Mỗi ngày trôi qua, không khí của thành phố ngày một lạ lẫm hơn. Như thể có thứ gì đó vừa rời khỏi New York – cái chất riêng hoặc tầm quan trọng của nó – thành phố như đang trình diễn cho mình anh xem, một màn trình diễn tráng lệ với những chuyến xe buýt, taxi, dòng người vội vã trên vỉa hè, hiệu ứng hình ảnh đến từ tất cả các quán rượu trên Đại lộ Số Ba, các mái vòm đậm chất điện ảnh được thắp sáng dưới ánh nắng ban ngày, hiệu ứng âm thanh đến từ những chiếc còi réo rắt và giọng nói muôn người, những lời nói mà chẳng vì bất kỳ mục đích gì. Như thể khi tàu anh rời bến vào thứ Bảy, cả thành phố New York sẽ đổ sụp xuống một tiếng bộp như một đống bìa các-tông trên sân khấu.
Hoặc có thể anh đang sợ. Anh ghét nước. Trước đây anh chưa từng đi đường thủy bao giờ, trừ lần từ New York tới New Orleans rồi lại quay lại New York, nhưng lúc đó anh đang làm việc chủ yếu dưới boong tàu và hầu như không nhận ra mình đang đi trên nước. Vài lần anh lên boong, hình ảnh mặt nước ban đầu đã làm anh kinh sợ, rồi thấy nôn nao và anh lại chạy ngay xuống dưới boong, nơi mà, trái ngược với những gì người ta nói, khiến anh cảm thấy khỏe hơn. Bố mẹ anh đã chết đuối trong vịnh Boston và Tom luôn nghĩ rằng chuyện đó ảnh hưởng tới anh, vì trong trí nhớ của mình, anh vẫn luôn sợ nước, cũng chưa từng học bơi. Bụng Tom cảm thấy nôn nao, trống rỗng khi nghĩ rằng chỉ chưa đầy một tuần nữa, sẽ có một lớp nước sâu ngàn mét dưới chân anh và không nghi ngờ gì, phần lớn thời gian, anh sẽ phải nhìn thấy nó vì hoạt động chủ yếu của hành khách trên tàu đều diễn ra trên boong. Và anh cảm thấy bị say sóng thì thật không thời thượng. Anh chưa từng bị say sóng, nhưng trong mấy ngày qua, vài lần anh đã gần trở nên như vậy, mỗi khi nghĩ đến chuyến hải trình tới Cherbourg.
Anh đã báo cho Bob Delancey rằng một tuần nữa anh sẽ chuyển đi, nhưng không nói đi đâu. Đằng nào thì Bob cũng không có vẻ gì hứng thú. Họ rất ít khi gặp nhau ở ngôi nhà trên đường 51. Tom đã tới nhà của Marc Priminger trên đường 45 Bờ Đông – anh vẫn giữ chìa khóa – để lấy nốt vài món đồ mà anh bỏ quên, thậm chí còn tới vào thời điểm mà anh nghĩ là Marc không có nhà, nhưng Marc đã về cùng bạn trọ mới, Joel, một chàng trai gầy gò làm việc cho một nhà xuất bản. Trước sự không mời mà tới của Tom, Marc đã bày ra vẻ khéo léo “Cứ làm gì tùy thích” cho Joel xem, nếu không phải có Joel ở đó thì Marc hẳn đã chửi bới anh bằng một giọng điệu thô lỗ đến cả một tay thủy thủ người Bồ cũng chẳng dùng. Marc (tên ông ta là Marcellus cơ đấy) là một gã xấu xí, khờ khạo, có khoản thu nhập riêng và thú vui giúp đỡ những chàng trai trẻ đang gặp khó khăn tài chính tạm thời bằng cách cho ở nhờ trong ngôi nhà hai tầng, ba buồng ngủ của mình. Ông ta thích đóng vai Chúa bằng cách chỉ bảo cho họ phải làm gì hay không được làm gì ở nhà ông ta và đưa ra những lời khuyên, thường là vô giá trị, về cuộc sống và công việc. Tom đã ở đó ba tháng, phân nửa khoảng thời gian đó Marc ở Florida và cả ngôi nhà dành trọn cho riêng anh, nhưng khi Marc quay lại, ông ta đã làm um lên về vài mảnh đồ thủy tinh vỡ – Marc lại đóng vai Chúa, Người Cha Nghiêm Khắc – và Tom đã giận đến mức, đúng một lần duy nhất, anh đứng lên vặc lại ông ta. Và thế là Marc đã đuổi anh đi, sau khi thu sáu mươi ba đô tiền đồ thủy tinh vỡ. Lão già hà tiện! Tom nghĩ ông ta đáng ra phải làm một bà giúp việc già nua ở một trường nữ sinh mới hợp. Tom thấy hối hận một cách cay đắng vì đã từng gặp Marc Priminger và anh càng sớm quên được đôi mắt lợn ngu đần, quai hàm to bè, đôi bàn tay xấu xí với những cái nhẫn lòe loẹt (cứ vẫy vẫy trong không khí, ra lệnh cho mọi người làm cái này cái kia) của Marc, thì anh càng hạnh phúc.
