Tom là người khá điềm đạm và rộng lượng, nhưng hoàn toàn không có ý muốn giao du. Anh thích dành thời gian để ngẫm nghĩ và chẳng bận tâm đến việc gặp gỡ bất kỳ một ai trên tàu hết, không một ai, dù khi chạm mặt những người ngồi cùng bàn, anh vẫn sẽ niềm nở thăm hỏi và mỉm cười với họ. Anh bắt đầu vai diễn trên tàu, vai một thanh niên đứng đắn đảm đương một công việc hệ trọng trước mặt. Anh lịch lãm, đĩnh đạc, thanh lịch và chuyên chú.
Anh chợt nổi hứng muốn đội một cái mũ và đã mua một chiếc màu xám xanh bảo thủ bằng len mềm của Anh trong cửa hàng bán đồ cho nam giới. Anh có thể kéo vành lưỡi trai xuống che gần hết mặt khi muốn ngủ trên chiếc ghế ngoài ban công, hoặc tỏ vẻ như đang ngủ. Mũ là món trùm đầu linh hoạt nhất, anh nghĩ thầm và tự hỏi vì sao trước đây mình chưa từng nghĩ đến việc đội nó? Anh có thể trông giống một quý ông vùng nông thôn, một thằng du côn, một người Anh, người Pháp, hoặc một gã người Mỹ lập dị, tùy thuộc vào cái cách anh đội mũ. Tom tự giải trí với nó trước tấm gương trong phòng. Anh luôn nghĩ mình có một khuôn mặt nhàm chán nhất thế giới, một khuôn mặt hết sức dễ quên với vẻ ngoan ngoãn mà đến anh cũng không hiểu nổi, đi cùng một vẻ sợ hãi mơ hồ mà anh chẳng bao giờ có thể xóa sạch. Một khuôn mặt của kẻ phục tùng, anh nghĩ. Chiếc mũ thay đổi toàn bộ ấn tượng đó. Nó đem lại cho anh vẻ nông thôn, Greenwich, Connecticut, vùng quê. Giờ anh là một chàng trai có thu nhập riêng, có thể là mới rời Princeton chưa lâu. Anh mua một cái tẩu thuốc để hợp với cái mũ.
Anh đang khởi đầu một cuộc sống mới. Tạm biệt đám người hạng hai mà anh đã giao du cùng và để họ lởn vởn xung quanh mình trong suốt ba năm qua ở New York. Cảm giác của anh lúc này cũng giống như những người nhập cư khi họ bỏ lại mọi thứ sau lưng để tới một đất nước xa lạ, bỏ lại bạn bè, họ hàng, những sai lầm trong quá khứ và giong buồm tới nước Mỹ. Không ràng buộc! Bất kể có chuyện gì xảy ra với Dickie thì anh cũng sẽ làm tròn bổn phận, ông Greenleaf sẽ biết điều đó và sẽ trân trọng anh vì điều đó. Khi đã tiêu hết tiền của ông Greenleaf, anh có thể sẽ không quay lại Mỹ. Anh có thể kiếm một công việc thú vị trong một khách sạn chẳng hạn, nơi họ cần một con người tươi sáng, duyên dáng biết nói tiếng Anh. Hoặc anh có thể trở thành người đại diện cho một công ty châu Âu nào đó và đi lại khắp nơi trên thế giới. Hoặc ai đó có thể xuất hiện, cần một người thanh niên giống như anh, biết lái xe ô-tô, tính toán nhanh nhẹn, đem lại niềm vui cho người bà hoặc hộ tống con gái của người đó tới buổi khiêu vũ. Anh rất tháo vát và thế giới thì thật rộng lớn! Anh thề với mình sẽ dính chặt lấy công việc một khi kiếm được. Kiên nhẫn và bền bỉ! Hướng về tương lai!
“Cậu có cuốn The Ambassadors của Henry James không?” Tom hỏi nhân viên phụ trách thư viện của khoang hạng nhất. Cuốn sách không có trên giá.
“Tôi xin lỗi, chúng tôi không có cuốn đó, thưa ngài,” nhân viên nói.
Tom thấy thất vọng. Đó là cuốn sách mà ông Greenleaf từng hỏi anh đã đọc chưa. Tom cảm thấy mình buộc phải đọc nó. Anh tới thư viện của khoang phổ thông. Anh thấy quyển sách trên giá nhưng khi định mượn nó và đưa số buồng của mình ra thì nhân viên phục vụ lại xin lỗi anh vì khách khoang hạng nhất không được phép lấy sách từ khoang thường. Tom đã lo sợ điều đó. Anh vui vẻ cất cuốn sách lại, dù việc đi lướt qua giá sách và luồn nó vào dưới áo cũng dễ, rất dễ thôi.
