Thật ấn tượng khi người ta nhận được những thông tin cực kỳ quan trọng từ những cá nhân mà sự tồn tại của họ bị lãng quên hoàn toàn.
Giáo sư Mark Granovetter1
1 Mark Granovetter (sinh năm 1943): Nhà xã hội học người Mỹ.
Sự sáng tạo đến từ những buổi họp bất ngờ, từ những cuộc thảo luận ngẫu nhiên. Bạn gặp ai đó, bạn hỏi họ đang làm gì, bạn nói “Ồ” và rất nhanh chóng bạn sẽ nung nấu đủ loại ý tưởng.
Steve Jobs
Những kết nối yếu, những ảnh hưởng mạnh mẽ
Bạn nghĩ ai là người có thể đem lại nhiều sự trợ giúp trong công việc và cuộc sống của mình? Những đồng nghiệp thân quen? Bạn bè và gia đình? Hay những người bạn ít gặp và gần như không biết gì về họ?
Câu trả lời thật đáng ngạc nhiên. Những cú nhảy vọt trong cuộc sống của chúng ta – như có được một công việc mới tuyệt vời hay tìm ra chìa khóa để thay đổi một công ty – thường xuất hiện bất thình lình, từ những bạn bè xã giao hơn là từ bạn thân và đồng nghiệp. Nghệ thuật trở thành một nhà quản lý Siêu kết nối là xây dựng một mạng lưới phong phú những người bạn xã giao, và tận dụng triệt để các “kết nối yếu” mà tất cả chúng ta đều không thiếu. Tôi sẽ sử dụng một bước ngoặt trong cuộc đời mình để làm ví dụ.
Khi tôi 33 tuổi và đang làm việc cho Bain & Company, tôi cùng hai đồng nghiệp quyết định mở một công ty cố vấn riêng, LEK. Việc đó rất khó khăn. Bain & Company đã kiện và ngăn chúng tôi lấy những đối tác của họ, điều mà chúng tôi đã nghĩ là có thể làm được. Số vốn nhỏ của chúng tôi sụt giảm nhanh chóng và chúng tôi cần tìm một khách hàng lớn trong tuyệt vọng. Chúng tôi gọi cho tất cả bạn bè và đối tác kinh doanh thân thiết, nhưng không đạt được kết quả nào. Cuối cùng ba chúng tôi ngồi lại để bàn xem phải làm gì tiếp theo. Iain Evans và tôi đã rất ủ rũ, trong khi James Lawrence thì lạc quan và nhiệt tình. Iain và tôi cho rằng vì anh ta là người Mỹ.
“Đây là những gì ta cần làm”, James nói. “Lấy một tờ giấy trắng và viết tên của tất cả những nhà quản lý trong một công ty lớn mà anh biết. Tất cả mọi người, kể cả khi anh không biết rõ họ – các đồng nghiệp cũ, bạn bè cao đẳng hay đại học, bạn của anh. Đừng lo nếu lâu rồi anh không gặp họ. Hãy mời họ đi ăn uống để trò chuyện. Hãy kể cho họ những gì anh đang làm xem họ có ý tưởng gì không.”
Đó là lý do tại sao tôi có mặt ở Julie’s Wine Bar gần đường Portobello ở London với Nicholas Walt, một đồng nghiệp cũ tại BCG với vẻ ngoài rất đáng chú ý. Anh cao và gầy, điểm đặc trưng của anh là bước đi với cái lưng thẳng, như một người lính già vậy. Chúng tôi biết nhau từ năm năm trước, chưa từng làm việc hay thân thiết với nhau, nhưng khá hòa đồng trong văn phòng và cùng có khiếu hài hước mới lạ. Tôi đã gặp anh hai lần kể từ khi rời BCG, khi anh cố gắng tuyển tôi về một công ty lớn.
Món rượu đóng vai trò một chất gây mê hiệu quả, khiến anh nói một tràng dài về niềm vui làm cha ở tuổi 50. Tôi cố gắng lái câu chuyện sang vị trí của anh trong Imperial Group, một trong những tập đoàn lớn nhất nước Anh, chuyên về thuốc lá, sản xuất thực phẩm, giải trí, nhà hàng và khách sạn, nhưng tất cả những gì Nick muốn nói là về việc con trai anh đã cho anh niềm vui sống mới. Nếu cậu bé tràn đầy niềm vui, thì cha cậu cũng vậy.
