“Cái hay là ở chỗ dấu hiệu sẵn sàng rất rõ rệt. Khi bé có thể tự ngồi, biết với tay, bốc thức ăn và đưa vào miệng, nhai và nuốt, lúc đó hệ tiêu hóa của bé sẵn sàng rồi. Tạo hóa luôn luôn đúng.”
Chị Hazel, mẹ bé Evie 8 tuổi, Sam 5 tuổi và Jacky 22 tháng tuổi
Phát triển kĩ năng
Học cách ăn thô là kỹ năng tự nhiên trong sự phát triển của bé - cũng giống như khi bé học bò, tập đi và học nói. Đây là một kỹ năng sơ đẳng của quá trình phát triển. Mặc dù một số bé phát triển sớm hơn các bạn cùng tháng tuổi, nhưng sự phát triển của các bé hầu như đều tuân theo một kiểu mẫu và bé học được kĩ năng mới theo cùng một trình tự giống với mọi đứa trẻ. Ví dụ, hầu hết các bé sẽ học các kĩ năng theo thứ tự sau:
• Lẫy
• Ngồi
• Bò
• Đứng
• Đi
Nguyên tắc này đúng với tất cả các mặt trong sự phát triển của bé - bao gồm cả việc tập ăn.
Các bé phát triển những kĩ năng này mà không cần ai phải dạy dỗ cả. Nói cách khác, bé không thực sự “học” kĩ năng, chỉ đơn giản là bé có khả năng tập luyện các kỹ năng. Một số kĩ năng phát triển từ từ, một số kĩ năng khác dường như xuất hiện chỉ trong một đêm, nhưng tất cả đều là kết quả của việc bé tập và kết hợp các cử động với nhau. Các kĩ năng này phát triển liên tục, bắt đầu từ khi bé chào đời. Rất nhiều cử động đầu đời là do bản năng, nhưng khi bé biết kiểm soát cơ thể hơn, bé bắt đầu biết làm mọi việc có chủ đích.
Tất cả các bé đều phát triển các kĩ năng liên quan đến việc tự ăn, mặc dù các bé có cơ hội được tập luyện - bằng cách bốc đồ ăn - thường giỏi kĩ năng hơn các bé được tập ăn bằng thìa. Theo tự nhiên, bé phát triển các kĩ năng theo trình tự sau:
• Bú mẹ
• Thò tay với các đồ vật bắt mắt
• Cầm đồ vật và đưa lên miệng
• Dùng môi và lưỡi khám phá mọi thứ
• Cắn một mẩu thức ăn
• Nhai
• Nuốt
• Cầm đồ vật nhỏ bằng “càng cua” (dùng ngón cái và ngón trỏ).
Khi chào đời, bé có thể tìm và bú mẹ. Tất cả các bé khỏe mạnh, bình thường, sinh đủ ngày đủ tháng đều có sẵn kĩ năng này. Bé cũng có phản xạ nuốt cơ bản. Hoạt động mút ti mẹ hoặc mút núm ti bình đưa sữa vào miệng bé, và ở đó, phản xạ nuốt được kích thích.
Từ 3 tháng tuổi, bé bắt đầu chú ý đến đôi tay mình: bé nhìn thấy tay, bắt đầu vẫy vẫy trước mặt và quan sát đôi tay. Nếu có gì đó chạm vào lòng bàn tay bé, bé tự động nắm tay vào. Dần dần, bé bắt đầu chủ tâm đưa bàn tay lên miệng. Ở độ tuổi này, các cơ của bé vẫn chưa kết hợp đồng bộ lắm - bé có thể vô tình đập tay vào mặt hoặc có vẻ ngạc nhiên khi biết trong tay bé có gì đó.
Khi 4 tháng tuổi, bé có thể vươn người ra với các đồ vật hấp dẫn bé. Khi cử động của bé thuần thục hơn, bé bắt đầu lắc cánh tay và bàn tay chính xác để nắm đồ vật và đưa lên miệng. Môi và lưỡi bé rất nhạy cảm, bé vận dụng hai bộ phận này để học về hương vị, kết cấu, hình dạng và kích thước của đồ vật.
Khi 6 tháng tuổi, hầu hết các bé đều có thể với các đồ vật dễ cầm, nắm lấy chúng và đưa lên miệng. Nếu bé có cơ hội nhìn ngắm, với và cầm thức ăn (thay vì chỉ có đồ chơi) bé sẽ đưa vào miệng. Mặc dù có vẻ như bé đang tự ăn, nhưng thực ra bé không thực sự nuốt, thay vào đó, bé chỉ dùng môi và lưỡi để khám phá đồ ăn mà thôi.
Các kĩ năng của bé sẽ lần lượt phát triển khi bé ở độ tuổi từ 6 đến 9 tháng. Trước hết, bé dùng lợi (hoặc dùng răng nếu răng đã mọc) cắn hoặc gặm các mẩu thức ăn nhỏ. Ngay sau khi bé phát hiện ra cách giữ thức ăn trong miệng, do kích thước và hình dạng khoang miệng của bé đã thay đổi và hiện bé có thể kiểm soát lưỡi tốt hơn nên bé có thể đưa đẩy thức ăn trong miệng và nhai. Nhưng trong giai đoạn này, cho đến khi bé biết ngồi thẳng, thức ăn sẽ gần như rơi ra khỏi miệng thay vì được nuốt vào.
Câu chuyện BLW
Tôi không hề biết mình có nên cho con ăn theo bản năng kiểu phương pháp BLW hay không nếu như Arne không chỉ cho tôi thấy. Khi mới 6 tháng tuổi, bé ngồi cạnh Evie, con gái lớn của tôi, khi con bé đang ngồi xem tivi, và lúc đó bé cầm bánh sandwich Marmite và cắn một miếng. Bánh Marmite hơi mặn phải không? Bạn sẽ không thể nghĩ ra món ăn dặm đầu tiên nào thuộc dạng chống-chỉ-định-cho-bé hơn nó đâu! Nhưng ăn gì là lựa chọn của bé chứ không phải món tôi chuẩn bị cho bé; bé có được thứ bé muốn. Bé vui lắm.
Quả là khác so với hồi tôi cho Evie ăn. Khoảng 5 tháng tuổi con bé bắt đầu ăn dặm và việc này thật kinh khủng. Tôi chắc chắn mình đã khóc khi lần đầu tiên cho con bé ăn; hồi đó con bé vẫn chưa ngồi thẳng được, vì vậy nó phải ngồi vào ghế tựa, còn bột chảy hết ra khỏi miệng. Tôi phải gắng sức vắt sữa cho vào thức ăn của bé cho món đó thật lỏng.
Vậy nên khi có Arne, vợ chồng tôi quyết định đợi thêm một thời gian nữa và sau đó, khi bé cắn miếng bánh sandwich, chúng tôi cũng thử nghiền nhuyễn chút đồ ăn cho bé, nhưng bé không thích ăn, vì vậy chúng tôi nghĩ, “tại sao không cho bé ăn các mẩu thức ăn nhỉ?”
Bé ăn súp lơ, cà rốt, sau đó ăn thịt hoặc món gì đó – bé có đầy đủ chất dinh dưỡng hơn và tự điều chỉnh giỏi hơn chị gái. Với con bé, có những giai đoạn nó kiên quyết không chịu ăn bất cứ món gì; tôi phải tỉ mẩn chuẩn bị món xay và rồi nó không ăn. Tôi có cảm giác như bị tra tấn. Nhưng với Arne, cả quá trình này trở nên dễ dàng hơn nhiều, vậy nên chúng tôi cũng áp dụng phương pháp tương tự với George.
Chị Polly, mẹ bé Evie 6 tuổi, bé Arne 4 tuổi và bé George 6 tháng tuổi
Sữa (sữa mẹ hoặc sữa bột) được đưa thẳng vào phần sau của vòm miệng bé, nhưng thức ăn dặm cần phải được đưa đẩy linh hoạt trong miệng. Bé không thể thực hiện được kĩ năng này trước khi bé phát hiện ra cách cắn và nhai. Nghĩa là, trong tối thiểu một hoặc hai tuần, các thức ăn bé đưa vào miệng sẽ bị rơi ra ngoài. Bé sẽ chỉ bắt đầu nuốt khi các cơ lưỡi, má và hàm phối hợp linh hoạt với nhau. Đây là sự bảo vệ bẩm sinh, giúp bé tối thiểu hóa nguy cơ bị nghẹn. Nhưng việc này sẽ chỉ hiệu quả nếu bé là người đưa thức ăn vào miệng - và tự bé cần phải kiểm soát việc này.
Khi bước sang tháng thứ 9, bé sẽ phát triển kĩ năng “càng cua” - bé kết hợp ngón cái và ngón trỏ để cầm các đồ vật nhỏ (hoặc thức ăn). Trước giai đoạn này, bé không thể cầm các đồ vật rất nhỏ (ví dụ như một quả nho khô hoặc hạt đậu) đưa vào miệng.
