"Đ
ặt tên quán làm sao nhỉ?” Khi mở quán riêng, mọi người đều vô cùng đau đầu về chuyện này. Có một bạn nhân viên tên là Ryouma khi mở quán cũng gặp tình trạng tương tự.
Suy nghĩ chán chê, cuối cùng cậu ấy bảo hay là lấy tên mình để đặt cho tên quán. Nhưng dù từ “Ryouma” có tô vẽ kiểu gì, nó cũng chỉ khiến người khác nghĩ đến Sakamoto Ryouma1. Nhưng thế thì chẳng có gì thú vị cả. Khi nghe tôi nhận xét thế, cậu ấy liền nghĩ đến cái tên “Bông lúa”. Có vẻ vì cậu ấy muốn mở quán rượu Nhật nên đã nghĩ ra tên quán như thế.
1 Sakamoto Ryouma (3/1/1836 – 10/12/1867): Là một nhà lãnh đạo phong trào chống Mạc Phủ Tokugawa trong thời kì Bakumatsu tại Nhật Bản. Ông còn sử dụng tên khác là Saitani Umetarou trong khi hoạt động bí mật chống lại Mạc Phủ.
Sau đó, cậu ấy muốn làm lô-gô quán nên đã nhờ tôi viết tên quán bằng bút lông. Tất cả lô-gô của các cửa hàng của tôi đều do tôi tự thiết kế, nên nhân viên khi mở quán thường nhờ tôi làm giúp họ. Có điều lần này, từ “bông lúa” viết kiểu gì thì cũng giống lô-gô mấy quán ăn truyền thống của địa phương.
Nhưng chợt tôi nghĩ ra, “Nếu đặt tên quán là ‘Giọt lúa‘ thì sao? Nếu mình viết tên quán bằng hệ thống chữ cái Katakana1 sẽ có gì khác không nhỉ?”
1 Katakana: Một hệ thống chữ cái của Nhật Bản.
Và cuối cùng, tôi không dùng bút lông để viết nữa, chúng tôi sẽ in tên quán với những nét nhỏ hiện đại, tiếp đó thử làm lô-gô kết hợp với dấu chấm tròn màu đỏ tượng trưng cho hình Mặt Trời2, như thế sẽ tạo thành một thiết kế thật thời thượng.
2 Dấu chấm tròn màu đỏ tượng trưng cho hình Mặt Trời, cũng là tượng trưng cho Nhật Bản.
Với tên quán, cái quan trọng là mọi người có thể cảm nhận được tinh thần người chủ muốn truyền đạt
Trong số những nhân viên “tốt nghiệp” ở chỗ tôi, có bạn mở quán tên là “Nước miếng”. Tôi nghĩ đó là một cái tên rất hay. Kể cả những cái tên hoàn toàn không liên quan gì đến đồ ăn, nếu có thể đặt một cách khéo léo thì vẫn sẽ trở nên hấp hẫn. Như bạn nhân viên ngồi xe lăn mà tôi từng kể ở chương trước chẳng hạn, vì quán của cậu ấy ở gần nhà máy nước Tamagawa (玉川) nên cậu ấy đã viết tên quán theo chữ Hán “ 玉川” nhưng lại quyết định cách đọc sẽ là “Tamariba”3. Cậu ấy đã đặt tên quán với ý nghĩa “nơi tụ tập, gặp gỡ”. Thật là một cái tên tuyệt vời!
3 Người nhân viên đã chơi chữ玉川. Giữ nguyên cách đọc tiếng Nhật của từ 玉 là Tama, nhưng 川 (dòng sông) lại dùng từ mượn tiếng Anh, phát âm là “riba”. Như thế, tên quán sẽ đọc là Tamariba, từ đồng âm với “nơi tụ tập, gặp gỡ”.
Bình thường, khi chỉ địa điểm quán cho người khác thì chúng ta thường nói là: “Quán đấy ở chỗ có cửa hàng tiện lợi ấy. Đấy, chính là quán bên cạnh cửa hàng tiện lợi ấy đấy!” đúng không nào? Không biết có cửa hàng nào đã lợi dụng chuyện đấy mà đặt tên quán là “Chỗ bên cạnh đấy” không nhỉ? Trong lúc đề cập đến một loạt tên quán, tôi đã đột nhiên nghĩ như thế.
Ngoài những tên quán mà tôi đã giới thiệu trong cuốn sách này còn có những tên quán của nhân viên cũ quán tôi đã vắt óc suy nghĩ ra, như: tên quán có hiệu quả thẩm mĩ, tên quán được chơi chữ từ tên chủ quán…
Ảnh phía trên là “Choucho” - quán của một nhân viên tên là Chou Suke.
Vì nếu cho tên mình lồng vào tên quán, khách hàng sẽ tự nhiên nhớ được tên chủ quán, như thế thì có thể rút ngắn được khoảng cách giữa mình và khách hàng. Còn bên tay trái là cửa hàng có tên là “Lạc Xuân” được phát âm là “rakuchin”1. Với ý tưởng là “Cửa hàng bạn có thể đến tận mười ngày một tuần”, chủ quán muốn mở quán mà khách hàng có thể đến tận hưởng sự thoải mái, dễ chịu.
1 Rakuchin đồng âm với từ “vui vẻ, thoải mái”. Tên quán Lạc Xuân gồm chữ Lạc: nghĩa là vui vẻ, chữ Xuân ở đây không phải mùa xuân mà cây hoa trà.