Tom để ba ngày trôi đi. Đến tầm trưa ngày thứ tư anh mới xuống bãi biển và thấy Dickie một mình ở đó, vẫn ngồi chỗ Tom đã thấy anh ta lần đầu tiên, trước mặt những tảng đá xám xịt chạy từ đất liền vắt ngang bờ biển.
“Sáng tốt lành!” Tom gọi. “Marge đâu rồi?”
“Chào. Chắc là cô ấy làm việc muộn một chút. Cô ấy sẽ xuống đây thôi.”
“Làm việc à?”
“Cô ấy là một nhà văn.” “À.”
Dickie hít điếu thuốc lá Ý đang ngậm ở khóe môi. “Anh đã trốn ở đâu vậy? Tôi cứ tưởng anh đi rồi.”
“Ốm,” Tom nói một cách hờ hững, ném khăn tắm xuống cát, nhưng không để quá gần khăn của Dickie.
“À, bệnh dạ dày khó chịu thường gặp à?”
“Chơi vơi giữa sống sót và phòng vệ sinh,” Tom nói, mỉm cười. “Nhưng giờ tôi khỏe rồi.” Thật ra thì mấy ngày trước anh yếu đến mức còn chẳng ra nổi khách sạn, nhưng anh đã bò vòng quanh phòng trên sàn, theo các vệt nắng chiếu qua cửa sổ, để lần tới xuống biển trông anh không còn trắng bệch nữa. Và anh dùng nốt chỗ sức lực nhỏ nhoi còn lại để học một quyển sách hội thoại tiếng Ý mà anh đã mua trong sảnh khách sạn.
Tom bước xuống nước, tự tin đi tới tận chỗ nước dâng tới eo rồi mới dừng lại, vẩy nước qua vai. Anh hạ người xuống cho tới khi nước dâng tới cằm, nổi ở đó một lúc rồi chậm rãi đi vào.
“Tôi có thể mời anh một ly rượu ở khách sạn trước khi anh về nhà không?” Tom hỏi Dickie. “Và cả Marge nữa, nếu cô ấy đến. Tôi muốn đưa áo choàng tắm và tất cho anh, anh biết đấy.”
“À, đúng rồi. Cảm ơn nhiều, tôi cũng muốn làm một ly.” Anh ta tiếp tục đọc tờ báo Ý.
Tom duỗi người trên khăn tắm của mình. Anh nghe tiếng đồng hồ của làng điểm một giờ.
“Không có vẻ là Marge định xuống rồi,” Dickie nói. “Tôi nghĩ mình sẽ đi với anh luôn.”
Tom nhỏm dậy. Họ đi bộ về Miramare, hầu như không nói gì với nhau, chỉ trừ việc Tom mời Dickie ăn trưa cùng và Dickie từ chối vì theo lời anh ta người giúp việc đã chuẩn bị bữa trưa ở nhà. Họ lên phòng của Tom, Dickie mặc thử áo choàng tắm và ướm đôi tất lên bàn chân trần. Cả hai món đều đúng kích cỡ và như Tom đã dự đoán, Dickie hết sức hài lòng với chiếc áo choàng tắm.
“Còn đây,” Tom nói, lấy từ ngăn kéo tủ ra một chiếc hộp vuông được bọc giấy của hàng thuốc. “Mẹ anh còn gửi cả thuốc nhỏ mũi cho anh nữa.”
Dickie mỉm cười. “Tôi không cần đến nó nữa. Do bệnh xoang. Nhưng tôi vẫn sẽ cầm chúng hộ anh.”
Giờ thì Dickie đã nhận được tất cả, Tom nghĩ thầm, tất cả những gì anh mang đến. Tom biết anh ta vẫn sẽ từ chối lời mời uống rượu của anh. Tom đi theo anh ta ra cửa. “Anh biết đấy, bố anh rất lo lắng việc anh không về nhà. Ông ấy còn nhờ tôi khuyên bảo anh, việc mà tất nhiên là tôi sẽ không làm, nhưng tôi sẽ phải kể lại một điều gì đó cho ông. Tôi đã hứa sẽ viết thư cho ông.”
Dickie đặt tay lên tay nắm cửa và quay người lại. “Tôi không biết bố tôi nghĩ tôi đang làm gì ở đây – uống rượu tới chết chắc. Có lẽ mùa đông này tôi sẽ bay về nhà vài ngày, nhưng tôi không có ý định ở lại đó. Ở đây tôi hạnh phúc hơn. Nếu tôi quay lại đó sống, bố tôi sẽ ép tôi làm việc ở Burke- Greenleaf. Tôi không thể vẽ nữa, dù tình cờ là tôi lại thích vẽ, nhưng tôi nghĩ sống thế nào là chuyện của tôi.”
“Tôi hiểu. Nhưng ông đã nói sẽ không cố ép anh làm việc trong công ty của mình nếu anh quay về, trừ phi anh muốn làm việc trong bộ phận thiết kế và ông cũng nói anh thích công việc đó.”
“À, bố tôi và tôi đã thảo luận về chuyện đó rồi. Dẫu sao vẫn cảm ơn anh, Tom, vì đã chuyển lời cũng như chuyển đồ. Anh thật tốt bụng.” Dickie chìa tay ra.
Tom không thể ép mình bắt lấy bàn tay ấy. Đây chính là rìa của sự thất bại theo định nghĩa của ông Greenleaf và thất bại với Dickie. “Tôi nghĩ mình phải kể cho anh một chuyện này nữa,” Tom mỉm cười nói. “Bố anh đã đặc biệt cử tôi tới đây để bảo anh về nhà.”