Tuy nhiên, cuối cùng tôi cũng điều khiển được mạch câu chuyện và giải thích rằng chúng tôi đã gặp khó khăn khi bắt đầu công ty của mình. Điện thoại không còn kêu nhiều như khi tôi ở một công ty lớn.
Nick nói với tôi đầy cảm thông: “Chắc nhiều chuyện căng thẳng lắm.” Nhưng tất cả những gì tôi nhận được từ anh trong tối hôm đó là một ly rượu nữa và một chút cảm thông.
Do đó, thật ngạc nhiên khi hai tuần sau tôi nhấc điện thoại lên và nghe giọng Nick ở đầu dây bên kia. Anh bắt đầu hỏi về quy mô công ty chúng tôi. Tôi thừa nhận rằng chỉ có bảy người.
“Xem nào,” anh nói.
Sau đó là một khoảng lặng dài. Tôi không nói gì.
“Ừm,” rồi anh tiếp tục: “Tôi muốn nói với cậu rằng, bộ phận thực phẩm của chúng tôi đang tổ chức một cuộc thi cho các cố vấn chiến lược. Chúng tôi đã lên danh sách ngắn gồm McKinsey và BCG. Tôi sẽ xem liệu tôi có thể mời cậu đến thuyết trình không. Về mặt cá nhân, cậu có khá nhiều kinh nghiệm, kể cả khi công ty mới của cậu rất nhỏ. Đừng mong đợi họ sẽ chọn cậu cho một nhiệm vụ lớn như vậy, nhưng nó sẽ là một trải nghiệm có ích.”
Tóm lại, McKinsey đã được chọn trong khi chúng tôi được vị trí thứ hai. Chúng tôi khá hài lòng với điều này – được nhắc đến trong một công ty kiểu mẫu như vậy là rất tốt. (McKinsey và BCG là hai công ty cố vấn chiến lược lớn nhất và tốt nhất thế giới vào thời điểm đó.) Nhưng, vào phút chót, sau một đêm mất ngủ, Gerry Sharman, Giám đốc Bộ phận Thực phẩm của Imperial, đã có một thay đổi đột ngột. Gerry là một gã lớn tuổi cứng cỏi đi lên trong khó khăn, và ông không thích tính “kiêu” của McKinsey. Ông cũng nghĩ chúng tôi có bài thuyết trình tốt nhất. Vì vậy, cuối cùng hai công ty kia đã phải lùi lại, điều này khiến Gerry cực kỳ hài lòng.
Sau đó chúng tôi đã làm việc với những bộ phận khác của Imperial, và cuối cùng là với tập đoàn. Nhưng hợp đồng đầu tiên đó đến vào một thời điểm quan trọng cho công ty chúng tôi. Nó cho chúng tôi sự tự tin để chủ động thuê người và giúp chúng tôi thu hút được những khách hàng lớn khác. Nếu không có nó, ai mà biết chuyện gì sẽ xảy ra với công ty non nớt của chúng tôi?
Vào lúc đó, tôi coi chuyện ấy hoàn toàn là một sự may mắn, khi mà nó đến từ một mối quan hệ yếu tới mức tôi gần như đã không thèm rủ Nick đi uống sau giờ làm. Tôi gặp anh một vài lần trong mấy năm sau đó và tất nhiên cảm ơn anh chân thành, nhưng khi viết những dòng này, tôi phải xấu hổ khi nói rằng chúng tôi đã không nói chuyện với nhau trong 21 năm. Không có một cuộc gọi hay email nào. Tuy vậy, cuộc nói chuyện ở Julie’s Wine Bar là một khoảnh khắc quan trọng trong cuộc đời tôi. Khi tôi rời LEK vào sáu năm sau đó, tôi đã có đủ tiền để làm bất cứ điều gì mình muốn, phần lớn là nhờ vào Nick Walt.
Các kết nối yếu – thông tin cung cấp từ bạn bè xã giao – thường mạnh mẽ hơn những mối quan hệ được cho là mạnh với bạn bè và gia đình. Sau cuộc gặp gỡ với Nick, tôi phát hiện ra một nhà xã hội học tên là Mark Granovetter đã viết một bài luận về “Sức mạnh của kết nối yếu”. Luận án tiến sĩ của ông tại Harvard tập trung vào cách các nhà quản lý có được các công việc mới. Ông rất ngạc nhiên khi nghiên cứu của mình cho thấy hầu hết các nhà quản lý có được công việc – đặc biệt là những việc uy tín và có lương cao – từ những liên lạc cá nhân hơn là các quảng cáo, các đơn đăng ký chính thức hay các công ty tư vấn tìm việc. Đáng kinh ngạc hơn nữa, chỉ một trong số sáu nhà quản lý biết đến công việc từ bạn bè hay người thân. Hầu hết các đầu mối đến từ đồng nghiệp và bạn bè xã giao, 1/4 trong đó đến từ một người mà họ không quen thân lắm.