Sáng nào anh cũng đi dạo vài lần quanh boong tàu, hết sức chậm rãi, để những người đang thở phì phò chạy bộ buổi sáng luôn vượt qua anh hai đến ba lần trước khi anh hoàn thành hết một vòng, rồi anh mới ngồi xuống chiếc ghế trên boong của mình để uống nước canh thịt và ngẫm nghĩ thêm về số mệnh. Sau bữa trưa, anh chỉ quanh quẩn trong buồng, đắm mình trong sự riêng tư và thoải mái của nó, hoàn toàn không làm gì cả. Thỉnh thoảng anh ngồi trong phòng viết, trầm ngâm viết thư tay trên tàu cho Marc Priminger, Cleo và gia đình Greenleaf. Bức thư gửi tới gia đình Greenleaf bắt đầu bằng lời chào hỏi lịch sự và cảm ơn giỏ hoa quả tiễn biệt và căn phòng thoải mái. Rồi anh tự giải trí bằng cách thêm một đoạn văn tưởng tượng cho tương lai về việc đã tìm được Dickie và sống cùng anh ta trong căn nhà ở Mongibello, về tiến triển chậm rãi nhưng vững chắc của anh trong việc thuyết phục Dickie về nhà, về việc bơi lội, câu cá, ngồi quán cà phê. Anh bị cuốn vào việc đó tới mức nó trải dài tám đến mười trang giấy và do anh biết mình sẽ không bao giờ gửi chúng đi, nên anh lại viết về việc Dickie không có tình cảm gì với Marge (anh phân tích kỹ lưỡng tính cách của Marge), nên cô nàng không phải là thứ giữ chân Dickie, dù bà Greenleaf đã nghĩ vậy, v.v. Anh chỉ dừng lại khi chiếc bàn phủ kín giấy và tiếng báo hiệu giờ ăn tối vang lên lần đầu tiên.
Một buổi chiều khác, anh viết một lời nhắn lịch sự cho cô Dottie:
Cô thân mến, (điều mà anh rất hiếm khi gọi bà qua thư và cũng chưa bao giờ gọi trước mặt)
Như cô nhìn thấy trên giấy, cháu đang đi biển. Một đề nghị kinh doanh bất ngờ mà hiện giờ cháu không thể giải thích chi tiết được. Cháu đã phải rời đi khá đột ngột nên không thể tới Boston và cháu xin lỗi vì có lẽ phải mất vài tháng hoặc thậm chí là vài năm nữa cháu mới trở về.
Cháu chỉ muốn cô đừng lo lắng và đừng gửi séc thêm cho cháu nữa, cảm ơn cô. Cảm ơn cô rất nhiều vì tấm séc cuối cùng cách đây tầm một tháng. Cháu không nghĩ là sau đó cô gửi thêm tấm séc nào. Cháu khỏe mạnh và cực kỳ hạnh phúc.
Yêu cô,
Tom
Không cần thiết phải gửi lời chúc sức khỏe. Cô Dottie khỏe như vâm vậy. Anh viết thêm:
Tái bút: Cháu không biết địa chỉ của cháu là gì, nên không thể cho cô biết ngay được.
Điều đó khiến anh cảm thấy khá hơn, vì nó rõ ràng đã cắt đứt liên lạc của anh với bà. Anh không bao giờ cần phải báo cho bà về nơi ở của mình nữa. Không còn những bức thư bới móc cạnh khóe, những so sánh ẩn ý về anh và bố anh, những tấm séc tủn mủn với những khoản tiền kỳ cục như sáu đô và bốn mươi tám xu hay mười hai đô và chín mươi lăm xu, như thể bà còn lại một ít tiền sau khi trả các hóa đơn gần nhất, hoặc hoàn trả một món đồ nào đấy cho cửa hàng và quẳng món tiền đấy cho anh, như mẩu bánh vụn. Xét đến số tiền cô Dottie có thể gửi cho anh với khoản thu nhập của bà thì số séc đó đúng là một sự sỉ nhục. Cô Dottie quả quyết rằng việc nuôi dạy anh tốn nhiều tiền hơn so với con số bố anh để lại trong quỹ bảo hiểm và có thể đúng là vậy, nhưng bà có cần phải nhắc đi nhắc lại điều đó trước mặt anh không? Có người nào lại liên tục lôi chuyện này ra nói trước mặt một đứa trẻ cơ chứ? Rất nhiều họ hàng và thậm chí cả người lạ còn nuôi hộ trẻ con mà chẳng lấy đồng nào, thậm chí còn thấy hân hoan.
