Khoảng ba, bốn ngày tiếp theo, họ hiếm khi gặp Marge trừ những lần ra bãi biển và cô ta lạnh lùng hơn thấy rõ với cả hai người họ. Cô ta vẫn mỉm cười và nói chuyện như bình thường, nhưng giờ mang một vẻ lịch sự, thể hiện rõ sự lãnh đạm. Tom nhận thấy rằng Dickie rất để tâm, dù rõ ràng là chưa đủ để nói chuyện riêng với Marge, vì anh ta chưa hề gặp riêng cô ta từ khi Tom chuyển vào nhà. Anh đã ở cạnh Dickie từng giây từng phút kể từ khi dọn vào nhà anh ta.
Cuối cùng, để thể hiện mình không trì độn về Marge, Tom kể với Dickie rằng anh nghĩ cô ta đang cư xử thật lạ lùng.
“À, cô ấy đang khó ở,” Dickie nói. “Có thể công việc của cô ấy đang rất tốt. Cô ấy không thích gặp mọi người khi đang có cảm hứng làm việc.”
Quan hệ Dickie – Marge rõ ràng chỉ như những gì anh dự đoán hồi đầu, Tom nghĩ. Marge mê Dickie hơn anh ta đối với cô ta.
Dẫu có chuyện gì đi nữa, Tom vẫn làm Dickie thích thú.
Anh có vô vàn câu chuyện thú vị để kể cho anh ta nghe về những người quen ở New York, vài chuyện là sự thật, vài chuyện được bịa ra. Họ dong thuyền của Dickie ra biển mỗi ngày. Không ai đề cập tới ngày Tom phải ra về. Rõ ràng là Dickie cũng đang thích có anh bầu bạn. Tom tránh xa mỗi khi anh ta muốn vẽ vời, nhưng luôn sẵn lòng tạm ngừng mọi công việc đang làm để cùng Dickie đi dạo, dong thuyền, hoặc chỉ đơn giản là ngồi tán gẫu. Anh ta cũng có vẻ hài lòng khi Tom nghiêm túc với việc học tiếng Ý. Anh dành hai tiếng một ngày với quyển sách ngữ pháp và hội thoại của mình.
Tom viết thư cho ông Greenleaf kể rằng giờ anh đã ở với Dickie được vài ngày, cũng nói thêm rằng anh ta đã đề cập tới việc về nhà một thời gian vào mùa đông, biết đâu đến lúc ấy anh có thể thuyết phục anh ta ở lại lâu hơn. Vì anh đang ở nhà của Dickie, bức thư này có vẻ khả quan hơn nhiều so với bức thư đầu tiên gửi từ một khách sạn ở Mongibello. Tom cũng nói rằng khi anh xài hết tiền, anh sẽ thử tìm việc, có thể là tại một khách sạn trong làng, câu nói bâng quơ này nhằm phục vụ hai mục đích, một là nhắc nhở ông Greenleaf rằng sáu trăm đô có thể hết, hai là anh là một thanh niên sẵn sàng làm việc kiếm sống. Tom cũng muốn truyền ấn tượng tốt ấy với Dickie, nên anh đưa bức thư cho anh ta đọc trước khi niêm phong nó lại.
Một tuần nữa trôi qua, thời tiết dễ chịu hợp ý người, những ngày biếng nhác lý tưởng mà công việc thể xác nặng nhọc nhất của Tom là trèo lên các bậc đá ra bãi biển mỗi chiều và nỗ lực tinh thần ghê gớm nhất của anh là thử trò chuyện bằng tiếng Ý với Fausto, chàng trai người Ý hai mươi ba tuổi mà Dickie tìm được ở trong làng để tới dạy anh tiếng Ý ba lần một tuần.
Một ngày nọ họ tới Capri bằng thuyền buồm của Dickie. Capri chỉ vừa đủ xa để khuất khỏi tầm mắt từ Mongibello. Tom vô cùng háo hức, nhưng Dickie lại mang tâm trạng buồn bực và nhất quyết không chịu hứng thú với bất kỳ điều gì. Anh ta cãi nhau với người trông cảng nơi họ neo con thuyền Pipistrello. Dickie thậm chí còn chẳng muốn đi dạo qua những con hẻm nhỏ tuyệt vời rẽ ra mọi hướng từ quảng trường trung tâm. Họ ngồi trong một quán cà phê trên quảng trường và uống hai ly Fernet-Brancas, rồi Dickie muốn khởi hành về nhà trước khi trời tối, dù Tom sẵn lòng trả tiền khách sạn cho họ nếu anh ta đồng ý ngủ qua đêm. Anh đoán là họ sẽ quay lại Capri nên bỏ qua và cố gắng quên nó đi.
