Paris chỉ là những vệt ảnh lờ mờ ngoài cửa sổ ga tàu, từ mặt tiền sáng đèn của một quán cà phê, mái hiên đầy vệt mưa, đến bàn ghế ngoài vỉa hè, các hàng rào cây vuông vức, hệt như một bức tranh minh họa quảng bá du lịch. Sau đó chỉ còn là một chuỗi các nhà ga dài mà anh đang theo chân những người khuân vác hành lý nhỏ con chắc nịch trong bộ quần áo xanh và cuối cùng cũng tới được con tàu giường nằm sẽ chở anh tới tận Rome. Mình có thể quay lại Paris vào một lúc khác, anh nghĩ thầm. Anh hăm hở muốn ngay lập tức đến Mongibello.
Sáng hôm sau khi thức dậy, anh đã tới Ý. Một chuyện rất dễ chịu đã xảy ra lúc ấy. Tom đang ngắm nhìn phong cảnh ngoài cửa sổ thì nghe tiếng vài người Ý ở ngoài hành lang phía buồng của anh nói gì đó có từ “Pisa.” Một thành phố đang lướt qua ở bên kia tàu. Tom liền ra ngoài để nhìn nó rõ hơn, tự động tìm kiếm tháp nghiêng, dù hoàn toàn không dám chắc liệu thành phố này có phải Pisa hay liệu cái tháp đó có thể nhìn thấy từ chỗ anh hay không. Nhưng kia rồi! – một hình trụ trắng nhô lên giữa những căn nhà bằng đá phấn thấp lè tè quây quần thành thị trấn và nó nghiêng thật, nghiêng ở một góc mà anh nghĩ hẳn là không thể khả thi! Anh luôn mặc định rằng góc nghiêng của tháp nghiêng Pisa bị phóng đại. Giờ trông thấy nó rồi, anh cho đó là điềm lành, là dấu hiệu cho thấy nước Ý sẽ giống như kỳ vọng của anh, mọi chuyện giữa anh và Dickie sẽ diễn ra tốt đẹp.
Anh tới Naples vào chiều muộn hôm đó và phải tới tận mười một giờ sáng hôm sau mới có chuyến xe buýt tới Mongibello. Một thằng nhóc tầm mười sáu tuổi mặc bộ đồ bẩn thỉu và đi bốt, nhằng nhẵng bám lấy anh ở ga tàu khi anh đang đổi tiền, đề nghị anh điều gì đó mà chỉ Chúa mới biết, có thể là gái, thuốc. Bất chấp mọi phản đối của Tom, nó chui hẳn vào taxi cùng anh và hướng dẫn lái xe đi đâu đó, lải nhải và giơ một ngón tay lên như thể sẽ giúp anh dàn xếp ổn thỏa mọi chuyện, cứ chờ mà xem. Tom đầu hàng và ngồi bực bội trong góc, hai tay khoanh lại. Cuối cùng taxi dừng lại trước một khách sạn lớn nhìn ra vịnh mà Tom hẳn sẽ thấy sợ cái sự nguy nga tráng lệ đó nếu không phải ông Greenleaf là người trả tiền.
“Santa Lucia!” Thằng nhóc nói một cách hân hoan, chỉ ra biển.
Tom gật đầu. Sau cùng thì, nó có vẻ hữu hảo. Tom trả tiền cho lái xe và đưa cho thằng bé tờ một trăm lia, anh ước lượng nó rơi vào khoảng mười sáu xu lẻ và là một khoản tiền boa phù hợp ở Ý, theo một bài báo về nước Ý mà anh đã đọc trên tàu. Khi thằng bé trông có vẻ bực bội, anh cho nó thêm một trăm nữa và nó vẫn trông bực bội, anh vẫy tay đuổi nó và vào khách sạn, theo sau những người xách hành lý đã mang hành lý của anh vào.