Trong đa số các trường hợp, người liên lạc có vị trí rất nhỏ trong mạng lưới liên lạc hiện tại, ví dụ như bạn học cũ hay đồng nghiệp hoặc sếp cũ… Những mối quan hệ như vậy thường không mạnh ngay cả khi nó mới được thiết lập… Những cuộc gặp gỡ tình cờ hay bạn bè chung giúp kích hoạt lại những mối quan hệ như vậy. Thật ấn tượng khi chúng ta nhận được những thông tin cực kỳ quan trọng từ những cá nhân mà sự tồn tại của họ lại bị lãng quên hoàn toàn.
Granovetter phỏng đoán lý do tại sao bạn bè và người thân – những người nhiệt tình giúp đỡ – lại thường ít giá trị hơn những bạn bè xã giao trong bước ngoặt sự nghiệp của chúng ta. Ông đi tới kết luận rằng bạn bè, gia đình và những đồng nghiệp thân thiết tạo nên một “khối xã hội gắn bó chặt chẽ”, nơi hầu hết mọi người giữ liên lạc với nhau. Những người có liên lạc thân thiết này biết cùng một thông tin mà ta biết, nhưng lại không biết nhiều hơn thế. Vì vậy ta phải đi ra ngoài vòng tròn đó và liên lạc với những người ở xa hơn trong mạng lưới xã hội để có những thông tin và hiểu biết mới mẻ. Điều này có nghĩa là làm mới lại liên lạc với những người trong quá khứ hoặc xây dựng mối liên hệ với bạn của bạn.
Sẽ rất hiệu quả nếu bạn và người liên lạc mới có hoàn cảnh khác nhau, không có nhiều bạn chung, làm việc trong các môi trường đối lập, hoặc sống xa nhau, đơn giản chỉ vì họ sẽ có các liên lạc và hiểu biết khác xa bạn.
Vé số màu đỏ và xanh lục
Hãy tưởng tượng rằng bạn có được một số lượng vô hạn vé số. Hẳn là khả năng trúng giải với bất cứ tấm vé đơn lẻ nào cũng rất thấp, nhưng bạn có càng nhiều vé, thì khả năng trúng giải của bạn càng cao. Giờ hãy tưởng tượng có hai loại vé số, màu đỏ và xanh lục. Các vé đỏ cực kỳ đắt. Bạn chỉ có thể “mua” chúng sau vài năm học tập, làm việc quần quật. Vì vậy, bạn sẽ có được một tấm vé số màu đỏ sau khi nhận được một tấm bằng, và một tấm vé khác khi đã có được nhiều năm kinh nghiệm. Những tấm vé số màu đỏ này là con đường truyền thống để đi tới thành công, và không ai có thể có được quá nhiều vé đỏ trong suốt cuộc đời mình. Hơn nữa, dù cho chúng có giá cao, trúng được một tấm vé đỏ cũng thường đem lại một giải thưởng khiêm tốn.
Ngược lại, những tấm vé số xanh lục rất rẻ, đôi khi còn miễn phí. Bạn có thể có hàng trăm vé xanh mà không cần tốn công, và chúng tới rất nhanh, thường giống như một vận may bất ngờ. Chúng bao gồm thông tin từ những bạn bè xã giao mà chúng ta có thể biến thành lợi thế cho mình. Đa phần, những tấm vé xanh này – cũng như vé đỏ – không trúng thưởng… nhưng một vài tấm thì có. Đối với tôi, Nick Walt là một trong những tấm vé xanh trúng số độc đắc. Công sức ít ỏi bỏ ra để đi vào một quán rượu đã góp phần đẩy nhanh sự nghiệp của tôi.