Một bức thư đến từ ông Greenleaf, hẳn đã bỏ qua bức thư trước của Tom, vì trong đó ông lặp lại các lý do yêu cầu Dickie về nhà, chúc Tom thành công và muốn anh ngay lập tức hồi âm về kết quả. Một lần nữa Tom lại nghiêm túc cầm bút lên và hồi âm. Bức thư của ông Greenleaf dùng đúng giọng công việc – hệt như ông đang kiểm tra việc vận chuyển các linh kiện của tàu thuyền, Tom nghĩ – khiến anh thấy dễ dàng hồi âm bằng đúng tông giọng tương tự. Tom hơi lâng lâng khi viết thư hồi âm, bởi vì đó là thời điểm sau bữa trưa, lúc họ luôn ngà ngà say rượu vang. Cảm giác ngọt ngào này có thể cải thiện ngay lập tức bằng hai ly espresso và một chuyến đi dạo ngắn, hoặc sẽ được kéo dài bằng một ly rượu vang khác, nhấp từng chút một khi họ thực hiện các công việc buổi chiều một cách nhàn nhã. Tom tự giải trí bằng cách đưa một chút hy vọng mờ nhạt vào bức thư. Anh viết bằng chính giọng điệu của ông Greenleaf:
… Nếu cháu không nhầm, Richard đang do dự đối với quyết định dành thêm một mùa đông nữa ở đây. Như đã hứa với chú, cháu sẽ làm tất cả những gì trong khả năng để can ngăn anh ấy ở lại đây và rồi đến một lúc nào đó – dù có thể phải đợi tới tận Giáng sinh – cháu có thể sẽ thuyết phục được anh ấy ở lại Mỹ khi anh ấy về lại đó.
Tom phải mỉm cười khi viết, vì anh và Dickie đã bàn đến việc đi du thuyền quanh các hòn đảo Hy Lạp trong mùa đông này và Dickie đã bỏ hẳn ý định bay về nhà, dù chỉ trong vài ngày, trừ phi đến lúc ấy mẹ anh ta ốm rất nặng. Họ cũng đã bàn sẽ dành tháng Một và tháng Hai, hai tháng tồi tệ nhất của Mongibello, ở Majorca. Và Marge sẽ không đi cùng họ, Tom chắc chắn. Bất kỳ lúc nào họ thảo luận thì cả anh và Dickie đều bỏ cô ta ra khỏi kế hoạch du lịch, dù anh ta có lúc đã phạm sai lầm khi hé lộ cho cô ta biết rằng họ có thể đi du thuyền mùa đông tới một nơi nào đó. Dickie lúc nào cũng quá cởi mở về mọi thứ! Và hiện giờ, dù Tom biết anh ta vẫn kiên định về việc họ đi riêng, Dickie đã tỏ ra chú ý tới Marge hơn thường lệ, chỉ vì anh ta nhận ra rằng cô ta sẽ cô đơn ở đây và về bản chất, sẽ thật xấu tính khi họ không rủ cô ta đi cùng.
Hai người đều cố lấp liếm chuyện đó bằng cách tạo ấn tượng cho cô ta thấy rằng họ sẽ đi du lịch Hy Lạp theo cách rẻ tiền và tồi tệ nhất, đi thuyền chở hàng, ngủ với những người nông dân trên boong, đại loại như thể, không thể đưa một cô gái đi cùng. Nhưng trông Marge vẫn có vẻ thất vọng và Dickie cố bù đắp bằng cách mời cô ta đến nhà dùng bữa trưa và bữa tối thường xuyên. Thỉnh thoảng Dickie còn nắm tay Marge khi họ từ bãi biển về nhà, dù không phải lúc nào cô ta cũng đồng ý. Thỉnh thoảng sau vài giây cô ta mới rút tay mình ra theo một cách mà đối với Tom thì trông như thể cô đang thèm được nắm tay chết đi được.
Khi họ rủ Marge cùng tới Herculaneum, cô ta từ chối. “Em nghĩ mình sẽ ở nhà. Hai anh đi chơi vui nhé,” cô ta nói và cố gắng tươi cười.
“Nếu cô ấy cương quyết vậy thì cô ấy sẽ không đi đâu,” Tom nói với Dickie và khéo léo đi vào nhà để họ có thể trò chuyện riêng ngoài hiên nếu muốn.
