Thực hiện mơ ước… để có cơ hội sáng tạo, giống như thịt và khoai tây của cuộc sống. Tiền bạc chỉ là nước sốt.
Bette Davis1
Tôi thích thứ có trong công việc – một cơ hội để tìm thấy chính mình.
Joseph Conrad2
1 Bette Davis (1908–1989): Nữ diễn viên người Mỹ.
2 Joseph Conrad (1857–1924): Tiểu thuyết gia người Ba Lan.
Khi tôi bước sang tuổi 40, tôi đau khổ với gia tài khổng lồ của mình. Sau 14 năm làm nhà tư vấn quản lý, tôi quyết định cất chiếc máy tính của mình đi. Tôi bán cổ phần trong LEK, công ty tôi đồng sáng lập sáu năm trước và kiếm đủ tiền để sống sung túc suốt quãng đời còn lại. Tôi đã có được tự do. Nhưng để làm gì?
Tôi chẳng biết nữa. Tôi thôi làm việc chăm chỉ và thành lập một công ty đầu tư nhỏ. Nhưng nó không có nhiều ý nghĩa lắm đối với tôi. Tôi đã thử không làm gì cả. Nhưng việc đó khiến tôi cảm thấy tội lỗi và vô dụng. Phải trải qua một thời gian dài sau đó, tôi mới nhận ra là mình có thể đạt được thành tựu tốt đẹp nhất để thỏa mãn bản thân bằng việc viết sách, dù tốt hay tệ, nhưng không phải ai cũng có thể viết được. Tôi may mắn được tận hưởng cuộc sống thoải mái, với nhiều thời gian để đạp xe, chơi tennis, dạo bộ ở miền quê tươi đẹp và gặp gỡ bạn bè. Nhưng tôi chỉ thấy thực sự hạnh phúc khi viết điều gì đó có ý nghĩa mỗi ngày.
“Không gì quan trọng hơn việc đạt được ý nghĩa của cuộc đời mình. Viktor Frankl, một bác sĩ và triết gia người Áo đã viết một trong những cuốn sách quan trọng nhất thế kỷ trước: Man’s Search for Meaning (Con người tìm kiếm ý nghĩa), sau khi ông được giải thoát khỏi trại tập trung Dachau. Theo ông, ý nghĩa xuất phát từ thành tựu – từ việc sáng tạo nên điều gì đó hoặc thực hiện một hành vi nào đó, xuất phát từ trí tưởng tượng độc đáo và tài năng. Khi chúng ta khao khát ý nghĩa nhưng không thể tìm thấy nó, chúng ta dùng tiền, tình dục, giải trí hoặc thậm chí bạo lực để thay thế. Chúng ta nghĩ những thứ đó khiến mình hạnh phúc, nhưng không phải vậy. Lao vào tìm kiếm hạnh phúc là sai lầm bởi nó chỉ đến khi chúng ta không đi tìm – vào chính thời điểm chúng ta tìm ra ý nghĩa bằng việc để bản thân chìm trong sự tự thể hiện mình. Hạnh phúc là một sản phẩm của việc có một cuộc sống đầy ý nghĩa. Bertrand Russell1 đã chỉ ra điều khác biệt: “Chỉ có khả năng không hoàn thiện mới là vô nghĩa, không phải bản thân cuộc sống. Bất cứ điều gì bạn giỏi đều góp phần vào hạnh phúc.”
1 Bertrand Russell (1872–1970): Triết gia, sử gia, nhà toán học người Anh.
Một trong những tiết lộ lớn nhất của triết học hiện đại chính là sự vĩ đại ẩn mình ở bên trong. Thánh Paul nhắc đến những món quà mà Ki-tô giáo sở hữu, nhưng phải đến cuối thế kỷ XVIII, triết gia người Canada là Charles Taylor mới xuất sắc chỉ ra rằng: “Chính khởi đầu của ý tưởng con người và sự độc đáo mới trở nên nổi bật”. Nhà thơ Johann Gottfried Herder đã viết rằng: “Mỗi con người đều có phương pháp riêng, đó là đặc quyền hòa hợp bản thân với chính cảm xúc của mình”. Ông còn nói rằng: “Sự khác biệt giữa các cá nhân là rất quan trọng, và mỗi chúng ta nên đi theo con đường duy nhất và sống theo bản chất của mình”.
Mặc dù quan niệm này tồn tại khắp mọi nơi, nhưng ít người tận dụng được tối đa sức mạnh tiềm ẩn bên trong, đặc biệt là khi làm việc. Thật vậy, có một niềm tin khá phổ biến rằng, những nhà quản lý không có cơ hội để làm điều đó. Khi William H. Whyte viết cuốn The Organization Man (tạm dịch: Con người của tổ chức) vào năm 1956, nhiều nhà quản lý đã bị đánh đồng giống như những bánh răng trong một cỗ máy. Nghịch lý là, bản thân Whyte lại không đồng tình với quan niệm này. Ông khuyến khích các nhà quản lý đấu tranh vì những điều họ tin là đúng, đi theo con đường riêng trong tổ chức và khẳng định cá tính. Hơn nữa, trong hơn nửa thế kỷ qua, những người làm kinh doanh đã trở nên phong phú và nhiều màu sắc hơn. Sự quản lý ngày nay giống như một khuynh hướng đầy sáng tạo với tầm nhìn rộng nhằm thể hiện bản thân. Như Peter Drucker đã viết: “Không gì bị phá vỡ nhanh hơn là khái niệm ‘con người của tổ chức’, điều mà 40 năm trước đã được chấp thuận”.
