Vào dịp cuối năm phần lớn các ca tư vấn nghề nghiệp đều tập trung vào các vấn đề như “Có phải tôi không phù hợp với ngành này không?”, “Có phải tôi nên nhảy việc không?”… Thế nhưng sau buổi tư vấn, người xin tư vấn sẽ phát hiện hóa ra mật mã nghề nghiệp thật sự nằm trong chính quá khứ của bạn.
1.
Khi Tiểu Lan tìm tôi, cô nói mong tôi có thể giúp cô tìm được nghề nghiệp phù hợp với cô.
Tiểu Lan, nữ, học vấn thạc sĩ, hai tám tuổi, tốt nghiệp đại học khoa Văn, tốt nghiệp thạc sĩ ngành Xã hội học, hiện đang làm copy writer cho một công ty đến nay đã được ba năm.
“Bây giờ em định đổi nghề à?” Tôi hỏi.
“Vâng, chị Hiểu Ly,” Tiểu Lan bắt đầu kể, trọng tâm chính là:
Lúc mới vào ngành này thuần túy là vì lương cao, nhưng làm ba năm mới chợt cảm thấy không ổn, đột nhiên phát hiện bản thân hình như không đặc biệt thích nghề này, nhưng cũng không rõ rốt cuộc mình thích nghề gì, thế là tìm đến tôi.
Nghe sự mệt mỏi và hỗn loạn trong cách nói chuyện của Tiểu Lan, tôi biết Tiểu Lan ở đầu bên kia điện thoại đã cố gắng hết mức có thể.
Vậy thì, tình thế hiện nay của Tiểu Lan có thực sự đến mức phải lựa chọn lại từ đầu như cô nói không?
Không đơn giản như vậy.
“Chị Hiểu Ly, hay là chị giúp em phân tích giá trị quan nghề nghiệp, em đọc rất nhiều bài viết của chị đều nói đến chuyện làm trắc nghiệm giá trị quan nghề nghiệp cho người tới tư vấn, em cũng muốn tìm hiểu xem, em cảm thấy chắc chắn là nghề này không tương xứng với giá trị quan của em rồi, nếu không sẽ không xuất hiện tình trạng chán việc như bây giờ.” Tiểu Lan nói.
Tôi không vội cho cô ấy làm trắc nghiệm giá trị quan nghề nghiệp như Tiểu Lan yêu cầu.
“Tiểu Lan, có thể thấy, em đọc rất kĩ mỗi bài viết của tôi, thế nhưng điều tôi muốn biết là em quan tâm đến cái gì hơn? Em đang tò mò tôi sẽ dùng phương pháp gì để tiến hành đánh giá em, hay là thật sự mong muốn có thể nhanh chóng giải quyết vấn đề? Tất nhiên là nếu tôi không nhầm, trước kia chắc chắn em từng làm rất nhiều trắc nghiệm như vậy trên mạng rồi, đúng không.” Tôi nói.
“Đúng ạ, chị Hiểu Ly, lần này em đã chuẩn bị rồi mới tìm chị, chị xem, em đã tổng hợp kết quả đánh giá trước kia rồi, giờ em gửi cho chị liền.” Tiểu Lan nói xong liền gửi file kết quả .
“Có điều những kết quả này dường như không có tác dụng gì, đúng không? Nếu không sao em phải tìm chị?” Tôi từ chối nhận file Tiểu Lan gửi đến,“Nếu muốn thấy được kết quả chân thực nhất, hãy gạt bỏ những đánh giá trong đầu em sang một bên. Nếu coi chỗ tôi là một cửa hàng bán đồ nghề sửa chữa, mục đích em tới cửa hàng không phải là để thảo luận búa, tuốc nơ vít tốt cầm vào có cảm giác thế nào, mà phải làm rõ em cần mua loại đồ nghề nào. Nếu em đồng ý với quan điểm của tôi, chúng ta mới có thể tiếp tục được”.
