Trong giới “giang hồ công sở”, lưu truyền một truyền thuyết khiến người ta nổi gai ốc, đó chính là – quan hệ giao tiếp.
Truyền thuyết này được mọi người truyền tụng một cách vô cùng thần diệu, rằng có người giỏi nịnh hót, luồn cúi nhờ đó mà thăng tiến như diều gặp gió, có người chỉ biết cắm đầu làm việc, chăm chỉ thật thà nhưng lại không được trọng dụng.
Một màn sương mờ dày đặc che phủ bầu trời công sở, nó như một bức tường vô hình dày dặn, chắc chắn, chắn ngang con đường phát triển nghề nghiệp của rất nhiều người.
Sở dĩ quan hệ giao tiếp khiến cho người ta cảm thấy vô cùng phức tạp là bởi mỗi người trong mối quan hệ đó đều có ý chí độc lập, góc độ và cách nhìn nhận vấn đề không giống nhau.
Vấn đề mấu chốt ở chỗ bạn và tôi, những người nấp sau bức tường này sẽ lựa chọn như thế nào?
Chọn đi một con đường riêng, thà đi vòng qua bức tường này, mắc kẹt trong mê cung cho là mình đúng? Hay là chọn nhìn thấy nhau xuyên qua bức tường này, từ đó thực sự giải quyết vấn đề quan hệ giao tiếp?
Lựa chọn khác nhau dẫn đến số phận nghề nghiệp khác nhau.
1.
Trong các ca tư vấn về quan hệ giao tiếp nơi làm việc gần đây, có một ca tư vấn rất có tính điển hình.
Người tới tư vấn Tiểu Văn (tên giả) năm nay hơn ba mươi tuổi, tốt nghiệp đại học khoa Trung văn, lăn lộn chốn công sở gần mười năm, thế nhưng, gần đây cô rơi vào tình cảnh khó xử “bị khuyên nghỉ việc”, lãnh đạo liên tục gọi cô lên nói chuyện, gần xa gợi ý cô chủ động xin nghỉ.
Một người có kinh nghiệm làm việc hơn mười năm đáng ra không nên gặp phải tình cảnh này mới phải, vậy rốt cuộc đã xảy ra chuyện gì?
Sau khi nhận được bảng thông tin của Tiểu Văn, tôi tiến hành rà soát sơ bộ quá trình làm việc của Tiểu Văn và liệt kê ra các nghi vấn dưới đây:
Nghi vấn thứ nhất, Tiểu Văn tốt nghiệp khoa Trung văn, tại sao ban đầu lựa chọn nghề nghiệp lại chọn nghề nhân viên xuất hóa đơn? Rốt cuộc có ẩn tình gì bên trong?
Nghi vấn thứ hai, đơn vị đầu tiên Tiểu Văn làm việc là một tập đoàn khá có tiếng tăm, Tiểu Văn không có chuyên môn không có kinh nghiệm làm việc làm thế nào vào được doanh nghiệp này?
Nghi vấn thứ ba, Tiểu Văn liên tục nhấn mạnh trong bản thông tin rằng mỗi khi cô làm một công việc, dường như đều có rất nhiều người đối đầu với cô, lần nào cũng là “bị động xin nghỉ”, cô cảm thấy mình cũng nỗ lực làm việc, cho nên, cô phán đoán chắc chắn là quan hệ giao tiếp của mình có vấn đề.
Sau khi tìm ra mấy điểm này, tôi và Tiểu Văn tiến hành lần tư vấn đầu tiên.
2.
Sau khoảng một tiếng đồng hồ trò chuyện trao đổi, trải nghiệm và vấn đề của Tiểu Văn dần trở nên rõ ràng.
Sự việc đại thể như sau.
Hơn mười năm trước khi Tiểu Văn tốt nghiệp đại học, từng tới thành phố lớn phiêu bạt hai năm, vì nhiều nguyên nhân, hai năm sau quyết định về quê.
Sau khi về quê, dưới sự sắp xếp kĩ lưỡng của gia đình, nhờ vào quan hệ, Tiểu Văn vào làm nhân viên xuất hóa đơn ở một tập đoàn.
