“Sau hai tuần rưỡi bắt đầu áp dụng phương pháp BLW, tôi và bạn trai cùng ăn món đậu Hà Lan và món Lasange1 chay, khi con gái ngồi cạnh chúng tôi – bé cũng ăn món này và ăn ngấu nghiến với sự hào hứng cao độ. Thức ăn có dính đầy lên người bé không? Có chứ. Chiếc ghế cao của bé có bẩn không? Tất nhiên rồi. Đó có phải là một trong những điều thú vị nhất mà tôi từng thấy không? Hiển nhiên là vậy.”
Chị Lisa, mẹ bé Kyla 11 tháng tuổi
1 Là một loại mì ống phẳng, rất rộng (đôi khi có các cạnh lượn sóng). Nó thường được xếp chồng lên nhau xen kẽ pho mát, nước sốt, thịt, rau quả.
Các nguyên tắc cơ bản
Nếu bạn từng đọc các cuốn sách khác hướng dẫn cho bé ăn dặm, có thể bạn nhận thấy rằng hầu hết các cuốn sách này đều đưa ra những hướng dẫn nghiêm ngặt về các món ăn nên được cho bé ăn dặm. Tuy nhiên, phần lớn các lời khuyên này đều có từ khi thức ăn dặm được dành cho các bé 4 tháng tuổi, thậm chí 3 tháng tuổi. Trên thực tế, hệ miễn dịch và hệ tiêu hóa của bé 6 tháng tuổi hoàn thiện hơn, vì vậy trừ khi gia đình bạn có tiền sử dị ứng, những hạn chế nghiêm ngặt này là không cần thiết. Điều này vẫn đúng cho dù bạn có áp dụng phương pháp BLW hay không.
Theo quy tắc chung, bữa ăn gia đình sẽ phù hợp cho bé ăn nếu bạn chế biến các thực phẩm tự nhiên, càng nhiều thức ăn tươi ngon càng tốt, và nấu không nêm muối hoặc đường. Rất nhiều người bắt đầu với rau hầm hoặc hoa quả, nhưng mặc dù các món này có vẻ dễ giúp bé cầm nhất trong giai đoạn đầu, không có lí do cho thấy bé không thể cùng ăn thịt hầm, salad, mì sợi, món rán hoặc quay - hoặc các món có hình dạng phù hợp. Bạn nên cho bé:
• Thức ăn giàu dinh dưỡng - không được chế biến quá kỹ hoặc nêm đường hoặc muối.
• Tối thiểu một lần một ngày phải có một loại thức ăn thuộc các nhóm thực phẩm chính (mặc dù việc này ít quan trọng hơn trong khi bé chỉ khám phá, thay vì ăn).
• Nhiều loại món ăn trong cả tuần để bé có cơ hội thử nghiệm các hương vị và độ thô mịn khác nhau của thức ăn.
• Hình dạng và kích cỡ giúp bé dễ dàng cầm nắm (hãy nhớ rằng kĩ năng của bé sẽ phát triển nhanh chóng).
Bạn có thể tìm hiểu thêm thông tin chi tiết về chất dinh dưỡng và việc cung cấp bữa ăn có lợi cho sức khỏe, cân đối dinh dưỡng cho cả gia đình trong Chương 7, và khi nhìn thấy con cầm thức ăn, bạn sẽ dễ dàng điều chỉnh bữa ăn gia đình để bé cùng nhập cuộc.
Các món ăn cần tránh
Món ăn có nguy cơ nghẹn
Do hình dạng, một số món ăn cực kỳ nguy hiểm cho bé và trẻ em. Các loại quả hạch là ví dụ điển hình nhất - quả hạch nguyên quả (hoặc miếng lớn) nên được tránh cho đến khi trẻ được tối thiểu 3 tuổi vì loại hạt này dễ bị tắc trong khí quản của bé.
Loại hoa quả như trái anh đào nên được bỏ hạt trước khi đưa cho bé, và bạn cũng nên cắt đôi các loại quả tròn như nho hoặc cà chua bi. Hãy nhớ cẩn trọng với bánh, món hầm và salad có chứa các loại thức ăn nhỏ và cứng. Tốt nhất là nên tránh cá nhiều xương, và đừng quên lọc xương sụn ra khỏi thịt.
Muối
Muối không tốt cho bé; thận bé vẫn chưa đủ hoàn thiện để xử lý muối và quá nhiều muối có thể gây các chứng bệnh nghiêm trọng. Cũng sẽ tốt hơn cho sức khỏe lâu dài của bé nếu bạn giữ lượng muối ở mức thấp khi bé còn nhỏ, để bé không ưa thức ăn mặn khi lớn hơn.
Muối được nêm vào rất nhiều món ăn nhằm gia tăng hương vị, đặc biệt là các đồ ăn sẵn, nước xốt mua tại cửa hàng, nước dùng. Muối còn được sử dụng để bảo quản các món thịt xông khói và giăm bông, và rất nhiều thực phẩm đóng hộp. Trên thực tế, hầu hết lượng muối chúng ta ăn “được giấu” trong thực phẩm, thay vì được bổ sung từ lọ muối trong quá trình đun hoặc tại bàn ăn, vì vậy tránh muối tức là hãy nghĩ đến loại thực phẩm được mua và cách chế biến.
Các bé dưới 1 tuổi không nên ăn quá 1g muối/ngày (0,4g natri). Thực phẩm chế biến sẵn thường có lượng muối quá cao cho bé. Ngay cả một số loại pho mát như Parmesan, Feta hay pho mát hỗn hợp (dạng lát, miếng hoặc hình tam giác) có thể chứa hơn 1g muối/100g pho mát (mặc dù bé không ăn nhiều món này mỗi ngày!) và một số loại bánh mì có thể chứa hơn 1g muối trong hai lát. Vì vậy, mặc dù pho mát và bánh mì là thức ăn tốt, nhưng không nên bữa nào cũng cho bé ăn hai món này.
Cũng như với tất cả các loại thực phẩm, bạn nên đọc kĩ nhãn mác khi mua. Một số nhà sản xuất viết muối dưới dạng “natri”; chỉ cần nhân lượng natri với 2,5 sẽ cho bạn biết lượng muối tương ứng. Theo hướng dẫn chung, thực phẩm có lượng muối cao nếu chứa hơn 1,5g muối (0,6g natri) trong 100g, trong khi thực phẩm có lượng muối thấp chứa 0,3g muối hoặc thấp hơn trong 100g.
Các món mặn có thể ăn một hoặc hai lần một tuần, với số lượng ít
(Nên cho bé uống thêm nước hoặc bú mẹ khi ăn các món này, giúp bé thải lượng muối thừa ra khỏi cơ thể.)
• Pho mát cứng (như Parmesan)
• Xúc xích (bao gồm xúc xích heo bò rắc tiêu và xúc xích Ý)
• Thịt giăm bông
• Thịt hun khói
• Đậu nướng
• Bánh pizza
Món ăn mặn nên tránh, nếu được:
• Thực phẩm chế biến sẵn
• Một số loại ngũ cốc ăn sáng (kiểm tra tờ nhãn)
• Đồ ăn nhanh mặn, ví dụ như khoai tây chiên
• Các loại bánh cay hoặc mặn
• Mì sợi làm sẵn hoặc nước xốt cà ri
• Nước xốt như nước xốt cà chua hoặc nước xốt thịt đặc màu nâu
• Nước xốt hoặc nước dùng làm từ viên nước dùng
• Thịt hun khói và cá muối
• Cá cơm
• Quả ô liu (ngâm muối)
• Xì dầu
Rất nhiều cha mẹ quyết định chế biến thức ăn không nêm muối khi họ có em bé, để bé có thể gia nhập bữa ăn mà không có vấn đề gì. Thông thường, họ thấy họ có thể nhanh chóng “tạm quên” sở thích ăn món mặn, chỉ bằng cách thay đổi món ăn và cách nấu. Sử dụng thảo mộc và gia vị cũng có thể thỏa mãn nhu cầu cần thực phẩm đậm mùi vị, và rất nhiều cha mẹ ngạc nhiên khi phát hiện ra rằng em bé của họ cũng thích vị thức ăn cay - nhưng có lẽ bạn muốn tránh các món chứa tiêu cay trong những ngày đầu bé tập ăn!
