Đồn cảnh sát số 83
Roma
Ngày 14 tháng 2, năm 19-
Anh Greenleaf đáng kính,
Chúng tôi yêu cầu anh ngay lập tức tới Rome để trả lời một vài câu hỏi quan trọng liên quan đến Thomas Ripley. Sự hiện diện của anh sẽ được đánh giá cao và cũng sẽ xúc tiến cuộc điều tra của chúng ta nhanh hơn nhiều.
Việc không trình diện trong vòng một tuần sẽ khiến chúng tôi phải đưa ra những biện pháp nhất định không tiện cho cả chúng tôi lẫn anh.
Trân trọng,
Đội trưởng Enrico Farrara
Vậy là họ vẫn đang tìm kiếm Tom. Nhưng cũng có thể có tiến triển gì đó với vụ của Miles, Tom nghĩ. Người Ý không vô cớ triệu tập một người Mỹ bằng giọng điệu như thế này. Đoạn cuối trong bức thư đúng là một lời đe dọa thẳng thừng. Và tất nhiên đến giờ họ đã biết về tấm séc giả.
Anh đứng cầm bức thư trong tay, đờ đẫn nhìn quanh phòng. Anh bắt gặp hình ảnh của mình trong gương, hai khóe miệng trĩu xuống, đôi mắt lo lắng và sợ hãi. Anh trông như thể đang cố truyền tải cảm xúc sợ hãi và bàng hoàng bằng tư thế và biểu cảm và vì dáng điệu ấy hoàn toàn không chủ tâm và rất chân thực, anh đột nhiên trở nên sợ hãi gấp đôi. Anh gấp thư lại và đút vào túi, rồi lại lấy nó ra khỏi túi và xé vụn.
Anh bắt đầu đóng gói đồ đạc một cách vội vã, giật lấy áo choàng tắm và áo ngủ từ cửa phòng tắm, ném đồ vệ sinh cá nhân vào trong một cái túi da có in tên viết tắt của Dickie mà Marge đã tặng anh ta nhân dịp Giáng sinh. Anh đột ngột khựng lại. Anh phải tống khứ toàn bộ đồ đạc của Dickie, toàn bộ. Ở đây? Ngay bây giờ sao? Anh có nên quẳng chúng qua mạn tàu trên đường quay lại Naples không?
Câu hỏi không tự trả lời, nhưng đột nhiên anh biết mình phải làm gì, mình sẽ làm gì khi quay lại Ý. Anh sẽ không đến gần Rome. Anh có thể đi thẳng tới Milan hoặc Turin, hoặc có thể đâu đó gần Venice, mua một con xe cũ đã đi rất nhiều dặm. Anh sẽ khai mình đã chu du khắp nước Ý trong hai đến ba tháng qua. Anh không hề nghe được tin gì về việc tìm kiếm Thomas Ripley hết. Thomas Reepley.
Anh tiếp tục đóng gói đồ đạc. Đây là cái kết của Dickie Greenleaf, anh biết. Anh ghét trở lại làm Thomas Ripley, ghét là người tầm thường, ghét tròng lên những thói quen ngày xưa, cảm thấy mọi người khinh bỉ và chán ngấy mình trừ phi anh diễn trò cho họ như một thằng hề, cảm thấy kém cỏi và không thể làm được một chuyện gì hết trừ mua vui cho người ta từng phút một. Anh ghét quay lại làm chính mình cũng hệt như việc ghét phải khoác lên người một bộ đồ thùng thình, dầu mỡ, nhăn nhúm, xấu xí kể từ khi mới mua. Nước mắt của anh rớt xuống chiếc áo sơ mi xanh sọc trắng của Dickie đang nằm trên cùng trong vali, được là phẳng phiu, sạch sẽ, vẫn mới tinh tươm như khi anh lấy nó ra khỏi ngăn tủ của anh ta ở Mongibello. Nhưng nó có tên viết tắt của Dickie trên túi áo bằng những con chữ nhỏ màu đỏ. Khi đóng gói đồ đạc, anh dần trở nên ngoan cố, tính toán những thứ thuộc về Dickie mà anh vẫn có thể giữ vì chúng không có tên hoặc vì sẽ không có ai nhớ ra chúng thuộc về anh ta chứ không phải anh. Có lẽ chỉ trừ Marge sẽ nhớ vài món, như quyển sổ địa chỉ bằng da màu xanh dương mà Dickie mới viết có vài trang và nhiều khả năng là chính cô ta đã tặng nó cho anh ta. Nhưng anh không định gặp lại Marge.