Tối hôm đó Tom dùng bữa ở một nhà hàng trên nước có tên Zi’ Teresa, được người quản lý nói tiếng Anh của khách sạn giới thiệu. Anh đã phải rất vất vả để gọi món và món đầu tiên được đưa lên là bạch tuộc phiên bản nhỏ, có màu tím đậm như thể bị nấu trong thứ mực được dùng để viết thực đơn. Anh nếm thử đầu của một xúc tu và nó dai nhanh nhách khó chịu hệt như sụn vậy. Món thứ hai, một đĩa đủ loại cá rán, cũng là một sai lầm. Món thứ ba – anh khá chắc là một loại tráng miệng – là vài con cá đỏ nhỏ xíu. A, Naples! Món ăn không quan trọng. Anh cảm thấy ngà ngà say. Xa xa bên tay trái, một mặt trăng hình bán nguyệt trôi trên đỉnh núi Vesuvius nhấp nhô. Tom bình thản ngắm nhìn nó, như thể đã thấy nó cả nghìn lần rồi. Qua vùng đất ấy, sau ngọn núi Vesuvius là ngôi làng của Richard.
Mười một giờ sáng hôm sau anh lên xe buýt. Con đường men theo bờ biển và đi qua vài ngôi làng nhỏ nơi họ tạm dừng nghỉ ngơi – Torre del Greco, Torre Annunciata, Castellammare, Sorrento. Tom háo hức nghe tên các ngôi làng mà người lái xe đọc lên. Từ Sorrento, con đường chuyển sang một đường mòn hẹp bám theo một vách đá mà Tom đã thấy trong các bức hình ở nhà Greenleaf. Thi thoảng anh thấp thoáng thấy những ngôi làng nhỏ xuôi theo dòng nước, những ngôi nhà trông như vụn bánh mỳ trắng, đầu người như những đốm nhỏ bơi gần bờ biển. Tom nhìn thấy một tảng đá cuội ở giữa đường, rõ ràng là nó đã rơi từ trên vách đá xuống. Người lái xe hờ hững bẻ lái tránh đi.
“Mongibello!”
Tom bật dậy và kéo vali từ trên giá xuống. Anh còn một chiếc vali khác trên nóc xe, cậu bé phụ xe giúp anh mang nó xuống. Rồi xe buýt đi tiếp còn Tom đơn độc ở vệ đường, vali nằm dưới chân. Nhiều ngôi nhà nằm rải rác dọc núi và nhiều nhà khác ở phía dưới có mái in bóng trên mặt nước xanh ngắt. Vẫn theo dõi đống vali, Tom đi vào một ngôi nhà nhỏ bên kia đường có biển BƯU ĐIỆN và hỏi người đàn ông sau cửa sổ xem nhà của Richard Greenleaf ở đâu. Anh nói bằng tiếng Anh mà không nghĩ ngợi gì, nhưng ông ta có vẻ hiểu, vì ông ta ra ngoài và chỉ đường rất chi tiết bằng tiếng Ý từ ngôi nhà trên đường mà Tom xuống xe.
“Sempre seeneestra, seeneestra!”
Tom cảm ơn ông ta, hỏi xem liệu anh có thể để hai vali của mình trong bưu điện một lúc được hay không và có vẻ ông ta cũng hiểu điều đó nên giúp Tom mang chúng vào.
Anh phải hỏi thêm hai người nữa về chỗ ngôi nhà của Richard Greenleaf và có vẻ ai cũng biết đến nó, người thứ ba còn chỉ nó ra cho anh – một căn nhà hai tầng rộng rãi có cửa sắt, hàng hiên nhô ra khỏi vách đá. Tom rung chiếc chuông kim loại cạnh cửa. Một người phụ nữ Ý đi ra khỏi nhà, lau tay vào tạp dề.
“Ông Greenleaf?” Tom hỏi một cách hy vọng.
Người phụ nữ vui vẻ trả lời anh rõ dài bằng tiếng Ý và chỉ ra phía biển. “Jew,”có vẻ chị ta liên tục nói từ đó. “Jew.”
Tom gật đầu. “Cảm ơn.”
