Sự đơn giản chính là sự tinh tế tối thượng.
Leonardo da Vinci
Đó là cách làm của chúng ta. Rất đơn giản… Cách ta điều hành công ty, thiết kế sản phẩm, quảng cáo, tất cả đều dựa trên điều này: Hãy đơn giản hóa nó. Thực sự đơn giản.
Steve Jobs
Khoảng hơn mười năm trước, tôi đã làm quản lý cho một công ty lớn trong vòng hai năm. Trong quãng thời gian đó, tôi đã theo dõi một cuộc ganh đua giữa hai nhà quản lý để ngồi vào chiếc ghế giám đốc điều hành. Jack (biệt danh) rất thông minh và có mối quan hệ tốt, với tư cách là một thành viên trong gia đình người sáng lập. Craig (một biệt danh khác) kém tinh tế hơn – đến từ một gia đình khiêm tốn và lanh lợi hơn là kiểu thông minh được đào tạo bài bản. Cả hai đều dễ gần, chăm chỉ và tận tâm, nhưng tôi lại nghĩ về họ theo hai cách hoàn toàn khác nhau.
Tôi nhìn nhận Jack như một người anh hùng dũng cảm, qua việc giải quyết một chồng hồ sơ dày cộp, thường làm anh tốn cả buổi sáng. Anh hết lòng quá mức cần thiết, tỉ mỉ trả lời từng bức thư, từng email và từng cuộc gọi. Anh là một thành viên trụ cột trong tổ chức Giám đốc Trẻ và thường xuyên đi công tác trong và ngoài nước. Tôi chưa từng thấy Craig phải giải quyết giấy tờ, hay thậm chí là cần đến giấy nhớ hoặc lịch. Anh mang theo những buổi họp trong đầu mình.
Jack điều hành một nửa công ty trong khi Craig điều hành nửa còn lại, và cả hai đều tổ chức đại hội công ty khi tôi còn làm việc ở đó. Tôi tham gia vào cả hai buổi (có lẽ tôi là người duy nhất làm vậy) và thấy chúng trái ngược đến bất ngờ. Sự kiện của Jack khá trí tuệ, chúng tôi được khám phá mọi ngõ ngách kinh doanh mà anh kiểm soát. Sự kiện của Craig thì phần lớn là nhàm chán, những cấp dưới trực tiếp của anh chỉ báo cáo đơn giản rằng, anh ta hoặc cô ta định làm gì, nhưng sau đó Craig đã kết nối tất cả lại và khiến mọi người hứng thú về các dự án tương lai của họ.
Tôi có nhiệm vụ đưa ra lời khuyên cho giám đốc điều hành về việc ai sẽ kế nhiệm ông. Ông đã có quyết định riêng nhưng vẫn muốn nghe một ý kiến khách quan. Tôi không băn khoăn về việc ai thích hợp hơn, nhưng tôi không thể giải thích tại sao.
Sau đó, một hôm, trong khi lái xe đi làm, tôi đã có câu trả lời. Jack sáng suốt và công bằng đến mức anh luôn nhìn cả hai mặt của mọi vấn đề. Anh trằn trọc trước cả những vấn đề nhỏ nhất, và có biệt tài khiến chuyện bé xé ra to.
Craig thì hoàn toàn ngược lại. Như một chú chó săn Rottweiler nhằm vào điểm yếu là cổ họng, anh hoàn toàn tập trung vào việc mình phải làm. Anh có thể lấy những dữ liệu dường như đối lập và dung hòa chúng trong một câu trả lời đúng rành rành. Cách nói chuyện của anh đơn giản và không hoa mỹ, đôi khi bỗ bã. Anh có biệt tài khiến những việc phức tạp trở nên đơn giản.
Câu chuyện kết thúc tốt đẹp cho cả hai phía. Craig trở thành CEO thành công nhất trong lịch sử công ty. Hơn nữa, hoàn toàn không thất vọng, Jack rất mừng khi có một lý do chính đáng để rời công ty. Anh tham gia vì cảm giác có nghĩa vụ với gia đình, nhưng thực tâm anh lại không muốn vậy. Sau khi rời đi, anh đã có một sự nghiệp mới đáng nể, và cuối cùng quay lại công ty gia đình với tư cách một giám đốc.
Thiên tài trong sự đơn giản
Trong cuốn sách bán chạy nhất The Social Animal (Loài động vật xã hội) của David Brooks, một nhân vật đã nói về điểm chung mà những người ở trên đỉnh cao đều có: “Họ không nổi bật vì sự thông minh đặc biệt. Họ không có những hiểu biết quá sâu sắc hay các quan điểm sáng tạo. Nếu có một đặc điểm mà những người giỏi nhất đều có, đó là năng khiếu đơn giản hóa. Họ có khả năng biến một tình huống rắc rối trở nên đơn giản.”
