Năm ngày đã trôi qua, tĩnh lặng, cô độc, nhưng hết sức dễ chịu, trong mấy ngày ấy anh đã dạo quanh Palermo, dừng lại chỗ này chỗ kia để ngồi suốt một giờ trong một quán cà phê hay nhà hàng nào đó, đọc báo và sách hướng dẫn. Trong một ngày u ám, anh đã đi xe ngựa tới tận Monte Pelligrino để thăm quan lăng mộ thánh Rosalia tráng lệ, vị thánh bảo trợ của Palermo, được thể hiện qua một bức tượng nổi tiếng, trong một trạng thái mê ly đến cứng người được các nhà tâm lý học gọi bằng những cái tên khác. Dù đã xem ảnh bức tượng hồi ở Rome, Tom vẫn thấy lăng mộ này hết sức thú vị. Anh phải cố hết sức để nín cười khi thấy bức tượng: cơ thể đàn bà đầy đặn, ngả ngớn, bàn tay túm chặt, đôi mắt mơ màng, đôi môi hé mở. Tất cả lộ rõ mồn một chỉ thiếu tiếng thở dốc. Nó làm anh nghĩ tới Marge. Anh thăm quan một cung điện Byzantine, thư viện Palermo với các bức tranh và các tác phẩm viết tay cũ kỹ nứt vỡ trong các hộp kính. Anh dành thời gian nghiên cứu việc hình thành cảng, nó được minh họa tỉ mỉ trong sách hướng dẫn của anh. Anh phác họa lại một bức tranh của Guido Reni, không vì mục đích cụ thể nào và ghi nhớ một câu đề dài ngoằng của Tasso trên một công trình công cộng. Anh viết thư cho Bob Delancey và Cleo ở New York, bức thư dài dằng dặc gửi tới Cleo miêu tả hành trình du lịch, niềm vui và các mối quan hệ phong phú của anh với thái độ nhiệt tình đầy sức thuyết phục như Marco Polo miêu tả Trung Quốc vậy.
Nhưng anh cô đơn. Cảm giác này không giống với khi một mình ở Paris. Anh đã tưởng tượng mình kết thân với một nhóm bạn mới tươi vui, với họ anh sẽ khởi đầu một cuộc sống mới với thái độ mới, tiêu chuẩn mới và các thói quen mới, chúng sẽ tuyệt vời và trong sạch hơn nhiều so với những người anh đã từng quen suốt cuộc đời này. Giờ anh nhận ra chuyện đó không thể xảy ra. Anh sẽ luôn phải giữ khoảng cách với mọi người. Anh có thể sẽ có các tiêu chuẩn và thói quen khác, nhưng sẽ không bao giờ có thể giao du với một vòng giao thiệp mới – trừ phi anh tới Istanbul hoặc Ceylon, thế nhưng quen biết những người mà anh sẽ gặp ở chốn đó thì có tác dụng gì? Anh cô độc và trò chơi anh đang chơi cũng cô độc. Tất nhiên, những người bạn anh có thể giao du đa phần đều nguy hiểm. Nếu anh được một mình trôi dạt trong thế giới này thì tốt hơn nhiều: khả năng bị phát hiện sẽ giảm thiểu hẳn. Dẫu sao đó cũng là một khía cạnh tươi sáng và anh cảm thấy khá hơn nhiều khi nghĩ về nó.
Anh chậm rãi thay đổi hành vi của mình để tương xứng với vai một người đứng ngoài quan sát cuộc đời. Anh vẫn lịch thiệp và vui vẻ với tất cả mọi người, với những người muốn mượn báo của anh trong nhà hàng và những nhân viên mà anh nói chuyện cùng ở khách sạn, nhưng đầu anh ngẩng cao kiêu hãnh hơn nhiều và anh nói ít đi một chút khi trò chuyện. Một bầu không khí buồn bã phảng phất quanh anh. Tom thích sự thay đổi ấy. Anh hình dung mình trông như một chàng trai đã trải qua một cuộc tình không hạnh phúc hoặc một chấn động tinh thần nào đó và đang cố hồi phục theo một cách văn minh, bằng việc tới tham quan những vùng đất đẹp đẽ trên trái đất.