Các bé được phép tự ăn vào bữa ăn gia đình có rất nhiều cơ hội thực hành các kĩ năng này, nhanh chóng trở nên tự tin và biết thích nghi. Cũng như bé sẽ đi khi sẵn sàng, nên dường như, bé cũng sẽ bắt đầu ăn dặm khi bé sẵn sàng - miễn là bé được trao cơ hội để ăn.
Hầu hết các nghiên cứu về giai đoạn bé bắt đầu ăn dặm đều tập trung vào thời điểm bé nên bắt đầu ăn dặm và món ăn mà bé nên được cho ăn. Mối quan hệ giữa cách thức phát triển của bé và cách thức bé bắt đầu ăn dặm thường bị bỏ qua. Nhưng khi Gill Rapley đồng tác giả cuốn sách này quan sát các bé cầm thức ăn (tham khảo Phụ lục 1), tác giả hiểu rằng, theo bản năng, các bé biết thời điểm sẵn sàng ăn dặm và theo lẽ tự nhiên, bé sẽ phát triển các kĩ năng cần thiết cho mình.
“Ngay khi có người giải thích phương pháp BLW cho tôi, tôi đã nghĩ ‘Đúng rồi, rất hợp lý!’ Tôi thấy mình thật ngu ngốc khi bản năng làm mẹ của mình không hay biết đến phương pháp này khi sinh đứa con đầu lòng. Vì vậy, với John, tôi biết phải cho thằng bé ăn thế nào; theo kinh nghiệm nuôi hai đứa con trước, chúng tôi nhận thấy phương pháp này hoàn toàn phù hợp. Bạn không cần phải chuẩn bị thức ăn có thể nhón tay để bổ sung vào món bột xúc-thìa nữa, mà đó chính là cách duy nhất để cho bé ăn.”
Chị Liz, mẹ Heather 8 tuổi, Edwin 5 tuổi và bé John 20 tháng tuổi
Phương pháp BLW và nuôi con bằng sữa mẹ
Tự ăn là hành vi hoàn toàn tự nhiên trong quá trình phát triển của bé, dù bé bú sữa mẹ hay sữa bột. Tất cả các bé đều rất hiếu kì về thế giới xung quanh, nên khoảng 5 tháng tuổi, các bé bắt đầu nhặt những món đồ và đưa lên miệng. Tuy nhiên, bú mẹ có vai trò quan trọng giúp bé chuẩn bị ăn dặm. Dưới đây là cơ chế làm việc của phương pháp nuôi con bằng sữa mẹ:
• Các bé bú mẹ tự ăn khi ở gần ti mẹ. Mẹ phải giữ bé ở tư thế phù hợp, nhưng bé chính là người thực hiện quá trình ăn, bằng cách ngậm ti mẹ, sau đó nhả ti ra khi đã no bụng. Thật ra, bạn sẽ không thể bắt bé bú mẹ - nếu thử rồi chắc chắn bạn hiểu rõ điều này. Vì vậy, các bé bú mẹ tự ăn rất lâu trước khi bé bắt đầu ăn dặm. Nhưng khi bú bình, các bé phụ thuộc vào mẹ nhiều hơn, vì mẹ phải đóng vai trò chỉ đạo. Bé đợi mẹ đưa núm ti vào miệng và mong mẹ sẽ giữ nguyên bình cho đến khi bé bú đủ.
• Các bé bú mẹ luôn luôn có khả năng kiểm soát. Các bé có thể thay đổi tốc độ ăn và lượng sữa bú, tùy thuộc vào mức độ đói hoặc khát của bé. Ngược lại, tốc độ bú của các bé bú bình chủ yếu được quyết định bởi kích thước lỗ thủng trên núm ti. Và bạn có thể thuyết phục bé bú nhiều sữa hơn lượng sữa bé muốn, chỉ bằng cách đưa núm ti vào miệng bé để bé mút (phản xạ mút là phản ứng tất yếu - đó là một phản xạ tự động).
• Phương thức sử dụng cơ miệng của bé bú mẹ khác với bé bú bình. Khi bú mẹ, miệng bé cử động tương tự như khi bé nhai, trong khi bú bình giống hút ống hút hơn. Vì vậy cơ miệng của bé bú bình không được chuẩn bị sẵn sàng để nhai như cơ miệng của bé bú mẹ. Nghĩa là có thể bé sẽ mất thêm một chút thời gian để học cách đưa đẩy thức ăn quanh miệng một cách hiệu quả.
• Vị sữa mẹ thay đổi trong mỗi lần bú, tùy thuộc vào thực phẩm mẹ ăn. Vì vậy, ngay từ rất sớm, các bé bú mẹ quen với vị sữa đa dạng, trong khi các bé bú bình chỉ biết đến một vị duy nhất. Nghĩa là bé bú mẹ sẽ dễ thích nghi với hương vị đa dạng của món ăn, giúp bé thích thử nghiệm hơn. Trong khi đó, cha mẹ của các bé bú bình có thể sẽ nhận thấy bé không sẵn lòng thử quá nhiều vị cùng lúc.
Tuy nhiên, vì phương pháp BLW là sự chuyển đổi tự nhiên đối với các bé bú mẹ, điều đó không có nghĩa là phương pháp này sẽ khó áp dụng với các bé bú bình - chỉ là có thể bé sẽ mất nhiều thời gian hơn một chút để làm quen và trở nên thích khám phá như bé bú mẹ. Một số yếu tố của BLW với các bé bú bình sẽ khác với các bé bú mẹ; ví dụ, cách cho bé tập uống và cách giảm lượng sữa khi bé ăn dặm nhiều hơn nhưng nội dung chung của phương pháp này đều phù hợp với tất cả các bé.
“Dường như rất nhiều bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu đều nhận thấy, BLW là lựa chọn tối ưu khi họ bắt đầu cho bé ăn dặm, và họ vẫn có thể tiếp tục cho con bú vì sữa mẹ rất tốt cho sức khỏe của bé.”
Chị Nicky, cố vấn phương pháp nuôi con bằng sữa mẹ
Làm gián đoạn hành vi bé tự ăn
Các bé có thể tự ăn (từ ti mẹ) ngay khi chào đời và hầu hết các bậc cha mẹ đều không mong sẽ phải cho trẻ 2 hoặc 3 tuổi ăn – họ mong con sẽ có thể tự ăn. Có vẻ không hợp lý khi quá trình tự ăn tự nhiên của bé bị gián đoạn khi bé 6 tháng tuổi, bằng việc cho bé tập ăn bằng thìa, và sau đó cha mẹ lại phải quyết định thời điểm cho bé tự ăn trở lại.
Từ 6 tháng tuổi bé có thể tự ăn dặm; bạn không cần phải chen vào để giúp bé làm việc này trong vài tháng – và bạn cũng không cần xác định thời điểm ngừng can thiệp. Bé có thể tự ăn suốt cả quá trình.
Động cơ khiến bé ăn
Động lực cho bé 6 tháng tuổi tự đưa thức ăn lên miệng không hề liên quan đến cơn đói. Các bé muốn bắt chước hành động của người khác, một phần vì bé tò mò, một phần vì bản năng cho bé biết rằng làm thế là an toàn. Vì vậy, chúng ta không nên ngạc nhiên khi thấy bé muốn cầm thức ăn mà cha mẹ vừa ăn.
Hầu hết sự phát triển từ thời thơ ấu - có thể là tất cả quá trình - đều liên quan đến sự tồn tại. Bé cần phải biết thức ăn nào an toàn và thức ăn nào có độc, vì vậy bé quan sát cha mẹ thật kĩ lưỡng để xem cha mẹ đưa thức ăn nào vào miệng. Hành vi này bắt đầu xảy ra vào khoảng thời gian khi bé bắt đầu phát hiện ra cách dùng bàn tay và cánh tay để cầm nắm đồ vật.
Sự hiếu kỳ của bé mãnh liệt đến mức nếu bé muốn cầm một đồ vật, bé sẽ liên tục thực hành cử động cần thiết để cầm được món đồ đó, lặp đi lặp lại như vậy. Và khi bé cố cầm được một đồ vật, bé sẽ đưa ngay lên miệng để khám phá và thử nghiệm. Vì vậy, khi lần đầu tiên bé đưa thức ăn vào miệng, bé coi món ăn đó là một món đồ chơi hoặc một đồ vật mới. Trước đó, bé không hề có ý niệm rằng món ăn đó có hương vị hoặc có thể ăn được. Nếu bé cố cắn một miếng, bé sẽ nhai bằng lợi, để khám phá xem món đó tạo cảm giác thế nào và hương vị ra sao. Có rất ít khả năng là bé sẽ nuốt, một phần vì bé không muốn, nhưng phần lớn là vì bé chưa thể nuốt. Bé vẫn chưa thể chủ ý đưa mẩu thức ăn ra phần sau của vòm miệng, và trừ khi bé ngồi thẳng và không bị xao nhãng, mẩu thức ăn đó khó có khả năng vô tình được đưa ra phần vòm miệng sau. Nhiều khả năng hơn là bé sẽ nhè mẩu thức ăn ra.
