phần chú thích cuối trang sách lịch sử. Toàn bộ công trạng đã thuộc về Columbus, Magellan và Peary.
Nhưng còn một điều cần phải thêm vào chú thích lịch sử này, đó là cả ba nhân vật kể trên đều là người da màu. Rodrigo sinh tại châu Phi, Enrique đến từ vùng thuộc địa của người da màu tại Cebu, Philippines, và Matthew Henson là người Mỹ gốc Phi.