Những chiến lược kinh doanh tốt nhất luôn đơn giản, hướng công ty tới những khách hàng cốt lõi, xây dựng bền chặt hơn mối quan hệ với họ, và chỉ cung cấp các sản phẩm họ muốn.
Khi Alan Mulally lên nắm quyền điều hành công ty Ford Motor vào năm 2006, ông đã thừa hưởng một đế chế rực rỡ với quá nhiều mẫu xe và thương hiệu. Những người tiền nhiệm đã tự hào sản xuất hàng loạt các thương hiệu xe nổi tiếng nhất trên toàn thế giới, bao gồm Aston Martin, Jaguar, Land Rover và Volvo. Mulally bán hết chúng đi. Sau đó, ông hướng sự chú ý tới số mẫu của Ford, ở con số hơn một trăm. Tại thời điểm tôi viết điều này, con số đó đã giảm xuống còn 30 và đang tiếp tục xuống nữa. “Bạn không thể tin được sự khác biệt mà điều này [đơn giản hóa] đã tạo ra”, ông nói.
Tôi thì thấy nó không hề khó tin. Sự thật là, tôi nghĩ Mulally vẫn có thể giảm tiếp được. Các công ty sẽ thành công khi tập trung vào 20% những gì đơn giản nhất – phần cốt lõi đặc trưng và chân thực nhất, 1/5 những gì họ có và họ làm. Những nhà quản lý cũng nên dồn toàn bộ sự tập trung vào 20% đơn giản nhất, đặc trưng nhất và chân thực nhất của những gì mình làm. Và chỉ một thứ nên được tập trung làm tại một thời điểm.
Các vận động viên ngôi sao có một trí óc yên bình hơn các vận động viên hạng hai, vì họ có thể lọc những thứ vớ vẩn khiến cho khả năng tính toán của trí óc bị chặn lại. Trí óc của họ đã được mặc định sẵn, để họ có thể làm những động tác phức tạp mà không cần những nỗ lực có nhận thức.
Nhưng điều này không dễ đạt được, đây cũng là lý do tại sao không có nhiều vận động viên ngôi sao, hay nhiều nhà quản lý ngôi sao. Những nhà quản lý như Jack thường nhiều hơn Craig. Các nhà quản lý thích sự phức tạp. Bản năng khiến họ thích những thứ rối tung hơn là đơn giản. Việc quản lý lâu năm vẫn thiên về dân tài chính hay kỹ thuật, và các vấn đề thú vị nhất trong kỹ thuật và toán học cũng là những thứ phức tạp nhất. Các nhà quản lý thích sự không chắc chắn và giữ cho các lựa chọn của mình rộng mở. Như cây bút châm biếm Henry L. Mencken đã nói: “Người ngu si thì luôn chắc chắn, và người chắc chắn lại luôn ngu si.” Trái ngược với những gì thường thấy, những nhà quản lý rất ít khi ngu si.
Gần như họ sẽ làm bất cứ thứ gì để tránh sự nhàm chán. Và càng thông minh thì họ càng dễ sa vào điều này. Đó là lý do tại sao họ phí thời gian vào những việc vụn vặt. Đó là lý do vì sao các dòng sản phẩm được mở rộng, các khách hàng nhỏ lẻ được chăm chút, các tổ chức rối như mỳ Ý, và các dự án mới không được quan tâm đúng mức, bất kể giá trị và tiềm năng của chúng. Một thứ mới và khác biệt có tiếng vang. Ít hơn 20% các sáng kiến dẫn tới 80% lợi ích. Tuy vậy, số dự án mới ngày càng nhiều, nhưng cuối cùng cũng chỉ như muối bỏ bể.
Hãy từ bỏ tất cả những điều này, biến công việc trở nên đơn giản, đi ngược lại với phong cách quản lý thông thường.
M. Scott Peck mở đầu cuốn sách The Road Less Traveled (Con đường ít người đi) bằng cách nói đơn giản: “Cuộc sống rất khó khăn.” Ông nói, các vấn đề xuất hiện khi chúng ta nghĩ rằng cuộc sống phải là dễ dàng, và phát hiện ra nó không phải như vậy. Nếu chúng ta dự đoán là nó sẽ khó khăn, chúng ta sẽ chuẩn bị tâm lý để đối đầu và vượt qua các thử thách.
Sẽ có sự khác biệt to lớn một khi bạn thừa nhận rằng, mình thích sự rắc rối. Nhiều nhà quản lý dày dạn kinh nghiệm khẳng định rằng, mình là người đơn giản, thích sự đơn giản. Đó thường chỉ là ra vẻ mà thôi. Rất ít nhà quản lý thông minh thiên về sự đơn giản. Cần có đầu óc thiên tài để làm điều này, và thiên tài đó trước tiên phải trải qua sự phức tạp cực độ. Ví dụ như Albert Einstein, ông đã sử dụng việc so sánh ẩn dụ của các xe điện và đoàn tàu để giải thích thuyết tương đối, nhưng ông đã nói rằng, chưa đến 12 người trên thế giới có thể hiểu trọn vẹn học thuyết của mình.
