“Dường như đối với hầu hết cha mẹ, việc ăn uống của trẻ là một cơn ác mộng. Với Emily, chúng tôi không phải đối mặt với cuộc chiến mệt mỏi đó. Chúng tôi thực sự yêu thích giờ ăn. Với gia đình tôi, thức ăn không phải là vấn đề.”
Jess, mẹ bé Emily 2 tuổi
“Sẽ dễ hơn nhiều khi cho bé tập ăn cùng loại thức ăn của người lớn. Tôi đã rất lo lắng khi Ben đến tuổi ăn dặm, nhưng giờ tôi không còn lo lắng liệu Ben có ăn hay không nữa. Việc này rất tự nhiên - và vui vẻ hơn nhiều.”
Sam, mẹ bé Bella 8 tuổi, Alex 5 tuổi và Ben 8 tháng tuổi
Ăn dặm là gì?
Ăn dặm là sự thay đổi dần dần của bé, chuyển từ việc chỉ ăn sữa mẹ hoặc sữa bột sang ăn thêm các loại thức ăn khác. Sự thay đổi này mất tối thiểu 6 tháng nhưng cũng có thể kéo dài vài năm, đặc biệt là đối với các bé bú mẹ. Cuốn sách này viết về giai đoạn đầu của quá trình ăn dặm, có nghĩa là với lần đầu tiên bé ăn dặm.
Những món ăn dặm đầu tiên - đôi khi còn được gọi là thức ăn bổ sung - không có nghĩa là thay thế sữa mẹ hoặc sữa bột, thay vào đó, sẽ bổ sung cho chế độ ăn này, để bữa ăn của bé ngày càng thêm đa dạng.
Trong hầu hết các gia đình, thời điểm ăn dặm do cha mẹ quyết định. Khi cha mẹ bắt đầu đút thìa cho bé ăn, họ cũng quyết định thời điểm và cách thức bé bắt đầu ăn dặm; khi họ không còn cho bé bú mẹ hoặc bú bình, họ quyết định thời điểm cai sữa. Bạn có thể gọi đó là ăn dặm do-cha-mẹ-quyết-định. Ăn dặm do-bé- quyết-định lại khác. Phương pháp này cho phép bé dẫn dắt toàn bộ quá trình, bằng cách bé vận dụng bản năng và khả năng của mình. Bé quyết định thời điểm bắt đầu và kết thúc quá trình ăn dặm. Mặc dù việc này có vẻ kì cục, nhưng nó sẽ có ý nghĩa tuyệt đối khi bạn quan sát kĩ phương thức phát triển của bé.
Tại sao BLW lại khác biệt?
Khi nghĩ đến việc cho bé tập ăn dặm, mọi người thường hình dung thấy hình ảnh người lớn cầm thìa, đút cho bé ăn một vài thìa táo hoặc cà rốt xay nhuyễn. Có lúc bé sẽ háo hức há miệng để đón nhận thìa - nhưng bé cũng sẽ nhanh chóng nhè thức ăn, hất thìa, khóc hoặc không chịu ăn. Rất nhiều cha mẹ đành phải áp dụng trò chơi - “Tàu đến rồi đây!” - với nỗ lực thuyết phục bé chấp nhận thức ăn và thường thức ăn và giờ ăn của bé khác với gia đình.
Tại các nước phương Tây, phương pháp cho bé ăn như trên khá phổ biến, đến mức cho ăn bằng thìa trở thành phương thức thông thường để chuẩn bị ăn dặm. Các định nghĩa trong từ điển về việc cho ăn bằng thìa bao gồm: “giúp đỡ hoặc dạy (ai) quá nhiều đến nỗi người đó không tự suy nghĩ được nữa” và “đối xử (với người khác) theo cách thức ngăn cản ý nghĩ hoặc hành động tự lập.” Trong khi đó, phương pháp BLW khuyến khích thái độ tự tin và tính độc lập của bé bằng cách tuân theo tín hiệu của bé. Giai đoạn ăn dặm bắt đầu khi bé biểu hiện có thể tự ăn, và tiến triển theo nhịp độ riêng của bé. Việc này cho phép bé làm theo bản năng để bắt chước cha mẹ và các anh chị, bé phát triển kĩ năng ăn một cách tự nhiên, thú vị, đồng thời trong quá trình đó giúp bé học hỏi.
Nếu được tạo cho cơ hội, hầu hết các bé sẽ cho cha mẹ biết rằng các bé đã sẵn sàng cho món ăn khác ngoài sữa, chỉ bằng cách cầm một mẩu thức ăn và đưa vào miệng. Các bé không cần cha mẹ quyết định khi nào nên bắt đầu ăn dặm, và bé không cần phải được đút thìa; các bé có thể tự làm được.
Dưới đây là phương pháp BLW:
• Bé ngồi với cả gia đình khi đến giờ ăn và gia nhập khi bé sẵn sàng.
• Bé được khuyến khích khám phá thức ăn ngay khi cảm thấy thích thú, bằng cách cầm tay - ban đầu, dù bé có ăn hay không cũng không quan trọng.
• Thức ăn được xắt thành miếng có kích thước và hình dạng phù hợp cho bé dễ cầm nắm, thay vì món ăn sền sệt hoặc tán nhuyễn.
• Bé tự ăn ngay từ đầu, thay vì được người khác đút thìa.
• Bé tùy nghi quyết định lượng thức ăn, và bé nhanh chóng mở rộng các loại thức ăn mà bé ưa thích.
• Bé tiếp tục được bú sữa (sữa mẹ hoặc sữa bột) mỗi khi bé muốn và bé tự quyết định thời điểm giảm các cữ bú.
Kinh nghiệm đầu đời khi ăn dặm có thể ảnh hưởng đến cảm nhận của bé về bữa ăn trong nhiều năm sau đó, vì vậy sẽ rất có ý nghĩa khi bạn giúp các bé cảm thấy thích thú. Nhưng đối với nhiều bé và nhiều cha mẹ, ăn dặm không được thú vị cho lắm. Đương nhiên, không phải tất cả các bé đều phản đối khi được cho ăn bằng thìa theo lối truyền thống, nhưng rất nhiều bé đành cam chịu phải ăn thay vì thực sự ham thích. Mặt khác, dường như các bé được phép tự ăn và ăn chung với gia đình đều yêu thích giờ ăn.
“Khi Ryan khoảng 6 tháng tuổi, tôi và một nhóm các mẹ có con cùng độ tuổi kéo nhau ra ngoài. Các mẹ bận bịu đút bột cho các con và dùng thìa vét quanh miệng để đảm bảo tất cả thức ăn đều đi vào miệng bé. Hình như họ tự biến cuộc sống trở nên khó khăn đến vậy, và chị sẽ thấy đám con nít không thích trò này chút nào.”
Suzannne, mẹ bé Ryan 2 tuổi
Tại sao phương pháp BLW lại hợp lý?
Các bé bò, đi và nói khi đã sẵn sàng. Các dấu mốc phát triển này sẽ không đến sớm hơn - với điều kiện bé được trao cơ hội - và cũng không muộn hơn thời điểm thích hợp với bé. Khi bạn đặt bé mới sinh xuống sàn để bé tập đá chân, tức là bạn tạo cho bé cơ hội tập lẫy. Khi bé có thể lẫy, bé sẽ lẫy. Bạn cũng sẽ tạo cho bé cơ hội tập đứng lên và bước đi. Việc này sẽ mất nhiều thời gian hơn. Nhưng nếu bạn tiếp tục cho bé cơ hội, bé sẽ làm được. Vậy thì tại sao không thể làm vậy với phương pháp cho bé ăn?