Nếu bé được phép tự đưa thức ăn vào miệng ngay từ khi bé có thể, bé sẽ học được về độ thô mịn và hương vị của thức ăn rất lâu trước khi bé biết nuốt. Và bé sẽ dần dần phát hiện ra rằng thức ăn có thể giúp bé cảm thấy no bụng. Động cơ cầm nắm thức ăn của bé chỉ thay đổi một khi bé biết được mối liên hệ giữa thức ăn và cơn đói. Kĩ năng này sẽ phát triển khi bé ở vào 8 tháng tuổi đến 1 tuổi. Đây là thời điểm hoàn hảo, vì lúc đó bé mới thực sự bắt đầu cần thức ăn có đầy đủ chất dinh dưỡng.
Các điểm cốt yếu
• Động cơ khiến bé đưa thức ăn vào miệng là do bé hiếu kì và bắt chước - không phải do đói bụng.
• Trong khoảng 4 tháng đầu hoặc lâu hơn, thức ăn thô giúp bé học hỏi.
Cần thêm dinh dưỡng
Thật là hoang đường khi người ta cho rằng sữa mẹ thay đổi khi bé khoảng 6 tháng tuổi và không còn “đủ” chất cho bé nữa. Thực tế, sữa mẹ của bé 6 tháng tuổi - hay thậm chí bé 2 tuổi - hầu như vẫn có giá trị dinh dưỡng như nhau; chỉ là do nhu cầu dinh dưỡng của bé đã thay đổi. Sữa mẹ tiếp tục là nguồn thức ăn có đủ dinh dưỡng cân bằng cho trẻ nhỏ ở bất kỳ tuổi nào.
Các bé sinh ra với nguồn dinh dưỡng được tích lũy trong suốt quá trình nằm trong bụng mẹ. Nguồn dinh dưỡng dự trữ này được sử dụng ngay từ khi bé chào đời, nhưng lượng sữa bé bú được cũng đủ đảm bảo nguồn dinh dưỡng dự trữ này vẫn còn dồi dào. Từ 6 tháng tuổi trở đi, sự cân bằng này thay đổi, nên bé dần dần cần nhiều dinh dưỡng hơn là nguồn dinh dưỡng do sữa mẹ hoặc sữa bột cung cấp.
Cần nhận thấy rằng, khi 6 tháng tuổi, hầu hết các bé mới chỉ bắt đầu gia tăng chế độ ăn chỉ có sữa. Ví dụ, hầu hết các bé sinh đủ ngày đủ tháng đều có lượng dự trữ đầy đủ chất sắt để bé phát triển mà không gây ra vấn đề gì - nguồn dự trữ này không cạn kiệt chỉ sau một đêm. Nhưng bé cần tập ăn thô khi khoảng 6 tháng tuổi, nhằm giúp bé phát triển các kĩ năng cần thiết để ăn các loại thực phẩm khác nhau và làm quen với hương vị mới, để chuẩn bị sẵn sàng cho thời điểm mà chúng thực sự bắt đầu phụ thuộc vào các thức ăn khác như là nguồn cung cấp dinh dưỡng chính.
Bé từ từ phát triển nhu cầu cần thêm chất dinh dưỡng hơn dường như phù hợp với sự phát triển dần dần của kĩ năng tự ăn. Vì vậy, khoảng 6 tháng tuổi, khi bé vẫn còn nguồn dự trữ đầy đủ các chất dinh dưỡng, hầu hết các bé đều bắt đầu cầm thức ăn và đưa vào miệng. Khoảng 9 tháng, khi nhu cầu dinh dưỡng tăng thêm, hầu hết các bé BLW đều đã phát triển kĩ năng cần thiết để ăn nhiều loại thức ăn của gia đình, giúp bé có được nguồn dinh dưỡng cần thiết. Ở vào độ tuổi này (mặc dù có sự dao động nhỏ giữa các bé với nhau) rất nhiều cha mẹ BLW nói rằng dường như bé nhà họ ăn có chủ đích hơn - cứ như thể theo bản năng bé biết bé thực sự cần nguồn thức ăn này để cùng bổ sung cho các bữa sữa của mình.
Dần dần giảm cữ sữa
Rất nhiều cha mẹ cảm thấy áp lực khi phải giảm cữ sữa của con để bé ăn dặm nhiều hơn, nhưng việc này không nên vội vàng.
Giữa 6 đến 9 tháng tuổi, lượng sữa mẹ hoặc sữa bình nên được giữ nguyên trong khi thức ăn dặm tăng dần dần. Chỉ khoảng từ tháng thứ 9 mới nên giảm sữa và tăng thức ăn dặm. Nếu bé được phép quyết định thời điểm bắt đầu ăn dặm và tiến độ của quy trình này, bé sẽ tuân thủ lộ trình tự nhiên là ăn dặm nhiều hơn và uống ít sữa hơn.
Giữa các bé có sự khác biệt rất lớn trong tốc độ làm quen với thức ăn dặm và bắt đầu giảm dần dần cữ sữa. Một số bé nuốt ngay thức ăn (khoảng 6 tháng tuổi) và khi 9 tháng tuổi, bé tự ăn thành thạo và sẵn sàng cắt giảm sữa.
Các bé khác bắt đầu dần dần, chỉ tỏ ra thích khám phá thức ăn, cho đến khi hơn 8 tháng tuổi, và bé vẫn chỉ ăn rất ít khi 10 hoặc thậm chí 12 tháng tuổi.
Và đương nhiên, giữa các thời điểm này cũng có rất nhiều khác biệt. Có những bé khởi đầu rất hào hứng nhưng chỉ sau vài tuần nhịp độ của bé có vẻ chững lại. Và cũng có những bé mất khá nhiều thời gian mới quan tâm đến đồ ăn dặm, nhưng khi thích thú rồi, bé phát triển với tốc độ đáng kinh ngạc.
Có những bé lại rất đáng ngạc nhiên, xen kẽ các tuần dường như không xảy ra điều gì, kế đến là các tuần mà mỗi ngày bé có một hành vi mới. Tất cả những điều này hoàn toàn bình thường - và rất khác với tiến bộ ổn định, theo-từng-giai-đoạn mà các bậc cha mẹ được khuyên nên trông đợi khi bé ăn món xay nhuyễn.
“Một trong những vấn đề tôi gặp phải với phương pháp ăn dặm truyền thống là các ‘giai đoạn’ mà bé được kì vọng sẽ trải qua; BLW xua tan hết những vấn đề đó.”
Chị Helen, chuyên gia dinh dưỡng
Phát triển kĩ năng nhai
Các kỹ năng sử dụng miệng sẽ ngày càng hoàn thiện cùng với các kỹ năng khác. Nhai, nuốt và nói đều tùy thuộc vào các cử động thuần thục của cơ miệng, trong đó có lưỡi. Các bé sơ sinh có thể phối hợp các cơ này để bú mẹ (hoặc bú bình) và chỉ có vậy mà thôi. Đó là lí do khiến thức ăn cho các em bé còn quá nhỏ phải thật mềm và lỏng, bởi cách duy nhất giúp bé xử lý là nuốt chửng.
Rất nhiều người cho rằng bé cần phải được cho ăn bằng thìa trước khi biết xử lý thức ăn thực sự “cứng” - nhưng đây không phải là vấn đề. Theo lẽ tự nhiên, khi miệng bé phát triển hoàn thiện, các bé có thể xử lý thức ăn có thể nhai. Cụ thể, việc bú mẹ ngay từ khi bé chào đời giúp phát triển các cơ sẽ được vận dụng cho kĩ năng nhai và nói sau này.
Trước đây, người ta tin rằng các bé phải làm quen với thìa trước khi chuyển sang thức ăn lổn nhổn; nhưng điều này cũng không đúng. Các bé có phản xạ “đẩy lưỡi” mà bé sử dụng (một cách vô thức) để đẩy mọi thứ, trừ ti mẹ hoặc núm ti, ra khỏi miệng. Có thể đây là cơ chế an toàn, giúp ngăn chặn nguy cơ bé nuốt vật thể cứng. Cho ăn bằng thìa từ sớm tức là chúng ta không quan tâm đến phản xạ đẩy lưỡi của bé, khiến việc cho ăn rất khó khăn và bừa bộn. Vậy nên, điều mà nhiều năm nay người ta giả định bé “làm quen với thìa” thực chất chỉ là sự biến mất của phản xạ đẩy lưỡi.
