T
rong quá trình trưởng thành tại thành phố Bay, bang Texas, tôi được nghe câu chuyện về một nhà truyền giáo suýt bị đám đông treo cổ. Thậm chí đám con trai bọn tôi còn biết chính xác vị trí của cây cầu sắt nơi ông suýt bỏ mạng. Nhà truyền giáo đó tên là Mordecai Ham.
Vào những năm 1930, có hai nhà truyền giáo nổi tiếng khắp nước Mỹ. Một người là Billy Sunday và người còn lại là Mordecai Ham.
Mordecai Ham đã truyền giảng phúc âm khắp bang Texas, và người dân Texas có vẻ quý mến ông hơn Billy Sunday. Texas cũng là nơi giảng đạo ưa thích nhất của Ham, và mẩu chuyện sau là câu chuyện ông thích nhất. Chuyện xảy ra tại thành phố Bay, bang Texas.
Mục sư của Giáo hội Báp-tít đầu tiên mời Mordecai đến thành phố của họ để giảng phúc âm. Mordecai Ham nổi tiếng là người có lòng đam mê và nhiệt huyết trong việc rao giảng lời Chúa. Ông không chỉ rao giảng về công cuộc cứu độ của Chúa Giê-su, mà bài giảng của ông còn phản đối thứ mà thời đó người ta gọi là “Quỷ Rượu”. Đó là thời điểm ngay trước khi lệnh cấm rượu được ban hành. Billy Sunday, Mordecai Ham và Liên đoàn Phụ nữ Chống rượu ít nhiều có công đưa đến việc sửa đổi hiến pháp về việc cấm bán rượu trên toàn nước Mỹ.
Trong năm phụng vụ đầu tiên của Ham, có khoảng ba mươi sáu ngàn người đã nhận Chúa Giê-su làm Đấng Cứu Thế của họ. Đó là một thành quả đáng kinh ngạc vì ông chủ yếu được mời tổ chức các chiến dịch cá nhân hoặc chiến dịch có phạm vi trong các thành phố nhỏ thưa dân ở Mỹ. Ở thành phố Bay, Mordecai Ham giảng đạo ở ngoài trời cũng nhiều như trong giáo đường. Ông giảng đạo tại quảng trường thành phố, tại các góc phố và những nơi gần các cửa hàng bán rượu. Lời giảng của ông về rượu chè rất gay gắt và vấp phải nhiều chỉ trích.
Một nhóm đàn ông cảm thấy bị xúc phạm nặng nề bởi những lời giảng của Ham, và họ đã ngấm ngầm dự tính một âm mưu mà nếu họ thành công, Mordecai Ham sẽ bị treo cổ.
Khi bắt giữ Mordecai Ham, họ đoan chắc rằng ông sẽ quyết liệt đánh trả để không bị treo cổ. Nhưng sự việc đã không diễn ra như thế. Mordecai nhân cơ hội này để thuyết giảng phúc âm cho những người sắp lấy đi mạng sống của mình. Đám đông đưa ông đến nơi hành hình mà họ đã chọn sẵn ở ngoài thành phố.
Ngay phía nam của thành phố có một đường ray xe lửa. Đường ray đó có một đoạn bắc ngang qua suối, và khoảng cách từ đường ray đến mặt nước bên dưới là khoảng ba mét rưỡi. Ý định của đám người cuồng nộ là cột một đầu dây quanh cổ nhà truyền giáo và cột đầu dây còn lại vào đường ray, sau đó họ sẽ đẩy Mordecai khỏi đường ray để ông bị dây thừng siết cổ đến chết.
Trong lúc chờ bị “xử tử”, Mordecai Ham vẫn không ngừng rao giảng phúc âm của Chúa Giê-su cho đám đông.
Mặt khác, tin tức về vụ treo cổ đã đến tai cảnh sát trưởng và ông ấy vội vã đến hiện trường, nhưng không ai biết Mordecai có còn sống tới lúc luật pháp can thiệp hay không. Nhưng có một điều chắc chắn là lúc này, một đầu dây thừng đã buộc quanh cổ Mordecai Ham, và đầu còn lại đã cột chặt vào đường ray.
