“Thật thú vị khi quan sát bé xử lý nhiều loại thức ăn và kĩ năng của bé thuần thục từng ngày. Mới tuần trước bé không thể cầm một nắm cơm, thế mà tuần sau bé đã cầm được, và sau đó, bạn phát hiện thấy bé có thể cầm vài hạt cơm giữa các ngón tay. Sau nhiều ngày liền không có gì mới xảy ra, rồi đột nhiên bé biết cầm thìa và đưa lên miệng. Nhưng chúng tôi không thể dạy bé làm gì hết – chúng tôi chỉ ngồi và quan sát bé học hỏi.”
Chị Margaret, mẹ bé Esther 21 tháng tuổi
Tiến triển theo nhịp độ của bé
Trong quá trình bé làm quen với thức ăn dặm, bạn sẽ thấy kĩ năng của bé phát triển khi bé học cách cầm nhiều loại thực phẩm với các hương vị, hình dạng và độ thô mịn khác nhau. Tuy nhiên, rất nhiều cha mẹ nhận thấy rằng sự tiến triển của bé không suôn sẻ như mong đợi. Một số bé rất nhiệt tình trong giai đoạn đầu, nhưng sau đó bé ít hứng thú hơn với thực phẩm trong một hoặc hai tuần; rất nhiều bé có giai đoạn ngừng khá lâu trước khi các bé thực sự ăn nhiều. Tất cả những điều này đều là bình thường với BLW. Kì vọng về sự tiến triển nhanh chóng của bé đối với việc ăn món ăn thường phi thực tế, và thường dựa trên phương pháp ăn dặm mà cha mẹ - thay vì bé - chịu trách nhiệm. Dường như khi các bé được phép tự đưa ra quyết định, rất ít bé tuân theo một mô hình được định sẵn. Vì vậy, tốt nhất là bạn không nên nghĩ quá nhiều về việc “nên” xảy ra và cho phép bé tự điều chỉnh tốc độ.
Nếu bạn cho bé gia nhập tất cả các bữa ăn và cho phép bé quyết định lượng sữa mà bé muốn, theo lẽ tự nhiên, bé sẽ chuyển sang ăn ba bữa chính (và sau này là ăn thêm món ăn nhanh) theo nhịp độ riêng của bé. Nhưng điều đó sẽ không xảy ra như bạn kỳ vọng. Đôi lúc các bậc cha mẹ được bảo rằng khi 8 tháng tuổi, tất cả các bé phải ăn ba bữa mỗi ngày nhưng ở độ tuổi này, hầu hết các bé chỉ thích cầm và chơi với thức ăn rất nhiều bé vẫn sẽ chưa ăn nhiều, thậm chí nhiều bé vẫn chỉ muốn uống sữa vào bữa sáng. Không cần phải hối thúc bé - vì điều đó sẽ không giúp bé học nhanh hơn và thậm chí có thể khiến bé chán nản và cáu bẳn. Tốt hơn là hãy để giờ ăn thật thú vị và cho phép bé quyết định thời điểm bé sẵn sàng ăn nhiều hơn.
Một điều khá phổ biến là bọn trẻ sẽ trải qua giai đoạn “khoảng lặng” khi bé khoảng 7 đến 9 tháng tuổi. Đó là lúc chẳng có chút tiến độ với ăn uống và bé tăng cân chậm. Chỉ cần bé khỏe mạnh, uống nhiều sữa và được tham gia vào bữa ăn, điều này không có gì đáng lo. Giai đoạn này thường rất ngắn và kế đến sẽ là sự tăng đột biến về khẩu vị lẫn kĩ năng ăn. Rất nhiều cha mẹ mô tả sự phát triển này là khi bé “bất chợt thay đổi” và bắt đầu ăn “thực sự”.
Dù bạn có trải qua giai đoạn khoảng lặng hay không, vào thời điểm nào đó, có thể bạn sẽ nhận thấy bé ít chơi đùa với thức ăn hơn và chú tâm ăn uống. Bắt đầu ăn “thực sự” như vậy có thể xảy ra bất cứ thời điểm nào khi bé 8 hoặc 9 tháng tuổi đến khoảng 1 tuổi, và thường (nhưng không luôn luôn) trùng khớp với việc bé uống ít sữa hơn; phương pháp tốt nhất là hãy để cơn đói và khả năng của bé đưa đường chỉ lối cho bạn. Hãy liên tục tạo cho bé thật nhiều cơ hội để thực hành kĩ năng mới với thực phẩm đa dạng được bắt chước. Có thể bạn sẽ nhận thấy rằng khi 9 hoặc 10 tháng tuổi, bé sẽ ăn rất nhiều trong số các món ăn mà cả gia đình đang ăn, và bạn không cần phải nghĩ quá nhiều đến việc chuẩn bị thức ăn riêng cho bé, vì bé có thể ăn hầu hết các món mà không gặp vấn đề gì.
“Khi Jake khoảng 1 tuổi, tôi nhận ra rằng bé bắt đầu ăn vì lợi ích của việc ăn, thay vì chỉ làm quen với món ăn. Đó là sự thay đổi rõ ràng từ việc chơi đùa sang ăn thực sự - cứ như thể bé cần phải ăn cho no bụng vậy.”
Chị Vicky, mẹ bé Jake 3 tuổi
Nụ vị giác thích phiêu lưu
Một khi bạn và bé bắt đầu làm quen với BLW, cần đảm bảo bé được trải nghiệm nhiều loại hương vị. Bé càng được nếm nhiều mùi vị, khi lớn lên bé càng sẵn sàng thử nghiệm các món mới. Rất nhiều cha mẹ cứ đưa cho bé các món ăn đơn giản như rau hoặc quả hấp trong vài tuần đầu tập ăn dặm, đừng chỉ cho bé các thực phẩm bán sẵn dành cho bé ăn dặm.
Tất cả các bé đều được làm quen với các hương vị khác nhau của món ăn từ khi còn trong bụng mẹ, vì các bé nuốt nước ối có chứa chút ít hương vị món ăn mà mẹ ăn. Các bé bú mẹ cũng có được nguồn sữa với nhiều hương vị khác nhau, tùy thuộc vào chế độ ăn của mẹ. Các bé thường thích thú với các vị mới, thậm chí cả các vị đậm, nhất là khi nếu mẹ thường xuyên ăn các món đó. Thực ra, nghiên cứu chỉ ra rằng các em bé bú mẹ được lập trình để chấp nhận các món ăn mà bé quen thuộc có trong sữa mẹ (ngay cả tỏi), có lẽ bởi vì đây là cách cho các bé thấy rằng các món ăn này là an toàn. Vậy mà rất nhiều người vẫn tin rằng món ăn dặm đầu tiên của bé phải là món ăn không mùi không vị. Quả thực như vậy, tại một số nền văn hóa, người ta tin rằng trẻ nhỏ sẽ không nên ăn rau và thịt - và kết quả là các bé chỉ được cho ăn ngũ cốc, ví dụ như cơm, cho đến khi 2 tuổi. Điều này không chỉ không cần thiết mà còn khiến bé chán ngán - và có thể dẫn đến hiện tượng thiếu dinh dưỡng.
Sử dụng thảo dược, gia vị và rau có vị đậm trong khi nấu nướng không chỉ tốt cho vị giác mà còn tốt cho sức khỏe của cả gia đình, vì rất nhiều trong số các thực phẩm này có thành phần dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe. Mùi vị và thức ăn đa dạng có lợi cho sức khỏe cũng sẽ giúp cung cấp cho bé nhiều loại vitamin và khoáng chất.
Các bé tự ăn thường thử nghiệm với các món mới và thích phiêu lưu với nhiều hương vị hơn so với các bé được bón thìa, bởi vì với các bé này, được ăn là một điều kỳ thú. Bạn nên ghi nhớ các bí quyết sau:
• Luôn luôn cho phép bé quyết định liệu bé có muốn ăn món nào đó hay không - không cần phải thuyết phục bé nếu bé có vẻ không muốn ăn.