Người lớn thường đặt một lọ muối trên bàn ăn để nêm thêm vào món ăn, nhưng hãy nhớ rằng, khi em bé lớn hơn, bé sẽ bắt đầu bắt chước hành động của bạn - vì vậy, có lẽ sẽ đến ngày bé cầm lọ muối và rắc một chút vào thức ăn của bé.
Đường
Đường được bổ sung vào rất nhiều món ăn như một chất tạo ngọt, nhưng đường không chứa bất kỳ chất dinh dưỡng chính yếu nào, vì vậy nó chỉ cung cấp “calo trống.” Đường cũng gây tác động xấu đến răng - ngay cả trước thời kỳ mọc răng. Cho bé bắt đầu làm quen với các thức ăn có chứa lượng đường thấp sẽ giúp bé không thèm các thức ăn ngọt sau này.
Không cần thiết phải hướng tới chế độ ăn không-đường tuyệt đối cho bé - thi thoảng cho bé ăn bánh quy, bánh ngọt hoặc bánh pudding1 là bình thường. Nhưng các loại nước ngọt và đồ uống có ga không hề có giá trị dinh dưỡng đích thực, vì vậy tốt nhất là nên tránh. Ngay cả các “thực phẩm cho bé” làm sẵn và được bán trên thị trường cũng có lượng đường rất cao, và đường thường được “giấu” trong các sản phẩm như nước sốt, ngũ cốc ăn sáng, sữa chua và đậu nướng. Hãy để ý thật kĩ đến các thành phần như sucrose, dextrose, frutose, glucose syrup và corn syrup (si rô bắp) trên bao bì và tờ nhãn - tất cả các thành phần này đều là đường.
1 Một loại bánh làm từ trứng, sữa tươi, đường, vani, caramen, phô mai, bơ, bánh mì, và các loại bột, có thể cho thêm các loại trái cây. Bánh ăn mát, ngọt và béo ngậy.
Bạn cũng có thể giảm lượng đường được sử dụng trong khi nấu ăn ở nhà, bằng cách áp dụng công thức nấu nướng - ví dụ sử dụng táo ngọt ăn ngay thay vì nấu táo để làm bánh táo, hoặc bổ sung thêm chuối nghiền nát để làm ngọt các món ăn. Mật đường là chất tạo ngọt tự nhiên chứa nhiều dinh dưỡng và có thể cũng rất hữu ích. Và chỉ cho một nửa lượng đường theo công thức nấu ăn cũng không tạo sự khác biệt rằng liệu có ảnh hưởng đến món ăn hay không.
Các món ăn không phù hợp khác
Có lẽ, tốt nhất là hãy cố gắng hết sức để tránh các chất phụ gia, chất bảo quản nhân tạo và chất tạo ngọt - phụ gia thực phẩm, bột ngọt (MSG), đường hóa học… Nói chung, bao bì thực phẩm càng liệt kê ít thành phần càng tốt. Nhưng tốt nhất là bạn nên nấu ăn với các thực phẩm còn tươi ngon.
Trước đây các bậc cha mẹ thường được khuyên nên tránh không cho bé ăn lòng trắng trứng. Điều này không còn cần thiết vì 6 tháng tuổi là độ tuổi tối thiểu được khuyến nghị để ăn tất cả các món ăn dặm, nhưng cần phải nấu chín trứng (bao gồm cả lòng đỏ) vì trứng có thể chứa khuẩn salmonella và khuẩn này có thể gây nhiễm trùng nguy hiểm cho dạ dày.
Tốt nhất là hãy bỏ qua mật ong thô nếu bé chưa đến một tuổi, vì mật ong được chứng minh là có chứa nguy cơ gây ngộ độc - một chứng nhiễm trùng nguy hiểm khác.
Các sản phẩm nguyên cám (thường được bán dưới tên ngũ cốc “chứa nhiều chất xơ”) có thể kích thích bộ máy tiêu hóa và cản trở việc hấp thụ các chất dinh dưỡng cần thiết như sắt và canxi; không nên cho bé ăn các sản phẩm này.
Đồ uống
Ngoài các bữa sữa thông thường, bé không cần bất kì món đồ uống nào ngoài sữa mẹ hoặc nước. Đặc biệt quan trọng là phải tránh các đồ uống sau:
• Cà phê, trà và nước uống có ga. Các đồ uống này chứa caffeine - đây là chất kích thích và có thể khiến bé bị kích thích. Trà cũng cản trở quá trình hấp thu sắt.
• Đồ uống tạo ngọt hoặc có ga và nước ép trái cây nguyên chất. Các loại đồ uống này chứa lượng đường cao và có đặc tính axít.
• Sữa tươi. Sữa động vật khiến bé nhanh no và có nguy cơ khiến bé giảm cơn thèm sữa mẹ hoặc sữa bột. Không nên cho các bé dưới một tuổi uống các loại sữa này (mặc dù chúng có thể được sử dụng để nấu nướng hoặc dùng chung với ngũ cốc từ khi bé 6 tháng tuổi).
Ngoài các thực phẩm và đồ uống này, bé có thể thưởng thức tất cả các món bạn dùng trong bữa ăn. Nếu gia đình bạn không có tiền sử dị ứng (xem mục dưới) hãy cho bé làm quen với các thực phẩm cân đối dinh dưỡng - ưu tiên các món bạn ăn - và để bé lựa chọn món. Trên thực tế, bé càng được phép thử (và từ chối) nhiều mùi vị và kết cấu thực phẩm khi còn nhỏ, lớn lên bé càng có thể thưởng thức đa dạng các loại thực phẩm tốt cho sức khỏe.
Dị ứng thực phẩm
Bằng cách đợi bé 6 tháng tuổi mới cho bé tập ăn dặm, bạn đang thực sự giúp bé giảm bớt nguy cơ bị dị ứng thực phẩm. Tuy nhiên, nếu gia đình bạn có tiền sử dị ứng với các thực phẩm như lạc, tôm, cua, sò, hến, bột mì, dâu tây, cam quýt, quả kiwi, quả hạch, các loại hạt, cà chua, cá, trứng, hoặc các sản phẩm làm từ sữa, bạn nên thận trọng khi cho bé ăn dặm. Cho bé bú mẹ càng lâu càng tốt, đặc biệt là khi bé làm quen với các món mới. Tạm ngưng vài ngày đối với các thực phẩm khiến bạn băn khoăn sẽ giúp bạn dễ dàng phát hiện nếu bé có phản ứng. Nếu nghi ngờ, hãy tham vấn y tá chăm sóc người bệnh tại nhà riêng, hoặc nếu bé đang được một chuyên gia dinh dưỡng hoặc bác sĩ nhi khoa chăm sóc, hãy xin lời khuyên của họ.
Không phải tất cả các phản ứng đối với thực phẩm đều do dị ứng gây ra - một số phản ứng là kết quả của việc không chịu được tạm thời đối với món ăn nào đó. Rất nhiều bé có phản ứng với các thực phẩm, nhưng khi lên 3, các bé có thể ăn được các món đó. Vì vậy, ngay cả khi em bé của bạn có phản ứng mạnh đối với một món ăn, có thể bé không cần phải tránh món đó cả đời.
Một số bé bị mẩn ngứa quanh miệng khi bé ăn dâu tây hoặc cam quýt. Rất có thể, đây chỉ đơn giản là phản ứng đối với lượng axít khá cao trong các loại quả này, nhưng cũng có thể là dị ứng. Nếu bạn không biết chắc, hãy tìm đến lời khuyên của chuyên gia, và hãy tin tưởng bé nếu bé từ chối một món nào đó - cha mẹ hãy nhớ lại rằng, khi các con còn bé, các con tránh xa các món ăn mà sau này khiến bé dị ứng.
“Hồi 8 tháng tuổi, Oscar thử ăn một quả dâu tây và mặt mũi bé mẩn đỏ chi chít. Sau đó, bé không ăn loại quả này nữa. Bé bóp và đập quả dâu tây, nhưng không ăn.”