Tom thanh toán hóa đơn ở Palma, nhưng anh phải đợi tới ngày hôm sau mới có thuyền về đất liền. Anh đã đặt vé thuyền dưới tên Greenleaf, nghĩ rằng đây là lần cuối cùng anh sẽ giữ vé dưới cái tên này, nhưng cũng có thể không phải vậy. Anh không thể từ bỏ ý nghĩ rằng tất cả mọi chuyện rồi sẽ chìm dần vào quên lãng. Có thể thôi. Và vì lý do đó, thật vô nghĩa nếu nản lòng. Dù có là Tom Ripley đi nữa thì cũng không thể nản lòng. Tom Ripley chưa bao giờ như vậy, dù trông bên ngoài thì thường có vẻ là vậy. Anh chưa học được điều gì từ mấy tháng vừa qua sao? Nếu bạn muốn vui vẻ, u sầu, trầm ngâm, suy tư, hay lịch lãm, đơn giản bạn chỉ cần làm bộ như vậy trong từng động tác.
Một suy nghĩ hết sức hào hứng đến với anh khi anh tỉnh giấc vào buổi sáng cuối cùng ở Palermo: anh có thể gửi toàn bộ quần áo của Dickie ở American Express Venice dưới một cái tên khác và lấy lại chúng vào một lúc nào đó trong tương lai, nếu anh muốn hay bắt buộc phải làm vậy, hoặc cũng có thể không bao giờ lấy chúng về nữa. Anh cảm thấy khá hơn nhiều khi biết rằng những cái áo sơ mi đẹp đẽ của Dickie, hộp đựng khuy rời với tất cả chỗ khuy măng sét, vòng tay mang tên riêng cùng đồng hồ đeo tay của anh ta sẽ được an toàn trong một cái kho ở đâu đó, thay vì nằm dưới đáy biển Tyrrhenus hoặc một cái thùng rác nào đó ở Sicily.
Vì vậy, sau khi cạo sạch tên viết tắt trên hai cái vali của Dickie, anh gửi những cái vali đã khóa lại ấy từ Naples tới công ty American Express ở Venice, cùng hai bức tranh mà anh đã bắt đầu vẽ ở Palermo, dưới tên Robert S. Fanshaw, lưu kho tới khi được lấy về. Những thứ duy nhất để lộ tung tích mà anh mang theo mình là hai chiếc nhẫn của Dickie mà anh cất dưới đáy một chiếc hộp da nâu nhỏ xấu xí thuộc về Thomas Ripley. Không hiểu sao anh lại giữ nó bên người nhiều năm trời, mang theo tới mọi nơi anh du lịch hoặc chuyển tới sống, cất giấu trong đó những bộ sưu tập thú vị gồm các khuy măng sét, khuy cài cổ áo, những cái nút kỳ quặc, một đôi đầu bút máy và một cuộn chỉ trắng có kim khâu nhét cùng.
Tom đi tàu từ Naples qua Rome, Florence, Bologna và Verona, nơi anh xuống tàu và đi xe buýt tới thị trấn Trento cách đó khoảng sáu mươi lăm kilomét. Anh không muốn mua một chiếc xe ô-tô ở trong một thị trấn to như Verona, vì cảnh sát có thể sẽ chú ý tới tên anh khi anh đăng ký biển số xe, Tom nghĩ thầm. Ở Trento, anh mua một chiếc Lancia cũ màu kem với giá khoảng tám trăm đô la. Anh mua nó dưới tên Thomas Ripley, như trên hộ chiếu của anh và thuê một phòng khách sạn cũng dưới tên đó để đợi hai mươi tư tiếng cho tới khi biển số xe của anh sẵn sàng. Sáu tiếng đầu không có chuyện gì xảy ra hết. Tom cứ lo rằng cái khách sạn nhỏ này có thể nhận ra tên anh, viên sĩ quan xử lý đơn đăng ký biển số cũng có thể chú ý tới tên anh, nhưng đến trưa ngày hôm sau anh đã có biển số trên xe và không chuyện gì xảy ra hết. Cũng chẳng có gì trên báo về việc truy tìm Thomas Ripley, hay vụ Miles, hay vụ con xuồng ở San Remo. Điều đó khiến anh cảm thấy hơi lạ lùng, có phần an toàn và hạnh phúc, như thể tất cả đều không thực. Anh bắt đầu cảm thấy hạnh phúc kể cả khi đang đóng cái vai u ám Thomas Ripley. Anh tìm niềm vui trong đó, làm quá anh chàng Tom Ripley vốn ít nói với người lạ, vẻ thấp kém trong từng động tác cúi đầu và ánh mắt liếc xéo trầm ngâm. Sau tất cả, liệu có ai, bất kỳ ai, tin rằng một người với tính cách như vậy lại phạm tội giết người chứ? Vụ giết người duy nhất mà anh có thể bị tình nghi là giết Dickie ở San Remo và có vẻ họ cũng chưa tiến xa trong vụ án đó. Ít nhất làm Tom Ripley cũng có một sự đền bù: nó giải phóng tâm trí anh khỏi cảm giác tội lỗi vì đã giết Freddie Miles một cách ngu xuẩn, không cần thiết.
