“Vài tuần trước khi bé Lara nếm món ăn đầu tiên, bé được ngồi chung bàn ăn với gia đình trong khi mọi người ăn. Bé dõi mắt nhìn theo các món được chúng tôi ăn và ‘nhóp nhép’ nhai bắt chước. Một hôm, bé tóm mẩu bánh mì trên tay tôi, ngó đăm đăm một hồi, và chầm chậm đưa lên miệng. Bé đưa trượt mẩu bánh lên má. Tôi phải kiềm chế thôi thúc trợ giúp bé và cuối cùng, bé cũng đưa bánh vào đúng miệng. Bé mút và nhai bánh – tôi nghĩ bé chưa nuốt món gì. Nhưng niềm phấn khích và tự hào mà tôi cảm thấy được quả là buồn cười.”
Chị Emma, mẹ bé Lara 7 tháng tuổi
Chuẩn bị cho BLW
Khi bé 6 tháng tuổi, có thể bạn sẽ thấy bé muốn tham gia bữa ăn cùng với gia đình, mặc dù bé vẫn chưa thực sự chuẩn bị ăn dặm. Ở độ tuổi này, các bé cực kỳ hiếu kỳ và các bé hạnh phúc nhất là khi cảm thấy mình cũng được nhập cuộc. Để bé ngồi với bạn và đưa cho bé một cái cốc hoặc một cái thìa để nghịch sẽ giúp bé cảm thấy được tham gia cùng gia đình. Bé sẽ cho bạn biết khi nào bé sẵn sàng chuyển sang giai đoạn cầm thức ăn.
Với phương pháp BLW, bạn không phải mua bất kỳ thiết bị đặc biệt nào, và mặc dù ngoài thị trường có một số sản phẩm có thể giúp cuộc sống của bạn dễ dàng hơn chút đỉnh, nó không cần thiết.
Một chiếc ghế cao có thể hữu ích, nhưng rất nhiều cha mẹ bắt đầu cho bé ăn dặm chỉ bằng cách để bé ngồi trên lòng mỗi khi đến bữa ăn và để bé chơi đùa với thức ăn trong đĩa. Dù bạn quyết định ra sao, một khi bé bắt đầu khám phá thức ăn, chỉ cần đảm bảo bé được an toàn (ví dụ bé không thể ngã) và bé được hỗ trợ nhờ tư thế ngồi thẳng. (Ngả người ra sau trong khi ăn có thể gây nguy hiểm, vì vậy đừng bao giờ để bé ăn trong ghế lò xo hoặc ghế ngồi trên ô tô).
Thông thường, các món ăn tốt cho sức khỏe trong bữa ăn gia đình có thể được điều chỉnh dễ dàng để bé có thể ăn, vì vậy bạn không cần mua hoặc chuẩn bị món ăn đặc biệt dành riêng cho bé (tham khảo Chương 4 để biết thêm thông tin về các món cho bé và một số món bạn cần tránh.) Và trong những tháng đầu, bạn cũng không cần đến bộ dao dĩa cho bé, vì bé sẽ dùng tay; chỉ cần đảm bảo tay bé sạch sẽ trước khi ăn.
Cuối cùng, bạn có thể chuẩn bị tinh thần cho sự bừa bộn - trong những tháng đầu bé học ăn sẽ rất bừa bộn.
“Vào bữa ăn, James luôn luôn ngồi trong lòng tôi, và bé bắt đầu cầm thức ăn rồi đưa lên miệng khi bé được khoảng 7 tháng tuổi. Món đầu tiên mà bé ăn là một miếng thịt bò mềm! Tôi làm món hầm và cho bé một miếng thịt to, bé chỉ mút và có lẽ cũng nhai được vài sợi thịt. Trông bé có vẻ cực kỳ khoái chí!”
Chị Sarah, mẹ bé James 2 tuổi
Thời điểm “Ăn”
Mặc dù rất nhiều cuốn sách viết về phương thức tập cho bé ăn dặm đưa ra lịch biểu cho bé ăn trong vài tuần hoặc vài tháng đầu, nhưng với phương pháp BLW, việc này không cần thiết. Lời khuyên cũ là bạn nên bắt đầu cho bé tập ăn dặm một lần một ngày, sau đó nâng lên thành hai, và ba bữa sau vài tuần. Lời khuyên này dành cho các bé tập ăn dặm khi 3 hoặc 4 tháng tuổi, trong khi hệ tiêu hóa của các bé vẫn còn quá non nớt để bắt đầu ăn dặm. Đến khi các bé 6 tháng tuổi và lớn hơn mới ít có phản ứng xấu đối với các món mới, bởi vì bụng dạ bé đã hoàn thiện hơn. Tất cả những gì bạn cần làm khi bé 6 tháng tuổi là bắt đầu cho bé nhập cuộc mỗi khi bạn ăn - có thể là bữa sáng, bữa trưa, bữa tối hoặc khi bạn ăn bữa phụ - chỉ cần bé không đói, mệt hoặc gắt gỏng.
Quan trọng là bé phải không đói bụng khi bạn đặt bé ngồi xuống để khám phá thức ăn, bởi trong những tuần đầu tập ăn thức ăn dặm, “bữa ăn” không liên quan đến cơn đói và chỉ nhằm giúp bé chơi đùa, chia sẻ và bắt chước mọi người; đó là cơ hội để bé học hỏi, thay vì ăn thực sự - đó là thời gian chơi đùa. Điều này rất khác với phương pháp ăn dặm truyền thống, vì bạn được khuyên nên đảm bảo bé đói khi đến bữa ăn. Nếu bé đói khi bạn ăn, bé sẽ không thể khám phá thức ăn và phát triển kĩ năng tự ăn - bé sẽ chỉ tức giận và buồn chán, tương tự như thái độ của bé đối với một món đồ chơi mới.
“Tôi không thể tin rằng tôi gần như suýt từ bỏ phương pháp BLW khi mới bắt đầu. Dường như Stephanie không có chút hứng thú nào với thức ăn dặm – tôi cứ nghĩ phương pháp này không hiệu quả. Nhưng một hôm, bé quạu cọ trước bữa trưa, và tôi cho bé bú nhanh. Tôi đặt bé ngồi trên ghế cao và không dám tin vào mắt mình khi bé cầm miếng cà rốt và bắt đầu nhai! Đến lúc đó tôi mới biết mình nên làm gì – tôi chỉ cần cho bé ăn thức ăn dặm khi bé không đói bụng.”
Chị Annabel, mẹ bé Zoe 2 tuổi và bé Stephanie 8 tháng tuổi
Phương pháp BLW đem lại hiệu quả cao nhất nếu bạn cho bé ăn sữa mỗi khi bé muốn (theo nhu cầu). Khi đó bé có thể tiếp tục uống sữa khi muốn và coi việc khám phá thức ăn dặm là hoạt động riêng rẽ. Hãy nhớ rằng bé không hề biết rằng thức ăn dặm có thể giúp bé no bụng, vậy nên nếu bạn nghĩ bé đói khi bạn chuẩn bị ăn, hãy cho bé bú. Nếu bé buồn ngủ sau khi bú, đến mức không thích thú các món ăn, bạn cũng đừng lo lắng - bạn có thể cho bé ăn sau đó, khi bé tỉnh táo hơn.
Trong giai đoạn này, nếu bạn bỏ lỡ “bữa” cũng không quan trọng, vì bé không dựa vào các bữa ăn này để có chất dinh dưỡng (hoặc giúp bé hết đói bụng) trong khoảng 2 tháng nữa. Vì vậy, mặc dù cũng tốt khi cho bé càng nhiều cơ hội càng tốt để thực hành kĩ năng tự ăn, nhưng không nhất thiết phải bắt bé gia nhập mọi bữa ăn, hoặc cảm thấy bạn phải bắt bé thức đợi bữa ăn tối. (Cuối cùng, hầu hết các bậc cha mẹ đều điều chỉnh giờ ăn cho kịp lúc bé đói bụng - nhưng có lẽ điều này không cần thiết trước khi bé được 1 tuổi.)
Có lẽ niềm ham thích của bé đối với thức ăn sẽ rất khó đoán theo từng ngày. Có thể bé sẽ muốn ăn các bữa trong ba ngày liền và sau đó quay lại với các bữa sữa trong bốn ngày kế tiếp. Sự tiến triển tự nhiên của phương pháp tiến hai bước, lùi một bước này không giống như thời gian biểu nghiêm ngặt mà đôi khi các bậc cha mẹ được khuyến khích nên tuân thủ. Chỉ cần cho phép bé kiểm soát quá trình này, bé sẽ dần dần phát triển kĩ năng tự ăn dặm. Điều đó có nghĩa, cơ thể bé vẫn cần bổ sung sữa mẹ hoặc sữa bột dinh dưỡng nhận được từ thức ăn dặm là không đáng kể, ăn nhiều hay ít sẽ do cơ thể tự điều chỉnh cho phù hợp với nhu cầu của bé.
Lời khuyên để khởi động
• Cho bé thử nghiệm thức ăn dặm khi bé không đói bụng - sữa vẫn là nguồn dinh dưỡng chính của bé.
• Cố gắng để bé tập trung và thử nghiệm đồ ăn.
• Cho phép bé gia nhập bữa ăn chính (và bữa phụ) mỗi khi có thể.