“Ý anh là gì?” Dickie cau mày. “Trả tiền cho anh à?” “Đúng vậy.” Đây là cơ hội cuối cùng của anh, hoặc khơi gợi được sự thích thú của Dickie hoặc đẩy anh ta ra xa hơn, hoặc khiến Dickie phá ra cười hoặc anh ta sẽ bỏ ra ngoài và đóng sập cửa lại đầy ghê tởm. Nhưng nụ cười đang đến, hai khóe miệng dài của anh ta nhếch lên, hệt như Tom vẫn nhớ về nụ cười của Dickie.
“Trả tiền cho anh! Ai mà ngờ được! Ông ấy đang dần tuyệt vọng, đúng không?” Dickie đóng cửa lại.
“Ông ấy đã tiếp cận tôi trong một quán bar ở New York,” Tom nói. “Tôi đã bảo ông ấy là tôi không thân với anh, nhưng ông ấy quả quyết rằng tôi sẽ giúp được ông nếu tới đây. Tôi đã bảo là tôi sẽ cố gắng.”
“Làm sao ông ấy lại biết anh?”
“Qua nhà Schriever. Tôi cũng không thân với nhà đó lắm, nhưng thế đấy! Họ nghĩ tôi là bạn cũ của anh và có thể giúp ích cho anh rất nhiều.”
Họ phá ra cười.
“Tôi không muốn anh nghĩ tôi là người cố lợi dụng bố anh,” Tom nói. “Tôi định sớm tìm một công việc ở châu Âu và cuối cùng tôi sẽ có thể trả lại ông tiền đi lại của tôi. Ông ấy đã mua vé khứ hồi cho tôi.”
“Ôi, đừng bận tâm! Nó sẽ được kê vào danh mục chi phí của công ty Burke-Greenleaf. Tôi chỉ có thể hình dung ra cảnh bố tôi tiếp cận anh trong một quán bar! Quán nào thế?”
“Raoul. Thật ra là, ông đi theo tôi từ Green Cage.” Tom quan sát khuôn mặt của Dickie tìm dấu hiệu cho thấy anh ta nhận ra Green Cage, một quán bar rất nổi, nhưng chẳng có dấu hiệu quen thuộc nào.
Họ uống rượu trong quán bar của khách sạn ở dưới tầng. Họ nâng ly vì ông Herbert Richard Greenleaf.
“Tôi vừa nhớ ra hôm nay là Chủ nhật,” Dickie nói. “Marge đã tới nhà thờ. Anh nên tới ăn trưa cùng chúng tôi. Hôm nay chúng tôi có món gà. Anh biết đấy, đó là một truyền thống từ xưa của người Mỹ, ăn gà vào Chủ nhật.”
Dickie muốn ghé qua nhà của Marge để xem cô ta còn ở đó không. Từ đường chính họ đi lên vài bậc thang dọc theo một bức tường đá, băng qua một khoảng vườn nhà ai đó, rồi lại leo thêm vài bậc thang nữa. Nhà của Marge chỉ có một tầng và trông khá xập xệ, một bên là khu vườn lộn xộn, hai cái xô và một vòi phun nước vứt chỏng chơ trên lối vào. Đại diện duy nhất của vẻ nữ tính là bộ đồ tắm màu cà chua và một chiếc áo lót treo trên bệ cửa sổ. Qua một cửa sổ đang mở, Tom thoáng thấy một chiếc bàn bừa bãi với chiếc máy đánh chữ đặt bên trên.
“Chào!” Cô ta nói khi ra mở cửa. “Chào, Tom! Suốt thời gian qua anh đã ở đâu vậy?”
Cô ta định mời họ uống rượu, nhưng phát hiện ra chỉ còn nửa đốt ngón tay rượu gin trong chai Gilbey của mình.
“Không quan trọng, chúng ta sẽ về nhà anh,” Dickie nói. Anh ta dạo bước quanh căn phòng khách kiêm phòng ngủ của Marge một cách thoải mái, như thể phân nửa thời gian anh ta sống ở đây. Anh ta cúi nhìn một chậu hoa trồng một cái cây nhỏ xíu nào đó và nhẹ nhàng chạm ngón trỏ vào lá. “Tom có một chuyện hài hước lắm để kể cho em đấy,” anh ta nói. “Kể cho cô ấy đi, Tom.”
Tom hít một hơi và kể lại. Anh khiến nó trở nên cực kỳ buồn cười và Marge cười như một người mấy năm rồi chẳng có gì vui để cười. “Khi thấy ông đi theo vào Raoul, tôi đã chuẩn bị trèo qua cửa sổ sau quán!” Miệng anh thao thao bất tuyệt, gần như độc lập với não bộ. Trong đầu anh còn đang ước lượng vị thế của mình đã tăng lên bao nhiêu đối với Dickie và Marge. Anh có thể thấy điều đó trên mặt họ.
Con đường lên đỉnh đồi tới nhà Dickie cảm giác như chỉ dài bằng phân nửa lúc trước. Mùi gà nướng thơm phức bay ra từ ban công. Dickie pha martini. Tom tắm rồi đến Dickie tắm và anh ra ngoài rót cho mình một cốc rượu, hệt như lần đầu tiên, chỉ có điều giờ đây bầu không khí đã hoàn toàn thay đổi.
Dickie ngồi xuống một cái ghế bành bằng mây và vắt hai chân qua tay vịn. “Kể thêm cho tôi đi,” anh ta nói, mỉm cười. “Anh làm kiểu công việc gì? Anh đã nói anh định kiếm việc mà.”