Anh muốn đi thẳng tới Venice, nhưng lại nghĩ mình nên dành một tối để tính toán xem nên khai với cảnh sát là anh đã làm gì trong vài tháng trời: ngủ trong xe ô-tô trên một con đường quê. Anh dành một đêm ở ghế sau của con Lancia, tù túng và khốn khổ, ở đâu đó gần Brescia. Anh trườn lên ghế trước lúc bình minh với cái cổ vẹo đau đớn đến mức khó có thể quay đầu để lái xe, nhưng thế mới thật, anh nghĩ, thế mới giúp anh bịa chuyện giống hơn. Anh mua một quyển sách hướng dẫn về vùng Bắc Ý, đánh dấu ngày tháng một cách phù hợp, gấp các góc trang, giẫm chân lên bìa và xé gáy để nó rơi lả tả ở Pisa.
Tối hôm sau anh ở Venice. Một cách trẻ con, Tom đã né tránh Venice chỉ đơn giản vì anh vẫn nghĩ mình sẽ thấy thất vọng với nó. Anh cho rằng chỉ những kẻ ủy mị và du khách Mỹ mới phát cuồng lên với Venice, nó chỉ là một thị trấn cho những cặp đôi đi trăng mật thích cái cảm giác bất tiện của việc không thể đi đâu hết nếu không có thuyền gondola với vận tốc ba cây số một giờ. Anh khám phá ra Venice rộng hơn nhiều những gì anh hình dung, đầy những người Ý trông cũng giống mọi người Ý ở bất kỳ chỗ nào khác. Anh có thể đi bộ khắp thành phố trên những con đường và những cây cầu hẹp mà không cần phải đặt chân lên một con thuyền gondola nào hết, những kênh đào chính có hệ thống thuyền nhỏ cũng nhanh và hiệu quả chẳng kém hệ thống tàu điện ngầm, mà các kênh đào cũng không hề hôi thối. Có vô số khách sạn để lựa chọn, từ những nơi anh đã từng nghe tên như Gritti và Danieli, cho tới những khách sạn nhỏ và căn hộ rẻ tiền trong các con hẻm nằm xa đường chính, cách biệt với thế giới đầy cảnh sát và du khách Mỹ. Tom tưởng tượng cảnh mình sống ở đó hàng tháng trời mà không bị bất kỳ ai chú ý hết. Anh chọn một khách sạn có tên là Costanza, rất gần cầu Rialto, nằm trong phân khúc giữa những khách sạn xa hoa tiếng tăm và những nhà nghỉ nhỏ vô danh trong các con hẻm. Nó sạch sẽ, giá không đắt cắt cổ và tiện đi tới các địa điểm tham quan. Nó đúng là khách sạn phù hợp dành cho Tom Ripley.