• Đảm bảo bé ngồi thẳng và an toàn trên ghế cao hoặc trong lòng bạn.
Ăn bốc
Bí quyết của BLW trong những tháng đầu là cho bé làm quen với các món dễ ăn và an toàn để bé có thể cầm và đưa vào miệng. Vì vậy, mặc dù bạn có thể cho phép bé cầm mọi món trong bàn ăn bé sẽ thấy dễ dàng hơn và bớt khó chịu hơn nếu bạn chuẩn bị cho bé các món ăn có kích thước và hình dạng giúp bé dễ cầm.
Các bé 6 tháng tuổi dùng cả bàn tay để cầm mọi vật nên chưa thể dùng ngón cái và ngón trỏ để cầm các vật nhỏ. Nghĩa là các bé phải nắm cả bàn tay quanh mẩu thức ăn để cầm, vì vậy mẩu thức ăn đó không nên quá dày hoặc quá to.
Các bé ở độ tuổi này cũng cần mẩu thức ăn thò ra khỏi lòng bàn tay, vì bé chưa thể chủ tâm mở nắm tay ra. Khi bé tập ăn lần đầu tiên, nắm tay của bé sẽ nhắm chưa chính xác lắm đâu, vì vậy các mẩu thức ăn dài sẽ có cơ hội được cầm tốt hơn các mẩu thức ăn ngắn. Các que thức ăn hoặc thức ăn bốc dài tối thiểu 5 cm, tức là một nửa độ dài của mẩu thức ăn sẽ dễ dàng được bé xử lý trong khi một nửa còn lại là phần để bé cầm chặt. Không cần phải chính xác lắm - bạn sẽ sớm biết bé có thể cầm mẩu thức ăn dài chừng nào. Bông cải xanh là món ăn lý tưởng đầu tiên, bởi vì món này “có tay cầm” - nhưng tất cả các loại hoa quả và rau củ, và phần lớn các loại thịt, đều có thể được cắt theo hình dạng dễ cầm. Vì vậy, hãy rửa sạch tay cho bé và đảm bảo bé ngồi thẳng lưng an toàn, sau đó, chỉ cần cho bé vài mẩu thức ăn dạng que để bé làm quen.
Nếu bạn cho bé ăn rau, hãy nhớ rằng món đó không nên quá mềm (nếu không rau sẽ nát bét khi bé thử cầm lên) hoặc quá cứng (nếu không bé sẽ khó gặm.) Tham khảo Chương 4 để biết thêm thông tin về cách điều chỉnh thức ăn của gia đình cho bé.
Thông thường, bé 6 hoặc 7 tháng tuổi sẽ gặm hoặc nhóp nhép nhai phần thức ăn thò ra khỏi nắm tay của bé. Bé có thể cắn một miếng nhỏ và sau đó vứt phần còn lại đi để tiếp tục cầm mẩu thức ăn khác lên. Đây không phải là dấu hiệu cho thấy bé không thích món ăn đó, chỉ là bé chưa thể mở nắm tay ra một cách có chủ đích hoặc cùng lúc tập trung vào hai việc. Giai đoạn đầu tiên này thường chỉ kéo dài khoảng chừng 2 tháng; khi 8 tháng tuổi, bé sẽ có thể tìm đến mẩu thức ăn trong nắm tay, khi kĩ năng của bé thuần thục hơn, và bạn sẽ thấy bé có thể xử lý các mẩu thức ăn nhỏ hơn, có hình dạng lạ hơn và không còn cần thức ăn “có tay cầm” nữa.
“Ban đầu tôi cũng cắt thức ăn để bé nhón tay nhưng tôi không hay biết rằng chúng vẫn chưa đủ dài. Lucy không thể đặt tay xuống hay thả thức ăn ra. Không có thức ăn thò ra khỏi nắm tay để bé ăn. Chắc chắn bé lúng túng lắm. Chỉ là tôi không biết bé có thể và chưa thể làm gì. Ít lâu sau tôi phát hiện ra rằng thức ăn phải đủ dài để có ‘tay cầm’ cho bé.”
Chị Laura, mẹ bé Josie 10 tuổi và bé Lucy 17 tháng tuổi
Phát triển khả năng phối hợp
Để các bé biết cách cầm thức ăn chính xác và xòe tay ra lấy thức ăn trong lòng bàn tay, các bé thường phải trải qua giai đoạn dùng cả hai bàn tay để tự ăn. Đây là một phần trong quá trình phát triển khả năng phối hợp. Ở giai đoạn này, các bé dễ tìm đến miệng hơn nếu sử dụng tay còn lại để hướng dẫn bàn tay đang cầm thức ăn. Sau khi bé phát hiện ra điều này, có thể bạn sẽ thấy bé ít đưa thức ăn “trượt” khỏi miệng hơn.
Trong giai đoạn đầu, một số bé cũng dùng một hoặc cả hai bàn tay để giữ thức ăn trong miệng khi nhai. Đó là bởi vì bé vẫn chưa học được cách nhai mà không cần mở miệng. Ngay khi học được cách ngậm môi trong lúc nhai, bé sẽ biết dùng hai tay sẵn sàng tóm mẩu thức ăn khác trong khi miệng vẫn đầy thức ăn!
Ối!
Có lúc bé đưa cả ngón tay vào miệng cùng với thức ăn. Điều này là bình thường, cho đến khi bé vô tình cắn hơi mạnh vào ngón tay! Nếu bé đột nhiên khóc trong khi ăn, rất có thể đây là nguyên do. Thật không may, bạn không thể làm gì để ngăn chặn việc này – bé phải tự mình khám phá điều này. Vì vậy, cho đến khi bé biết cách, bạn hãy sẵn sàng âu yếm và nựng nịu bé.
Khoảng 9 tháng tuổi, bé sẽ có khả năng dùng ngón cái và ngón trỏ để cầm thức ăn, vì vậy bé sẽ có thể cầm các món như nho khô hay đậu. Bé cũng sẽ có khả năng nhúng khá là chính xác, nên bạn có thể cho bé ăn các món mềm như món khai vị hoặc sữa chua ăn kèm với bánh mì que hoặc một miếng bánh gạo, hoặc bốc không bằng tay. (Nếu bạn muốn cho bé ăn các món lỏng trước khi bé biết tự “nhúng” bạn có thể nhúng giúp bé - bằng thìa hoặc một mẩu thức ăn - và sau đó đưa mẩu thức ăn đã nhúng cho bé liếm.)
Chỉ cần bạn cho bé làm quen với nhiều loại thức ăn để bé có thể cầm, cũng rất thú vị khi để bé thử nghiệm với các thức ăn mà bé vẫn chưa xử lý được (ngoài các món ăn có thể gây nguy cơ nghẹn như cả quả hạch và hoa quả có hạt.) Cầm nhiều loại thức ăn có kết cấu và hình dạng khác nhau sẽ giúp bé phát triển kĩ năng cần thiết để có chế độ ăn đa dạng - và bé sẽ khiến bạn ngạc nhiên trước những việc bé có thể làm đấy.
“Bây giờ Mille điều khiển thức ăn giỏi hơn rồi; bé sẽ xoay chiều bông cải xanh để ăn phần hoa trước, vì bé biết ăn phần đó dễ hơn. Bé cũng biết cách ăn hoa quả hoặc rau và ăn mà chừa vỏ ra.”
Chị Beth, mẹ bé Millie 10 tháng tuổi
“Bronwyn ngày càng giỏi đưa thức ăn vào miệng, thay vì chỉ cầm một mẩu thức ăn. Và bé cũng cầm các mẩu thức ăn nhỏ nữa, rồi còn đưa cả bàn tay vào miệng và thả thức ăn vào trong miệng. Sau đó bé mút các ngón tay và thò tay lấy thêm.”
Chị Faye, mẹ bé William 4 tuổi và bé Bronwyn 7 tháng tuổi
“Cung cấp” thay vì “cho”
Chúng ta thường nói đến việc “cho” bé thức ăn, nhưng với phương pháp BLW, tất cả những gì bạn thực sự làm là cung cấp thức ăn - bằng cách đặt các mẩu thức ăn trong tầm với của bé - hoặc là trong đĩa của bạn, hoặc khay trên mặt bàn hoặc khay trên ghế - sau đó để bé quyết định nên làm gì với các món đó. Có thể bé sẽ nghịch, làm rơi, dùng tay xoa xoa, đưa lên miệng, hoặc chỉ ngửi thôi; ăn hay không là do bé.
Quả là dễ bị cám dỗ phải đưa món gì đó vào miệng bé, nhưng không phải vì việc này giúp bé thấy thích thú hơn, hay an toàn hơn; đưa thức ăn vào miệng bé có thể gây nguy cơ nghẹn. Cũng rất quan trọng khi để bé quyết định có cầm món nào đó hay không, để bé có thể lựa chọn món mà bé sẽ khám phá hoặc ăn, vậy nên hãy tránh việc đưa ra quyết định thay bé bằng cách đặt thức ăn vào tay bé. Phương pháp BLW hiệu quả nhất nếu đây là phương pháp “không đặt vào tay” - bạn càng tin tưởng bé có khả năng tự ăn theo tốc độ riêng, bé càng học hỏi nhanh hơn và tự tin hơn.
