Con thuyền chậm rãi và ngập ngừng tiến lại gần cảng Palermo, mũi thuyền trắng phau nhẹ nhàng xuyên qua những vỏ cam nổi dập dềnh, rơm, những thùng đựng hoa quả vỡ vụn. Đó cũng là cảm giác của Tom khi tiến lại gần Palermo. Anh đã dành hai ngày ở Naples, trên báo vẫn chẳng có tin gì đáng chú ý về vụ án của Miles và hoàn toàn không có thêm tin gì mới về chiếc xuồng ở San Remo, cảnh sát cũng chẳng cố gắng liên lạc với anh, theo anh biết. Nhưng có lẽ họ chỉ không thèm tìm anh ở Naples mà đang đợi anh ở khách sạn ở Palermo, anh nghĩ thầm.
Không có cảnh sát nào đợi anh trên bến cảng dù Tom đã chủ động tìm họ. Anh mua hai tờ báo, rồi đón taxi mang hành lý về khách sạn Palma. Cũng không có cảnh sát trong sảnh khách sạn. Sảnh khách sạn cũ kỹ lộng lẫy với những cột đá cẩm thạch vĩ đại và các chậu cây cọ khổng lồ đứng quanh. Một nhân viên báo số phòng đã đặt cho anh và đưa chìa khóa cho một nhân viên vác hành lý. Tom cảm thấy nhẹ nhõm hơn nhiều khi đi tới quầy nhận thư và mạnh mẽ hỏi liệu có bức thư nào gửi cho Richard Greenleaf không. Nhân viên báo với anh là không có.
Sau đó anh bắt đầu thả lỏng. Điều đó có nghĩa là cũng chẳng có bức thư nào từ Marge hết. Chắc chắn giờ Marge đã tới chỗ cảnh sát để tìm nơi ở của Dickie. Tom đã tưởng tượng ra những viễn cảnh kinh khủng trong chuyến đi thuyền: Marge tới Palermo trước anh bằng máy bay, cô ta để lại tin nhắn cho anh ở khách sạn Palma rằng mình sẽ tới trên chuyến tàu kế tiếp. Anh thậm chí còn nhìn ngó xung quanh để tìm Marge trên thuyền khi lên boong ở Naples.
Giờ thì anh bắt đầu nghĩ rằng có thể Marge đã từ bỏ Dickie sau vụ này. Có thể cô ta sẽ tự suy ra là Dickie đang chạy trốn cô ta để ở riêng với Tom. Có lẽ cái sọ rõ cứng của cô ta cuối cùng đã thông ra điều đó. Tom đấu tranh xem có nên gửi cho cô ta một bức thư theo chiều hướng đó hay không khi ngâm mình trong bồn tắm ấm áp tối hôm đó, xoa xà phòng dọc cánh tay một cách xa hoa. Tom Ripley phải gửi cho cô ta một bức thư chứ, anh nghĩ. Đã đến thời điểm thích hợp rồi. Anh sẽ nói là anh muốn tỏ ra lịch thiệp suốt quãng thời gian này, không muốn nói huỵch toẹt điều đó ra trên điện thoại ở Rome, nhưng đến giờ thì anh có cảm giác là cô ta đã tự hiểu ra rồi. Anh và Dickie rất vui vẻ cùng nhau, thế đấy. Tom cười khúc khích một cách vui vẻ, không tự kiểm soát được và tự bịt miệng mình lại bằng cách bịt mũi, dìm người xuống nước.
Marge thân, anh sẽ viết như vậy. Tôi viết bức thư này vì không nghĩ Dickie sẽ chịu viết, dù tôi đã yêu cầu anh ấy rất nhiều lần. Cô là một người con gái quá tử tế, không nên bị che giấu như thế này suốt từng ấy thời gian…
Anh lại cười khúc khích, rồi tự làm mình tỉnh táo lại bằng cách chủ tâm tập trung vào những rắc rối nhỏ mà anh chưa giải quyết xong: Marge hẳn cũng đã báo với cảnh sát Ý là cô ta từng trò chuyện với Tom Ripley ở Inghilterra. Cảnh sát sẽ băn khoăn không biết anh đã đi chỗ quái nào. Có thể giờ họ đang tìm anh ở Rome. Cảnh sát chắc chắn sẽ tìm kiếm Tom Ripley quanh chỗ Dickie Greenleaf. Thêm một mối nguy nữa – giả dụ giờ họ đã nghi anh là Tom Ripley, chỉ qua miêu tả của Marge về anh, lục soát anh và thấy cả hộ chiếu của anh lẫn Dickie. Nhưng anh đã nói gì về rủi ro nào? Đó mới là thứ khiến chuyện này vui mà. Anh hát vang:
Papa non vuole, Mama ne meno,
Come faremo far’ l’amor?