Tom dành hai tiếng loanh quanh trong phòng khách sạn, chậm chạp dỡ những bộ quần áo cũ quen thuộc, mơ màng nhìn hoàng hôn phủ xuống kênh đào trung tâm ngoài cửa sổ. Anh hình dung ra cuộc đối thoại mà chẳng mấy nữa anh sẽ phải trao đổi cùng cảnh sát… Sao chứ, tôi chẳng biết gì. Tôi đã gặp anh ấy ở Rome. Nếu các anh nghi ngờ về điều đó thì có thể xác nhận với cô Majorie Sherwood… Tất nhiên tôi là Tom Ripley rồi! (Anh sẽ phá ra cười). Tôi không hiểu nổi sao phải nhặng xị lên thế này!... San Remo à? Có tôi nhớ chứ. Chúng tôi đã mang trả thuyền sau một tiếng đồng hồ… Phải, tôi đã quay lại Rome sau Mongibello, nhưng tôi không ở quá hai đêm. Tôi đã lang thang khắp phía Bắc nước Ý… Tôi e là mình không biết anh ấy đi đâu, nhưng tôi đã gặp anh ấy cách đây khoảng ba tuần… Tom rời khỏi bục cửa sổ, mỉm cười, thay áo sơ mi và cà vạt cho buổi tối hôm đó, rồi ra ngoài tìm một nhà hàng dễ chịu để dùng bữa. Một nhà hàng có tiếng, anh nghĩ. Tom Ripley có thể tự thưởng cho mình một thứ đắt đỏ chứ. Ví tiền của anh chứa đầy những tờ mười và hai mươi nghìn lia đến mức không thể gấp vào được. Anh đã đổi một nghìn đô la séc du lịch dưới tên Dickie trước khi rời khỏi Palermo.
Anh mua hai tờ báo tối, kẹp chúng dưới cánh tay và đi tiếp qua một cây cầu nhỏ cong cong, qua một con phố dài với chiều rộng chưa đầy hai mét nhưng đầy những cửa hàng đồ da, cửa hàng áo sơ mi nam, qua những ô cửa kính sáng trưng, đằng sau đó bày đầy vòng cổ và nhẫn lấp lánh trong những cái hộp mà Tom luôn hình dung chứa kho báu trong các câu chuyện cổ tích. Anh thích việc Venice không có xe ô-tô. Nó khiến thành phố trở nên người hơn. Các con phố giống như những mạch máu và con người chính là dòng máu, lưu thông khắp nơi, anh nghĩ. Anh quay về trên một con đường khác, đi qua sân trong rộng rãi của San Marco lần thứ hai. Đâu đâu cũng có chim bồ câu, trên bầu trời, trên các ngọn đèn của các cửa hàng – thậm chí cả vào buổi tối, bồ câu vẫn đi lại dưới chân người như những khách thăm quan trong chính thị trấn quê hương của chúng! Ghế và bàn ngồi uống cà phê kê dài dưới mái vòm, vào tận trong quảng trường, khiến cả người lẫn chim bồ câu phải tìm các lối đi nhỏ hẹp để lách qua. Cả hai đầu quảng trường đều có các máy quay đĩa phát giai điệu ỏm tỏi và đánh nhau chan chát. Tom thử tưởng tượng ra nơi đây trong mùa hè, dưới ánh mặt trời, người ta đua nhau quăng các nắm thóc lên không trung cho chim bồ câu sà xuống ăn.
Anh đi vào một con hẻm nhỏ sáng đèn khác, tập trung nhiều nhà hàng và chọn một chỗ trông vừa phải và đáng kính với khăn trải bàn trắng tinh, các bức tường gỗ nâu. Kinh nghiệm của anh chỉ ra đây là loại nhà hàng chỉ tập trung vào thức ăn chứ không phải các du khách vãng lai. Anh lấy một bàn và mở một tờ báo ra.
Nó đây, một tin tức nhỏ trên trang thứ hai:
CẢNH SÁT TÌM NGƯỜI MỸ MẤT TÍCH
Dickie Greenleaf, bạn của Freddie Miles đã bị sát hại, mất tích sau kỳ nghỉ ở Sicily.
***
Tom cúi sát xuống trang báo, dồn toàn bộ sự chú ý vào nó, vậy nhưng anh vẫn ý thức được một cảm giác phiền muộn dai dẳng khi đọc, vì lạ kỳ thay, mọi chuyện có vẻ ngớ ngẩn, cảnh sát thật ngớ ngẩn khi ngu ngốc và bất lực đến như vậy, tờ báo cũng thật ngớ ngẩn khi phí mực in thông tin này ra. Mẩu tin thông báo rằng H. Richard (“Dickie”) Greenleaf, một người bạn thân thiết của Frederick Miles quá cố, người Mỹ đã bị sát hại cách đây ba tuần ở Rome, được giả định đã biến mất sau khi đi thuyền từ Palermo tới Naples. Cảnh sát Sicily và Rome đều đã được thông báo và đang thận trọng tìm anh ta. Đoạn cuối còn nói rằng Greenleaf vừa bị cảnh sát Rome triệu tập tới trả lời thẩm vấn về sự biến mất của Thomas Ripley, cũng là một người bạn thân của Greenleaf. Ripley đã mất tích khoảng ba tháng, tờ báo cho biết.