Hãy nhớ đảm bảo thức ăn không quá nóng trước khi bạn cung cấp cho bé - nếm đáng tin cậy hơn là bạn chạm đầu lưỡi hoặc dùng tay thử. Lời khuyên hay là bạn hãy đặt thức ăn cho bé vào chiếc đĩa đã được đặt trong tủ lạnh 30 phút - đĩa sẽ giúp thức ăn chóng nguội hơn. Có thể bé sẽ cảm thấy mình bị ra rìa nếu bé phải đợi món ăn của bé nguội bớt trong khi cả nhà ai cũng đang ăn món của mình rồi!
Đun thức ăn bằng lò vi ba
Nếu bạn đun thức ăn bằng lò vi ba, hãy chắc chắn lật hoặc quấy đều thức ăn trong khi đun - và hãy nhớ thử nhiệt độ trước khi đưa thức ăn cho bé. Sẽ an toàn hơn nếu bạn thử thức ăn nấu trong lò vi ba bằng cách ăn một miếng, thay vì dùng môi thử vì lò vi ba hâm nóng thức ăn không đều, gây ra các điểm nóng mà bạn không ngờ tới.
Lượng thức ăn cung cấp cho bé
Khi mới tập ăn dặm, bé sẽ ăn rất ít và chủ yếu là chơi đùa. Trong vài tuần đầu tiên, phần lớn các thức ăn bạn đưa cho bé đều sẽ rơi vãi trên ghế hoặc trên sàn, chủ yếu bởi vì trước khi biết nuốt, bé chỉ có thể đưa thức ăn lên miệng và nhai. Nghĩa là, ngay cả khi thức ăn đi sâu ra phía sau miệng, có thể bé vẫn nhè thức ăn ra. Những ngày đầu, có thể bé sẽ mất hứng thú hoặc nhanh chán, hoặc bé chỉ muốn chơi mà không muốn ăn. Rất nhiều bé muốn có nhiều thời gian, thử các loại thức ăn khác nhau, chuyển sang món khác rồi lại quay về với món cũ. Việc này hoàn toàn bình thường. Hãy nhớ rằng, ở giai đoạn này, bé vẫn có thể nhận được tất cả các chất dinh dưỡng cần thiết từ sữa mẹ hoặc sữa bột.
Ngay cả khi bé bắt đầu nuốt các mẩu thức ăn nhỏ, bé vẫn sẽ làm vương vãi, dùng tay xoa xoa và làm rơi rất nhiều thức ăn. Một phần thức ăn rơi là có chủ đích - là phần chủ yếu trong quá trình học hỏi của bé - và một phần là do vô tình bởi vì bé chưa đủ thuần thục để cầm hết thức ăn.
Để bắt đầu, hãy cung cấp cho bé 3 hoặc 4 loại thức ăn - có thể là một miếng cà rốt, một bông cải xanh và một miếng thịt lợn (hoặc bất cứ món gì trong bữa ăn gia đình phù hợp với bé.) Hãy chuẩn bị thêm thức ăn cho bé, hoặc nhặt thức ăn bé làm rơi và đưa cho bé. Có lẽ bạn sẽ bị cám dỗ chỉ cho bé một vài món hạn chế trong vài bữa đầu tiên, vì bạn cho rằng bé sẽ không ăn đâu. Nhưng như thế sẽ khiến bé chóng chán - và bạn sẽ thấy cứ hai phút một lần bạn lại phải nhặt thức ăn lên và đưa cho bé. Sẽ dễ hơn nếu bạn cho bé một vài món và không lo nghĩ đến việc bé có ăn hay không.
Mặt khác, sẽ không phải là kế hoạch hay ho nếu bạn chất đống nhiều loại thức ăn trong khay cho bé. Sẽ tốt hơn nếu bạn bắt đầu bằng một lượng nhỏ và sau đó cung cấp thêm cho bé. Rất nhiều bé bị choáng ngợp trước quá nhiều lựa chọn và số lượng quá nhiều ngay trong giai đoạn đầu tiên. Một số bé hất hết thức ăn đi chỉ trong một lần thử; các bé khác chỉ tập trung vào một loại thức ăn và ném hết các món khác trong khay; một số bé còn quay mặt đi. Hãy quan sát phản ứng của bé với thức ăn để biết ban đầu bé có thể xử lý bao nhiêu thức ăn.
“Lần đầu tiên, tôi cho Etta một đĩa đầy thức ăn và bé có hành động rất buồn cười: bé cầm hết các mẩu thức ăn lên và ném ra đằng sau cho đến khi chỉ còn lại một miếng. Sau đó, bé cẩn thận cầm miếng cuối cùng trong tay và bắt đầu ăn. Và khi ăn rồi, bé nhìn xung quanh để xin thêm. Nhưng tôi không thể cho bé thêm vì tất cả đều bị ném hết xuống sàn rồi. Có vẻ như một đĩa đầy là quá nhiều với bé và bé cảm thấy lúng túng. Cuối cùng, tôi cũng phát hiện ra rằng tôi chỉ cần đặt thức ăn của bé vào đĩa khác, và chỉ cho bé một hoặc hai miếng một lần.”
Chị Julie, mẹ bé Etta 3 tuổi
Khi kĩ năng ăn của bé phát triển, bạn sẽ thấy bé ít làm rơi thức ăn hơn và bé ăn nhiều hơn, và có thể bạn sẽ biết bé muốn ăn bao nhiêu vào mỗi bữa. Nhưng thận trọng nhé! Đây chỉ là một bước đi nhỏ để quyết định lượng thức ăn bé “nên” ăn, và đây không phải là mục tiêu của BLW đâu nhé. Khuyến khích bé ăn nhiều hơn nhu cầu là không cần thiết, và có thể gây hại về lâu về dài. Tệ hơn cả là việc này có thể hủy hoại niềm vui thích của bé đối với bữa ăn và khiến bé mắc chứng ăn quá nhiều về sau này. Hãy để bé là người quyết định lượng thức ăn bé ăn; chỉ có bé và dạ dày của bé mới biết bé muốn ăn chừng nào.
Mẹo nhỏ
Đừng cho bé quá nhiều thức ăn cùng lúc - nhưng hãy chuẩn bị sẵn nhiều hơn mức bạn nghĩ bé sẽ cần đến, để bạn không hết sạch thức ăn trước khi bé hết hứng thú. Nếu bé thích ăn nhiều hơn mà mẹ cho bé ít đồ ăn có khả năng bé sẽ ít làm rơi nhiều đồ ăn - và bé sẽ sớm cho bạn biết nếu bé cần thêm. Ngay cả khi bé không đòi ăn, thì cũng có nhiều cách để mẹ có thể nhận ra lượng thức ăn phù hợp với bé.
Ăn hết sạch
Mặc dù rất nhiều người trong số chúng ta sinh trưởng và được dạy rằng phải biết cư xử bằng cách ăn hết thức ăn trong đĩa và không được lãng phí thức ăn, nhưng cả hai điều này đều không phù hợp với các em bé và trẻ nhỏ - và hai điều này thường liên quan đến chứng ăn quá nhiều ở người lớn. Vì vậy, điều quan trọng là không nên kì vọng bé sẽ ăn hết tất cả các món được cho, hoặc cố gắng thuyết phục bé ăn nhiều hơn mức bé muốn. Bé nên được phép ăn nhiều (hoặc ít) theo ý muốn từ lượng thức ăn bạn cung cấp cho bé, để bé lựa chọn món ăn dinh dưỡng cho mình. Nếu bé ăn hết thức ăn bạn đưa, hãy đưa thêm cho bé (hoặc món khác) chỉ nhằm đảm bảo bé thực sự no rồi; nếu bé từ chối, đó chính là cách bé nói rằng bé đã no bụng. Mặc dù bé ăn ít hơn dự tính của bạn, nhưng bé cũng không cần bạn bắt bé ăn thêm “bằng thìa”; có thể bé sẽ ăn để bạn vừa lòng - nhưng điều đó không có nghĩa là bé cần ăn thêm.
“Tôi lớn lên trong thời chiến, và hồi đó khẩu phần ăn hạn chế lắm. Không ai dám lãng phí thức ăn đâu. Nếu tôi không ăn hết khẩu phần được cho, tôi sẽ phải ăn thức ăn thừa trong bữa sau. Cảm giác cần phải ăn hết cả khẩu phần (ngay cả khi tôi không thích) đeo bám tôi suốt cả cuộc đời.”
Ông Tony, cha của 3 người con và ông của 5 người cháu
Từ chối thức ăn
Nếu bé từ chối loại thức ăn nào đó, đó là bởi vì bé không cần (hoặc không muốn) ăn vào thời điểm đó. Điều đó không phản ánh khả năng nấu nướng của bạn và cũng không có nghĩa là bé sẽ không ăn nếu lần khác bạn cho bé ăn món đó. Đương nhiên, nếu bé ăn cùng loại thức ăn với mọi người, thay vì một đĩa thức ăn được chuẩn bị riêng, bạn sẽ khó nhận thấy bé ăn được bao nhiêu - đây là một lý do nữa khiến việc chia sẻ thức ăn với bé bớt căng thẳng hơn cho cả bạn và bé, so với việc chuẩn bị thức ăn riêng cho bé.
Mẹo nhỏ trước khi ăn
• Rửa sạch tay bé trước khi bé cầm thức ăn.
• Cung cấp các mẩu thức ăn dạng que và dài tối thiểu 5 cm - một nửa để cầm và một nửa để gặm, nhai.