“Sao thế? Anh có việc cho tôi à?” “Không thể nói là có.”
“À, tôi có thể làm nhiều việc lắm – phục vụ, chăm trẻ, kế toán – không may tôi lại có khiếu với những con số. Bất kể say đến đâu đi nữa thì tôi vẫn biết liệu người phục vụ có đang lừa mình không. Tôi có thể giả mạo chữ ký, lái trực thăng, điều khiển quân xúc xắc, nhại lại hầu hết tất cả mọi người, nấu ăn – và độc diễn trong một hộp đêm nếu người tiêu khiển thường ngày bị ốm. Tôi có nên kể tiếp không?” Tom đổ người về phía trước, dùng tay đếm các tài năng của mình. Anh có thể kể mãi không hết.
“Độc diễn là gì?” Dickie hỏi.
“À...” Tom bật dậy. “Ví dụ như thế này nhé.” Anh tạo dáng với một tay chống hông, một chân chìa ra. “Đây là phu nhân Assburden đang thử nghiệm tàu điện ngầm của Mỹ. Bà chưa từng đi tàu điện ngầm ở Luân Đôn, nhưng bà muốn mang về một chút trải nghiệm Mỹ.” Tom diễn tả tất cả bằng kịch câm, tìm một đồng xu, phát hiện ra nó không chui lọt vào khe, mua vé, phân vân xem nên đi cầu thang nào xuống, ra vẻ hoảng hốt trước tiếng ồn và chuyến đi dài dằng dặc, rồi lại phân vân không biết làm sao ra khỏi chỗ này – đến đoạn này thì Marge đi ra và Dickie thuật lại với cô rằng đó là một người phụ nữ Anh đang đi tàu điện ngầm, nhưng Marge có vẻ không hiểu và hỏi “Gì cơ?” – rồi anh đi qua một cánh cửa mà theo vẻ mặt co rúm lại vì hãi hùng của bà ta chỉ có thể là cửa phòng vệ sinh nam, vẻ hãi hùng ngày một tăng lên cho tới khi bà ngất xỉu. Tom ngất một cách thanh lịch trên lan can hiên.
“Tuyệt vời!” Dickie la lên, vỗ tay.
Marge không cười. Cô ta đứng đó trông có phần ngơ ngác. Cả hai đều không thèm giải thích cho cô ta hiểu. Đằng nào thì trông cô ta cũng không có vẻ có khiếu hài hước, Tom nghĩ.
Tom hớp một ngụm martini, hết sức hài lòng với bản thân. “Một lúc nào đó tôi sẽ diễn một vở khác cho cô,” anh nói với Marge, nhưng chủ yếu để ám chỉ với Dickie rằng anh vẫn còn thứ để diễn.
“Bữa tối sẵn sàng chưa?” Dickie hỏi cô ta. “Anh đói ngấu rồi.”
“Em đang chờ món ác-ti-sô trời đánh đó xong. Anh biết cái lỗ đằng trước rồi đấy. Nó khiến mọi thứ chỉ chớm sôi.” Cô ta mỉm cười với Tom. “Dickie rất cổ hủ trong một số chuyện, Tom ạ, nhất là những việc mà anh ấy không phải mó vào ấy.
Vẫn chỉ có một cái bếp củi ở đây và anh ấy còn không chịu mua tủ lạnh hay thùng đá nữa chứ.”
“Mấy thứ đó là một trong những lý do tôi trốn khỏi Mỹ,” Dickie nói. “Chúng chỉ là đồ thừa ở một đất nước có quá nhiều người giúp việc. Ermelinda sẽ làm gì với bản thân bà ấy nếu chỉ mất nửa tiếng để nấu xong bữa cơm chứ?” Anh ta đứng dậy. “Vào đây, Tom, tôi sẽ cho anh xem vài bức tranh của tôi.”
Dickie dẫn đường vào một căn phòng rộng mà Tom đã nhìn qua hai lần trên đường đi tắm. Trong phòng có một cái tràng kỷ dài dưới hai khung cửa sổ và một cái giá vẽ lớn ở chính giữa nhà. “Đây là một trong những bức vẽ Marge tôi đang làm dở dang.” Anh ta ra dấu về bức tranh trên giá.
“À,” Tom nói với vẻ hứng thú. Nó chẳng đẹp đẽ gì theo ý anh, mà có lẽ ai cũng nghĩ vậy thôi. Vẻ hào hứng điên cuồng trong nụ cười của cô ta có phần hơi lệch lạc. Da đỏ như da người Anh-điêng. Nếu không phải Marge là cô gái duy nhất quanh đây tóc vàng thì anh hẳn đã chẳng nhận ra được bất kỳ sự tương đồng nào.
“Và đây – rất nhiều tranh phong cảnh,” Dickie nói với nụ cười có vẻ chê trách, rõ ràng là anh ta muốn Tom nói gì đó khen ngợi, vì anh ta rất tự hào về chúng. Tất cả đều lộn xộn, hấp tấp và giống nhau đến mức đơn điệu. Hầu như bức nào cũng có sự kết hợp của màu đỏ gạch và xanh dương đậm, mái nhà và núi màu đỏ gạch, biển màu xanh dương sậm. Đó cũng là sắc xanh anh ta tô lên mắt của Marge.
“Nỗ lực siêu thực của tôi đấy,” Dickie nói, đặt một bức tranh khác lên đầu gối.