• Bé sẽ nếm thử thức ăn được đặt trước mặt bé và nhè thức ăn ra nếu bé không thích - quan trọng là bạn không được nhắc bé phải nhè ra hoặc ngăn bé nhè. Được phép từ chối món ăn không ưa thích giúp đảm bảo bé học được cách tin tưởng món ăn. (Có thể đây là một lí do khiến nhiều bé được đút thìa khi từ chối ăn sẽ khó phì ra - món xay nhuyễn khó nhè hơn).
• Cho phép bé ăn chung bữa ăn với cả gia đình, để bé bắt chước cách ăn uống của cả gia đình - nếu cả gia đình bạn ăn món cà ri và thấy rất ngon miệng, sự hiếu kì của bé gần như sẽ chắc chắn khiến bé muốn thử.
• Cho bé cơ hội thử các món ăn mà bạn không ăn thường xuyên, cũng như thử các món ăn quen thuộc của gia đình, để bé có cơ hội làm quen với hương vị đa dạng.
“Ngay từ đầu chúng tôi đã cho Isabella làm quen với rất nhiều hương vị - các món mà chúng tôi nghĩ ra - và bây giờ bé gần như biết ăn tất cả các món. Tuyệt vời nhất là khi gia đình tôi đi du lịch. Bé luôn luôn ăn các món mà chúng tôi đem theo - và bé còn ăn được nhiều món hơn cả người lớn.”
Chị Jennifer, mẹ bé Isabella 4 tuổi
Một số cha mẹ của các bé uống sữa công thức (suốt 6 tháng đầu bé chỉ được nếm một vị sữa duy nhất) nhận thấy rằng ban đầu em bé của họ ít thích phiêu lưu hơn. Nhưng việc này không kéo dài lâu, và nhìn chung, hầu hết các bé đều thích thử nghiệm, thậm chí với cả các món ăn có hương vị đậm. Dù bé lưỡng lự, nhưng bé càng được cho nhiều cơ hội để thử các món ăn khác nhau, bé càng có khả năng bắt chước nếm các món khác, và bé càng ít thận trọng hơn với các món mới về sau này.
Rất nhiều bé BLW đã khiến cha mẹ ngạc nhiên bằng cách nếm món ăn cay, và rồi xin thêm. Ngay cả khi có những món mà thi thoảng bạn mới ăn, hoặc khi gia đình đi ăn ngoài, hãy cố gắng cho bé tham gia bữa ăn để bé có cơ hội thử nghiệm. Chỉ cần món đó không quá cay, đương nhiên rồi - đừng kì vọng bé sẽ thích món cà ri cay của Bồ Đào Nha ngay trong lần đầu tiên! (Phần lớn các nền văn hóa ăn nhiều món cay bắt đầu cho bé làm quen với các món có vị cay vừa phải). Không cần phải thuyết phục bé nếu bé không muốn nếm - một số món có mùi rất mạnh, đến mức có thể bé phải làm quen dần dần. Hầu hết các món cay đều được ăn kèm với món nhạt, ví dụ như gạo hoặc mì, vì vậy bé sẽ không bị đói bụng đâu. Hãy chuẩn bị sẵn chút nước hoặc sữa chua không đường, phòng trường hợp bé thấy món ăn quá cay - và bạn hãy nhớ tự nếm thức ăn trước, và nhặt hết ớt, hạt tiêu cay ra trước khi cho bé nếm.
Cho bé tập ăn món cay
Món súp đậu xanh sền sệt, đơn giản làm từ đậu lăng có thể giúp bé làm quen với món cay. Bạn có thể thêm các loại rau và dần dần tăng độ cay, hoặc thử các sự kết hợp khác nhau. Đậu lăng chứa nhiều dưỡng chất gồm protein và sắt. Bánh mì hoặc bánh nướng có thể được dùng làm đồ nhúng hoặc súp đậu xanh có thể được bốc ăn, hoặc trộn với thịt băm viên, hoặc xúc sẵn vào thìa cho bé để bé tự xúc ăn.
“Khi Harriet khoảng 9 tháng tuổi, chúng tôi đi ăn món cà ri ngoài nhà hàng. Lúc đó bé ăn cơm khá tốt và bé cầm cả nắm thức ăn từ đĩa của tôi, và món cơm đó có rưới nước xốt cà ri. Vấn đề là món cà ri này rất cay – thậm chí còn quá cay đối với tôi. Nhưng trước khi tôi kịp làm gì đó, bé đã nhét ngay nắm cơm trộn vào miệng. Tôi cứ tưởng bé sẽ khóc ầm lên. Nhưng bé chỉ có vẻ ngẫm nghĩ một chút, sau đó nuốt và giơ tay xin thêm.”
Chị Jen, mẹ bé Harriet 2 tuổi
Khám phá độ thô mịn của thực phẩm
Cũng như việc cho bé ăn đa dạng các mùi vị, bạn hãy nhớ rằng bé cũng cần được trải nghiệm với thực phẩm có kết cấu khác nhau. Hầu hết các dạng kết cấu - lỏng, cứng, giòn, mềm và xốp… - đều có thể xuất hiện trong bữa ăn của bạn, nếu như bạn có chế độ ăn đa dạng, vì vậy không cần phải hạn chế chỉ cho bé ăn các món dễ cầm với bé. Khám phá đa dạng các kết cấu thực phẩm sẽ giúp bé phát triển các kĩ năng quan trọng liên quan đến việc ăn uống, ngăn ngừa nguy cơ nghẹn, vệ sinh miệng và thậm chí còn trợ giúp khả năng nói. Bé cũng sẽ thích khám phá thực phẩm có kết cấu khác nhau.
Bé sẽ cực kỳ sáng tạo khi đưa các loại thực phẩm có kết cấu khác nhau lên miệng trước khi học được cách sử dụng dụng cụ ăn. Đó là khi bạn cần máy quay nhé! Bé (và mọi thứ xung quanh bé) có thể được phết đầy thức ăn của bé. Có thể bé sẽ mút một sợi mỳ ống, bốc cơm hoặc thịt xay vào miệng, gặm xương gà, trực tiếp ăn thức ăn trong đĩa, liếm đĩa đến khi sạch bong, hoặc nhặt từng hạt đậu lên - có thể bé sẽ cho vào miệng với tốc độ nhanh bất ngờ (đây là cách thực hành thú vị cho sự kết hợp tay-mắt). Dù bạn chuẩn bị món ăn gia đình như thế nào, bé cũng sẽ tìm được cách ăn món đó.
Kết cấu thực phẩm không chỉ có dạng “cứng” và “mềm” - giữa hai lớp thức ăn còn có rất nhiều dạng kết cấu và có sự khác biệt tinh tế. Ví dụ:
• Rau củ nướng có vỏ ngoài cứng và giòn nhưng bên trong rất mềm.
• Vỏ bánh mì nướng cứng và khô, trong khi táo nướng cứng nhưng nhiều nước.
• Lê có thể cứng hoặc mềm (và rất nhiều nước) tùy thuộc vào độ chín của quả, trong khi rau có thể giòn hoặc mềm, tùy thuộc vào thời gian nấu.
• Các thực phẩm như bánh xốp khi cắn rất giòn, nhưng sẽ mềm ngay khi tiếp xúc với lưỡi.
• Chuối có kết cấu chắc chắn để cắn, nhưng nhai rất mềm - trong khi khoai tây nghiền cắn và nhai đều mềm.
• Pho mát Cheddar cứng và có thể được mút rất lâu. Pho mát Edam dai dai. Pho mát Feta và Cheshire tan ngay trong miệng bé.