Anh có nên đi xuống biển trong bộ dạng này, hay nên tỏ ra thoải mái hơn và mặc đồ bơi vào? Hay anh nên đợi tới giờ uống trà hoặc cocktail? Hay anh nên thử gọi điện cho anh ta trước? Anh không mang đồ bơi theo và chắc chắn ở đây anh phải có một bộ. Tom vào một trong các cửa hàng nhỏ gần bưu điện, có treo áo sơ mi và quần đùi bơi trước những ô cửa sổ bé tí tẹo và sau khi thử vài chiếc quần nhưng không vừa người, hay ít nhất không đủ tư cách để coi là quần bơi, anh mua một chiếc màu vàng đen chẳng to hơn quần lọt khe là mấy. Anh gấp gọn đống quần áo vào bên trong áo mưa và dợm bước chân trần ra khỏi cửa. Anh nhảy bổ vào trong. Nền sỏi nóng như than vậy.
“Giầy? Dép?” Anh hỏi người đàn ông trong cửa hàng. Ông ta không bán giầy.
Tom lại xỏ đôi của mình vào và băng qua đường tới bưu điện, định bỏ chỗ quần áo mới mua vào vali, nhưng cửa ở đó đã khóa. Anh đã từng nghe nói rằng ở châu Âu thỉnh thoảng có những chỗ đóng cửa từ trưa tới bốn giờ chiều. Anh quay người và đi xuống một con đường rải sỏi mà anh cho là dẫn ra biển. Anh bước xuống hàng chục bậc thang dốc rồi lại đi tiếp một con đường trải sỏi cũng dốc không kém, qua các cửa hàng, các ngôi nhà, thêm vài bậc thang nữa, cuối cùng cũng tới một vỉa hè rộng rãi nhô hẳn lên trên mặt biển. Ở đây có hai hàng cà phê và một nhà hàng có bàn ngoài trời. Vài thiếu niên người Ý rám nắng đang ngồi trên băng ghế gỗ ở rìa vỉa hè chăm chú quan sát anh khi anh đi ngang qua. Anh thấy xấu hổ với đôi giày nâu khổng lồ dưới chân và làn da trắng bệch như ma. Cả mùa hè anh không tới một bãi biển nào. Anh ghét biển. Có một lối đi bộ bằng gỗ ngang qua bãi biển, Tom biết đi bộ trên con đường ấy sẽ nóng cháy da, bởi vì tất cả mọi người đang nằm trên một cái khăn hoặc một thứ gì đó khác, nhưng anh vẫn cởi giày ra và đứng một lúc trên mặt gỗ nóng rực, bình tĩnh quan sát các nhóm người ở gần. Không có ai trong số đó trông giống Richard. Các luồng gió nóng hôi hổi ngăn anh nhận diện những người ở tít đằng xa. Tom nhón một chân ra bãi cát và rụt lại. Rồi anh hít sâu, chạy nốt lối đi bộ, lao qua bãi cát và sung sướng ngâm chân vào làn nước nông mát lạnh ở bờ biển. Anh bắt đầu đi bộ.
Tom nhìn thấy anh ta từ cách đó khoảng một dãy nhà – Dickie, không thể nhầm vào đâu được, với làn da rám nắng và mái tóc vàng lượn sóng trông sáng hơn Tom nhớ. Anh ta ở cạnh Marge.
“Dickie Greenleaf à?” Tom hỏi, mỉm cười.
Anh ta ngẩng lên. “Phải?”
“Tôi là Tom Ripley. Tôi đã gặp anh ở Mỹ vài năm trước.
Có nhớ không?”
Dickie trông có vẻ ngơ ngác.
“Tôi nghĩ bố anh đã bảo sẽ viết thư kể về tôi cho anh.” “À, phải rồi!” Dickie nói, chạm vào trán như thể anh ta
đúng là ngớ ngẩn khi quên mất điều đó. Anh ta đứng dậy.
“Tom gì ấy nhỉ?” “Ripley.”
“Đây là Marge Sherwood,” anh ta nói. “Marge, đây là Tom Ripley.”
“Chào cô.” Tom nói. “Chào anh.”
“Anh ở đây bao lâu?” Dickie hỏi.
“Tôi cũng chưa chắc,” Tom nói. “Tôi chỉ vừa tới đây. Tôi phải ngắm nghía chỗ này đã.”
Dickie đang quan sát anh, không hoàn toàn tán thành, theo Tom cảm nhận. Hai cánh tay Dickie khoanh lại, đôi chân rám nắng thon thả bám chặt xuống mặt cát nóng rực nhưng nó có vẻ không làm anh ta bận tâm. Tom đã xỏ chân vào giày.