Trong trò chơi cờ tỷ phú, một cặp hai hoặc ba khu nhà cùng màu có giá trị cao hơn rất nhiều so với bốn hoặc năm khu nhà không cùng màu. Nhưng trong cuộc sống, một cặp hai vé có màu khác nhau, một xanh lục và một đỏ, lại là con đường để chiến thắng. Một tấm bằng hay kinh nghiệm làm việc tốt – vé đỏ – có thể vô giá, nhưng các thông tin – vé xanh – làm đòn bẩy cho chuyên môn của bạn cũng vậy. Khi hai loại vé có giá trị và cơ hội trúng giải gần như tương đương, và vé xanh thì rẻ hơn vé đỏ rất nhiều, thì có được càng nhiều vé xanh càng tốt. Đó là Nguyên lý 80/20 trong thực tế.
Tôi đã trúng số với một vài tấm vé trong cuộc đời mình:
• Tôi có một tấm bằng đại học loại giỏi, cho tôi sự tự tin và khả năng thu hút nhà tuyển dụng (vé đỏ), nhưng tôi có được nó qua việc học có chọn lọc (vé xanh).
• Tôi biết được rằng hai đồng nghiệp đang bàn bạc để thành lập một công ty cố vấn mới (vé xanh) và tham gia khởi nghiệp cùng họ.
• Tôi gặp Nick Walt tại Julie’s Wine Bar và gặt hái thành công trong sáu năm sau (vé xanh).
• Tôi đầu tư vào năm công ty mới dựa trên thông tin có được từ các bạn bè xã giao (vé xanh) và một lần nữa thu lợi lớn.
• Tôi gặp được những bạn bè thân thiết cũng như đồng nghiệp hiện nay qua bạn bè xã giao (vé xanh).
Như bạn đã thấy, tất cả những tấm vé giành giải đó đều là vé xanh trừ một tấm. Nếu bạn tổng hợp lại danh sách những sự kiện làm thay đổi cuộc đời mình, bạn có thể thu được kết quả tương tự. Bạn sẽ có nhiều khả năng thắng với một chiếc vé xanh (có được nhờ rất ít hoặc không một chút công sức nào) hơn là một chiếc vé đỏ (có được mà tốn nhiều công sức), tuy nhiên có cả hai vé vẫn rất hữu ích trong việc giúp bạn giành chiến thắng.
Bạn có thể sẽ nghĩ những tấm vé số xanh tới hoàn toàn là do may mắn. Điều đó gần như chính xác, ngoại trừ việc bạn phải đầu tư một chút công sức để có được chúng, ví dụ như đi gặp một người gần như không quen biết. Nhưng hãy nhớ rằng, càng có nhiều vé, thì bạn càng có nhiều may mắn, và vé xanh thì dễ có hơn là vé đỏ. Thường thường, ít nhất 99% nỗ lực ta bỏ ra là để có được những tấm vé đỏ hiếm hoi đó, dù cho chúng không có cơ hội trúng thưởng nhiều hơn. Trong khi đó, 1% còn lại ta dành cho việc có được hàng trăm tấm vé xanh, mỗi một tấm vé trong số đó đều có thể mang lại hầu hết những thứ khiến cuộc sống phong phú và vui vẻ.
Ðến lúc này, bạn đã tìm ra chính xác điều phải làm: tập trung vào việc mở rộng mạng lưới những kết nối yếu cả trong và ngoài công việc để có thể có nhiều tấm vé xanh nhất có thể. Điều này sẽ cho phép bạn có được những hiểu biết và thông tin mà đồng nghiệp không có. Giữ những mối quan hệ vừa phải nhưng thân thiện với những người có tiềm năng đem lại lợi ích lớn so với số công sức ít ỏi mà bạn bỏ ra.
Bạn không có cách nào biết được giá trị của một mối quan hệ hay việc nó sẽ đi đến đâu. Nhưng cuối cùng bạn sẽ có nhiều cơ hội trúng giải thưởng thay đổi đời mình nhờ một trong số chúng.
Những người siêu kết nối
Mọi việc vẫn có thể tốt hơn. Cho tới nay, những lợi ích tuyệt vời nhất của các kết nối yếu thuộc về những người có nhiều liên lạc cá nhân nhất. Đây là phát hiện rất quan trọng đối với các nhà quản lý thành công – xuất phát từ một nghiên cứu của nhà tâm lý học xã hội giỏi nhất của Mỹ, Stanley Milgram. Vào năm 1967, Milgram đã thí nghiệm để xem thế giới thực sự “lớn” hay “nhỏ” như thế nào. Ông rất tò mò về việc những người cách xa nhau, về mặt xã hội và địa lý, có thể được kết nối nhờ vào một chuỗi các kết nối yếu hay không, và nếu được thì cần bao nhiêu kết nối để làm điều đó.