“Vâng, chị Hiểu Ly, em nghe chị.” Tiểu Lan nói.
2.
Tôi hỏi Tiểu Lan: “Em có từng nghĩ đối với em công việc lí tưởng là như thế nào không?”.
Tiểu Lan trả lời tôi một mạch gần như không chút ngập ngừng: “Hồi thi thạc sĩ, em cảm thấy ý nghĩa lớn nhất trong đời người là giúp đỡ người khác, cho nên em thi ngành Xã hội học. Sau khi tốt nghiệp, qua giới thiệu của một đàn chị, em vào công ty bắt đầu làm công việc hiện tại. Lúc đó em mới ra trường, không hiểu biết nhiều, chỉ đơn thuần nghĩ đã làm thì phải làm cho tốt. Nhưng kiên trì ba năm mới phát hiện nghề này của em hoàn toàn không thể giúp em tiếp xúc với những người có trí tuệ, nói thế này đi, từ khách hàng đến lãnh đạo, đến đồng nghiệp, hầu như toàn những người chỉ quan tâm đến lợi ích, để làm khách hàng vui lòng, họ nói cái gì mà ‘Khách hàng có giày vò tôi nghìn lần, tôi cũng đối xử với khách hàng như mối tình đầu’, như thế chẳng phải là nịnh hót bợ đỡ hay sao? Họ làm thế là việc của họ, nhưng họ còn yêu cầu em cũng phải làm thế. Xin lỗi chứ em học chuyên Trung văn, viết lách còn cần những người này đứng bên cạnh chỉ tay năm ngón hay sao? Em nghĩ kĩ rồi, chủ nghĩa làm lợi cho người, đạt được trí tuệ mới là giá trị quan đích thực của em”.
Tôi vô cùng ngạc nhiên trước những lời Tiểu Lan nói, đột nhiên tôi có dự cảm không lành.
Người tới tư vấn lần này là một người giấu mình rất kĩ.
“Tiểu Lan, từ miêu tả vừa rồi của em, tôi biết chắc chắn em đã chuẩn bị rất kĩ trước khi tới đây, về điểm này quả thực em rất dụng tâm, có điều,” tôi đổi chủ đề, “Căn cứ vào yêu cầu của em khi tìm tới tôi, phải biết là trước khi đổi nghề, chúng ta phải tiến hành đánh giá năng lực, như vậy mới có thể biết được những năng lực nào có thể ứng dụng vào nghề mới, đưa ra đánh giá khái quát về phương hướng đổi nghề sau này. Vậy thì tôi rất muốn biết, trong những trải nghiệm trước kia của em, có việc gì khiến em đến giờ nhớ lại vẫn cảm thấy vô cùng phấn khởi không?”.
“Chị Hiểu Ly, ý chị là sự kiện thành tựu đúng không ạ? Câu hỏi này em cũng chuẩn bị rồi, là thế này, năm đầu tiên đi làm, em đứng ra tổ chức một buổi họp mặt bạn cùng lớp, em ăn mặc thật đẹp, trang điểm tinh tế, tất bật đi lại như con thoi suốt buổi họp mặt, các bạn học đều khen em, nói em tổ chức chu đáo, thú vị hấp dẫn…” Tuy Tiểu Lan nói cô ấy đã chuẩn bị kĩ từ trước nhưng có thể thấy rõ ràng là khi nói những lời này, Tiểu Lan ở đầu kia điện thoại tỏ ra vô cùng phấn chấn.
Đầu óc tôi không ngừng vận động, cái mà Tiểu Lan gọi là cảm giác thành tựu này rốt cuộc xuất phát từ đâu? Có thật là đến từ giá trị quan “làm lợi cho người” như cô ấy nói không?
“Tôi hiểu rồi, Tiểu Lan, thứ mà em khao khát thực ra chính là sự công nhận của xã hội.” Đợi Tiểu Lan nói hết, tôi quả quyết nói.