“Thuê nhà à?” Dickie hỏi.
“Tôi chưa biết,” Tom nói một cách ngập ngừng như thể đang cân nhắc việc đấy thật.
“Đây là thời điểm tốt để thuê một căn nhà đấy, nếu anh
đang tìm nhà cho mùa đông,” cô gái nói. “Các du khách mùa hè gần như đã đi hết. Chúng tôi có thể cần đến vài người Mỹ ở đây trong mùa đông.”
Dickie không nói gì cả. Anh ta đã ngồi lại xuống cái khăn choàng lớn cạnh cô gái và Tom cảm thấy anh ta đang chờ anh nói lời tạm biệt và bỏ đi. Tom đứng ngây như phỗng ở đó, cảm thấy nhợt nhạt, trần truồng như ngày anh chào đời. Anh ghét đồ bơi. Cái quần này còn quá hở nữa. Tom tìm cách lôi bao thuốc lá từ túi áo khoác bên trong áo mưa ra, mời Dickie và cô gái. Dickie rút một điếu và Tom dùng bật lửa của anh để châm nó lên.
“Có vẻ anh không nhớ tôi ở New York,” Tom nói.
“Tôi không thể nói là mình nhớ,” Dickie nói. “Tôi đã gặp anh ở đâu?”
“Tôi nghĩ – không phải là ở nhà Buddy Lankenau sao?” Không phải, nhưng anh biết Dickie quen Buddy và đó là một thanh niên hết sức đáng mến.
“À,” Dickie nói, mơ hồ. “Tôi hy vọng anh sẽ bỏ qua cho tôi. Ký ức về nước Mỹ của tôi dạo này mờ nhạt lắm.”
“Chắc chắn là vậy,” Marge nói, giải cứu Tom. “Nó ngày càng tệ hơn. Anh tới đây lúc nào vậy, Tom?”
“Mới khoảng một tiếng trước. Tôi chỉ vừa cất đống hành lý ở bưu điện.” Anh cười.
“Anh có muốn ngồi xuống không? Có một cái khăn nữa đây này.” Cô ta trải một cái khăn trắng nhỏ hơn ở bên cạnh, trên cát.
Tom nhận nó với vẻ cảm kích.
“Tôi đi dầm mình cho mát đây,” Dickie nói, nhỏm dậy. “Em cũng vậy!” Marge nói. “Xuống cùng nhé, Tom?” Tom đi theo họ. Dickie và cô gái bơi ra khá xa – cả hai có vẻ đều là những tay bơi lội cừ khôi – còn Tom ở gần bờ và đi vào sớm hơn nhiều. Khi Dickie và cô gái quay về chỗ cái khăn, anh ta nói như thể bị cô ta xúi giục, “Chúng tôi đi đây. Anh có muốn tới nhà ăn trưa cùng chúng tôi không?”
“Ôi, có chứ. Cảm ơn nhiều.” Tom giúp họ thu dọn khăn, kính râm và tờ báo Ý.
Tom cứ ngỡ họ sẽ chẳng bao giờ tới nơi. Dickie và Marge đi trước anh, bước lên những bậc thềm đá dài bất tận một cách đều đều và chậm rãi, hai bậc thang một. Mặt trời đã làm Tom kiệt sức. Các cơ bắp ở chân anh run rẩy trên cầu thang dài vô tận. Vai anh hồng rực và dù đã mặc áo sơ mi vào để chống nắng nhưng anh vẫn có thể cảm thấy mặt trời như đang thiêu đốt qua tóc mình. Đầu anh quay mòng mòng và anh thấy nôn nao khó chịu.
“Cảm thấy khó ở à?” Marge hỏi, hoàn toàn không hụt hơi tí nào. “Ở lại đây lâu thì anh sẽ quen thôi. Anh phải nhìn chỗ này trong chảo lửa tháng Bảy cơ.”
Tom chẳng còn hơi sức đâu mà đáp lại.