Điều đó khiến anh nhớ tới Capri. Thời tiết vẫn tệ, nhưng Capri là nước Ý. Chút hình ảnh lướt qua hồi anh ở đó cùng Dickie chỉ càng kích thích sự thèm muốn của anh. Chúa ơi, ngày hôm ấy Dickie thật nhạt nhẽo! Có lẽ anh nên trì hoãn cảnh sát cho tới mùa hè, anh nghĩ. Nhưng hơn cả Hy Lạp và Acropolis, anh muốn tận hưởng một kỳ nghỉ vui vẻ ở Capri và kệ xác văn hóa đi. Anh đã đọc về Capri trong mùa đông – chỉ có gió, mưa, sự tĩnh mịch. Nhưng vẫn là Capri! Vách đá Tiberius và Blue Grotto, quảng trường không người nhưng vẫn là quảng trường, không đổi một hòn đá nào hết. Có thể anh sẽ đi tới đó ngay hôm nay. Anh rảo bước về phía khách sạn. Việc vắng bóng du khách cũng chẳng làm giảm giá trị của Côte d’ Azur. Có thể anh sẽ bay tới Capri. Anh đã từng nghe đến dịch vụ thủy phi cơ từ Naples đến Capri. Nếu thủy phi cơ không hoạt động vào tháng Hai thì anh có thể thuê nó. Tiền nhiều để làm gì cơ chứ?
“Chào buổi sáng! Anh khỏe không?” Anh mỉm cười chào nhân viên lễ tân.
“Có thư cho anh đây. Hỏa tốc,” nhân viên nói, cũng cười đáp lại.
Bức thư từ ngân hàng của Dickie ở Naples. Bên trong phong bì là một bức thư khác từ công ty ủy thác của Dickie ở New York. Tom đọc thư từ ngân hàng Naples trước.
Ngày 10 tháng 2, năm 19-
Kính mến,
Công ty Ủy thác Wendell ở New York đã thông báo với chúng tôi rằng họ nghi ngờ liệu chữ ký nhận khoản tiền năm trăm đô la hồi tháng Một vừa rồi có thật sự là của anh hay không. Chúng tôi gấp rút thông báo cho anh để có thể có hành động cần thiết.
Chúng tôi đã thấy cần phải thông báo cho cảnh sát nhưng vẫn sẽ đợi ý kiến xác nhận của người giám định chữ ký của chúng tôi và của Công ty Ủy thác Wendell ở New York. Mọi thông tin mà anh có thể cung cấp đều sẽ được ghi nhận và chúng tôi mong anh nhanh chóng liên lạc với chúng tôi ngay khi có thể.
Hết sức trân trọng và tôn kính, Emilio di Braganzi
Tổng Giám đốc của Ngân hàng Naples
Tái bút: Trong trường hợp chữ ký của anh vẫn có hiệu lực, chúng tôi mong anh nhanh chóng ghé qua văn phòng của chúng tôi ở Naples sớm nhất có thể để ký lại tên cho chúng tôi lưu vào hồ sơ vĩnh viễn. Chúng tôi gửi kèm một bức thư cho anh gửi từ Công ty Ủy thác Wendell.
Tom xé phong bì thư của công ty ủy thác ra.
Ngày 5 tháng 2, năm 19-
Anh Greenleaf thân mến,
Phòng Chữ ký của chúng tôi đã báo cáo rằng theo họ thì chữ ký nhận khoản tiền hàng tháng vào tháng Một của anh, số 8747, vô hiệu lực. Tin rằng điều này vì lý do nào đó đã thoát khỏi sự chú ý của anh, chúng tôi gấp rút báo tin cho anh để anh có thể xác nhận đã ký tờ séc nói trên hoặc xác nhận ý kiến của chúng tôi cho rằng tờ chữ ký đó đã bị giả mạo. Chúng tôi cũng đã thông báo điều này cho ngân hàng Naples.
Đính kèm là một tờ giấy mẫu để lưu hồ sơ chữ ký vĩnh viễn của chúng tôi mà chúng tôi yêu cầu anh ký và gửi lại.
Vui lòng báo tin cho chúng tôi ngay khi có thể.