Các em bé khỏe mạnh có thể tự bú mẹ ngay khi chào đời. 6 tháng tuổi, bé có thể giơ tay cầm các mẩu thức ăn và đưa vào miệng. Sau nhiều năm, chúng ta biết quá rõ bé có thể làm việc này, và cha mẹ được khuyến khích tập cho bé làm quen với việc bốc ăn từ khi bé 6 tháng tuổi. Vì các bé có thể tự bốc ăn từ lúc 6 tháng nên dường như không cần phải cho bé ăn thức ăn tán nhuyễn.
Tuy nhiên, mặc dù chúng ta biết rõ các bé có bản năng và khả năng tự ăn vào thời điểm thích hợp, nhưng đút thìa vẫn là phương pháp mà hầu hết các bé được cho ăn trong năm đầu tiên - và đôi khi kéo dài lâu hơn nữa.
Khi nào bé nên bắt đầu ăn dặm?
Hiện nay, độ tuổi khuyến nghị để bắt đầu ăn dặm là 6 tháng. Trước khi đạt độ tuổi này, các em bé khó có thể tiêu hóa các loại thức ăn, trừ sữa. Cho bé ăn dặm trước 6 tháng tuổi không tốt cho bé, bởi vì:
• Thức ăn dặm không có nhiều chất dinh dưỡng và calo như sữa mẹ hoặc sữa bột. Dạ dày của bé còn nhỏ và cần nguồn dinh dưỡng, calo dễ tiêu hóa, giúp bé phát triển tốt; chỉ sữa mẹ hoặc sữa bột mới cung cấp đủ các dưỡng chất này.
• Hệ tiêu hóa của bé vẫn chưa sẵn sàng tiếp nhận các chất bổ dưỡng của thức ăn dặm, vì vậy các thức ăn này sẽ theo phân ra ngoài mà không góp phần nuôi dưỡng cơ thể bé.
• Nếu bé ăn dặm quá sớm, bé sẽ uống ít sữa, khiến bé nhận được ít chất dinh dưỡng hơn.
• Các bé ăn dặm sớm bị nhiễm khuẩn nhiều hơn và có nguy cơ dị ứng cao hơn các bé uống sữa hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời, bởi hệ miễn dịch của bé vẫn chưa phát triển trọn vẹn.
Theo nghiên cứu, cho bé ăn dặm trước 6 tháng tuổi khiến sau này bé dễ mắc các nhân tố gây bệnh tim mạch, ví dụ như bệnh huyết áp cao.
Năm 2002, Tổ chức Y tế Thế giới khuyến nghị, nếu có thể, tất cả các em bé nên được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời, và sau giai đoạn đó mới cho bé tập ăn dặm.
Nhận biết thời điểm bắt đầu ăn dặm
Các dấu hiệu sẵn sàng giả
Trong suốt nhiều năm liền, các bậc cha mẹ được khuyên nên tìm kiếm các dấu hiệu phát hiện thời điểm bé sẵn sàng ăn dặm. Hầu hết các dấu hiệu chỉ là một phần trong quá trình phát triển bình thường và liên quan đến độ tuổi của bé chứ không phải là các dấu hiệu biểu hiện bé sẵn sàng ăn dặm. Và có một số “dấu hiệu sẵn sàng” không đáng tin để chỉ dẫn thời điểm bắt đầu ăn dặm, nhưng rất nhiều cha mẹ vẫn nghĩ rằng các dấu hiệu đó cho thấy bé cần thêm thức ăn ngoài sữa:
• Tỉnh giấc đêm. Rất nhiều cha mẹ bắt đầu cho con ăn dặm sớm với hi vọng việc này sẽ giúp bé ngủ ngon cả đêm. Họ cho rằng bé tỉnh giấc vì đói; nhưng bé tỉnh giấc đêm vì rất nhiều lý do, và không có bằng chứng cho thấy cho bé ăn dặm sẽ xử lý được rắc rối này. Nếu thực sự đói, các bé dưới 6 tháng tuổi cần được bú mẹ nhiều hơn (hoặc uống nhiều sữa bột hơn), chứ không phải thức ăn dặm.
• Chậm tăng cân. Đây là lý do phổ biến khiến cha mẹ được khuyên nên cho bé ăn dặm sớm, nhưng nghiên cứu cho thấy tăng cân chậm là bình thường với các bé 4 tháng tuổi, đặc biệt là các bé bú mẹ. Đây không phải dấu hiệu bé cần ăn dặm.
• Bé nhìn cha mẹ ăn. Từ 4 tháng tuổi bé rất hào hứng với các hoạt động thường nhật trong gia đình, ví dụ như mặc đồ, cạo râu, chải răng và ăn. Nhưng bé chưa hiểu ý nghĩa của các hoạt động này - chỉ là bé hiếu kỳ thôi.
• Bé tóm tém miệng. Các bé đang học cách sử dụng miệng rất thích tập kĩ năng này, giúp bé học nói và học ăn. Miệng tóm tém là một phần giúp bé chuẩn bị cho giai đoạn ăn dặm, nhưng không có nghĩa là bé đã sẵn sàng ăn dặm.
• Bé còi cọc. Khi các em bé còi cọc, hoặc là do cơ thể bé còi, hoặc là do bé cần nhiều dinh dưỡng hơn. Nhưng nếu bé dưới 6 tháng tuổi, sữa mẹ hoặc sữa bột mới là thứ bé cần để “tăng cân”, không phải thức ăn dặm. Ngoại lệ duy nhất là các bé sinh non, và một số các bé này cần thêm dinh dưỡng trước 6 tháng tuổi
• Bé bụ bẫm. Các em bé sinh ra đã bụ bẫm (hoặc tăng cân rất nhanh) không cần thêm thức ăn. Các bé bụ bẫm hoặc do gien hoặc trong một số trường hợp (đặc biệt là đối với các bé bú sữa bột) là do bé được cho uống nhiều sữa hơn mức cần thiết của cơ thể. Hệ tiêu hóa và hệ miễn dịch của bé không hoàn thiện hơn các bé khác, vì vậy bé cũng đối mặt với rủi ro tương tự về sức khỏe nếu bé ăn dặm sớm. Quan niệm cho rằng các em bé bụ bẫm cần được ăn dặm sớm xuất hiện từ những năm 1950 và 1960, khi người ta nhầm tin rằng khi bé đạt trọng lượng nhất định (thường là 5,5 kg) bé cần được ăn dặm. Trong 6 tháng đầu, bé chỉ cần bú sữa - dù bé còi hay bụ bẫm. Trọng lượng không quan trọng.
“Tôi không hiểu sao mọi người lại nói: ‘Ô, thằng bé bụ quá, nó cần ăn thêm, cô nên cho nó ăn dặm đi,’ bởi thức ăn mà hầu hết các mẹ bắt đầu cho bé ăn là lê, bí xanh hầm và cà rốt, trong khi người ta chỉ ăn các món này khi ăn kiêng thôi.”
Holly, mẹ bé Ava 7 tuổi, bé Archie 4 tuổi và bé Glen 6 tháng tuổi
Các dấu hiệu bé sẵn sàng ăn dặm
Cách đáng tin nhất để biết liệu bé đã sẵn sàng ăn dặm hay chưa là hãy tìm kiếm các dấu hiệu trùng khớp với những thay đổi quan trọng trong cơ thể bé, giúp bé đối phó với thay đổi (tức là sự phát triển của hệ miễn dịch hệ tiêu hóa và miệng của bé.) Nếu bé có thể tự ngồi, thò tay cầm đồ vật, đưa nhanh và chính xác vào miệng; nếu bé gặm đồ chơi và nhai nhóp nhép, đó chính là lúc bé sẵn sàng khám phá thức ăn dặm.