• Thịt thì dai trong khi cá mềm và dễ vụn.
• Khoai tây nghiền có thể khô và mịn giống bột, mềm và dính - hoặc rất lỏng.
• Đùi gà có thịt và xương (và học cách gặm thịt trên đùi gà có thể hơi nhiều thử thách nhưng rất thú vị).
• Bơ đậu phộng và nhiều loại pho mát rất mềm nhưng dính, vì vậy bé sẽ cần phải học cách sử dụng lưỡi để đưa đẩy thức ăn quanh miệng.
Thực phẩm có kết cấu giòn và cứng rất thú vị
Chúng ta sẽ rất hứng thú khi ăn các thực phẩm cứng và giòn. Dường như âm thanh giòn giòn, tanh tách được hội tụ ngay trong miếng cắn đầu tiên tạo ra sự sảng khoái. Điều này cho thấy các bé chỉ được ăn cháo xay ngay từ đầu sẽ bỏ lỡ nguồn vui quan trọng – điều mà các bé BLW có trong bữa ăn của mình.
“Khoảng 8 tháng rưỡi, Naresh bắt đầu lấy vài hạt cơm trong đĩa của tôi - ban đầu là một nắm, và sau đó bé bắt đầu nhặt từng hạt rồi cẩn thận đưa từng hạt vào miệng. Mãi đến lúc đó tôi mới nghĩ ra việc cho bé ăn nhiều món, thay vì chỉ ăn các thanh rau. Tôi luôn luôn ngạc nhiên khi thấy bé xử lý thuần thục các món ăn khác nhau.”
Chị Rashimi, mẹ bé Naresh 10 tháng tuổi
Thức ăn lỏng
Mặc dù hầu hết cha mẹ đều muốn thấy con thỏa sức sáng tạo với thực phẩm có kết cấu đa dạng, nhưng họ thường vạch giới hạn và không cho bé tự ăn các món lỏng. Một phần là vì họ không thể hình dung bé sẽ ăn được món đó mà không cần dùng thìa. Và một phần vì họ e ngại sự bừa bộn. Nhưng các bé thích nghi rất nhanh và sẽ nhanh chóng học cách tự xử lý thức ăn bán-lỏng như cháo đặc hoặc sữa chua. Một số bé rất giỏi xử lý dù là thức ăn loãng; dường như các bé khác không thích liếm các ngón tay và nhận thấy “uống” sữa chua trực tiếp từ hộp đem lại hiệu quả cao nhất, ví dụ như vậy.
Rất nhiều bé nhanh chóng học các sử dụng “đồ nhúng” (ví dụ một chiếc bánh mì que) hoặc thìa để nhúng vào các món ăn lỏng, đôi khi là rất lâu trước khi bé hiểu thìa được dùng để làm gì. Những bé khác có thể xoay xở với chiếc thìa khi được múc sẵn, mặc dù bé vẫn chưa thể tự xúc nếu không có sự trợ giúp. Nếu bạn nấu cháo đặc hoặc nước xốt sền sệt hơn cho bé, có thể bạn sẽ thấy bé bốc nước xốt lên miệng, hoặc nếu nước xốt đặc hơn, nó có thể được dùng để rưới lên bánh gạo, bánh yến mạch hoặc bánh nướng. Các bé nhận thấy dễ xử lý món súp hơn nếu súp có các miếng lổn nhổn mà bé có thể nhặt ra; nếu món súp loãng hoặc mềm, có thể dùng bánh mì hoặc bánh mì que để nhúng vào, và cơm hoặc các mẩu bánh mì có thể được dùng để làm cho súp đặc hơn.
Bí quyết thành công với BLW là nhìn nhận mọi thứ từ quan điểm của bé và cố gắng quên đi các quy tắc ăn uống được người lớn áp dụng. Lúc này, không cần phải lo lắng về cung cách ăn nữa - trước sau gì cung cách này cũng sẽ được áp dụng - bé cần phải làm chủ thức ăn theo cách riêng của bé đã. Về phần bừa bộn, ừm, bạn không thể làm gì để ngăn chặn việc này, nhưng bạn có thể chuẩn bị sẵn sàng để không phải dọn dẹp quá nhiều. Hãy nhớ rằng bạn không cần phải cho bé ăn món lỏng mỗi ngày, và giai đoạn bừa bộn này sẽ không kéo dài lâu đâu. Khi bé lớn hơn, bạn sẽ không được nhìn thấy cảnh khuôn mặt xinh xinh đáng yêu của bé dính đầy sữa chua đâu - tôi nói rất chân thành đấy!
Quan trọng nhất là đừng bao giờ nói với bé không được gây bẩn hoặc cho bé biết rằng sự bẩn thỉu khiến bạn phiền lòng. Khi lẫm chẫm biết đi, các bé có thể có ác cảm với thực phẩm đến mức bé liên tưởng đến không khí không vui, và nếu kinh nghiệm đầu đời của bé với thực phẩm ẩn chứa nhiều căng thẳng, sau này bé thường nhận thấy các món ăn lỏng là một vấn đề với bé. Đây là một trong các bí quyết thành công của BLW: luôn luôn tạo không khí bữa ăn vui vẻ.
“Tôi làm món súp đặc gồm đậu tách và thịt lợn, Fay cực kỳ thích thú. Tôi đưa cho bé một cái thìa, và bé nhúng ngay thìa vào món này rồi mút mút. Nhưng cuối cùng, bé bỏ thìa xuống và úp cả mặt vào bát. (Tôi cho bé dùng chiếc bát có đế hít, nhưng tôi phải giữ miệng bát để bé không lật úp bát xuống). Sau đó, bé nhúng cả hai tay vào và dường như bé ăn được khá nhiều súp. Đó là một trong những thành công của mẹ con tôi. Thành công này đến từ rất sớm; lúc đó bé vẫn chưa được 7 tháng tuổi đâu nhé.”
Chị Janice, mẹ bé Alfie 4 tuổi và Fay 7 tháng tuổi
Lúc ăn nhiều, lúc không ăn gì
Sau khi bé ăn dặm được vài tháng, có thể bạn mong đợi bé sẽ ăn ngày càng nhiều hơn, vì bé học được rằng thức ăn có thể giúp bé no bụng. Tuy nhiên, mặc dù bé ăn nhiều hơn so với mấy tháng đầu thử nghiệm, có thể bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy sự thay đổi về lượng thức ăn của bé - mới hôm trước ăn rất nhiều, nhưng hôm sau không ăn gì hết. Một số bé không ăn gì mấy trong nhiều ngày liền, sau đó bỗng nhiên ăn tất cả các món được bày trước mắt. Chỉ cần bạn cho bé ăn thức ăn giàu dinh dưỡng, bạn cần phải tin tưởng vào cơn đói và bản năng của bé, rằng bé biết bé cần món gì và khi nào bé cần. Nếu bé vẫn uống nhiều sữa, bé sẽ không bị đói bụng đâu.
“Tôi phải mô tả Robert là em bé điển hình nếu nói đến chuyện ăn uống: bé không ăn gì trong ba ngày liền và ba ngày kế tiếp bé ăn rất nhiều. Ngày xưa tôi cũng vậy – mẹ tôi vẫn thường nói: “Mẹ không lo gì hết, vì mẹ biết mấy ngày nữa con sẽ lại ăn như hùm.””
Chị Kath, mẹ Euan 3 tuổi và bé Robert 18 tháng tuổi
Phân của bé
Một trong những thay đổi lớn nhất mà bạn sẽ nhận thấy khi bé ăn dặm là sự thay đổi của phân. Phân của bé bú mẹ hoàn toàn rất mềm, lỏng, màu vàng và mùi nhẹ. Trong khoảng tháng đầu tiên chào đời, các bé bú mẹ đại tiện vài lần một ngày, nhưng sau 4 đến 6 tuần, bé sẽ đột nhiên chỉ ị một lần suốt vài ngày liền. Có bé không hề ị suốt ba tuần liền. Chỉ cần bé vẫn mạnh khỏe, điều này hoàn toàn bình thường; không phải do bé bị táo bón đâu.