Tương tự như vậy, bé không học nhai; thay vào đó, các bé chỉ phát triển khả năng nhai, vì vậy bé không cần được “dạy” nhai bằng cách ăn đút thìa và chậm chạp chuyển từ giai đoạn ăn món xay nhuyễn sang món ăn lổn nhổn.
Các bé vẫn có thể nhai dù chưa mọc răng
Các bé 6 tháng tuổi thường có một hoặc hơn một cái răng, nhưng không phải bé nào cũng mọc răng ở độ tuổi này. Dù có răng hay không cũng không tạo nhiều khác biệt lắm với khả năng cắn hoặc gặm thức ăn của bé – chỉ đơn giản là bé sử dụng lợi của mình. Chắc chắn điều này cũng không tạo sự khác biệt đối với việc bé có biết nhai hay không. (Tuy nhiên, có thể các bé sẽ phải đợi cho đến khi có thêm răng mới có thể cắn thức ăn cứng như cà rốt sống.) Lợi bé cắn và nhai rất tốt – các bà mẹ cho con bú từng bị bé cắn bằng lợi sẽ cho bạn biết điều đó!
“Otis vẫn chưa mọc răng. Hai con lớn của tôi cũng ngoài 1 tuổi mới mọc răng, vì vậy tôi biết các bé không cần nhai bằng răng – hai bé đều ăn thức ăn thông thường trong bữa ăn của gia đình khi được 1 tuổi.”
Chị Sadie, mẹ Ellen 9 tuổi, Thomas 5 tuổi và Otis 8 tháng tuổi
Người lớn có xu hướng coi thường việc vận dụng cơ miệng. Nhưng cách bạn đưa kẹo cao su từ má bên này sang má bên kia, hay cách bạn tách hột trái anh đào hoặc quả ô liu để nhả hạt, hay cách bạn đưa lưỡi tìm mẩu xương cá hoặc sợi thịt giắt răng, đều là các cử động vô cùng phức tạp. Học cách đưa thức ăn quanh miệng rất quan trọng đối với việc vệ sinh miệng sạch sẽ và an toàn, cũng như đối với việc ăn và nói - và cách tốt nhất để học các kĩ năng này là thực hành với nhiều loại thức ăn có độ thô mịn khác nhau.
Thức ăn có độ thô mịn khác nhau cũng bổ trợ cho niềm vui và hứng thú ăn; không chỉ hương vị thức ăn mới tạo ra niềm hứng khởi. Bạn hãy hình dung xem người lớn sẽ chán ngán đến mức nào nếu tất cả thức ăn của chúng ta đều có độ thô mịn như nhau (nhất là khi thức ăn đó đều được xay hoặc nghiền nhuyễn.) Thức ăn cứng, giòn, cần nhai nhiều, dính và lỏng đều tạo cảm giác khác nhau trong miệng, và cần được xử lý khác nhau. Bé càng được trải nghiệm thức ăn có kết cấu khác nhau, bé càng thuần thục kĩ năng xử lý thức ăn và bé sẽ sẵn sàng thử nghiệm món mới hơn.
“Cửa sổ cơ hội”
Một số người coi giai đoạn từ 4 đến 6 tháng tuổi là “cửa sổ cơ hội” để giúp các bé làm quen với các hương vị và độ thô mịn khác nhau của thực phẩm. Họ lo sợ rằng, nếu “cửa sổ” này bị bỏ lỡ, bé sẽ phải miễn cưỡng chấp nhận thức ăn cứng, dẫn đến khó khăn trong quá trình ăn dặm. Mối lo lắng này dường như bắt nguồn từ thực tế rằng các bé không được đút thìa trước 6 tháng tuổi có vẻ khó ăn dặm hơn các bé kém tháng tuổi.
Thật không may, vì cho ăn đút thìa là phương thức được chấp nhận để cho bé ăn, nên không ai thực sự nghi vấn xem liệu có phải phương thức cho ăn, thay vì thức ăn, khiến trẻ từ chối thức ăn. Các bé 6 tháng tuổi và lớn hơn, nếu được tự ăn, sẽ rất thích nếm thử các loại thức ăn mới; các bé cũng chính là những cậu bé, cô bé tí hon thích tự mình làm mọi việc. Vì vậy, nếu có thời điểm lý tưởng để các bé làm quen với các hương vị và độ thô mịn khác nhau của thức ăn, giai đoạn này sẽ không bắt đầu một cách tự nhiên trước khi các bé bắt đầu biết đưa thức ăn lên miệng, khi bé ở vào khoảng 6 tháng tuổi.
Ăn đủ nhưng không quá nhiều: Học cách kiểm soát cơn đói
Dù bạn bao nhiêu tuổi, việc nhận biết thời điểm dừng ăn là yếu tố chủ chốt tránh béo phì và duy trì trọng lượng hợp lý với cơ thể, vì vậy có vẻ hết sức bình thường khi bạn ngừng ăn lúc no bụng. Nhưng, rất nhiều trẻ em - và cả người lớn - lại không thể làm việc này.
Rất nhiều cha mẹ lo lắng con ăn vẫn chưa đủ no. Về bản chất, thức ăn được kết nối với sự nuôi dưỡng và tình yêu thương: tất cả chúng ta đều muốn cho bé biết chúng ta yêu các bé đến nhường nào và cho bé ăn là một cách thể hiện tình yêu đó. Đồng thời, chúng ta cảm thấy bị cự tuyệt khi bé từ chối món ăn mà chúng ta nhọc công chuẩn bị. Những cảm xúc này, kết hợp với sự kỳ vọng phi thực tế về lượng thức ăn mà bé nên ăn nghĩa là các bé - và cả trẻ lớn hơn - thường được thuyết phục để ăn nhiều hơn mức cần thiết. Điều này nghĩa là bé dễ dàng học cách ăn-quá-mức, hoặc, trong các trường hợp cực đoan hơn, có thể dẫn đến các vấn đề như từ chối hoặc sợ thức ăn; nghĩa là sự phát triển của khả năng kiểm soát cơn đói thông thường đang gặp nguy hiểm.
Quả là rất dễ thuyết phục bé ăn món ăn mà bé không thích, nhất là khi các bé được đút thìa. Trong khi đó, các bé được phép tự ăn sẽ kiểm soát mức độ ăn của mình một cách tự nhiên - chỉ đơn giản là các bé ngừng ăn khi đã no. Nghĩa là các bé ăn đủ - và không hơn.
Tốc độ ăn cũng rất quan trọng. Nếu bé được phép tự ăn, bé sẽ ăn với tốc độ theo ý muốn, với khoảng thời gian thích hợp để bé xử lý từng loại thức ăn cụ thể. Cha mẹ thường ngạc nhiên khi biết khoảng thời gian bé cần để nhai thức ăn ngậm trong miệng. Biết kiểm soát lượng thức ăn và tốc độ ăn không chỉ giúp bé thấy bữa ăn hứng thú hơn, mà còn giúp bé nhận biết khi nào mình no bụng. Ngược lại, phương pháp cho ăn bằng thìa có thể khuyến khích bé ăn nhanh hơn tốc độ bình thường, gây ảnh hưởng đến cảm giác no bụng của bé. Ăn quá nhanh cũng là một khía cạnh khác liên quan đến hành vi đối với thức ăn và hành vi này có liên quan chặt chẽ đến bệnh béo phì ở người lớn và trẻ em.
“Erin có thái độ rất tích cực với đồ ăn. Con bé có thể kiểm soát cơn đói của bản thân – con bé ăn khi đói bụng và dừng ăn khi no. Ở nước ta, việc ăn uống cứ rối tung rối mù, nên thực sự là khó để mọi người hiểu rõ ưu điểm của phương pháp này.”
Chị Judith, mẹ bé Erin 2 tuổi
“Tôi nhận thấy với phương pháp cho ăn đút thìa, tôi rất khó nhận biết liệu Tristan đã thực sự no bụng chưa khi thằng bé không chịu ăn nữa – hay đó là một phần của trò chơi “tranh nhau cái thìa” với bố nó.”
Anh Andrew, cha của bé Tristan 4 tuổi và bé Madeleine 7 tháng tuổi
Bé sẽ không nghẹn chứ?
Rất nhiều cha mẹ (ông bà và những người khác nữa) lo sợ các bé tự ăn sẽ bị nghẹn, nhưng, nếu các bé kiểm soát được thức ăn đưa vào miệng và nếu bé biết ngồi thẳng, phương pháp BLW không gây ra nhiều nguy cơ nghẹn hơn phương pháp bón thìa - và thậm chí còn ít hơn rất nhiều.