Câu khẩu hiệu: “Hãy cứ đơn giản thôi, đồ ngốc” lại sai lầm. Trong bất cứ công ty nào trên thế giới nói chung, hầu hết mọi thứ không đơn giản một cách tự nhiên. Bạn phải làm cho chúng đơn giản. Đó là một cuộc chiến kéo dài, một cuộc tranh chấp mà bạn ở thế bất lợi. Hãy thử chỉnh sửa một dòng sản phẩm và chuẩn bị tinh thần đón nhận những rắc rối theo sau đó.
“Khách hàng này yêu cầu đóng gói khác.”
“Chúng ta nên cung cấp nhiều lựa chọn hơn nhỉ?”
“Chúng ta cần kích cỡ lớn hơn.”
“Tôi sẽ đưa nó đi một bước xa hơn nữa.”
Nghe có vẻ là điều ai cũng biết. Nhưng sự thật là, trong khi điều đó khá quen thuộc, nó lại không hợp lý chút nào. Rắc rối sẽ đi kèm cái giá phải trả – những thứ luôn bị che giấu và lu mờ.
Tất nhiên, một số vấn đề như nguồn gốc vũ trụ, hoặc cách để tiêu diệt chiến tranh và đói nghèo, thực sự phải phức tạp. Điều đáng buồn là không có câu trả lời đơn giản nào cho chúng. Albert Einstein đã nói: “Mọi thứ nên được làm cho đơn giản hết mức có thể, nhưng không nên đơn giản hơn thế.” Oscar Wilde1 đã nhận xét: “Sự thật đơn giản và thuần khiết lại rất hiếm khi đơn giản và không bao giờ thuần khiết.” Henry L. Mencken đã viết: “Mọi vấn đề đều có một giải pháp, nó đơn giản, gọn gàng và sai lầm.”
1 Oscar Wilde (1854–1900): Nhà thơ, nhà viết kịch người Ireland.
Và chắc chắn là, các công ty cũng phải đối mặt với các vấn đề phức tạp, nguyên nhân và hệ quả thường không thể bị tách rời. Nhưng chúng ta không nên ôm đầu tuyệt vọng chỉ vì những rắc rối đó. Không phải tất cả đều có thể biến thành đơn giản hơn, nhưng bạn có thể tập trung vào một vài thứ quan trọng, nơi mà sự đơn giản sẽ giải phóng bạn. Lấy ví dụ trong chiến lược kinh doanh, một số quy luật cực kỳ hữu dụng thường sẽ đúng.
Khi bạn bị cản đường bởi rắc rối, việc nhớ lại một số hiểu biết từ Nguyên lý 80/20 sẽ giúp ích cho bạn:
• Sự khác biệt sẽ dẫn tới lợi nhuận và dòng tiền lớn hơn.
• Một công ty ngôi sao – người dẫn đầu trong một lĩnh vực nhỏ có sức phát triển cao – là rất sáng giá.
• Các công ty dẫn đầu nên có lợi thế về mặt chi phí thấp nhưng giá cả cao hơn đối thủ cạnh tranh.
• Hầu hết các công ty có thể cắt giảm thời gian cần thiết để đưa sản phẩm tới tay người tiêu dùng.
• Hầu hết các công ty chỉ xuất sắc ở một vài lĩnh vực.
• Một vài khách hàng và dòng sản phẩm đem lại phần lớn giá trị cho công ty.
• Tiền mặt thì quan trọng và có giá trị thực, nhưng lợi nhuận chỉ là sự tưởng tượng của kế toán. Tập trung vào tiền mặt thay vì lợi nhuận sẽ giúp tránh các thảm họa và xây dựng giá trị lâu dài chắc chắn hơn. Thường thì một vài sản phẩm tạo ra phần lớn dòng tiền cho công ty, trong khi hầu hết số còn lại làm công ty mất tiền. Do đó, việc tập trung vào dòng tiền sẽ củng cố nhu cầu chọn lựa và sự đơn giản mà nó đem lại.
• Các nhà quản lý cũng giống như các công ty – họ chỉ nên tập trung vào số ít những thứ họ làm xuất sắc.
Trong khi sự thật là, hầu hết các vấn đề có nguyên nhân khó nắm bắt, thì bạn không được nản chí trong việc tìm giải pháp. Đừng nhắm vào những vấn đề khó khăn rõ ràng, dù cho chúng có vẻ thú vị và thử thách trí tuệ đến thế nào. Có 5% những vấn đề “nguy hiểm” sẽ đòi hỏi đến 95% công sức của bạn để giải quyết (hoặc chúng thật sự không thể giải quyết nổi). Hãy để những việc đó cho các thầy tu và giáo sư. Hãy nhắm vào các vấn đề mà bạn nghĩ là có cách giải quyết đơn giản. Hãy xác định những điều quan trọng có thể được đơn giản hóa. Nếu một vấn đề đã làm bạn đau đầu trong thời gian dài, hãy kệ nó, hoặc cho tiềm thức của bạn giải quyết nó trong khi bạn tập trung vào một thứ có nhiều khả năng thành công hơn (hãy xem “Sự quan tâm và sức mạnh tiềm thức” trong Cách thứ tư).