Các bé bú sữa bột có phân sẫm màu hơn một chút và có khuôn hơn ngay trong tháng đầu, và có thể các bé sẽ đi ít hơn. Phân của bé mùi hơn phân bé bú mẹ. Các bé cũng có thể bị táo bón, đặc biệt là trong điều kiện thời tiết nóng, và đây là lí do khiến nhiều cha mẹ được khuyên nên cho bé uống thêm nước.
Lần đầu tiên tập ăn dặm, có thể bé sẽ chỉ chơi với thức ăn thôi; dấu hiệu đầu tiên cho thấy bé thực sự nuốt món gì đó là khi bạn nhìn thấy “các mẩu thức ăn” trong phân bé (dễ nhìn thấy các mẩu này hơn trong phân mềm của bé bú mẹ). Điều đó không có nghĩa là bé không thể tiêu hóa thức ăn, mà là dấu hiệu cho thấy cơ thể bé đang thích nghi với món ăn dặm và phát triển các enzym cần thiết để tiêu hóa thức ăn. Việc này sẽ xảy ra ít hơn khi bé học được cách nhai kĩ thức ăn trước khi nuốt.
Dần dần, phân của bé sẽ chắc hơn và sậm màu hơn, mặc dù nếu bé vẫn bú nhiều sữa mẹ, có thể phân vẫn lỏng. Nhưng sự thay đổi dễ nhận thấy nhất chính là mùi! Bạn sẽ vô cùng ngạc nhiên nếu bạn đã quen với mùi phân của bé chỉ uống sữa, nhưng điều đó hoàn toàn bình thường. Có thể bé cũng sẽ đánh hơi thường xuyên hơn - hoặc có thể việc bé đánh hơi dễ nhận thấy hơn vì rất thối!
Một số bé bị đau hậu môn khi phân thay đổi. Nếu như vậy, bạn cần tỉnh táo và thay tã cho bé ngay khi bé ị xong.
“Phân của bé thay đổi sớm lắm; tức là chỉ khoảng 5 hoặc 6 tuần sau khi tập ăn dặm. Chúng tôi tự hào lắm - đó là lượng phân đích thực đầu tiên của Cameron. Trước đây bé chỉ ị khoảng 2 lần mỗi tuần, nhưng bây giờ bé ị hàng ngày. Và điều này vẫn chưa thay đổi - chắc chắn bé đang ăn nhiều hơn chúng tôi nhận thấy.”
Chị Sophie, mẹ bé Cameron 8 tháng tuổi
“Alanna bắt đầu đưa thức ăn vào miệng khi bé khoảng 6 tháng rưỡi, nhưng dường như rất lâu sau đó phân của bé không thay đổi. Mãi đến khi bé 9 hoặc 10 tháng tuổi, mọi thứ dường như mới thay đổi - chúng tôi nhìn thấy các mẩu cà rốt hoặc ớt ngọt trong phân lỏng của bé. Khi bé bắt đầu ăn thực sự, phân của bé thay đổi dần dần và có khuôn hơn.”
Chị Monica, mẹ bé Alanna 15 tháng tuổi
Ăn đủ: học cách tin tưởng bé
Đối với nhiều cha mẹ, một trong những phần khó nhất của BLW là tin tưởng bé sẽ ăn theo nhu cầu của bé. Có thể lượng thức ăn mà các bé BLW ăn có vẻ rất ít, ngay cả khi bé ăn thực sự (chứ không phải chỉ khám phá), và họ khó lòng tin bé biết bé đang làm gì.
Các bậc cha mẹ cho con uống sữa công thức thường có sự kiểm soát nhất định đối với các bữa sữa của bé và nhìn chung, họ thường được chỉ dẫn về lượng sữa cho con uống dựa trên khuyến nghị của nhà sản xuất hoặc của chuyên gia dinh dưỡng. Tương tự như vậy, các bé uống sữa công thức thường có lượng sữa nhất định vào mỗi bữa. Vì vậy, nếu bạn đã quen cho con uống sữa công thức, có thể bạn sẽ cần thời gian để tin tưởng rằng bé biết lượng và khoảng cách giữa từng cữ sữa.
Tuy nhiên, ngay cả các mẹ cho con bú hoàn toàn đã tin tưởng lượng bé cần (mà không hề biết bé bú được bao nhiêu sữa) cũng khó lòng tin rằng bé đang ăn lượng thức ăn “phù hợp.”
Nếu bạn lo bé ăn chưa đủ no, hãy cân nhắc những điều sau:
• Ý kiến của chúng ta về lượng thức ăn bé nên ăn thường dựa trên niềm tin xưa cũ rằng em bé mập mạp là em bé khỏe mạnh.
• Con của bạn hiểu rõ khẩu vị và nhu cầu của bản thân bé.
• Có thể bạn sẽ so sánh lượng thức ăn dặm mà em bé BLW của bạn ăn với lượng thức ăn của em bé ăn món xay nhuyễn. Hãy nhớ rằng món xay nhuyễn thường được trộn với nước hoặc sữa, khiến món này trông có vẻ nhiều hơn thực tế - với BLW tất cả đều là thức ăn.
• Các bé cùng tháng tuổi có trọng lượng và mức độ vận động giống nhau cũng cần lượng thức ăn rất khác nhau, vì quá trình trao đổi chất của các bé không giống nhau (tất cả chúng ta đều biết dường như những người trưởng thành khỏe mạnh chỉ ăn rất ít).
• Dạ dày của bé khá nhỏ (chỉ bằng kích thước nắm tay); các bé cần ăn mỗi lần một ít và ăn thường xuyên. Các bé không thể thường xuyên ăn nhiều mỗi bữa.
• Các món ăn dặm đầu tiên được cho là để bổ sung sữa của bé, không phải thay thế sữa. Sữa mẹ hoặc sữa công thức vẫn là nguồn dinh dưỡng chính của bé trong những tháng đầu tập ăn dặm, và vẫn là chế độ ăn quan trọng của bé cho đến khi bé được ít nhất 1 tuổi.
Đôi lúc bạn tự đánh lừa mình để cảm thấy vui sướng về việc ăn uống của bé. Nếu bạn cho bé một chút thức ăn và bé xin thêm, bạn sẽ rất vui. Nếu bạn cho bé một đĩa thức ăn lớn và bé không thể ăn hết, có thể bạn sẽ thất vọng. Nhưng rất có thể bé vẫn ăn một lượng y như thế - theo nhu cầu của bé - bất kể bạn cho bé ăn theo phương thức nào!
Nhìn chung, nếu em bé của bạn đại tiểu tiện bình thường, mạnh khỏe và mau lớn, vậy thì bạn có thể tự tin rằng bé đã ăn đủ.
“Khi chúng tôi nói chuyện về bữa ăn, cha mẹ tôi thường nói: ‘Con đã tìm ra cách cho Keira ăn nhiều chưa đấy?’ Nhưng vấn đề không phải là nhồi nhét thức ăn cho bé. Keira tự ăn rất giỏi, vì vậy bé sẽ không bị đói đâu; nếu bé đói và có thức ăn, bé sẽ ăn đến khi no bụng.”
Chị Jennie, mẹ Keira 2 tuổi
Câu chuyện BLW
Khi Mia được 3 hoặc 4 tháng tuổi, ông bà ngoại bé đều nói rằng bé nên ăn dặm. Nhưng Mia tỏ ra không hứng thú ăn – thực sự là tôi cảm thấy rất áp lực.