Trân trọng,
Edward T Cavanach
Thư ký
Tom liếm môi. Anh muốn viết thư báo cho cả hai bên biết rằng mình không bị mất một khoản tiền nào hết. Nhưng liệu điều đó có ngăn họ được lâu không? Anh đã ký tổng cộng ba tấm séc, tính từ tháng Mười hai. Liệu họ có quay ngược lại kiểm tra toàn bộ chữ ký của anh không? Liệu chuyên gia có thể chỉ ra ba chữ ký đó là giả mạo không?
Tom lên gác và ngay lập tức ngồi xuống trước máy đánh chữ. Anh đặt một tờ giấy của khách sạn vào trục lăn và nhìn nó chằm chằm trong giây lát. Họ chưa chịu yên thế này đâu. Nếu họ có cả một hội đồng chuyên gia xem xét các chữ ký bằng kính lúp thì chắc họ sẽ phát hiện ra tất cả đều là giả mạo. Nhưng Tom biết chúng là những chữ ký giả rất xuất sắc. Anh nhớ là mình đã ký tấm séc tháng Một hơi vội, nhưng nó cũng không tệ lắm, không thì anh đã chẳng bao giờ gửi đi. Anh hẳn đã báo ngân hàng là anh làm mất séc và yêu cầu họ gửi lại một tấm khác. Phần lớn các vụ giả mạo đều phải mất vài tháng mới bị phát hiện, anh nghĩ. Vì sao họ lại phát giác ra vụ này trong có bốn tuần nhỉ? Không phải vì họ đã theo dõi mọi mặt cuộc sống của anh, từ vụ sát hại Freddie Miles và chuyện cái xuồng ở San Remo đấy chứ? Họ muốn gặp mặt anh trực tiếp ở ngân hàng Naples. Có thể có vài người ở đó biết mặt Dickie. Cảm giác khủng hoảng hãi hùng, ngứa ngáy lan ra khắp người anh. Trong một khoảnh khắc, anh cảm thấy thật yếu đuối và tuyệt vọng, đến mức không thể cử động được. Anh thấy mình phải đương đầu với một tá cảnh sát, người Ý và người Mỹ, chất vấn anh Dickie Greenleaf ở đâu và anh không thể lôi anh ta ra hay báo cho họ biết anh ta ở đâu hay chứng minh anh ta còn sống. Anh tưởng tượng cảnh mình cố ký chữ H. Richard Greenleaf dưới con mắt săm soi của một tá chuyên gia chữ viết tay và đột nhiên vỡ vụn, không thể viết được gì hết. Anh đưa tay lên trước máy đánh chữ và ép mình bắt đầu. Anh gửi bức thư tới Công ty Ủy thác Wendell ở New York.
12 tháng 2, năm 19-
Thưa các ông:
Về bức thư của các ông báo về khoản tiền tháng Một của tôi: Tôi đã tự mình ký tấm séc nói trên và nhận đủ tiền. Nếu tôi không nhận được tấm séc thì đương nhiên tôi đã phải thông báo cho các ông ngay lập tức rồi.
Tôi đính kèm tấm thiếp có chữ ký của tôi để các ông lưu hồ sơ vĩnh viễn như yêu cầu.
Chân thành,
H. Richard Greenleaf
Anh ký thử chữ ký của Dickie vài lần lên mặt sau phong bì của công ty ủy thác trước khi ký vào thư và vào tấm thiếp. Rồi anh viết một bức thư tương tự cho ngân hàng Naples, hứa sẽ đến đó trong vòng vài ngày tới và ký lại tên để họ lưu hồ sơ vĩnh viễn. Anh đánh dấu cả hai phong bì thư là “Hỏa tốc,” đi xuống sảnh, mua tem từ người đưa thư và gửi chúng đi.
Rồi anh ra ngoài đi dạo. Khao khát tới Capri của anh đã biến mất. Bây giờ là bốn giờ mười lăm phút chiều. Anh vẫn mải miết rảo bước vô định. Cuối cùng, anh dừng chân trước cửa kính của một cửa hàng đồ cổ và nhìn chằm chằm vài phút vào một bức tranh sơn dầu u ám vẽ hai vị thánh có râu đang hạ xuống một ngọn đồi tối đen dưới ánh trăng. Anh vào trong tiệm, mua nó với cái giá đầu tiên mà người bán hàng nêu ra. Nó thậm chí còn chẳng được đóng khung và anh cuộn nó lại, kẹp dưới cánh tay mang về khách sạn.