Anh hát váng lên trong phòng tắm khi lau khô người. Anh hát bằng giọng nam trung ồn ào của Dickie mà anh chưa từng nghe thấy, nhưng anh cảm thấy chắc chắn là Dickie hẳn sẽ hài lòng với tiếng hát của mình.
Anh mặc một trong những bộ cánh dành để đi du lịch mới cóng, không một nếp nhăn và tản bộ trong chiều hoàng hôn ở Palermo. Đối diện quảng trường là thánh đường chịu ảnh hưởng của phong cách Norman, được xây dựng bởi Tổng giám mục người Anh Walter-của-xứ-Mill, anh nhớ lại từ một quyển sách hướng dẫn. Rồi đến thành phố Siracusa ở phía Nam, nơi chứng kiến trận thủy chiến vĩ đại giữa quân Latinh và quân Hy Lạp. Đến hang đá Ear of Dionysius. Rồi Taormina. Lại còn Etna! Đây là một hòn đảo rộng và hết sức mới mẻ với anh. Sicily! Pháo đài của Giuliano! Bị người Hy Lạp cổ chiếm làm thuộc địa, bị người Norman và Saracen xâm chiếm! Ngày mai anh sẽ có những trải nghiệm du lịch một cách thực thụ, nhưng khoảnh khắc này thật huy hoàng, anh nghĩ thầm khi dừng chân để ngắm thánh đường cao sừng sững trước mặt. Thật tuyệt vời khi được nhìn những đường cong phủ đầy bụi trên bề mặt của nó, nghĩ tới việc ngày mai sẽ vào trong đó, hình dung mùi ẩm mốc, ngòn ngọt được tạo nên từ vô số ngọn nến và hương trầm – được đốt qua hàng trăm hàng trăm năm. Mong đợi! Anh chợt nhận ra đối với anh sự mong đợi còn dễ chịu hơn cả trải nghiệm thực tế. Có phải lúc nào cảm giác của anh cũng như thế này không? Khi anh dành các buổi tối một mình để xử lý tài sản của Dickie, chỉ đơn giản là nhìn vào hai chiếc nhẫn của anh ta đeo trên ngón tay anh, hoặc cà vạt len của anh ta, hay cái ví da cá sấu đen ngòm của anh ta, đó là trải nghiệm hay mong đợi?
Sau Sicily là đến Hy Lạp. Chắc chắn anh muốn ngắm Hy Lạp. Anh muốn đến đó với tư cách là Dickie Greenleaf, với tiền của Dickie, quần áo của Dickie, cách cư xử với người lạ của Dickie. Nhưng liệu có chuyện gì xảy ra khiến anh không thể ngắm Hy Lạp với tư cách là Dickie Greenleaf không? Liệu sẽ có chuyện này nối chuyện kia tới ngăn cản anh không – giết người, tình nghi, con người? Anh không hề muốn giết người, mà bị buộc phải giết người. Ý nghĩ tới Hy Lạp, lê chân qua Acropolis dưới danh nghĩa Tom Ripley, du khách Mỹ, chẳng hề có chút hấp dẫn nào với anh hết. Anh thà không đi nữa. Nước mắt dâng lên trong mắt anh khi anh chăm chú nhìn lên gác chuông của thánh đường, rồi anh quay người bước trên một con phố mới.
Sáng hôm sau có một bức thư gửi tới cho anh, một bức thư mỏng từ Marge. Tom vò nó trong tay và mỉm cười. Anh cảm thấy đó chắc chắn là những gì mình mong đợi, không thì nó đã chẳng mỏng thế này. Anh đọc nó trong lúc dùng bữa sáng. Anh tận hưởng từng dòng thư một cùng bánh mỳ ấm nóng và cà phê vị quế. Đó là tất cả những gì anh có thể mong chờ và còn hơn thế nữa.