Mười lăm phút sau anh cảm thấy khỏe hơn nhiều. Anh đã được tắm nước lạnh và đang ngồi trên một cái ghế bành mây êm ái ở hiên nhà Dickie với một ly martini trong tay. Theo gợi ý của Marge, anh mặc lại đồ bơi, với áo khoác chùm ra ngoài. Bàn tiệc trên hiên đã được dọn cho ba người trong khi anh đi tắm và Marge đang ở trong bếp, nói chuyện với bà giúp việc bằng tiếng Ý. Tom tự hỏi cô ta có sống ở đây không. Chắc chắn là căn nhà đủ rộng. Nó được trang trí rất thoáng, theo Tom thấy, theo phong cách pha trộn giữa đồ cổ Ý và đồ theo kiểu phóng túng Mỹ rất dễ chịu. Anh đã bắt gặp hai bức tranh Picasso gốc trong hành lang.
Marge đi ra hiên và mang theo ly martini của mình. “Nhà tôi ở đằng kia.” Cô chỉ. “Nhìn thấy nó chứ? Nhà màu trắng trông vuông vắn với mái nhà màu đỏ sậm hơn căn ở kế bên.”
Nhận ra nó giữa các căn nhà khác là việc làm vô vọng, nhưng Tom vẫn giả vờ đã thấy. “Cô ở đây lâu chưa?”
“Một năm rồi. Suốt mùa đông năm ngoái và đó đúng là một khoảng thời gian kinh khủng. Suốt ba tháng trời, ngày nào cũng mưa trừ một ngày duy nhất!”
“Thật sao?”
“Ừ.” Marge nhấp ly martini và mãn nguyện nhìn về phía ngôi làng nhỏ của mình. Cô ta cũng đã mặc lại bộ đồ tắm màu cà chua và choàng áo sơ mi kẻ sọc ra ngoài. Tom thấy cô ta trông cũng không xấu và thậm chí còn có một cơ thể đẹp, với ai thích kiểu người có dáng dấp rắn rỏi. Riêng với anh thì không.
“Tôi nghe nói Dickie có một con thuyền,” Tom nói. “Đúng rồi, Pipi. Tên đầy đủ là Pipistrello. Có muốn xem nó không?”
Cô ta lại chỉ về một thứ không tài nào nhìn rõ được ở cuối cầu cảng nhỏ xíu mà họ nhìn thấy từ góc hiên. Các con thuyền trông đều khá giống nhau, nhưng Marge nói rằng thuyền của Dickie lớn hơn phần lớn các con khác và có hai cột buồm.
Dickie ra ngoài và rót cho mình một ly cocktail từ bình rượu trên bàn. Anh ta mặc một chiếc quần bông trắng nhàu nhĩ và áo sơ mi bằng vải lanh màu cam vàng hệt như màu da anh ta. “Xin lỗi vì không có đá. Tôi chưa mua tủ lạnh.”
Tom mỉm cười. “Tôi đã mang cho anh một chiếc áo choàng tắm đấy. Mẹ anh nói là anh từng hỏi mua một cái. Mang cả tất nữa.”
“Anh biết mẹ tôi à?”
“Tôi tình cờ gặp bố anh ngay trước khi rời New York và ông đã mời tôi tới nhà ăn tối.”
“À? Thế mẹ tôi thế nào?”
“Tối hôm đó bà có vẻ khỏe mạnh. Nhưng tôi thấy bà rất dễ mệt.”
Dickie gật đầu. “Tuần này tôi nhận được một bức thư báo rằng bà đã khỏe hơn. Ít nhất thì bây giờ không có khủng hoảng trầm trọng nào, đúng không?”
“Tôi không nghĩ vậy. Tôi nghĩ cách đây vài tuần bố anh đã rất lo lắng.” Tom ngập ngừng. “Ông ấy cũng khá lo vì anh không về nhà.”
“Ông Herbert đấy lúc nào chẳng lo lắng về một chuyện gì đó,” Dickie nói.