Có công việc nào sánh được với những thử thách trí tuệ để tạo ra những chiến lược độc đáo nhằm đổi mới sản phẩm và dịch vụ; định hình văn hóa công ty; giải phóng và dẫn dắt nhân viên; làm sáng tỏ những điều mà khách hàng muốn trước khi tự họ nhận ra; đàm phán với nhà cung cấp, nhà đầu tư và khách hàng; đương nhiên là cả đảm bảo hệ thống giao hàng và dịch vụ đáng tin cậy, để doanh nghiệp lớn mạnh và đạt nhiều lợi nhuận hơn? Có bối cảnh nào là bất định, thay đổi chóng mặt và khó dự đoán đến vậy không? Có công việc nào đem tới những giải pháp độc đáo và mang đậm dấu ấn cá nhân hiệu quả đến vậy? Có hoạt động nào đòi hỏi sự hợp tác ở mức độ cao và cả những phần thưởng tuyệt vời cho sáng kiến độc đáo mang tính cá nhân như vậy không? Khi nhìn nhận ở góc độ này, doanh nghiệp đòi hỏi các nhà quản lý tận dụng triệt để sự độc đáo trong chính họ. Nó đòi hỏi những nhà quản lý phải tìm kiếm ý nghĩa trong công việc của họ.
Ý nghĩa là duy nhất đối với mỗi cá nhân. Bạn không thể vay mượn từ cảm nhận của người khác về ý nghĩa và biến nó thành của mình. Bí mật của thành công trên “con đường sự nghiệp ít người đi” là “làm việc của riêng bạn”, nhưng phải có kỷ luật và sáng tạo. Sự nghiệp của bạn giống như một cuộc hành hương mà bạn thử nghiệm, cố gắng theo nhiều cách để tạo ra thứ gì đó lâu dài và độc nhất, có ý nghĩa to lớn với mình. Cũng như một người hành hương, thất bại là không thể tránh khỏi, thậm chí có thể sa đọa vào vòng tội lỗi. Nhưng những thất bại này chứa đựng nhiều thông tin vô giá về thứ người khác coi trọng và cả những điều có ý nghĩa nhất với bạn.
Ý nghĩa có liên quan gì đến Nguyên lý 80/20?
Thành tích, sau đó là thành công, ở bất cứ lĩnh vực nào đều thuộc về thiểu số một cách không tương xứng. Điều đó đúng trong nghệ thuật, giải trí, học thuật, chính trị, thể thao… và cả trong kinh doanh.
Kết quả càng phụ thuộc nhiều vào trí tưởng tượng của mỗi cá nhân, tính cách và các kỹ năng đặc biệt – việc tìm kiếm sự thay thế thích hợp những tài năng càng khó khăn hơn – từ đó Nguyên lý 80/20 càng hoạt động hiệu quả. Khi sự khác biệt giữa các cá nhân trở nên thực sự quan trọng, tiêu chuẩn sẽ giống như 99/1 hơn là 80/20. Một họa sỹ giỏi có thể không mấy nổi trội so với những họa sỹ khác, nhưng một họa sỹ vĩ đại thì thực là hiếm gặp. Đó là sự khác biệt giữa một bên là tác phẩm của một họa sỹ, còn một bên là dấu ấn của thiên tài. Ví dụ, những tác phẩm của Vincent Van Gogh nhưThe Wheatfield (Cánh đồng lúa mạch) hay Starry Night (Đêm đầy sao), chỉ cần nhìn là biết đó là tranh của ông vì không ai khác có thể vẽ được như vậy. Pablo Picasso cần một thời gian dài hơn; tác phẩm của ông hiển nhiên là độc đáo, nhưng ông cũng đã có những thời kỳ chưa nổi bật mà phong cách của ông dần trở nên khác biệt, không chỉ với những họa sĩ khác, mà còn với chính những tác phẩm trước đó của mình. Những ca sĩ, nhà sản xuất âm nhạc hay nhà văn lớn đều có những dấu ấn khác biệt tương tự. Các nghệ sỹ độc đáo trong mọi lĩnh vực đều là những người được tôn sùng, tán dương và ghi nhớ trong lịch sử, bởi họ đã làm phong phú thế giới bằng chính sự khác biệt của mình.
Mặc dù, đây quả là một luận điệu lạ lùng, nhưng tôi lại tin rằng nó cũng tương tự trong kinh doanh. Chỉ John Pemberton mới có thể tạo nên Coca-Cola, không ai ngoài Henry Ford thành lập hãng ô tô nổi tiếng mang tên ông; không ai ngoài William Redington Hewlett và David Packard có thể xây dựng công ty trở thành một trong những nhà sản xuất máy tính hàng đầu thế giới – HP; không ai ngoài Bill Gates có thể nhào nặn Microsoft thành gã khổng lồ công nghệ như ngày nay; không ai ngoài Steve Jobs có thể sáng tạo và rồi tái sinh Apple. Tất cả các công ty trên đều phản ánh cá tính của người sáng lập như chính tri thức và khả năng của họ. Những công ty đó và cả sản phẩm của họ đều độc đáo; họ cũng làm phong phú thế giới này bằng sự khác biệt. Điều này không chỉ áp dụng với những nhà sáng lập nổi tiếng mà còn với những nhà quản lý ở mọi cấp độ.
Một nhà quản lý tài năng đặc biệt có ảnh hưởng gấp hàng trăm lần so với người khác.
Sẽ rất tốt cho nền kinh tế cũng như xã hội khi con người có thể đạt tới tiềm năng tối đa. Đó còn là con đường duy nhất để con người có thể tìm thấy ý nghĩa của cuộc đời.