Sự đơn giản trong hành động
Tôi đã từng chứng kiến sự đơn giản hóa trong một công ty môi giới bảo hiểm đa quốc gia. Một vài trong số những dự án kinh doanh của công ty đó rất thành đạt, nhưng lợi nhuận ở Anh thì sụt giảm. Một anh chàng có bằng MBA loại giỏi đã được thuê – một nhà quản lý thông minh và dễ gần – nhưng anh không thể giải quyết được vấn đề, do đó anh đã thuê đội của tôi làm cố vấn quản lý. Chúng tôi làm được một nửa công việc và rất bối rối khi anh chàng đó bị đuổi việc.
Công ty đã điều xuống một giám đốc điều hành người Scotland từ trụ sở về để thanh tra. Sau một buổi sáng nói chuyện với đồng nghiệp, ông khiến chúng tôi sửng sốt với câu trả lời: “Đó là sự phát triển không có lợi nhuận. Các anh có thể phân tích nhưng tôi nghĩ thế này. Tất cả các dòng sản phẩm mà chúng ta tự hào ra mắt, đã gây xáo trộn cho những việc từng đem lại lợi nhuận cho ta. Hãy bỏ các sản phẩm mới đó đi, quay lại những thứ cơ bản, và lợi nhuận sẽ tăng vọt. Ít nhất đó là tiên đoán của tôi.”
Tiên đoán của ông hoàn toàn chính xác. Chỉ với cụm từ – “sự phát triển không có lợi nhuận” – ông đã đơn giản hóa một thứ tưởng như không thể và cho mọi người biết phải làm gì với nó.
Nằm trong trung tâm của sự đơn giản là khả năng tiếp cận. Mục tiêu của việc biến một thứ trở nên đơn giản là để khiến nó có thể tiếp cận được với tất cả mọi người, có nghĩa là làm cho nó dễ hiểu và có giá cả phải chăng.
Lấy ví dụ, một nhóm các nhà khoa học tại Đại học Cambridge đã tạo ra một chiếc máy tính và bàn phím có giá chỉ 25 đô la. Đúng, hai mươi lăm đô la! Nó có tên Raspberry Pi, có kích cỡ của một chiếc thẻ tín dụng, và có thể kết nối với một chiếc tivi. Nó có thể được dùng để đánh máy, xử lý các bảng số liệu, chơi game và các ứng dụng thông thường khác của máy tính. Mục đích ban đầu của họ là tạo ra một chiếc máy tính, để hàng triệu trẻ em trên thế giới có thể học lập trình căn bản, nhưng nó thu hút sự quan tâm to lớn từ chính phủ của các nước đang phát triển, các bệnh viện và bảo tàng.
Sự đơn giản đòi hỏi hiểu biết sâu về bản chất cốt lõi của một sản phẩm. Lấy ví dụ, khi thiết kế máy tính bảng iPad, Steve Jobs đã “thúc đẩy để hướng tới sự đơn giản thuần khiết nhất” và quyết định rằng, màn hình hiển thị chính là cốt lõi của chiếc máy. Vì vậy nguyên lý dẫn dắt là, mọi thao tác người dùng thực hiện đều phải đi từ màn hình. “Làm cách nào để không có một đống tính năng và nút bấm làm người dùng sao lãng khỏi màn hình?” Jony Ive Trưởng bộ phận phát triển của Apple đã hỏi như vậy. Ở mọi bước, Steve Jobs đều yêu cầu loại bỏ và đơn giản hóa.
Sự đơn giản gắn liền với vẻ đẹp và cũng không quá xa vời về mặt kinh tế. Con đường đơn giản hóa và tạo ra một thị trường số đông là đón nhận nghệ thuật và cắt giảm chi phí. Steve Jobs đã làm điều này một cách cực kỳ thông minh với các máy tính xách tay và thiết bị nhỏ hơn của mình, Henry Ford thì làm với những chiếc ô tô, George Eastman1 làm với nhiếp ảnh, và Andy Warhol2 làm với thiết kế. Thiết kế và nghệ thuật rất cần thiết cho sự đơn giản hóa và thị trường số đông. Xét cho cùng, những họa sĩ làm việc gì? Họ đơn giản hóa hiện thực trong khi tạo ra một thứ thu hút hơn.