Tom nhăn mặt, tự thấy xấu hổ thay. Lại là Marge, không nghi ngờ gì, dù ở đây cô ta mang mái tóc dài như rắn và tệ nhất là hai đường chân trời trong mắt cô ta, một bên thì chứa cảnh những ngôi nhà và đồi núi thu nhỏ của Mongibello, bên còn lại thì chứa bãi biển đầy những hình người màu đỏ nhỏ xíu. “Tôi thích bức tranh đó đấy,” Tom nói. Ông Greenleaf nói đúng. Vậy nhưng Tom đoán nó khiến Dickie có việc để làm, giúp anh ta tránh xa rắc rối, cũng giống như cái cách nó trao cho cả nghìn họa sĩ nghiệp dư tệ hại khắp nước Mỹ việc để làm. Anh chỉ thấy tiếc vì Dickie cũng rơi vào nhóm đó, bởi vì anh hy vọng anh ta giỏi giang hơn thế.
“Tôi sẽ không bao giờ khiến cả thế giới phát điên lên với tư cách một họa sĩ,” Dickie nói, “nhưng tôi tìm được rất nhiều niềm vui từ nó.”
“Vậy à.” Tom muốn quên sạch các bức tranh lẫn chuyện
Dickie vẽ. “Tôi có thể tham quan ngôi nhà được không?” “Đương nhiên! Anh chưa thấy phòng khách nhỉ?” Dickie mở một cánh cửa trong hành lang dẫn vào một căn phòng rất rộng rãi có lò sưởi, ghế sô-pha, giá sách và ba lối ra – một ra hiên, một ra mảnh đất ở cạnh nhà và một tới vườn trước. Dickie nói rằng vào mùa hè anh ta không dùng căn phòng này, bởi vì anh ta thích để dành nó như một sự thay đổi quan cảnh trong mùa đông. Nó giống hang ổ của mọt sách hơn là phòng khách, Tom nghĩ. Nó làm anh ngạc nhiên. Anh đã coi Dickie là một thanh niên không thông minh lắm và hẳn là dành phần lớn thời gian chơi bời. Có thể anh đã sai. Nhưng anh không nghĩ mình sai khi cho rằng hiện giờ Dickie đang thấy nhàm chán và cần một người chỉ cho anh ta cách vui vẻ.
“Trên gác có gì?” Tom hỏi.
Trên gác thật đáng thất vọng. Phòng ngủ của Dickie trong một góc nhà phía trên hiên trống trải và trơ trọi – giường, tủ kéo, ghế bập bênh trông lạc lõng và lẻ loi trong không gian rộng rãi – giường cũng hẹp, chẳng rộng hơn một cái giường đơn là bao. Ba căn phòng còn lại trên tầng hai còn chẳng được bày biện đồ đạc gì, hoặc có thể là chưa bày xong. Một căn phòng trong đó chỉ có củi và một chồng khung tranh bỏ đi. Chắc chắn là không có dấu vết của Marge ở bất kỳ đâu, chứ chưa nói đến trong phòng ngủ của Dickie.
“Lúc nào đó hãy đến Naples với tôi nhé?” Tom hỏi. “Tôi đã không có cơ hội ngắm nhìn nó nhiều trên đường tới đây.”
“Được thôi,” Dickie nói. “Marge và tôi sẽ tới đó chiều thứ Bảy. Tối thứ Bảy nào chúng tôi cũng ăn tối ở đó và tự thưởng cho mình một chuyến taxi hoặc carrozza2 quay lại. Đi cùng đi.”
2 Carrozza: xe ngựa kéo
“Ý tôi là vào ban ngày hoặc một ngày trong tuần để tôi có thể tham quan kĩ hơn,” Tom nói, hy vọng tránh đưa Marge đi du ngoạn cùng. “Hay là anh vẽ cả ngày à?”
“Không. Mỗi thứ Hai, thứ Tư và thứ Sáu đều có một chuyến buýt lúc mười hai giờ. Tôi nghĩ chúng ta có thể đi ngay ngày mai, nếu anh thấy thích.”
“Cũng được,” Tom nói, dù anh vẫn không dám chắc việc Marge sẽ không đòi đi cùng. “Marge theo Công giáo à?” Anh hỏi khi họ xuống cầu thang.
“Hết sức sùng kính! Cô ấy đã cải đạo vì một gã người Ý mà cô ấy chết mê chết mệt cách đây sáu tháng. Hắn ta dẻo mỏ thật! Hắn ta ở đây vài tháng, nghỉ ngơi sau một tai nạn trượt tuyết. Marge tự an ủi bản thân vì để mất Eduardo bằng cách theo đạo của hắn ta.”
“Tôi cứ tưởng cô ấy yêu anh cơ.” “Tôi á? Đừng ngớ ngẩn thế!”
Bữa ăn đã sẵn sàng khi họ ra đến ngoài hiên. Thậm chí còn có cả bánh quy nóng ăn cùng bơ, do Marge làm.
“Anh có biết Vic Simmons ở New York không?” Tom hỏi Dickie.
Vic có cả một hội nghệ sĩ, nhà văn và vũ công ở New York, nhưng Dickie không biết nhân vật này. Tom hỏi anh ta về hai, ba người nữa, cũng không quen thuộc.
Tom hy vọng Marge sẽ ra về sau khi uống cà phê, nhưng không. Khi cô ta tạm rời khỏi hiên, Tom hỏi, “Tôi có thể mời anh ăn tối ở khách sạn của tôi tối nay không?”
“Cảm ơn. Mấy giờ nhỉ?”