Thông thường, những mối lo lắng về sự cố nghẹn xuất phát từ việc nhìn thấy các bé ọe ra thức ăn và lo sợ bé bị nghẹn; hai cơ chế này có liên quan đến nhau, nhưng không phải là một. Ọe là động tác nôn nhằm đẩy thức ăn ra khỏi đường hô hấp nếu miếng thức ăn đó quá to không thể nuốt được. Bé há miệng và đẩy lưỡi ra trước; có lúc mẩu thức ăn sẽ xuất hiện ở phần trước miệng bé và bé có thể nôn ra một chút. Dường như việc này không gây phiền nhiễu gì cho các bé tự ăn và các bé thường tiếp tục ăn như thể chưa xảy ra chuyện gì.
Ở người lớn, phản xạ ọe được kích hoạt gần mặt sau của lưỡi - bạn phải đưa ngón tay vào tít phía sau cổ họng mới ọe ra được. Tuy nhiên, phản xạ này được kích thích nhanh hơn ở lưỡi của bé 6 tháng tuổi, vì vậy, phản xạ này của bé không chỉ hoạt động dễ dàng hơn so với người lớn mà cũng có thể xảy ra khi mẩu thức ăn gây ra phản xạ này cách xa đường hô hấp hơn. Vì vậy, khi bé 6 hoặc 7 tháng tuổi ọe thức ăn ra, điều đó không có nghĩa là thức ăn đến quá gần đường hô hấp của bé và rất hiếm khi bé bị nghẹn.
Phản xạ ọe có thể là một phần của quá trình bé học cách xử lý thức ăn một cách an toàn. Khi bé kích thích phản xạ này một vài lần, bằng cách nhét quá nhiều thức ăn vào miệng hoặc ấn vào sâu quá trong miệng, bé sẽ học được cách không làm vậy nữa. Khi lớn hơn, dù bé có được phép thử nghiệm bằng phương pháp tự ăn hay không, vị trí nơi phản xạ này được kích thích di chuyển ra sau dọc theo lưỡi bé, để nguy cơ ọe không xảy ra, trừ khi thức ăn ở gần hơn với phía sau lưỡi của bé. Vì vậy, bé sẽ “bỏ được” khuynh hướng ọe thức ăn ra.
Tuy nhiên, do phản xạ ọe chuyển ra phần vị trí sau lưỡi giống như của người lớn nên phản xạ này, vốn là một dấu hiệu cảnh báo, sẽ ngày càng kém hiệu quả hơn. Vì vậy, các bé không được phép khám phá thức ăn ngay từ đầu có thể bỏ lỡ cơ hội vận dụng phản xạ này để giúp bé học cách để thức ăn tránh xa đường hô hấp. Các bằng chứng riêng lẻ gợi ý rằng các bé được đút thìa gặp nhiều vấn đề về ọe và “nghẹn” hơn khi các bé bắt đầu cầm thức ăn (khi các bé khoảng 8 tháng tuổi) so với các bé được phép thử nghiệm với thức ăn sớm hơn.
Tuy nhiên, ọe không phải là vấn đề đáng lo lắng mà cần phải nhớ rằng về bản chất, phản xạ này là đặc tính an toàn. Để đặc tính này đem lại hiệu quả, bé phải ngồi thẳng lưng, để thức ăn không đi xuống quá sâu vào trong miệng sẽ được đẩy vào trong - thay vì ra ngoài bởi phản xạ ọe.
Ọe, nghẹn và bón thìa
Thực ra, rất nhiều ví dụ về việc bé ọe hoặc “nghẹn” thường liên quan đến phương pháp cho ăn đút thìa, nhất là khi bón thức ăn lổn nhổn cho bé. Để hiểu rõ nguyên nhân của vấn đề này, bạn hãy nghĩ đến cách bạn dùng thìa để ăn súp cà chua, và so sánh việc này với cách bạn ăn ngũ cốc vào bữa sáng. Nếu bạn uống xì xụp món ngũ cốc giống như bạn ăn súp, thức ăn lổn nhổn sẽ đi thẳng xuống cổ họng và bạn sẽ sớm phải ho và sặc. Khi được bón thìa, các bé thường nuốt thức ăn vào, vì vậy bé rất dễ bị ọe hoặc “nghẹn”.
Sự cố nghẹn xảy ra khi đường hô hấp bị bịt một phần hoặc toàn phần. Khi có mẩu thức ăn nào đó chặn một phần đường hô hấp của bé, bé tự động ho để giúp thông đường hô hấp; thông thường, việc này rất hiệu quả. Nếu đường hô hấp bị tắc nghẽn toàn bộ - dù trường hợp này rất hiếm xảy ra - bé không thể ho và cần người khác giúp bé lấy mẩu thức ăn ra (sử dụng biện pháp sơ cứu).
Ho và sặc có vẻ như là dấu hiệu cảnh báo, nhưng thực ra đó là dấu hiệu cho thấy bé đã xử lý xong vấn đề. Ngược lại, bé thực sự bị nghẹn thường im lặng - vì không khí không thể đi qua vị trí bị bịt. Phản xạ ho của bé lúc này rất hiệu quả, và chỉ cần bé ngồi thẳng hoặc nhoài người ra trước, tốt nhất bạn không nên làm phiền bé trong khi bé làm thông thoáng đường hô hấp.
“Khi Izaak ho lúc ăn, chúng tôi vội vàng lao tới, nhấc thằng bé ra khỏi ghế và vỗ thật mạnh vào lưng bé. Nhưng khi chúng tôi dừng lại và thực sự nhìn lại hành động của bé, chúng tôi nhận thấy, nếu chúng tôi cho bé thêm thời gian để ho, mẩu thức ăn đó sẽ chui ra và bé sẽ tiếp tục ăn rất vui vẻ.”
Chị Lucy, mẹ bé Izaak 8 tháng tuổi
Hai yếu tố có thể gây ra nguy cơ nghẹn:
• Người khác đưa thức ăn (hoặc đồ uống) vào miệng bé.
• Tư thế ngả ra sau.
Nếu có người tiến về phía bạn với một cái bát và thìa để bắt đầu bón thức ăn cho bạn, bạn sẽ thò tay ra ngăn cản họ, để kiểm tra xem đó là món gì và thìa thức ăn đầy ứ hay vơi. Bạn muốn kiểm soát thời điểm và cách thức thức ăn được đưa vào miệng. Những sự kiểm tra cơ bản này sẽ giúp bạn dự đoán phương án xử lý thức ăn một khi thức ăn ở trong miệng; lập kế hoạch xử lý thức ăn giúp tránh nguy cơ bị nghẹn.
Nếu bạn ngả người ra sau trong khi người khác đút cho bạn ăn, việc này sẽ còn đáng sợ hơn nữa, bởi vì trọng lực sẽ khiến thức ăn trôi tuột xuống phần sau của miệng trước khi bạn sẵn sàng nuốt. Khi chúng ta liên tưởng việc này với người lớn, rõ ràng theo bản năng, con người cần phải và nên kiểm soát quá trình ăn. Đối với các bé cũng tương tự như vậy.
Khi bé tự đưa mẩu thức ăn lên miệng, bé kiểm soát mẩu thức ăn đó. Nếu bé có thể nhai, bé sẽ nhai. Nếu bé có thể đưa mẩu thức ăn ra phần sau miệng, bé sẽ nuốt. Nhưng nếu bé chưa thể làm những việc này, cho đến khi bé biết ngồi thẳng, thức ăn sẽ rơi ra ngoài. Cho phép bé tự ăn nghĩa là bé nắm quyền kiểm soát - và có quyền kiểm soát sẽ giúp bé ăn uống an toàn.
Sự liên kết giữa việc bé có thể làm với đôi tay và việc bé có thể làm với miệng cũng sẽ giúp các bé BLW an toàn. Khi một em bé 6 tháng tuổi lần đầu tiên tự ăn, bé không thể cầm loại thức ăn có thể khiến bé khó đưa đẩy quanh lưỡi, ví dụ như nho khô hoặc hạt đậu, vì vậy bé không thể đưa các hạt này vào miệng được. Chỉ khi bé lớn hơn (khoảng 9 tháng tuổi) bé mới bắt đầu sử dụng ngón cái và ngón trỏ dạng “càng cua” để nhặt các vật thể nhỏ xíu. Đến lúc này, nếu bé đã được cho phép tự ăn các món có độ thô mịn khác nhau, kĩ năng nhai của bé sẽ rất thuần thục. Nghĩa là một khi bé có thể đưa nho khô vào miệng, gần như chắc chắn bé sẽ có thể xử lý món này một cách an toàn. Sự phối hợp của hai yếu tố phát triển quan trọng của bé là một phần cơ bản giúp BLW là một phương pháp an toàn.
Vì vậy, miễn là bé được trợ giúp (nếu cần thiết) ở tư thế ngồi thẳng lưng, được kiểm soát món ăn được đưa vào miệng và không tiếp xúc với các thức ăn chắc chắn làm bé nghẹn không có lí do gì để lo lắng thêm về nguy cơ nghẹn của phương pháp BLW so với các phương pháp tập ăn dặm khác.