1 George Eastman (1854–1932): Nhà sáng lập hãng máy ảnh Eastman Kodak.
2 Andy Warhol (1928–1987): Họa sĩ, nhà sản xuất phim người Mỹ, ông là người tiên phong của phong trào pop art.
Steve Jobs hiểu được mối quan hệ mật thiết giữa sự đơn giản, vẻ đẹp, nghệ thuật, khả năng tiếp cận và cắt giảm chi phí. Ông nghĩ về bản thân mình như một người họa sĩ, đồng thời khuyến khích đội của mình nghĩ giống vậy. Ông đưa họ đến triển lãm thủy tinh của Louis Tiffany, tại bảo tàng Mỹ thuật Metropolitan ở New York, để chứng minh rằng việc sản xuất hàng loạt các tác phẩm nghệ thuật tuyệt vời là điều hoàn toàn khả thi. Nếu bạn muốn đơn giản hóa sản phẩm, bạn cần những họa sĩ và nhà thiết kế cùng với các kỹ sư, và các kỹ sư có suy nghĩ như họa sĩ và nhà kinh tế.
Cách đơn giản hóa công việc của bạn
Bản chất của việc đơn giản hóa là nắm được điều gì quan trọng và điều gì không trong một bức tranh phức tạp, sau đó là giảm thiểu nó xuống thành một thứ dễ hiểu và dễ nhận biết. Theo Nguyên lý 80/20, phần lớn mọi việc là không quan trọng. Vì vậy, thử thách ở đây là tìm ra những phần nhỏ thiết yếu và đáng để mắt tới trong bức tranh, sau đó tóm tắt hiểu biết trong một câu ngắn gọn, hoặc một sản phẩm trực quan và dễ sử dụng. Một phần lớn của đơn giản hóa nằm ở giao tiếp – thông qua bản thân sản phẩm, thương hiệu và sự quảng bá đi kèm.
Vấn đề là phải có một số sự cộng hưởng về mặt cảm xúc; một thứ hoàn toàn trí tuệ hoặc lý trí sẽ không có hiệu quả. Một sản phẩm phải có sự thu hút đơn giản bề ngoài như đẹp, dễ thương, thông minh hoặc giống như một thứ đẹp đẽ trong tự nhiên. Sẽ tuyệt hơn nếu sản phẩm có tiến bộ về kỹ thuật nhưng trông vẫn giống như đời trước. Đó là lý do tại sao mà những chiếc xe ô tô cổ có hình dáng giống như xe ngựa kéo, máy bay trông gần như tàu hỏa và máy tính xách tay có một màn hình rời. Đó cũng là lý do tại sao người Pháp, khi lần đầu thấy khoai tây lại gọi nó là pomme de terre (một quả táo của đất).
Ba cách khiến việc đơn giản hóa dễ dàng hơn
1. Sử dụng các câu chuyện để đạt được hiểu biết về ý tưởng cho bản thân và truyền đạt nó cho những người dùng tiềm năng. Một lời dẫn gồm ba cảnh sẽ rất hữu dụng. Lấy ví dụ: đây là nơi mà công ty bắt đầu và có tiếng tăm (quá khứ); đây là nó hiện tại – quá rắc rối và kém thành công hơn (hiện tại); và đây là cách để quay lại điều căn bản và giúp công ty tập trung vào điều cốt lõi của nó – số ít các giá trị, sản phẩm, khách hàng và công nghệ tốt nhất (tương lai).
2. Sử dụng tranh có lời – một vài từ tạo nên một hình ảnh đáng nhớ trong tâm trí. Một điều nhàm chán lặp đi lặp lại nhưng ảnh hưởng trực tiếp đến tiền bạc là “một bức tranh đáng giá cả ngàn từ ngữ.” Chúng ta thích xem tranh cũng như thích các câu chuyện. Nếu ai đó hỏi bạn ở đâu khi nghe về vụ 11 tháng Chín, bạn sẽ gần như chắc chắn suy nghĩ dưới dạng một bức tranh. Tôi có thể nhớ lại phòng khách sạn trên một hòn đảo ở Hy Lạp, tôi có thể nhớ rõ nội thất và cách trang trí, thì chẳng có lý do nào mà tôi lại không nhớ hình ảnh của những chiếc máy bay lao vào tòa tháp đôi. Nếu bạn sử dụng một bức tranh có lời, ý tưởng sẽ trở nên sống động, và việc khán giả nghĩ về hình ảnh sẽ tạo ra một kết nối giữa họ và bạn. Tại sao chúng ta thích xem phim hoạt hình? Vì các hình ảnh được truyền tải một cách đơn giản và súc tích hơn một đoạn văn như thế này.
3. Sử dụng một trong những cách đơn giản hóa cung cấp bởi Nguyên lý 80/20 – ví dụ như: các công ty xuất sắc ở một số hoạt động và bình thường ở hầu hết những hoạt động còn lại. Hãy thử một trong các kiểu sau:
• Chúng ta đã xa rời các sản phẩm và khách hàng cốt lõi, cũng như bản sắc cốt lõi của chúng ta. Chúng ta đã làm phức tạp một cách không cần thiết công thức đơn giản của mình và khiến nó khó đạt được. Chúng ta có quá nhiều sản phẩm và khách hàng mới, cả hai đều có sự khác biệt không lớn nhưng cần thiết với những sản phẩm và khách hàng cũ.