Milgram đã lên danh sách những tình nguyện viên từ Wichita, bang Kansas và Omaha, bang Nebraska, để xem họ có thể chuyển một tập tin tới một đối tượng họ không quen biết sống cách xa – ở Cambridge, bang Massachusetts và Boston không. Những tình nguyện viên phải chia sẻ tập tin với một người đủ thân để họ gọi bằng tên riêng và có thể “gần gũi” hơn với đối tượng. (Các nghiên cứu của Milgram được thực hiện rất lâu trước khi có internet, email và mạng truyền thông xã hội). Người bạn này sẽ được mời để gửi tập tin cho một trong những bạn bè của họ, và quá trình cứ thế lặp lại cho đến khi chuỗi liên lạc bị đứt hoặc tập tin đến được với người nhận cuối cùng.
Milgram lý luận rằng, nếu tập tin đến được với đối tượng trong một chuỗi liên lạc tương đối ngắn thì chúng ta sống trong một “thế giới nhỏ”, nơi mà những người quen có thể đóng vai trò làm các bước đệm cho bất cứ ai mà chúng ta muốn liên lạc. Ông và một đồng nghiệp đã viết rằng, “Cụm từ thế giới nhỏ cho thấy, mạng lưới xã hội được đan kết chặt chẽ theo một mặt nào đó, gồm rất nhiều những mối liên kết không dự đoán trước giữa những người cách xa về địa lý hay xã hội.” Nếu tập tin không đến được với đối tượng, nó là dấu hiệu của một “thế giới lớn”, nơi tồn tại những khoảng cách không thể vượt qua giữa những nhóm người nhất định, vì chẳng ai liên lạc với nhau trong cả hai nhóm cả. Tương tự, nếu tập tin đến được với đối tượng nhưng phải trải qua một số lượng kết nối rất lớn, thì thế giới đó vẫn được xem là “lớn”, vì các kết nối đó thiếu hiệu quả đến mức không thể sử dụng được.
Đối với các nhà quản lý, phát hiện của Milgram có liên quan tới danh tính của những kết nối phổ biến nhất. Trong một thí nghiệm “gửi tập tin” khác, đối tượng cá nhân là một người chơi chứng khoán làm việc tại Boston nhưng sống ở ngoại ô Sharon, bang Massachusetts. Trong số 44 tập tin anh nhận được, hơn 16 tập tin đến qua một “nút thắt” cuối cùng, một người tên là “Ngài Jacobs” (một bút danh) bán quần áo ở Sharon. Theo báo cáo của Milgram, người chơi chứng khoán rất “sốc” trước việc có nhiều tập tin đến qua Jacobs. Milgram gọi Jacobs là một “ngôi sao đo lường xã hội”. Thế giới nhỏ tồn tại bởi một số người tương đối ít – như Jacobs – tạo nên phần lớn các kết nối giữa những người còn lại.
Bên cạnh 16 tập tin đến từ Jacobs, 10 tập tin khác đến từ “Ngài Jones” và năm tập đến từ “Ngài Brown”, cả hai đều là những người chơi cổ phiếu. Nếu không có ba kết nối cuối cùng trong chuỗi này, gần nửa số tập tin sẽ không đến nơi và thế giới dường như không còn nhỏ nữa.
Chúng ta đã thấy một thứ rất giống với kiểu mẫu này trước đây.
Một con số ấn tượng 25% (16 trong 64) tập tin đến thông qua chỉ 1,6% (1 trong 64) kết nối cuối cùng, và 48% (31 trong số 64) đến thông qua chỉ 4,7% (3 trong 64) kết nối cuối cùng. Chúng ta đã thấy Nguyên lý 80/20 có hai họ hàng gần gũi – nguyên lý 50/5 và nguyên lý 20/1. Nếu 80% kết quả tới từ 20% tổng số, 50% kết quả có thể tới từ 5% tổng số, và 20% kết quả tới từ con số rất nhỏ là 1% tổng số. Đó gần như là những gì ta thấy với “các ngôi sao” của Milgram. Thế giới nhỏ phụ thuộc vào một số ít người có nhiều kết nối xã hội hơn những người khác – các kết nối đó thường rất yếu. Tôi muốn gọi họ là những “người siêu kết nối”.
