VŨ TRỤ MỞ RỘNG CHƯA TỪNG CÓ CỦA STAR CITIZEN
Nếu đạt được 64 triệu đô-la cho “mục tiêu mở rộng”, thì những vật nuôi không gian sẽ được đưa vào trò chơi.
Những người đóng góp tiềm năng được hứa rằng một ngày nào đó trong tương lai, họ sẽ không chỉ được tiếp cận với “các lựa chọn truyền thống trên mặt đất”, mà còn cả những động vật kỳ lạ thuộc loại mà bạn nghĩ là chỉ có thể xuất hiện vào năm 2946 và bạn sẽ được chứng kiến sự suy giảm nhanh chóng của chủ nghĩa tư bản giữa các thiên hà.
Nhưng chúng ta đang lo xa quá rồi!
Những vật nuôi không gian đã xuất hiện khi đạt được mục tiêu 64 triệu đô-la nhưng khi câu chuyện kết thúc, con số đã lên đến 200 triệu đô-la – đây là câu chuyện về chiến dịch huy động vốn cộng đồng lớn nhất trong lịch sử. Và có những dự đoán khác nhau về việc nó sẽ kết thúc như thế nào – hoặc là một lời cảnh báo lớn nhất về việc huy động vốn từ cộng đồng, hoặc là thành tích vượt trội của nó.
Nơi thích hợp để bắt đầu là trước khi họ nhận được đồng đô-la đầu tiên, trở lại lúc khởi đầu, khi một vũ trụ mới phát nổ vào thị trường.
The Big Bang – Vụ nổ lớn
Khi nhà phát triển game huyền thoại Chris Roberts thông báo rằng ông sẽ trở lại làm việc sau 10 năm gián đoạn, các game thủ đã vô cùng hào hứng. Người đã tạo không gian chiến đấu mô phỏng 3D cổ điển Wing Commander ấy luôn luôn được kính trọng, đặc biệt là bởi cộng đồng game thủ chơi trên máy tính cá nhân (PC), những người đang cảm thấy ngày càng không được ưa chuộng khi việc chơi game được chuyển sang máy tính bảng và các console (máy chơi game).
Và Roberts đã có những kế hoạch rất lớn.
Ông không chỉ muốn xây dựng nên một trò chơi. Ông muốn xây dựng Star Citizen, “một vũ trụ khoa học viễn tưởng thật sự, có sức sống cùng với sự mê đắm không gì có thể so sánh được” cho phép một cách chơi không giới hạn. Những người không thuộc thế giới game có thể không hiểu hết được quy mô của tham vọng này. Roberts sẽ không chỉ giúp hồi sinh trò chơi trên máy tính cá nhân, mà còn xây dựng cả một vũ trụ – rộng lớn hơn bao giờ hết, dường như vô hạn, và quan trọng nhất là được định hình bởi những hoạt động của cư dân của chính nó. Thay đổi nằm ở việc kịch bản sẽ được dựa trên hành động của người chơi, vì vậy nếu một “citizen” (công dân) tìm ra một “jump point” (điểm nhảy) vào một hệ thống mới, nó sẽ được đặt tên theo tên anh ta. Một người chơi có thể tự thiết kế các phi thuyền không gian của riêng mình (và thậm chí còn có thể bán chúng cho những người chơi khác). Anh ta sẽ làm chủ vận mệnh của mình.
Và với trò chơi Star Citizen, Chris Roberts đã làm nhiều hơn là thiết lập một tầm nhìn cho những gì ông có thể xây dựng. Ông đang chiêu mộ cộng đồng cùng tham gia với mình.
Vũ trụ hiện ra
Khi trò chơi Star Citizen mới chỉ là một tia sáng lóe lên trong đôi mắt của Roberts, ông đã cố gắng thu hút các nhà sản xuất truyền thống và các nhà đầu tư mạo hiểm để tài trợ cho nó, nhưng lại không nhận được đủ sự quan tâm cần thiết. Đây là thời đại của Angry Birds và Candy Crush. Sự tái hiện một cách hoành tráng không gian mô phỏng trên máy tính cá nhân của ông (hoặc, hiểu một cách đơn giản, là một trò chơi mô phỏng thực tế được đặt trong không gian mà bạn chơi trên máy tính cá nhân của bạn) không được coi trọng mấy.
Vì vậy, ông đã thử làm một điều gì đó khác biệt.