Sau bức thư gửi cô Dottie, anh đứng dậy và đi dạo quanh boong để hạ hỏa. Viết thư cho bà luôn khiến anh tức điên lên. Anh ghét phải lịch sự với bà. Vậy nhưng đến tận bây giờ, anh vẫn luôn phải cho bà biết anh ở đâu, vì anh vẫn luôn cần đến số séc tủn mủn của bà. Anh đã phải viết một cơ số thư về việc thay đổi địa chỉ cho cô Dottie. Nhưng lúc này anh không cần tiền của bà nữa. Anh sẽ khiến mình độc lập, mãi mãi.
Bất chợt anh nghĩ tới một ngày mùa hè năm anh khoảng mười hai tuổi, trong một chuyến du lịch xuyên đất nước với cô Dottie cùng một bà bạn của bà và họ kẹt cứng không thể di chuyển trên một đoạn đường ở đâu đó. Đó là một ngày mùa hè nắng gắt, khi anh đang cầm theo phích nước ra ngoài để lấy nước đá ở một trạm xăng theo lệnh của cô Dottie thì đột nhiên dòng xe bắt đầu nhúc nhích. Anh nhớ mình đã chạy thục mạng giữa những chiếc xe khổng lồ đang nhích lên, lúc nào cũng trong tình trạng sắp chạm tay tới cửa xe của cô Dottie nhưng lại không bao giờ thật sự chạm vào được. Bà liên tục nhích xe lên phía trước nhanh hết mức có thể, không sẵn lòng đợi anh dù chỉ một phút, chỉ hét vọng ra ngoài cửa sổ, “Nhanh lên, nhanh lên con rùa!” Đến lúc anh bắt kịp xe và chui vào, hai hàng nước mắt giận dữ và phẫn nộ chảy dọc má, bà lại bông đùa nói với bạn mình rằng, “Ẻo lả! Nó ẻo lả từ lúc lọt lòng. Hệt như ông bố nó!” Đúng là kỳ diệu vì dưới sự đối xử đấy mà anh lớn lên khỏe mạnh như bây giờ. Và anh tự hỏi, điều gì đã khiến cô Dottie nghĩ rằng bố anh là kẻ ẻo lả? Liệu bà có thể, hay đã bao giờ kể lại một chuyện gì chưa? Chưa.
Nằm trên chiếc ghế trên boong tàu, tâm trạng dịu lại bởi vẻ hào nhoáng sang trọng xung quanh và bởi những món đồ ăn được chuẩn bị kỹ lưỡng, anh thử nhìn lại quá khứ của mình một cách khách quan. Bốn năm qua phần lớn là lãng phí, không thể phủ nhận điều đó. Những công việc lung tung, những khoảng thời gian dài không có việc làm và tình trạng thoái chí tất yếu vì không có tiền, rồi bắt đầu giao du với những kẻ ngu ngốc, ngớ ngẩn để không phải cô đơn, hoặc vì họ có thể tạm thời cung cấp cho anh một thứ gì đó, như Marc Priminger chẳng hạn. Đó không phải là một thành tích đáng tự hào, xét đến việc anh đã tới New York với đầy hoài bão. Anh đã muốn trở thành diễn viên và ở tuổi hai mươi anh còn quá mơ hồ về những khó khăn, những đào tạo cần thiết, hoặc thậm chí là tài năng cần có. Anh cứ nghĩ mình có tài và tất cả những gì mình cần làm là trình diễn cho một nhà sản xuất nào đó vài vở trào phúng độc thoại – như bà Roosevelt viết “Ngày của tôi” sau một chuyến thăm bệnh viện dành riêng cho các bà mẹ đơn thân – nhưng ba lời cự tuyệt đầu tiên đã giết chết toàn bộ dũng khí và hy vọng của anh. Khi không còn tiền để dành, anh phải nhận việc trên thuyền, ít nhất nó cũng đưa anh rời khỏi New York. Anh đã sợ cô Dottie gọi cảnh sát tìm anh ở New York, dù anh chẳng hề làm gì sai ở Boston, chỉ bỏ trốn để tự tìm lối đi riêng trong thế giới như hàng triệu trai trẻ khác đã làm trước anh.