Tom ngồi trên bậu cửa sổ rộng trong phòng vẽ của Dickie và nhìn ra biển, hai cánh tay rám nắng khoanh lại trước ngực. Anh thích nhìn ra biển Địa Trung Hải xanh ngắt, nghĩ đến lúc mình và Dickie dong thuyền đến nơi họ muốn. Tangiers, Sofia, Cairo, Sevastopol… Đến lúc anh cạn tiền, Tom nghĩ, anh ta chắc sẽ quý anh và quen có anh đến mức sẽ coi việc họ tiếp tục sống cùng nhau là chuyện đương nhiên. Hai người có thể dễ dàng sống bằng khoản thu nhập năm trăm đô la một tháng của Dickie. Từ hiên, anh có thể nghe thấy giọng anh ta nài nỉ và những câu trả lời nhát gừng của Marge. Rồi anh nghe thấy tiếng cổng sắt loảng xoảng. Cô ta đã bỏ đi dù lúc đầu định ở lại ăn trưa. Tom nhảy xuống khỏi bậu cửa sổ và ra ngoài tìm Dickie ở hiên.
“Cô ấy bực bội về chuyện gì à?” Tom hỏi.
“Không. Cô ấy cảm thấy bị cho ra rìa, tôi đoán thế.” “Chắc chắn là chúng ta đã cố rủ rê cô ấy.”
“Không phải chỉ có thế.” Anh ta đang chậm chạp đi quanh hiên. “Giờ thì cô ấy nói cô ấy còn chẳng muốn tới Cortina cùng tôi.”
“Ôi, có lẽ cô ấy sẽ đổi ý về việc tới Cortina trước tháng Mười hai thôi.”
“Tôi không nghĩ vậy,” Dickie nói.
Tom đoán đó là vì anh cũng sẽ đến Cortina. Dickie đã rủ anh tuần trước. Freddie Miles đã đi trước khi họ trở về từ chuyến thăm quan Rome: anh ta đột nhiên phải tới Luân Đôn, Marge kể với họ như vậy. Nhưng Dickie đã bảo sẽ viết thư báo cho Freddie biết chuyện mình sẽ đưa một người bạn theo. “Anh có muốn tôi chuyển ra không, Dickie?” Tom hỏi, chắc chắn anh ta không muốn anh đi. “Tôi cảm thấy như mình đang xen vào giữa anh và Marge.”
“Tất nhiên là không rồi! Xen vào chuyện gì mới được chứ?”
“À thì, đứng từ góc nhìn của cô ấy.”
“Không. Chỉ là tôi nợ cô ấy một thứ. Và dạo này tôi cũng không tử tế với cô ấy lắm. Chúng ta thì đúng hơn.”
Tom hiểu ý Dickie là anh ta và Marge đã bầu bạn với nhau qua mùa đông u ám dài dằng dẵng năm ngoái, khi họ là hai người Mỹ duy nhất trong làng và bây giờ anh ta không nên bỏ mặc cô ta vì có người khác ở đây. “Hay để tôi nói với cô ấy về việc tới Cortina?” Tom gợi ý.
“Vậy thì chắc chắn cô ấy sẽ không đi,” Dickie nói gọn lỏn và đi thẳng vào nhà.
Tom nghe anh ta bảo Ermelinda hoãn bữa trưa lại vì chưa muốn ăn vội. Dù nói bằng tiếng Ý nhưng Tom vẫn có thể nghe thấy Dickie nói rằng anh ta chưa muốn ăn trưa bằng giọng ta là chủ nhà. Dickie ra hiên, che bật lửa lại khi cố châm thuốc lá. Anh ta có một chiếc bật lửa bạc rất đẹp, nhưng chỉ cần một cơn gió nhẹ là nó cũng không hoạt động tốt. Cuối cùng Tom chìa chiếc bật lửa xấu xí, cháy dữ dội của mình ra, nó xấu xí và hiệu quả như một thiết bị quân đội và châm thuốc hộ anh ta. Tom tự kiềm chế việc rủ anh ta uống rượu: đây không phải nhà anh, dù tình cờ là anh đã mua ba chai Gilbey để sẵn trong bếp.
“Hai giờ hơn rồi,” Tom nói. “Có muốn đi dạo một chút và ghé qua bưu điện không?” Có lúc ông Luigi mở bưu điện vào hai giờ rưỡi, có lúc lại sau bốn giờ, họ chẳng bao giờ nắm được.