Đại đa số những thành công của nền kinh tế đến từ một phần nhỏ các công ty và nhà quản lý. Thành công của kẻ mạnh tới từ một nhóm nhỏ những ý tưởng, sản phẩm, khách hàng, phương pháp và cá nhân. Những thứ khan hiếm thì đều quý giá. Làm việc chăm chỉ thì không thiếu. Việc bỏ ra nhiều thời gian, đáng buồn thay, lại vô cùng bình thường. Sự trung thành với tổ chức cũng không hề hiếm, và đáng buồn là nó cũng thường không được đáp lại. Bằng cấp về ngành kinh doanh có ở khắp mọi nơi. Những công cụ phân tích – bảng tính, dòng tiền chiết khấu, sự phô diễn thời thượng – tất cả đều sẵn có. Ngay cả tiền bạc cũng không còn khan hiếm chút nào. Mọi thứ đều là món hàng dễ mua.
Mọi thứ ngoại trừ trí tưởng tượng và sáng kiến của mỗi cá nhân. Tôi không hoàn toàn chấp nhận những điều mình sắp nói đây, nhưng bạn có thể sử dụng Nguyên lý 80/20 để “vượt lên”. Nếu tất cả những điều bạn quan tâm tới là sự tiến bộ của bản thân thì bạn có thể phát hiện một số hiện tượng 80/20 và sử dụng chúng làm lợi thế của mình. Ví dụ, những cơ hội tốt nhất được tìm thấy không đồng đều trong một vài lĩnh vực, một số loại công việc, ở một vài đồng nghiệp hay sếp và cả trong một vài tổ chức. Bạn đã bao giờ gặp một nhà đầu tư ngân hàng nào nghèo khó, hoặc một chuyên gia đầu tư cổ phần cá nhân nào lại cạn túi chưa?
Về mặt này, công ty (và cả phòng ban) của bạn có thể quan trọng hơn khả năng của cá nhân bạn. Nếu công ty nhỏ và phát triển nhanh, sẽ có vô số cơ hội để bạn tiến hành các hoạt động mới, gia tăng kinh nghiệm và khám phá những kỹ năng mà không ai (kể cả bản thân bạn) biết là bạn sở hữu. Sự phát triển nhanh chóng đòi hỏi sự thử nghiệm và phương thức mới mẻ trong cách làm việc, vì vậy bạn sẽ học hỏi khi bạn tiếp tục làm. Điều này sản sinh ra trạng thái tinh thần “mọi bàn tay để bơm” – nhu cầu về tài năng vượt xa sự cung cấp. Với điều kiện đó, sự phát triển cá nhân có thể tăng theo cấp số nhân. Tôi khám phá ra điều này khi làm việc cho Bain & Company và sau khi thành lập LEK – hai công ty tăng trưởng khoảng giữa 40 và 100% một năm trong suốt thời gian tôi làm việc. Tôi học hỏi được nhiều hơn về bản thân và những thứ tôi có thể làm trong thập niên đó nhiều hơn hẳn những năm tháng khác trong đời. Bạn sẽ tìm thấy một công ty tăng trưởng nhanh tương tự như vậy, ngay cả trong tận cùng suy thoái. Sẽ cần phải bỏ công sức săn lùng một chút, nhưng việc đó xứng đáng với nỗ lực bỏ ra.
Mặt khác, nếu bạn học hỏi được nhiều khi làm việc trong một công ty đang bùng nổ, hãy tưởng tượng xem bạn sẽ học được nhiều đến thế nào khi xây dựng công ty của riêng mình. Những công ty con thành công xuất hiện thường xuyên hơn, trong các ngành công nghiệp mà trí tuệ con người và sự sáng tạo lấn át vốn và cơ cấu tổ chức. Vốn càng tập trung vào những ngành công nghiệp như mỏ và công nghiệp nặng – càng ít hứa hẹn cho cá nhân những nhà quản lý. Ngược lại, tư vấn, đầu tư mạo hiểm, cổ phần tư nhân, quảng cáo, quan hệ công chúng, truyền thông, xây dựng thương hiệu và quản lý là những lĩnh vực lý tưởng, bởi chúng gần như không đòi hỏi vốn ban đầu. Công nghệ thông tin và kinh doanh mạng xếp ngay sau: Thung lũng Silicon và không gian mạng không đòi hỏi quá nhiều về vốn. Thật vậy, chúng là những ngành công nghiệp tăng trưởng nhanh và thu hút tài năng – 20% các ngành công nghiệp và lĩnh vực thu hút được 80% những nhà quản lý dám làm dám nhận, và trao hơn 80% phần thưởng cho gần 20% những nhà quản lý.
Chẳng có ý nghĩa gì khi tham gia vào một công ty, nếu bạn không thể học hỏi và đóng góp vào sự thành công của nó. Một số người quen của tôi trở nên giàu có mà không cần phải đóng góp điều gì cả, chỉ đơn giản là họ đã ở đúng chỗ, đúng thời điểm. Vài người trong số họ là loại người đi vào cánh cửa xoay phía sau ai đó và xuất hiện ở đằng trước. Tuy nhiên, không ai có được hạnh phúc, cũng không ai trở thành bạn tốt của tôi cả.
Thành công thực sự nằm ở thành tựu độc đáo. Nó không thể được đo bởi số dư ngân hàng. Thành quả độc đáo dựa trên việc tìm kiếm ý nghĩa công việc, và nó đem lại ý nghĩa cho cuộc sống. Thành tựu thực sự sẽ khiến bạn cảm thấy tự hào và hữu ích. Đôi khi điều đó dẫn đến tự mãn, nhưng thường thì nó thúc đẩy con người tìm kiếm những ý nghĩa lớn hơn thông qua những kết quả thậm chí lớn hơn nữa.