Tom đặt tờ báo xuống, vô thức giả tạo tài tình vẻ ngạc nhiên mà người ta có thể cảm thấy khi đọc thấy trên báo tin mình đang “mất tích,” đến mức còn không chú ý thấy bồi bàn đang cố đưa anh thực đơn cho tới khi tờ thực đơn đã chạm vào tay anh. Đây là thời điểm thích hợp để anh tới thẳng đồn cảnh sát và trình diện rồi, anh nghĩ. Nếu họ không có chứng cứ chống lại anh – mà họ có thể có gì chống lại Tom Ripley chứ? – họ hẳn sẽ không kiểm tra thời điểm anh mua ô-tô. Tin trên báo khiến anh khá nhẹ nhõm, vì nó có nghĩa là cảnh sát thật sự không phát hiện ra tên anh ở cục đăng ký xe ở Trento.
Anh ăn bữa tối một cách từ tốn và sung sướng, sau đó còn gọi cả một cốc espresso và hút hai điếu thuốc trong khi lật giở quyển sách hướng dẫn về vùng Bắc Ý. Đến lúc ấy anh đã có vài suy nghĩ khác. Chẳng hạn, vì sao anh lại đọc được một mẩu tin nhỏ như thế này trên báo? Và nó chỉ xuất hiện trên đúng một tờ báo. Không, anh chưa nên trình diện cho tới khi đọc được hai đến ba mẩu tin như vậy, hoặc một bài báo lớn mà theo logic sẽ thu hút sự chú ý của anh. Chắc chẳng lâu nữa họ sẽ đăng một bài như vậy thôi: vài ngày trôi qua mà Dickie Greenleaf vẫn chưa xuất hiện, họ sẽ bắt đầu hoài nghi rằng anh ta đang lẩn trốn vì đã giết Freddie Miles và có lẽ cả Tom Ripley nữa. Marge có thể đã báo cảnh sát là cô ta đã nói chuyện với Tom Ripley cách đây hai tuần ở Rome, nhưng cảnh sát vẫn chưa thấy mặt mũi anh ta đâu. Anh đọc qua quyển sổ hướng dẫn, mắt lướt qua các đoạn văn và số liệu nhạt nhẽo trong khi cân nhắc thêm.
Anh nghĩ tới Marge, cô ta chắc đang xới loạn cả nhà mình ở Mongibello lên để thu dọn đồ đạc về Mỹ. Cô ta sẽ đọc thấy trên báo việc Dickie mất tích và sẽ trách cứ anh, Tom biết. Cô ta sẽ viết thư cho bố Dickie và kể rằng anh đã gây ảnh hưởng xấu đến thế nào, ít nhất là thế. Ông Greenleaf có thể quyết định đi tới đây.
Thật đáng tiếc vì anh không thể tự trình diện dưới vai Tom Ripley và khiến họ câm họng, rồi lại trình diện làm Dickie Greenleaf, khỏe mạnh và hăng hái và giải quyết nốt cả cái bí mật nhỏ đó nữa!
Anh nghĩ mình có thể chơi đùa với vai Tom thêm một chút nữa. Anh có thể khom người một chút nữa, có thể rụt rè hơn bao giờ hết, thậm chí có thể đeo cặp kính gọng sừng và mím môi một cách buồn bã, thái độ ủ rũ hơn nữa, đối lập hoàn toàn với vẻ căng thẳng của Dickie. Vì vài cảnh sát mà anh có thể sẽ nói chuyện cùng cũng chính là những người đã gặp khi anh đóng là Dickie Greenleaf. Tên của gã ở Rome là gì nhỉ? Rovassini à? Tom quyết định nhuộm tóc bằng một loại thuốc nhuộm còn mạnh hơn nữa để tóc anh tối màu hơn cả màu tóc thật.
Anh kiểm tra tất cả các tờ báo lần thứ ba để xem có gì về vụ Miles không. Không một tin tức nào hết.