Marge và bà giúp việc mang từ bếp ra một đĩa spaghetti nóng hổi, một bát salad bự và một đĩa bánh mỳ. Dickie và Marge bắt đầu trò chuyện về việc mở rộng của một nhà hàng nào đó gần biển. Người chủ sở hữu đang nới rộng hàng hiên để có thêm chỗ cho mọi người nhảy nhót. Họ thảo luận về nó một cách chi tiết, từ tốn, như những người trong một thị trấn nhỏ hóng hớt mọi thay đổi nhỏ nhặt của hàng xóm. Tom chẳng biết nói gì để góp chuyện được.
Anh dành thời gian đánh giá nhẫn của Dickie. Anh thích cả hai cái: một chiếc nhẫn mặt đá chữ nhật màu xanh lục lớn vòng vàng ở ngón giữa của bàn tay phải và ở ngón út bàn tay trái là một chiếc nhẫn khắc huy hiệu, to và lộng lẫy hơn chiếc mà ông Greenleaf đeo. Dickie có bàn tay dài, xương xương, cũng hơi giống tay anh, Tom nghĩ thầm.
“À mà cha anh còn dẫn tôi tới tham quan xưởng đóng tàu của Burke-Greenleaf trước khi tôi đi,” Tom nói. “Ông kể với tôi là ông đã thay đổi nó rất nhiều kể từ lần cuối anh đến. Tôi thấy khá ấn tượng.”
“Tôi đoán ông cũng mời anh làm việc. Luôn tìm kiếm những thanh niên hứa hẹn.” Dickie xoay dĩa vòng vòng và đút một cuộn mỳ Ý gọn gàng vào miệng.
“Chuyện đó thì không.” Tom cảm thấy bữa trưa này không thể tệ hơn nữa. Ông Greenleaf có báo cho Dickie rằng anh sắp tới răn dạy anh ta về những lý do anh ta nên trở về không? Hay Dickie chỉ đang có tâm trạng cáu kỉnh? Chắc chắn Dickie đã thay đổi kể từ lần cuối Tom gặp anh ta.
Dickie mang ra một chiếc máy pha cà phê sáng bóng cao tầm sáu mươi phân và cắm nó vào một chỗ trên hiên. Chẳng bao lâu sau họ đã có bốn tách cà phê, một tách được Marge mang vào trong bếp cho người giúp việc.
“Anh đang ở khách sạn nào thế?” Marge hỏi Tom.
Tom mỉm cười. “Tôi chưa tìm được cái nào. Cô có gợi ý nào không?”
“Miramare là tốt nhất đấy. Nó nằm ngay cạnh Giorgio. Còn đúng một khách sạn khác là Giorgio, nhưng…”
“Họ bảo Giorgio có pulci trong giường,” Dickie cắt lời. “Đó là bọ chét. Giorgio rẻ lắm,” Marge nói thành thật, “nhưng dịch vụ thì…”
“Không có cái đó luôn,” Dickie đế thêm.
“Hôm nay anh có vẻ vui nhỉ?” Marge nói với Dickie, hẩy một mẩu pho mát xanh về phía anh ta.
“Nếu vậy thì tôi sẽ thử Miramare xem,” Tom nói, đứng dậy. “Tôi phải đi rồi.”
Cả hai đều không mời anh ở lại. Dickie tiễn anh ra cửa. Marge ở lại hiên. Tom tự hỏi liệu hai người đó có qua lại với nhau không, giống một chuyện tình kiểu ngày xưa, khi người ta không còn phương án nào tốt đẹp hơn, không nhất thiết phải thể hiện quá lộ liễu ra bên ngoài, bởi vì cả hai đều không mấy hứng thú. Marge mê mẩn Dickie, Tom nghĩ thầm, nhưng anh ta thì không thể thờ ơ với cô ta hơn bà giúp việc người Ý năm mươi tuổi đang ngồi đó.
“Một lúc nào đấy tôi rất muốn được xem các bức vẽ của anh,” Tom nói với Dickie.
“Được thôi. Tôi đoán chúng tôi sẽ gặp lại anh thôi nếu anh còn ở đây,” và Tom nghĩ anh ta chỉ đế thêm câu đấy vì nhớ ra anh mang cho anh ta áo choàng tắm và tất.
“Bữa trưa rất tuyệt. Tạm biệt, Dickie.” “Tạm biệt.”
Cánh cửa sắt kêu loảng xoảng.