• Phải để bé là người quyết định món ăn được đưa vào miệng bé - hãy đặt thức ăn trong tầm với của bé (trong khay trên ghế hoặc mặt bàn).
• Kiểm tra xem thức ăn có quá nóng không (tự ăn một miếng sẽ đáng tin cậy hơn là dùng tay thử).
• Cung cấp cho bé một lượng thức ăn nhỏ để làm quen. Cho bé quá nhiều thức ăn có thể khiến bé chán.
• Chuẩn bị thêm thức ăn phòng trường hợp bé muốn ăn thêm.
• Hãy nhớ rằng “ăn hết sạch” không phải là mục tiêu của bạn - quan trọng là bé được phép ăn theo nhu cầu của bé.
• Không nên buồn nếu bé không ăn món ăn bạn nấu.
• Luôn luôn ở bên cạnh bé khi bé ăn hoặc chơi đùa với thức ăn.
Thận trọng với các trò nghịch của bé!
Thi thoảng các bé giấu một mẩu thức ăn – thường là trong hốc má – để sau đó nhả ra. Việc này thường xảy ra trước khi bé phát hiện ra cách dùng lưỡi để đẩy các mẩu thức ăn bị kẹt giữa lợi và má. Để đảm bảo an toàn, có lẽ cũng là ý kiến hay khi ngay sau bữa ăn, bạn hãy kiểm tra trước khi cho bé chơi đùa hoặc ngủ. Không cần phải móc khắp miệng bé hay ghì bé xuống để nhìn cho rõ – bạn chỉ cần chơi trò đề nghị bé há to miệng (có thể bằng cách để bé bắt chước bạn) hoặc nếu bé hiểu hơn, hãy dạy bé dùng ngón tay kiểm tra xem còn gì “trốn” trong miệng không.
Giúp bé học hỏi
Các bé học bằng cách bắt chước và bé thích được tham gia, vì vậy bạn cần ăn với bé mỗi khi có thể và cung cấp cho bé cùng loại thức ăn với bạn. Thực ra, có thể bạn sẽ thấy bé thích món ăn trong đĩa của bạn hơn là trong đĩa của bé, mặc dù hai món đó chỉ là một! (Có thể đây là bản năng kiểm tra món ăn an toàn của bé.) Trò chuyện với bé về các loại thức ăn, gọi tên và mô tả màu sắc, độ thô mịn, để bé vừa học từ mới vừa phát triển các kĩ năng.
“Meena nhận biết rõ mẩu cà rốt; bé không chỉ biết mỗi món ăn có màu vàng cam đâu nhé. Mẹ con tôi trò chuyện về thức ăn, và bé biết tên của các loại rau. Khi tôi hỏi, “Súp lơ đâu rồi?” bé sẽ cầm đúng món rau đó lên. Tuyệt lắm. Các bé không có cơ hội học hỏi về các loại thức ăn thực sự nếu bạn xay nhuyễn tất cả.”
Chị Deepti, mẹ bé Meena 10 tháng tuổi
Học hỏi bằng cách bắt chước bao gồm việc quan sát và hành động - và làm sai. Quan trọng là phải để bé tự tìm cách xử lý thức ăn và không trợ giúp bé nhiều hơn mức bé thực sự cần. Giúp bé quá nhiều (hoặc can thiệp quá nhiều), chỉ trích, cười nhạo hoặc cáu gắt với bé sẽ khiến bé bối rối và có thể bé sẽ thôi không thử nữa. Mặt khác, bé không cần được khen ngợi khi bé “đưa thức ăn đúng miệng.” Nói cho cùng, bé không coi một mẩu thức ăn bị rơi là “thất bại” hay thức ăn được ăn là “thành công” - với bé, đó chỉ là phần thú vị của cuộc thực nghiệm.
Cố gắng giúp đỡ hoặc chỉ dẫn bé cũng có thể khiến bé xao nhãng. Hãy nhớ rằng, bé đang tập trung học hỏi về thức ăn và cách ăn. Nếu bé cần bạn giúp đỡ, bé sẽ cho bạn biết. Hầu hết các bé đều thực sự muốn tự mình khám phá phương thức tự ăn.
“Ban đầu, Jamal tập nhặt món đồ nào đó và chúng tôi vội vàng nhao tới giúp thằng bé khi thằng bé không xử lý được – nhưng ngay lúc đó sự tập trung của thằng bé không còn nữa. Thằng bé vui hơn nhiều nếu chúng tôi cứ để nó tự làm.”
Anh Simon, cha của bé Jamal 8 tháng tuổi
Những ngày đầu, có thể bạn sẽ thấy thi thoảng bé ọe khi học cách xử lý thức ăn. Mặc dù việc này có vẻ đáng cảnh giác nhưng bạn không cần phải khiến bé lo lắng, cũng không cần cố gắng ngăn chặn việc này. Trên thực tế, việc này có thể đóng vai trò quan trọng trong quá trình học hỏi của bé, dạy bé ăn an toàn bằng cách không đẩy thức ăn quá sâu hoặc ăn đầy miệng. Theo lẽ tự nhiên, bé sẽ thôi ọe chỉ sau vài tuần, sau khi bé học được cách tránh.
Nếu bạn nghĩ những kinh nghiệm đầu tiên này không phải là các bữa ăn (để ăn) mà là cơ hội để học hỏi và chơi đùa, bạn sẽ thấy không có lí do nào để hạn chế bữa ăn chỉ còn 1, 2 hoặc 3 bữa mỗi ngày, hoặc tuân thủ lịch biểu nghiêm ngặt. Thực ra, bé càng có nhiều cơ hội khám phá và thực hành với thức ăn, bé càng nhanh chóng có các phát hiện và phát triển kĩ năng tự ăn mà sau này bé sẽ cần đến.
Bé nản chí, cáu bẳn
Dường như một số bé sẽ có giai đoạn ngừng ăn không lâu sau khi bé bắt đầu khám phá thức ăn dặm, khi bé có vẻ cáu bẳn; cứ như thể kĩ năng của bé vẫn chưa phát triển đủ nhanh cho bé. Chắc hẳn bạn sẽ nghĩ rằng các bé có vẻ buồn chán và cáu gắt vì bé đói - nhưng trong những tuần đầu, nếu bé đói, chắc chắn là vì bé thèm sữa, không phải thèm thức ăn dặm. Giờ ăn là giờ thử nghiệm và bé vẫn chưa nhận thức được rằng ăn thức ăn dặm sẽ giúp bé no bụng. Vì vậy, sự cáu bẳn của bé không phải là dấu hiệu cho thấy bé chưa ăn đủ thức ăn dặm và bé không cần cha mẹ “giúp” bằng cách nghiền nhỏ thức ăn cứng và đút thìa cho bé; sữa vẫn cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho nhu cầu của bé. Đút thìa cho bé có vẻ như giải quyết vấn đề này, nhưng đó chỉ là vì bé tạm thời bị xao nhãng. Nếu bé đói hoặc mệt, tốt hơn là hãy cho bé bú sữa hoặc ru bé ngủ.
Bé cũng có thể gắt gỏng trong vài tuần đầu tập ăn dặm BLW vì bé không thể làm mọi việc mà bé thích với đồ ăn - giống như đồ chơi mới cũng gây nhiều thách thức cho bé. Vấn đề thường gặp là thức ăn không có hình dạng phù hợp, hoặc khiến bé khó cầm, vì vậy bạn hãy quan sát cẩn trọng. Tin tốt lành là, mặc dù giai đoạn cáu bẳn này có vẻ khá phổ biến với các bé BLW nhưng nó sẽ chỉ kéo dài hơn một tuần, giống như cơn gắt gỏng của bé với đồ chơi mới cũng không kéo dài lâu.
Cho bé đủ thời gian
Trong quá trình học hỏi, các bé cần thời gian, vì vậy, bạn đừng hối thúc bé. Trong những ngày đầu, bé có thể cần tới 40 phút để “kết thúc” bữa ăn - đó là thời gian cần thiết để bé thực hành các kĩ năng mới lặp đi lặp lại trước khi bé cố gắng “làm đúng”.
Điều quan trọng đặc biệt là hãy dành cho bé thời gian để nhai kĩ, bởi vì việc này hữu ích cho hệ tiêu hóa của bé và có thể ngăn chặn chứng đau bụng và táo bón. Nếu bạn cho phép bé ăn theo tốc độ riêng, bé cũng sẽ học được cách nhận biết thời điểm no bụng.
Một số bé thích bỏ lại các mẩu thức ăn đang ăn dở để khi khám phá những thứ khác, nhưng có thể lát sau bé sẽ muốn quay lại với thức ăn. Thói quen “ăn ngắt quãng” này khá phổ biến, vì vậy bạn hãy cố gắng ngăn chặn sở thích này của bé bằng cách dọn dẹp bàn ăn quá sớm hoặc cố ăn hết thức ăn của con.
Có lẽ phần khó nhất của phương pháp BLW là bạn phải đứng phía sau và để bé làm quen với thức ăn, nhưng nếu bạn có thái độ nhẹ nhàng với con, bạn sẽ sớm nhận thấy giai đoạn này không kéo dài mãi. Thực ra, bạn càng dành cho bé nhiều thời gian để học cách xử lý thức ăn - ngửi, cảm nhận và chơi với thức ăn - bé sẽ càng nhanh chóng trở thành một người biết ăn thuần thục và tự tin.