Họ im lặng đi bộ xuống đồi. Anh tự hỏi Marge đã nói gì về mình. Cảm giác tội lỗi nặng nề khiến mồ hôi túa ra trên trán Tom, một cảm giác tội lỗi vô hình vậy nhưng cực kỳ mạnh mẽ, như thể cô ta đã bảo thẳng với Dickie rằng anh đã ăn trộm thứ gì đó hoặc làm việc gì đó đáng xấu hổ tương đương. Dickie sẽ không hành xử như thế này chỉ vì Marge cư xử lạnh lùng, Tom nghĩ. Dickie rảo bước với dáng vai buông thõng, khiến đầu gối xương xẩu của anh ta cứ nhô ra phía trước, một tư thế mà anh cũng vô thức bắt chước. Nhưng giờ cằm anh ta cúi gằm xuống ngực và hai bàn tay đút vào trong túi quần đùi. Anh ta thoát khỏi trạng thái im lặng chỉ để chào ông Luigi và cảm ơn khi nhận thư. Tom không có thư. Bức thư của Dickie đến từ một ngân hàng ở Naples, một tờ giấy mà anh thấy có hàng chữ đánh máy: $500. Anh ta vô tâm nhét nó vào túi áo và thả phong bì vào một giỏ rác. Khoản thông báo hàng tháng cho biết tiền của Dickie đã đến Naples, Tom đoán là vậy. Anh ta từng kể rằng công ty quản lý tài sản ủy thác gửi tiền của anh ta tới một ngân hàng ở Naples. Họ tiếp tục đi xuống đồi và anh cứ ngỡ họ sẽ đi bộ ra đường chính, tới một khúc cua quanh vách đá sang bên kia làng, như vẫn làm trước kia, nhưng Dickie dừng lại trước các bậc thang dẫn lên nhà của Marge.
“Tôi nghĩ tôi sẽ đi lên gặp Marge,” Dickie nói. “Sẽ không đi lâu đâu, nhưng anh chẳng cần đợi làm gì.”
“Được rồi,” Tom nói, đột nhiên cảm thấy bị ruồng rẫy. Anh nhìn anh ta leo lên một con đường mòn tới các bậc thang dốc cắt vào tường, rồi anh đột ngột quay người bước về nhà.
Đi được khoảng nửa đường lên đồi, anh dừng lại, nửa thôi thúc muốn xuống Giorgio uống rượu (nhưng martini ở đó dở khủng khiếp), nửa lại muốn lên nhà của Marge, giả vờ xin lỗi cô ta nhưng thực ra là để xả cơn giận của anh bằng cách làm cả hai người ngạc nhiên và tức điên lên. Anh đột nhiên cảm thấy rằng Dickie đang ôm cô ta, hay ít nhất là đang chạm vào cô ta, ngay khoảnh khắc này đây, một phần trong anh muốn nhìn thấy cảnh đó, phần còn lại ghét cay ghét đắng ý nghĩ đó. Anh quay người đi vào cổng nhà Marge. Anh cẩn thận đóng cổng lại, dù nhà cô ta ở xa phía trên đến mức hẳn không nghe được, rồi chạy hai bậc thang một. Anh đi chậm lại khi leo lên những bậc cuối cùng. Anh sẽ nói, “Xem này, Marge, tôi xin lỗi vì gây ra sự căng thẳng ở đây. Hôm nay chúng tôi mời cô đi cùng và chúng tôi thật lòng đấy. Tôi thật lòng đấy.”
Tom dừng lại khi khung cửa sổ nhà Marge xuất hiện trước tầm mắt: cánh tay Dickie ôm quanh eo cô ta. Anh ta đang hôn cô ta, những nụ hôn vội lên má, mỉm cười với cô ta. Họ chỉ cách anh khoảng năm mét, nhưng căn phòng tối om so với ánh nắng chói chang nơi anh đang đứng và anh phải căng mắt ra nhìn. Giờ mặt của Marge ngẩng thẳng lên nhìn Dickie, như thể cô ta đang chìm đắm trong mê say và điều khiến Tom ghê tởm đó là anh biết Dickie không thật tâm, anh ta chỉ dùng cách dễ dàng, rõ ràng là rẻ tiền này để níu kéo tình bạn của cô ta. Anh căm ghét bộ mông bự chảng của cô ta sau cái váy xấu xí ngay dưới vòng tay của Dickie đang ôm lấy cô ta. Và Dickie-! Tom thật sự chẳng dám tin anh ta lại có thể làm thế!
Tom xoay người bỏ chạy xuống các bậc thang, chỉ muốn hét lên. Anh đóng sập cửa lại. Anh chạy đến tận khi về tới nhà, thở hổn hển, dựa vào lan can sau khi đi qua cổng nhà Dickie.