Nhưng dấu hiệu tốt nhất cho thấy bé sẵn sàng ăn dặm là khi bé tự đưa thức ăn vào miệng - và bé chỉ có thể làm vậy nếu được trao cơ hội.
“Khi bé ngồi trong lòng bạn và cầm một nắm đồ ăn trong đĩa, bé nhai và nuốt, đó chính là lúc người lớn cần đặt đĩa gần bé hơn.”
Gabrielle Palmer, tác giả, chuyên gia dinh dưỡng
Tại sao một số loại thực phẩm được dán nhãn là phù hợp cho bé 4 tháng tuổi?
Trở lại năm 1994, khi Bộ Y tế Anh quốc thay đổi khuyến nghị đối với độ tuổi tối thiểu để cho bé tập ăn dặm từ 3 tháng tuổi lên 4 tháng tuổi, một văn bản luật nhanh chóng được thông qua nhằm ngăn chặn các nhà sản xuất thực phẩm và đồ uống cho trẻ em ghi nhãn mác rằng sản phẩm của họ có thể dùng cho các bé dưới 4 tháng tuổi.
Năm 2003, Anh quốc khuyến nghị độ tuổi tối thiểu thay đổi từ 4 tháng lên 6 tháng nhưng văn bản luật không đưa ra bất kì thay đổi nào, vì vậy các nhà sản xuất thực phẩm và đồ uống cho trẻ em tự do quảng bá các sản phẩm dành cho các em bé mới 4 tháng tuổi. Kết quả là rất nhiều cha mẹ hoang mang - họ không biết rằng các khuyến nghị chính thức đã thay đổi, hoặc nếu có biết, họ cũng không hiểu được tầm quan trọng của việc bú mẹ hoặc bú sữa công thức dưới 6 tháng tuổi. Vậy là họ tiếp tục mua thực phẩm cho các em bé chưa đến tuổi để ăn món đó.
Một bộ quy tắc ứng xử tự nguyện (Quy tắc Quốc tế về tiếp thị sản phẩm thay thế sữa mẹ) nghiêm cấm hành vi quảng bá mọi thực phẩm hoặc đồ uống dành cho bé dưới 6 tháng tuổi và hầu như tất cả các quốc gia đều ký tên vào bộ Quy tắc này. Nhưng tại nhiều quốc gia, trong đó có Anh quốc, phần nhiều Quy tắc ứng xử này vẫn mang tính chất tự nguyện - hay nói cách khác, ngành công nghiệp thực phẩm không phải tuân thủ đúng quy tắc này. Vì vậy, trước khi luật được thay đổi, một số thực phẩm nhũ nhi1 vẫn được dán nhãn “phù hợp cho bé 4 tháng tuổi trở lên.”
1 Giai đoạn từ 2 đến 12 tháng tuổi.
Câu chuyện BLW
Max vẫn luôn nặng cân hơn so với tuổi, thằng bé đạt phân vị thứ 98. Vì vậy, tôi vẫn luôn nghe người ta nói này nọ về các em bé bụ bẫm, rằng bé nhanh đói hơn và cần ăn dặm từ 4 tháng tuổi, vân vân và vân vân. Nhưng tôi vẫn để bé chỉ dẫn cho mình.
Mặc dù bụ bẫm, nhưng dường như bé không thực sự thèm ăn. Chỉ cần nhìn phân của bé tôi cũng biết rằng bé chỉ ăn thứ gì đó khi được khoảng 8 tháng tuổi, và tôi nghĩ phải đến khi 10 tháng bé mới ăn nhiều.
Tôi thực sự coi 6 tháng đầu tiên tập ăn dặm theo phương pháp BLW là cơ hội để bé khám phá hương vị và hình dáng thức ăn, vì vậy, so với bạn bè cho con ăn thức ăn tán nhuyễn, tôi không hề lo lắng khi mình không biết rõ con ăn được bao nhiêu. Tôi nghĩ rằng, khi cho bé tập ăn theo phương pháp này, áp lực sẽ không còn nữa, sự thực là vậy. Tôi cũng từng thử đút thìa cho các cháu họ ăn, và các bé luôn phải ăn cho hết lượng thức ăn trong đĩa, tôi cảm thấy vô cùng căng thẳng khi các bé quyết định không ăn nữa.
Với phương pháp BLW, ban đầu bạn phải bình tĩnh và cho phép bé tự bắt nhịp theo tốc độ của riêng bé. Bạn dễ dàng nghĩ rằng bé không ăn gì hết, bé sẽ đói meo và rằng bạn cần phải cho bé ăn món gì đó. Trước đây tôi vẫn thường nghĩ: “Tại sao mình phải lo nhỉ? So với một nửa củ cà rốt, sữa mẹ tốt cho con hơn nhiều.” Tôi cho rằng bé nhận được đầy đủ chất dinh dưỡng có trong sữa mẹ. Thằng bé bú mỗi khi nó muốn và hai việc này rất ăn khớp với nhau.
Charlotte, mẹ bé Max 16 tháng tuổi
Phương pháp BLW không mới
Có thể bạn đang đọc cuốn sách và nghĩ, “Tôi cũng thực hiện phương pháp này rồi - chẳng có gì mới cả.” Bạn nói đúng. BLW không mới, nhưng nói về phương pháp này quả thực là mới.
Rất nhiều cha mẹ, nhất là những người có hơn ba đứa con, gần như vô tình phát hiện ra rằng cho phép bé chỉ huy sẽ giúp cuộc sống gia đình dễ dàng và thú vị hơn. Câu chuyện của họ thường bắt đầu thế này: với đứa con đầu lòng, họ làm theo mọi lời khuyên và nhận thấy cho bé ăn dặm cần rất nhiều sự kiên nhẫn để đổi lại phần thưởng rất nhỏ mọn. Họ thấy thoải mái hơn một chút với đứa con thứ hai, phá vỡ một số “quy tắc” và phát hiện ra rằng việc cho con ăn dặm dễ dàng hơn một chút. Đến khi bé thứ 3 chào đời, họ bận rộn đến mức “để bé tự làm quen”.
Đứa con đầu lòng - được cho ăn bằng thìa theo đúng những lời chỉ dẫn - trở nên kén ăn. Em bé thứ hai bớt kén chọn hơn, còn em bé thứ ba “ăn ngoan hơn” rõ rệt so với anh chị - ít kén ăn và thích khám phá đồ ăn hơn. Vậy là cha mẹ đã phát hiện ra BLW. Thật không may, do lo sợ người khác sẽ nghĩ mình là cha mẹ tồi - hoặc đơn giản là lười biếng - họ không kể với ai về phương pháp này.
“Càng nói chuyện với nhiều người, tôi càng nhận ra rằng tập cho bé ăn dặm theo phương pháp này không phải là ý tưởng mới. Rất nhiều người nói: ‘Thật ra hồi trước tôi cũng áp dụng đấy, nhưng tôi không nói ra thôi.’ Các bậc cha mẹ áp dụng phương pháp này suốt nhiều năm rồi chỉ có điều phương pháp này không có một cái tên cụ thể thôi.”