Roberts đã có một buổi nói chuyện chính thức tại Hội nghị các nhà phát triển game năm 2012 tại Austin và công bố dự án trở lại của mình. Trong bài thuyết trình kéo dài một tiếng đồng hồ, ông đã tiết lộ tầm nhìn của mình dành cho Star Citizen, giới thiệu một loạt các nguyên bản rực rỡ của trò chơi này. Khi ông đưa khán giả đi lướt qua những thế giới đầy mới mẻ, chơi một mẫu thử nghiệm trong lúc thuyết trình, ông đã thể hiện mình như là một người hâm mộ lớn nhất của vũ trụ game này. Người xem cùng bước vào buồng lái với ông. Họ bay lướt qua cả một chân trời mới. Trên Reddit, một người hâm mộ xem trực tiếp đã nói: “Là một người đã từng chơi tất cả các game như Wing Commander, Privateer, Starlancer, và Freelancer, game này khá là giống vũ trụ mô phỏng mà tôi mơ ước. Tôi đang thèm nhỏ dãi đây”.
Nhưng khoảng mười lăm phút trước khi kết thúc, giọng của Roberts hơi thay đổi. Ông dường như mất đi chút tự tin và năng lượng khi bắt đầu đề cập đến vấn đề tiền bạc.
Cùng với những thách thức mà ông phải đối mặt khi tìm cách làm các nhà đầu tư có hứng thú với dòng game máy tính cá nhân, ông nói với khán giả rằng ông đã quyết định sẽ huy động vốn từ cộng đồng cho “một số lượng người giới hạn”. Ông hứa rằng họ sẽ được tham gia vào quá trình phát triển game, và chơi một vài phần nhỏ của trò chơi sớm hơn nhiều.
“Yêu cầu” của Roberts không hề được trau chuốt và gây ấn tượng mấy. Ông kết luận: “Nếu như bạn cảm thấy hứng thú với nó, thì hãy đến với RobertsSpaceIndustries.com, tham gia và ủng hộ cho chúng tôi. Vâng, đó là trang web để đóng góp tiền cho tôi, tôi không giỏi trong việc kêu gọi ủng hộ tiền đâu”.
Ngay trước khi rời khỏi bục phát biểu, ông ấy đã nhận được một tờ ghi chú. Ông liếc nhìn nó với một nụ cười và chia sẻ nội dung của nó với khán giả: “Hình như trang web của chúng tôi đang nhận được hàng triệu lượt truy cập và bị quá tải... Chúng tôi sẽ cố gắng và làm cho nó hoạt động trở lại, tôi nghĩ vậy, khi chúng tôi có thể”.
Lạm phát vũ trụ
Các máy chủ của Xưởng Công nghiệp Vũ trụ Roberts (Roberts Space Industries – RSI) đã bị treo nhiều ngày, bị quá tải bởi lưu lượng truy cập. Vì vậy, nó nhanh chóng chuyển chiến dịch sang Kickstarter – trang web huy động vốn từ cộng đồng cho các dự án sáng tạo – và đặt mục tiêu là 500.000 đô-la.
Trong 24 giờ đầu tiên, nó đã nhận được 155.270 đô-la, gần 1/3 mục tiêu của mình.
Roberts đã đưa ra một lời cảm ơn để nhấn mạnh điều đang thúc đẩy sự quan tâm: “Hãy nhớ rằng chúng ta càng nhận được nhiều sự đóng góp thì tôi càng thuận lợi ngay từ lúc bắt đầu và gửi thông điệp càng mạnh mẽ hơn đến thế giới rằng những trò chơi mô phỏng không gian vẫn còn tồn tại”. Các khoản đóng góp còn nhiều hơn cả lượng đặt mua trước trò chơi (mà ban đầu đã được lên kế hoạch là sẽ sẵn sàng ra mắt trong tháng 11 năm 2014), họ đã trả tiền với một tầm nhìn rộng mở, cũng như thể hiện ý kiến bằng cách dùng đồng tiền của họ để ủng hộ cả những trò chơi trên máy tính cá nhân và không gian mô phỏng. Đó là một sự thỏa thuận giữa RSI và những người đóng góp mà một phần vì mục đích hỗ trợ, một phần là để đầu cơ.
Một phần cũng là vì con tàu nữa. Bạn càng đóng góp nhiều, con tàu chiến mà bạn nhận được trong nhà chứa máy bay của mình khi trò chơi được phát hành sẽ càng xịn hơn. 60 đô-la sẽ giúp bạn nhận được chiếc “Tàu vũ trụ Origin 300i sẵn sàng để cất cánh”. Với giá 125 đô-la, bạn sẽ nhận được chiếc “Anvil Aerospace Hornet sẵn sàng để cất cánh (một con tàu chất lượng chuyên chiến đấu/đánh trận)”. Với số tiền 1.000 đô-la, bạn sẽ là chủ sở hữu đầy tự hào cho chiếc “tàu vũ trụ hàng đầu của mình... Tàu vũ trụ Constellation sẵn sàng cất cánh”.