Anh ngồi trong chiếc ghế bành trong phòng vẽ của anh ta một lúc, đầu óc đờ đẫn trống rỗng. Nụ hôn ấy – trông nó không giống nụ hôn đầu. Anh tới chỗ khung tranh của Dickie, vô thức tránh nhìn vào bức vẽ xấu xí lồng ở đó, nhặt cục tẩy đất sét nằm trên giá vẽ và ném mạnh nó ra ngoài cửa sổ, nhìn thấy nó bay vòng cung và biến mất ngoài biển. Anh nhặt thêm tẩy trên bàn của Dickie, đầu ngòi bút, bút làm nhòe, than và các mầu pastel và ném từng thứ một vào các góc phòng hoặc ra khỏi cửa sổ. Anh có cảm giác kỳ lạ là não bộ anh vẫn giữ bình tĩnh và logic còn cơ thể anh đã mất kiểm soát. Anh chạy ra hiên với ý tưởng nhảy lên lan can và khiêu vũ hoặc trồng cây chuối, nhưng khoảng không bên kia lan can đã ngăn anh lại.
Anh đi lên phòng của Dickie và đi đi lại lại trong giây lát, hai tay đút túi. Anh tự hỏi khi nào thì anh ta mới quay lại? Hay anh ta sẽ ở lại đó và dành cả buổi chiều với cô ta, thật sự đưa cô ta lên giường? Anh mở tung cửa tủ quần áo của Dickie và nhìn vào trong. Có một bộ vest bằng vải flannel màu xám trông mới toanh, được là phẳng phiu mà anh chưa từng thấy anh ta mặc. Tom lấy nó ra. Anh cởi chiếc quần đùi dài tới đầu gối và mặc chiếc quần xám vào. Anh đi cả giày của Dickie vào. Rồi anh mở ngăn kéo tủ dưới cùng ra, lấy một chiếc áo sơ mi trắng sọc xanh dương.
Anh chọn một chiếc cà vạt lụa màu xanh dương sậm và cẩn thận thắt lại. Bộ vest vừa vặn với anh. Anh chia lại ngôi để tóc lệch sang một bên, theo cách Dickie hay chải.
“Marge, em phải hiểu rằng anh không yêu em,” Tom nói với gương bằng giọng của Dickie, cao giọng ở những từ cần nhấn mạnh, gầm gừ trong họng ở cuối câu, thể hiện sự dễ chịu hoặc khó chịu, thân mật hoặc lạnh lùng, tùy tâm trạng của Dickie. “Marge, dừng lại đi!” Tom quay phắt người lại và túm lấy một thứ gì đó trong không trung như thể đang nắm lấy cổ họng của Marge. Anh lắc cô ta, vặn cô ta, trong khi cô ta ngày một trĩu xuống, cho tới khi cuối cùng anh thả cô ta ra, mềm oặt trên sàn. Anh đang thở hổn hển. Anh lau trán như cái cách Dickie hay làm, tìm một chiếc khăn tay và không tìm được cái nào, bèn lôi một cái từ ngăn kéo tủ trên cùng ra, rồi lại ra đứng trước gương. Đến cả đôi môi hé ra của anh trông cũng giống môi Dickie khi anh ta hụt hơi sau khi bơi, hơi trề xuống dưới hàm răng dưới. “Em biết vì sao anh phải làm vậy mà,” anh nói, vẫn hổn hển, hướng về Marge, dù anh đang nhìn mình trong gương. “Em đang xen vào giữa Tom và anh – Không, không phải như thế! Nhưng có một mối liên kết giữa bọn anh!”
Anh quay người, bước qua cái xác tưởng tượng, rón rén bước ra cửa sổ. Anh có thể nhìn qua khúc quanh trên đường tới con đường dốc mờ mờ dẫn lên nhà của Marge. Không thấy Dickie trên một bậc thềm hay đoạn đường nào. Có thể họ đang ngủ cùng nhau, Tom nghĩ với cảm giác ghê tởm thít chặt hơn trong họng. Anh hình dung ra tình huống đó, ngượng nghịu, vụng về, không thỏa mãn đối với Dickie, còn Marge mê mẩn. Cô ta vẫn sẽ mê mẩn cho dù anh ta có tra tấn cô ta đi nữa! Tom lại lao về phía tủ quần áo và lấy một chiếc mũ khỏi cái giá trên cùng. Nó là một cái mũ vùng Tyrol màu xám nhỏ với một cái lông màu xanh lục pha trắng ở vành. Anh ngông nghênh đội nó vào. Anh ngạc nhiên khi trông mình giống Dickie đến mức nào khi che nửa đầu lại. Thật sự thì chỉ có mái tóc sậm màu hơn của anh khác biệt hẳn so với anh ta. Còn lại, mũi – hay ít nhất là dáng tổng thể - quai hàm hẹp, hàng lông mày nếu anh duy trì tư thế -
“Anh đang làm gì đấy?”
Tom xoay phắt lại. Dickie đang đứng ở cửa. Tom nhận ra anh ta hẳn đã ở ngay dưới cổng khi anh đang nhìn ra ngoài. “À – chỉ tự giải trí thôi,” Tom nói bằng giọng trầm anh vẫn dùng khi xấu hổ. “Xin lỗi, Dickie.”