• Chúng ta đã khiến tổ chức trở nên quá phức tạp.
• Phát triển thương hiệu lại khiến thương hiệu nhạt nhòa hơn. Các khách hàng không còn biết ta đại diện cho thứ gì.
• Chúng ta đang chịu đựng sự phát triển không có lợi nhuận. Một mô hình kinh doanh nhỏ và đơn giản hơn sẽ tốt hơn.
• Giá cả của chúng ta quá phức tạp. Khách hàng không thể hiểu được, và một số người cho là nó không công bằng. (Nhân tiện, ngành nào có cơ cấu giá cả phức tạp nhất? Câu trả lời: ngành hàng không. Và ngành nào đầu tư rất nhiều chỉ để nhận lỗ nhiều hơn lãi trong vài thập kỷ gần đây? Câu trả lời: ngành hàng không. Trùng hợp nhỉ?)
• Hãy củng cố những trụ cột của chúng ta – số ít sản phẩm, dịch vụ, khách hàng và những người đem lại phần lớn (hoặc tất cả) tiền bạc và giá trị thật. Hãy biến những phần thiết yếu này lớn lên 10, 100 hoặc 1000 lần.
Thay đổi hiện thực
Hiện thực luôn phức tạp, với vô số dữ liệu, cốt truyện chính và cốt truyện phụ – đấy là sau khi có người đã đặt ra luật lệ cho sự hỗn loạn rồi. Tất cả những người kể chuyện, biên tập viên, nhà sử học, chính trị gia và nhà phân tích đều xoay xở tìm cách đơn giản hóa quá khứ và hiện tại. Dấu hiệu của một nhà lãnh đạo tuyệt vời là anh ấy hay cô ấy có thể nói một cách đơn giản mà người nghe vẫn nắm bắt được thông điệp mạnh mẽ và hành động theo đó. Không thể tránh khỏi là việc đơn giản hóa luôn có một yếu tố của sự bóp méo; nhưng những sự bóp méo của một nhà lãnh đạo tuyệt vời sẽ hướng tới một cách hiểu mang tính xây dựng hiện thực, khiến cho người nghe biết cách vượt qua chướng ngại vật.
Người kiểm soát những cách hiểu về quá khứ cũng kiểm soát tương lai.
Lịch sử đã cung cấp rất nhiều ví dụ hay về việc thay đổi, đơn giản hóa hiện thực phức tạp.
Ví dụ như: Khi cuộc nội chiến Mỹ gần kết thúc với chiến thắng của phe miền Bắc trong một trận chiến đẫm máu và chua xót, thì bất cứ cách hiểu nào cũng có vẻ hợp lý như nhau. Đây có phải là chiến thắng của miền Bắc công nghiệp trước miền Nam nông nghiệp, thể hiện hướng đi của nền kinh tế Mỹ trong thế kỷ tiếp theo? Đây có phải là cuộc xung đột về việc xóa bỏ chế độ nô lệ? Đây có phải là sự giới hạn sức mạnh của từng bang nói riêng, hay là sự nhấn mạnh về quyền lực của Liên minh?
Tất nhiên, cuộc nội chiến liên quan đến những điều đó và hơn thế nữa, nhưng liệu nó sẽ được nhớ tới như một cuộc xung đột tàn bạo và vô nghĩa, thứ sẽ dẫn tới một vài cuộc nội chiến nữa, hay một thứ mang tính kết thúc – theo một vài cách khó nắm bắt – cao quý và đầy tính xây dựng?
Vào ngày 19 tháng Mười một năm 1863, hai bài phát biểu đã được đọc trong lễ tưởng niệm tại nghĩa trang Quốc gia Hoa Kỳ tại Gettysburg. Bài diễn văn về Gettysburg “thật” kéo dài hai tiếng do Edward Everett đọc, một diễn giả ấn tượng đã từng là Thống đốc bang Massachusetts, Ngoại trưởng Mỹ, và hiệu trưởng Đại học Harvard. Bài phát biểu của ông được đón nhận tốt vào hôm đó, nhưng về sau nó chìm nghỉm không để lại dấu vết. Nó quá dài và không đáng nhớ.
Sau khi Everett kết thúc, Tổng thống Abraham Lincoln chỉ nói trong có hai phút. Nếu bạn là người Mỹ, chắc bạn sẽ thuộc nằm lòng những câu từ của ông – và đó cũng chính là điều tôi muốn nói. Ông bắt đầu với câu: “Tám mươi bảy năm trước, cha ông ta đã dựng nước trên mảnh đất này, bắt nguồn từ khao khát tự do, và dốc lòng trong niềm tin rằng, mọi người sinh ra đều bình đẳng.” Ông kết thúc bằng câu: “Chính tại nơi đây, chúng ta quyết tâm để họ không hy sinh vô nghĩa, đất nước này, dưới bàn tay Chúa sẽ có một nền tự do mới, và một chính quyền của dân, do dân, vì dân sẽ không bao giờ biến mất trên đất này.”