Tôi hỏi Tiểu Văn: “Người quen mà gia đình em nhờ vả có quan hệ gì với nhà em, làm chức vụ gì trong tập đoàn đó?”.
“Đó là một người họ hàng xa của gia đình em, chú ấy là một quản lí cấp cao trong tập đoàn, lúc đó cũng hơn năm mươi rồi, vài năm sau chú ấy nghỉ hưu.” Tiểu Văn nói.
“Cho nên, em liền chấp nhận công việc mà mình không hề có chút ưu thế nào này.” Tôi xác nhận lại.
“Vâng.” Tiểu Văn nói, “Thực ra lúc đăng kí nguyện vọng thi đại học, em không biết nên chọn ngành nào, lúc đó người nhà em nói học kế toán tốt, bảo em học kế toán, em liền điền kế toán, Trung văn là nguyện vọng hai của em, vì em cảm thấy mình học dốt toán.
Sau đó khi có kết quả thi đại học, điểm đầu vào của khoa kế toán trường đại học đó rất cao, em không đủ điểm, bị chuyển sang khoa Trung văn.”
Đến đây, Tiểu Văn dường như đang tìm một lí do hợp lí cho lựa chọn ban đầu của mình.
Cô nói những lời đó như đang cố thanh minh với tôi, nghề nhân viên xuất hóa đơn này không phải cô không làm được, ngày trước nguyện vọng một của cô còn là kế toán kia mà, chỉ là tình cờ học Văn mà thôi.
Tôi phải làm rõ hơn về quyết định tưởng như không có lựa chọn này.
“Vậy thì Tiểu Văn này,” tôi đổi chủ đề, “trong bốn năm đại học, em có từng học kế toán như một môn học tự chọn hoặc từng thi chứng chỉ kế toán không?”.
“Không ạ.” Tiểu Văn nói.
“Cho nên, cho dù em liên tục nhấn mạnh là mình không có lựa chọn khác nên mới học Văn, nhưng dường như em chưa từng nỗ lực để thực hiện nguyện vọng một của mình. Đứng ở góc độ của chuyên viên tư vấn, tôi vừa phát hiện ra một điểm, thực ra em không nhiệt tình và hứng thú cho lắm với chuyên ngành kế toán, dẫn tới việc em không nỗ lực làm gì để học chuyên ngành này trong thời đại học, em có đồng ý với tôi không?”.
“Quả đúng vậy ạ.” Tiểu Văn nói.
Tìm thấy khu vực điểm mù nhận thức mà bạn chưa từng ý thức được.
“Cho nên, quan điểm tôi vừa nói chính là đối với công việc nhân viên xuất hóa đơn đầu tiên, cho dù là về chuyên môn hay kinh nghiệm làm việc em cũng không có bất cứ ưu thế nào, tệ hơn là em còn vào làm nhờ quan hệ.” Tôi nói.
Nói đến đây, tôi lẳng lặng chờ Tiểu Văn trả lời.
“Vâng, cho nên bắt đầu công việc đầu tiên một thời gian em liền cảm thấy không ổn.” Tiểu Văn nói.
Dường như tới đây, Tiểu Văn vẫn không ý thức được bất cứ vấn đề gì, tôi tiếp tục dẫn dắt cô ấy.
“Tiểu Văn, em có phát hiện ra là, thực ra lúc đầu, công việc này là một thách thức quan trọng với em không?” Tôi đưa ra một câu hỏi.
Tiểu Văn dường như không nghĩ tới vấn đề này, cô chợt ngập ngừng mấy giây.
“Ý chị là năng lực nghiệp vụ của em à?” Tiểu Văn hỏi.
“Năng lực cố nhiên là một mặt, nhưng ở đây có một khu vực điểm mù nhận thức, đó chính là em có từng nghĩ tới sự kì vọng của những người xung quanh không?” Tôi hỏi.
Hiển nhiên là Tiểu Văn chưa từng nghĩ tới, cô trầm tư một lúc rồi nói:“Điều chị nói em chưa từng nghĩ đến, chị Hiểu Ly, chị có thể nói cụ thể không?”.