“Ivor rất vui vẻ tự ăn theo nhịp độ của bé. Có lúc bé chỉ ngồi một hồi lâu và không làm gì nhiều, nhưng rồi đột nhiên bé ăn khá nhiều. Có hôm bé ăn rất nhiều, rồi có hôm chỉ uống sữa mà không ăn gì khác. Chúng tôi thực sự tin tưởng bé và không hề can thiệp.”
Chị Amanda, mẹ bé Ivor 8 tháng tuổi
Không áp lực
Một số bé có thể từ chối thức ăn nếu bé bị cha mẹ (hoặc người khác) tạo áp lực bằng cách quan sát từng mẩu thức ăn bé ăn. Hãy cố gắng đừng chú ý quá nhiều đến bé trong khi bé ăn; có thể bạn thích được quan sát con nhưng bé không thích bị nhìn chằm chằm như thế đâu. Bữa ăn nên là hoạt động thường nhật và thú vị. Sự trợ giúp âm thầm của bạn, sự khích lệ khi được cầm và ăn thức ăn là tất cả những gì bé cần để phát triển kĩ năng sống và sự tự tin.
“Tôi vẫn còn nhớ khi Enrico 7 hoặc 8 tháng tuổi, tôi đi ăn tối với bạn bè và bọn họ cứ chằm chằm nhìn thằng bé ăn – bọn họ có vẻ cực kỳ lo lắng. Tôi biết bé thấy như thế thì khó chịu lắm, nhưng tôi cũng thông cảm bởi vì do họ chưa từng thấy cảnh đó thôi.”
Chị Angela, mẹ bé Enrico 2 tuổi
Để bé ăn cùng gia đình
Thật là lý tưởng khi cả gia đình cùng ngồi ăn bên nhau, bởi khi đó bé sẽ có cơ hội học hỏi được nhiều điều, thay vì chỉ học cách cầm thức ăn. Bé sẽ học được cung cách ăn lần lượt, đợi đến phần mình, trò chuyện và phép tắc ăn uống. Nhưng đối với một gia đình bận rộn, việc tổ chức bữa ăn gia đình quả là một thách thức lớn - nhất là khi cha hoặc mẹ, hoặc cả hai người, phải làm việc nhiều giờ liền ở bên ngoài. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là bé không nên ngồi ăn một mình. Vì vậy, nếu không thể tổ chức bữa ăn cho cả gia đình, hãy cố gắng đảm bảo bé luôn luôn được cùng ăn với tối thiểu một người. Nếu bé được người khác chăm sóc, hãy giải thích điều này với người chăm sóc bé, và điều này sẽ đảm bảo bé được ăn chung bữa với người khác, ngay cả khi bé không được ăn cùng mẹ.
Đối với nhiều gia đình, bữa sáng thường rất vội vàng, đặc biệt là khi cả cha mẹ cùng phải đi làm hoặc các anh, chị bé phải đi học hoặc đi mẫu giáo. Những ngày đầu, sẽ rất nhiều bé không thích bữa sáng, nhưng một khi thích rồi, bé có xu hướng biết thích nghi: bé không phiền nếu đó không phải là thời gian “hợp lý” để ăn. Vì vậy, bé có thể ăn sáng sau khi các anh/chị đi học hoặc khi bé ở nhà với người trông trẻ. Nếu bạn ở nhà, có lẽ bữa trưa là bữa ăn chung dễ dàng nhất với con. Bữa ăn không cần phải quá cầu kỳ, chỉ cần đủ dinh dưỡng và đa dạng một chút.
Đối với các gia đình, bữa tối ăn chung thường là bữa khó thu xếp nhất, đặc biệt là khi cha mẹ phải làm việc cả ngày dài. Thông thường, người chăm sóc chính (thường là mẹ) sẽ phải ăn hai bữa; một bữa với bé và một bữa khi chồng đi làm về.
Có thể bạn sẽ thấy mình phải nghĩ lại về giờ ngủ của con (nếu con ngủ sớm) hoặc thay đổi giờ ăn tối, nếu như giờ ăn quá muộn. Nhưng bạn hãy nhớ rằng, trong những ngày đầu bé không cần “bữa ăn” dặm một cách đều đặn, bởi vì bé không phụ thuộc vào các bữa ăn này để thỏa mãn cơn đói. Chỉ đến khi bé ăn nhiều hơn và phát hiện ra rằng thức ăn có thể giúp bé hết đói, lúc đó bạn sẽ thấy rõ thói quen ăn của bé; đó là khi bạn hãy lập kế hoạch chuẩn bị bữa ăn tối phù hợp với nhu cầu của bé.
Có lẽ bữa ăn chung sẽ tốt nhất nếu cả gia đình cùng ăn trên một chiếc bàn tròn, nhưng cũng không nhất thiết phải như vậy. Nếu bình thường bạn vẫn ngồi trước tivi để vừa ăn vừa xem, bạn chỉ cần tắt tivi (để bé tập trung) và kéo ghế của bé vào cạnh bạn.
Và tại sao không cùng ngồi ăn trên chiếu hoặc thảm dưới sàn, bất kể là trong nhà hay ngoài vườn?
Hãy cố gắng tỏ ra tôn trọng bé tương tự như vậy khi có khách đến dùng bữa. Nghĩa là bạn đừng nên nói bé phải ăn món gì, ăn chừng nào, đừng lau miệng cho bé liên tục, và hãy kiềm chế cám dỗ phải dọn rửa khi bé vẫn còn đang ăn!
“Leah sẽ ăn và nhai tốt hơn khi tôi cùng ăn với bé. Bé quan sát tôi nhai và bắt chước. Thi thoảng, khi tôi đứng lên và làm việc khác, bé sẽ mất tập trung.”
Chị Emily, mẹ bé Leah 7 tháng tuổi
Mẹo nhỏ
• Hãy cố gắng tối đa để ăn cùng thức ăn với bé, và ăn với bé.
• Dành cho bé thật nhiều thời gian để khám phá thức ăn và quyết định bé muốn làm gì với chúng.
• Trò chuyện với bé về món ăn mà bé đang khám phá.
• Kiềm chế cám dỗ phải giúp bé ăn nhiều hơn nhu cầu.
• Cho phép bé cầm thức ăn càng nhiều càng tốt nhằm giúp bé nâng cao các kĩ năng.
• Cùng chia sẻ niềm vui với bé khi bé có những phát hiện mới, nhưng hãy nhớ rằng bạn không cần phải chỉ đạo quá trình học hỏi của bé bằng cách khen ngợi hoặc quát mắng bé.
Câu chuyện BLW
Hơn 6 tháng tuổi, ngay khi Owen biết ngồi, tôi đặt thằng nhỏ ngồi trên đùi khi cả nhà cùng ngồi bên bàn ăn. Thằng bé cầm thức ăn ngay lập tức nhưng ban đầu, nó chưa đưa thức ăn lên đúng miệng – tôi nghĩ mấy ngày đầu thằng bé chưa ăn được món gì hết.
Nhưng sự kết hợp tay-mắt và cách bé đưa thức ăn vào miệng đã thực sự thay đổi, mặc dù thằng bé mới chỉ bắt đầu tập ăn dặm khoảng 2 tuần trước. Món đầu tiên tôi cho bé là một miếng lê – các bé khác cũng ăn món này – và mỗi lần bé cầm, miếng lê đều tuột khỏi tay; bé không ăn được miếng nào. Lần kế tiếp, khi được cho lê, bé nắm chặt miếng lê cho đến khi biết cách giữ miếng lê trong tay. Sau đó, bé bắt đầu phát hiện ra rằng nếu bé cầm món gì đó bằng tay trái, bé sẽ dễ dàng chuyển sang tay phải hơn để đưa lên miệng, và bây giờ bé bắt đầu dùng tay trái để trợ giúp việc này – tay trái đẩy tay phải đến gần miệng bé hơn. Quả là thú vị.
Thực ra các món ăn Owen ăn được vẫn có vẻ chỉ là do may mắn mà thôi. Phân của bé vẫn không thay đổi; phân có vài mẩu cà rốt, nhưng vẫn là phân bữa sáng. Dường như thức ăn chỉ nhằm giúp bé trải nghiệm hương vị và thử nghiệm hơn là ăn.
Thật tuyệt vời khi tôi có thể tin vào bản năng của con. Không phải lúc nào bé cũng muốn thức ăn; vào bữa tối, bé thường mệt và không tỏ ra thích thú, và có lúc tôi không cho bé nhiều đồ ăn vào bữa sáng nếu tôi phải vội đưa anh/chị bé đi học; tôi cực kỳ thoải mái với việc này. Nhưng tôi không thể nào ngồi xuống ăn mà không cho bé nhập cuộc – tôi thực sự thích như thế.
Cùng Owen ăn bữa cơm gia đình đem lại rất nhiều ý nghĩa cho tôi; với tôi, việc này dễ dàng hơn nhiều so với khi tôi xay thức ăn cho hai đứa con đầu lòng. Khi nghĩ lại, tôi thấy Theo (con thứ hai của tôi) không sẵn sàng đón nhận thức ăn dặm trước khi thằng bé 7 tháng tuổi. Thằng bé không thích thức ăn mềm và không thích được cho ăn – nó phì hết thức ăn ra. Thằng bé không thực sự thích ăn nhiều, cho đến khi nó được phép tự ăn. Có vẻ sẽ tự nhiên hơn nếu chúng ta để các bé tự làm việc đó ngay từ đầu.