… Nếu anh thật sự không biết là em đã đến khách sạn của anh, thì điều đó cũng có nghĩa là Tom đã không báo cho anh, tức là vẫn dẫn đến cùng một kết luận. Giờ thì lý do anh chạy trốn và không thể đối diện với em cũng đã khá rõ ràng rồi đấy. Sao anh không thừa nhận là mình không thể sống thiếu anh bạn bé bỏng của mình? Anh à, em chỉ thấy tiếc vì anh không có dũng khí để nói thẳng với em điều này từ trước. Anh nghĩ em là gì chứ, một con nhóc nhà quê không biết về những chuyện đó à? Anh mới là người duy nhất quê mùa đấy! Dẫu sao đi nữa, em hy vọng việc em tự nói cho anh những gì anh không có can đảm để nói với em giúp lương tâm anh nhẹ nhõm đi đôi chút và anh có thể ngẩng cao đầu. Không có gì hơn việc tự hào về người mà anh yêu đâu! Không phải chúng ta từng nói về chuyện này rồi à?
Thành tựu thứ hai trong chuyến đi Rome của em là báo cho cảnh sát biết việc Tom Ripley đang ở cạnh anh. Họ có vẻ đang nhặng xị lên đi tìm anh ta. (Em tự hỏi vì sao? Anh ta đã làm gì vậy?) Em cũng đã dùng hết vốn liếng tiếng Ý của mình để báo cho cảnh sát biết rằng anh và Tom không thể rời khỏi nhau và làm sao mà họ tìm được anh nhưng lại nhỡ mất Tom thì em cũng không tài nào hiểu nổi.
Đã đổi tàu và em sẽ về Mỹ vào khoảng cuối tháng Ba, sau một chuyến thăm Kate ngắn ngày ở Munich, sau đó em đoán chúng ta sẽ không bao giờ gặp lại nhau nữa. Không có gì phải áy náy, Dickie thân mến. Em chỉ ngỡ anh can đảm hơn thế cơ.
Cảm ơn vì tất cả những ký ức tuyệt vời. Chưa gì chúng đã như một thứ trong bảo tàng hoặc thứ được lưu giữ trong hổ phách rồi, có phần không thực, như anh hẳn vẫn luôn cảm thấy về cách anh đối xử với em. Chúc những điều tốt đẹp nhất cho tương lai.
Marge
Trời ạ! Cái câu kết ủy mị đó! Đúng là cô nàng đồ đông lạnh! Tom gấp bức thư lại và nhét nó vào trong túi áo khoác. Anh liếc nhìn hai cánh cửa của nhà hàng trong khách sạn, vô thức tìm cảnh sát. Nếu cảnh sát nghĩ rằng Dickie Greenleaf và Tom Ripley đang đi du lịch cùng nhau thì họ hẳn đã phải kiểm tra các khách sạn ở Palermo để tìm Tom Ripley rồi, anh nghĩ. Nhưng anh không hề nhận thấy có bất kỳ cảnh sát nào quan sát hay theo dõi anh hết. Hoặc có thể họ đã từ bỏ vụ con xuồng vì chắc chắn Tom Ripley còn sống. Vì lẽ gì mà họ phải tiếp tục lần theo nó chứ? Có thể sự tình nghi Dickie trong vụ San Remo lẫn vụ giết Miles đã kết thúc. Có thể.
Anh về phòng và soạn một bức thư cho ông Greenleaf bằng máy đánh chữ Hermes nhỏ gọn của Dickie. Anh mở đầu thư bằng việc giải thích vụ Miles một cách tỉnh táo và lý trí, vì đến giờ nhiều khả năng ông Greenleaf đang khá hoảng hốt rồi. Anh kể rằng cảnh sát đã hoàn tất việc thẩm vấn và lúc này tất cả những gì mà họ muốn chỉ là anh hãy cố nhận diện bất kỳ nghi phạm nào mà họ có thể tìm được, vì kẻ đó có thể là người quen chung của anh và Freddie.
Điện thoại reo trong khi anh đang đánh máy. Một giọng đàn ông tự xưng là Tenente gì đó của đội cảnh sát Palermo.
“Chúng tôi đang tìm Thomas Phelps Ripley. Anh ta có ở cùng anh trong khách sạn không?” Anh ta hỏi một cách lịch sự.
“Không có đâu,” Tom đáp lại. “Anh có biết anh ta ở đâu không?”