Ý nghĩa – đáng buồn với nhiều người – lại phụ thuộc vào Nguyên lý 80/20. Rất ít người tìm thấy ý nghĩa thật sự của cuộc đời mình, nhưng chính họ lại là những người tiếp nhiên liệu cho sự tiến bộ của thế giới nói chung. Hãy nghĩ tới ai đó mà bạn nhận định họ đạt được thành tựu to lớn ở bất kỳ lĩnh vực nào – giải trí, thể thao, chính trị, nghệ thuật, dịch vụ công, truyền thông, kinh doanh. Họ sẽ là duy nhất bởi họ tạo nên những ảnh hưởng độc đáo trên thế giới. Họ có thể tạo ra những thứ tồn tại lâu dài, như một ca khúc, một kỹ thuật, một sản phẩm, một công ty thành công, hoặc họ có thể là người đầu tiên leo lên một ngọn núi hoặc khám phá một vùng đất mới. Bằng cách nào đó, họ sẽ là nguồn cảm hứng cho hàng triệu người khác. Nếu không có những người này, thế giới có thể sẽ bớt sung túc, bớt thú vị, bớt tươi đẹp bởi họ tìm kiếm và tạo ra ý nghĩa trên thế giới.
Phải chăng sẽ thật tuyệt nếu có thêm những người như họ? Phải chăng sẽ hay hơn nữa khi bạn là một trong số họ?
Hãy thực hiện những hướng dẫn dưới đây để có cơ hội làm được điều đó.
Hãy cực kỳ kén chọn
Hãy xác định ngay từ đầu. Lựa chọn nơi làm việc cũng quan trọng như những gì bạn làm khi ở đó. Quyết định này – thường được đưa ra nhanh chóng – sẽ ảnh hưởng lớn tới sự thành công và hạnh phúc hơn là những năm tháng vất vả. Tôi chán ghét làm việc trong những công ty dầu mỏ lớn, và nếu tôi ở lại – như tôi đã có thể lựa chọn, vì lương cao – thì tôi cũng sẽ trở nên không thỏa mãn và đầy hoài nghi.
Hầu hết những nhà quản lý cho phép tổ chức lựa chọn họ cẩn thận. Nhưng đáng lẽ ra nên làm điều ngược lại. Nhiều nhà quản lý nhận ngay công việc tốt đầu tiên mà họ được đề nghị, và điều đó đặc biệt đúng khi họ được săn đón. Việc này cũng dễ hiểu, đặc biệt là trong môi trường kinh tế hiện nay, nhiều người tìm kiếm công việc an toàn, dựa trên uy tín của công ty và một mức lương hấp dẫn. Nhưng sẽ luôn có một bầu không khí thụ động bất cứ khi nào một nhà quản lý rơi vào móng vuốt của một công ty lớn.
Nếu bạn đang tìm kiếm ý nghĩa – và như chúng ta thấy, ý nghĩa là điều cần thiết cho hạnh phúc và thành tựu to lớn trong công việc – bạn phải tiếp cận theo một cách khác. Dưới đây là năm khía cạnh để bạn xem xét.
1. Lĩnh vực bạn làm việc phải khiến bạn cảm thấy hứng thú. Nếu bạn muốn trở thành một chủ báo hoặc nhạc sỹ, thì đừng nhận một công việc đi làm cả ngày. Nếu Paul McCartney, John Lennon1 và George Martin làm vậy, bạn sẽ chẳng bao giờ nghe đến nhóm The Beatles. Martin trở thành một trong những nhà sản xuất thu âm giỏi nhất từng được biết đến trên thế giới – ông tạo nên The Beatles bằng cách thay đổi bản phối của họ, quan trọng nhất chính là vào ngày 26 tháng 11 năm 1962, khi ông bảo họ đẩy nhanh nhịp điệu cho “Please Please Me”, bài mà trước đó họ hát theo phong cách ballad chậm rãi. Khi họ đã tăng nhịp điệu lên, Martin nói: “Các bạn đã có được bản thu âm số một đầu tiên của mình”. Trong suốt 15 năm đầu tiên làm việc với vai trò nhà sản xuất, Martin được EMI trả cho đồng lương rẻ mạt (năm khá nhất ông cũng chỉ kiếm được 2.500 bảng). Nhưng ông đã mài giũa kỹ năng và học cách phát hiện ra những ban nhạc tài năng trong tương lai, bao gồm cả The Beatles. Ông tiếp tục sản xuất 23 bản nhạc số một, và năm 1966, những nghệ sỹ của ông đứng đầu các bảng xếp hạng trên tổng số 37 tuần – cả hai kỷ lục đều chưa bị phá.
1 Paul McCartney và John Lennon là hai trụ cột của ban nhạc The Beatles.
2. Công việc đem đến cho bạn những hiểu biết hiếm có.
Đặc biệt trong thời kỳ đầu của sự nghiệp, theo đuổi kiến thức hiếm có – biết thứ gì hữu ích mà ít nhà quản lý hiểu được – là con đường dẫn tới thành công và tự nhận thức bản thân. Ví dụ, Bill Gates bắt đầu tích lũy kinh nghiệm về máy tính khi ông còn học trung học, dành phần lớn thời gian tại Harvard để sử dụng máy tính của trường, và ông đã bỏ học để đồng sáng lập “Micro-Soft” với Paul Allen, khi ấy Bill Gates chỉ mới 20 tuổi. Điều đó cho thấy rằng kiến thức ông cần không thể tìm thấy ở nền giáo dục chính quy hoặc làm việc cho một công ty hiện có.
Tôi đã chọn việc tiến vào ngành công nghiệp “tư vấn chiến lược” khi nó chỉ mới ra đời được 10 năm và gia nhập BCG, công ty dẫn đầu trong lĩnh vực này. Khi tôi nhận thấy một công ty mới – Bain & Company – đang phát triển nhanh hơn so với BCG, tôi nhảy việc để tìm hiểu xem điều gì đứng sau sự tăng trưởng mạnh mẽ này. Liệu công việc của bạn có đem tới những hiểu biết quý báu để bạn sử dụng ở nơi nào khác không?
