Sáng hôm khởi hành, buổi sáng mà anh đã mong ngóng với cảm giác phấn khích hồ hởi, khởi đầu một cách thật đáng ghê tởm. Tom đi theo nhân viên phục vụ tàu tới khoang của anh, đang tự khen mình vì thái độ cứng rắn không cho Bob tới tiễn đã có hiệu quả và vừa bước vào phòng thì một tiếng nổ ầm ĩ vang lên.
“Sâm-panh đâu rồi, Tom? Chúng tôi đợi lâu lắm rồi đấy!” “Trời ơi, căn phòng này nhếch nhác quá! Sao cậu không xin họ lấy một phòng tử tế vào?”
“Tom yêu dấu, chiếm lấy em nhé?” Câu nói đến từ bạn gái của Ed Martin, người mà chỉ nhìn thôi Tom còn chẳng chịu nổi.
Rồi tất cả cùng xuất hiện, chủ yếu là đám bạn ồn ào của Bob, nằm ngả ngớn trên giường, trên sàn, đủ mọi nơi. Bob đã biết việc anh sắp ra khơi, nhưng Tom chẳng bao giờ ngờ được là anh ta lại làm một chuyện như thế này. Phải tự chủ lắm Tom mới không dùng giọng băng giá để thốt lên, “Chẳng có chai sâm-panh nào hết.” Anh cố gắng đón tiếp tất cả bọn họ, cố gắng mỉm cười, dù anh chỉ muốn òa khóc như đứa trẻ. Anh nhìn Bob hằm hằm, nhưng anh ta đã phê rồi. Hiếm có gì có thể chọc anh nổi điên, Tom tự bào chữa cho mình, nhưng đây là một trong số đó: những sự bất ngờ ồn ào như thế này, lũ vô công rồi nghề, lũ trưởng giả học làm sang, lũ thô lỗ mà anh tưởng anh đã bỏ lại phía sau khi đi lên thuyền, chúng đang xả rác ra căn phòng mà anh sắp ở suốt năm ngày tới!
Tom tới chỗ Paul Hubbard, con người đáng kính duy nhất trong phòng và ngồi xuống cạnh anh ta trên chiếc ghế sô-pha ngắn, được gắn cố định vào sàn. “Chào Paul,” anh nói nhỏ. “Tôi rất tiếc về tất cả chuyện này.”
“Thế à!” Paul chế giễu. “Anh sẽ đi bao lâu? – Có chuyện gì vậy, Tom? Anh ốm à?”
Thật kinh khủng. Tiếng ồn, tiếng cười, tiếng các cô gái thử giường và ngó nghiêng phòng vệ sinh cứ vang lên không ngớt. Tạ ơn Chúa vì gia đình Greenleaf đã không tới tiễn anh! Ông Greenleaf đã phải tới New Orleans công tác, còn bà Greenleaf, khi Tom gọi điện chào tạm biệt vào sáng nay, đã nói là bà cảm thấy không đủ khỏe để ra thuyền.
Cuối cùng, Bob hoặc ai đó lôi một chai whiskey ra và tất cả bắt đầu uống bằng hai cái cốc trong phòng tắm trước khi người phục vụ mang theo một khay đựng cốc bước vào. Tom không uống. Mồ hôi vã ra như tắm, đến mức anh phải cởi cả áo khoác ra để không làm hỏng nó. Bob lại gần và dúi một cái cốc vào tay anh, anh ta không hề có vẻ đùa cợt tí nào, Tom nhận ra và cũng biết lý do vì sao – anh đã nhận sự giúp đỡ của Bob suốt một tháng qua, ít nhất anh cũng nên có vẻ mặt dễ chịu, nhưng mặt anh cứ lạnh như băng, không thể nào bày ra vẻ dễ chịu nổi. Anh nghĩ, cho dù sau chuyện này tất cả bọn họ có ghét anh đi nữa thì anh mất gì nào?
“Em vừa chỗ này đấy, Tom yêu dấu,” một cô gái nói. Cô ta đã lách người vào trong một cái tủ quần áo hẹp chỉ đựng vừa cái chổi.
“Tôi muốn nhìn thấy cảnh Tom bị bắt quả tang đưa một cô gái vào trong phòng!” Ed Martin nói, phá ra cười.
Tom trừng mắt nhìn anh ta. “Ra khỏi chỗ này và hít thở chút không khí đi,” anh lầm bầm nói với Paul.