Chị Sam, mẹ bé Ella 8 tuổi, Theo 5 tuổi và bé Owen 8 tháng tuổi
Đón đợi sự bừa bộn
Các bé không hiểu ý niệm về sự bừa bộn. Bé sẽ luôn làm rơi hoặc ném đồ chơi; đó là cách bé học hỏi về trọng lực, khoảng cách và sức khỏe của bé. Ban đầu, thức ăn cũng chỉ là một món đồ chơi, vì vậy bé cũng thử nghiệm thức ăn tương tự như với đồ chơi. Trước niềm vui sướng của bé, bé phát hiện ra rằng từ trước đến giờ chưa có món đồ chơi nào mà bé cầm trong tay lại có thể được kêu lép bép hay kéo căng như thế này (trò chơi nhem nhuốc và lặn bột thường được dành cho các bé lớn hơn, vì có thể các bé nhỏ hơn sẽ ăn chúng!)
Đôi khi, sự bừa bộn là do kĩ năng của các bé còn nhỏ vẫn chưa hoàn thiện. Các bé thường hất tung đồ vật, hoặc gạt sang một bên khi các bé cố cầm lên. Và bởi vì ban đầu các bé vẫn chưa mở nắm tay một cách có ý thức, nên các bé thường có xu hướng vô tình làm rơi đồ vật khi niềm ham thích của bé chuyển hướng sang món đồ khác. Điều quan trọng nhất cần phải nhớ khi bạn quan sát bé vui vẻ hất thức ăn ra khỏi thành ghế là bé không biết như thế là rắc rối! Bé không biết rằng mọi thứ sẽ cần được dọn dẹp sạch sẽ - bé chỉ tham gia hoạt động học hỏi quan trọng. Bạn càng thoải mái, bé càng học nhanh hơn.
Khi kĩ năng của bé phát triển và bé phát hiện ra niềm vui khi ăn món mà bạn đưa cho, sự bừa bộn sẽ nhanh chóng giảm bớt. Thực ra, các bậc cha mẹ từng áp dụng phương pháp BLW thường nói rằng giai đoạn bừa bộn thường rất ngắn ngủi và kĩ năng của bé được phát triển nhanh chóng, nếu so với các bé khác. Cũng cần phải nhớ rằng, có thể BLW bừa bộn hơn phương pháp đút thìa trong bữa ăn, nhưng phương pháp này ít bừa bộn hơn (kém tỉ mỉ hơn) trong giai đoạn chuẩn bị, khi bạn không phải lau rửa máy xay hoặc cái rây.
Bừa bộn là một phần quan trọng và không thể tránh trong quá trình học hỏi của bé - cố gắng chống lại điều này cũng giống như khi bạn đứng trên bờ biển và mong thủy triều đừng dâng! Bí quyết để đối mặt với sự bừa bộn là hãy hoan nghênh nó và chuẩn bị tinh thần sẵn sàng. Nghĩa là hãy nghĩ đến cách bạn mặc đồ cho bé (và cho bạn nữa!) nhằm phục vụ chuyến phiêu lưu tự-ăn của bé và cách tốt nhất để bảo vệ khu vực xung quanh bé. Điều đó cũng có nghĩa là bạn cần phải dành rất nhiều thời gian cho bữa ăn, tạo cho bé thật nhiều cơ hội để thực hành (để bé học được cách ăn bớt bừa bộn hơn), và dành nhiều thời gian để lau dọn.
“Bữa ăn là thời gian cho các trò chơi bừa bộn của Milo. Bé học được về kết cấu của đồ vật, số lượng và món ướt thông qua việc cầm nắm thức ăn, và việc này thực sự hữu ích cho sự phối hợp tay-mắt. Trẻ nhỏ thích chơi đùa với các món đồ gây bừa bãi. Ở trường mẫu giáo, bạn sẽ thấy trẻ được chơi đùa với những khay kẹo sặc sỡ sắc màu hoặc món mì ý nấu chín – nhưng đó không phải bữa ăn của trẻ đâu nhé. Đó là giờ chơi của trẻ đấy! Đó chính là quá trình học tập tiên phong đấy. Quả là ngạc nhiên, phải vậy không?”
Chị Helen, mẹ Lizzie 7 tuổi, Saul 5 tuổi và Milo 2 tuổi
Áo yếm
Khác với bạn, bé sẽ không ngồi gần thức ăn và có thể bé sẽ phải vươn cả hai cánh tay ra để cầm thứ bé muốn. Ống tay áo dài có thể dính vào thức ăn - và có thể khiến bé khó cử động - vì vậy ống tay áo ngắn sẽ tốt hơn. Yếm sẽ giúp bảo vệ phần trước của bé - một chiếc yếm dài (hoặc tạp dề sặc sỡ của các bé tập đi) sẽ che được cả phần cánh tay bé, nhưng cũng có thể khiến bé vướng víu. Tạp dề dạng “bồ nông” rất hữu ích để đỡ các mẩu thức ăn rơi, nhưng lại có xu hướng hạn chế cử động của bé, vì vậy có lẽ tạp dề loại này không phải là ý tưởng hay.
Một số cha mẹ thích để bé ăn khi mặc áo gi-lê - hoặc có khi là tã lót, nếu thời tiết ấm áp; da dẻ bé dễ dàng được rửa sạch sẽ hơn là quần áo. (Nếu bé có giờ tắm nhất định, hãy đảm bảo giờ tắm đó sau khi bé ăn!). Với ghế cao sẽ không đáng phải vất vả nếu bé không thích đeo yếm - bữa ăn nên luôn luôn là một niềm hứng thú. Hãy chấp nhận rằng có thể bé sẽ làm thức ăn dính trên mặt, trên tóc và trên quần áo, và đến nay vẫn chưa có thiết bị nào được phát minh nhằm giúp ngăn chặn thức ăn rơi xuống ghế hoặc xuống sàn. Thực ra, bạn sẽ ngạc nhiên khi tìm thấy nơi vương vãi các mẩu thức ăn sau khi bé hoàn tất cuộc thử nghiệm với bữa ăn.
Vết bẩn hoa quả
Hãy lưu ý đến các vết bẩn do bé ăn hoa quả. Khi bé ăn hoa quả (đặc biệt là cả quả) các bé thường mút và nhai rất lâu, và nước hoặc cùi quả thường chảy xuống cằm, tay và quần áo của bé. Có thể lúc đó bạn không nhận thấy, nhưng một số loại quả như chuối và táo thường để tại các vết ố đậm màu.
“Tôi dùng kiểu tạp dề từ những năm 1950 khi Justin bắt đầu áp dụng phương pháp BLW và tôi không phải suy nghĩ gì thêm. Nếu bé ngồi trong lòng bạn vào bữa ăn, tạp dề sẽ đón nhận toàn bộ các mẩu thức ăn vương vãi!”
Chị Louise, mẹ bé Justin 23 tháng tuổi
Bảo vệ sàn nhà
Một miếng lót lớn sáng màu bằng nhựa sạch sẽ có thể bảo vệ thảm sàn nhà, để các mẩu thức ăn rơi (hoặc bị ném đi) có thể được nhặt lên và đưa lại cho bé. Một chiếc khăn trải bàn bằng nhựa dẻo hoặc vải cotton, chiếu đi picnic hoặc khăn dầu (hoặc áo mưa) cũng hữu ích; tấm nhựa dẻo công nghiệp được bán theo mét cũng phù hợp và giá cả hợp lý hơn. Một số cha mẹ sử dụng giấy báo để có thể dễ dàng vứt đi sau bữa ăn và họ không mất thời gian lau dọn.
“Chúng tôi thử dùng miếng nhựa lót sáng màu nhưng do loại nhựa này rất mỏng, vì vậy chúng tôi không thể giũ sạch được, tôi phải quỳ đầu gối xuống lau mới sạch. Cuối cùng, chúng tôi quyết định chọn một chiếc khăn trải bàn bằng vải cotton rẻ tiền – sau bữa ăn chúng tôi chỉ cần giũ khăn trên thùng rác rồi nhét vào máy giặt. Chúng tôi cần đến hai hoặc ba chiếc, để luôn luôn có một cái khăn sạch dự phòng, nhưng với bé, việc lau giặt rất thường xuyên nên dường như điều đó cũng không tạo sự khác biệt nào.”
Chị Ruth, mẹ bé Lola 19 tháng tuổi
Các vật dụng dành cho bé tập ăn dặm
Ghế cao
Ghế ngồi cao có rất nhiều hình dạng và kích cỡ khác nhau. Ghế cao có khay có thể hữu ích khi bé mới tập ăn, nhưng chiếc ghế được sử dụng cùng với bàn ăn chính thường giúp tiết kiệm diện tích và quan trọng nhất là sẽ giúp bé cảm thấy được gia nhập vào bữa ăn. Chiếc ghế có độ cao bằng với bàn ăn sẽ giúp bé dễ dàng cầm nắm thức ăn. Một chiếc nệm hoặc khăn tròn đỡ lưng bé cũng sẽ rất hữu ích.
