M
ặc dù hơi khó nghe một chút nhưng để mở cửa hàng riêng thì sẽ có một việc không thể không làm, đó chính là tiết kiệm tiền một cách có kế hoạch.
Tôi chẳng bao giờ mang theo sổ sách bên người, cũng rất ghét các bảng lịch trình làm việc. Thế nhưng tôi nghĩ bắt buộc phải có kế hoạch tiết kiệm tiền, nếu muốn tự mở một cửa hàng.
Nếu bạn đang sẵn làm việc ở cửa hàng kinh doanh ăn uống rồi thì có thể ăn luôn theo suất nhân viên, vậy là một tháng cũng sẽ tiết kiệm được kha khá. Chỉ cần có khoản tiền tiết kiệm, cộng thêm tiền vay là sẽ đủ tiền vốn để mở một quán nho nhỏ. Đó cũng là điều mà ngày nào tôi cũng nhắc đi nhắc lại với các bạn nhân viên của mình.
Tiền tiết kiệm không chỉ là tiền vốn để mở quán, nó còn là “cột mốc” để khi chúng ta tự đứng ra mở quán thì có thể hình dung cụ thể về quán
Những nhân viên chỗ tôi vốn dĩ chưa từng tiết kiệm được một số tiền lên tới một triệu yên cho đến khi họ đến làm ở quán tôi và bắt đầu tiết kiệm tiền. Vậy nên sau một năm, các bạn đấy đều kinh ngạc khi thấy “Ra là mình tiết kiệm được nhiều thế này cơ à!” Tưởng chừng như một giấc mơ, nhưng nếu cố gắng, bạn nhất định sẽ chạm tới được và biến nó thành sự thật. Ngay cả những nhân viên hồi đầu hãy còn bán tin bán nghi liệu mình có thực sự mở được quán hay không, thì sau khi tách ra tự lập tất cả cũng đã định hình rõ cửa hàng của bản thân trong đầu. Sau đó, ai nấy cũng đều bừng bừng khí thế nỗ lực để tiến gần đến ước mơ mở cửa hàng riêng.
Nếu không có tiền tiết kiệm, bạn sẽ không thể hình dung thấu đáo, tỉ mỉ về cửa hàng mình được. Giống như khi bạn muốn đi du lịch, trước hết nếu không có khoản tiền dự trù, bạn cũng đâu thể lên kế hoạch được đúng không? Chẳng phải bạn sẽ phải quyết định địa điểm đến dựa vào việc bạn có khoảng bao nhiêu tiền để chi tiêu các khoản hay sao? Chẳng hạn, với khoản tiền này thì ta có thể đi Hawaii, rồi khi đã quyết định được địa điểm du lịch cụ thể thì chúng ta mới bắt đầu dần dần tính tiếp đến những khoản chi tiết khác như, ta sẽ nghỉ tại khách sạn nào chẳng hạn. Việc mở cửa hàng cũng giống như vậy đấy.
Nếu bạn tiết kiệm được một triệu yên, bạn có thể làm được việc A, việc B. Nếu bạn tiết kiệm được hai triệu yên thì bạn sẽ có thể làm được thêm việc C, việc D. Cứ như thế, chúng ta sẽ có những tính toán cụ thể dựa trên khoản tiền chúng ta có. Mỗi khi khoản tiền tiết kiệm tăng lên thì chúng ta càng có nhiều cơ hội để mở rộng, nâng cấp hàng quán.
Nếu không có tiền tiết kiệm, dù có dự định bao lâu đi chăng nữa, đó cũng chỉ là những lời nói suông trên bàn giấy. Vậy nên, với những bạn trẻ không tiết kiệm được tiền sau khi làm việc được hai, ba năm thì ý chí, mục tiêu của các bạn ấy đã bị mai một dần đi.
Kể cả sau khi mở được quán, tiền tiết kiệm vẫn rất quan trọng. Khi bạn có tiền, phạm vi những việc bạn có thể làm sẽ rộng mở hơn nhiều, những ý tưởng sáng tạo cũng từ đó xuất hiện nhiều hơn.
Tiết kiệm tiền thật ra không hề khó. Ví dụ, kể từ 12 giờ đêm, tôi sẽ quyết định cho mở cửa hàng đến khi nào bán được thêm 10 nghìn yên nữa. Giả sử hoá đơn lẻ cho mỗi khách hàng là 2 nghìn yên thì chỉ cần có thêm năm khách là đạt chỉ tiêu rồi. Nếu mỗi ngày tôi tiết kiệm được từng ấy tiền, vậy sau một năm tôi sẽ tiết kiệm được khoảng ba triệu yêu rồi.
Nếu muốn tiết kiệm số tiền gấp ba lần trước khi mở quán, ta sẽ phải vô cùng nỗ lực. “Mình có thể làm được gì nhỉ?”, mỗi lần bạn nghĩ như thế là hình ảnh về quán lại ngày càng rõ ràng hơn rồi. Năm sau sẽ phát triển hơn năm nay, năm sau nữa sẽ lớn mạnh hơn năm sau, từ đấy khát vọng tiết kiệm của bạn cũng sẽ ngày càng lớn hơn.
Ngành kinh doanh chính là việc buôn bán. Vậy nên có bao nhiên vốn chính là điều cơ bản của những điều cơ bản. Nếu bạn muốn mở cửa hàng, trước hết bạn phải đặt mục tiêu trong một năm sẽ dành dụm được bao nhiêu. Đó là một bước không thể thiếu trên con đường tự mở cửa hàng.