“Bảy rưỡi nhé? Để chúng ta còn dư thời gian uống cocktail? – Sau cùng thì đó cũng là tiền của bố anh mà,” Tom mỉm cười nói thêm.
Dickie phá ra cười. “Được thôi, cocktail và một chai rượu vang hảo hạng. Marge!” Marge đang quay lại. “Chúng ta sẽ ăn tối ở Miramare, lời chúc mừng của Bố Greenleaf!”
Vậy là Marge cũng đi theo và Tom chẳng thể làm gì được. Sau cùng thì đó là tiền của bố Dickie.
Bữa tối hôm đó khá dễ chịu, nhưng sự hiện diện của Marge ngăn Tom nói về bất kỳ việc gì anh muốn và anh thậm chí còn chẳng buồn tỏ ra dí dỏm như vốn có của mình khi có mặt của Marge. Marge quen vài người trong phòng ăn, sau bữa tối, cô ta cáo lỗi và mang cà phê sang một bàn khác ngồi.
“Anh sẽ ở đây bao lâu?” Dickie hỏi.
“À, ít nhất một tuần, tôi áng vậy,” Tom đáp.
“Bởi vì...” Gò má Dickie hơi hồng lên. Chai rượu vang khiến anh ta vui vẻ hẳn. “Nếu anh ở lại đây một thời gian nữa thì sao không ở với tôi? Ở khách sạn chẳng để làm gì, trừ phi anh thật sự thích nó hơn.”
“Cảm ơn anh rất nhiều,” Tom nói.
“Có một chiếc giường trong căn phòng người giúp việc mà anh chưa vào. Bà Ermelinda không ngủ qua đêm. Tôi chắc chắn chúng ta có thể xoay xở được với chỗ đồ đạc rải rác trong nhà, nếu anh muốn.”
“Tôi chắc chắn là mình muốn vậy chứ. Tiện đây, bố anh cho tôi sáu trăm đô la tiêu xài và tôi vẫn còn khoảng năm trăm đô. Tôi nghĩ hai ta nên tìm chút niềm vui với số tiền đó, anh thấy sao?”
“Năm trăm đô!” Dickie nói, như thể chưa từng thấy cả cục tiền như vậy trong đời. “Chúng ta có thể mua một con xe nhỏ với số tiền đó đấy!”
Tom không tán thành ý tưởng mua xe. Nó không có gì vui vẻ, theo ý anh. Anh muốn bay tới Paris. Anh thấy Marge đang trở lại.
Sáng hôm sau anh chuyển vào.
Dickie và Ermelinda đã kê một cái tủ đứng và vài cái ghế trong một căn phòng trên gác, anh ta còn treo vài bản sao bức tranh khảm của nhà thờ St. Mark lên tường. Tom giúp Dickie mang chiếc giường sắt hẹp từ phòng người giúp việc lên gác. Họ làm xong trước mười hai giờ, hơi lâng lâng vì chai rượu vang trắng đã uống lúc làm việc.
“Chúng ta vẫn tới Naples chứ?” Tom hỏi.
“Chắc chắn rồi.” Dickie xem đồng hồ. “Mới mười hai giờ kém mười lăm. Chúng ta vẫn kịp chuyến xe buýt lúc mười hai giờ đấy.”
Họ chẳng mang gì theo ngoài áo khoác và quyển séc du lịch của Tom. Xe buýt đang tiến đến đúng lúc họ tới bưu điện. Tom và Dickie đứng cạnh cửa, chờ mọi người xuống xe; rồi
Dickie nhảy lên, xô thẳng vào một chàng trai có mái tóc đỏ và mặc cái áo thể thao nổi bần bật, một người Mỹ. “Dickie!”
“Freddie!” Dickie hét lên. “Anh đang làm gì ở đây!” “Tới gặp anh chứ gì nữa! Và gặp cả nhà Cecchi nữa. Họ sẽ cho tôi ở nhờ mấy hôm.”
“Ch’elegante! Tôi sẽ tới Naples với một anh bạn. Tom?” Dickie gọi Tom lại gần và giới thiệu hai người.
Tên của anh chàng người Mỹ là Freddie Miles. Tom nghĩ anh ta thật gớm ghiếc. Anh vốn ghét màu tóc đỏ, đặc biệt là kiểu tóc đỏ màu cà rốt với nước da trắng bệch đầy tàn nhang này của anh ta. Freddie có đôi mắt màu nâu đỏ to, nó có vẻ cứ lúc lắc trong đầu anh ta như thể bị lác, hoặc có thể anh ta chỉ là kiểu người không chịu nhìn người mình nói chuyện cùng. Anh ta cũng thừa cân nữa. Tom tránh xa anh ta, chờ Dickie nói chuyện xong. Anh nhận thấy họ đang làm xe buýt bị trễ. Dickie và Freddie vẫn đang tán gẫu về việc trượt tuyết, hẹn nhau một dịp nào đó tháng Mười hai ở một thị trấn mà Tom chưa từng nghe đến.
“Đến mùng hai sẽ có khoảng mười lăm người bọn tôi ở Cortina,” Freddie nói. “Một bữa tiệc rộn ràng thật sự như năm ngoái vậy! Ba tuần, nếu chúng ta đủ tiền!”
“Nếu chúng ta đủ sức!” Dickie nói. “Gặp lại anh tối nay nhé, Fred!”