Nếu bạn chọn ghế cao có khay, hãy tìm ghế có khay rộng; như vậy sẽ hạn chế thức ăn bị rơi xuống sàn. Và hãy chọn khay có gờ xung quanh - khay không có vành trông có vẻ bắt mắt nhưng thức ăn sẽ không lưu lại lâu trên khay. Điều quan trọng nữa là phải đảm bảo khay không quá cao so với ghế: nếu ngực bé cao bằng với khay, bé sẽ không thể dễ dàng với thức ăn (bạn hãy hình dung sự bất tiện khi bạn phải với thức ăn trên một cái bàn cao bằng nách bạn!) Ghế cao có khay điều-chỉnh-độ-cao cũng tốt, nhưng nếu không có, chỉ cần đặt một chiếc khăn gấp bên dưới mông bé cũng giúp bé cao hơn.
Loại ghế cao có thể được kẹp vào bàn cũng hữu ích khi đi ăn ngoài hoặc du lịch, nhưng sẽ không phù hợp nếu sử dụng hàng ngày. Một số loại ghế cao có thể được sử dụng ở vị trí thấp, và rất hữu ích ngay cả khi bạn không dùng bữa tại một chiếc bàn ăn tiêu chuẩn. Loại ghế có thể được điều chỉnh khi bé lớn hơn thường đắt đỏ khi mua ban đầu, nhưng sẽ giúp bạn tiết kiệm tiền vì không phải mua chiếc ghế khác khi bé lớn hơn. Một số loại ghế còn có thể được điều chỉnh và dùng như ghế thông thường đối với các bé lớn hơn hoặc dành cho người lớn.
Hãy nhớ rằng ghế cao có rất nhiều miếng đệm - có vẻ trông chúng dễ chịu hơn ghế gỗ phẳng hoặc ghế nhựa, nhưng khó lau chùi hơn nhiều. Và, thực lòng mà nói, bạn sẽ cần phải lau ghế sạch sẽ.
Quan trọng là ghế cao của bé phải có dây đeo, giúp đảm bảo an toàn cho bé - và bạn sẽ khóa dây mỗi khi bé ngồi trên ghế; có thể bé không thử trèo ra, nhưng tai nạn có thể xảy ra khi bé ngó ngoáy xung quanh.
Ghế cao dễ sử dụng, lâu dài, nhưng nếu bé không thích ngồi ghế cao, đừng bắt bé phải thích - bé có thể ăn khi ngồi trên đùi bạn, và có thể dần dần bé sẽ quay lại thích ghế cao hơn.
“Nếu tôi sinh thêm con, bữa ăn của gia đình tôi sẽ không có khác biệt gì hết – trừ việc không cần đến ghế cao nữa! Dạo gần đây Aidan mới chịu ngồi ghế mà không nhặng xị lên – và thằng bé 2 tuổi rồi. Vì vậy chúng tôi quyết định không cần đến ghế nữa, vì thằng bé không thích ghế. Tôi cứ để thằng bé ngồi trên đùi, thay vì bắt con phải ngồi ghế. Cũng hơi khó để lấy thức ăn khi bé vẹo vọ người, nhưng ngoài việc đó ra, chúng tôi rất thích được ăn theo cách này.”
Chị Sue, mẹ bé Aidan 2 tuổi
Đĩa ăn
Rất nhiều cha mẹ nhận thấy sẽ dễ dàng hơn nếu ban đầu không dùng đĩa. Bé 6 tháng tuổi có niềm đam mê tương tự với cả đĩa và thức ăn - nhất là khi chiếc đĩa đó nhiều màu sắc, được thiết kế dành riêng cho em bé - và trong khi điều này không thực sự là vấn đề quan trọng, rất có thể tất cả thức ăn trong đĩa sẽ nhanh chóng được ném xuống sàn. Bé sẽ không nhớ đặt các mẩu thức ăn trở lại đĩa sau khi bé nếm thử, vì vậy khu vực quanh đĩa cũng sẽ vương vãi thức ăn.
Không có lí do cho thấy tại sao bé không thể ăn thức ăn ngay trên khay ghế cao, hoặc ngay trên mặt bàn ăn, nếu như mặt khay và mặt bàn đều sạch sẽ (có lẽ bạn chỉ cần lau thật nhanh bằng một chiếc khăn sạch và loại nước tẩy rửa nhẹ). Hoặc bạn cũng có thể đặt một chiếc khay bằng trên bàn trước mặt bé (có thể dùng bột nặn dẻo để dính khay lên mặt bàn), hoặc vải lót đĩa cao su có túi cố định để hứng thức ăn rơi xuống sàn. Các dụng cụ này góp phần đựng thức ăn vương vãi và dễ dàng lau rửa.
Nếu bạn muốn dùng đĩa, có thể bạn sẽ thấy rằng một chiếc đĩa hoặc bát nặng sẽ khiến bé khó nhấc lên hơn - mặc dù nếu bé nâng lên được, chúng có thể gây hư hại nhiều hơn. Loại đĩa hút dính vào bàn có thể hữu ích, nhưng loại đĩa này thường làm bắn các mẩu thức ăn còn dính trên đĩa lên khi bạn nhấc đĩa ra! Tất cả các loại đĩa, bát và cốc bạn sử dụng phải sạch sẽ, nhưng không cần phải khử trùng.
Nếu bạn muốn bảo vệ mặt bàn, có thể bạn sẽ muốn mua một tấm khăn trải bàn bằng nhựa dẻo hoặc vải dầu. Hai loại khăn này rất hữu ích vì chúng rất dễ vệ sinh, nhưng tốt nhất là bạn không nên chọn chiếc khăn có hoa văn “rối mắt” hoặc sặc sỡ, vì như thế sẽ khiến bé khó nhìn và nhận biết đồ ăn. Một điều quan trọng khác nữa là bạn hãy đảm bảo bé không thể kéo khăn trải bàn (và những thứ trên khăn) vào lòng hoặc xuống sàn nhà.
Câu chuyện BLW
Cách đây khoảng 1 tháng, James bắt đầu biểu lộ rõ rằng bé muốn ngồi chung bàn ăn với chúng tôi – bé không bằng lòng khi chỉ ngồi ghế ăn và nhìn chúng tôi dùng bữa. Một số người nói khi các bé thích bữa ăn, đó là lúc bé sẵn sàng ăn, nhưng tôi nghĩ bé không đói, chỉ là bé muốn gia nhập, cũng như bé cáu gắt và muốn bắt chước khi bé nhìn thấy các bé khác đang bò.
Ban đầu, bé hào hứng với những thứ liên quan đến bữa ăn, không hẳn chỉ là thức ăn. Điều này thực sự thay đổi khoảng 2 tuần trước. Giờ bé ngồi vững lắm rồi, và bé muốn nhiều hơn chỉ là một chiếc thìa để chơi cùng hoặc thứ gì đó hay hay để mút – bé muốn cầm mọi thứ.
Vài tuần trước, bé cầm một miếng dưa chuột nhưng vẫn chưa biết nắm chắc nên đã làm rơi. Anh chị bé nghịch lắm, chúng muốn cho bé thức ăn. Bé được anh trai cho một miếng cà rốt, được lén cho một miếng chuối và cả một thìa sữa chua nữa. Một hôm, khi gia đình tôi đi picnic, bé cũng cầm lõi táo để mút – bé rất vui mừng với việc đó. Và tôi còn làm cả món khoai tây để bé bốc nữa, bé mút rất nhiệt tình và thưởng thức hương vị. Tôi có cảm giác bé đã sẵn sàng ăn dặm rồi.
Vậy nên hôm nay là lần đầu tiên tôi thực sự cho bé thức ăn để ăn. Đó là một miếng lê chín ngọt – và bé rất thích. Tôi nghĩ bé vui lắm, vì cuối cùng bé cũng được cho phép ăn món mà bé muốn, thay vì tôi nói “Ô, chưa được đâu con, con chưa đến tuổi ăn đâu.”
Tối qua, tôi làm món gà hầm đậu xanh, và tôi chợt nghĩ, “James ăn món này thế nào nhỉ?” Nhưng tôi đoán có lẽ bé sẽ lấy tay bốc đậu, hoặc cầm miếng thịt gà. Chắc chắn sẽ bừa bộn lắm, và tôi phải quen thôi! Tôi nghĩ đây mới là thử thách của tôi: “Bé có thể ăn món không quá khác biệt?”
Chị Jane, mẹ Rose 7 tuổi, Edward 3 tuổi và James 6 tháng tuổi
Bí quyết thành công của phương pháp BLW
• Ngay từ đầu, hãy coi bữa ăn là giờ chơi. Bữa ăn là thời gian để bé học hỏi và thử nghiệm - không nhất thiết là để ăn. Bé sẽ vẫn có đầy đủ chất dinh dưỡng từ các bữa sữa.
• Tiếp tục cho bé bú sữa theo nhu cầu, để thức ăn dặm chỉ góp phần bổ sung, thay vì thay thế các bữa sữa. Bé sẽ dần dần giảm lượng sữa, tùy thuộc vào khoảng thời gian của riêng bé.
• Ban đầu, đừng trông mong bé sẽ ăn nhiều. Khi 6 tháng tuổi, bé không đột nhiên cần thêm thức ăn đâu. Khi bé phát hiện ra vị ngon của thức ăn, bé sẽ bắt đầu nhai và sau đó là nuốt. Trong vài tháng đầu, rất nhiều bé chỉ ăn rất ít.