Tôi cũng thử cho bé ăn dặm khi bé 6 tháng tuổi nhưng bé chỉ nghịch thức ăn thôi - lúc đó, thậm chí bé còn không đưa bất kì món gì lên miệng. Tôi vẫn còn nhớ, có lần tôi đi ăn ngoài với bạn bè trong nhóm học tiền sản, tất cả em bé của họ đều được đút thìa ăn bữa chính, sau đó ăn bánh pudding và kết thúc là một chiếc bánh bít cốt. Còn Mia không ăn gì hết - tôi chỉ cho bé bú thôi. Vì vậy, đương nhiên tôi cũng bắt đầu băn khoăn không biết bé đã sẵn sàng ăn dặm chưa.
Lúc đó, tôi không tự tin đâu - tôi lo bé chỉ “nghịch đồ ăn” và không thực sự ăn, nhưng bữa ăn nào tôi cũng kiên trì cho bé chút thức ăn - và dần dần bé cũng ăn. Nhưng lúc đó, có tới 90% thức ăn rơi xuống sàn; tôi nghĩ phải đến khi 8 tháng tuổi bé mới đưa được thức ăn vào bụng. Tôi mất khá lâu mới dám tin rằng bé có thể tự ăn thực sự. Tôi đã cần đến sự tự tin để biết rằng nếu bé vui vẻ và chóng nhớn, và nếu bé có cơ hội để ăn, vậy thì hiển nhiên là bé sẽ không bị đói.
Bây giờ tôi không còn lo lắng gì về việc này nữa. Có hôm bé ăn rất nhiều nhưng có khi hai ngày liền bé không ăn mấy. Nhưng hiện giờ, bé thực sự ham thích đồ ăn. Bé ăn hết các món mà hầu hết các em bé khác đều chưa từng có cơ hội thử ăn - ví dụ quả ô liu, xúc xích cay và các món cay. Thật là tốt khi bé có khẩu vị đa dạng như vậy. Nhiều người có vẻ ngạc nhiên lắm. Cha mẹ chồng tôi là người Ý, và họ rất nghi ngờ về phương pháp ăn dặm của bé - cho đến khi chúng tôi đến dùng bữa với ông bà và khi mới 11 tháng tuổi, Mia ăn hết cả một bát mì ống!”
Chị Joanna, mẹ bé Mia 17 tháng tuổi
Tự nhủ rằng bé đã ăn đủ
Các bé BLW ăn dặm được vài tháng thường phát ra dấu hiệu rõ ràng rằng chúng không muốn ăn thêm món nào nữa và bé đã ăn xong bữa. Có thể các bé sẽ nhặt từng mẩu thức ăn lên và thả từng mẩu lên gờ ghế cao - hoặc bé gạt hết thức ăn trên khay đi. Một số bé khéo léo hơn: các bé chỉ lắc đầu - hoặc đưa thức ăn cho cha mẹ. Một số cha mẹ dạy các bé ngôn ngữ kí hiệu để giúp bé thể hiện mong muốn. Cho dù bằng cách nào, thông điệp sẽ nhanh chóng trở nên rõ ràng.
Tuy nhiên, trong những tháng đầu áp dụng BLW, có thể rất khó nói khi nào bé ăn đủ, bởi vì việc vứt và thả thức ăn là hành vi thường song hành trong bữa ăn. Thật may mắn, trong những tuần đầu, bạn không cần phải biết liệu bé đã ăn xong chưa, bởi vì trong giai đoạn này, “bữa ăn” không thực sự liên quan đến việc ăn uống - bữa ăn là thời gian để bé học hỏi về mùi vị và khám phá món ăn.
Bí quyết để đảm bảo bé đã đủ chưa là hãy luôn luôn cho bé thêm thức ăn - có thể là món ăn khác hoặc món ăn trong đĩa của bạn (thậm chí chính là món mà bé vừa được cho) - mà không kì vọng bé sẽ ăn món đó. Bằng cách đó, bé có thể từ chối nếu bé không cần nữa, và cũng sẽ giúp bạn không cảm thấy thất vọng. Việc này an toàn hơn nhiều so với giả định rằng bé đã ăn đủ vì đĩa thức ăn của bé (hoặc khay) hết sạch.
“Finn đã qua giai đoạn cho chúng tôi biết rằng bé đã no, bằng cách hất sạch sẽ thức ăn trên khay – bé vươn cả cánh tay và bàn tay ra để hất, giống như cần gạt nước vậy. Đó là dấu hiệu rõ ràng và rất hiệu quả của thằng bé, cho thấy bé đã ăn xong bữa. Hiện chúng tôi cho bé dùng thức ăn trong đĩa hoặc bát, vì vậy bé ít áp dụng hành động cần gạt nước hơn, và thay vào đó, tôi đề nghị bé đặt các mẩu thức ăn trên đĩa. Việc này chỉ khiến bé xao nhãng - nhưng đôi lúc, khi bé chán, cả đĩa thức ăn sẽ có một chuyến phiêu lưu!”
Chị Mae’r, mẹ bé Finn 11 tháng tuổi
Câu chuyện BLW
Tôi thực sự thích được nhìn Madeleine chọn món mà bé sẽ cầm lên; đó là hành động vô cùng dứt khoát khi các bé tự cầm thức ăn. Chúng tôi áp dụng phương pháp đút thìa cho đứa con đầu lòng Noah, và tôi vẫn nhớ mình cảm thấy vô cùng chán nản với giai đoạn cho bé ăn cháo đặc đó. Sau một thời gian, việc đút thìa cho bé và cố gắng đút thức ăn cho bé trong khi bé ngậm chặt miệng là công việc vô cùng mệt mỏi; tôi vẫn còn nhớ tôi từng nghĩ rằng, tôi thà thay tã cho bé ba lần còn hơn là đối mặt với một bữa ăn.
Với Madeleine mọi việc hoàn toàn khác. Bởi vì bé vui vẻ tự cầm mọi thứ, nên ban đầu - khi bé đói - bé nhai rất nhanh và nuốt ngay. Nhưng dần dần, bé giảm tốc độ, cho đến khi bé bắt đầu chơi đùa với thức ăn và thả thức ăn xuống một bên ghế. Đó là dấu hiệu rõ ràng cho thấy “Con ăn đủ rồi, xong bữa rồi mẹ ơi.”
Anh Nick, cha bé Noah 4 tuổi và bé Madeleine 8 tháng tuổi
Giai đoạn bé chỉ thích một món
Mối quan tâm về món bé ăn liên quan mật thiết đến lượng thức ăn bé ăn. Các bé lớn hơn và các bé biết đi thường trải qua giai đoạn ăn “một món ưa thích” khi bé chỉ ăn một món trong nhiều ngày liền. Mặc dù điều đó có vẻ khó hiểu khi em bé BLW của bạn đột nhiên chỉ đòi ăn mỗi chuối, nhưng sở thích nhất thời này là một hành vi tự nhiên và không nên bị nhầm với tính khí cứng đầu của các trẻ coi thức ăn là một phần trong cuộc chiến ý chí với cha mẹ.
Theo bản năng, dường như bọn trẻ biết rõ loại thức ăn nào sẽ cung cấp cho bé nguồn dinh dưỡng mà bé cần, và rất nhiều cha mẹ nhận thấy “sở thích nhất thời” này trùng khớp với giai đoạn phát triển chung hoặc sức khỏe của bé; ví dụ trong một giai đoạn phát triển, trẻ thường chỉ tập trung vào món ăn chứa hydratcarbon, hoặc khi bé hồi phục sức khỏe sau ốm, bé chỉ thích thức ăn chứa nhiều protein, hoa quả hoặc sữa. Trong một số trường hợp, có nhiều báo cáo cho thấy các bé tuyệt đối từ chối các món ăn mà sau này khiến bé bị dị ứng. Nếu thực sự bản năng sinh tồn của bé khiến bé hành động như vậy, không có gì ngạc nhiên nếu bé phản ứng mạnh mẽ khi bé bị bắt phải ăn món mà bé không muốn!