Chị Natalie, mẹ bé Oscar 14 tháng tuổi
Lúa mì và gluten
Hiện có rất nhiều tranh cãi về thời điểm cho bé tập ăn các thực phẩm chứa gluten1. Một số người mẫn cảm với gluten không thể ăn các thực phẩm chứa yến mạch, lúa mạch hoặc lúa mạch đen, nhưng lúa mì là thủ phạm chính. Một số minh chứng cho thấy nếu bé được làm quen với gluten sớm sẽ giảm nguy cơ không thể ăn món này, trong khi các nghiên cứu khác cho thấy sản phẩm này nên được tránh cho đến khi bé được 1 tuổi. Nếu gia đình bạn có tiền sử dị ứng hoặc không chịu được lúa mì, bạn nên tham vấn ý kiến bác sĩ trước khi quyết định cho bé ăn.
1 Là hỗn hợp hai protein gồm gliadin và glutenin. Các chất này liên kết với tinh bột và tồn tại trong nội nhũ của các cây hòa thảo, đặc biệt là lúa mì, yến mạch và lúa mạch.
Thật may mắn, không có gì quá khó để tránh lúa mì, nếu bạn muốn. Hiện nay hầu hết các siêu thị đều có rất nhiều loại bánh mì, mì ống hoặc các sản phẩm không chứa lúa mì, trong khi gạo, ngô, kiều mạch là các sản phẩm thay thế hữu ích để có những món ăn thơm ngon. Bột mì làm từ các loại lúa mì cũ, ví dụ như lúa mì spenta và kamut, hoặc làm từ lúa mì nảy chồi (đối lập với ngũ cốc lúa mì) thường có thể được chịu đựng tốt hơn các sản phẩm làm từ các loại lúa mì khác. Các hạt nghiền cũng có thể được sử dụng làm chất thay thế bột mì, và bột mì làm từ đậu, ví dụ như đậu Thổ Nhĩ Kỳ, cũng rất hữu ích.
Hãy cố gắng hết sức để đảm bảo bé có chế độ ăn thực sự đa dạng, và không ăn quá nhiều một loại thức ăn trong cùng một ngày.
Câu chuyện BLW
Lúc 6 tháng tuổi Fern không hề biết thức ăn là gì. 7 tháng tuổi, bé bắt đầu chăm chú quan sát khi chúng tôi ăn, nhưng nếu chúng tôi đặt một chút thức ăn trước mặt bé, bé cũng không quan tâm lắm. Chỉ mới gần đây thôi bé mới thử cầm thức ăn lên. Và khi bé 10 tháng tuổi, thật sự là vô ích khi bón thìa món xay nhuyễn cho bé, và sẽ dễ dàng hơn khi cho bé chút thức ăn phù hợp với độ tuổi và để bé tự khám phá.
Bé sẽ gặm miếng xương gà, và nếu được cho một khoanh chuối, bé sẽ nhai một chút, rồi nhè ra, và nghịch món chuối đó. Nhưng ít nhất bé cũng đưa thức ăn vào miệng và nhè thức ăn ra ngay lập tức.
Gia đình tôi có tiền sử dị ứng và Fern có phản ứng không tốt đối với các thực phẩm mà tôi ăn, thông qua sữa mẹ. Tôi phát hiện ra rằng các món đó gồm có tôm, nho và thịt lợn, vì khi tôi không ăn các món này, chứng dị ứng của bé thuyên giảm. Vì vậy, tôi đang cố gắng cho bé làm quen với các món cơ bản, để xem bé xử lý thế nào; bé mới chỉ được làm quen với chuối, bơ, thịt gà và khoai tây. Tôi nghĩ rằng việc chậm cho bé tập ăn dặm có thể liên quan đến các chứng dị ứng của bé.
Trong gia đình tôi có một bé khác lớn hơn Fern 2 tuần tuổi. Em bé đó bắt đầu ăn dặm khi 4 tháng tuổi và từ bấy đến nay, ngày nào bé cũng ăn ba bữa đều đặn, vì vậy giữa hai bé có sự khác biệt rất lớn. Mọi người đều thấy Fern cũng khỏe mạnh như bé kia. Nhưng họ liên tục hỏi, “Nó biết ăn chưa?” Một số thành viên trong gia đình thấy vấn đề này là bình thường, nhưng một số người lại nghĩ tôi nên bắt bé ăn. Có lẽ họ cho rằng ở tuổi này, bé nên ăn tất cả các món mà người khác ăn. Nhưng tôi nghĩ, “Khi bé sẵn sàng, bé sẽ ăn.” Và khác với các em bé gầy gò, bé Fern rất bụ bẫm.
Chị Sandra, mẹ Reuben 3 tuổi và bé Fern 10 tháng tuổi
Dù bạn có quyết định tránh một số loại thức ăn nhất định hay không, điều đó cũng không ảnh hưởng đến việc để bé tự ăn, chỉ cần bạn thận trọng với các món cung cấp cho bé. Rất nhiều cha mẹ chỉ cần điều chỉnh bữa ăn gia đình cho đến khi bé khoảng 1 tuổi và bỏ qua các món ăn mà họ không muốn cho bé ăn.
Chất béo
Chế độ ăn của trẻ nhỏ cần có hàm lượng chất béo cao hơn người lớn, vì các bé dễ đốt cháy năng lượng. Vì vậy, nếu thông thường gia đình bạn có chế độ ăn chứa hàm lượng chất béo thấp, bạn sẽ cần đảm bảo cung cấp cho bé các món ăn chứa nhiều chất béo. Nhưng không cần phải vội đâu nhé - trong vài tháng đầu tập ăn dặm, bé vẫn nhận được hầu hết các chất dinh dưỡng cần thiết từ sữa mẹ hoặc sữa bột và cả hai loại sữa này đều chứa rất nhiều chất béo.
Các chất béo có lợi nhất cho sức khỏe của cả gia đình không phải là mỡ động vật, mà là dầu thực vật, dầu cá, dầu ô liu và tinh dầu có trong các loại hạt và quả hạch. Các sản phẩm làm từ sữa, ví như pho mát và sữa chua, rất tốt cho các bé; khác với người lớn, các bé cần các sản phẩm giàu chất béo (không phải sản phẩm có hàm lượng chất béo thấp hoặc ít kem).
Chất béo hydro hóa (hoặc axít chuyển hóa chất béo) được sử dụng trong rất nhiều thực phẩm bán sẵn trên thị trường, ví dụ như bánh bích quy, món chiên giòn, bánh ngọt, bánh nướng, bơ thực vật, đồ ăn sẵn và được cho là cản trở hoạt động hữu ích của các chất béo có lợi cho sức khỏe. Tốt nhất là nên tránh các loại thực phẩm này, nếu có thể.
Chất xơ
Hầu hết các chất xơ đều tốt cho bé, vì chất này giúp ruột của bé khỏe mạnh. Tuy nhiên, không nên cho bé ăn các sản phẩm nguyên cám hoặc ngũ cốc có hàm lượng chất xơ cao. Bạn cũng nên hạn chế lượng ngũ cốc (bánh mì bột chưa rây, gạo lức, mì ống làm từ lúa mì) dành cho bé. Đó là bởi vì lượng chất xơ trong các sản phẩm này khiến bé chóng no bụng, nghĩa là có thể bé không còn hứng thú để ăn các sản phẩm chứa các chất dinh dưỡng quan trọng khác.
Tuy nhiên, không cần phải chuyển ngay sang bánh mì trắng nếu bình thường gia đình bạn vẫn ăn bánh mì nguyên cám, hoặc cùng lúc bỏ luôn cả gạo lức. Thực ra, bạn nên sớm cho phép bé làm quen với các thực phẩm ngũ cốc để bé biết hương vị của các sản phẩm này, vì chúng thường có nhiều dinh dưỡng hơn thực phẩm chế biến sẵn. Bạn chỉ cần đảm bảo bé có nhiều sản phẩm khác có lợi cho sức khỏe để lựa chọn, để bé có thể quyết định lượng thức ăn làm từ ngũ cốc. Một số cha mẹ thay thế gạo lức bằng gạo trắng, mì ống bằng bánh mì để bé được làm quen với thức ăn đa dạng.
Điều chỉnh các món ăn gia đình trong những tháng đầu bé tập ăn dặm
Dưới đây là một số gợi ý giúp bạn điều chỉnh các món ăn thông thường để bé có thể ăn được.