3. Một công ty phải truyền được cảm hứng bằng tình yêu hơn là luật lệ hoặc nỗi sợ hãi. Như chúng ta đã thấy ở Cách thứ năm, nhiều công ty vẫn cai trị với một “cây gậy sắt”. Nếu bạn có thể tìm thấy một trong số ít công ty khuyến khích sự giải phóng tính sáng tạo cá nhân, bạn sẽ sớm khám phá ra rằng ý nghĩa dễ tìm hơn rất nhiều.
4. Bạn phải biết yêu quý đồng nghiệp và sếp của mình… và họ cũng sẽ yêu quý bạn. Thiết lập một mối quan hệ tốt với đồng nghiệp là điều rất quan trọng, nếu bạn đang muốn tìm kiếm ý nghĩa trong công việc. Và điều này vượt ra ngoài những nhà quản lý và sếp trực tiếp của bạn. Bạn phải hòa hợp được với những người ở vị trí trên cùng. Nhưng làm thế nào để bạn có thể gặp gỡ sếp của sếp trước khi bạn đồng ý nhận công việc? Đơn giản thôi, bạn hãy yêu cầu được gặp họ trong quá trình tuyển dụng. Đây là một yêu cầu cực kỳ không bình thường, nhưng nó sẽ giúp bạn gây được sự chú ý trong chừng mực. Và điều đó cũng sẽ giúp bạn quyết định xem, đây có phải là công việc thích hợp cho mình không.
5. Công ty bạn cần tìm phải có mặt ở khắp nơi. Lý tưởng hơn, nên chọn một công ty ngôi sao – dẫn đầu trên thị trường hoặc phân khúc thị trường mà nó đang lớn mạnh nhanh chóng. Chỉ có 5% công ty phù hợp với mô tả này, nhưng họ chiếm tới 95% (hoặc hơn thế) “giá trị thực” trong ngành (ví dụ, theo tính toán bằng lượng tiền họ tạo ra trong quá trình tồn tại, so sánh với lượng tiền của các công ty khác tạo ra trong cùng lĩnh vực). Một công ty lớn có thể có tới hàng tá hoặc thậm chí hàng trăm công ty con và có thể sẽ hơi khó khăn để xác định đâu là doanh nghiệp ngôi sao trong số đó. Nhưng bạn có thể thực hiện một cuộc thử nghiệm dễ dàng. Sự tăng trưởng doanh số của công ty có đạt hơn 10% một năm hay không? Phần lợi nhuận trên vốn sử dụng có đạt hơn 20% không? Trừ khi câu trả lời là “Có” cho cả hai câu hỏi trên, còn không thì công ty này không giống như một công ty ngôi sao.
Chỉ có khoảng một trong số 20 công ty đủ điều kiện, nhưng đừng thỏa thuận với những gì ít hơn thế. Sẽ dễ dàng hơn nhiều nếu làm việc cho một công ty đang mở rộng, đạt lợi nhuận và có được vị trí thuận lợi trên thị trường. Bạn học được nhiều hơn bởi bạn đang bị kéo giãn ra và bạn cần phải lấp đầy những khoảng trống, thứ không hề tồn tại trong một tổ chức tăng trưởng chậm.
Nếu bạn đang tìm kiếm công việc trong các tổ chức phi lợi nhuận, bạn có thể áp dụng một biến thể của bài kiểm tra ngôi sao. Hiện tổ chức đó có thống trị trong lĩnh vực của nó không? Liệu ngành đó có tăng trưởng khoảng 10% hoặc hơn thế mỗi năm không? Liệu ngân sách của tổ chức có tăng trưởng tương ứng với ngành không? Liệu tổ chức đó có mở rộng tầm ảnh hưởng và tác động không? Nếu câu trả lời là “Có” cho tất cả câu hỏi trên thì bạn đã tìm ra một tổ chức thích hợp.
Gắn chặt với bài kiểm tra ngôi sao sẽ gần như chắc chắn giúp bạn mở rộng nghiên cứu của mình về nghề nghiệp. Nhưng có được công việc tại một trong số ít những công ty hoặc tổ chức hàng đầu, sẽ cho phép bạn tìm thấy ý nghĩa của công việc, bởi nó sẽ cho bạn cơ hội tập trung vào những chuyên ngành thu hút bạn. Dành một vài tháng để tìm kiếm công việc phù hợp có nghĩa là bạn đã cố gắng để không lãng phí phần đời còn lại.
Sở hữu sự nghiệp của riêng mình
Andy Grove, ông chủ trước đây của Intel, đã nói rằng: “Dù bạn làm việc ở đâu, bạn cũng không phải là nhân viên. Bạn đang kinh doanh với một người chủ duy nhất – đó là chính bạn. Không ai nợ bạn một sự nghiệp – Bạn sở hữu nó như là ông chủ duy nhất.” Nếu chúng ta nghe theo lời khuyên của Andy, phòng nhân sự sẽ chẳng chịu trách nhiệm gì về sự nghiệp của bạn, cả sếp và công ty cũng vậy. Nếu sự nghiệp không đi theo cách bạn muốn, chỉ có duy nhất một người để đổ lỗi. Và cũng chỉ có duy nhất một người có thể đem nó quay trở lại, đó là chính bạn.
Sở hữu sự nghiệp của riêng mình không có nghĩa là phải lên kế hoạch cho nó một cách tỉ mỉ, thậm chí không cần lên kế hoạch cũng được. Cơ hội thường gõ cửa nhà bạn bất ngờ, đôi khi theo những hướng mờ mịt, quanh co rất dễ bỏ lỡ. Chúng ta có thể đánh giá quá cao khả năng của mình và hoàn toàn không để tâm đến khả năng của những người khác.