“Sao có thể thế được? Sự công nhận của xã hội ư? Không thể nào, em hoàn toàn không quan tâm người khác nghĩ gì. Chị Hiểu Ly, chắc chắn chị nhầm rồi.” Tiểu Lan vội vàng phản đối.
Tôi biết bản thân cô ấy chưa từng nhận thức được vấn đề này, tôi cần đợi cô ấy.
“Được rồi, Tiểu Lan, nếu em nói giá trị quan của em là chủ nghĩa làm lợi cho người, tôi có một ý này, em đừng do dự nữa, ngày mai hãy xin nghỉ đi, tìm một đơn vị công ích mà làm việc, với năng lực viết lách và lập kế hoạch của mình, chắc chắn em sẽ cảm thấy mình đạt được thành quả lớn hơn nữa.” Tôi nói.
“Không được, không được,” hiển nhiên là Tiểu Lan không ngờ tôi lại đưa ra một lời khuyên như vậy, “Cơ quan công ích không kiếm ra tiền, em vào đó thì chỉ có nước húp cháo sống qua ngày. Không giấu gì chị, một tháng chỉ riêng tiền nhà, tiền điện nước, tiền ăn tiêu của em phải lên đến bốn, năm nghìn tệ, cơ quan công ích có thể trả lương em bao nhiêu chứ? Còn không đủ tiền cà phê của em”.
Lúc này Tiểu Lan cuối cùng không còn suy nghĩ bằng đầu nữa, mà đang trả lời tôi theo bản năng.
“Thứ em muốn vẫn là được công nhận.” Tôi nói. Tiểu Lan đột nhiên im lặng.
Một lúc sau, tôi nghe thấy tiếng khóc loáng thoáng ở đầu kia điện thoại.
Đợi cô ấy bình tĩnh lại, tôi mới bắt đầu dẫn dắt câu chuyện vào vấn đề nghề nghiệp.
“Giờ nói về công việc của em đi, trong tư liệu của em nói tới đủ những điều khổ sở, vậy tại sao đã ba năm rồi, mà em mãi không chịu bỏ việc?” Tôi đưa ra một câu hỏi rất thực tế.
Cô ấy lại im lặng lần nữa.
“Vì em tự ti,” Tiểu Lan nói chậm lại, “Chị Hiểu Ly, lúc nãy chị nói trúng vấn đề rồi ạ. Em là con nhà nông dân, trong số các anh chị em trong nhà, em không phải là người khôn ngoan nhất, cũng không phải người được cha mẹ yêu quý nhất. Để cha mẹ chú ý đến mình, em bắt đầu phấn đấu học hành, học xong đại học học tiếp thạc sĩ, bây giờ em là người có học vấn cao nhất trong các anh chị em, thế nhưng cho dù như thế, em phát hiện sự tự ti sâu sắc này như bị khắc sâu trong cốt tủy của mình vậy, làm thế nào cũng không xóa đi được. Trong công việc, rõ ràng em có ý tưởng mới hay hơn, nhưng lại cứ lo không đủ hoàn thiện, cứ thế bỏ lỡ hết cơ hội này đến cơ hội khác để thể hiện bản thân. Dần dần, em không dám chấp nhận bất kì thử thách nào nữa, chỉ mong an phận làm tốt công việc quen thuộc…”.
Màn sương mù dày đặc dần dần tan đi.
Cũng có nghĩa là trạng thái làm việc không chút sức sống, như một hồ nước chết của Tiểu Lan hiện nay kì thực là kết quả lựa chọn vừa vô tình vừa cố ý của cô ấy.