“Đôi lúc Mangus (được áp dụng phương pháp đút thìa) cho quá nhiều thức ăn vào miệng rồi phải ọe ra – có lúc còn suýt nghẹn. Việc này thường xảy ra khi thằng bé ăn thịt (có lần chồng tôi phải lôi một con mực ra khỏi miệng thằng bé và tôi phải vỗ mạnh vào lưng thằng bé một hoặc hai lần.) Leon (được áp dụng phương pháp BLW) cũng ọe một vài lần, nhưng chưa lần nào thằng bé bị nghẹn.”
Chị Joy, mẹ bé Mangus 6 tuổi và bé Leon 3 tuổi
Các bé có thực sự biết mình cần ăn gì không?
Các bé BLW được phép lựa chọn món ăn bé muốn (hoặc cần) để ăn trong số các món có trong bữa ăn, và cha mẹ thường ngạc nhiên trước chế độ ăn tự chọn khá là có lợi cho sức khỏe của bé chỉ trong vòng một hoặc hai tuần. Có rất ít nghiên cứu đáng tin cậy về việc liệu theo bản năng bé có thực sự biết nên ăn món gì không, nhưng cuộc thí nghiệm đặc biệt của Tiến sĩ, bác sĩ nhi khoa Clara Davis vào năm 1920 và 1930, là một minh chứng đáng quan tâm.
Vào thời điểm diễn ra nghiên cứu này, rất nhiều trẻ từ chối các món ăn được coi là tốt cho sức khỏe trẻ em. Hầu hết các bác sĩ nhi khoa đều dành cho các bậc cha mẹ những hướng dẫn nghiêm ngặt về món ăn, lượng thức ăn và thời điểm cho bé ăn.
Nhưng Tiến sĩ Davis nghi ngờ rằng sự nghiêm ngặt này là căn nguyên của vấn đề và việc bảo trẻ - hoặc thậm chí là bắt trẻ - phải ăn các món nhất định khiến sự việc thêm phần tồi tệ. Tiến sĩ cho rằng các bé biết chúng cần ăn thứ gì là tốt nhất cho chúng.
Tiến sĩ nghĩ ra thực đơn “tự chọn” cho các em bé và trẻ em để xem điều gì sẽ xảy ra nếu các bé được phép tự chọn thức ăn. Bà tiến hành nghiên cứu 15 bé từ lúc chúng 6 tháng tuổi đến khi được 4 tuổi rưỡi; tất cả các bé đều ở vào khoảng 7 đến 9 tháng tuổi khi cuộc thí nghiệm bắt đầu và vào thời điểm đó các bé đều chỉ được bú mẹ.
Tổng cộng các bé được cho 33 món ăn, và mỗi bữa lại có các món khác nhau. Tất cả các món này được nấu riêng, được nghiền nát và không nêm gia vị: không được nấu kết hợp kiểu bánh mì với súp.
Các bé có quyền chọn bất kì món gì mà mình muốn trong số các món đó, với số lượng bất kỳ. Hoặc là các bé tự ăn, hoặc là các bé chỉ vào đĩa và sẽ có một y tá xúc thìa đút cho bé, và y tá này không được phép gây ảnh hưởng đến quyết định của bé. Nếu bé ăn hết khẩu phần của món nào đó, thức ăn thêm sẽ được bày ra - cho đến khi bé ngừng ăn.
Các bữa ăn được rà soát cẩn thận chi tiết, để các nhà nghiên cứu có thể tìm hiểu chính xác những món mà bé ăn. Các cuộc xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu và chụp tia X cũng được tiến hành để giám sát tình hình sức khỏe của bé.
Cuối cuộc thí nghiệm, Tiến sĩ Davis phát hiện ra rằng các bé đều lựa chọn chế độ ăn rất có lợi cho sức khỏe. Tất cả các bé đều được cung cấp đủ dinh dưỡng và khỏe mạnh - ngay cả các bé không tham gia ngay từ đầu - và tất cả các bé đều ăn đa dạng các loại thức ăn và với lượng nhiều hơn so với các bé bình thường có chung độ tuổi. Các bé tăng cân trên mức trung bình và phần lớn đều không mắc các bệnh do suy dinh dưỡng (ví dụ như bệnh còi cọc) và các bệnh thường gặp ở độ tuổi này.
Tuy nhiên, sự kết hợp món ăn của mỗi bé đều rất độc đáo và không thể đoán trước - không có sự lựa chọn nào được coi là chế độ ăn “chuẩn mực.” Ví dụ, một số bé chọn ăn rất nhiều hoa quả, trong khi các bé khác thích ăn thịt hơn; tình trạng ham ăn rất phổ biến (có hôm một bé mới biết đi ăn tới 7 quả trứng!) Nhưng tất cả các bé đều muốn thử các món ăn mới. Và không bé nào chọn chế độ dinh dưỡng dựa trên ngũ cốc và sữa mà chúng được “cho là nên” ăn vào độ tuổi đó.
Theo Tiến sĩ Davis, một phần lí do khiến tất cả các bé đều được nuôi dưỡng tốt là họ chỉ cung cấp thức ăn giàu dinh dưỡng, chưa qua chế biến - không hề có thức ăn không giàu dinh dưỡng, thức ăn nhiều chất béo hoặc nhiều đường. Nhưng chỉ bằng cách cung cấp các món ăn tốt được lựa chọn kĩ càng không đảm bảo bé sẽ có chế độ ăn cân bằng. Các bé tham gia cuộc nghiên cứu này vẫn có thể quyết định hạn chế chế độ ăn - bằng cách tránh ăn thịt, hoa quả hoặc rau, ví dụ như vậy - và kết quả là sức đề kháng kém. Nhưng tất cả các bé đều ăn đủ lượng mỗi loại thức ăn nhằm đảm bảo sự cân bằng hợp lý.
Tuy nhiên, kết quả của cuộc thí nghiệm vẫn chưa đủ tin cậy để chứng minh lý thuyết của Tiến sĩ Davis là đúng. (Đây chỉ là một nghiên cứu nhỏ và hầu hết dữ liệu đều đã bị mất - và phương pháp này sẽ không bao giờ được thực hiện lại bởi ngày nay nó bị coi là trái quy tắc.) Nhưng vào thời đó, thí nghiệm này được biết đến rất rộng rãi - thậm chí còn được nhắc đến trong các cuốn sách cha mẹ nổi tiếng của Tiến sĩ Benjamin Spock vào những năm 1940 và 1950 - và dần dần chế độ ăn nghiêm ngặt dành cho các bé dù trước đó vô cùng phổ biến giờ trở nên lỗi thời. Mặc dù thông điệp về tầm quan trọng của việc cho bé ăn đa dạng các loại thức ăn vẫn được giữ lại, nhưng dường như ý kiến cho rằng các bé nên được cho phép tự chọn thức ăn đã không còn - có lẽ bởi vì trong những năm sau, các bé bắt đầu được ăn dặm từ khi 3 hoặc 4 tháng tuổi - khi các bé vẫn chưa có khả năng chọn món ăn cho mình.
Câu chuyện BLW
Saskia, con gái thứ hai của tôi, thường ngồi trên lòng tôi trong khi gia đình tôi dùng bữa, và khi bé được khoảng 6 tháng tuổi, bé bắt đầu cầm thức ăn trong đĩa. Bé rất thích cầm thức ăn và đưa vào miệng, vì vậy đại loại như chúng tôi áp dụng phương pháp BLW theo bản năng mà không hay biết gì về phương pháp này. Và sau đó, tôi nhận thấy có nhiều người cũng áp dụng phương pháp này và hóa ra nó cũng có một cái tên. Dễ dàng lắm; chắc chắn nhiều thế hệ nay các bà mẹ đều làm vậy, đặc biệt là với những đứa con thứ.
Nhớ lại trước đây, tôi nghĩ Lily, con đầu lòng của chúng tôi, cũng với tay cầm thức ăn, nhưng chúng tôi chỉ hành động theo kinh nghiệm được truyền đạt về việc cho bé ăn – chúng tôi đút thìa cho bé. Chúng tôi thường thay phiên cho bé ăn; một người ăn, một người cho Lily ăn.
Phương pháp BLW nhanh hơn và dễ hơn – và bừa bộn hơn. Bừa bộn chứ. Nhưng cho ăn đút thìa phức tạp lắm. Đó là một mối lo lắng khác. Và nhàm chán nữa – lúc nào chúng tôi cũng bận bịu chuẩn bị đồ ăn, cho con ăn rồi lau dọn sạch sẽ. Đồ ăn được chế biến luôn là xay nhuyễn. Nhưng phương pháp BLW giúp bữa ăn thú vị hơn và giúp bé vừa ăn vừa chơi đùa. Phương pháp này thoải mái hơn rất nhiều.”