Tôi nói: “Với năng lực của em lúc đó, em không thể vào công ty đó được, nhưng vì em có họ hàng là quản lí cấp cao của công ty, em không phải trải qua quá trình ứng tuyển vất vả, vào thẳng vị trí làm việc. Lúc này, em có thể nghĩ tới đồng nghiệp và cấp trên của em có kì vọng gì đối với em không? Em có từng ý thức được cục diện mà bản thân phải đối mặt không?”.
“Không ạ.” Tiểu Văn nói.
“Ừ, đó chính là cốt lõi vấn đề mà chuyên viên tư vấn cần giúp em tiến hành phân tích. Giá trị lớn nhất mà một chuyên viên tư vấn nghề nghiệp có thể mang lại cho em chính là giúp em tìm ra khu vực điểm mù nhận thức mà em chưa từng ý thức được từ trong lời kể vô tình của em, từ đó có thể nhìn nhận bản thân vấn đề một cách khách quan hơn, như vậy sẽ giúp giải quyết vấn đề từ gốc rễ.” Tôi nói: “Thử thay đổi lập trường xem, nếu em là một kế toán có kinh nghiệm, đột nhiên một hôm có người mới vào phòng kế toán, mấu chốt là người mới này hoàn toàn không có năng lực chuyên môn, cô ta vào bằng quan hệ, em sẽ nghĩ thế nào?”.
“Chắc chắn em sẽ thấy khó chịu, nghĩ bụng, dựa vào cái gì mà cô ta được vào chứ?” Tiểu Văn nói.
“Đối với một người làm việc lâu năm trong công sở, những câu hỏi như dựa vào cái gì, tại sao không phải là vấn đề chính, điều anh ta quan tâm hơn là tiếp theo sẽ xảy ra việc gì, xem xem người mới này làm việc có chăm chỉ không, phản ứng có nhanh nhẹn không, có đầu óc không. Vậy sau đó em có biểu hiện như thế nào?” Tôi hỏi.
“Nói ra thì thật xấu hổ,” Tiểu Văn nói, “Trong tháng đầu tiên, em xuất sai mười mấy hóa đơn. Sau đó để phòng ngừa xuất sai hóa đơn, khi xuất hóa đơn em đều phải kiểm tra đi kiểm tra lại nhiều lần, kết quả lại nảy sinh một vấn đề khác, đó là hiệu quả công việc thấp, làm việc lề mề chậm chạp”.
“Khi em làm nhân viên xuất hóa đơn ở công ty, có các nhân viên xuất hóa đơn khác không?” Tôi hỏi.
“Còn một người nữa, lúc đó tổng cộng có hai người bọn em.” Cô nói.
“Nói vậy thì, hiệu suất làm việc của em thấp, thường xuyên làm sai, vậy có ảnh hưởng gì tới nhân viên xuất hóa đơn còn lại không?” Tôi hỏi.
Tiểu Văn chìm vào suy nghĩ.
3.
Khi tư vấn lần hai, Tiểu Văn nói với tôi, sau lần tư vấn đầu tiên, cô đã phản tỉnh rất kĩ, cuối cùng nhận ra rằng mình lúc đó rất ấu trĩ, bây giờ nhìn lại mình lúc đầu, đúng là một con bé đầu óc chậm chạp làm việc lề mề, điều tồi tệ hơn là, khi người khác bày tỏ thái độ bất mãn, phản ứng của mình lại là phản bác hoặc tỏ ra khinh khỉnh.
Lúc đó nhân viên xuất hóa đơn còn lại (cũng là đàn chị của Tiểu Văn) từng nói Tiểu Văn mấy câu, kết quả Tiểu Văn không phục, còn tranh cãi to tiếng với chị ấy.
Đàn chị ấy báo cáo biểu hiện của Tiểu Văn với quản lí, quản lí cũng nói chuyện với Tiểu Văn, nhưng Tiểu Văn không hề có ý hối cải, mà còn một mực cho rằng mọi người thiếu bao dung với mình.
“Được rồi, Tiểu Văn, nếu em là quản lí, khi cấp dưới phản ánh với em năng lực làm việc của một thực tập sinh có vấn đề, em sẽ xử lí thế nào?” Tôi hỏi Tiểu Văn.