Anh nghĩ sai lầm chính của mình là chẳng bao giờ chịu gắn bó với bất kỳ công việc gì, như việc làm kế toán trong trung tâm mua sắm đáng ra có thể phát triển hơn, nếu không phải anh thấy hoàn toàn nản lòng bởi sự thăng tiến chậm chạp ở đó. Anh đổ lỗi một phần cho cô Dottie vì đã gây ra tính thiếu kiên nhẫn của mình, chưa bao giờ bà khen ngợi anh hồi nhỏ vì những công việc mà anh gắn bó – như việc giao báo lúc mười ba tuổi. Anh đã được tặng huy chương bạc từ tờ báo cho giải thưởng “Lịch Sự, Dịch Vụ Xuất Sắc và Đáng Tin Cậy.” Như thể đang nhìn lại một người khác để nhớ lại mình lúc ấy, một thằng nhóc còi cọc, yếu ớt, suốt ngày thòng lòng nước mũi, vậy mà vẫn giành được một huy chương cho sự lịch sự, dịch vụ xuất sắc và đáng tin cậy. Cô Dottie luôn ghét những lúc anh bị cúm, bà hay lấy khăn tay và gần như vặn mũi anh để lau nước mũi.
Tom rúm người lại trong ghế ngồi trên boong khi nghĩ tới cảnh đó, nhưng anh làm vậy một cách thanh lịch, chỉ như chỉnh lại nếp nhăn trên quần.
Anh nhớ lời thề bỏ trốn khỏi cô Dottie mà mình đã lập ra ngay từ năm lên tám, những cảnh tượng bạo lực mà anh đã tưởng tượng ra – cô Dottie cố nhốt anh trong nhà nên anh đấm bà, đẩy bà xuống đất, bóp cổ bà, cuối cùng giật cái ghim cài áo rõ bự ra khỏi bộ đồ của bà và dùng nó đâm vào họng bà cả triệu lần. Anh đã bỏ trốn năm mười bảy tuổi và bị đưa về, nhưng anh đã lặp lại hành động đó năm hai mươi tuổi và thành công. Sự ngây ngô của anh mới đáng sửng sốt và đáng thương hại làm sao, anh biết quá ít về cách thế giới vận hành, như thể anh đã dành quá nhiều thời gian căm ghét cô Dottie và vạch kế hoạch trốn thoát bà đến mức không có đủ thời gian để học tập và trưởng thành. Anh vẫn nhớ cảm giác khi bị sa thải khỏi công việc ở nhà kho ngay trong tháng đầu ở New York. Anh mới chỉ có công việc đó trong chưa đầy hai tuần vì không đủ khỏe để nhấc thùng cam tám tiếng một ngày, nhưng anh đã cố hết sức, đến mức bất tỉnh khi làm việc và khi họ đuổi anh, anh vẫn nhớ cảm giác bất công kinh khủng khiếp mà mình cảm thấy. Lúc ấy anh đã quyết định rằng thế giới này đầy rẫy những gã như Simon Legree và bạn phải là một con thú hoang hung hãn như những gã khỉ đột làm việc cùng anh ở nhà kho, không thì sẽ chết đói. Anh nhớ rằng ngay sau đó, anh đã trộm một ổ bánh mỳ từ một quầy bánh hảo hạng và mang nó về nhà, ngấu nghiến nó, cảm thấy thế giới này nợ anh một ổ bánh mỳ và nhiều hơn thế nữa.
“Anh Ripley?” Một trong số những người phụ nữ Anh ngồi cùng trên ghế sô–pha với anh trong phòng khách vào giờ uống trà ngày hôm kia, giờ đang cúi xuống nói với anh. “Chúng tôi tự hỏi không biết anh có muốn cùng nhập hội chơi một ván bài bridge trong phòng giải trí không? Chúng tôi sẽ bắt đầu sau mười lăm phút nữa.”
Tom lịch sự ngồi thẳng dậy. “Rất cảm ơn cô, nhưng tôi nghĩ mình thích ở ngoài này hơn. Bên cạnh đó, tôi chơi bài bridge cũng không giỏi lắm.”
“Ôi, chúng tôi có ai giỏi đâu! Được thôi, lúc khác nhé.” Cô ta mỉm cười và bỏ đi.
Tom lại ngồi ngả xuống, kéo mũ trùm xuống mắt và khoanh tay quanh bụng. Sự tách biệt của anh, anh biết, đang gây ra vài lời bàn tán giữa các hành khách. Anh đã không nhảy với một cô nào trong số mấy nàng ngớ ngẩn cứ mải nhìn anh đầy hy vọng và cười khúc khích suốt các buổi khiêu vũ sau bữa tối hàng ngày. Anh hình dung ra các lời đoán già đoán non của các hành khách khác: Anh ta là người Mỹ à! Tôi nghĩ vậy, nhưng anh ta không hành xử giống một người Mỹ nhỉ? Phần lớn người Mỹ thật là ồn ào. Anh ta thì lại hết sức nghiêm nghị, đúng không và cũng không thể quá hai ba tuổi được. Anh ta hẳn đang có một chuyện rất quan trọng choán hết tâm trí.
Đúng vậy. Chuyện hiện tại và tương lai của Tom Ripley.