Miệng Dickie hơi hé ra, rồi đóng lại, như thể cơn giận làm đảo lộn từ ngữ đến mức anh ta không thể thốt nên lời. Đối với Tom thì nó cũng tồi tệ như anh ta đang chửi rủa vậy. Dickie tiến vào phòng.
“Dickie, tôi rất xin lỗi nếu -”
Tiếng đóng sập cửa cắt ngang lời anh. Dickie cau có cởi áo sơ mi, hệt như anh ta sẽ làm nếu Tom không có mặt, bởi vì đây là phòng của anh ta, còn anh đang làm gì trong này? Tom đứng sững sợ hãi.
“Tôi mong anh cởi quần áo của tôi ra,” Dickie nói.
Tom bắt đầu cởi đồ, các ngón tay vụng về vì bẽ bàng, vì sốc, bởi vì cho tới trước lúc nãy Dickie luôn nói cứ mặc cái này cái kia của anh ta. Giờ sẽ không bao giờ còn vậy nữa.
Dickie nhìn xuống chân của Tom. “Cả giày nữa? Anh điên à?”
“Không.” Tom cố gắng trấn tĩnh lại khi treo vest lên, rồi hỏi, “Anh đã làm hòa với Marge rồi à?”
“Chúng tôi vẫn ổn,” Dickie nói gắt theo một cách tách Tom với họ ra. “Thêm một điều nữa tôi muốn nói rõ ràng,” anh ta nói, nhìn Tom, “Tôi không đồng tính. Tôi không biết anh có nghĩ vậy hay không.”
“Đồng tính à?” Tom cười yếu ớt. “Tôi chưa bao giờ nghĩ anh như vậy cả.”
Dickie dợm nói gì đó nhưng dừng lại. Anh ta đứng thẳng người dậy, xương sườn lộ ra trên lồng ngực ngăm ngăm. “Marge nghĩ anh như vậy.”
“Vì sao?” Tom cảm thấy mặt mình cắt không còn một giọt máu. Anh yếu ớt đá chiếc giày thứ hai của Dickie ra và đặt đôi giày vào trong tủ. “Sao cô ấy lại nghĩ thế? Tôi đã làm gì?” Anh cảm thấy muốn xỉu. Chưa một ai nói thẳng điều đó vào mặt anh, cũng không phải theo cách này.
“Chỉ là do cái cách anh hành xử thôi,” Dickie gầm gừ nói và bước ra khỏi cửa.
Tom vội vã mặc lại quần đùi. Anh đã gần như rúc mình sau cánh cửa tủ, dù vẫn mặc quần lót. Chỉ vì Dickie mến anh, Tom nghĩ, mà Marge lại nói với anh ta những lời cáo buộc bất nhân ấy. Và Dickie còn chẳng có gan để gạt bỏ nó trước mặt cô ta!
Anh xuống cầu thang và thấy anh ta đang tự pha cho mình một cốc rượu ở quầy bar ngoài hiên. “Dickie, tôi muốn làm cho ra nhẽ chuyện này,” Tom bắt đầu nói. “Tôi cũng không đồng tính và tôi không muốn ai nghĩ về tôi như vậy.”
“Được thôi,” Dickie gầm lên.
Tông giọng đó gợi Tom nhớ tới những câu trả lời của Dickie khi anh hỏi anh ta có quen người này người kia ở New York không. Vài người trong số đó là người đồng tính, đúng vậy và anh thường hoài nghi việc Dickie không biết họ. Được thôi! Ai mới là người làm to chuyện? Chính Dickie. Trong đầu Tom có bao nhiêu điều muốn nói, những câu cay đắng, những lời hòa giải, biết ơn và hằn thù nhưng anh do dự không thốt lên được. Tâm trí anh quay lại một nhóm người mà anh quen ở New York, anh thấy hối hận vì từng có thời gian tiếp xúc với bọn họ, dù giờ đã ngừng chơi với tất cả. Những người đó đã nhận anh vào vì anh khiến họ thích thú, nhưng anh không hề có bất kì liên hệ gì với họ cả! Khi hai người trong số đó tán tỉnh anh, anh đã từ chối – dù anh vẫn nhớ sau đó mình đã cố bù đắp cho họ bằng cách lấy đá cho đồ uống của họ, bắt taxi đưa họ về dù không tiện đường, chỉ vì sợ họ bắt đầu không thích anh nữa. Anh đúng là thằng khốn! Và anh cũng nhớ khoảnh khắc nhục nhã khi Vic Simmons nói, Ôi, Vì Chúa, Tom yêu dấu, ngậm mồm lại đi! lúc anh kể với một nhóm người, có lẽ là lần thứ ba hay thứ tư gì đó có mặt Vic, “Tôi không thể quyết định xem mình thích đàn ông hay phụ nữ, nên tôi đang nghĩ hay là từ bỏ cả hai giới luôn.” Tom thường giả vờ sẽ tới chỗ một nhà trị liệu, bởi vì mọi người khác đều làm vậy, anh vẫn thường lan truyền những câu chuyện hết sức hài hước về những buổi tư vấn của anh để mua vui cho mọi người ở các bữa tiệc và câu nói về việc bỏ cả đàn ông lẫn phụ nữ lúc nào cũng kích lên một tràng cười vui vẻ nhờ cái cách anh thể hiện, cho tới khi Vic đã bảo anh vì Chúa hãy ngậm mồm lại, sau đó Tom chẳng bao giờ nhắc lại hay đề cập tới nhà phân tích của anh nữa. Hiển nhiên là, trong đó phần lớn là sự thật, Tom nghĩ. So sánh với những người khác, anh là một trong những người ngây thơ và trong sạch nhất mà anh biết. Vậy nên tình huống này với Dickie mỉa mai thế đấy.