Ngay lúc đám người sắp ném Mordecai khỏi đường tàu thì cảnh sát trưởng và một số công dân gương mẫu của thành phố đã kịp thời tới nơi và ngăn chặn vụ việc.
Đó là câu chuyện tôi thường được nghe khi còn bé. Thế giới ngày nay sẽ rất khác nếu hôm đó Mordecai Ham qua đời, và đây là lý do tại sao.
Quay lại những ngày mới lập quốc, theo truyền thống ở Mỹ, các nhà truyền giáo thường thuyết giảng trước đám đông. Người ta gọi họ là “nhà truyền giáo đại chúng”. Đầu thế kỷ 18, hai nhà truyền giáo đại chúng đầu tiên là John Wesley - người khởi xướng phong trào Giám lý - và George Whitfield - người có lượng tín đồ còn đông hơn cả John Wesley.
Gần một thế kỷ sau, chúng ta có Charles Finney - một trong những nhà truyền giáo táo bạo và nhiệt huyết nhất châu Mỹ. Sau Charles Finney thì có Dwight L. Moody - người được đông đảo giáo dân ở cả Mỹ và Anh đón nhận. Ông cũng là người sáng lập một trong hai trường Giáo lý đầu tiên ở Mỹ.
Sau Moody, nhân vật quan trọng nổi lên tiếp theo là nhà truyền giáo đại chúng Billy Sunday - người đã sống tại một thị trấn nhỏ ở Illinois. Không lâu sau Billy Sunday, nước Mỹ có nhà truyền giáo nổi tiếng Mordecai Ham.
Hồi nhỏ, tôi nghe câu chuyện này và không bao giờ nghĩ mình sẽ gặp Mordecai Ham hay biết đến ca cải đạo nổi tiếng nhất của ông (tên tuổi của người cải đạo sau này cũng nổi tiếng khắp thế giới). Nhưng vào năm 1951, năm học đầu tiên của tôi ở chủng viện, tôi là cố vấn cho chiến dịch truyền giáo của Billy Graham ở Fort Worth, bang Texas. Ngay sau khi chiến dịch truyền giáo đó kết thúc, vị mục sư Mordecai Ham đáng kính đến thuyết giáo tại một nhà thờ ở Fort Worth.
Nhân vật huyền thoại mà tôi biết đến từ thời thơ bé một lần nữa đến Texas. Tôi nhất định không bỏ lỡ cuộc gặp với ông vì bất cứ lý do nào. Vậy là hôm đó tôi được nghe ông kể câu chuyện suýt bị treo cổ và ca cải đạo nổi tiếng nhất của ông.
Trong thời kỳ đỉnh cao của sứ vụ truyền giáo của mình, Mordecai Ham được mời đến giảng đạo tại Charlotte, North Carolina. Hôm ấy có rất đông người đến nghe ông giảng, giọng ông hùng hồn và lời giảng thì rất mạnh mẽ. Một nhóm đông thanh niên đã lắng nghe ông, trong số đó có cậu thiếu niên mười sáu tuổi tên Bill.
Bill đã bước lên để đón nhận Chúa Giê-su vào cuộc đời mình. Sau này, cậu trở thành một trong những nhân vật nổi tiếng và quan trọng nhất thế kỷ 20. Hẳn là bạn cũng nhận ra cậu bé năm ấy chính là Billy Graham.
Mordecai Ham - người suýt bị treo cổ ở thị trấn quê hương tôi - đã đưa Billy Graham đến với Thiên Chúa.
Billy Graham đã trực tiếp gặp gỡ nhiều người hơn bất kỳ ai trong lịch sử. Ông từng xuất hiện trên ti-vi, các chương trình của đài phát thanh và trong các buổi truyền giáo nhiều hơn ai hết. Thông qua công việc truyền đạo, ông đã dẫn đưa nhiều người đến với Thiên Chúa hơn bất kỳ ai trong lịch sử Ki-tô giáo.
Thời đại của Billy Sunday và Mordecai Ham đã qua rồi. Những nhà truyền giáo giống họ cũng không còn, nhưng nguyện cho những con người dũng cảm và mạnh mẽ này không bao giờ bị lãng quên.