Vì vậy, dường như là tự nhiên khi các bé “say sưa” với chỉ một món (hoặc một nhóm nhỏ các món ăn) trong vài ngày và sau đó, bất thình lình bé không muốn ăn các món đó nữa - điều này có thể thực sự tốt cho bé. Và bé sẽ không bị thiếu dinh dưỡng, vì hầu hết các loại thức ăn đều chứa một số dưỡng chất (không chỉ là một loại dưỡng chất) và rất ít món cần phải được ăn hàng ngày.
Các bé BLW cũng cho thấy sở thích của bé - và có thể là nhu cầu của bé - đối với một số loại thức ăn nhất định, bằng cách lựa chọn món ăn đầu tiên vào mỗi bữa. Một số cha mẹ nhận thấy rằng em bé của họ tạo ranh giới rõ ràng đối với các món ăn giàu chất béo khi thời tiết lạnh (chất béo là nguồn tập trung calo và được tiêu thụ nhanh hơn khi cơ thể cần giữ ấm). Các bé khác ăn thịt đầu tiên, hoặc rau xanh sẫm - có thể là khi bé cần thêm chất sắt.
“Tôi luôn luôn cảm thấy tôi có thể biết trời sẽ lạnh hơn khi tôi thấy dấu tay của các con trong hộp bơ.”
Bà Mary, mẹ của hai con và bà của ba cháu
Các bé thèm một món ăn cụ thể dường như liên quan đến nhu cầu của bé, vì vậy, quan trọng là bạn phải tin tưởng vào bản năng của bé và cho phép bé lựa chọn. Cho phép bé quyết định món ăn chứ không khuyến khích bé trở nên kén chọn; như chúng ta đã thấy, nhìn chung, các em bé cảm thấy bé không có chút kiểm soát nào đối với chế độ ăn uống của mình thường hạn chế các loại thức ăn mà bé sẽ ăn sau này.
Giai đoạn bé thích ăn một món rất khó dự đoán, vì vậy đừng cho rằng, nếu chỉ vì hôm qua bé không thích ăn gì khác ngoài món xoài, hôm nay bạn không cần phải cho bé món khác. Các bé còn quá nhỏ và không thể xin món ăn mà bé thích; thay vào đó, bé cho chúng ta thấy món bé thích bằng cách chọn vài món - và từ chối vài món - trong số các món bé được cho.
Cũng như khi bé chỉ ham thích một số món, có thể bé sẽ “từ chối” một món nào đó - ngay cả món mà trước đó bé rất thích. Tốt nhất là hãy chấp nhận rằng món ăn này có thể sẽ bị từ chối trong một thời gian dài. Không cần phải lo lắng xem liệu có nên bổ sung món đó vào các bữa ăn trong tương lai hay không; nếu thực đơn bữa ăn gia đình có món đó, vậy bạn hãy cứ cho bé ăn (nhưng không được hối thúc bé). Nếu bé thấy bạn ăn món đó, rất có thể bé sẽ ăn thử lần nữa, và có thể bé sẽ thay đổi quyết định. Nhưng nếu bạn không đưa cho bé món đó, bạn sẽ không biết khi nào bé sẽ sẵn sàng ăn lại món này.
Trên hết, khi bé trải qua giai đoạn nhất thời này, hãy cố gắng bình tĩnh về mức độ thái quá của giai đoạn và thời hạn của nó. Như thế sẽ dễ dàng hơn, nhưng nếu bạn thấy tự ái trước sự từ chối thẳng thừng của bé đối với tất cả các món, trừ quả việt quất, bạn hãy tự hỏi xem lựa chọn thay thế là gì. Hầu hết các cuộc chiến trong bữa ăn đều bắt đầu bằng việc bé từ chối ăn, nhưng cha mẹ kiên quyết bắt bé phải ăn! Rất ít cha mẹ thắng trận trong cuộc chiến này, và phải trả giá bằng mối quan hệ cha/mẹ-con vui vẻ. Nói cách khác, gây chiến với con không phải là giải pháp. Nếu các bé được phép tự quyết định, giai đoạn nhất thời này thường không kéo dài nhiều hơn một vài tuần.
“Tôi vẫn nhớ khi Charlotte bị ốm do vi-rút và bé chỉ ăn món có chứa protein. Thật là kì quái. Và trong một dịp khác, chúng tôi đi nghỉ khi bé khoảng 2 tuổi rưỡi, và bé chỉ ăn món có chứa carbonhydrat, và trong hai tuần bé cao hơn khoảng 3 cm. Thật là kỳ thú. Tôi cực kỳ tin tưởng rằng bé sẽ ăn món bé cần để đáp ứng đúng nhu cầu của bé.”
Chị Barbara, mẹ Charlotte 6 tuổi và David 2 tuổi
“Jacob trải qua giai đoạn chỉ thích ăn chuối, khi 2 tuần liền bé ăn cả quả chuối mỗi bữa sáng. Và rồi, đến một ngày, bé không thích ăn chuối nữa. Bé cũng sẽ ăn một ít, nhưng không ăn nhiều giống như trước nữa.”
Anh Steve, cha bé Jacob 8 tháng tuổi
Đồ uống
Khi bạn dùng chung bữa với con, có thể bạn cũng băn khoăn không biết bé có muốn uống khi ăn giống người lớn không. Nếu mọi người trong gia đình đều uống, có thể điều này sẽ xảy ra rất tự nhiên; vào thời điểm nào đó, bé sẽ trở nên tò mò và muốn bắt chước bạn uống một cốc nước trong ly, tách hoặc ca. Chỉ cần bạn không sử dụng ca đựng dễ vỡ nếu bé cắn (ví dụ ly uống rượu) hoặc uống đồ uống không phù hợp (ví dụ rượu), hãy cho bé thử. Các bé sẽ sớm biết cầm chặt cốc nước nếu bé được phép thực hành. Tuy nhiên, cũng giống như kinh nghiệm của bé với thức ăn, chỉ khi bé uống vài lần bé mới phát hiện ra rằng nước sẽ giúp bé hết khát.
Thời điểm bé thực sự cần uống thêm nước tùy thuộc vào mức độ bạn cho bé bú mẹ hay bú sữa bột. Các bé bú mẹ hoàn toàn có thể đón nhận mọi thứ bé cần trong sữa mẹ, cho dù thời tiết rất nóng, chỉ bằng cách quyết định thời lượng bú và tần suất bú, bởi vì sữa mẹ thay đổi trong mỗi lần bú. Quá trình này có thể tiếp tục phát huy trong giai đoạn ăn dặm, nếu bé được bú khi cần. Nếu bạn cho bé cơ hội uống nước khi ăn, bé sẽ học được cách uống nước giống như bé học hỏi về thức ăn.
Sữa bột dành cho các bé uống sữa công thức chứa quá nhiều chất để có thể làm tan cơn khát, và không thay đổi suốt quá trình uống sữa, vì vậy thi thoảng các bé cần được cho uống nước ngay cả trước khi tập ăn dặm. Cho bé uống nước thường xuyên (uống bằng cốc tốt hơn) sẽ giúp bé (và bạn) nhận biết thời điểm bé khát, thay vì đói, trong khi cũng đảm bảo bé không tăng cân quá nhanh (nguy cơ này xảy ra nếu bé liên tục được uống sữa công thức giàu calo trong khi bé chỉ cần uống nước). Bé không cần phải uống nước, nhưng bé nên được tạo cho cơ hội để uống.