“Tôi cảm thấy như thể -” Tom dợm nói, nhưng Dickie thậm chí còn chẳng nghe. Anh ta quay đi với vẻ cáu kỉnh hằn trên miệng và mang cốc rượu ra góc hiên. Tom tiến về phía anh ta, một cách sợ sệt, không biết liệu Dickie sẽ quẳng anh ra khỏi hiên hay chỉ đơn giản quay người lại và bảo anh cút khỏi nhà. Tom hỏi nhỏ, “Anh có yêu Marge không?”
“Không, nhưng tôi thấy có lỗi với cô ấy. Tôi quan tâm đến cô ấy. Cô ấy đã rất tử tế với tôi. Chúng tôi đã có vài quãng thời gian vui vẻ bên nhau. Có vẻ anh không thể hiểu được điều đó đâu.”
“Tôi hiểu chứ. Đó cũng là cảm nhận ban đầu của tôi về anh và cô ấy – đó là thứ tình cảm thuần khiết về phần anh, nhưng cô ấy thì có thể yêu anh.”
“Đúng vậy. Anh cố hết sức để không làm tổn thương những người yêu mình, anh biết đấy.”
“Tất nhiên rồi.” Anh lại ngập ngừng, cố lựa chọn từ ngữ của mình. Anh vẫn đang trong trạng thái e sợ run rẩy, dù Dickie không còn giận anh nữa. Anh ta sẽ không đuổi anh ra ngoài. Tom nói bằng giọng trấn tĩnh hơn, “Tôi có thể hình dung rằng nếu hai người ở New York thì anh hẳn sẽ không gặp cô ấy thường xuyên như vậy – hoặc thậm chí còn không gặp – nhưng ngôi làng này quá cô đơn -”
“Chính xác là vậy. Tôi không hề lên giường với cô ấy và cũng không định như vậy, nhưng vẫn muốn giữ tình bạn với cô ấy.”
“Vậy thì tôi đã làm gì ngăn cản anh chưa? Tôi đã bảo anh rồi, Dickie, tôi thà chuyển đi còn hơn phá hỏng tình bạn của anh với Marge.”
Dickie liếc nhìn. “Không, anh không làm gì cụ thể, nhưng quá rõ là anh không thích cô ấy ở cạnh. Bất kể lúc nào anh cố gắng nói điều gì đó tử tế với cô ấy nó đều thể hiện quá rõ là anh đang cố gắng.”
“Tôi rất tiếc,” Tom nói một cách ăn năn. Anh tiếc vì mình đã không nỗ lực hơn, rõ ràng anh đã làm hỏng một việc mà mình có thể làm tốt.
“Thôi, cho qua đi. Marge và tôi ổn rồi,” Dickie nói một cách ngang ngược. Anh ta quay người nhìn chằm chằm ra phía mặt nước.
Tom vào bếp để tự pha cho mình một cốc cà phê. Anh không muốn dùng máy pha espresso vì Dickie rất khó tính về nó và không thích ai dùng nó hết trừ anh ta. Anh sẽ mang cà phê về phòng và học một ít tiếng Ý trước khi Fausto tới, Tom nghĩ. Đây không phải lúc để làm hòa với Dickie. Anh ta có lòng kiêu hãnh của mình. Anh sẽ im lặng phần lớn buổi chiều, rồi lại gần anh ta vào khoảng năm giờ chiều sau khi anh ta đã vẽ một lúc và rồi câu chuyện về bộ quần áo sẽ như chưa từng xảy ra. Một điều mà Tom chắc chắn: Dickie thấy mừng khi có anh ở đây. Anh ta chán phải sống một mình và cũng chán cả Marge. Tom vẫn còn ba trăm đô tiền ông Greenleaf cho, hai người sẽ tiêu xài nó vào một cuộc chè chén ở Paris. Không có Marge. Dickie đã rất sửng sốt khi Tom kể rằng mình chỉ mới được thoáng nhìn thấy Paris qua một ô cửa sổ của ga tàu.