Sự tự phát và thử nghiệm bị đánh giá thấp. Một sự nghiệp thành công là cuộc phiêu lưu bất tận, liên tục gây ngạc nhiên. Điều này một lần nữa được phản ánh thông qua cuộc đời của George Martin. Vào năm 1962, công việc của ông là sản xuất đĩa nhạc hài kịch. Rồi ông gặp Brian Epstein1 và cho The Beatles một buổi thử giọng. Ông không biết điều này sẽ dẫn đến đâu, hay nó sẽ thỏa mãn những tài năng âm nhạc bị chôn sâu của chính mình như thế nào. Martin có thể chỉ đơn giản nói với Epstein rằng: “Xin lỗi, tôi làm về hài kịch” và lỡ mất cơ hội. Hạnh phúc thay, ông đã sẵn sàng thử sức với những cái mới.
1 Brian Epstein (1934–1967): Nhà quản lý của ban nhạc huyền thoại The Beatles.
Trở nên độc đáo một cách chuyên nghiệp
Nếu bạn nghĩ bản thân là chủ sở hữu duy nhất của doanh nghiệp – công ty Tôi – điều đó phải chăng có nghĩa là, những quy tắc chiến lược kinh doanh được áp dụng tương tự cho sự nghiệp của cá nhân bạn? Đúng vậy. Thành công tới khi bạn trở thành doanh nhân ngôi sao vượt trội – hưởng 95% thị phần trong một lĩnh vực đang phát triển. Ý tưởng về lợi thế cạnh tranh áp dụng cho những nhà quản lý cũng giống như với các công ty.
Như Richard K. Lochridge, một nhà quản lý của BCG đã nói: “Mọi đối thủ đều là các chuyên gia. Không có hai đối thủ nào có thể phục vụ cùng một khách hàng trong cùng thời điểm, với cùng phương pháp và chi phí. Sự khác biệt giữa các đối thủ cạnh tranh chính là mức độ chuyên môn hóa. Sự khác biệt càng lớn, sự chuyên môn hóa càng cao. Sự chuyên môn hóa càng cao, cơ hội kiếm lợi nhuận nhiều hơn bình thường càng lớn.
Điều này tương tự với những nhà quản lý. Mỗi người trong số họ đều là một chuyên gia. Không có hai nhà quản lý nào có thể làm cùng một công việc với cùng một khách hàng theo cùng một cách. Sự khác biệt giữa họ chính là mức độ chuyên môn hóa. Sự chuyên môn hóa càng cao, thành tựu đạt được càng lớn. Đối với việc xây dựng chuyên môn, các sản phẩm của bạn phải đánh đúng thị hiếu khi (1) bạn thỏa mãn một nhu cầu lớn của khách hàng, (2) với kiến thức và khả năng độc đáo, (3) mà các quản lý khác – trong trường hợp này là đối thủ của bạn – không có được. Khi Bill Gates và Paul Allen bắt đầu viết phần mềm ở tuổi 20, họ đã đạt được cả ba tiêu chí đó.
Khách hàng của bạn là ai? Họ có thể là đồng nghiệp, đặc biệt là sếp và các vị giám đốc khác. Việc nghĩ sếp của mình là một khách hàng rất hữu ích bởi, giống như khách hàng, sếp luôn đúng. Vì vậy hãy chọn khách hàng cá nhân quan trọng nhất của bạn – chính là sếp – để quan tâm nhiều hơn. Một công ty có thể nhắm tới sai đối tượng khách hàng, bạn cũng vậy. Nói cách khác, bạn có thể gặp nhầm sếp. Nếu đúng vậy, thì rất khó để đạt hiệu quả cao và hoàn toàn không thể tìm kiếm được ý nghĩa của công việc. Bạn cần một người quản lý hướng dẫn với những kiến thức quý báu mà bạn có thể tiếp thu và phát triển. Vậy, hãy đi tìm các khách hàng lý tưởng – vị sếp lý tưởng và những đồng nghiệp khác nữa ngay tại nơi bạn làm.
Làm thế nào để các nhà quản lý nuôi dưỡng thuộc tính chuyên nghiệp độc nhất của chính họ? Họ tiếp thu kiến thức hiếm có bằng việc làm trong những công ty 80/20. Sau đó họ cá nhân hóa những kiến thức đó bằng việc áp dụng nó theo cách mới, phản ánh được tinh thần và cá tính của họ.
Kiến thức hiếm có chia thành hai loại. Kiến thức từ trong ngành và lĩnh vực đặc thù, nơi bạn học được ngày càng nhiều và những thứ mới lạ ngày càng ít đi. Ví dụ, bạn có thể học cách tạo ra những chiếc máy ảnh có độ chính xác cao với chi phí thấp nhất trên thế giới. Ngoài ra, bạn có thể kết hợp kỹ thuật và chuyên môn từ nhiều chuyên ngành khác nhau. Ví dụ, những nhà khoa học nghiên cứu về vũ trụ, sử dụng những hiểu biết về vật lý, hóa học, sinh học, toán học và nhiều ngành khác nhau, để tạo ra các giả thuyết khác nhau về sự hoạt động của vũ trụ. Ở những mức độ ít hiếm có hơn, tất cả các chuyên gia tư vấn quản lý cũng làm điều tương tự: họ lấy những hiểu biết từ các nghiên cứu khoa học và vận dụng tốt nhất trong việc dẫn dắt công ty trong những ngành công nghiệp khác nhau, để tạo ra những cách hữu ích nhằm nâng cao hiệu suất.