Quan trọng hơn, những người siêu kết nối này sử dụng những kết nối yếu của họ thường xuyên hơn số đông còn lại. Họ có nguồn thông tin rộng lớn hơn rất nhiều so với hầu hết mọi người. Họ biết trước các tin tức – không phải từ truyền thông đại chúng, thứ cho hàng triệu người biết cùng một lúc, mà từ những nguồn của riêng bản thân và mạng lưới độc nhất vô nhị gồm bạn bè xã giao, những người sẽ lọc “tin tức” phù hợp với mối quan tâm của những người siêu kết nối. Kết quả là cuộc sống của những người siêu kết nối sẽ phong phú hơn nhiều so với hầu hết mọi người.
Những kết nối trong một công ty sẽ là những “khối xã hội dày đặc hơn” – rắc rối và hướng nội. Công ty càng lớn, số hoán vị nội bộ càng nhiều và các nhà quản lý sẽ càng bỏ bê hay đánh giá thấp các kết nối bên ngoài.
Bạn có thấy chính mình trong câu chuyện này không?
Hãy lập danh sách tất cả bạn bè thân thuộc – những người bạn thích dành thời gian cùng – trong công ty. Giờ hãy lập danh sách tất cả những bạn bè thân thuộc ngoài công ty. Bạn sẽ thỉnh thoảng nói chuyện với những người đó một cách chuyên nghiệp và họ sẽ cung cấp cho bạn các thông tin và hiểu biết có liên quan, trực tiếp hoặc gián tiếp tới công việc của bạn. Họ có thể là đồng nghiệp cũ, khách hàng, nhà cung cấp, người cố vấn, chuyên gia trong ngành, bạn bè hoặc bạn của bạn bè – bất cứ ai mà bạn có thể có một cuộc thảo luận có lợi cho cả hai bên về các mặt trong công việc của mình.
Hãy so sánh hai danh sách. Cái nào dài hơn? Cái nào chất lượng hơn, hữu ích hơn trong công việc hàng ngày của bạn? Cái nào phong phú hơn, với những người đến từ các hoàn cảnh và địa điểm đa dạng, sở hữu những bộ kỹ năng và thái độ đối lập nhau?
Nếu danh sách các kết nối ngoài của bạn dài và hữu dụng hơn thì xin chúc mừng, bạn đã là một người siêu kết nối. Nếu không, bạn cũng có một cơ hội tuyệt vời để trở thành mẫu người như vậy.
Cách trở thành một người siêu kết nối
Một người siêu kết nối gắn kết mọi người từ những hoàn cảnh khác nhau, họ đóng vai trò là cầu nối giữa những người chưa quen biết nhưng sẽ hưởng lợi nếu biết nhau. Nếu bạn muốn trở thành một nhà quản lý Siêu kết nối, thì đây chính là cách:
• Bắt đầu bằng việc cải thiện mạng lưới kết nối của mình trong công ty, đặc biệt với các nhà quản lý hiệu quả (80/20) và với những kết nối “đa dạng” – những nhà quản lý khác bạn và những người ở bộ phận khác hoặc làm việc xa. Để tăng số lượng bạn bè thân thuộc, hãy tỏ ra thân thiện và giúp đỡ khi bạn mới gặp một ai đó (và tất nhiên là kể cả về sau). Chủ động trò chuyện trực tiếp với ít nhất một liên lạc mỗi tuần, lý tưởng nhất là ở nơi nào đó ngoài văn phòng. Các cuộc đối thoại tốt nhất thường ngẫu nhiên và mang tính riêng tư mà không cần một lịch trình nào (hoặc với một lịch trình có thể được gửi đi nhanh chóng). Hãy cởi mở về cuộc sống và công việc của bạn. Khích lệ người kia nhờ giúp đỡ hoặc trao đổi hiểu biết. Hỏi họ xem họ có muốn gặp một liên lạc nào khác của bạn không. Hãy tìm ra kết nối yếu nào của mình có thể giúp họ và giới thiệu cho họ.
• Dùng những chuyến đi công tác để hiểu những người quen rõ hơn.
• Tham gia những buổi huấn luyện và các dự án có sự tham gia của nhiều bộ phận hoặc nhiều nhóm.
• Nếu có thể, hãy làm việc ở nước ngoài một thời gian. Khi quay về, hãy giữ liên lạc với mạng lưới ở nước ngoài của mình. Sau một vài năm, hãy đi một nước khác.