Trong lúc chờ cà phê, Tom cất chỗ thức ăn đáng ra sẽ là bữa trưa của họ đi. Anh đặt hai tô đồ ăn vào một âu nước lớn hơn để ngăn kiến lại gần. Còn có cả một mẩu bơ tươi, hai quả trứng, bốn ổ bánh bọc giấy mà bà Ermelinda đã mang tới cho bữa sáng ngày mai của họ. Họ chỉ có thể mua một lượng nhỏ thực phẩm mỗi ngày bởi vì không có tủ lạnh. Dickie định mua một chiếc tủ lạnh bằng phần tiền của bố anh ta. Anh ta đã nhắc tới điều đó vài lần. Tom hy vọng anh ta sẽ đổi ý vì món đồ gia dụng đó sẽ làm giảm khoản tiền du lịch của họ xuống và Dickie còn có cả một khoản ngân sách cố định là năm trăm đô hàng tháng. Anh ta có phần cẩn trọng về tiền nong, vậy nhưng ở dưới cảng và trong quán bar trong làng, anh ta vung tiền boa một cách hào phóng, đưa một tờ năm trăm lia cho bất kỳ gã ăn xin nào lại gần.
Đến năm giờ chiều Dickie đã quay lại trạng thái bình thường. Tom đoán anh ta đã có một chiều vẽ vời tốt đẹp, vì anh ta đã huýt sáo cả tiếng qua trong phòng vẽ. Dickie đi ra hiên nơi Tom đang đọc lại ngữ pháp tiếng Ý và chỉ anh một số điểm trong cách phát âm.
“Không phải lúc nào họ cũng nói từ ‘voglio’ rõ như vậy,” anh ta nói. “Họ nói ‘io vo’ presentare mia amica Marge, per esempio.’” Dickie vung bàn tay dài ra sau trong không trung. Anh ta luôn dùng ngôn ngữ cơ thể khi nói tiếng Ý, những điệu bộ duyên dáng như thể đang chỉ huy một dàn giao hưởng chơi một bản nhạc khoan thai. “Anh nên nghe Fausto nhiều hơn và đọc ít ngữ pháp lại. Tôi học tiếng Ý trên đường phố đấy.” Dickie mỉm cười và đi xuống con đường dẫn ra vườn. Fausto vừa vào cổng.
Tom cẩn thận lắng nghe màn tán gẫu của họ bằng tiếng Ý, căng tai ra để cố hiểu từng từ một.
Fausto mỉm cười đi ra hiên, ngồi phịch xuống ghế và gác đôi chân trần lên lan can. Mặt anh ta không cười thì sẽ cau có và nó có thể thay đổi theo từng giây. Dickie nói anh ta là một trong số những người hiếm hoi trong làng không nói bằng giọng miền Nam. Fausto sống ở Milan và đang ghé thăm một người cô ở Mongibello trong vài tháng. Đều đặn và đúng giờ, anh ta tới ba lần một tuần vào khoảng năm giờ tới năm rưỡi và họ ngồi ngoài hiên, nhấp rượu vang hoặc cà phê và tán gẫu tầm một tiếng. Tom cố hết sức để ghi nhớ mọi điều mà Fausto nói về các hòn đá, nước biển, chính trị (Fausto là người phe Cộng sản, luôn mang theo thẻ nhận diện thân phận và không ngần ngại khoe cái thẻ đó cho người Mỹ, Dickie nói, vì anh ta thích thú trước vẻ sửng sốt của họ khi thấy anh ta có nó) và về đời sống tình dục điên rồ, như lũ mèo của vài cư dân trong làng. Thỉnh thoảng Fausto không biết tìm điều gì để nói và rồi anh ta sẽ trừng mắt nhìn Tom và phá ra cười. Nhưng Tom đang tiến bộ rất nhanh. Tiếng Ý là thứ duy nhất anh từng học khiến anh thích thú và cảm thấy có thể gắn bó dài lâu. Tom muốn tiếng Ý của mình cũng giỏi như Dickie vậy và anh nghĩ mình có thể đạt tới trình độ đó trong khoảng một tháng nữa, nếu anh tiếp tục chăm chỉ.