Người duy nhất trong số bạn bè của anh mà anh cảm thấy muốn kể về chuyến đi châu Âu của mình là Cleo và anh tới gặp cô vào ngày thứ Năm trước khi lên tàu. Cleo Dobelle là một cô gái tóc đen cao ráo, mảnh dẻ, độ tuổi tầm hai ba đến ba mươi, Tom cũng không rõ. Cô sống với bố mẹ ở quảng trường Gracie và vẽ những đường nét nhỏ xinh – thật ra là cực kỳ nhỏ – để trang trí cho những món đồ bằng ngà còn không to hơn tem thư, phải nhìn qua kính lúp mới thấy và Cleo cũng dùng kính lúp khi vẽ. “Các họa sĩ khác phải mất cả đống không gian để cất các bức tranh sơn dầu! Nhưng thử nghĩ xem, toàn bộ các tác phẩm hội họa của em có thể đựng trong một hộp thuốc lá, vậy mới tiện làm sao!” Cleo nói. Cô sống ở khu phòng riêng thông với một phòng tắm và bếp nhỏ ở sau căn hộ của bố mẹ cô và căn hộ của Cleo lúc nào cũng khá tối vì ánh sáng chỉ chiếu vào một khoảng sân nhỏ xíu mọc đầy cây lá lĩnh, nhưng giờ chính chúng lại chắn hết toàn bộ nguồn sáng. Cleo luôn bật đèn, dù ánh đèn chỉ sáng mờ mờ, tạo cho căn phòng một cảm giác đêm tối bất kể vào thời điểm nào trong ngày. Ngoại trừ buổi tối họ quen nhau thì Tom chỉ nhìn thấy cô mặc những cái quần nhung ôm người đủ màu sắc và những chiếc áo lụa kẻ sọc tươi sáng. Họ đã thu hút lẫn nhau ngay từ lần gặp gỡ đầu tiên và Cleo mời anh tới nhà cô ăn tối ngay hôm sau. Cleo luôn rủ anh tới nhà và chẳng hiểu sao chưa bao giờ có ý nghĩ rằng anh nên mời cô ăn tối hoặc đi nghe nhạc hoặc làm bất kỳ một hành vi thông thường nào mà một chàng trai nên dành cho một cô gái. Cô không mong đợi anh mang tặng hoa hoặc sách hay kẹo khi anh tới ăn tối hoặc uống cocktail, dù thỉnh thoảng Tom vẫn mang cho cô một món quà nhỏ, vì nó làm cô vui. Cleo là người độc nhất mà anh có thể kể chuyện mình sắp tới châu Âu cũng như lý do của chuyến đi ấy. Anh kể cho cô.
Cleo mê mẩn, đúng như anh đã biết. Đôi môi đỏ hé ra trên khuôn mặt dài, hơi nhợt nhạt của cô và cô đập tay lên cặp đùi mặc quần nhung, thốt lên, “Tom yêu dấu! Thật tuyệt quá đi! Giống hệt một câu chuyện của Shakespeare ấy!”
Đó cũng chính là điều Tom nghĩ. Đó đúng là những điều anh cần một người nói ra hộ.
Cleo ồn ào quanh anh cả tối, hỏi xem anh có cái này cái kia chưa, Kleenex rồi thuốc cảm rồi tất len vì mùa thu ở châu Âu đã bắt đầu mưa rồi, cả chuyện anh đã tiêm chủng chưa. Tom nói rằng mình cảm thấy đã chuẩn bị khá kỹ càng.
“Nhưng đừng tới tiễn anh nhé, Cleo. Anh không muốn có người đưa tiễn.”
“Tất nhiên là không rồi!” Cleo nói, thấu hiểu. “Ôi, Tom yêu dấu, em nghĩ nó sẽ vui lắm! Anh sẽ viết thư kể cho em về tất cả những gì diễn ra với Dickie chứ? Anh là người duy nhất em quen có lý do để tới châu Âu đấy.”