Tom lên xe buýt ngay sau Dickie. Không còn ghế ngồi và họ bị nhồi giữa một chàng trai gầy gò, đầy mùi mồ hôi và hai phụ nữ nông dân còn hôi hơn. Đúng lúc họ sắp ra khỏi làng thì Dickie nhớ ra Marge vẫn tới ăn trưa như thường lệ, vì hôm qua họ cứ nghĩ việc Tom dọn vào sẽ hủy chuyến đi tới Naples. Dickie hét lên bảo người lái xe dừng lại. Xe buýt dừng gấp với một tiếng phanh kin kít làm tất cả mọi người đang đứng chới với và Dickie thò đầu qua cửa sổ, gọi, “Gino! Gino!”
Một thằng nhóc trên đường chạy tới để lấy tờ một trăm lia mà Dickie chìa ra. Anh ta nói gì đó bằng tiếng Ý và thằng nhóc đáp lại, “Tôi đi ngay, thưa ông!” rồi lao đi, Dickie cảm ơn lái xe và và xe buýt lại lên đường. “Tôi đã bảo thằng nhóc báo cho Marge rằng tối nay chúng ta sẽ quay lại, nhưng chắc là muộn,” anh ta nói.
“Tốt.”
Xe buýt thả họ xuống một quảng trường rộng rãi, huyên náo ở Naples và đột nhiên họ bị vây quanh bởi các xe nhỏ bán nho, quả vả, bánh nướng, dưa hấu và bị những thanh thiếu niên cầm bút máy và đồ chơi máy hét vào mặt. Mọi người nhường đường cho Dickie.
“Tôi biết một chỗ ăn trưa ngon lắm,” Dickie nói. “Pizza Naples chính hiệu. Anh thích pizza chứ?” “Có chứ.”
Cửa tiệm pizza nằm trên một con phố quá hẹp và dốc cho xe ô-tô chạy. Các chuỗi hạt cườm treo ngoài cửa, mỗi bàn có một bình rượu vang và cả quán chỉ có đúng sáu cái bàn, đây đúng là nơi bạn có thể ngồi hàng giờ và uống rượu vang mà không bị làm phiền. Họ ngồi đó tới năm giờ, khi Dickie bảo đã tới lúc đến khu phố mua sắm Galleria. Anh ta xin lỗi vì không đưa anh tới viện bảo tàng nghệ thuật, nơi có tranh gốc của da Vincis và El Grecos, nhưng họ có thể tham quan vào lúc khác. Dickie đã dành phần lớn buổi chiều kể về Freddie Miles và Tom thấy nó nhạt nhẽo hệt như khuôn mặt của Freddie vậy. Freddie là con trai của chủ một chuỗi khách sạn người Mỹ và là một nhà soạn kịch - tự xưng, theo Tom đoán, vì anh ta chỉ mới viết đúng hai vở và cả hai đều chưa được trình diễn ở Broadway. Freddie có một căn nhà ở Cagnessur-Mer và Dickie đã ở cùng anh ta vài tuần trước khi tới Ý.
“Đây là điều tôi thích,” Dickie nói một cách hòa ái ở Galleria, “ngồi ở bàn và ngắm dòng người qua lại. Nó có tác động tới cách anh nhìn cuộc sống. Người Anglo-Saxon đã phạm phải một sai lầm lớn khi không ngắm nhìn dòng người từ một chiếc bàn trên vỉa hè.”
Tom gật đầu. Anh đã từng nghe tới chuyện đó. Anh đang chờ một câu nói uyên thâm nữa từ Dickie. Dickie đẹp trai. Trông anh ta khá đặc biệt với khuôn mặt dài, góc cạnh, đôi mắt thông minh, lanh lợi, vẻ kiêu hãnh trong dáng điệu, bất kể anh ta đang mặc cái gì trên người. Anh ta đang đi một đôi sandal xộc xệch và mặc chiếc quần trắng khá ố vàng, nhưng vẫn ngồi đó như thể sở hữu Galleria, nói tiếng Ý với người phục vụ khi người đó mang ly espresso của họ ra.
“Xin chào!” Anh ta chào một cậu bé Ý đi ngang qua.
“Xin chào, Dickie!”
“Cậu ta đổi séc du lịch của Marge vào mỗi thứ Bảy,” Dickie giải thích cho Tom.
Một người Ý ăn mặc lịch sự chào Dickie với một cái bắt tay nồng nhiệt và ngồi xuống bàn với họ. Tom nghe cuộc đối thoại bằng tiếng Ý của họ, thi thoảng bắt được từ này từ nọ. Tom bắt đầu thấy mệt.
“Muốn tới Rome không?” Dickie đột ngột hỏi anh. “Chắc chắn rồi,” Tom nói. “Ngay bây giờ à?” Anh đứng dậy, rút tiền ra trả tờ hóa đơn nhỏ mà người bồi bàn đã đặt dưới hai tách cà phê của họ.
Gã người Ý có chiếc Cadillac dài màu xám đi kèm cửa chớp lật, còi bốn tông và một cái radio huyên náo mà anh ta và Dickie có vẻ sung sướng hét theo. Họ tới ngoại ô Rome sau khoảng hai tiếng. Tom ngồi dậy khi họ lái xe trên con đường Appian3, chủ yếu cho anh xem, gã người Ý nói với Tom như vậy, vì trước đây anh chưa từng tới đó. Con đường khá xóc. Vẫn còn những đoạn đường gạch từ thời La Mã được để lộ thiên cho mọi người cảm nhận con đường ngày xưa. Những cánh đồng trải dài hai bên trông thật tiêu điều dưới ánh chạng vạng, như một nấm mộ cổ, Tom nghĩ, dù chỉ có vài ngôi mộ và chút tàn tích còn sót lại. Gã người Ý thả họ xuống giữa một con đường ở Rome và đột ngột chào tạm biệt.