Những người khác còn bận ồn ào đến mức chẳng ai chú ý đến việc họ bỏ đi. Họ đứng ở lan can gần đuôi tàu. Hôm ấy là một ngày âm u, thành phố nằm bên tay phải chưa gì trông đã như một mảnh đất xa xôi, xám xịt mà anh đang nhìn từ giữa biển – trừ một vài tên khốn trong phòng riêng của anh.
“Anh đã trốn ở đâu vậy?” Paul hỏi. “Ed đã gọi điện báo cho tôi biết anh sắp đi xa. Đã mấy tuần rồi tôi không gặp anh đấy.”
Paul là một trong những người nghĩ anh làm việc cho Hiệp hội Báo chí. Tom bịa ra một câu chuyện hay ho về một nhiệm vụ mà anh được phái đi. Có thể là ở Trung Đông, Tom nói. Anh làm ra vẻ bí mật lắm. “Dạo này tôi cũng hay phải làm việc ban đêm,” Tom nói, “đó là lý do tôi không xuất hiện mấy. Anh thật vô cùng tử tế khi tới đây tiễn tôi.”
“Sáng nay tôi không có lớp,” Paul rút tẩu thuốc ra khỏi miệng và mỉm cười. “Dù vậy kiểu gì tôi cũng phải đến. Bịa ra bất cứ cái cớ cũ rích nào để đến đây!”
Tom mỉm cười. Paul dạy nhạc tại một trường nữ sinh ở New York để kiếm sống, nhưng anh ta thích soạn nhạc trong thời gian rảnh. Tom không nhớ mình gặp Paul như thế nào, nhưng vẫn nhớ chuyện đã tới căn hộ của anh ta ở Khu Đường Ven Sông để dùng bữa trưa vào một ngày Chủ nhật cùng vài người bạn nữa, Paul đã chơi một vài tác phẩm của mình trên đàn piano và Tom mê mẩn nó. “Cho tôi mời anh một cốc rượu nhé? Hãy xem chúng ta có tìm được quán bar nào không,” Tom nói.
Nhưng đúng lúc ấy một người phục vụ bước ra, đánh chiêng và hét lên, “Mời những người đi tiễn lên bờ! Tất cả những người đi tiễn mời lên bờ!”
“Đó là tôi rồi,” Paul nói.
Họ bắt tay, vỗ vai, hứa sẽ viết thiệp cho nhau. Rồi Paul ra về.
Đám bạn của Bob hẳn sẽ ở lỳ tới phút cuối, anh nghĩ, có lẽ phải bị đuổi mới chịu đi. Tom đột ngột rẽ ngoặt và chạy lên một cầu thang hẹp. Ở đầu cầu thang, anh gặp một tấm biển DÀNH RIÊNG CHO KHOANG PHỔ THÔNG móc trên một sợi dây xích, anh vắt chân qua nó và bước lên boong. Chắc họ sẽ không từ chối cho một hành khách ở khoang hạng nhất đi vào khoang hạng hai đâu, anh nghĩ. Anh không thể nhìn thêm lũ bạn của Bob một lúc nào nữa. Anh đã trả nửa tháng tiền thuê nhà cho anh ta và còn tặng anh ta một món quà tạm biệt là một cái áo sơ mi và cà-vạt xịn. Bob còn muốn gì nữa?
Phải đến khi con tàu di chuyển Tom mới dám quay về phòng. Anh cẩn trọng bước vào trong. Trống không. Tấm chăn màu xanh dương trang nhã đã được trải phẳng lại. Gạt tàn sạch sẽ. Không hề có dấu hiệu cho thấy họ đã từng ở đây. Tom thả lỏng và mỉm cười. Đây mới là dịch vụ chứ! Truyền thống lâu đời tốt đẹp của Cunard Line, sự thành thạo của người Anh! Anh nhìn thấy một giỏ hoa quả lớn trên sàn nhà cạnh giường. Anh háo hức xé chiếc phong bì trắng nhỏ ra. Tấm thiệp bên trong viết:
Chúc thượng lộ bình an và cầu trời phù hộ cho cậu nhé, Tom. Chúng tôi chúc những điều tốt đẹp nhất đến với cậu.
Emily và Herbert Greenleaf
Chiếc giỏ có quai cao và hoàn toàn nằm trọn dưới lớp giấy bóng kính – táo, lê, nho, vài thanh kẹo và vài bình rượu nhỏ. Tom chưa từng được nhận một giỏ quà tiễn biệt. Đối với anh, chúng luôn là thứ có giá trên trời mà anh chỉ nhìn thấy đằng sau những ô cửa sổ của cửa hàng hoa và rồi cười mỉa mai. Giờ thì anh thấy nước mắt dâng trào và đột ngột anh úp mặt vào giữa hai tay, òa khóc nức nở.