BCG và Bain đều có những tri thức quý hiếm của riêng mình. Họ biết làm thế nào để tập trung công ty vào một vài lĩnh vực có lợi thế lớn nhất, thông qua phân tích cơ cấu chi phí, đối thủ cạnh tranh và lĩnh vực kinh doanh. Họ phát triển với quy mô to lớn và nhanh hơn thông qua nghiên cứu, để tạo ra kết quả tốt khi chỉ bỏ ra một chút ít thời gian nghiên cứu. Những kiến thức cơ bản họ sử dụng đến từ những nhà kinh tế học và chuyên gia tiếp thị, nhưng chúng chưa bao giờ được tổng hợp lại, và chưa ai nghĩ tới việc áp dụng những tri thức đó vào công ty một cách có hệ thống để nâng cao hiệu quả.
Hãy quan sát một vài nhà quản lý thành công. Sẽ có một mẫu số chung – một câu thần chú hiệu quả trong công ty, sử dụng kiến thức không hề được biết đến tại các công ty khác. Ở BCG và Bain, luôn có một sự hứng khởi, đôi khi gần như tự mãn, rằng họ biết những điều mà khách hàng và đối thủ không hề biết.
Những kiến thức quý hiếm và độc nhất có thể được chuyển giao không? Xét về bề ngoài thì có. Ví dụ, Bill Bain rời BCG và thành lập một công ty mang tên ông và cũng có thành công tương tự. Tuy nhiên, Bain & Company không phải là một bản sao của BCG. Khi sử dụng những kiến thức độc nhất mà BCG tạo ra, Bill thành lập một quy trình tư vấn chuyên nghiệp hoàn toàn mới. Ông vận hành công ty theo một cách hoàn toàn khác biệt với BCG. BCG hơi hỗn loạn và dựa trên sự tỏa sáng của cá nhân, trong khi Bain lại tập trung và phân cấp, với một vài thông điệp chính ở trung tâm và được củng cố hàng ngày.
Như chúng ta đã thấy ở Cách thứ nhất, thành công của Bill Bain dựa trên sự vận dụng Nguyên lý 80/20 – ông ấy muốn có ít mối khách hàng, nhưng lớn và sâu sắc. Trong 15 năm đầu hoạt động, Bain & Company sẽ làm việc với chỉ một người tại mỗi tổ chức khách hàng – giám đốc điều hành. Công ty sẽ tập trung toàn bộ năng lượng vào một số vấn đề trọng yếu có khả năng dẫn tới thành công hoặc thất bại. Bằng cách luôn làm việc theo những châm ngôn này, Bill Bain giảm 99% lợi nhuận tư vấn tiềm năng, nhưng ông đã tạo ra một công ty độc đáo và là một trong ba công ty tư vấn thành công nhất trên thế giới. Doanh thu từ mỗi khách hàng của Bain gấp mười hoặc đôi khi hàng trăm lần so với mức mà các công ty hàng đầu đạt được. Lập luận của Bill là, nếu các công ty được hưởng lãi cao từ số tiền tư vấn mà họ chi ra, thì họ sẽ không đặt ra giới hạn nào cả. Và bởi công ty của ông đạt hiệu suất cao cho số ít khách hàng, những mối quan hệ tồn tại trong thời gian dài hơn. Ít mà lại chất lượng hơn.
Tôi gia nhập vào Bain & Company khi tổng số nhân viên chỉ gần 100 người – gần như toàn bộ đều ở Mỹ. Nhưng họ biết họ sẽ chinh phục thế giới thông qua sức mạnh của Bain. Không một công ty tư vấn nào khác biết được công thức này tại thời điểm đó và tôi cá rằng ngày nay, bất kỳ đối thủ nào cũng thật sự am hiểu về nó, bởi nó quá trái ngược với tiêu chuẩn thực hiện của ngành tư vấn.
Vào năm 1983, khi hai đồng nghiệp cùng tôi nghỉ việc để thành lập ra LEK, ban đầu chúng tôi đã nghĩ rằng, mình đơn giản có thể thành công bằng việc trở thành nhà cung cấp thay thế theo cách của Bain, lặp lại công thức đó cho những khách hàng đã không có được dịch vụ của Bain. Làm vậy không mấy hiệu quả. LEK chỉ thực sự đi lên khi chúng tôi áp dụng những hiểu biết học được tại BCG và Bain trong một lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ – phân tích thu mua. Thay vì sao chép những gì đối thủ cạnh tranh đang làm, chúng tôi phân tích mục tiêu thu mua bằng những kỹ thuật của Bain và một số cách mới mà chúng tôi đã phát triển đồng thời trong lúc đó.
Có một điều nữa cần nhớ, tiền bạc không phải là tất cả. Hơn nữa, nếu bạn không tin tưởng vào những gì mình đang làm, làm việc chỉ vì tiền sẽ trở thành một thói quen tự hủy hoại bản thân. Ralph Waldo Emerson1 đã ám chỉ rằng: “Tiền bạc có giá quá cao”. Chọn lọc, sở hữu sự nghiệp riêng và theo đuổi kiến thức quý báu hữu dụng hơn rất nhiều và dẫn đến thành công đáng giá, nhưng chỉ với điều kiện là công việc về bản chất có nhiều ý nghĩa với bạn. Vì vậy, hãy tới nơi mà công việc có ý nghĩa, bởi chỉ có đi tìm ý nghĩa mới khiến bạn sáng tạo ra những thứ độc đáo và thực sự có giá trị.
1 Ralph Waldo Emerson (1803–1882) là nhà văn, nhà thơ, triết gia người Mỹ và cũng là người đi đầu trong phong trào tự lực cánh sinh và chủ nghĩa siêu việt.
Trước khi bạn có thể quyết định công việc nào có ý nghĩa nhất với mình, bạn phải nhìn vào bên trong tâm hồn mình.