Thông điệp rất đơn giản – và mang tính đơn giản hóa. Cuộc nội chiến là nhằm đạt được mục đích tự do và dân chủ. Ít nhất, hiện nay thì là vậy, kể cả khi lúc đó mọi thứ không như thế. Bạn có thể thấy Lincoln là một bậc thầy. Ông nói rằng, cuộc chiến kinh khủng này cũng có vai trò khai sáng định mệnh cho nước Mỹ. Ông mở đầu với sự khai sinh của dân chủ và kết thúc với sự tái sinh của nó, thu hút người nghe bằng những thuật ngữ thẳng thắn, ít ỏi với các từ thể hiện ý tưởng tự do và nhiệm vụ phi thường của nước Mỹ. Ông thậm chí còn không cần nói lên hệ quả tất yếu – rằng nô lệ sẽ được giải phóng.
Sự đơn giản hóa không chỉ về các vấn đề lớn trong xã hội và việc kinh doanh của chúng ta. Nó còn có mặt trong chính chúng ta – trong từng người. Nó liên quan tới việc truyền đạt và tái truyền đạt quá khứ của chúng ta, đưa ra những kết luận về tương lai, gỡ rối cuộc sống hàng ngày, và nhận ra rằng trí óc ta có thể hoạt động hiệu quả dựa trên chỉ một vài thông điệp thực sự hiệu quả. Kiểu đơn giản hóa cá nhân này không cao siêu, cũng không phải là đam mê – chúng ta cần cho đầu óc mình những thông điệp đơn giản nếu chúng ta muốn sống siêu hiệu quả.
Những thông điệp của bạn là gì? Bạn có thể tự tìm cho bản thân mình. Nhưng tôi thấy rất hiệu quả khi tự nói với bản thân những điều sau:
• Bạn có một năng khiếu về đơn giản hóa. Hãy sử dụng nó!
• Đơn giản hóa thực tế công việc quanh bạn. Hãy thống nhất đội của mình để theo đuổi một mục tiêu đơn giản duy nhất.
• Đơn giản hóa cuộc sống và các ý định của bản thân.
• Cuộc sống đầy những thứ gây sao lãng. Cuộc sống là một thứ gây sao lãng. Chiến thắng sẽ không thuộc về những người nhiều hiểu biết nhất hay thông minh nhất, mà thuộc về những người tập trung nhất, những người quan tâm nhiều nhất, những người biết rõ về thứ mà họ quan tâm, và những người dám quyết định và hành động khi đối mặt với sự hoang mang, không chắc chắn, để thực hiện một số ít các mục tiêu đơn giản.
• Tại bất kỳ thời điểm nào, hãy có một mục tiêu chính và tập trung vào nó.
• Hãy bắt đầu ngày làm việc với một nhiệm vụ đơn giản. Đừng lo về bất cứ thứ gì khác.
• Tránh các dự án trừ khi chúng có một mục đích đơn giản.
• Hãy sắp xếp các buổi họp để đưa ra một quyết định đơn giản. Khi quyết định đó đã được thống nhất thì hãy kết thúc buổi họp.
• Giảm thiểu các vấn đề phức tạp xuống thành đơn giản mà ai cũng có thể hiểu.
• Giảm thiểu 80% bất cứ dòng sản phẩm hay dịch vụ nào, giống như Dick và Mac McDonald1 đã làm vào những năm 1940, đơn giản hóa tiệm cà phê và sáng tạo ra nhà hàng hamburger, không có người phục vụ và chỉ có một vài món trên thực đơn.
1 Richard và Maurice McDonald: Hai nhà sáng lập của chuỗi nhà hàng ăn nhanh McDonald’s.
• Nếu bạn đang nghĩ tới việc sáng tạo ra một sản phẩm hay dịch vụ đơn giản, hãy tìm một thị trường bị thống trị bởi các món hàng rắc rối. Nếu bạn nghĩ rằng điện thoại di động thật vớ vẩn, hãy sáng tạo ra một thứ tốt và đơn giản hơn, như Steve Jobs đã làm. Nếu bạn nghĩ đồ nội thất quá đắt, lỗi thời và chỉ có thể được làm bởi những người thợ thủ công tốn kém, hãy sáng tạo ra những món đồ giá cả phải chăng, thiết kế hiện đại và có thể được lắp ráp dễ dàng, như IKEA đã làm. Nếu bạn nghĩ các nhà hàng sang trọng cầu kỳ, giả tạo và khó chịu, hãy mở một thứ gì đó điên rồ, dễ tiếp cận và thân thiện, như Terence Conran đã làm. Thị trường càng không được phục vụ tốt, sản phẩm của nó càng rắc rối thì bạn càng có lợi.