• Sẵn sàng đổi công ty kể cả khi thấy thoải mái với công việc hiện tại và giữ liên lạc với đồng nghiệp cũ. Một phần trong thành công của Thung lũng Silicon là nhờ hệ thống liên lạc mở giữa đồng nghiệp và cựu đồng nghiệp. Các nhà quản lý ở đó thay đổi công ty trung bình là hai năm một lần. Khi bạn thay đổi công việc, bạn sẽ tự động có được một mạng lưới mới, nhưng không nhất thiết phải vứt bỏ mạng lưới cũ. Những liên lạc của bạn sẽ nhiều và giá trị hơn nếu bạn (hay đồng nghiệp cũ) thay đổi công việc thường xuyên hơn.
• Hướng về các bộ phận và công việc đòi hỏi mối quan hệ bên ngoài nhiều – ví dụ như tiếp thị hay các nhiệm vụ đòi hỏi phải gặp khách hàng.
• Thành lập một hội ăn tối gồm những bạn bè quen thân bên ngoài. Hãy bảo đảm rằng những người tham gia không giống nhau. Hãy gặp xã giao khoảng hai, ba lần một năm để thảo luận một chủ đề gây tranh cãi. Bạn có thể mời một diễn giả bên ngoài để khiến cuộc trò chuyện trơn tru hơn.
• Tìm hiểu những ý tưởng mới qua các tạp chí, sách báo kinh tế mà không ai trong công ty (đặc biệt là trong bộ phận của bạn) có thể sẽ đọc. Hãy tìm hiểu những phần trên internet mà đồng nghiệp không bao giờ xem. Hãy phiêu lưu bằng cách đến những đất nước mà đồng nghiệp của bạn không nghĩ tới việc đến đó.
Thật may mắn là bạn không nhất thiết phải là một người hướng ngoại năng động hay một “con người của công chúng” để trở thành một người siêu kết nối. Hầu hết những người siêu kết nối đơn giản là cởi mở, dễ tiếp cận và thân thiện với tất cả mọi người. Đừng cố loại bỏ những người bạn cho là không “hữu dụng”. Bạn không có cách nào để biết ai sẽ thực sự hữu dụng ở một thời điểm trong tương lai, và tất cả mọi người – từ nhân viên tiếp tân ở phòng khám nha khoa cho tới anh chàng nhân viên mới trong văn phòng bạn, hay đối tác của em trai bạn – đều có những câu chuyện của riêng mình. Tôi đã từng sống hơi khép kín, nhưng giờ tôi nói chuyện với những người đứng cạnh khi chờ thanh toán ở siêu thị, với những người dắt chó đi dạo, với bất cứ ai mà tôi chia sẻ không gian và thời gian. Hoặc là bạn cởi mở, với một nụ cười sẵn sàng và một đôi tai lắng nghe, hoặc là không; bạn không thể (hoặc ít ra là không nên) bật tắt chế độ thân thiện của mình. Và một khi bạn đã cởi mở với thế giới, kết nối mọi người và ý tưởng trở nên tự nhiên, cuộc sống của bạn sẽ có nhiều khía cạnh tươi sáng hơn.
Xây dựng một mạng lưới gồm vài trăm người bạn thân thuộc không khó, kể cả khi bạn rụt rè. Tất cả mọi người bị thu hút với một số kiểu người nhất định, vì hợp nhau hoặc vì có cùng mối quan tâm hay các giá trị sống. Mỗi tuần, ta đều gặp một vài nhân vật mới, qua công việc, gia đình hoặc ngẫu nhiên và một hay nhiều hơn trong số đó có thể dễ dàng trở thành bạn bè thân thuộc. Chúng ta đều có bạn bè và rất dễ gặp gỡ, làm quen với bạn của họ. Và còn những người khác tình cờ xuất hiện trong cuộc sống của bạn – người làm vườn ở nhà chị, em gái, người bán hoa, anh chàng đứng quầy rượu, những người cùng chung tín ngưỡng – bạn có thể chọn bất cứ ai trong số đó để làm quen. Bạn cũng sẽ có một vài mạng lưới lớn gồm những người bạn từng gặp trong quá khứ – bạn học cũ, bạn lâu không gặp, đồng nghiệp cũ hoặc sếp cũ...