Clare, mẹ bé Louise 7 tháng tuổi
Sơ lược lịch sử về phương pháp BLW
Về mặt lịch sử, mãi đến cuối thế kỉ 19 mới có một chút thông tin liên quan đến phương pháp cho bé tập ăn dặm; kĩ năng và kiến thức nuôi con được truyền từ mẹ sang con gái, với rất ít thông tin được viết ra cụ thể. Nhưng rất có thể, cũng giống như ngày nay, rất nhiều gia đình tự phát hiện ra phương pháp BLW. Và mặc dù các bằng chứng mang tính chất giai thoại gợi ý rằng, xuyên suốt thế kỉ 20, ít nhất cũng có một số gia đình tập cho bé ăn dặm theo phương pháp BLW, nhưng các câu chuyện đều không giống nhau.
Vào đầu thế kỉ 20, các em bé không được ăn dặm trước 8 hoặc 9 tháng tuổi; đến thập kỉ 60, độ tuổi này giảm xuống còn 2 hoặc 3 tháng tuổi, và đến thập niên 90, hầu hết các em bé đều ăn dặm khi 4 tháng tuổi. Những thay đổi này xuất phát từ các thay đổi trong phương pháp nuôi con bằng sữa mẹ; có rất ít tài liệu nghiên cứu về phương pháp cho trẻ nhũ nhi ăn, và trước năm 1974 không có hướng dẫn chính thức nào về phương pháp cho bé ăn dặm.
“Khi thấy bé Rosy tự ăn, bà ngoại tôi nói điều đó thật tuyệt. Bà là chị cả của 6 người em và bà nói bà nhớ rằng cụ cũng cho các em bà ăn theo phương pháp đó. Bà không hề nhớ gì đến phương pháp đút thìa. Bà nói bà chỉ đút thìa cho mẹ tôi bởi người ta khuyên bà phải cho mẹ tôi ăn dặm từ khi mới 3 tháng tuổi.”
Linda, mẹ bé Rosy 22 tháng tuổi
Vào đầu những năm 1900 các bé chỉ bú sữa mẹ - dù là từ mẹ đẻ hay vú nuôi (người phụ nữ được cha mẹ bé thuê về để cho bé bú) - đến khoảng 8 hoặc 9 tháng, thậm chí lâu hơn. Mặc dù đôi lúc các bé cũng được cho ăn xương ninh nhừ hoặc vỏ bánh cứng khi 7 hoặc 8 tháng tuổi, nhưng hai món này chỉ được coi là phương thức giúp bé phát triển kĩ năng nhai hoặc trợ giúp răng lợi, chứ không được coi là “thức ăn”. Những thức ăn đầu tiên được khuyến nghị thường là nước xuýt thịt cừu hoặc thịt bò, và cho ăn bằng thìa.
Khi việc thuê vú nuôi ngày càng ít phổ biến hơn, các bác sĩ bắt đầu coi họ chính là người có vai trò khuyên răn các bà mẹ về phương pháp nuôi con bằng sữa mẹ. Phó mặc mọi thứ cho bản năng của người mẹ - hay tồi tệ hơn là bản năng của bé - được coi là không đáng tin và phương pháp ăn dặm cho bé bắt đầu được kiểm soát chặt chẽ từ khi bé chào đời.
Mặc dù nuôi con bằng sữa mẹ được công nhận là phương pháp nuôi con tốt nhất, nhưng người ta vẫn nhận ra rằng bé càng bú sữa mẹ càng tiết ra nhiều. Các mẹ phải tuân thủ lịch trình nghiêm ngặt, hạn chế lượng thời gian bé ngậm vú và mỗi cữ bú cách nhau vài giờ. Kết quả là, rất nhiều bà mẹ “không” tiết đủ sữa - và các em bé “không” chóng lớn. Không có gì ngạc nhiên khi một số sản phẩm sữa thay thế thời đó trở nên thịnh hành và được các bác sĩ khuyên dùng, với mong muốn bé có đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể.
Khi phương pháp cho ăn “đúng giờ” trở nên rộng khắp và có thêm nhiều bà mẹ tìm đến các loại sữa mới dành cho trẻ nhũ nhi, các bác sĩ hiểu rằng các sản phẩm này không tốt cho em bé như lời quảng cáo. Các em bé uống các loại sữa này thường bị ốm, thiếu dinh dưỡng và kén ăn, vậy nên sai lầm trở nên phổ biến.
Vì hầu hết các bà mẹ vẫn thích cho con bú sữa mẹ, ngay cả khi (do lịch biểu cho bú nghiêm ngặt) họ chỉ “có thể” cho con bú thêm vài tháng, các bác sĩ - và tác giả của những cuốn sách hướng dẫn nuôi con mới thịnh hành - đưa ra câu trả lời là khuyến khích nuôi con bằng sữa mẹ từ khi bé chào đời và tập cho bé ăn thức ăn thô mềm ngay khi sữa mẹ không còn “đủ” - thường là khi bé khoảng 2 đến 4 tháng. Sự mũm mĩm được coi là dấu hiệu sức khỏe tốt, và các bà mẹ được hối thúc phải “vỗ béo” con, vậy nên phần lớn thức ăn dặm đều là ngũ cốc, phổ biến nhất là bột và bánh bít-cốt.
Cũng vào khoảng thời gian đó, thực phẩm chuẩn - bị - sẵn xuất hiện tại các cửa hiệu và đến năm 1930, một loạt các thực phẩm nhũ nhi làm từ hoa quả và rau được đóng sẵn trong hộp thiếc và lọ. Các sản phẩm này dành cho bé trên 6 tháng tuổi nhưng các bé ít tháng tuổi hơn cũng ăn được.
Một khi bé được cho thức ăn “cứng” trước khi biết nhai, phương pháp cho bé tập gặm xương và vỏ bánh giảm dần. Và, mặc dù sự cần thiết phải cho bé tập ăn các món gần giống với bữa ăn gia đình vẫn được công nhận, nhưng các bé thường được đút thìa thức ăn lổn nhổn, thay vì được cho ăn thức ăn mà bé có thể cầm tay.
Vào thập kỉ 60, người ta nhận ra rằng nếu muốn nhai tốt, các em bé cần tập nhai và đưa đẩy thức ăn quanh miệng, và cha mẹ được khuyến khích cho bé tập làm quen với bốc thức ăn khi bé khoảng 6 tháng tuổi. Tuy nhiên, vì giả định cho rằng bé phải quen với thực phẩm rất mềm trước khi học nhai, nên hầu hết mọi người đều tin rằng họ phải bắt đầu cho bé ăn bột trước 6 tháng tuổi, để bé có thể chuyển sang thức ăn thô vào thời điểm thích hợp.
Khi các chỉ dẫn chính thức về ăn dặm đầu tiên được ban hành năm 1974, hầu hết các bé 3 tháng tuổi đều đã ăn thêm thức ăn, ngoài các cữ bú (thường là cơm, cháo hoặc bánh bít-cốt “nhũ nhi”). Chỉ dẫn nói rằng bé không nên ăn dặm tối thiểu trước 4 tháng tuổi và nên ăn dặm khi 6 tháng tuổi. Lời khuyên này được xác nhận vào năm 1994 và vẫn là khuyến cáo chính thức tại Anh quốc đến tận năm 2003, khi khuyến cáo nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ (hoặc sữa bột) trong 6 tháng đầu đời được công bố.
Câu chuyện BLW
Khi sinh con gái, theo bản năng, tôi quyết định sẽ không cho bé ăn dặm trước khi bé sẵn sàng. Tôi có kinh nghiệm khốn khổ khi nuôi Jack, đứa con đầu lòng, vì cố tập cho thằng bé ăn dặm lúc 4 tháng tuổi. Nhưng hồi đó, chỉ dẫn nói rằng mẹ nên cho bé ăn ở độ tuổi này (giờ thằng bé 21 tuổi.) Nhưng đến giờ, tôi nhận ra rằng thằng bé không hề thích ăn dặm, xét cả về mặt phát triển và tâm lý. Nó ghét lắm.