3 Đường Appian: con đường do người La Mã cổ xây dựng, nối liền Rome với Naples và các thành phố phía Nam của Italy.
“Anh ấy đang vội,” Dickie nói. “Phải đi gặp bồ và chuồn đi trước khi lão chồng về nhà lúc mười một giờ. Thính phòng mà tôi muốn đến kia rồi. Đi nào.”
Họ mua vé xem buổi biểu diễn thính phòng tối hôm đó. Vẫn còn một tiếng nữa mới đến giờ diễn và họ tới phố Via Veneto, ngồi xuống một chiếc bàn bên vỉa hè ở một quán cà phê, gọi Americano. Tom nhận thấy Dickie không quen ai ở Rome hết, hoặc ít nhất là không có người quen của anh ta đi qua đây, dù họ quan sát hàng trăm người Ý và người Mỹ ngang qua bàn mình. Tom chẳng cảm thụ được gì nhiều từ buổi biểu diễn thính phòng, nhưng đã cố hết sức. Dickie đề nghị ra về trước khi buổi diễn kết thúc. Rồi họ lên một chiếc xe ngựa kéo và dạo quanh thành phố, đi qua hết đài phun nước này đến đài phun nước khác, qua quảng trường La Mã và đấu trường La Mã. Mặt trăng đã ló ra. Tom vẫn thấy hơi buồn ngủ, nhưng chính điều này kết hợp với cảm giác phấn khích khi đến Rome lần đầu tiên, tạo cho anh một tâm trạng thoải mái, cởi mở. Họ ngồi sụp xuống trong chiếc xe ngựa kéo, cả hai đều gác một bên chân đi sandal lên đầu gối và Tom thấy như đang nhìn vào trong gương khi nhìn tư thế của Dickie bên cạnh. Cả hai cao tầm tầm nhau, gần như cũng cùng cân nặng, Dickie có thể hơi nặng cân hơn đôi chút và họ còn mặc chung cỡ áo choàng tắm, tất và có lẽ cả áo sơ mi.
Dickie thậm chí còn nói, “Cảm ơn ngài Greenleaf,” khi
Tom trả tiền cho người lái xe. Anh cảm thấy có phần kỳ cục.
Đến một giờ sáng tâm trạng của họ thậm chí còn phấn khởi hơn, sau khi uống với nhau một chai rưỡi vang trong bữa tối. Họ khoác vai nhau mà đi, ca hát, qua một góc phố tối họ thậm chí còn va vào một cô gái và làm cô ta ngã xuống. Họ đỡ cô ta dậy, xin lỗi và đề nghị tháp tùng cô về nhà. Cô ta phản đối, họ kiên quyết, mỗi người kèm một bên. Cô ta nói mình phải đuổi kịp một cái xe điện nào đó. Dickie không chịu nghe. Anh ta gọi taxi. Dickie và Tom ngồi hết sức đứng đắn ở ghế phụ, hai tay gấp lại như người hầu và Dickie tán gẫu với cô ta, khiến cô ta bật cười. Tom có thể hiểu gần hết những gì anh ta nói. Họ giúp cô gái xuống một con phố nhỏ trông như lại ở Naples và cô ta nói, “Cảm ơn rất nhiều!” rồi bắt tay cả hai người họ trước khi biến mất tăm sau một cánh cửa đen ngòm.
“Anh nghe thấy chứ?” Dickie nói. “Cô ta nói chúng ta là những người Mỹ tử tế nhất mà cô ta từng gặp!”
“Anh có biết phần lớn những gã người Mỹ nhếch nhác sẽ làm gì trong tình huống đó không – cưỡng bức cô ta,” Tom nói.
“Giờ thì chúng ta ở đâu đây?” Dickie hỏi, quay một vòng. Cả hai đều chẳng biết họ đang ở đâu. Họ đi vài dãy phố mà chẳng tìm thấy một cột mốc hay con đường quen thuộc.
Họ đi tiểu vào một bức tường tối màu rồi lại lê chân đi tiếp. “Khi bình minh ló dạng, chúng ta có thể thấy mình ở đâu,” Dickie nói một cách hân hoan. Anh ta nhìn đồng hồ.
“Chỉ còn vài ba tiếng nữa thôi.”
“Tốt.”
“Cũng đáng để đưa một cô gái dễ thương về nhà, đúng không?” Dickie hỏi, hơi lảo đảo.
“Chắc chắn rồi. Tôi thích các cô gái lắm,” Tom nói một cách phản đối. “Nhưng may là Marge không ở đây tối nay. Chúng ta sẽ chẳng bao giờ có thể đưa cô gái đó về nhà khi có Marge đi cùng.”
“À, tôi không biết nữa,” Dickie suy tư nói, nhìn xuống đôi bàn chân loạng choạng của mình. “Marge không…”
“Tôi chỉ có ý là nếu Marge đi cùng thì chúng ta sẽ phải cân nhắc việc tìm khách sạn ở tối nay. Chúng ta chắc sẽ chui vào một cái khách sạn chết tiệt nào rồi và sẽ chẳng được ngắm nhìn một nửa thành phố Rome như thế này!”
“Đúng thật!” Dickie vắt tay qua vai anh.
***
Dickie lắc mạnh vai anh một cách thô lỗ. Tom cố gắng đẩy ra và nắm lấy tay anh ta, “Dickie–e!” Tom mở mắt và nhìn thấy một cảnh sát.
