Chủ đề hôm nay tới từ lời mời giải đáp thắc mắc trên Zhihu (trang web hỏi đáp của Trung Quốc): “Mỗi khi đối mặt với lựa chọn, tại sao không dám nghe theo trái tim mình?”
Có lẽ mỗi người hoặc ít hoặc nhiều đều từng gặp băn khoăn tương tự, đó chính là mỗi lần đối diện với một số lựa chọn trọng đại, dũng khí “nghe theo trái tim, đột phá bản thân” liền lập tức im hơi lặng tiếng, cuối cùng không có gì xảy ra, cũng không có gì thay đổi, chỉ là tiếp tục lặp lại ngày hôm qua, như thể chưa từng được lựa chọn vậy.
Có người nói cuộc đời là chuyến tàu một chiều. Nếu bạn bỏ lỡ một lựa chọn nào đó thì có nghĩa sẽ mãi mãi bỏ lỡ.
Sở dĩ lựa chọn khiến chúng ta vô cùng đau khổ là vì nhiều lúc chúng ta hoàn toàn không có lựa chọn.
Theo thống kê các ca tư vấn nghề nghiệp tôi từng tiếp xúc, có một số liệu vô cùng đáng kinh ngạc, đó chính là rất nhiều cuộc tư vấn bắt đầu bằng “lựa chọn” sau khi phân tích đánh giá, cuối cùng cơ bản đều là có vấn đề về “thích ứng”.
Lựa chọn thực sự là chỉ khi tất cả lựa chọn đều nằm trong sự khống chế của bạn, năng lực và các mặt khác của bạn đều không có vấn đề gì.
Lấy một ví dụ dễ hiểu nhất, ví dụ học sinh giỏi thực sự thường đối diện với vấn đề chọn trường, vì cậu ta có thể đồng thời nhận được thư mời nhập học từ nhiều trường đại học nổi tiếng khắp nơi trên thế giới, dưới tiền đề này, cậu ta chọn trường A hay trường B, chủ yếu xem nguyện vọng của cậu ta, nhà trường về cơ bản ở phía bị chọn.
Còn đại đa số chúng ta hoàn toàn không được lựa chọn như vậy, tuy bề ngoài có vẻ như bạn đang băn khoăn nên thi trường A hay trường B, nhưng khác biệt cơ bản với học sinh ưu tú nói trên là bạn đang đánh giá xem năng lực của mình phù hợp với trường nào thì đúng hơn, bất kể lựa chọn của bạn là gì, bạn vẫn phải đối mặt với kì thi đại học khắc nghiệt, bạn không nắm nhiều quyền điều khiển cho lắm trong cuộc chơi này, nói chính xác là bạn chỉ có hai lựa chọn, thi đỗ hoặc thi trượt, tất cả những điều này quyết định bởi thành tích thi cử của bạn, nhà trường mới là bên chọn lựa, còn bạn là bên bị chọn.
Đi theo lối tư duy này, bạn so sánh thật kĩ sẽ không khó phát hiện, rất nhiều cái gọi là lựa chọn nghề nghiệp trong thực tế làm gì có lựa chọn?
Hai hôm trước có một cô gái họ Trình đến học thử ở lớp của tôi, cô ấy ba mươi tuổi, tốt nghiệp cao đẳng chuyên ngành Thương mại điện tử, quá trình làm việc của cô ấy rất đơn giản, cơ bản đều là các vị trí lễ tân hoặc văn thư, cô cảm thấy không thể tiếp tục sống như vậy nữa, nhưng lúc đó không nghĩ ra nên làm gì, lại sắp lấy chồng, thế là cô nghỉ việc, ở nhà làm nội trợ, cũng không học thêm để nâng cao năng lực bản thân, vèo một cái ba, bốn năm trôi qua, bây giờ cô tới tìm hiểu nghề kế toán, muốn đổi nghề.
Sau khi tôi tiến hành đi sâu tìm hiểu và phân tích tình hình của cô, cô mới lần đầu tiên ý thức được rằng hóa ra về cơ bản là cô không có lựa chọn nào cả, bây giờ việc thiết thực và khả thi nhất chính là hạ quyết tâm, bất luận là học kĩ năng gì, cũng phải chuẩn bị tâm lí sẽ rất vất vả, bắt đầu lại từ đầu.
Có lẽ hiện trạng của cô Trình là hình ảnh thu nhỏ về “lựa chọn” của rất nhiều người hiện nay, tôi muốn gọi nó là “ảo tưởng lựa chọn” hơn.