• Cố gắng ăn chung với con và cho bé tham gia bữa ăn gia đình mỗi khi có thể, để bé có thật nhiều cơ hội bắt chước bạn và thực hành các kĩ năng mới.
• Đón đợi sự bừa bộn! Hãy nghĩ đến cách trang bị yếm cho bé và cách bảo vệ khu vực xung quanh bé, để việc xử lý sự bừa bộn không gây căng thẳng và thức ăn bị rơi có thể dùng lại được. Hãy nhớ rằng, bé đang học hỏi, thay vì cố gắng tạo thêm việc cho bạn.
• Hãy để giờ ăn thật vui vẻ đối với cả gia đình. Hãy chắc chắn rằng giờ ăn luôn luôn thoải mái và thú vị, và bạn sẽ khuyến khích bé khám phá và thử nghiệm. Bằng cách này, bé sẽ thích thử thức ăn mới và mong ngóng đến giờ ăn.
6 việc bạn nên làm
1. Đảm bảo bé được hỗ trợ trong tư thế ngồi thẳng lưng trong khi ăn. Trong những ngày đầu, bạn có thể đặt bé ngồi trên đùi, đối diện với bàn ăn. Khi bé ngồi trên ghế cao, hãy dùng miếng nệm nhỏ hoặc khăn cuộn để giúp bé ngồi thẳng và có độ cao thích hợp so với khay ăn hoặc mặt bàn.
2. Bắt đầu bằng cách cho bé các món ăn dễ cầm nắm. Món ăn dạng que dày là dễ dàng nhất. Hãy cố gắng cho bé thưởng thức món ăn mà bạn đang ăn (miễn sao phù hợp với bé) để bé có cảm giác được gia nhập bữa ăn. Đừng quên rằng bé không thể ăn phần thức ăn được cầm trong nắm tay, vì vậy đừng kì vọng bé ăn hết cả que thức ăn đó - và hãy chuẩn bị thêm thức ăn cho bé nếu bé đã ăn hết mẩu thức ăn thò ra khỏi nắm tay.
3. Cho bé ăn thức ăn đa dạng. Không cần phải hạn chế kinh nghiệm của bé với thức ăn. Chỉ cần không cho bé quá nhiều món trong một bữa, hãy cho bé trải nghiệm nhiều loại hương vị và độ thô mịn khác nhau của thực phẩm trong một tuần, và việc này sẽ cung cấp cho bé nhiều loại chất dinh dưỡng, cũng như giúp bé phát triển kĩ năng ăn.
4. Tiếp tục cho bé bú mẹ hoặc uống sữa bột như trước đây và cho bé uống nước. Hãy biết rằng các bữa sữa của bé sẽ thay đổi dần dần khi bé bắt đầu ăn nhiều hơn.
5. Thảo luận việc cho bé tập ăn dặm với chuyên gia tư vấn sức khỏe nếu gia đình bạn có tiền sử dị ứng hoặc các vấn đề về tiêu hóa, hoặc bất cứ mối lo lắng nào về sức khỏe hoặc sự phát triển của bé.
6. Giải thích về phương pháp BLW với những người chăm sóc con bạn.
6 việc bạn không nên làm
1. Đừng cho bé thức ăn không tốt cho sức khỏe của bé, ví dụ đồ ăn nhanh, đồ ăn sẵn hoặc thực phẩm có muối hoặc đường. Hãy để các thức ăn có nguy cơ gây nghẹn ra khỏi tầm với của bé.
2. Không cho bé thức ăn dặm khi bé đang đói sữa.
3. Không hối thúc bé hoặc khiến bé xao nhãng trong khi bé đang cầm thức ăn - cho phép bé tập trung và chỉ huy nhịp độ của việc mà bé đang làm.
4. Không giúp bé đưa thức ăn vào miệng (và để mắt đến bé vì rất có thể các bé lớn sẽ “có thiện ý” giúp bé làm việc này). Để bé nắm tầm kiểm soát là khía cạnh an toàn quan trọng của BLW.
5. Không cố gắng thuyết phục bé ăn nhiều hơn mức bé muốn. Không cần phải dỗ dành, nịnh nọt, đe nạt hoặc bày trò chơi.
6. KHÔNG BAO GIỜ để bé ngồi một mình với thức ăn.
Hỏi & Đáp
Bé nhà tôi 5 tháng tuổi và tôi đã cho bé ăn món xay nhuyễn được 1 tháng. Tôi có thể chuyển sang phương pháp BLW được không?
Khi 5 tháng tuổi, gần như chắc chắn rằng bé vẫn còn quá nhỏ để tự ăn thức ăn dặm, mặc dù bé có thể cầm vài miếng thức ăn đưa lên miệng. Nhưng trừ khi bạn bắt đầu cho bé ăn dặm sớm vì lý do sức khỏe (trong trường hợp này bạn nên tham vấn chuyên gia tư vấn sức khỏe hoặc bác sĩ) bé thực sự không cần thức ăn dặm ở độ tuổi này. Có lẽ sẽ tốt hơn nếu bạn để bé quay trở lại với các bữa sữa hoàn toàn trong vài tuần nữa, cho đến khi hệ tiêu hóa và miễn dịch của bé hoàn thiện hơn.
Nếu bạn không muốn bé dừng ăn dặm, bạn sẽ cần phải tiếp tục cho bé ăn món xay nhuyễn cho đến khi bé có thể tự ăn. Nhưng, nếu bạn muốn chuyển sang phương pháp BLW, tốt nhất là bạn nên cho bé bú sữa hoàn toàn đến khi bé 6 tháng tuổi, và sau đó bắt đầu bằng thức ăn nhón tay - như thể bé chưa bao giờ ăn món xay nhuyễn. Để làm được việc này, bây giờ bạn cần tăng cữ bú của bé (bằng cách cho bé bú thường xuyên hơn, nếu bé bú mẹ, hoặc tăng lượng sữa trong mỗi cữ bú nếu bé bú sữa bột) để bạn có thể ngừng thức ăn xay nhuyễn.
Bé nhà tôi 8 tháng tuổi và đến giờ tôi vẫn cho bé ăn món xay nhuyễn. Có quá muộn để tôi áp dụng phương pháp BLW không?
Không bao giờ là quá muộn để áp dụng phương pháp BLW! Ngay cả khi bé đã quen với phương pháp bón thìa, có thể bé vẫn thích được khám phá thức ăn, nếu bé có cơ hội, và bé sẽ vẫn hưởng lợi từ phương pháp này. Nhưng có thể bé sẽ phản ứng hơi khác so với các bé tự ăn ngay từ đầu.
Khi các bé bắt đầu phương pháp BLW từ lúc 6 tháng tuổi, bé có cơ hội thử nghiệm với thức ăn và phát triển kĩ năng tự ăn, trong khi các chất dinh dưỡng của bé vẫn dồi dào nhờ sữa mẹ hoặc sữa bột. Nghĩa là bé có thể tập tự ăn trước khi bé thực sự cần nhiều thức ăn. Nhưng nếu bé bắt đầu ăn dặm bằng một giai đoạn bón thìa và sau đó chuyển sang BLW, tiến độ có thể ít thấy rõ hơn, vì cơ hội này đã bị bỏ lỡ.
Khi cho bé ăn bốc lần đầu tiên, có thể bạn sẽ thấy bé cáu bẳn vì không thể tự ăn nhanh như bé muốn. Các bé vốn được đút thìa có thể quen với việc nuốt nhanh các thìa thức ăn đầy khi đói bụng, vì món xay nhuyễn không cần phải nhai.
Cho bé cơ hội tự ăn khi bé không đói có thể giúp bạn tránh được vấn đề này, bằng cách cho phép bé tập trung khám phá điều thú vị của thức ăn mà không cần phải nghĩ đến việc ăn no bụng. Hãy bắt đầu cho bé thức ăn cầm tay vào mỗi bữa, cùng với món cháo xay nhuyễn thông thường, và khi bé phát triển kĩ năng tự ăn, bạn sẽ thấy bé ít hứng thú hơn với món xay nhuyễn và dần dần, bé sẽ không cần món xay nữa.
Một số cha mẹ nhận thấy rằng các em bé lớn hơn vốn quen với việc đút thìa thường cố đưa quá nhiều thức ăn vào miệng khi bé được phép tự ăn. Có thể là do bé không có cơ hội làm quen với việc nhai thức ăn trước khi nuốt, hoặc có thể các bé không có khả năng khám phá (thông qua phản xạ ọe) cách thức tránh đưa quá nhiều thức ăn vào miệng. Khuyến khích bé tự ăn khi không đói bụng rất hữu ích giúp bé học được những điều này.
Dù bé bao nhiêu tháng tuổi khi bạn bắt đầu áp dụng phương pháp BLW, hãy cố gắng cho bé cơ hội được gia nhập bữa ăn mỗi khi nhà có khách. Bằng cách này, bé sẽ được khuyến khích bắt chước mọi người và khám phá ra khía cạnh xã hội của bữa ăn. Nếu bé hơn một tuổi, có thể bạn cũng muốn đưa cho bé dao dĩa để bé bắt chước bạn. Nếu cần thiết, hãy tiếp tục đút thìa với các món xay cho bé đến khi kĩ năng tự ăn bắt kịp cơn đói của bé.