Anh lập tức ngồi dậy. Anh đang ở trong một công viên. Đã đến bình minh. Dickie ngồi cạnh anh trên bãi cỏ, nói chuyện một cách hết sức từ tốn với người cảnh sát bằng tiếng Ý. Tom lục tìm đống séc du lịch hình chữ nhật của mình. Chúng vẫn ở trong túi áo anh.
“Hộ chiếu!” Gã cảnh sát hét vào mặt họ và Dickie lại bình tĩnh giải trình.
Tom biết chính xác Dickie đang nói gì. Anh ta bảo họ là người Mỹ, họ không mang hộ chiếu vì chỉ định đi dạo ngắm nhìn các vì sao một chút. Tom bất chợt muốn cười phá lên. Anh đứng dậy, lảo đảo, phủi bụi trên quần áo. Dickie cũng đứng dậy và cả hai cùng bỏ đi, dù gã cảnh sát vẫn đang hét lên. Dickie nói gì đó đáp lại gã ta với giọng điệu ôn hòa. Ít nhất thì gã không bám theo họ.
“Chúng ta trông cũng nhếch nhác thật,” anh ta nói.
Tom gật đầu. Trên quần anh có một vết rách dài chắc hẳn do anh đã ngã. Quần áo của họ nhăn nhúm, dính đầy cỏ, bẩn thỉu, bám đầy bụi và mồ hôi, nhưng trên hết thì họ đang run cầm cập vì lạnh. Hai người đi vào quán cà phê đầu tiên họ tới, gọi cà phê sữa và bánh ngọt, rồi uống một ít rượu Ý, vị khủng khiếp nhưng giúp làm ấm người. Rồi cả hai bật cười. Họ vẫn say.
Đến mười một giờ họ đã ở Naples, vừa kịp bắt chuyến xe buýt về Mongibello. Cảm giác thật tuyệt khi nghĩ đến việc quay lại Rome một lúc nào đó khi họ ăn vận tươm tất hơn, tham quan tất cả các bảo tàng mà họ đã bỏ qua, nhưng cũng thật tuyệt khi nghĩ đến cảnh nằm ườn tắm nắng trên bãi biển ở Mongibello buổi chiều nay. Nhưng họ chẳng đi nổi ra biển. Sau một hồi tắm táp ở nhà Dickie, người nào người nấy gục xuống giường và ngủ mê mệt cho tới khi Marge đánh thức họ dậy lúc bốn giờ. Marge cáu kỉnh vì Dickie không đánh điện tín cho cô báo anh sẽ qua đêm tại Rome.
“Không phải em khó chịu với việc anh ngủ qua đêm, nhưng em cứ tưởng anh đang ở Naples và ở đó thì chuyện quái nào cũng có thể xảy ra.”
“Ồ…,” Dickie dài giọng trả lời và liếc Tom. Anh đang pha Bloody Mary cho cả bọn.
Tom ngậm chặt miệng ra chiều bí ẩn. Anh sẽ không kể cho Marge bất kỳ chuyện gì mà họ đã làm hết. Cứ để cô ta tưởng tượng những gì cô ta thích. Dickie cho thấy rõ là họ đã chơi bời vui vẻ. Tom nhận thấy cô ta nhìn Dickie với ánh mắt chê trách việc anh ta say xỉn, khuôn mặt chưa cạo và cả cốc rượu anh ta đang uống. Đôi mắt của Marge khi cô ta cực kỳ nghiêm túc có một vẻ gì đó già dặn và khôn ngoan, bất chấp bộ đồ ngây ngô cô ta mặc, hay mái tóc rối và dáng điệu của một nữ hướng đạo sinh của cô. Giờ cô ta trông như một người mẹ hoặc một người chị gái – mang vẻ không đồng tình của phái nữ đối với những trò chơi sa đọa của bọn con trai. Thế cơ đấy! Hay là cô ta đang ghen tị nhỉ? Có vẻ cô ta biết rằng trong hai mươi tư tiếng qua Dickie đã thân thiết với anh, chỉ vì anh cũng là đàn ông, hơn hẳn mọi mối liên kết mà cô ta có thể có với Dickie, dù anh ta có yêu cô ta hay không và rõ là anh ta không yêu cô ta. Dẫu vậy, một lát sau cô ta dịu xuống và vẻ chê trách cũng biến mất khỏi đôi mắt. Dickie bỏ lại anh với Marge ngoài hiên. Tom hỏi chuyện về cuốn sách mà cô ta đang viết. Cô ta kể đó là một cuốn sách về Mongibello, với các bức tranh do chính cô chụp. Cô ta kể mình đến từ Ohio và khoe anh một bức hình mang theo trong ví, chụp ngôi nhà của gia đình cô. Nó chỉ là một ngôi nhà bằng ván ghép đơn giản, nhưng đó là nhà, Marge mỉm cười nói. Cô ta phát âm từ “ván ghép” hệt như từ “đông lạnh,” Tom thấy thích thú vì đó là từ cô ta dùng tả người say và mới vài phút trước cô ta còn nói với Dickie là, “Trông anh như đồ đông lạnh!” Tom nghĩ cách nói chuyện của cô ta, cả cách lựa chọn từ ngữ lẫn cách phát âm đều dở tệ. Anh cố tỏ ra cực kỳ dễ thương với cô ta. Anh cảm thấy mình có thể giả vờ được. Anh tiễn cô ta ra cổng và họ thân thiện chào tạm biệt nhau, nhưng cả hai đều không nói gì về việc tụ tập vào tối hôm đó hoặc ngày hôm sau. Chẳng còn gì nghi ngờ nữa, Marge vẫn còn bực bội với Dickie.