Anna cực kỳ vui vẻ khi bú mẹ, vì vậy tôi không còn phải lo lắng về món xay nữa. Mẹ con tôi cũng không phải đến phòng khám thường xuyên, nhưng nếu bác sĩ hỏi, tôi nói dối ngay. Tôi còn nhớ, trong đợt khám sức khỏe khi bé 8 tháng tuổi, tôi nói: “Vâng, bé ăn ba bữa mỗi ngày, và bé thích lắm,” trong khi trên thực tế, con bé chỉ tự bốc vài mẩu thức ăn mà gia đình đang ăn. Con bé tiến thẳng từ sữa mẹ đến việc bốc đồ ăn đưa vào miệng. Không có giai đoạn nào hết; không ăn bột, không thức ăn nghiền nhuyễn, không thức ăn lổn nhổn.
Đó là 16 năm về trước – hầu hết các bé 6 tháng tuổi đều phải ăn ba bữa no căng mỗi ngày. Khi biết tôi không đút thìa cho bé, rất nhiều người sửng sốt, dù họ thấy bé vẫn khỏe mạnh. Chỉ là họ nghĩ tôi lười biếng. Và khi Anna tập ăn, lúc bé khoảng hơn 8 tháng tuổi, mọi người đều thấy bé ăn ngon lành thức ăn thông thường, và bé rất hào hứng.
Lizzie, mẹ của Jack 21 tuổi, Anna 16 tuổi và Robert 13 tuổi
Những rắc rối khi đút thìa cho bé ăn
Hãy hình dung bạn mới 6 tháng tuổi. Bạn thích bắt chước mọi hoạt động trong gia đình và muốn tóm lấy thứ mà mọi người đang cầm để xem thứ đó là gì. Khi quan sát cha mẹ ăn, bạn rất hứng khởi với mùi vị, hình dạng và màu sắc của món ăn. Bạn không hiểu rằng cha mẹ ăn vì họ đang đói; bạn chỉ muốn bắt chước hành động của cha mẹ - đó là cách bạn học hỏi. Nhưng thay vì cho phép bạn nhập cuộc, cha mẹ nhất quyết đút từng thìa thức ăn mềm nhuyễn vào miệng bạn. Món ăn xay nhuyễn đó lúc nào cũng nát như nhau, duy chỉ có hương vị là có vẻ thay đổi: lúc ngon, lúc chán. Cha mẹ cũng cho bạn nhìn, nhưng không cho bạn chạm vào món ăn đó. Có lúc hình như cha mẹ rất vội; nhưng có lúc bạn phải đợi mãi mới thấy thìa kế tiếp. Khi bạn phun thức ăn ra vì bạn không trông đợi món đó (hoặc chỉ để xem món đó trông thế nào) cha mẹ vội lấy thìa vét quanh miệng bạn ngay lập tức và lại đút thìa bột đó vào miệng bạn! Bạn vẫn chưa biết được rằng món xay nhuyễn này có thể giúp bạn no bụng, vì vậy mỗi khi đói, có thể bạn sẽ giận lắm, vì bạn chỉ muốn uống sữa thôi. Có lẽ khi bạn không quá đói và nếm món xay thấy cũng ngon, bạn sẽ quen với món đó. Nhưng bạn vẫn tò mò về hành động của mọi người và thích được cho phép bắt chước y như vậy.
Cho bé ăn bằng thìa không tệ, chỉ đơn giản là nó không cần thiết. Và, trong khi rất nhiều em bé được cho ăn bằng thìa vẫn thích bữa ăn mà không gặp bất cứ rắc rối nào, nhưng cho bé ăn theo phương pháp này tạo cơ hội gây ra các rắc rối vốn không nảy sinh khi áp dụng phương pháp BLW. Một phần là do bé chỉ được ăn duy nhất một món xay nhuyễn, và một phần liên quan đến mức độ kiểm soát của bé đối với đồ ăn.
• Chỉ cho bé ăn bột hoặc món xay nhuyễn đồng nghĩa với việc bé dễ dàng nuốt chửng cả thìa thức ăn mà không cần nhai. Nếu 6 tháng tuổi mà bé không có cơ hội thử nghiệm với món ăn cần nhai, sự phát triển của kĩ năng nhai có thể bị trì hoãn. Các bé không được ăn thức ăn thô trước 1 tuổi (hoặc muộn hơn) có thể không bao giờ học được cách ăn thức ăn thô. (Cũng giống như khi bạn không cho bé cơ hội tập đi trước khi bé 3 tuổi). Kĩ năng nhai đóng vai trò rất quan trọng, với rất nhiều lí do, bao gồm phát triển kĩ năng phát âm, tiêu hóa tốt và ăn an toàn.
• Nếu được phép tự ăn, bé sẽ học cách xử lý thức ăn lổn nhổn tốt và nhanh hơn, vì bé sẽ dễ dàng điều khiển và nhai khi thức ăn đang dừng ở phần trước của vòm miệng. Thức ăn đút bằng thìa thường được đưa ngay ra phần sau của vòm miệng, khiến thức ăn không thể được đưa đẩy quanh miệng một cách dễ dàng - hoặc an toàn.
• Rất nhiều bé được cho ăn bằng thìa bị nghẹn món ăn lổn nhổn hoặc nghiền nhuyễn (thực phẩm này được bán trên thị trường dành cho “giai đoạn hai”) khi bé tập ăn lần đầu, bởi vì khi bột được đưa vào phần sau của vòm miệng, phản xạ ọe của bé bị kích thích. Khi được đút thìa, bé sẽ khó tránh khỏi hiện tượng ọe hơn khi bé tự đưa thức ăn vào miệng, vì vậy rất nhiều bé quyết định không chịu ăn bằng thìa.
• Được cho ăn bằng thìa nghĩa là bé không kiểm soát được lượng thức ăn hoặc tốc độ ăn. Thức ăn loãng được nuốt ngay và thật hấp dẫn khi thuyết phục bé “ăn thêm thìa này nữa thôi con nhé.” Thông thường, bé sẽ ăn nhanh hơn và cuối cùng là ăn nhiều hơn mức cần thiết. Liên tục cho bé ăn nhiều hơn nhu cầu sẽ gây ảnh hưởng đến khả năng nhận biết của bé khi bé no và có thể gây ra rắc rối suốt - đời với bệnh ăn quá mức.
• Đối với bé dưới 1 tuổi, sữa là nguồn thức ăn đầy đủ dinh dưỡng quan trọng nhất. Các món ăn dặm chứa ít chất dinh dưỡng hơn sữa mẹ hoặc sữa bột. Nếu bé ăn dặm quá nhiều (việc này rất dễ xảy ra với các bé được đút thìa), bé sẽ ít thèm sữa hơn. Kết quả là bé sẽ nhận được ít chất dinh dưỡng hơn nhu cầu.
• Đối với bé, phương pháp ăn bằng thìa không thú vị như khi bé tự ăn. Các bé muốn khám phá và muốn thử - đó là cách bé học hỏi. Nhìn chung, các bé không thích mọi thứ được làm sẵn với bé hoặc cho bé. Cho phép bé tự ăn khiến giờ ăn hứng thú hơn và khuyến khích bé tin tưởng đồ ăn - giúp bé có cơ hội yêu thích đa dạng các hương vị và độ thô mịn của thực phẩm.