“Cho nghỉ việc luôn.” Tiểu Văn đáp ngay mà không cần suy nghĩ. “Nhưng nếu ô dù của thực tập sinh này là quản lí cấp cao của công ty thì sao?”.
Tiểu Văn chợt nhận ra điều gì đó, cô nói với tôi, nếu mình là quản lí, chuyện này quả thật rất khó nhằn, vì đây không đơng giản chỉ là chuyện cho một nhân viên xuất hóa đơn quèn nghỉ việc, mà nó liên quan đến thể diện của quản lí cấp cao trong công ty.
Sau khi phát hiện ra vấn đề này, Tiểu Văn đột nhiên thở dài: “Hóa ra từng có cơ hội tốt như thế bày ra trước mặt em, mà em không hề hay biết”.
Tư vấn đến bước này, cuối cùng Tiểu Văn cũng hiểu được dụng ý của cha mẹ và người họ hàng đó, họ hi vọng Tiểu Văn có thể bắt đầu từ vị trí cơ sở của tập đoàn, thông qua nỗ lực từng bước leo cao, vì có quan hệ này, chỉ cần biểu hiện của cô không quá tệ, ít nhất kiếm một vị trí công việc lương đủ ăn trong tập đoàn này không phải việc khó, nhưng Tiểu Văn không những năng lực làm việc kém, chết người là thái độ cũng kém, không thể đối diện với sự chỉ trích của lãnh đạo và đồng nghiệp, đồng thời tin chắc là những người xung quanh đầy ác ý với mình.
“Chị đúng là ân nhân của em,” Tiểu Văn nói,“Thảo nào sau đó em làm gì cũng không thuận lợi. Sau khi xin nghỉ ở công ty đó, mỗi lần em đổi việc, cứ làm một thời gian là lại rơi vào tình trạng bị mọi người tẩy chay, hóa ra nguồn căn là ở chính em”.
Sau lần tư vấn thứ hai, tôi giúp Tiểu Văn làm rõ mấy sự thật dưới đây.
4.
Đầu tiên, quan hệ giao tiếp trong công sở không hề phức tạp như mọi người tưởng tượng.
Công ty là một tổ chức tạo ra lợi nhuận, tối đa hóa hiệu quả và lợi ích là nhiệm vụ và yêu cầu của công ty. Cho nên, chúng ta có thể đứng vững trong công sở hay không, hoàn toàn phụ thuộc vào việc liệu chúng ta có thể đảm nhiệm công việc này hay không, nhất là mấy năm đầu đi làm, chúng ta cạnh tranh bằng năng lực chấp hành và năng lực phản ứng, việc này giống như một người lính vậy, nhiệm vụ quan trọng nhất của chúng ta là xông pha trận mạc, chứ không phải là suy nghĩ cân nhắc các mối quan hệ phức tạp.
Nói đến cùng, lúc đó ở công ty chúng ta không quan trọng đến thế, vẫn chưa có khả năng xử lí các mối quan hệ phức tạp.
Cho nên, đối với bất cứ lính mới công sở nào cũng vậy, việc cấp bách nhất là nhanh chóng làm quen với công việc, đồng thời làm vừa tốt vừa nhanh những việc tưởng chừng như vặt vãnh.
Thứ hai, giao tiếp nói cho cùng cũng là một năng lực.
Quan hệ giao tiếp là một năng lực hệ thống, bao gồm cảm nhận kì vọng và yêu cầu của người khác, kịp thời nhận biết cảm xúc và nhiệm vụ của bản thân, sử dụng mọi thứ có thể để hoàn thành nhiệm vụ, đạt được kì vọng của người khác, thu thập phản hồi rồi lại tiến hành tổng kết đánh giá lại mình, vân vân.
Cuối cùng, phía sau vấn đề giao tiếp có thể có ẩn tình khác.