“Tôi nghĩ anh ta ở Rome. Tôi vừa gặp anh ta cách đây ba hay bốn ngày gì đấy ở Rome.”
“Không tìm được anh ta ở Rome. Anh có biết anh ta có thể đi đâu từ Rome không?”
“Xin lỗi, tôi không có phỏng đoán nào hết,” Tom nói.
“Tiếc thật đấy,” anh ta thở dài thất vọng. “Cảm ơn anh rất nhiều.”
“Không có gì.” Tom dập máy và tiếp tục viết thư.
Giọng văn nhạt nhẽo của Dickie giờ tuôn ra lưu loát hơn cả chính những bức thư của Tom. Anh dành phần lớn nội dung thư cho mẹ của Dickie, kể cho bà về tình trạng tủ đồ của anh, nó rất tốt, sức khỏe của anh cũng tốt nốt và hỏi xem bà đã nhận được bộ tranh ba bức vẽ trên men mà anh gửi từ một tiệm đồ cổ ở Rome cách đây hai tuần chưa. Trong khi viết thư, anh cũng nghĩ tới những gì mình phải làm về Thomas Ripley. Cuộc truy tìm của cảnh sát rõ ràng là được tiến hành một cách chiếu lệ và hờ hững, nó chẳng đáng để mạo hiểm. Dù vậy, anh không nên cất hộ chiếu của Tom ngay trong vali của mình, kể cả khi nó được bọc trong cả đống giấy tờ thuế thu nhập cũ của Dickie để không lộ ra trước mắt nhân viên hải quan. Anh nên giấu nó trong lớp trong của cái vali da linh dương mới chẳng hạn, nơi không ai có thể tìm thấy nó cho dù cả vali có trống không, vậy nhưng anh vẫn có thể lôi nó ra trong vòng vài phút nếu cần. Bởi vì một ngày nào đó anh có thể sẽ phải làm thế. Có thể đến một lúc nào đó làm Dickie Greenleaf còn nguy hiểm hơn làm Tom Ripley.
Tom dành nửa buổi sáng cho bức thư gửi về gia đình Greenleaf. Anh có cảm giác là ông Greenleaf ngày một bực bội và mất kiên nhẫn với Dickie, không còn như cái hồi Tom gặp ông ta ở New York, mà nghiêm trọng hơn nhiều. Ông Greenleaf nghĩ rằng việc anh chuyển từ Mongibello về Rome chỉ là một ý thích điên rồ bất chợt, Tom biết. Nỗ lực biến việc vẽ vời và học hành ở Rome trở nên hữu ích của Tom đã thất bại thảm hại. Ông Greenleaf đã gạt nó đi bằng một câu nhận xét đầy khinh miệt: kiểu như là ông ta thấy tiếc vì anh vẫn đang tự tra tấn mình với việc vẽ vời, vì đáng nhẽ ra đến giờ này anh phải hiểu ra rằng để trở thành một họa sĩ không chỉ cần đến chỗ có phong cảnh đẹp hay thay đổi địa điểm. Ông Greenleaf cũng không mấy ấn tượng trước sự hứng thú mà Tom thể hiện dành cho các hồ sơ của công ty Burke-Greenleaf mà ông đã gửi cho anh. Đến giờ này mọi thứ đều khác xa so với mong đợi của Tom: anh tưởng mình có thể nắm ông Greenleaf trong lòng bàn tay, anh nghĩ sẽ bù đắp được sự thờ ơ và vô tâm của Dickie với bố mẹ trong qua khứ và rồi anh có thể xin thêm tiền của ông Greenleaf. Giờ anh chẳng thể hỏi xin tiền của ông ta nữa.
Giữ gìn sức khỏe nhé mẹ (anh viết). Cẩn thận với các trận cúm nhé. (Bà đã kể là mùa đông này bà bị bốn trận cúm và cả Giáng sinh phải nằm trên giường, đeo cái khăn choàng len màu hồng mà anh đã gửi cho bà làm quà Giáng sinh). Nếu mẹ đi một trong những đôi tất len tuyệt vời mà mẹ đã gửi cho con, thì mẹ sẽ chẳng bao giờ bị cúm. Con chẳng bị cúm lần nào suốt mùa đông này, một thứ đáng để tự hào trong cái lạnh lẽo ở châu Âu… Mẹ, con có thể gửi thứ gì cho mẹ từ đây nhỉ? Con thích mua đồ cho mẹ lắm…