• Định nghĩa bản chất cốt lõi của bất cứ sản phẩm hay dịch vụ nào. Hãy làm rõ mục đích trong một câu khẩu hiệu là gì? Lợi ích duy nhất và quan trọng nhất của sản phẩm đối với khách hàng là gì? Đặc điểm quan trọng nhất của nó là gì? Hãy loại bỏ hoặc giảm thiểu những thứ không quan trọng đối với các mục tiêu và đặc tính cốt lõi.
• Tiêu chuẩn hóa quy trình sản xuất, nguyên liệu và giao hàng của sản phẩm hay dịch vụ. Hãy làm nó một cách rẻ nhất và đơn giản nhất có thể, thường có nghĩa là bạn phải thuê ngoài làm.
• Phát triển những hệ thống tự động – đèn đường là một ví dụ có từ rất sớm.
• Loại bỏ những việc phải thực hiện lại. Làm các nhiệm vụ đơn giản đến mức không thể mắc lỗi.
• Mỗi khi thêm một thứ, hãy loại bỏ hai thứ khác. Ví dụ như, khi ai đó được thêm vào đội, hãy bỏ đi hai thành viên hiện có.
• Yêu cầu với mọi sản phẩm, mọi quy trình, mọi thứ mà bạn và đồng nghiệp làm, “Làm sao chúng ta có thể khiến nó đơn giản hơn?” Nếu bạn không thể nghĩ ra câu trả lời, thì bạn đang thiếu trí tưởng tượng đấy!
• Khiến quy trình suy nghĩ của mình trở nên đơn giản và rõ ràng hơn. Hãy tìm một nhà quản lý hiệu quả, đơn giản hóa và bắt chước những điều anh ta làm. Đừng phân tích quá kỹ. Hãy giải quyết phần nhỏ của vấn đề mà đem lại hầu hết giải pháp cho bạn. Hãy đi đường thẳng chứ đừng đi đường vòng. Chỉ làm một việc một lúc – đó là điều quan trọng nhất.
Sự đơn giản trong tổ chức
Sự đơn giản cũng rất quan trọng trong cách mà công ty tự tổ chức và cách những nhà quản lý liên hệ với đồng nghiệp. Những nhà quản lý lâu năm thường hay phức tạp hóa tổ chức bằng cách tham gia vào quá nhiều việc. Họ khăng khăng đòi các báo cáo thường xuyên và chi tiết từ những quản lý cấp dưới, việc đó rất tốn thời gian và làm giảm tinh thần. Họ tạo ra các hội đồng và lực lượng, để tìm kiếm sự tương thích có thể không tồn tại giữa các bộ phận, điều đó gây sao lãng cho mỗi đội, cản trở họ làm những việc họ giỏi nhất.
Hãy so sánh điều đó với cách làm của Warren Buffett, ở Berkshire Hathaway, nơi ông làm CEO từ năm 1970.
Những nhà quản lý có thể tập trung vào việc điều hành của mình: Họ không phải chịu áp lực đến họp tại trụ sở, lo lắng tài chính hay sự quấy rầy từ phố Wall. Họ chỉ đơn giản nhận một bức thư của tôi hai năm một lần… và gọi tôi khi cần. Và những mong muốn của họ thực sự khác nhau. Có những nhà quản lý điều hành việc kinh doanh của Berkshire mà cả năm tôi không nói chuyện, trong khi có những người tôi nói chuyện hàng ngày. Sự tin tưởng của chúng tôi nằm ở con người hơn là quy trình. Triết lý “tuyển người tốt, quản lý ít” thích hợp với cả họ và tôi.
Sự đơn giản hóa là nghệ thuật quản lý bị bỏ qua nhiều nhất, một phần do nó quá khó để đạt được. Bạn sẽ phải đối đầu với văn hóa làm việc, cũng như các thói quen gây phức tạp của mình. Nhưng việc đơn giản hóa sẽ làm bạn hài lòng. Nó lấy đi hiện thực bừa bộn và rút ra số ít những thông tin và cảm hứng thiết yếu từ đó. Theo Nguyên lý 80/20, nó đúc rút từ hiện thực để có thể kiểm soát được, nhưng cũng để số ít sự thật và mục tiêu thiết yếu trở nên sống động và đáng nhớ, mang mọi người lại với nhau để đưa ra một giải pháp mới. Nó giải phóng sự hiểu biết và chia sẻ cam kết.
Khi bạn trở thành một người đơn giản hóa hiệu quả, bạn sẽ là một nhà lãnh đạo tuyệt vời.
Dù cho sự đơn giản hóa đi ngược lại với những văn hóa làm việc đang tồn tại thì hầu hết những nhà quản lý ít nhất cũng có thể trân trọng lợi thế mà nó đem lại.