Cái gì dẫn tới “ảo tưởng lựa chọn”?
Đầu tiên là kinh nghiệm học tập quá cũ kĩ, không kịp thời cập nhật.
Rất nhiều người sau khi tốt nghiệp vẫn quá ỷ lại vào kiến thức sách vở, luôn cảm thấy dường như đổi nghề là đi thi chứng chỉ bằng cấp có liên quan là được, không hề cân nhắc tới việc tích lũy kinh nghiệm thực tiễn, thế là tư duy của những người này chỉ dừng lại ở bình diện “quy kết nguyên nhân sai lầm”, họ luôn cảm thấy hiện trạng của mình không như ý phần lớn là bởi không lựa chọn đúng nghề nghiệp.
Thứ hai, trước khi tiến hành đi sâu điều tra và suy xét hoặc có trải nghiệm tương quan, mọi lựa chọn có thể đều chỉ là không tưởng, hoàn toàn không thể trở thành tiêu chuẩn và căn cứ phán đoán của chúng ta.
Mọi tưởng tượng dừng lại trong đầu óc chúng ta đa số đều khuếch đại phần “tốt đẹp” của lĩnh vực mà ta chưa biết, chỉ sau khi bạn đi sâu điều tra thậm chí trải nghiệm, nếu bạn vẫn muốn kiên trì con đường này, đó mới là “lựa chọn” thực sự.
Cách đây không lâu, một người bạn trên mạng tìm tôi tư vấn, cô nói mình đặc biệt thích trồng hoa, ngoài ưu thế này ra, cho dù là học vấn hay kinh nghiệm làm việc cũng đều khó có thể khiến cô tìm được công việc như ý, cô nhờ tôi giúp đỡ, thậm chí hỏi tôi có nên học kế toán trước, tìm một công việc ổn định rồi tính tiếp.
Từ ngữ khí nói chuyện của cô, tôi cảm thấy một khuynh hướng rõ rệt, tôi biết cô ấy vẫn thích trồng hoa, nhưng ở đây có một vấn đề là câu hỏi của cô ấy cho thấy cô ấy suy nghĩ mọi chuyện quá đơn giản.
Phải biết là thực ra dù là ngành nghề nào cũng không có con đường dễ đi. Rất nhiều người thấy dường như làm kế toán rất dễ dàng, nhưng đừng quên là chính vì mọi người đều nghĩ vậy cho nên rất nhiều cô gái hễ cứ gặp khó khăn trong công việc là đi học kế toán, thậm chí vị trí kế toán đã xuất hiện tình trạng “mật ít ruồi nhiều” từ lâu.
Cho nên với cô mà nói, cho dù kinh doanh hoa cỏ hay học kế toán cũng đều phải ra ngoài điều tra hoặc trải nghiệm, chứ không phải chỉ ngồi ở nhà tưởng tượng hoặc vội vàng muốn nghe một đáp án có sẵn.
Việc này hoàn toàn không thể vội vàng được.
Cuối cùng, lựa chọn không hề khó, khó là ở chỗ phải nhìn rõ bản thân mình muốn gì.
Ở đây có một vấn đề mang tính đại diện, đó là sự bối rối băn khoăn về nghề nghiệp của một số công chức.
Một mặt, có một sự thật không thể chối cãi là làm công chức ổn định hơn hẳn các nghề khác, hiếm khi chịu tác động của thị trường, cũng có ưu thế hơn các nghề khác khi lựa chọn bạn đời; mặt khác chế độ trong các cơ quan nhà nước rất nghiêm ngặt, nó yêu cầu sự nề nếp cao độ, không cho phép thể hiện cá tính riêng, cho nên đó cũng là phiền não lớn nhất của nhiều người làm nhà nước, bản thân ở trong đó không thể thể hiện tài năng bản lĩnh, càng không thể nói là làm nên nghiệp lớn.
Cho nên, họ luôn đưa ra câu hỏi đại ý là có rất nhiều việc tôi muốn làm nhưng tôi lại không thể từ bỏ sự ổn định hiện nay, chị nói xem tôi phải làm thế nào?
Câu hỏi này chắc không ai có thể đưa ra câu trả lời chính xác, vấn đề cốt lõi nằm ở chỗ bạn hoàn toàn không biết phải làm thế nào, bạn là người hiểu rõ nhất rằng “có mất thì mới có được”, nhưng bạn vẫn không biết mình muốn gì.