Điều này không có nghĩa là các bé được ăn theo phương pháp BLW không bao giờ được ăn món xay nhuyễn. Một số bé tập tự ăn bằng thìa xúc sẵn bột, các bé khác học cách “múc” thìa rất nhanh, và có rất nhiều cách để bé tự ăn món loãng. Vấn đề chỉ nảy sinh khi bạn chỉ cho bé ăn nhuyễn, và không cho phép bé được kiểm soát bữa ăn.
Được kiểm soát món ăn cho phép bé có cơ hội nếm thức ăn mới ở vùng trước của vòm miệng và phun thức ăn ra nếu bé không thích, trong khi thìa bột được đút thẳng vào phần sau của vòm miệng, khiến bé khó xử lý hơn. Trừ khi bé chắc chắn đó là món bé sẽ thích, nếu không bé sẽ từ chối. Rất dễ nhận thấy việc đút ăn sẽ khiến bé từ chối ăn, trừ các món hợp khẩu vị với bé.
“Trong hai tuần đầu, khi tôi tập cho Mabel ăn bột, bữa ăn căng thẳng như đánh trận vậy; thậm chí con bé còn không ăn thử bất kì món gì có trên thìa. Tôi nản lòng lắm. Tôi không biết đó là do cái thìa, hay do độ thô mịn của bột – hay do cả hai lí do trên. Nhưng ngay khi tôi cho bé đồ ăn để bé tự ăn và kiểm soát thức ăn, bữa ăn trở nên hấp dẫn với bé và bé tự ăn mọi món được cho. Trước đó, bé không hề động đến món ngô ngọt xay nhuyễn, nhưng khi tôi cho bé cầm những hạt ngô nhỏ xinh, bé liên tục đòi thêm nữa.”
Becky, mẹ bé Mabel 10 tháng tuổi
Tại rất nhiều quốc gia, người dân ăn bằng cách bốc tay. Thực ra, rất nhiều nền văn hóa tin rằng để thực sự ăn ngon, thức ăn phải được cầm và cảm nhận, và các dụng cụ ăn đều hủy hoại trải nghiệm đó; đối với các nền văn hóa khác, chỉ đơn giản là họ thấy không cần thiết phải dùng đến dụng cụ ăn. Nhưng, tại hầu hết các quốc gia phương Tây, dường như chúng ta đều tin rằng bạn không thể đưa thức ăn vào miệng bé nếu không dùng thìa.
Hiển nhiên, cho ăn bằng thìa có vẻ như không thể tránh được khi người ta tin rằng bé 3 hoặc 4 tháng tuổi cần “ăn dặm” vì ở tuổi này, bé chưa biết nhai hoặc tự đưa thức ăn vào miệng. Việc này dẫn đến giả định rằng cho ăn bằng thìa và ăn món xay nhuyễn là hai yếu tố cốt yếu để cho bé tập ăn dặm, bất kể bé bao nhiêu tháng tuổi.
Vậy là, mặc dù nghiên cứu hiện nay cho thấy, các bé bắt đầu ăn dặm khi 3 hoặc 4 tháng tuổi (thậm chí còn nhỏ hơn) không nên ăn các món ăn dặm, nhưng hầu hết mọi người đều giả định rằng món ăn dặm đầu tiên của bé nên được đút bằng thìa. Nhưng dường như không có bất cứ nghiên cứu nào ủng hộ điều này. Chưa có ai kiểm tra xem cho ăn bằng thìa có an toàn hay phù hợp với các bé không - phương pháp này chỉ đơn giản trở thành thói quen chung: “thử và tin,” nhưng không thực sự được thử nghiệm.
“Khi tôi đút thìa cho Ivan ăn, tôi phải lừa cho thằng bé cười để đưa thìa vào miệng nó - nhưng thằng bé đẩy thìa ra ngay lập tức. Vì vậy, tôi phải cố đút thìa từ mọi góc trước khi thằng nhỏ quay đầu đi. Rõ ràng là thằng bé không thích ăn bằng thìa, nhưng chúng tôi kiên quyết tin rằng nó cần phải ăn. Vậy là vợ chồng tôi ngồi đó, nản lòng, nhìn đồng hồ kêu tích tắc trong khi cố đút cả chén cháo vào miệng thằng bé. Nghĩ lại, tôi thấy có lẽ thằng bé cũng không cần đến lượng thức ăn đó.”
Pam, mẹ bé Ivan 3 tuổi và bé Molly 18 tháng tuổi
Lợi ích của phương pháp BLW
Rất hào hứng!
Đối với cả người lớn và trẻ em, bữa ăn phải thật vui vẻ. Được chủ động trong bữa ăn và kiểm soát món ăn, lượng thức ăn và tốc độ ăn giúp bữa ăn thêm hứng thú; ngược lại, bữa ăn sẽ trở nên khốn khổ. Các em bé được cho ăn theo phương pháp BLW mong đợi đến giờ ăn; các bé thích được biết về các loại thức ăn khác nhau và tự phục vụ cho bản thân. Các trải nghiệm sớm về bữa ăn vui vẻ, không căng thẳng thường giúp bé có thái độ lành mạnh suốt đời đối với thức ăn.
Rất tự nhiên!
Các bé được lập trình để thử nghiệm và khám phá; đó là cách giúp bé học hỏi. Các bé dùng tay và miệng để khám phá các loại vật thể, trong đó có thức ăn. Với phương pháp BLW, bé có thể khám phá đồ ăn theo nhịp độ riêng và lắng nghe bản năng để ăn khi đã sẵn sàng - rất giống với các động vật mới sinh.
Khám phá thức ăn
Các bé được cho phép tự ăn học về hình dạng, mùi vị, hương vị và độ thô, mịn của các loại thức ăn, và các vị kết hợp với nhau thế nào; với phương pháp ăn bằng thìa, tất cả hương vị đều được trộn thành món xay nhuyễn. Các bé được áp dụng phương pháp BLW có thể khám phá mùi vị của từng món ăn khác nhau, ví dụ vị thịt gà và thịt hầm rau, và bắt đầu học cách nhận biết món ăn mà bé ưa thích. Tất nhiên, bé sẽ bỏ qua các vị bé không thích, thay vì từ chối cả món thịt hầm thập cẩm để tránh một mùi vị không ưa. Việc này giúp cha mẹ dễ chuẩn bị thức ăn hơn và bé không bỏ qua món ăn bé ưa thích. Điều này cũng đồng nghĩa với việc cả gia đình có thể cùng ăn, ngay cả khi không phải tất cả mọi người đều thích tất cả các vị.
Học cách ăn an toàn
Được cho phép khám phá thức ăn trước khi đưa vào miệng dạy bé những bài học quan trọng về món cần và không cần nhai. Mối quan hệ giữa cảm nhận của một phần cơ thể và điều chúng ta cảm thấy nhờ phần khác của cơ thể là điều có thể được học qua kinh nghiệm. Vì vậy, đối với một em bé, cảm nhận một mẩu thức ăn trong tay và đưa vào miệng giúp bé đánh giá các mẩu thức ăn dễ dàng được nhai và được lưỡi đưa đẩy quanh miệng. Đây có thể là một đặc tính an toàn quan trọng, giúp bé không đưa các mẩu thức ăn quá to và không thể nhai vào miệng. Học cách xử lý thực phẩm có hình dáng khác nhau giúp bé ít có nguy cơ bị nghẹn.