Chị Suzanne, mẹ bé Lily 3 tuổi và bé Saskia 14 tháng tuổi
Hỏi & Đáp
Bé có nhận được đầy đủ dinh dưỡng khi áp dụng phương pháp này không?
Việc bé có nhận được đầy đủ dinh dưỡng hay không phụ thuộc vào bạn và bé. Dù bạn áp dụng phương pháp nào đi chăng nữa, bạn vẫn có trách nhiệm cung cấp cho con các thực phẩm giàu dinh dưỡng và đảm bảo bé có chế độ ăn cân đối - sự khác biệt của phương pháp BLW là bé sẽ thực sự là người quyết định món ăn cho mình.
Người ta vốn tin vào một điều hoang đường rằng các bé có chế độ ăn được cha mẹ kiểm soát sẽ ăn đúng loại thức ăn cần thiết, trong khi các bé được tự chọn sẽ chỉ ăn khoai tây chiên và sôcôla. Trên thực tế, điều ngược lại mới là đúng. Rất nhiều cha mẹ áp dụng phương pháp đút thìa nói rằng họ cực kì vất vả khi hướng dẫn các con ăn thực phẩm có lợi cho sức khỏe, và họ thường phải viện tới các mánh lới, ví dụ như “giấu” rau trong các món khác hoặc cho con vừa ăn vừa xem tivi (để các bé không nhận ra mình đang ăn món gì), hoặc hứa sẽ thưởng quà nếu bé ăn rau. Trong khi đó, hầu hết các cha mẹ áp dụng phương pháp BLW đều nói rằng các bé ăn đa dạng các loại thức ăn mà không cần phải được thuyết phục, trong đó bé cũng ăn các món mà trẻ con thường bị cho là không thích ăn, ví dụ như cải bắp.
Có một số bằng chứng cho rằng nếu có cơ hội, theo lẽ tự nhiên, trẻ sẽ chọn thực phẩm có lợi cho sức khỏe, với số lượng phù hợp (tham khảo trang 62 về nghiên cứu của Tiến sĩ Clara Davis.) Việc này cần phải có thêm nghiên cứu để chứng minh, nhưng ý kiến này được bổ trợ bởi thực tế rằng rất nhiều câu chuyện về những người kén ăn đều xuất phát từ các gia đình có cha mẹ là người kiểm soát quá trình ăn dặm. Hầu hết những người từng áp dụng cả hai phương pháp này đều nói rằng họ không thể quay lại với phương pháp truyền thống, vì các bé BLW ăn giỏi hơn các bé khác rất nhiều.
“William không hề ăn món xay nhuyễn và đây quả là một thành công rực rỡ. Thằng nhỏ không kén ăn như cậu anh Samuel – cậu anh này được áp dụng phương pháp đút thìa. Thằng nhỏ thích hầu hết các món ăn mà các bé khác không hề đụng tới; nó thích tiêu đen và thức ăn cay. Mọi người nói rằng loại thứ ăn mà William ăn quả là đáng ngạc nhiên, nếu so sánh với các bé khác. Thằng bé sẽ thử ăn bất cứ món gì.”
Anh Pete, cha bé Samuel 5 tuổi, bé William 2 tuổi và bé Edward 6 tháng tuổi
Chẳng phải món xay dễ tiêu hóa hơn và do đó bổ dưỡng hơn sao?
Có lẽ đúng khi nói thực phẩm đi vào dạ dày dưới dạng xay nhuyễn dễ tiêu hóa hơn món ăn dạng mẩu. Nhưng miệng có nhiệm vụ nghiền nát thức ăn - hoặc là “xay nhuyễn” món ăn đó - bằng cách nhai. Món ăn được nhai kĩ dễ tiêu hóa hơn là thực phẩm được xay nhuyễn bằng máy xay, bởi khi thức ăn được trộn với nước bọt, hỗn hợp này sẽ giúp khởi động quá trình tiêu hóa - đặc biệt là khi tiêu hóa thức ăn giàu tinh bột.
Các bé được cho phép ăn theo nhịp độ riêng có xu hướng ngậm thức ăn trong miệng khá lâu trước khi nuốt. Trong khoảng thời gian này, thức ăn được nước bọt làm mềm và được lợi nghiền nát. Còn thực phẩm xay nhuyễn hầu như không kịp được hòa trộn với nước bọt. Thay vào đó, nó sẽ được thìa đưa thẳng vào phần sau của họng và được nuốt ngay lập tức - mà không cần nhai.
Món ăn xay nhuyễn - đặc biệt là rau và quả - cũng có thể bị mất một số chất dinh dưỡng. Khi thức ăn được xắt ra, bề mặt của mẩu thức ăn sẽ làm mất một số vitamin C. Món xay nhuyễn làm mất nhiều vitamin hơn, vì vậy món xay nhuyễn sẵn sẽ có hàm lượng vitamin C thấp hơn các món ăn được xắt miếng. Ví dụ, một quả táo nguyên sẽ cung cấp nhiều vitamin C hơn khi được xay nhuyễn ra. Vitamin C rất quan trọng, vì nó kích thích hấp thu chất sắt. Và cơ thể không thể lưu trữ vitamin C, vì vậy điều quan trọng là hàng ngày phải có nguồn cung dồi dào loại vitamin này.
Khi nhìn phân của bé, bạn dễ dàng cho rằng món xay nhuyễn giúp bé dễ tiêu hóa hơn. Khác với phân của bé được ăn món xay, phân của các bé được ăn thức ăn “thật” thường có các mẩu rau, ví dụ như vậy, dạng mẩu nhỏ rất dễ nhận thấy. Điều đó không có nghĩa là thức ăn chưa được tiêu hóa - nó chỉ cho thấy bé đang học nhai và cơ thể bé đang thích nghi với thức ăn cứng. Thức ăn xay nhuyễn trông có vẻ được tiêu hóa đầy đủ bởi vì thức ăn không xuất hiện rõ trong phân của bé.
Các bé được cho ăn quá nhanh (việc này rất dễ xảy ra với phương pháp đút thìa) có thể bỏ lỡ cơ hội học kĩ năng nhai một cách đầy đủ. Nhìn chung, các bé được phép tự ăn ngay từ đầu và không bị hối thúc ăn nhanh thường có lượng đồ ăn nhỏ hơn trong miệng, và dành nhiều thời gian hơn để nhai trước khi nuốt. Điều này giúp khả năng tiêu hóa chung tốt hơn.
Đương nhiên, các món xay rất tốt cho những người gặp khó khăn trong việc nhai, nhưng cũng giống như những người lớn bình thường và khỏe mạnh, các em bé bình thường và khỏe mạnh không cần đến các món ăn được xay nhuyễn.
Liệu có em bé nào không nên tập ăn dặm theo phương pháp BLW không?
Phương pháp BLW tùy thuộc vào sự phát triển các khả năng bình thường của bé, vì vậy phương pháp này có thể không phù hợp với tất cả các bé. Các bé phát triển chậm, yếu cơ hoặc gặp khuyết tật về thể chất ở vùng miệng, cánh tay, bàn tay hoặc lưng (ví dụ hội chứng Down, chứng liệt não hoặc tật nứt đốt sống) có thể ăn tốt hơn với phương pháp đút thìa, hoặc kết hợp phương pháp đút thìa và thức ăn nhón tay. Không nên cấm các bé này ăn thức ăn nhón tay, vì có thể đây là phương pháp lý tưởng giúp các bé phát triển các kĩ năng mà bé gặp khó khăn. Một số bé gặp chứng rối loạn tiêu hóa có thể cần đến thức ăn đặc biệt và thức ăn này không thể được xắt theo hình dạng phù hợp để bé tự ăn, nhưng, một lần nữa, điều này không nên ngăn cản các bé ăn các món khác theo cách này.
Các bé sinh non có thể có nhu cầu khác khi đến giai đoạn tập ăn dặm, nhưng điều này thực sự tùy thuộc vào việc bé sinh non trước bao nhiêu tuần. Các bé chào đời khi thai kì được 36 hoặc 37 tuần được coi là đủ tháng đủ ngày, nhưng các bé sinh khi mới chỉ 27 tuần thì hoàn toàn khác. Tương tự như vậy, rất nhiều bé không chỉ sinh sớm mà còn cực kỳ nhỏ, thậm chí ốm yếu, hoặc có thể có các lí do khiến bé bị sinh non gây ảnh hưởng đến sự phát triển sau này của bé. Rõ ràng là một phương pháp được khuyến nghị sẽ không phù hợp với tất cả các bé này.