Bí quyết để siêu kết nối là sử dụng tất cả những mạng lưới đó để giúp đỡ các liên lạc của bạn. Vì vậy, hãy gửi email liên lạc của bạn cho ai đó và giúp họ kết nối với một người khác mà họ có thể giúp đỡ. Hãy làm ngay bây giờ. Có thể họ sẽ phớt lờ email của bạn nhưng nếu không, thì bạn có khả năng bắt đầu một điều tuyệt vời cho cả hai người đó.
Con người có một mong muốn cố hữu là hợp tác và giúp đỡ lẫn nhau. Và bản năng đó sẽ mạnh mẽ hơn cùng với việc thực hành, vì chúng ta gây dựng sự tự tin trong việc kết nối các cá nhân và tập hợp những hiểu biết miễn phí bao quanh chúng ta, những thứ mà ta từng không để ý. Trong bất cứ trường hợp nào, đừng lo lắng về những gì bản thân sẽ đạt được – không sớm thì muộn thành công sẽ tới, có thể là vào lúc bạn ít mong đợi nhất và bởi một lý do bất ngờ. Và điều tuyệt vời là khi bạn đã quen với việc siêu kết nối dễ dàng và vui vẻ – nó sẽ trở thành một cách sống giúp đỡ rất nhiều cho bản thân và bạn bè của bạn.
Kết nối – và siêu kết nối – đặc biệt có lợi cho các nhà quản lý. Đó là vì hầu hết công ty có xu hướng nhìn về nội bộ, và hầu hết các nhà quản lý dành thời gian để nói chuyện với đồng nghiệp trong công ty hơn là những người bên ngoài. Giao tiếp nội bộ có thể rất hữu ích nhưng cũng có những hạn chế của nó. Như Mark Granovetter đã phát hiện ra, một tập hợp ý tưởng và hiểu biết được chia sẻ giữa hầu hết những nhà quản lý trong một công ty, nên các ý tưởng mới lạ sẽ nhiều khả năng đến từ bên ngoài hơn, từ những nguồn thông tin và cảm hứng khác. Vì vậy, những nhà quản lý sở hữu các kết nối yếu bên ngoài công ty sẽ có thể bắt gặp được nhiều ý tưởng tốt và các liên lạc hữu dụng hơn.
Đặc biệt nếu bạn làm trong công ty lớn, việc kết nối những người quản lý đồng nghiệp chưa được kết nối, những người tham gia vào các hoạt động khác nhau, cũng có thể giúp bạn gặt hái được những phần thưởng to lớn. Các nhà quản lý kết nối có nhiều sáng tạo và hiểu biết thiên phú hơn những người không bỏ công sức ra để kết nối. Những người xây cầu này sẽ dễ dàng nhìn ra những cơ hội mà các nhà quản lý khác bỏ qua.
Mọi công ty mới đều bắt đầu bằng cách đặt những ý tưởng cả mới lẫn cũ cạnh nhau, và những nhà quản lý cũng có thể làm tốt điều này như những nhà khởi nghiệp, với ít rủi ro và nhiều tài nguyên để tận dụng hơn.
Ý tưởng siêu kết nối này liên quan gì đến Nguyên lý 80/20? Ca sĩ người Canada, Michael Buble, đã đồng sáng tác một bài hát vào năm 2009 có tựa đề “Haven’t Met You Yet” (Vẫn chưa gặp được em), dựa trên ý tưởng lôi cuốn rằng người quan trọng nhất trong cuộc sống của chúng ta vẫn chưa xuất hiện. Lý thuyết siêu kết nối cho ta biết rằng, chỉ bằng cách gặp gỡ nhiều người khác biệt, ta mới có thể tìm thấy một người hoặc những người, một ý tưởng hoặc những ý tưởng, có thể làm thay đổi cuộc sống của ta. Sự thử nghiệm, nói cách khác, không đối lập với sự tập trung, mà là tiền đề cần thiết cho nó.
Chúng ta đã thấy cách mà Nguyên lý 80/20 có thể được sử dụng để cải thiện hiệu quả kinh doanh thông qua điều tra; và cách tập hợp những ý tưởng và con người riêng biệt có thể làm tăng đáng kể khả năng trúng số độc đắc trong công việc cho bạn. Giờ là lúc khám phá cách thứ ba cũng có thể dẫn tới việc nâng cao hiệu quả làm việc. Phương pháp này khá dễ học, đem lại cảm giác thỏa mãn lớn, nhưng lại thường bị bỏ qua một cách đáng tiếc. Đó chính là Hướng dẫn.