H
ai năm sau Thế chiến II, các tín hữu Báp-tít mở một chủng viện tại Zurich, Thụy Sĩ. Sinh viên ở đó đến từ mười chín nước châu Âu. Tôi vinh dự là một đại diện của nước Mỹ tại ngôi trường này.
Trong học kỳ đầu tiên, một sinh viên người Đức đã phải lòng một cô gái Ki-tô hữu xinh đẹp sống tại Thụy Sĩ. Họ bắt đầu hẹn hò và sớm đính hôn với nhau. Chúng tôi đều nghĩ đôi bạn trẻ ấy sẽ kết hôn, vì đính hôn cũng có ý nghĩa tương đương kết hôn.
Thời đó ở Thụy Sĩ, đính hôn và kết hôn là hai sự kiện luôn đi đôi với nhau. Vì vậy chúng tôi không lấy làm ngạc nhiên khi biết tin cô gái mang thai. Chúng tôi biết họ sẽ sớm kết hôn thôi. Nhưng rồi tất cả chúng tôi đều bị sốc bởi phản ứng của cha cô gái. Ông không cho phép con gái mình kết hôn với chàng trai kia. Lý do ông đưa ra là luật Zurich thời đó quy định Nhà nước chi trả mọi chi phí cho những đứa trẻ sinh ngoài giá thú.
Cả giảng viên lẫn sinh viên trong trường đều bị sốc khi biết tin đó. Mọi người đều đứng về phía chàng sinh viên và vị hôn thê của anh. Thế nhưng người cha vẫn quyết không đổi ý. Cuối cùng, em bé chào đời, và Nhà nước đã chi trả mọi chi phí. Tuy nhiên, mọi chuyện càng tệ hơn khi cha của cô gái vẫn nhất quyết không cho con mình kết hôn, ngay cả khi đứa trẻ đã ra đời.
Điều đau lòng nhất là Hans - chàng sinh viên đến từ nước Đức - là một trong những sinh viên ưu tú nhất chủng viện. Vị hôn thê của anh - một trong những tín đồ mộ đạo nhất trong số ít Ki-tô hữu tại Zurich - cũng rất được mọi người tôn trọng. Một năm sau, tôi trở về Mỹ. Tôi vẫn thường tự hỏi chuyện gì đã xảy ra với Hans. Tôi cho rằng cuộc đời anh đã ít nhiều bị hủy hoại. Một ngày nọ, anh gọi điện cho tôi và nói rằng mình đang ở Mỹ. Tôi liền mời anh đến giảng tại nhà thờ nơi tôi làm mục sư.
Hans kể rằng cha của bạn gái anh vẫn một mực cấm cản hai người kết hôn. Cuối cùng anh đã cưới một cô gái người Đức. Vợ chồng anh đều cảm thấy được Chúa mời gọi trở thành nhà truyền giáo ở những “miền hải ngoại”.
Câu chuyện Hans kể cho tôi nghe bên dưới chính là trải nghiệm khi hồng ân Thiên Chúa tuôn đổ trên cuộc đời anh.
Khi đó, Hans có buổi hẹn với một ủy ban truyền giáo độc lập tại Mỹ. Trước khi xin lịch hẹn, anh đã viết một lá thư kể lại toàn bộ câu chuyện của mình. Anh đang chờ phản hồi của họ.
Anh có được mời phỏng vấn không? Người ta có giao cho anh nhiệm vụ đó không?
Hans nhận được phản hồi từ ủy ban trong thời gian anh đến thăm tôi. Anh đưa cho tôi chiếc phong bì còn chưa mở. Trong đó chỉ có đúng một dòng chữ viết ngay giữa trang:
“Hãy nhớ tới Phê-rô!”(3)
(3) Thánh Phê-rô (Saint Peter) được xem là người đứng đầu trong mười hai môn đệ của Chúa Giê-su. Theo các tác giả của sách Phúc Âm, trong cuộc tử nạn của Chúa Giê-su, Phê-rô đã có ba lần chối Thầy, sau đó ông nhận được ơn hoán cải và trở thành người làm chứng cho đức tin Thiên Chúa. Câu chuyện ba lần chối Thầy của Phê-rô thường được kể lại như một ví dụ cho lòng vị tha của Chúa Giê-su.
Việc hội đồng truyền giáo viết một bức thư mạnh mẽ như vậy cho thấy Hans đã đối diện với quá khứ của mình và rất thẳng thắn với những chuyện xảy ra hồi anh còn trẻ. Đó cũng là bằng chứng cho thấy ơn lành và sự tha thứ là điều mà hội đồng truyền giáo coi trọng nhất.
***
Hồi còn trẻ, tôi có nghe một câu chuyện khác về một vị thẩm phán nổi tiếng. Ông bị một người tấn công dã man, nhưng ông không hề đánh trả. Sau đó kẻ tấn công đã ăn năn và viết thư cầu xin ông tha thứ. Vị thẩm phán đáng kính, và cũng là một Ki-tô hữu, đã hồi đáp bằng lá thư vỏn vẹn ba từ sau: Tha thứ. Lãng quên. Mãi mãi. (Forgiven. Forgotten. Forever.)
Đó là những từ chúng ta cần ghi khắc trong tim: Tha thứ. Lãng quên. Mãi mãi. Hãy nhớ tới Phê-rô!