Phương pháp BLW phát huy hiệu quả đối với các bé sinh đủ ngày đủ tháng, bởi nhu cầu dinh dưỡng của bé đối với thức ăn cứng và sự sẵn sàng phát triển - hoặc khả năng phát triển - để tự ăn xuất hiện đồng thời, vì vậy bé có thể tự ăn thức ăn cứng ngay khi bé cần (thường là ngay khi bé được 6 tháng tuổi). Sự phát triển chung của các bé sinh non ít nhiều cũng tiếp tục với nhịp độ tương tự nếu bé được sinh ra khi thai kỳ đến hạn - vì vậy nếu bé sinh non trước 6 tuần có lẽ bé sẽ không hứng thú với thực phẩm hoặc không thể tự đưa thức ăn lên miệng trước khi bé được khoảng 7,5 tháng. Nhưng rất có thể bé sẽ cần thêm chất dinh dưỡng trước giai đoạn này, bởi vì thời gian bé ở trong bụng mẹ chưa đủ để cơ thể thiết lập nguồn dinh dưỡng dự trữ.
Hiện người ta chưa biết nhiều về nhu cầu của các bé sinh non đối với thức ăn dặm. Cụ thể, đối với các bé cần thức ăn dặm trước khi các bé biết tự ăn, hiện vẫn chưa rõ nguồn dinh dưỡng bổ sung được cung cấp tốt nhất là dạng thức ăn xay nhuyễn (trong trường hợp này nhất thiết phải cần đến một thời gian cho bé ăn bằng thìa) hay là các thực phẩm chức năng do bác sĩ kê đơn. Mỗi bé sinh non cần được xử lý bằng một phương pháp khác nhau. Tuy nhiên, không có lí do gì khiến các bé không cần dinh dưỡng bổ sung (hoặc các bé nạp dinh dưỡng dưới dạng thuốc) không nên được phép dành thời gian thử thách với thức ăn dặm, ngay cả khi việc này nghĩa là các bé không thấy hứng thú với thức ăn sau khi bé hơn 6 tháng tuổi.
Nhìn chung, tất cả các bé khoảng 6 tháng tuổi hoặc hơn nên được khuyến khích dùng tay khám phá thức ăn và thử tự ăn ngay khi các bé cảm thấy hứng thú. Tuy nhiên, nếu bé của bạn sinh non hoặc gặp vấn đề thể chất, y học đặc biệt nào đó, bạn nên tham vấn bác sĩ nhi khoa, chuyên gia dinh dưỡng và/hoặc bác sĩ trị liệu ngôn ngữ và tật nói trước khi quyết định có nên chỉ áp dụng duy nhất phương pháp BLW cho bé tập ăn dặm hay không.
“Sean chào đời sớm 4 tuần và khi tôi bắt đầu áp dụng phương pháp BLW, tôi cảm thấy hoàn toàn mới lạ với phương pháp này, bởi chị Lorna của bé được ăn bằng phương pháp bón thìa. Tôi nghĩ thằng bé hơi “chậm” hơn các bạn cùng tuổi sinh đủ ngày đủ tháng, nhưng phương pháp BLW đã giúp cho bé có cơ hội thể hiện khi bé sẵn sàng.”
Chị Rachel, mẹ Lorna 14 tuổi và bé Sean 4 tuổi
Có thực sự phù hợp khi để bé nắm quyền điều khiển không?
Tập ăn dặm là giai đoạn phát triển hết sức tự nhiên. Chúng ta không thể kiểm soát thời điểm bé bắt đầu tập đi, vì vậy hiện vẫn chưa có minh chứng rõ ràng về lí do khiến chúng ta nên kiểm soát sự sẵn sàng của bé đối với thức ăn dặm. Không bậc cha mẹ nào nên chủ động ngăn cản bé tập đi khi bé có dấu hiệu tập đi - việc này được coi là tàn nhẫn và cực kỳ nguy hại. Nhưng, dù không nhận thấy, rất nhiều bậc cha mẹ áp dụng phương pháp kiểm soát tiêu cực đối với bản năng ăn của bé, bằng cách ngăn cản bé tự ăn hoặc không cho phép bé tự quyết định điều gì trong bữa ăn.
Là cha mẹ, sự kiểm soát duy nhất bạn cần có đối với chế độ ăn uống của con là quyết định loại thức ăn cho bé và tần suất cho bé ăn. Chỉ cần bạn cho bé ăn thức ăn giàu dinh dưỡng, bé nên là người quyết định thời điểm ăn, lượng thức ăn và tốc độ ăn.
Cách tốt nhất để đảm bảo các bé bú mẹ có được lượng sữa đầy đủ (và tối thiểu hóa các vấn đề về sức khỏe cho mẹ) là cho phép bé kiểm soát quá trình ăn ngay từ đầu - tần suất bú, tốc độ và thời lượng bú. Phương pháp này được gọi là bú theo nhu cầu hoặc bú sữa do-bé-chỉ-huy. Áp dụng phương pháp ăn dặm cho phép bé tự quyết định cũng giúp bé áp dụng phương thức kiểm soát tương tự khi chuyển đổi sang bữa ăn gia đình. Nghĩa là bé có thể tiếp tục đáp ứng các dấu hiệu nội tại của cảm giác đói hoặc no bụng, và ăn nhiều hoặc ăn ít theo nhu cầu cá nhân. Đây là nền tảng cơ bản để kiểm soát cơn đói tự nhiên và thái độ ăn uống lành mạnh trong suốt cuộc đời.
Nếu bé bú bình, các bữa sữa thường được cha mẹ kiểm soát về mặt thời gian và lượng sữa. Nhưng vào lúc nào đó, sự kiểm soát này sẽ phải được từ bỏ. Vậy khi nào là thời điểm thích hợp? Tại sao không phải là khi bé bắt đầu ăn dặm? Có vẻ như đây là cơ hội lý tưởng để cho phép bé phát triển bản năng tự nhiên để ăn theo nhu cầu.
Rất nhiều cha mẹ thích đút thìa cho bé và trẻ nhỏ, đơn giản vì phương pháp này nhanh hơn là cho phép bé tự ăn. Nhưng, cũng giống như người lớn, quan trọng là chúng ta có khả năng quyết định khoảng thời gian cần thiết để dùng xong bữa. Đôi lúc chúng ta muốn thư giãn và thực sự thích các món ăn; nhưng đôi lúc chúng ta chỉ muốn ăn qua loa và đứng dậy. Không ai muốn người khác quyết định điều đó thay mình - đặc biệt là nếu như họ đút thìa cho chúng ta! Ăn vội ăn vàng nghĩa là chúng ta không hứng thú ăn cho lắm và có thể ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa. Cho phép bé tự ăn theo tốc độ riêng sẽ giúp bé ham thích thức ăn hơn - và có thể giảm nguy cơ đau bụng và chứng táo bón.
Điều khiển việc bé ăn như thế nào không giúp gì cho việc hấp thụ chất dinh dưỡng tốt hơn hoặc thái độ tốt hơn - trên thực tế, cách làm này thường dẫn đến các cuộc chiến vào giờ ăn. Dường như các bé có bản năng chậm rãi nếm thử các món mới theo nhịp độ riêng của bé. Bằng chứng nghiên cứu về chứng rối loạn dinh dưỡng ở trẻ cho thấy, không cho phép trẻ ăn theo cách này có thể khiến trẻ sợ các món mới, trong khi việc kiểm soát hoặc điều khiển bé theo các phương thức khác, ví dụ như đánh lừa trẻ (ví dụ cho bé ăn một thìa thức ăn ngọt và một thìa thức ăn mặn), đã dạy trẻ không còn tin tưởng vào đồ ăn mới.
Cũng rất dễ nhận thấy rằng hối thúc trẻ ăn nhanh có thể khiến trẻ ăn quá nhanh và nhai không kĩ - và có lẽ không ăn đủ nhu cầu của bé. Trong khi đó, việc dỗ dành trẻ dẫn đến trẻ ăn nhiều hơn mức cần thiết. Trong các trường hợp cực đoan, phương thức điều khiển này có thể khiến trẻ lảng tránh thức ăn.
Rất nhiều vấn đề liên quan đến chế độ ăn gây ảnh hưởng đến các trẻ lớn hơn và các vấn đề này đều bắt rễ từ gia đình. Thực ra, các chuyên gia về sức khỏe làm việc với các gia đình này đều bắt đầu bằng cách đề nghị cha mẹ “trả lại quyền kiểm soát cho trẻ.” Có lẽ nếu khả năng kiểm soát này của bé không bị truất bỏ ngay từ đầu, các vấn đề như trên sẽ không phổ biến đến vậy.
“Tôi thích thực tế rằng, với phương pháp BLW, bé có quyền kiểm soát. Tôi đã thấy rất nhiều bé gặp các bất thường về ăn uống và gần như đều do bé không có quyền kiểm soát.”
Chị Helen, chuyên gia dinh dưỡng