Nếu cuộc đời là một cuộc mua bán, thứ mà cuối cùng bạn khư khư nắm chặt không chịu buông rốt cuộc là cái gì?
Càng sớm tìm thấy nó, bạn sẽ càng hiểu được rốt cuộc mình muốn gì.
Trò chơi này có phần khắc nghiệt, thậm chí khiến bạn đau lòng, nhưng một khi bạn vượt qua được nỗi đau này, bạn sẽ càng có thể đón nhận kết quả mà lựa chọn đó mang lại.
Trò chơi này chính là liệt kê ra một tờ giấy trắng một số thứ mà bạn cho là rất quan trọng, ví dụ “tiền bạc”, “sự nghiệp”, “cha mẹ”, “con cái”, “sức khỏe”, “bạn bè”, “tự do”, vân vân.
Tiếp đó, bạn phải gạch bỏ từng thứ một, bắt đầu từ thứ bạn cảm thấy có thể từ bỏ. Cuộc đời rất ngắn ngủi, bạn không thể có được tất cả mọi thứ tốt đẹp trong cuộc đời, trong những lựa chọn này, bạn có thể không có cái gì?
Cứ như thế, lần lượt gạch bỏ từng thứ một, thứ còn lại cuối cùng chính là từ khóa cuộc đời của bạn.
Tôi đã từng thử trò chơi này, rất đau khổ, khi tôi nhìn thấy đáp án cuối cùng còn sót lại, tôi thấy cảm khái vô vàn.
Chúng ta luôn thích nghĩ về cuộc đời một cách quá lạc quan, tham lam muốn cái này cũng muốn cả cái kia, nhưng khi bạn phát hiện chỉ có thể để lại một thứ, đồng thời trơ mắt nhìn từng thứ từng thứ một bị gạch bỏ trên trang giấy, bạn mới phát hiện có những thứ mà bây giờ bạn nghĩ là quan trọng có lẽ hoàn toàn không quan trọng.
Bạn chỉ quen áp đặt các đánh giá bên ngoài lên đầu mình, chưa từng suy nghĩ xem rốt cuộc mình muốn gì.
Ví dụ, rất nhiều người sau khi chơi xong trò chơi này mới phát hiện, vốn tưởng “tiền” là phần quan trọng nhất trong cuộc sống, đến cuối cùng mới phát hiện “tiền” là phần mà đại đa số chúng ta tự nguyện từ bỏ nhất.
Cho nên, từ góc độ này mà nói, bạn vẫn còn băn khoăn rốt cuộc nên tìm một công việc mình thích hay tìm một công việc nhiều tiền sao?
Một công việc mình thích có thể lúc đầu không kiếm được nhiều tiền, nhưng có thể mang lại cho bạn trạng thái tâm lí tốt đẹp, một hi vọng đầy sức sống, trong quá trình phấn đấu tuy mệt nhưng bạn không thấy khổ, điều quan trọng nhất là bạn vui, gia đình bạn cũng vui theo, bạn ngày càng có nhiều bạn bè, mọi người đều thích bạn vui tươi, điều duy nhất không hoàn hảo là bạn có thể có nhiều tiền cũng có thể không có nhiều tiền, nhưng hoàn toàn đủ sống.
Còn một công việc bạn vốn chán ghét tuy thu nhập hậu hĩnh, nhưng có liên quan gì với bạn chứ? Bạn hoàn toàn không thể điều động sự nhiệt tình trong tim mình, mỗi ngày mệt mỏi làm việc như để ứng phó cho qua ngày, sếp của bạn tất nhiên sẽ không hài lòng về bạn, quan hệ đồng nghiệp chắc chắn cũng căng thẳng, trong lòng bạn ngập tràn sự trách móc oán giận mà không thể giải tỏa, cuối cùng bạn dồn hết những lời tổn thương nhất lên gia đình bạn, bạn bè dần dần xa lánh bạn, quan hệ gia đình cũng rơi vào căng thẳng, và đồng thời, các cảm xúc tiêu cực tích tụ lâu ngày sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe của bạn.
Cho nên, khi bạn không thể lựa chọn, chi bằng hãy nghĩ hết mọi kết quả có thể xảy ra sau mỗi lựa chọn, xem xem bản thân có thể chấp nhận kết quả như thế nào, bạn sẽ không khó tìm thấy từ khóa của cuộc đời, và đồng thời, rất nhiều lựa chọn làm bạn bối rối trước đó sẽ biến mất trong chớp mắt.