Hoa quả và rau củ
Các loại rau củ cứng nên được cắt theo dạng que hoặc ngón tay (thay vì cắt lát tròn) và nấu chín (không nêm muối) mềm nhưng không nát (món rau “giòn” có thể giúp bạn ngon miệng nhưng hãy nhớ rằng bé vẫn chưa có răng để nhai đâu!). Món luộc hoặc hầm cũng ngon, nhưng cách nấu thay thế giúp ngon miệng hơn là hãy nướng các que rau trong lò vi sóng. Như thế sẽ giúp rau có lớp vỏ hơi giòn bên ngoài và giúp bé dễ cầm hơn (hãy nhớ rằng, một số loại rau củ như cà rốt, khoai lang và củ cải vàng sẽ co lại khi nướng, vì vậy hãy cắt theo dạng que dày hơn). Các que rau củ mềm hơn, ví dụ như dưa chuột, có thể cho bé ăn ngay được.
“Lần đầu tiên tôi cho Callum mấy que cà rốt, chúng chưa được hầm nhừ kĩ đủ để bé có thể mút, và các que này càng lúc càng trơn hơn. Mãi sau tôi mới nhận ra rằng bé chỉ cần món này được đun kỹ hơn vài phút so với thức ăn dành cho chúng tôi, để bé có thể nhai được.”
Chị Ruth, mẹ bé Callum 18 tháng tuổi
Các loại quả to như dưa hấu và đu đủ có thể được cắt dạng que hoặc hình chữ V, trong khi các quả nhỏ hơn (ví dụ như nho) nên được bổ đôi, để bé dễ cầm hơn và dễ đưa đẩy quanh miệng hơn. Những loại quả như táo, lê và quả xuân đào có thể để nguyên quả cho bé ăn. Hãy làm mềm táo một chút để bé dễ gặm và khó bị cắn thành các miếng lớn.
Tốt nhất là hãy để nguyên vỏ của hầu hết các loại quả và rau, để chúng dễ cầm hơn - ít nhất là vậy cho đến khi bé có thể cắn từng miếng. Bạn nên giữ lại một chút vỏ của quả táo, lê, bơ, xoài và khoai tây. Bé sẽ sớm phát hiện ra cách cầm vào phần vỏ và dùng răng cắn phần cùi (hoặc nhai bằng lợi).
Rất nhiều cha mẹ cho bé ăn chuối chưa lột hết vỏ: trước hết hãy rửa sạch vỏ (đề phòng trường hợp bé gặm cả vỏ) sau đó cắt bớt vỏ để lộ một khoanh chuối, trông giống như một que kem ốc quế. Đến khi bé thuần thục hơn, hãy để bé thử cầm một quả chuối lột sạch vỏ, để bé học cách dùng lực trước khi bóp nát quả chuối!
Mẹo nhỏ
• Nạo xoắn (vật dụng có nhiều rãnh nhỏ, phổ biến vào những năm 1970 để cắt khoai tây) có thể hữu ích để cắt rau củ quả thành nhiều hình dạng giúp bé dễ cầm hơn.
• Cắn một miếng trước khi đưa cả quả cho bé sẽ giúp bé dễ dàng cắn vào phần cùi quả hơn.
• Bạn nên cất sẵn một lượng rau đã được làm sẵn trong tủ lạnh, phòng trường hợp bạn quyết định ăn món mà bạn không muốn cho bé ăn cùng.
• Rau củ nghiền nhừ sẽ là một món nước xốt không-quá- trơn để ăn kèm với mì ống.
Thịt
Khi mới cho bé tập ăn, tốt nhất là hãy cho bé các miếng thịt lớn nhưng dễ cầm, dễ mút hoặc nhai. Ban đầu, có lẽ thịt gà là tốt nhất, đặc biệt là khi cho bé miếng thịt lẫn xương, để bé gặm. Chân gà là tốt nhất, vì món này dễ cầm và thịt ở phần chân không bở như thịt ức. Hãy nhớ bỏ hết phần xương móng, và nói chung, đừng quên bỏ hết xương sụn trước khi cho bé ăn thịt.
Nấu món thịt mềm hơn bằng cách hầm nhừ, thay vì nướng. Nhưng không cần thiết lần nào cũng phải cho bé các miếng thịt lớn - bạn sẽ sớm phát hiện ra rằng bé có thể dùng tay xử lý thịt băm một cách thuần thục. (Nghịch lý chưa, ban đầu, thường là các miếng thịt “vừa miệng” mới khiến bé khó xử lý nhất, bởi vì bé không thể cắn các miếng này nếu bé nắm miếng thịt trong tay).
Mẹo nhỏ
Bạn có thể chế biến thịt lợn, thịt bò và thịt cừu cho bé dễ nhai hơn bằng cách cắt ngang thớ, thay vì cắt dọc thớ. Tuy nhiên, đối với thịt gia cầm (thịt gà, thịt gà tây, thịt vịt…) tốt nhất là hãy chia thịt dọc thớ, nếu không bé sẽ khó cầm vì nó bở ra.
Nhá thức ăn cho bé
Tại rất nhiều nền văn hóa, họ có truyền thống nhá đồ ăn cho bé, để làm mềm thức ăn và trộn thức ăn với nước bọt, giúp bé dễ tiêu hóa hơn. Sau đó, thức ăn được chuyển trực tiếp từ miệng mẹ sang miệng bé, giống như một nụ hôn dịu dàng, hoặc mẹ dùng tay đưa thức ăn vào miệng bé. Thức ăn nhá này thường là thịt, nhằm làm đứt các thớ thịt, giúp bé dễ xử lý hơn. Không có lí do nào khiến các bậc cha mẹ BLW không nên làm việc này, nhưng dường như điều này là không cần thiết. Mặc dù các bé vẫn chưa thể nhai thịt một cách dễ dàng (nhất là các loại thịt đỏ) nhưng có lẽ các bé cũng nhận được nhiều tinh chất khi mút thịt. Cụ thể, việc mút mát giúp bé hít được nước thịt, và nước thịt rất giàu chất sắt. Nếu có người nhá thịt cho bé, có thể bé sẽ nhận được nhiều protein trong thịt hơn, nhưng có thể thịt sẽ mất một số chất sắt.
Các món ăn bốc đầu tiên dễ làm cho bé
• Hấp (hoặc luộc sơ) các loại, ví dụ đậu cô ve, ngô bao tử, đậu Hà Lan, súp lơ xanh hoặc súp lơ trắng.
• Hấp, nướng hoặc chiên các que rau củ, ví dụ cà rốt, khoai tây, cà tím, khoai lang, củ cải Thụy Điển, củ cải vàng, bí xanh, bí ngô.
• Các que dưa chuột (mẹo nhỏ: để sẵn vài que dưa chuột trong tủ lạnh đối với các bé đang mọc răng – cảm giác man mát làm dịu lợi của bé).
• Miếng bơ dày (quả bơ không chín kỹ quá, nếu không sẽ nát).
• Thịt gà (miếng thịt hoặc đùi gà).
• Hoa quả, ví dụ như lê, táo, chuối, đào, quả xuân đào, xoài - cho bé ăn nguyên quả hoặc cắt hình que.
• Các que pho mát, ví dụ Cheddar hoặc Gloucester.
• Bánh mì cắt dạng que.
• Bánh gạo hoặc bánh mì nướng – ăn không hoặc ăn cùng món phết tự làm, ví dụ cá mòi sốt cà chua, hoặc phô mai tươi (loại phô mai làm từ sữa đã gạn kem).
Và nếu bạn muốn phiêu lưu hơn một chút, hãy thử tự làm các món sau:
• Thịt viên hoặc thịt bò băm viên
• Thịt cừu hoặc thịt gà bọc bột chiên
• Chả cá chiên hoặc lát cá tẩm bột
• Chả đậu lăng
• Cơm nắm
Hãy nhớ rằng, bạn không cần phải sử dụng thực đơn dành riêng cho bé, chỉ cần bạn lưu ý giữ cho lượng muối và đường ở mức tối thiểu.
Bánh mì
Bánh mì là thức ăn bốc rất tốt, nhưng các bé dưới 1 tuổi không nên ăn quá 2 lát bánh mì mỗi ngày, vì món này thường có hàm lượng muối cao. Các bé có thể dễ dàng xử lý hầu hết các loại bánh mì nếu bánh được nướng thay vì mềm. Cụ thể, bánh mì trắng sẽ biến thành món sền sệt nếu bị ẩm, vì có thể khiến bé khó đưa đẩy trong miệng - nhất là khi món bánh mì này mới ra lò.