Trong trường hợp này, Tiểu Văn thiếu khả năng cảm nhận đối với quan hệ giao tiếp, sau công việc thứ nhất, cô mất lớp màng bảo vệ là người họ hàng, hoàn toàn tìm việc làm việc dựa vào năng lực của mình, thế là vấn đề làm việc lại càng nổi rõ hơn, đồng thời, tốc độ nhận được phản hồi cũng ngày càng nhanh, nếu nói công việc thứ nhất vì có quan hệ nên miễn cưỡng duy trì được mấy năm, thì do năng lực về sau không được nâng cao, thời gian duy trì ngày càng ngắn, tốc độ nhảy việc tất nhiên cũng ngày càng nhanh.
5.
Sau nhiều lớp phân tích, Tiểu Văn cuối cùng cũng ý thức được là hóa ra nhận thức của mình có vấn đề, cô luôn suy đoán lời ăn tiếng nói của người khác theo phán đoán vô căn cứ trong đầu mình, cho nên nảy sinh tâm lí chống đối với các mối quan hệ giao tiếp chốn công sở, thậm chí cho rằng “quạ nào mà quạ chẳng đen”.
Thông qua tư vấn chuyên nghiệp và hệ thống, cuối cùng cô cũng nhận ra được vấn đề thực sự nằm ở đâu.
Không lâu sau, tôi nhận được phản hồi của Tiểu Văn.
Cô nói trước khi tư vấn, cô luôn chìm đắm trong sự bối rối và tự trách bản thân, cảm thấy mình sắp mất đi dũng khí và sức mạnh tiến về phía trước, thậm chí từng có độ sợ hãi công việc, không đủ can đảm bước chân vào công sở lần nữa.
Nhưng lần tư vấn này khiến cô nhìn nhận lại bản thân, tuy chỉ là một bước nhỏ, nhưng cô biết bước đi này sẽ mang lại cơ hội tái sinh cho tương lai của mình.
Sách lược nghề nghiệp trong tương lai gần Tiểu Văn đưa ra cho mình như sau:
Tăng cường kiến thức chuyên môn của bản thân, đăng kí học lớp bồi dưỡng kế toán sơ cấp, dự định học lại từ đầu kiến thức chuyên ngành, nâng cao kiến thức và năng lực chuyên môn của bản thân;
Bắt đầu từ các mối quan hệ với người bên cạnh, trước khi làm gì đều nghĩ tới tâm trạng và kì vọng của người khác, đưa ra hành động phù hợp để đáp lại tâm trạng và kì vọng đó, thu thập phản hồi, tổng kết phân tích;
Khi rảnh rỗi tham gia các hoạt động và học hỏi về mặt tâm lí học để hiểu rõ bản thân hơn.
“Lần tư vấn này em không ra về tay trắng, mong rằng cuộc sống của em từ giờ trở đi sẽ mở ra một chương mới đầy tốt đẹp”.
Cuối phản hồi, Tiểu Văn nói như vậy.
Khi bạn cảm thấy quan hệ giao tiếp của mình có vấn đề, hãy tự đánh giá bản thân theo các bước sau:
Bạn đã từng nỗ lực những gì vì công việc hiện nay?
Sếp có kì vọng như thế nào đối với công việc của bạn? Bạn cảm thấy mình đã đạt được kì vọng của sếp chưa?
Công việc của bạn mang lại ảnh hưởng như thế nào đối với các đồng nghiệp khác? Khiến công việc của họ trở nên rắc rối hơn hay là có thể chia sẻ gánh nặng với họ?
Quan hệ giữa bạn và người nhà thế nào? Đã bao lâu rồi bạn không nói chuyện tử tế với họ?
Vấn đề giao tiếp trong công sở cũng như rất nhiều vấn đề khác, biểu hiện của nó chỉ là bề mặt, nguyên nhân sâu xa hơn cần được phân tích hệ thống mới có thể dần dần trở nên rõ ràng.
Đúng như phản hồi của Tiểu Văn, tư vấn nghề nghiệp giống như một chuyến đi, giá trị lớn nhất của nó chính là dẫn dắt bạn phát hiện chính mình, khai quật khu vực điểm mù nhận thức của bạn từ các trải nghiệm quá khứ của bạn, từ đó điều chỉnh một cách có hiệu quả ngôn ngữ và hành động của bạn trong tương lai, bảo vệ sự phát triển nghề nghiệp của bạn.