Học hỏi về thế giới xung quanh
Các bé không bao giờ chỉ biết chơi đùa, các bé luôn luôn học hỏi. Những điều bé có thể học được từ món đồ chơi mang tính giáo dục tốt nhất (và đắt đỏ nhất) có lẽ là học bằng cách cầm đồ ăn. Ví dụ, bé học cách cầm đồ vật mềm nhưng không bóp nát, hoặc cầm đồ vật trơn mà không làm rơi - và khi có đồ vật rơi từ nắm tay của bé, bé phát hiện ra trọng lực. Các bé học hỏi về khái niệm ít hơn và nhiều hơn, kích thước, hình dạng, trọng lượng và độ thô, mịn. Bởi tất cả các giác quan của bé (thị giác, xúc giác, thính giác, khứu giác và vị giác) đều được áp dụng, nên bé học cách vận dụng cả năm giác quan để hiểu rõ hơn về thế giới xung quanh.
Phát huy tiềm năng
Tự ăn giúp bé thực hành các khía cạnh quan trọng trong quá trình phát triển mỗi khi đến bữa ăn. Dùng tay cầm thức ăn đưa lên miệng nghĩa là các bé được áp dụng phương pháp BLW để luyện sự phối hợp tay - mắt; cầm thức ăn có kích thước và độ thô, mịn khác nhau vài lần mỗi ngày nâng cao kĩ năng khéo tay của bé. Việc này có thể hữu ích cho kĩ năng viết và vẽ của bé sau này.
Và nhai thức ăn (thay vì chỉ nuốt chửng món xay nhuyễn) phát triển các cơ mặt cần thiết phục vụ quá trình bé học nói.
“Ai ai cũng nói rằng sự thuần thục của đôi tay Emmanuel thật đáng ngạc nhiên so với tuổi của thằng bé - nhưng tôi nghĩ chuyện đó là bình thường. Các em bé nên biết làm những việc đó, chỉ có điều bé không có cơ hội thực hành như khi bé được phép tự ăn mỗi ngày. Nhưng không ai tin tôi khi tôi nói kĩ năng đó là nhờ thằng bé vẫn thường tự ăn.”
Antonietta, mẹ bé Emmanuel 2 tuổi
Nâng cao sự tự tin
Cho phép bé tự làm mọi việc không chỉ giúp trẻ học hỏi mà còn tạo cho bé thái độ tự tin vào khả năng và sự đánh giá của bé. Khi bé nhặt món đồ nào đó và đưa lên miệng, bé nhận được phần thưởng ngay lập tức là một món ăn thú vị. Điều này dạy cho bé biết rằng bé có khả năng tạo ra những điều thú vị, và đổi lại, giúp bé nâng cao sự tự tin và lòng tự trọng. Khi kinh nghiệm của bé với đồ ăn nâng lên, và khi bé phát hiện ra món ăn được và không ăn được, cũng như điều bé nên trông mong từ mỗi loại thức ăn, bé học cách tin tưởng vào khả năng đánh giá của mình. Các em bé tự tin trở thành các em bé tập đi tự tin, các bé không e sợ khi phải thử cái mới và lấy lại tinh thần nhanh chóng khi mọi thứ không theo ý muốn. Nhìn con tự ăn giúp cha mẹ tin tưởng vào khả năng và bản năng của bé. Điều này thường cho phép họ có thái độ thoải mái hơn về nhu cầu khám phá thế giới của bé, và đổi lại, bé sẽ có nhiều tự do hơn để học hỏi.
Tin tưởng đồ ăn
Các bé BLW được phép vận dụng bản năng để quyết định món ăn và không ăn, nên hiếm khi bé nghi ngờ thức ăn - điều này đôi khi được thấy ở các bé khác và bé mới biết đi. Cho phép bé từ chối món ăn mà bé cảm thấy không thích, hoặc có vẻ không an toàn (quá chín/xanh, ôi hoặc độc) nghĩa là bé sẵn sàng nếm thử các món mới hơn, bởi bé biết bé sẽ được quyết định có ăn hay không.
“Trước hết, Emma thích đồ ăn hơn nếu bé được nhìn xem món đó trông thế nào. Bé tỏ ra thận trọng hơn một chút với các món trộn, nhất là món hầm. Bé vẫn ăn, nhưng ban đầu bé sẽ thăm dò trước, bé muốn kiểm tra kĩ trước khi ăn.”
Chị Michelle, mẹ bé Emma 2 tuổi
Cùng gia nhập bữa ăn gia đình
Các em bé BLW được tham gia bữa ăn với gia đình ngay từ đầu, được ăn các món có trong bữa và hưởng không khí đầm ấm, thân thiết bên gia đình. Điều này rất thú vị với bé, cho phép bé được bắt chước hành vi ăn, để bé tự nhiên chuyển sang sử dụng dụng cụ ăn và thích ứng với cung cách ăn của gia đình. Bé học được các loại thực phẩm khác nhau, cách giao tiếp. Bé cùng ăn với gia đình giúp cảm nhận sự ấm cúng của tình cảm gia đình, phát triển kĩ năng xã hội, khả năng ngôn ngữ và ăn uống lành mạnh.
Kiểm soát cơn đói
Thói quen ăn được hình thành từ khi thơ ấu có thể kéo dài suốt đời. Các bé sẽ ăn khi đói và có ít nguy cơ ăn quá nhiều dẫn đến thừa chất dinh dưỡng. Bé ăn theo tốc độ của riêng bé và quyết định dừng khi bé no bụng. Đây là yếu tố quan trọng ngăn ngừa bệnh béo phì.
Dinh dưỡng tốt hơn
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng các trẻ có cha mẹ áp dụng phương pháp BLW và cho phép bé tham gia bữa ăn với gia đình ngay từ đầu thường ít chọn các món ăn không tốt cho sức khỏe khi bé lớn hơn, và thường được cung cấp dinh dưỡng tốt hơn. Điều này một phần là vì các bé thường bắt chước hành động của cha mẹ, ăn đồ ăn của người lớn bất kể bé ở nơi đâu, và một phần là vì các bé có xu hướng trở thành người thích khám phá đồ ăn.
Sức đề kháng tốt
Vì các cữ sữa sẽ được giảm dần dần, nên các bé BLW được bú sữa mẹ thường tiếp tục bú sữa mẹ lâu hơn. Sữa mẹ không chỉ cung cấp lượng dinh dưỡng cân bằng hoàn hảo mà còn giúp bảo vệ mẹ và bé khỏi các chứng bệnh nguy hiểm.
Làm quen với thức ăn thô, mịn và học cách nhai
Các bé BLW trải nghiệm các dạng thức và độ thô, mịn khác nhau của thực phẩm từ rất sớm, thay vì tất cả đồ ăn cho bé đều chỉ là món xay nhuyễn. Vì bé có cơ hội tập nhai và đưa đẩy thức ăn trong miệng nên so với các bé chỉ được đút thìa, bé sẽ nhanh chóng thuần thục hơn trong kĩ năng xử lý thức ăn. Học cách nhai hiệu quả cũng hữu ích với kĩ năng phát âm và tiêu hóa. Có cơ hội được làm quen với thức ăn đa dạng ngay từ đầu nghĩa là bữa ăn sẽ thú vị hơn với bé, giúp bé có khả năng nhận được tất cả chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể.