Các que bánh mì rất hữu ích để nhúng vào các món ăn mềm như món khai vị; có thể cho bé các que bánh mì nhúng sẵn, cho đến khi bé có thể tự nhúng. Các loại bánh gạo không chứa muối là món thay thế hữu ích cho bánh mì, nếu chúng được ăn kèm với món mềm hoặc một lớp nước xốt đặc.
Nui (mỳ)
Mì sợi xoắn (nui xoắn), mì hình con sò và hình cầu vồng ít trơn hơn và dễ cầm hơn các sợi mì có hình dạng khác; có thể ban đầu bé sẽ nhận thấy hầu hết các món ăn - bao gồm mì sợi - dễ xử lý “khô” hơn (ví dụ không cần nước xốt). Hãy cho bé ăn cả mì có nước xốt và mì không có nước xốt để bé được thử cả hai loại này.
“Ban đầu tôi làm rất nhiều món rau hấp và cắt nhỏ thành các hình dạng dễ cầm cho Matthew, còn vợ chồng tôi ăn món khác. Dường như Matthew không lấy làm phiền, cu cậu rất khoái chí với đĩa rau riêng. Bây giờ, chúng tôi ăn món gì cũng cho bé thử một chút, mặc dù bé vẫn có món của riêng mình. Ông xã tôi nói cách tôi nấu cho Matthew khác hoàn toàn cách tôi nấu cho anh ấy. Tôi còn làm cả thịt viên và cá cắt lát tẩm bột cho bé, rồi bánh pizza nữa và tôi cũng thử cho bé ăn rất nhiều món cá.”
Chị Carly, mẹ bé Matthew 14 tháng tuổi
“Lúc đầu, tôi cho Maria ăn các miếng cà rốt hấp nhừ, các miếng lê hoặc táo, hoặc các miếng thịt gà hoặc thịt cừu; có món gì trong bữa tối tôi đều cho bé thử. Bé ăn bông cải xanh từ khá sớm và bé rất thích. Bé mút mát bông cải như mút chiếc kẹo que vậy – bây giờ bé đã biết cắn đứt phần đầu bông cải và ăn được khá nhiều ở phần dưới nữa.”
Chị Alison, mẹ bé Maria 7 tháng tuổi
Cơm
Cơm là món ăn cơ bản, giàu dinh dưỡng trong bữa ăn, nhưng đôi lúc cha mẹ nhận thấy họ phải điều chỉnh cách nấu hoặc dùng loại gạo khác để giúp bé dễ làm quen hơn.
Các loại gạo hạt nhỏ như gạo Thái, gạo sushi Nhật Bản hay gạo Ý (hay thậm chí là gạo làm bánh pudding) thường dính và dễ nắm trong tay; loại gạo hạt dài thông thường ít dính hơn, giúp bé dễ cầm hơn nếu gạo được nấu quá một chút hoặc nấu trước một ngày rồi mới ăn.
Tuy nhiên, cuối cùng các bé vẫn sẽ tìm được cách xử lý loại cơm nấu thông thường: một số bé chúi mặt xuống sát đĩa để “và” cơm vào miệng; các bé khác lại thích tập luyện càng cua (dùng ngón cái và ngón trỏ để nhặt các món đồ lên) bằng cách mỗi lần chọn một hạt cơm - việc này khá là chậm, nhưng rất vui (và rất tốt cho sự phối hợp tay-mắt.)
Món ăn với nước chấm
Khoảng 9 tháng tuổi, hầu hết các bé đều có thể biết chấm ăn, nhưng cũng như đối với mọi việc, một số bé sẽ có thể làm việc này sớm hơn (hoặc muộn hơn) các bé khác. Dùng “món chấm” có thể đem lại rất nhiều niềm vui cho bé đấy. Nghĩa là bé có thể ăn các món mềm hoặc lỏng như sữa chua và cháo mà không cần dùng thìa, và đây cũng là cách hay giúp bé thành thạo các kĩ năng cần thiết để sau này dùng thìa. Có thể bé sẽ phát hiện ra cách tự chấm mọi món ăn - vậy nên bạn hãy sẵn sàng khi thấy bé có những sự kết hợp kì cục, ví dụ như lấy một que củ cải vàng nướng để chấm vào món xốt sữa trứng!
Các món bé có thể chấm
• Bánh mì que
• Bánh mỳ chapati (bánh mỳ dẹp Ấn Độ)
• Bánh yến mạch hoặc bánh gạo (không chứa muối) - các món này dễ chấm hơn nếu được bẻ đôi
• Các que hoa quả cứng, ví dụ như táo
• Rau củ cắt dạng thanh như: cà rốt, cần tây (cắt bỏ rễ), ớt chuông đỏ hoặc xanh, bí xanh, dưa chuột, đậu cô ve, đậu Thụy Điển
• Ngô bao tử hấp sơ
• Các củ quả được nướng và cắt dạng thanh: cà rốt, bí đỏ và các loại quả bí khác, củ cải vàng, bí xanh, khoai tây, khoai lang…
Món nước chấm ngon và dễ làm
Rất nhiều trong số các món chấm dưới đây có thể mua sẵn, nhưng nếu bạn tự làm ở nhà, cách nấu cũng rất đơn giản và nhanh chóng. Các món này thường có hai thành phần cơ bản được trộn với dầu ô liu hoặc sữa chua trong máy chế biến thức ăn.
• Súp khai vị làm từ gà, đậu, dầu, vừng, chanh và tỏi
• Lê tàu nghiền với cà chua và ớt
• Súp đậu hỗn hợp
• Đậu tây và khoai tây
• Ớt chuông và bơ đậu
• Xốt pho mát
• Pho mát kem và sữa chua có thêm lá hẹ
• Sữa chua và đậu phụ
• Sữa chua và dưa chuột
• Pate cá (cá mòi, cá hồi hoặc cá thu đều rất ngon - trộn lẫn pho mát ricota và sữa chua)
• Pate quả hạch
• Đậu lăng thêm gia vị
• Nước xốt cà tím (cà tím nghiền)
Câu chuyện BLW
Phải mất 2 hoặc 3 tháng tôi mới cảm thấy tự tin để tin tưởng Benjamin sẽ ăn món mà nó cần. Bạn nghe người ta nói rằng: “Bọn trẻ phải được bổ sung chất sắt sau 6 tháng tuổi… bọn trẻ phải có chất này và phải có chất kia,” nên tôi lúc nào cũng lo lắng không biết thằng bé đã ăn đủ chất chưa. Ví dụ, tôi nghĩ sẽ tốt nếu bé ăn đậu lăng, nhưng tôi không biết làm thế nào để thằng bé chịu ăn đây. (Tôi hoàn toàn quên rằng có thể cho đậu lăng vào bánh nướng hoặc bánh gạo).
Vậy là tôi hơi hoang mang và trộm nghĩ: “Nếu mình vừa làm món xay nhuyễn, vừa áp dụng BLW, ít nhất mình cũng biết con sẽ hấp thu được chút ít chất dinh dưỡng từ các món mà bé không dễ dàng cầm lên và cho vào miệng nhai.” Tôi làm món xay khoảng 2 tháng, nhưng tối nào tôi cũng mất tới hai giờ đồng hồ chuẩn bị thức ăn ngày kế tiếp cho con. Khi 10 tháng tuổi, bé bắt đầu ăn nhiều hơn một chút, và chúng tôi quay trở lại với việc chỉ áp dụng phương pháp BLW. Thực sự, tôi ước giá như tôi đừng đánh mất lòng tin, bởi vì mọi việc sẽ dễ dàng hơn nhiều nếu tôi cứ tiếp tục kiên trì với phương pháp BLW.
Và đương nhiên, chúng tôi phát hiện ra rằng Benjamin muốn được kiểm soát món ăn của bé; so với việc đút thìa bé thích tự ăn hơn rất nhiều. Bé trở nên cảnh giác với những gì có sẵn trong thìa. Nếu tôi cố đút thức ăn cho bé, bé cũng quyết định ăn, nhưng chúng tôi chỉ cố đút một thìa để xem bé có thích ăn không – có lúc bé thích, nhưng cũng có lúc không thích. Ban đầu, quả là tôi có cảm giác rất nặng nề về việc phải làm sao cho bé ăn đầy đủ chất dinh dưỡng.