Tìm kiếm điều cốt lõi của bạn
Những nhà quản lý Điều tra thành công hiểu được tầm quan trọng của việc xác định giá trị cốt lõi của công ty họ (xem Cách thứ nhất), và quá trình này cũng quan trọng đối với những nhà quản lý đã quyết định tìm kiếm ý nghĩa trong công việc. Họ sẽ chỉ làm việc cho một công ty khi hiểu chính xác nó là gì, nó hoạt động ra sao, nguyên nhân tồn tại và sự khác biệt nó có thể đem tới cho thế giới. Một công ty như vậy biết ai là khách hàng cốt lõi và hiểu được những việc có thể làm – và chỉ nó có thể làm được cho họ bằng cách tận dụng tối đa các nguồn lực trung tâm – những khả năng đặc biệt và tài sản mà không công ty nào khác sở hữu. Để phù hợp với Nguyên lý 80/20, những công ty này bỏ qua tất cả mọi thứ không liên quan đến vận mệnh của mình, bỏ qua những khách hàng mà các công ty khác có thể phục vụ tốt hơn, bỏ qua những nhân viên không đáng tin cậy và bỏ qua cả những khả năng và hoạt động không có gì đặc biệt. Tất cả nhằm củng cố những giá trị cốt lõi. Đây là cuộc phiêu lưu không có hồi kết để trở nên đặc biệt và hữu ích hơn, một quá trình thử nghiệm và sai sót, một nhiệm vụ để xác định những thứ tốt nhất, duy nhất và có giá trị nhất thông qua khách hàng cốt lõi – những người quan trọng nhất.
Một nhà quản lý Đi tìm ý nghĩa phải đi theo con đường tương tự. Bạn cần phải ý thức được những cá tính và kỹ năng cốt lõi bằng việc xác định một vài đặc điểm và tài năng dành riêng cho bạn, tạo ra những kết quả tốt nhất, đặc biệt là trong niềm vui bạn có được từ công việc.
Để nhận ra ý nghĩa trong công việc, bạn cần đánh bóng và trau dồi những thuộc tính cốt lõi để chúng trở nên mạnh mẽ và được đánh giá cao hơn nữa. Điều này không dễ, nhưng việc trả lời những câu hỏi dưới đây có thể cho bạn một vài gợi ý:
• Tôi có thể làm điều gì nhanh hơn, tốt hơn, tinh tế hơn và ít gây rắc rối hơn so với người khác?
• Kết quả tốt nhất tôi có thể đạt được trong cuộc đời là gì? Bằng cách nào?
• Ai là khách hàng cốt lõi của tôi, ngoài ra thì ai trong và ngoài công ty có ấn tượng bởi những việc tôi làm nhất, và ai coi trọng những đóng góp của tôi nhất?
• Liệu tôi có xác định được những khách hàng cốt lõi này và thực sự muốn phục vụ họ? Hay có một nhóm khách hàng tiềm năng hoặc một tập hợp những khách hàng cốt lõi hiện tại nào khác tốt hơn không?
• Liệu tôi có giỏi trong việc nghĩ và hành động không? Và đó là loại hành động hoặc suy nghĩ nào?
• Có điều gì mà tôi tận hưởng hoặc trải nghiệm sâu sắc hơn những người khác không? Điều gì lôi cuốn tôi đến mức tôi cảm thấy thời gian như ngừng trôi? Tại sao những điều này lại có ý nghĩa quan trọng đối với tôi?
• Khi nào tôi thấy rõ một hướng đi khác với mọi người và được chứng minh là đúng?
Đừng lo lắng nếu bạn không thể trả lời một vài (hoặc thậm chí tất cả) những câu hỏi trên. Nếu bạn hiểu đúng, bạn sẽ nhìn ra được đó là những câu hỏi sâu sắc, có ý nghĩa, thúc đẩy suy nghĩ và thử nghiệm cá nhân, chứ không chỉ đơn giản là cần lời giải đáp. Câu trả lời có thể đến dần dần, có lẽ qua quá trình nhiều năm sau nữa.
Nếu bạn không chắc chắn về điều cốt lõi của chính mình là gì, hãy thử nghiệm với nhiều công việc khác nhau – thậm chí những công việc quản lý khác nhau (ví dụ, thay đổi ngành, hoặc thay đổi từ sản xuất sang tiếp thị hoặc nhiệm vụ khác) – cho đến khi bạn tìm ra một vai trò đặc biệt và thích hợp, cho phép bạn đạt đến một tầm cao mới vẻ vang hơn. Nhưng hãy chắc chắn rằng, điều cốt lõi của bạn thích hợp (hoặc ít nhất có điểm tương thích) với điều cốt lõi của công ty nơi bạn làm việc. Nếu không đúng công ty và đúng thời điểm, hãy chuyển sang công ty khác thích hợp.
Một khi bạn tìm thấy ý nghĩa, ranh giới giữa làm việc và vui chơi, phụng sự và tự thể hiện, khiêm tốn và thành công, nghĩa vụ và quyền tự do, sẽ hoàn toàn hòa trộn vào nhau. Ý nghĩa vượt qua tất cả những điều đó, bởi cuộc sống của bạn rất đáng giá và tất cả tài năng cũng như giá trị đều gắn với nhau. Nguyên lý này cho chúng ta thấy một vài đặc điểm độc đáo, phân biệt bạn với những người khác. Những điều mà bạn thực sự làm chủ và quan tâm sẽ cho phép bạn đạt được những thành quả đặc biệt.
Mười lăm phút nổi tiếng có thể chỉ là phù du, nhưng năm phút có ý nghĩa là vĩnh cửu. Thời gian sẽ nói lên rằng, luôn có một cách khác để chơi trò chơi quản lý mà chúng ta sắp khám phá.