Nước và sữa mẹ là hai loại đồ uống tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Nước máy cũng tốt - được lọc sẽ tốt hơn - và không cần phải đun sôi khi bé hơn 6 tháng tuổi1. Nước ép quả (hoặc rau) được pha loãng với nhiều nước: (tối thiểu 10 phần nước cho một phần nước ép) cũng tốt nếu chỉ là một lượng rất nhỏ, nhưng loại nước này có thể ảnh hưởng xấu đến răng của bé (ngay cả trước khi răng kịp nhú) nếu được uống quá thường xuyên và có thể khiến bé thích uống đồ ngọt. Hãy nhớ rằng nước ép hoa quả không bao giờ giàu dinh dưỡng như quả còn nguyên - loại nước này cũng có thể khiến bé no bụng và chiếm chỗ của các thực phẩm giàu dưỡng chất hơn. Nếu bạn muốn cho bé uống nước ép pha loãng, sử dụng một chiếc cốc sẽ tốt hơn cho răng của bé, nếu so với cho bé uống từ cốc có vòi hoặc uống bình. Nhưng lựa chọn tốt nhất là cho bé uống nước và bé sẽ uống nước nếu bé khát.
1 Tại các nước phát triển, nước cấp từ vòi công cộng hay gia đình đều có thể uống trực tiếp.
Các loại đồ uống chiết xuất hoa quả được bày bán trên thị trường thường có nhiều đường và gần như không có chút dưỡng chất nào, và tốt nhất là hãy tránh xa các đồ uống này. Trà không tốt cho bé, vì có thể khiến bé kém hấp thu một số chất trong thức ăn, đặc biệt là chất sắt. Cà phê, trà và nước uống có ga cũng chứa chất caffeine có thể gây kích ứng cho bé. Sữa tươi không được khuyến nghị làm nước uống cho trẻ dưới 1 tuổi.
Giảm dần các bữa sữa
So với các giai đoạn phát triển trong cuộc đời, trong năm đầu tiên, bé phát triển nhanh nhất và bé cần dinh dưỡng - sữa mẹ hoặc sữa công thức giàu calo; thức ăn dặm - bất kể là món gì - đều không chứa nhiều dinh dưỡng như thế. Vì vậy, bạn đừng ngạc nhiên nếu bé không cho thấy dấu hiệu muốn thay thế các bữa sữa bằng thức ăn dặm trong vài tuần đầu sau khi bé ăn miếng thức ăn đầu tiên.
Như chúng ta đã thấy, khi bé ăn dặm lần đầu tiên, việc bé thực sự làm chỉ là phát hiện ra mùi vị và kết cấu món ăn, và cho phép cơ thể bé dần dần thích nghi với quá trình tiêu hóa thức ăn mới. Khi các bé bắt đầu ăn nhiều hơn vào bữa ăn, sữa mẹ hoặc sữa công thức sẽ giảm dần; tốc độ của giai đoạn này ở mỗi bé đều không giống nhau.
Cách thức bạn và bé trải nghiệm việc cắt giảm dần dần các bữa sữa cũng sẽ khác nhau, tùy thuộc bạn nuôi con bằng sữa mẹ hay sữa công thức. Nếu bạn nuôi con bằng sữa mẹ và cho bé bú mẹ trực tiếp, có thể bạn sẽ không nhận thấy sự thay đổi trong các bữa sữa của bé mỗi ngày, mặc dù thời lượng bú của bé có thể ngắn hơn. Nếu bạn cho bé uống sữa công thức, bạn nên mong đợi bé sẽ chỉ uống 1 hoặc 2 bữa sữa mỗi ngày khi bé được 1 tuổi.
Nếu bạn kết hợp cho bé bú mẹ và uống sữa công thức, bạn sẽ nhận thấy mình có thể giảm lượng sữa công thức và tiếp tục cho bú mẹ. Cách này sẽ đảm bảo bạn và bé đạt lợi ích lâu dài hơn từ những lợi ích của sữa mẹ đối với sức khỏe.
Dù bạn cho bé bú mẹ, uống sữa công thức hay kết hợp cả hai phương pháp này, ban đầu, tốt nhất bạn hãy nghĩ giờ ăn sữa và bữa ăn là hai thứ hoàn toàn khác biệt. Trong những ngày đầu, nếu bé đói, bé sẽ muốn (và cần) sữa. Bé không hay biết rằng các món ăn khác có thể giúp bé no bụng và bé không thích bị đặt ngồi trong ghế cao và được cho các mẩu thức ăn để chơi cùng, trong khi bé chỉ muốn uống sữa. Coi các bữa sữa là bữa ăn riêng biệt cũng có nghĩa là việc giảm bớt sữa sẽ xảy ra tự nhiên khi nhu cầu sữa của bé giảm dần.
Khi bé bắt đầu ăn nhiều hơn vào mỗi bữa, hoặc là bé sẽ đòi bữa sữa kế tiếp muộn hơn bình thường một chút, hoặc là bé sẽ uống ít sữa hơn khi đến giờ. Khi bé ăn các bữa ăn nhỏ thực sự và uống nhiều nước (hoặc bú mẹ nhanh), bé sẽ bắt đầu bỏ qua các bữa sữa chính. Chỉ cần bạn lắng nghe điều mà bé “nói” với bạn (nếu bé muốn uống sữa, bé sẽ xin như mọi khi; nếu bé không muốn, bé sẽ quay mặt đi khi được cho bú ti hoặc bú bình), và đừng cố gắng bắt bé uống nhiều hơn hoặc ít hơn lượng sữa mà bé muốn, bạn nên biết cách tin tưởng bé, để cơn đói của bé đưa đường chỉ lối cho bạn.
“Đến giờ Luke đã bỏ một bữa sữa - nếu như không phải hai bữa. Nhưng khi bé bắt đầu tập ăn dặm, bé thường muốn uống sữa sau khi ăn, và tôi vẫn nhớ mình từng nói: ‘Bé muốn uống nhiều sữa hơn cả trước đây.’ Nhưng tôi nghĩ đó chỉ là giai đoạn sau khi thử nghiệm với món ăn mới. Việc nuôi con bằng sữa mẹ phụ thuộc vào nhiều yếu tố - liệu bé có bị mệt, mọc răng hay ốm không. Nếu bé mệt, bé thường tham gia bữa tối một chút rồi rúc ngay vào ti mẹ.”
Chị Anna, mẹ bé Luke 8 tháng tuổi
Cách thức bé giảm dần các bữa sữa cũng có thể diễn ra theo trình tự đảo ngược, vì vậy việc này rất linh hoạt. Có thể có những ngày bé không hứng thú lắm với thức ăn dặm, hoặc vì lí do nào đó, khi bạn không thể cho bé gia nhập nhiều bữa ăn như thông thường. Hoặc có thể bé không khỏe hoặc bé mọc răng, chỉ bú ti mới làm bé dễ chịu. Trong những ngày khác, cơn thèm sữa của bé tăng lên, để bé không bị đói bụng. Nếu bạn cho con uống sữa công thức, bạn chỉ cần cho bé uống tăng thêm nước; nếu bạn cho con bú, hãy cho bé bú mỗi khi bé muốn, và việc này sẽ kích thích cơ thể bạn tiết nhiều sữa hơn - ngay cả khi nguồn cung sữa của bạn bắt đầu giảm.
“Khi bắt đầu cho bé ăn dặm, tôi vẫn tiếp tục giữ nguyên lượng sữa bột cho con. Dường như điều này không thay đổi suốt một thời gian dài và như thể mẹ con tôi không làm gì khác ngoài việc cho ăn hoặc là sữa, hoặc là món ăn dặm – và rồi khi Chloe khoảng 9 tháng tuổi, một hôm bé chợt quên không đòi uống sữa buổi chiều nữa – vậy nên tôi cũng không nhắc bé. Có vẻ như bé không nhớ bữa sữa đó. Tôi thực sự ngạc nhiên – tôi cứ nghĩ tôi mới là người quyết định cho bé, vì tôi cho bé uống sữa bột.”