Chị Jana, mẹ bé Benjamin 13 tháng tuổi
Bữa sáng
Các bậc cha mẹ mới bắt đầu áp dụng BLW thường băn khoăn không biết họ nên cho các bé ăn gì vào bữa sáng. Họ khó có thể hình dung bé sẽ cùng ăn món mà họ ăn vào bữa sáng. Tuy nhiên, rất có khả năng bé sẽ không hứng thú với bữa ăn sáng đâu - vào giờ này, rất nhiều bé chỉ muốn được ôm ấp và bú sữa. Khi bé hứng thú với bữa sáng, có thể các mẹo nhỏ và ý tưởng dưới đây sẽ hữu ích:
• Nếu được phép, các bé có thể dùng tay ăn các món mềm như ngũ cốc và sữa, để bé có thể cùng ăn chung món với các thành viên trong gia đình.
• Hãy nhớ dành cho bé thật nhiều thời gian - đối với nhiều gia đình, bữa sáng thường rất vội vàng, còn bé thì cần thời gian để thử nghiệm với thức ăn và để ăn.
• Cho bé ăn nhiều loại thức ăn trong tuần (rất nhiều người lớn có thói quen bữa sáng nào cũng chỉ ăn một món).
• Đọc tờ nhãn cẩn thận: rất nhiều sản phẩm ngũ cốc (đặc biệt là dòng ngũ cốc dành cho trẻ em) có chứa hàm lượng đường và muối rất cao.
• Nên tránh ngũ cốc phủ sô cô la, mật ong hoặc đường, và cả ngũ cốc nguyên cam có hàm lượng chất xơ cao.
Các ý tưởng cho bữa sáng
• Hoa quả tươi.
• Cháo tự nấu. Trong khi nấu, bạn có thể bổ sung thêm: món hấp táo hoặc lê, quả mâm xôi hoặc quả việt quất, nho khô, quả mơ khô, chà là, quả nam việt quất hoặc trái vả. Trái cây nghiền với đậu phộng hay hạt hướng dương, dâu tây hoặc một chút mật đường có thể được nêm vào món ăn. Mặc dù cháo đặc thường được nấu từ yến mạch, nhưng cũng có thể nấu bằng tấm gạo, hạt kê và diệm mạch (các món này thường được bán sẵn tại các cửa hàng thực phẩm hay siêu thị).
• Sữa chua nguyên kem với trái cây tươi. (Các bé nhỏ và bé biết đi thường thích đảo tung trái cây hấp hoặc xay nhuyễn vào sữa chua, hoặc nhúng các que hoa quả vào sữa chua).
• Trứng bác1 (chín kĩ).
1 Scrambled Eggs (trứng bác) là món trứng khi chế biến thì làm không liền miếng, mềm, nan nát.
• Ngũ cốc có hoặc không có sữa. Một số bé thích ngũ cốc khô; nhưng một số bé khác lại thích ngũ cốc sền sệt. Các sản phẩm ngũ cốc như lúa mì nhỏ, lúa mì mạch nha, bánh bột ngô nướng và bánh gạo giòn rất thích hợp với bé, bởi vì chúng không có lượng đường và muối cao.
• Bánh nướng, bánh yến mạch hoặc bánh gạo phết chất béo chiết xuất từ quả hạch, pho mát kem hoặc chỉ phết hoa quả.
• Tương đậu nướng.
• Pho mát nướng.
Món ăn nhẹ dễ chuẩn bị và tiện gọn khi đi ra ngoài
Khi bé cần đến thức ăn dặm để no bụng, bạn nên đảm bảo sẽ mang theo đồ ăn nhanh có lợi cho sức khỏe khi hai mẹ con đi ra ngoài, trong trường hợp bé đói bụng trước khi về đến nhà. Dưới đây là ý tưởng về các món ăn dễ mang theo:
• Hoa quả (đặc biệt là các loại quả không cần cầu kì, ví như táo, lê, chuối và quất ngọt).
• Sa lát (khoai tây, vài thanh dưa chuột, ớt ngọt và cần tây đã tước sợi).
• Rau củ nấu chín để nguội (cà rốt, bông cải xanh…).
• Ngô luộc.
• Bánh sandwich.
• Các miếng pho mát.
• Sa lát mì ống (hoặc mì sợi nấu để lạnh).
• Sữa chua - giàu chất béo, tốt nhất là bổ sung thêm hoa quả tươi (loại sữa chua có vị hoa quả và pho mát mềm thường chứa nhiều đường).
• Súp hoặc bơ xay, kèm với bánh mì que, cà rốt cắt thanh.
• Bánh yến mạch có hàm lượng muối thấp, bánh gạo hoặc
bánh nướng có phết chất béo chiết xuất từ quả hạch, pho mát nguyên kem hoặc phết hoa quả không đường.
• Mơ khô, nho khô hoặc các loại quả khô khác (cho ăn vừa phải vì các món này có thể ảnh hưởng xấu đến răng lợi của bé.) Các sản phẩm không có sulfur dioxide (E 220) là tốt nhất. (Mơ khô không có lưu huỳnh thường có màu nâu sậm, thay vì màu vàng cam).
• Bánh hoa quả tươi.
• Ngũ cốc ăn sáng ít đường.
Hãy nhớ đọc kĩ tờ nhãn sản phẩm. Bánh bít cốt, bánh quy và rất nhiều món đồ ăn nhanh dành cho trẻ em thường được bổ sung đường và chất phụ gia và tốt nhất là nên tránh các sản phẩm này.
Món tráng miệng
Thời gian trước đây, những đứa trẻ bụ bẫm được xem là có sức khỏe tốt, vì vậy người ta nghĩ cho bé ăn thật nhiều món ngọt tráng miệng để bé có nhiều năng lượng. Trong những năm chiến tranh, do không có các món ăn giàu dinh dưỡng khác, nhất là thịt, hoặc do rất đắt đỏ, các gia đình thường cho trẻ ăn no bánh pudding.
Bạn có thể cho bé ăn rất nhiều món tráng miệng giàu dinh dưỡng, và thi thoảng cho bé ăn một món ngọt sẽ không gây hại gì cho bé, nhưng bữa ăn nào cũng có món tráng miệng (cho dù chỉ là sữa chua có đường) cũng sẽ khuyến khích bé “ưa đồ ngọt” và có thể khiến bé mong chờ bánh pudding sau mỗi bữa ăn. Nụ vị giác của bé được lập trình trong những năm đầu đời tập ăn này, và bạn có thể giúp bé hình thành thói quen ăn lành mạnh (hoặc không lành mạnh) vốn sẽ đi theo bé suốt cả cuộc đời.
Nếu bạn muốn ăn món tráng miệng, hãy chọn món ăn có lợi cho sức khỏe (nên tự làm thì tốt hơn) mỗi khi có thể. Ngay cả các sản phẩm có dán nhãn “tốt cho sức khỏe” cũng thường chứa chất tạo ngọt và phụ gia có hàm lượng cao. Hãy nhớ rằng, nếu mọi người trong gia đình đang ăn món gì đó, bé cũng muốn thử ăn - vì vậy nếu bạn không muốn bé ăn bánh pudding không có lợi cho sức khỏe, hãy ăn khi bé đã đi ngủ, hoặc cho bé món ăn trông na ná món bạn đang ăn (việc này thường không đem lại hiệu quả!) Tuy nhiên, bạn có thể làm món tráng miệng giàu dinh dưỡng y như món ăn chính, khi đó bạn không phải lo lắng quá nhiều nếu thi thoảng bé chỉ ăn một món ngọt.
Món tráng miệng có lợi cho sức khỏe
• Hoa quả tươi
• Sa lát hoa quả
• Sữa chua giàu chất béo kèm hoa quả hấp hoặc hoa quả tươi
• Bánh pudding gạo tự làm
• Món sữa trứng tự làm
• Bánh hấp phết táo (làm bằng táo ngọt ăn luôn thay vì phải nấu táo, vì vậy bạn không cần phải cho thêm nhiều đường)
• Lê hoặc táo nướng
“Ở nhà, chúng tôi thường không hay ăn quá nhiều đồ ngọt, nhưng nếu chúng tôi đi ăn ngoài và tôi ăn bánh pudding, khi đó Mila cũng sẽ được ăn chung. Tôi không tin vào việc không được cho bé ăn các món mà tôi ăn, vì điều đó nghe có vẻ vô lý. Nếu con tôi không ăn được món nào đó, đương nhiên là tôi cũng không nên ăn! Tôi sẽ không nói: “Ôi, không, món này chỉ dành cho người lớn thôi,” bởi vì điều đó thật không công bằng – và điều đó chỉ khiến bé càng thèm ăn món ngọt mà thôi.”