Anh kể cho cô về chuyến thăm xưởng đóng tàu của ông Greenleaf ở Long Island, các dãy bàn kéo dài hàng dặm với đống máy móc chế tạo những linh kiện kim loại sáng bóng, phủ véc ni và đánh bóng gỗ, các vũng cạn với khung tàu đủ kích cỡ. Anh gây ấn tượng với cô bằng các thuật ngữ mà ông Greenleaf đã dùng – vành viền hầm tàu, ki đứng, sống phụ, nẹp ke hông. Anh tả lại bữa tối thứ hai ở nhà ông Greenleaf, khi ông tặng anh một chiếc đồng hồ đeo tay. Anh khoe nó với Cleo, không phải là một món đồ quá hào nhoáng đắt tiền, nhưng vẫn rất tuyệt vời và đúng phong cách mà Tom hẳn sẽ chọn cho mình – mặt trắng trơn với các con số La Mã màu đen thanh lịch trên viền vàng đơn giản và quai da cá sấu.
“Chỉ vì tình cờ mấy hôm trước anh nói rằng mình không có đồng hồ,” Tom nói. “Ông ấy thật sự coi anh như con trai.” Và Cleo cũng là người duy nhất anh quen mà anh có thể bộc bạch điều đó.
Cleo thở dài. “Đàn ông! Bọn anh ẵm trọn mọi may mắn trên đời. Một chuyện như thế sẽ chẳng tài nào xảy ra với phụ nữ. Đàn ông thật tự do!”
Tom mỉm cười. Anh vẫn thường nghĩ rằng ngược lại mới đúng. “Có phải đùi cừu đang cháy không?”
Cleo la toáng lên và bật dậy.
Sau bữa tối, cô cho anh xem năm hay sáu bức tranh mới nhất gì đấy: hai bức chân dung lãng mạn của một chàng trai mà cả hai đều quen, mặc áo sơ mi trắng mở cổ, ba bức tranh phong cảnh kỳ ảo của một vùng rừng rậm, lấy cảm hứng từ những chùm lá lĩnh ngoài cửa sổ. Lông của những con khỉ con trong các bức tranh được vẽ đẹp đến sửng sốt, Tom nghĩ thầm. Cleo có rất nhiều cọ mà chỉ có một sợi lông trên đó, đến những cái đấy cũng đa dạng từ loại tương đối thô cho tới siêu mảnh. Họ uống gần hết hai chai Medoc từ tủ rượu của bố mẹ cô, Tom buồn ngủ tới mức có thể ngủ cả đêm ngay trên sàn nơi anh đang nằm – họ thường ngủ cạnh nhau trên hai tấm thảm gấu lớn trước lò sưởi, đó cũng là một điểm tuyệt vời nữa của Cleo, cô chẳng bao giờ mong muốn hay kỳ vọng anh tiến tới với mình và anh cũng chưa từng làm vậy – nhưng Tom vẫn lê thân dậy lúc mười hai giờ kém mười lăm và ra về.
“Em sẽ không gặp lại anh đâu nhỉ?” Cleo nói một cách chán nản ở cửa.
“À, chắc khoảng sáu tuần nữa là anh quay lại thôi,” Tom nói dù không hề nghĩ vậy. Đột ngột, anh rướn người tới và đặt một nụ hôn thân ái lên đôi má trắng ngà của cô. “Anh sẽ nhớ em đấy, Cleo.”
Cô siết nhẹ vai anh, sự động chạm thể xác duy nhất mà cô từng trao cho anh theo anh nhớ. “Em sẽ nhớ anh,” cô nói.
Ngày hôm sau, anh xử lý nhiệm vụ mà bà Greenleaf giao ở tiệm Brooks Brothers, một tá đôi tất len đen và áo choàng tắm. Bà không hề gợi ý màu sắc cho áo choàng tắm mà nói sẽ để anh chọn. Tom chọn một chiếc bằng vải flannel màu nâu sẫm với dây lưng và ve áo màu xanh navy. Nó không phải chiếc áo choàng tắm đẹp nhất trong cửa hàng, theo ý Tom, nhưng anh cảm thấy đó chính là món mà Richard sẽ chọn và Richard sẽ rất thích nó. Anh thanh toán tất và áo choàng tắm bằng tài khoản của nhà Greenleaf. Anh nhìn thấy một chiếc áo sơ mi bằng lanh nặng nề với hàng khuy gỗ mà anh rất thích, hẳn cũng có thể dễ dàng gán nó vào tài khoản thanh toán của nhà Greenleaf, nhưng anh không làm vậy. Anh tự mua bằng tiền của mình.