Chị Helen, mẹ bé Chloe 15 tháng tuổi
Cai sữa
Giai đoạn kết thúc rất tự nhiên của BLW là bé quyết định thời điểm ngừng ăn sữa. Trên thực tế, giai đoạn kết thúc này để chuyển sang ăn hoàn toàn bữa cơm gia đình thường phổ biến đối với các bé bú mẹ hơn là bé bú sữa bột – phần lớn là do cha mẹ được khuyên nên cho bé chuyển từ bú bình sang uống bằng cốc khi bé được 1 tuổi (thời gian bú bình kéo dài dễ dẫn đến hiện tượng sâu răng). Hầu hết các bé đều quyết định ngừng sữa công thức vào cùng thời điểm.
Rất hiếm có bé nào đột ngột thôi bú mẹ trước khi bé 1 tuổi. Rất nhiều bé (và mẹ bé) tiếp tục hưởng thụ quá trình nuôi dưỡng và bảo vệ sức khỏe mà việc nuôi con bằng sữa mẹ đem lại, cho đến khi các bé bước vào giai đoạn tập đi, ngay cả khi bú mẹ là việc đầu tiên bé làm mỗi sáng và trước khi đi ngủ.
Sữa mẹ giúp bảo vệ bé khỏi rất nhiều nguy cơ nhiễm khuẩn (ví dụ nhiễm khuẩn ở lồng ngực, tai và dạ dày) và càng kéo dài thời gian cho con bú, mẹ càng có sự bảo vệ lớn hơn trước các bệnh như ung thư vú, ung thư buồng trứng và chứng loãng xương. Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo tất cả trẻ em nên được bú mẹ đến 2 tuổi hoặc nhiều hơn.
Bé bú mẹ sẽ cho mẹ biết khi nào bé sẵn sàng thôi bú, hoặc bằng cách không đòi bú nữa, hoặc bằng cách liên tục quay đi mỗi khi mẹ cho ti. Nếu bé biết nói, có thể bé sẽ nói bé không muốn bú mẹ nữa.
Bữa sáng, bữa trưa và bữa tối - cộng với các bữa phụ
Một khi bé quyết định cắt các bữa sữa, có thể bé sẽ đói giữa các bữa ăn. Bé là “bò ăn cỏ” tự nhiên. Tức là, theo bản năng, bé ăn ít và ăn nhiều bữa. Chỉ đến khi lớn hơn chúng ta mới học được cách ăn một bữa thật no nê (mặc dù liệu đây có phải là một điều tốt hay không vẫn còn gây tranh cãi). Dạ dày của bé rất nhỏ, đến mức không thể giới hạn trong ba bữa mỗi ngày, đặc biệt là khi bé uống ít sữa hơn. Hầu hết các bé không thể ăn đủ no trong bốn hoặc năm giờ liên tục trong ngày mà không được ăn gì.
Vì vậy, khi bé thực sự quen với thức ăn dặm và uống ít sữa hơn, bạn có thể bắt đầu cho bé ăn các bữa phụ có lợi cho sức khỏe. Cho phép bé ăn thức ăn lành mạnh, ăn ít và thường xuyên, cũng có ưu điểm giúp bạn bớt lo lắng hơn nếu lượng thức ăn bé ăn vào các “bữa chính” ít ỏi. Nhưng, hãy nhớ rằng, chỉ khi bạn cung cấp thức ăn cho bé bạn mới biết bé thích ăn món gì; đừng thúc giục bé ăn bữa phụ nếu bé muốn uống sữa.
Đối với bé dưới 18 tháng tuổi, không cần phải tạo sự khác biệt giữa bữa ăn phụ và bữa ăn chính, dù là trong mối liên hệ với địa điểm và thời điểm của bữa ăn, hay xét về lượng thức ăn - chỉ cần bữa ăn giàu dinh dưỡng và có thể cung cấp cho bé cơ hội được ăn món ăn thuộc các nhóm thực phẩm chính mỗi ngày. Bé của bạn nên tiếp tục được cho thức ăn (bữa phụ hoặc bữa chính) tối thiểu sáu lần mỗi ngày trong vài năm liền. Thường xuyên cho bé ăn bữa phụ giàu dinh dưỡng cũng là một trong những cách tốt nhất để ngăn cho bé không đòi ăn kẹo ngọt và đồ ăn vặt. Nhưng hãy nhớ rằng, cũng giống như bữa ăn của bé, nếu bé từ chối một bữa phụ, tức là bé nói với bạn rằng bé không cần bữa đó.
Rất nhiều thực phẩm được quảng bá là món ăn nhẹ cho bé, nhưng không có lợi cho sức khỏe. Người lớn và trẻ lớn hơn thường tìm đến các thực phẩm như khoai tây chiên, các thanh sôcôla và đồ uống có ga mỗi khi họ thấy đói bụng. Các thực phẩm này không tốt cho bất kì ai: dù là em bé, trẻ em hay người lớn. Chúng thường có hàm lượng đường và/hoặc muối rất cao, cả chất phụ gia nữa, và cung cấp nguồn năng lượng ngắn hạn với rất ít dưỡng chất thực sự. Các thực phẩm ngọt không tốt cho răng lợi của mọi người ở mọi lứa tuổi - ngay cả trước khi răng của bé nhú ra.
Vì rất nhiều thực phẩm ăn nhanh chế biến sẵn này thường không có giá trị dinh dưỡng thực sự, nên chỉ cho bé ăn các món này khi bé đói và bạn không có sẵn món gì khác. Đảm bảo bạn luôn có các thực phẩm ăn phụ như táo, chuối hoặc bánh gạo mỗi khi bạn đi ra ngoài. Nếu bạn cần phải cho bé ăn thực phẩm có giá trị dinh dưỡng thấp, hãy cố gắng giữ ở mức tối thiểu, để bé không bị no và không thể ăn bữa chính kế tiếp. Cả một gói khoai tây chiên có thể ít ỏi với bạn, nhưng cũng đủ để khiến em bé mới biết đi no căng bụng.
Bữa phụ an toàn
Xét về tính an toàn, bữa phụ nên được xem như một bữa ăn bình thường. Đảm bảo bé ngồi thẳng (có vật đỡ nếu cần thiết) khi bé ăn hoặc cầm thức ăn, và luôn luôn có một người lớn ở bên bé. Đừng để bé ăn bữa phụ (hoặc bữa chính) khi bé xem tivi - bé cần phải tập trung để học cách ăn an toàn và nhận biết thời điểm no bụng.
Rất nhiều thực phẩm bạn cho bé ăn vào bữa ăn chính cũng có thể là món ăn phụ, và coi các bữa phụ của bé là các bữa ăn nhỏ sẽ giúp bạn chọn được các thực phẩm giàu dinh dưỡng cho bé, bất kể lúc đó là mấy giờ trong ngày. Bữa ăn phụ giàu dinh dưỡng bổ trợ cho sự phát triển của bé - chỉ có các món ăn phụ không có dinh dưỡng mới là vấn đề đáng bàn.
Đi dã ngoại
BLW cực kỳ hiệu quả với các buổi du ngoạn ngoài trời. Hầu hết thực phẩm cho buổi đi ăn ngoài trời đều được thiết kế để có thể ăn bằng tay, và đây chính là việc mà bé quen lắm rồi. Không cần lo lắng về sự bừa bộn và không cần vội vàng, vì vậy cho bé ăn khi đi dã ngoại còn dễ hơn cả khi ăn tại bàn ở nhà.
Bạn không cần phải đi xa mới có thể có bữa ăn ngoài trời - vườn hoặc công viên gần nhà đều thích hợp - và nếu thời tiết không đẹp, bạn cũng có thể tổ chức một bữa ăn dã ngoại ngay trong nhà.