Chị Carmen, mẹ bé Mila 2 tuổi
Hỏi & Đáp
Các bé không phải tập ăn mỗi lần một món sao?
Các bậc cha mẹ thường được bảo rằng (và đến giờ đôi khi vẫn như vậy) phải cho bé tập ăn một món mới liên tục vài ngày liền, để đảm bảo bé không có phản ứng xấu với món đó, trước khi bổ sung thêm món khác. Trừ khi gia đình bạn có tiền sử dị ứng, nếu không bạn không cần phải làm theo lời khuyên này khi bạn áp dụng phương pháp BLW. Có hai lí do để làm như vậy: thứ nhất, hệ tiêu hóa của bé 6 tháng tuổi hoàn thiện hơn nhiều so với hệ tiêu hóa của bé 4 tháng tuổi thường là lúc bắt đầu ăn dặm) vì vậy các vấn đề về tiêu hóa là rất hiếm gặp, và thứ hai, nếu bé được phép tự ăn thức ăn dặm, theo bản năng, ban đầu bé sẽ ăn lượng rất nhỏ, và bé có thể thưởng thức một hoặc hai món mới cùng lúc.
Một trong những khía cạnh quan trọng nhất của phương pháp BLW là cơ hội để bé nếm trước khi ăn thức ăn. Nếu cùng lúc bé được cho nhiều loại thức ăn, bé có thể lựa chọn món mà bé muốn tập trung vào - bé sẽ quay trở lại với món khác sau, hoặc là vào một bữa khác. Điều này tác động tích cực cho sức khỏe của bé: một số cha mẹ tuân thủ BLW phát hiện ra rằng món ăn mà em bé của họ dường như không muốn ngay từ đầu hóa ra chính là món mà sau này khiến bé bị dị ứng. Bé có bản năng tránh những thức ăn làm mình bị dị ứng, do đó bé sẽ dễ dàng tránh những thức ăn này nếu như thức ăn này được chế biến riêng. Vì vậy, quả là có lý khi cho phép bé thí nghiệm, ví dụ, bữa tối “một món thịt hai món rau” hoặc sa lát quả, được bày biện trong đĩa giống hệt đĩa của các thành viên trong gia đình, thay vì trộn lẫn, xay nhuyễn những món đó rồi cho bé ăn. Điều này làm cho BLW trở thành phương pháp ăn hiệu quả đối với các gia đình có tiền sử dị ứng.
Bé nhà tôi có cần được bổ sung thêm vitamin không?
Nghiên cứu chỉ ra rằng sữa mẹ hoặc sữa bột cung cấp đầy đủ các dưỡng chất cần thiết cho bé trong 6 tháng đầu đời, và trên lý thuyết, bé có thể hấp thụ thêm dinh dưỡng cần thiết từ thức ăn dặm sau khi 6 tháng tuổi. Tuy nhiên, để an toàn, Bộ Y tế Anh quốc khuyến khích bổ sung thêm vitamin A, C và D cho các bé bú sữa mẹ sau 6 tháng tuổi, và cho các bé uống sữa công thức khi các bé này uống dưới 500 ml sữa mỗi ngày (sữa bột dành cho trẻ sơ sinh và trẻ lớn hơn được bổ sung thêm các vitamin này). Các vitamin thường được bổ sung dưới dạng lỏng.
Cho bé bổ sung vitamin cung cấp dưỡng chất vì một số gia đình không có chế độ ăn cân đối, hoặc không có các thực phẩm giàu dinh dưỡng. Phương thức này cũng có thể bù cho phương thức bảo quản và sản xuất thực phẩm hiện đại, nghĩa là rất nhiều thực phẩm chúng ta mua đã mất một số vitamin khi sản phẩm đến được tay chúng ta.
Các nhóm em bé nhất định (và mẹ bé nữa) có thể thiếu vitamin D. Hầu hết lượng vitamin D đều được hấp thu từ ánh nắng mặt trời chiếu trên da, nhưng tại các quốc gia phương bắc như Anh quốc, ánh nắng mặt trời trong những tháng mùa đông không đủ mạnh để tạo vitamin D. Sự việc còn tồi tệ hơn đối với những người có làn da nâu, vì nước da này thường không hấp thu ánh nắng mặt trời một cách tích cực. Việc sử dụng kem chống nắng thường xuyên cũng khiến da không thể hấp thu đầy đủ vitamin D. Những người có nguy cơ cao thiếu vitamin D là phụ nữ và trẻ em ăn mặc kín đáo hoặc hiếm khi ra ngoài trời. Việc bổ sung vitamin D được khuyến nghị dành cho các bà bầu, em bé và các bà mẹ đang cho con bú.
Tuy nhiên, nhìn chung, những trẻ kén ăn có nguy cơ thiếu vitamin và khoáng chất cao hơn các trẻ được ăn đa dạng các loại thức ăn. Kinh nghiệm của các bậc cha mẹ từng áp dụng phương pháp BLW cho thấy, các bé được phép kiểm soát bữa ăn dặm và lựa chọn món ăn ít kén chọn hơn là các bé được ăn theo quyết định của người lớn. Điều này cho thấy bản thân BLW là phương thức hữu ích để giúp đảm bảo rằng con bạn có chế độ ăn cân đối, đầy đủ chất dinh dưỡng.
Nếu bạn quyết định không bổ sung thêm vitamin cho con, hãy đảm bảo bạn cung cấp cho con các thực phẩm có chứa các vitamin và khoáng chất cần thiết. Hãy ăn thức ăn ngay khi còn tươi nóng, và áp dụng các biện pháp nấu nướng và bảo quản giúp giữ lại các chất dinh dưỡng cũng rất hữu ích.
Tôi nghe nói sữa bò rất quan trọng cho bé, nhưng loại sữa này có mối liên quan với bệnh hen (asthma) và bệnh chàm (eczema). Có đúng không vậy?
Sau Thế chiến II, chiến dịch quảng cáo sữa của Anh quốc đã rất thành công khi quảng bá lợi ích của sữa bò đối với trẻ em. Kết quả là, rất nhiều người vẫn tin rằng các em bé và trẻ nhỏ nên uống tối thiểu một ly sữa bò mỗi ngày. Nhưng sữa bò chẳng thể có nhiều lợi ích như quảng cáo. Trên thực tế, rất nhiều quốc gia không ăn, uống sữa động vật hoặc sản phẩm làm từ sữa, nhưng họ vẫn hoàn toàn khỏe mạnh.
Sữa của động vật có vú nhằm phục vụ cho con của các loài này, với tất cả các dưỡng chất cần thiết và với tỉ lệ hợp lý. Loại sữa duy nhất có thể cung cấp dưỡng chất đầy đủ cho các em bé sơ sinh chính là sữa mẹ. Nếu trẻ nhỏ uống quá nhiều sữa bò, loại sữa này làm trẻ no lâu, khiến trẻ không ăn đủ các loại thức ăn khác, dẫn đến hiện tượng trẻ thiếu máu hoặc thiếu chất dinh dưỡng. Đây là lý do khiến sữa bò không được khuyến cáo làm đồ uống cho trẻ dưới 1 tuổi.
Có rất nhiều người bị dị ứng với sữa bò, và tốt nhất là món ăn này nên được bỏ qua trong chế độ ăn của bé nếu như gia đình bạn có tiền sử dị ứng. (Sữa dê và sữa cừu có thể thay thế sữa bò, nhưng hai loại sữa này cũng có thể gây dị ứng).
Vì người ta nói nhiều rằng sữa bò là nguồn cung cấp protein, canxi, chất béo, vitamin A, B và D, rằng sữa bò rẻ và dồi dào - nên sữa bò được bổ sung vào rất nhiều loại thực phẩm khác. Thực ra, trừ khi bạn thực sự thận trọng, quả là khó để không bao giờ cho bé ăn sữa bò dưới một số dạng thức nào đó. Sữa bò dễ dàng được nêm vào các món ăn, và là thành phần cơ bản của món bánh pudding và nước xốt. Vì vậy, sữa bò có thể là một phần hữu ích để phát triển chế độ ăn cho các bé. Nhưng không nên giả định loại sữa này có tầm quan trọng hơn các thực phẩm đơn lẻ khác.