Tôi hiểu rồi, lúc đầu Tiểu Lan nói muốn đổi nghề, thậm chí nhảy việc, nhưng với tình trạng trước mắt của cô ấy, thực ra cô ấy hoàn toàn không có can đảm làm thế, cô ấy chỉ dùng chúng làm lá chắn cho sự không thích nghi với nghề nghiệp của bản thân, cô ấy che giấu phần mong manh nhất nhưng cũng chân thực nhất trong lòng mình, bao gồm dục vọng và sự tham lam của cô ấy. Tiểu Lan hiểu rõ rằng bản thân thực ra không có lựa chọn, cô ấy lo người khác chế giễu sự nhu nhược và tự ti của mình, thế là trong lúc hoảng loạn, ra vẻ mình nỗ lực cầu tiến, nhưng thực chất lại không biết nên làm thế nào với cái tôi không dám cất tiếng của mình.
Tôi nói với Tiểu Lan, cảm giác thành quả không phải do tưởng tượng mà ra, bản thân mình phải làm ra nó, giống như năm xưa em chủ động tổ chức họp lớp vậy, sự kiện thành tựu đó cho thấy năng lực tổ chức, năng lực giao tiếp và năng lực phối hợp của em.
Mà phía sau mọi năng lực đều phải được chứng minh bằng sự kiện thực tế, chứ không phải là em tưởng như vậy.
Lần tư vấn thứ hai, trạng thái của Tiểu Lan tốt hơn lần đầu nhiều, dưới sự dẫn dắt của tôi, chúng tôi cùng tiến hành đánh giá năng lực.
Ứng với công việc hiện tại của Tiểu Lan, căn cứ vào nhu cầu công việc, chúng tôi lập ra một kế hoạch nâng cao năng lực.
Khi kế hoạch này được đưa ra, Tiểu Lan thở phào nhẹ nhõm.
Cô ấy nói lần tư vấn này đúng là quá xịn, có hiệu quả hơn hẳn bất kì trắc nghiệm trên mạng nào cô ấy từng làm, mở được nút thắt tích tụ trong lòng cô ấy bao năm qua.
Thực ra người mà cô ấy thực sự cần cảm ơn không phải ai khác mà chính là cô ấy.
Bởi vì cuối cùng cô ấy đã học được cách nhìn thẳng vào bản thân, đó là mấu chốt để sau này cô ấy đạt được cảm giác thành quả.
Cuối cùng chúng tôi lập ra phương án như sau:
Nỗ lực làm tốt công việc của mình, thử bày tỏ quan điểm của bản thân, đây là bước thứ nhất;
Sau khi bày tỏ quan điểm xong sẽ nhận được phản hồi, từ trong các phản hồi này, tìm thấy ưu thế của mình, phát hiện khuyết điểm của mình;
Phát huy năng lực giao tiếp, chủ động làm quen với những đàn anh đàn chị ưu tú trong công ty, học tập bí quyết của những người thành công, học hỏi phương pháp và kinh nghiệm làm việc của họ;
Xây dựng mối quan hệ bên ngoài công ty, phục vụ tốt mỗi khách hàng, phía sau mỗi khách hàng đều tiềm ẩn một lượng lớn khách hàng tiềm năng, thông qua mối quan hệ lâu dài và sâu sắc với khách hàng, tìm ra nhiều cơ hội hơn nữa.
Trong bộ phim “Diễn văn của Nhà vua” có một câu thoại thế này: “Người này có thể thực sự làm nên sự nghiệp lớn nhưng anh ta lại dồn hết tinh lực vào việc đối đầu với tôi”.
Tiêu chí quan trọng để đánh giá mức độ chín chắn trong nghề nghiệp của một người chính là xem anh ta có thể đối mặt với cái tôi thực sự của mình hay không, có thể đón nhận phần không như ý trong thực tế, cho tới khi tìm thấy điểm đột phá để nâng cao năng lực bản thân hay không.
Thành công không bao giờ có thể lập trình sẵn, không một người nào chỉ dựa vào một bản kế hoạch nghề nghiệp hoàn hảo là có thể khoanh tay ngồi đợi thành công đến với mình.
Thành công cần sự phấn đấu nghiêm túc, trong quá trình này, đối thủ thật sự của chúng ta thực ra không phải ai khác mà chính là kẻ tiểu nhân nhu nhược, ham an nhàn trong lòng chúng ta.