Cơ hội được trải nghiệm thức ăn thực
Phương pháp BLW cho phép bé trải nghiệm niềm vui đích thực của quá trình ăn. Là người lớn, chúng ta thường coi điều này là lẽ thường tình và quên mất sự đóng góp của các hương vị và kết cấu của thức ăn đối với niềm vui trong bữa ăn. Các thực phẩm nhũ nhi “giai đoạn đầu” truyền thống thường bao gồm một số thành phần, tất cả đều được xay thành một hỗn hợp đồng nhất. Điều này không chỉ có nghĩa là bé chỉ được trải nghiệm một dạng kết cấu, mà còn có nghĩa là bé không có cơ hội khám phá hương vị riêng của từng thành phần. Việc này ảnh hưởng đến chế độ ăn và niềm vui của bé khi ăn.
“Lần đầu tiên nhìn thấy một em bé BLW ăn, tôi thực sự bất ngờ khi thấy bé rất tự tin với các thực phẩm thông thường của người lớn. Mới 10 tháng tuổi, nhưng bé đã có thể bốc các mẩu thức ăn để ăn, và rõ ràng bé biết các món khác nhau có vị thế nào, vì thế bé thường chọn món bé thích. Có vẻ như bé rất hài lòng - và suốt bữa ăn, bé vô cùng thích thú.”
Chị Maryanne, quản lý lớp mẫu giáo
Thái độ tích cực với đồ ăn
Rất nhiều các bệnh rối loạn dinh dưỡng của trẻ em, thậm chí của thanh thiếu niên, đều có thể xuất phát từ khi thơ ấu. Nếu trải nghiệm ban đầu của bé với thực phẩm lành mạnh và vui thú, các vấn đề như từ chối thức ăn và sợ thức ăn sẽ giảm bớt.
Chuẩn bị bữa ăn dễ dàng hơn, bớt phức tạp hơn
Làm thức ăn xay nhuyễn rất cầu kỳ và mất thời gian. Với phương pháp BLW, điều đó không cần thiết. Chỉ cần chế độ ăn của cha mẹ tốt cho sức khỏe, họ có thể dễ dàng điều chỉnh bữa ăn cho phù hợp với bé. Thay vì đút thìa cho bé đến khi bữa tối của bạn lạnh ngắt, với phương pháp BLW, bạn và bé có thể cùng ăn.
Không còn trận chiến khi đến giờ ăn nữa
Khi không có áp lực phải bắt bé ăn, sẽ không có cơ hội để bữa ăn trở thành trận chiến. Thay vào đó, cả gia đình có thể cùng nhau hưởng thụ bữa ăn không-căng-thẳng, giúp cha mẹ và bé cùng vui vẻ.
Khi biết đi bé bớt kén ăn hơn
Kén ăn và không chịu ăn ít xảy ra hơn với các bé được áp dụng phương pháp BLW. Đó là bởi vì phương pháp này giúp bé thích ăn, và bởi vì ngay từ đầu bé đã tập ăn các món thông thường trong bữa cơm gia đình nên bé không phải chuyển từ thực phẩm nhũ nhi sang thức ăn lổn nhổn, và rồi chuyển sang bữa ăn gia đình - việc này khiến rất nhiều bé thấy khó bắt nhịp.
“Tôi thấy các bé được khuyến khích ăn dặm theo phương pháp này có chế độ ăn đa dạng hơn và khi lớn, bé ít kén chọn đồ ăn hơn.”
Chị Beverley, y tá chăm sóc người bệnh tại nhà riêng
Không cần phải làm trò hoặc lừa bé
Rất nhiều cha mẹ cho bé ăn bằng thìa nhận thấy bé không thích ăn và họ phải nghĩ ra vô số cách để thuyết phục bé ăn. Phương pháp BLW tôn trọng quyết định của bé về việc ăn (hoặc không ăn) và thời điểm dừng ăn, nên không cần phải thuyết phục. Nghĩa là không còn cần đến những trò chơi tàu hỏa và máy bay phản lực kêu rầm rầm để lừa bé ăn món ăn mà bé không muốn. Và cũng không cần phải lừa các bé biết đi ăn lành mạnh bằng cách chế biến thức ăn dưới các hình dạng đặc biệt (ví dụ như hình mặt cười) hoặc “giấu” rau trong món ăn khác.
Bé không bị ra rìa
Khi bé được cho ăn vào giờ khác với giờ ăn của gia đình, chắc hẳn sẽ rất khó để giữ cho bé vui vẻ trong khi cả gia đình dùng bữa. Với phương pháp BLW, cả nhà cùng ăn với nhau, và mỗi người đều là một phần của hoạt động đang diễn ra.
Thật dễ dàng khi đi ăn ngoài
Phương pháp BLW nghĩa là trong thực đơn nhà hàng thường có món mà bé có thể ăn, đặc biệt là với các bé được áp dụng phương pháp này thường rất thích khám phá món ăn mới. Cha mẹ có cơ hội thưởng thức món ăn khi vẫn còn nóng hổi. Trong khi đó, các bé sẽ học được rằng thức ăn nhà hàng khác với ở nhà, từ hương vị đến hình thức - và bé phải đợi để món ăn được mang ra. Toàn bộ việc này sẽ giúp trải nghiệm của bé khác với trải nghiệm của bé khi được cho ăn thức ăn y như món ở nhà vẫn ăn và cùng trong một cái bát nhỏ giống ở nhà luôn. Phương pháp này cũng giúp việc đi ăn ngoài tự phát dễ dàng hơn: dễ dàng tìm được món cho bé ăn, không phải lo về việc phải chuẩn bị sẵn món xay nhuyễn hoặc hâm nóng món ăn cho bé trong khi cả nhà đi ăn ngoài.
“Tôi thực sự không tin mọi việc dễ dàng đến vậy khi chúng tôi đi ăn ngoài. Cháu gái tôi cũng ăn các món mà chúng tôi ăn. Khi con trai tôi ở vào độ tuổi của con bé, tôi luôn phải đem theo nào lọ nào túi đồ ăn sẵn, rồi cuống cuồng tìm cách đun nóng đồ ăn cho con. Con bé ăn thử mọi món mà chúng tôi đưa cho và nó ăn đa dạng lắm. Dường như việc này bớt phiền nhiễu hơn thời của tôi rồi!”
Bà Anne, bà nội bé Lilly 9 tháng tuổi
Rẻ hơn
Để bé cùng ăn món ăn của gia đình rẻ hơn mua và chuẩn bị bữa ăn riêng cho bé. Và còn rẻ hơn nhiều so với thực phẩm nhũ nhi chế-biến-sẵn!
BLW có nhược điểm nào không?
Bừa bộn
Được rồi, đúng vậy, phương pháp này hơi bừa bộn! Nhưng vào thời điểm nào đó, tất cả các bé đều phải học cách tự ăn và lúc đó cũng sẽ bừa bộn thôi. Chỉ có điều, với phương pháp BLW, sự bừa bộn sẽ đến sớm hơn. Tin tốt lành là, đối với nhiều bé, thời gian bừa bộn này rất ngắn; bởi bé có cơ hội tập ăn thường xuyên, nên bé sẽ nhanh chóng ăn thuần thục. Có rất nhiều cách chuẩn bị trước cho tình trạng bừa bộn này và dù sao đi nữa, cho ăn bằng thìa cũng rất bừa bộn mà!
Sự lo lắng của người thân và bạn bè
Đối phó với nỗi lo và sự hoài nghi của người thân và bạn bè không thực sự là một bất lợi, nhưng đây có thể là một rắc rối của BLW. Bởi vì trước đây phương pháp này chưa được nói đến nhiều nên rất nhiều người không biết đến phương pháp ăn dặm do bé chỉ huy này, cũng không hiểu phương thức thực hiện của nó. Nghĩa là họ hoài nghi hoặc lo lắng - cho đến khi họ tận mắt chứng kiến.