Nếu bạn muốn đưa sữa bò vào bữa ăn của bé:
• Coi sữa bò là thức ăn hơn là thức uống. Dùng sữa bò để nấu, hoặc nếu bé nhà bạn lớn hơn 1 tuổi, hãy cho bé một chút nếu bé ăn bữa phụ (có thể ăn kèm bánh mì và hoa quả), cho phép bé quyết định có uống hay không.
• Bắt đầu cho bé ăn các thực phẩm sữa giàu chất béo như pho mát, bơ và sữa chua vào bất cứ thời điểm nào sau khi bé được 6 tháng tuổi.
Nếu bạn muốn tránh tất cả các sản phẩm làm từ sữa:
• Đảm bảo bé có được nhiều chất protein, canxi, vitamin A, B và D và chất béo từ các món ăn khác (tham khảo Chương 7).
• Có thể bạn cũng muốn dùng các sản phẩm thay thế sữa động vật, ví dụ “sữa” làm từ gạo, yến mạch và đậu nành. Các sản phẩm này không hẳn là sữa nhưng cũng có thể được sử dụng tương tự cách thức như sử dụng sữa động vật đối với một số công thức nấu ăn. (Tuy nhiên, các sản phẩm này cũng có thể gây dị ứng).
• Bạn nên tham vấn ý kiến của chuyên gia dinh dưỡng của bé, chỉ nhằm đảm bảo bạn đang cung cấp cho bé các bữa ăn cân đối về dinh dưỡng. Điều này cực kỳ quan trọng nếu bạn đang phải tránh xa nhiều loại thực phẩm do những lo lắng về bệnh dị ứng.
Mẹ tôi lúc nào cũng hỏi liệu con trai tôi đã ăn ngũ cốc chưa? Tại sao ngũ cốc lại quan trọng đến vậy? Dường như bé rất vui vẻ khi được ăn rau củ. Giờ bé gần 7 tháng tuổi rồi.
Theo truyền thống, cơm, bánh bít cốt hoặc cháo đặc vốn là thức ăn dặm đầu tiên của em bé Anh quốc kể từ những năm 1950, và các bé thường được đút thìa các món này từ khi 3 hoặc 4 tháng tuổi trở lên. Tầm quan trọng của ngũ cốc dường như một phần do đây là loại thực phẩm nhạt và dễ dàng tiêu hóa, còn một phần là vì người ta tin rằng các em bé cần calo để “chóng lớn” và giúp bé khỏe mạnh.
Tuy nhiên, giờ đây chúng ta biết rằng:
• Các bé dưới 6 tháng tuổi không tiêu hóa tốt tinh bột (ngũ cốc chứa rất nhiều tinh bột).
• Hầu hết các em bé dưới 6 tháng tuổi đều không cần thêm thức ăn, trừ sữa.
• Các em bé và trẻ nhỏ cần một chế độ ăn cân bằng, thay vì cần món ăn chứa quá nhiều carbohydrat (đường, tinh bột và chất xơ).
Ngũ cốc chứa hàm lượng tinh bột rất cao. Nghĩa là chúng sẽ được tiêu hóa chậm chạp và khiến bé đầy bụng, vì vậy cho bé ăn ngũ cốc, dù chỉ một ít, cũng có thể ảnh hưởng đến cơn thèm sữa của bé. Sữa mẹ (hoặc sữa công thức) vô cùng quan trọng với sức khỏe của bé, đến mức không thể bị thay thế bởi các thực phẩm kém dưỡng chất hơn mà bé vẫn chưa cần. Nhưng nhiều người vẫn nghĩ họ nên cho bé ăn các thực phẩm giúp bé chóng no bụng, giúp bé ngủ lâu hơn.
Tuy nhiên, chỉ cần bé không ăn ngũ cốc trước 6 tháng tuổi, ngũ cốc sẽ không cản trở nguồn dinh dưỡng chung của bé - với điều kiện bé là người quyết định sẽ ăn bao nhiêu. Vấn đề là ở chỗ ngũ cốc cần phải được đút thìa - khiến bé dễ bị đút ăn nhiều hơn mong muốn của bé.
Khi các bé 6 tháng tuổi lần đầu tiên tập ăn dặm, món ăn đầu tiên cho bé phải là món dễ cầm và dễ nhai. Rau luộc, hoa quả tươi hoặc nấu, là các món lý tưởng cho bé trong giai đoạn này. Các món này thơm ngon, nhiều màu và chứa đầy đủ các vitamin và khoáng chất quan trọng - mà không khiến bé no bụng. Thi thoảng cũng nên cho bé ăn thêm thịt nhằm cung cấp chất sắt và kẽm cho bé, nhưng thực sự vẫn chưa cần lắm đến các thực phẩm giàu tinh bột trong giai đoạn này.
Vì vậy, bạn có thể cho bé ăn ngũ cốc - dưới dạng bánh mì hoặc một nắm cơm để bé cầm - nhưng ngũ cốc không nhất thiết phải là thức ăn đầu tiên. Trên hết, hãy nhớ rằng cho bé ăn thức ăn đa dạng và cho phép bé lựa chọn món để ăn, cũng như lượng thức ăn, sẽ tạo cho bé cơ hội tốt nhất để có được tất cả các dưỡng chất cần thiết cho bé, với tỷ lệ cân xứng.
Bé nhà tôi 8 tháng tuổi và vẫn ăn rất ít. Nhưng bé vẫn rất vui vẻ và lớn nhanh, nhưng mọi người khuyên chúng tôi cung cấp cho bé nhiều chất sắt, đặc biệt là khi bé bú mẹ. Chúng tôi phải làm thế nào để cung cấp chất sắt cho bé khi áp dụng BLW?
Đúng là sữa mẹ không chứa nhiều sắt như thịt hoặc thực phẩm bổ sung sắt. Nhưng sắt trong sữa mẹ được hấp thu vô cùng dễ dàng. (Sữa công thức chứa rất nhiều sắt, nhưng khó hấp thu).
Cũng như nguồn chất sắt mà bé nhận được từ sữa mẹ, các bé cũng có được nguồn chất sắt dự trữ khi còn trong bụng mẹ. Nguồn dự trữ này sẽ được sử dụng dần dần, vì vậy sau 6 tháng tuổi, bé mới bắt đầu cần nhiều sắt hơn nguồn chất sắt có trong sữa mẹ. Nhưng sự thiếu hụt này không lớn, sữa mẹ vẫn có thể cung cấp hầu hết các chất dinh dưỡng mà bé cần. Vì vậy có lẽ em bé của bạn cũng nhận được đầy đủ chất sắt từ lượng thức ăn nho nhỏ mà bé ăn.
Điều quan trọng nhất là bé nên có nhiều thức ăn để lựa chọn, vì việc này sẽ tạo cho bé cơ hội tốt nhất để ăn món ăn mà bé cần. Thịt và các sản phẩm thịt là nguồn cung cấp dồi dào chất sắt. Thịt và thực phẩm chứa vitamin C giúp dạ dày bé hấp thu sắt có trong thực vật khi được ăn kèm trong một bữa ăn. Rất nhiều thực phẩm (ngũ cốc và bánh mì) đều được bổ sung thêm chất sắt. Bằng cách cho bé cơ hội được ăn thịt cùng với nhiều loại trái cây và rau - một số thực phẩm giàu vitamin - bạn sẽ giúp bé có được nhiều chất sắt trong chế độ ăn.
Hãy thử cho bé làm quen với thịt dưới nhiều dạng thức khác nhau (bao gồm thịt băm) để bé có cơ hội đưa thức ăn vào miệng và ăn. Nhưng, hãy nhớ rằng phần lớn chất sắt trong thịt đều nằm trong nước thịt, vì vậy mút một miếng sẽ cung cấp cho bé dưỡng chất, dù cho bé chưa biết nhai.
Nguồn cung cấp chất sắt dồi dào cho người ăn chay bao gồm trứng, đậu hạt như đậu, đậu lăng và đậu Hà Lan, các loại hoa quả khô như mơ khô, sung, mận và các loại rau có lá xanh. Điều quan trọng là người ăn chay phải ăn các thực phẩm giàu vitamin C, nhằm giúp hấp thu sắt một cách tốt nhất. (Tham khảo Chương 7 để biết thêm thông tin).