Sự hứng thú tiếp tục tăng lên, cũng như số đồng đô-la được đóng góp vào dự án. Và được đóng góp càng nhiều, vũ trụ game đã được hứa hẹn càng có nhiều tương tác và năng động hơn. RSI đã nhanh chóng đưa ra một trung tâm để khích lệ những người hâm mộ đóng góp vào. Nó được gọi là “Spectrum Dispatch”, nơi cung cấp “truyền thuyết” của vũ trụ để tất cả cùng góp phần vào. Nội dung do người hâm mộ tạo ra là một tính năng đã được thiết lập tốt của game, nhưng để nó trở nên nổi bật quá sớm như vậy trong quá trình phát triển là một điều gì đó rất mới mẻ.
Trong chưa đầy một tháng, các khoản đóng góp đã đạt tới mức 2 triệu đô-la (phân chia giữa Kickstarter và trang web RSI hiện đã được phục hồi), một con số kỳ diệu cần thiết để dự án Star Citizen “được tiến hành”. Roberts đánh dấu thời điểm này với một lưu ý tích cực để ghi nhận cộng đồng “những câu chuyện và sự sáng tạo mà tôi đã gặp và tương tác với các bạn qua những dòng bình luận, các bảng tin và những nơi khác nữa”.
Thay vì dừng lại và nhận sự tán dương tại thời điểm này vì đã chứng minh được sự quan tâm của công chúng về trò chơi, Roberts vẫn tiếp tục gây quỹ, công bố một loạt các “mục tiêu mở rộng” sẽ cho phép vũ trụ tiếp tục mở mang thêm. Mỗi một mục tiêu đạt được sẽ mở khóa thêm những tiện ích mới cho những người ủng hộ, bao gồm nhiều tàu vũ trụ và trang thiết bị hơn cho người chơi, thậm chí cả “bảo hành tàu vũ trụ trọn đời” (Đúng vậy, những người đóng góp cần phải tự bảo vệ mình trước một tương lai cần phải trả tiền phí bảo hành cho bất kỳ một thiệt hại nào mà con tàu vũ trụ ảo của họ có thể phải chịu, khi trò chơi cuối cùng được phát hành).
Và Roberts cứ tiếp tục kéo dài như thế.
Vào giữa tháng 11, Star Citizen đã nhận được khoản đóng góp trị giá 3,5 triệu đô-la và ăn mừng sự kiện này bằng khả năng trang trí buồng lái với những vật dụng như những khối xúc xắc mờ ảo, hình nhân trang trí với đầu lúc lắc và “những chiếc mũi nghệ thuật”.
Với 6 triệu đô-la được huy động, Star Citizen sẽ có được một bản nhạc với đầy đủ những cung bậc.
Vào ngày 19 tháng 11, sau đợt livestream kéo dài 24 giờ nhằm huy động vốn cuối cùng, chiến dịch đã kết thúc với mức 6,2 triệu đô-la đáng kinh ngạc, giai điệu chiến thắng của Roberts đã tuyên bố: “Trận chiến đã kết thúc và chúng tôi, những game thủ trên máy tính cá nhân, những người hâm mộ không gian mô phỏng, WingNuts, Lancers và tất cả những người còn lại, đã chiến thắng”. Đã có một buổi đối thoại về việc tháo dỡ biểu đồ theo dõi lượng vốn huy động xuống và để mọi thứ được dừng lại.
Nhưng nhu cầu vẫn còn đó, và ai có thể cưỡng lại nó kia chứ?
Vào tháng 6, RSI đã tổ chức kỷ niệm cột mốc 10 triệu đô-la với một buổi ra mắt tàu vũ trụ mới, một đợt livestream 24 giờ, và kêu gọi cộng đồng chia sẻ thành công này và chiêu mộ thêm bạn bè của họ. Và nó đã cố nhồi nhét thêm các cơ hội tham gia cho những công dân của mình, với nhiều video hơn, nhiều quyền truy cập hơn cho các nhà phát triển và nhiều cơ hội để chia sẻ quan điểm của họ.
Để đánh dấu lễ kỷ niệm đầu tiên của Star Citizen, RSI đã tổ chức “CitizenCon”, một chương trình livestream kéo dài 24 giờ. Nó đã kiếm được 2 triệu đô-la trong vòng một tuần và RSI đạt mốc 23 triệu đô-la, một con số đã làm cho Roberts cảm thấy rằng trò chơi này hoàn toàn có thể được thực hiện chỉ bằng việc huy động vốn từ cộng đồng.
Và ông ấy cứ tiếp tục mở rộng thêm.
Cột mốc 50 triệu đô-la đã kích hoạt cam kết của RSI trong việc thuê các nhà ngôn ngữ học để tạo ra những ngôn ngữ ngoài hành tinh nhằm “tăng cường sự nhập vai”. Với 64 triệu đô-la, các vật nuôi không gian sẽ được đưa vào trò chơi.
Tại CitizenCon 2015, lần này được tổ chức ở Manchester, Anh, Sandi Gardiner, giám đốc điều hành cấp cao của RSI và cũng là vợ của Chris Roberts, đã mở đầu chương trình bằng cách đọc một bức thư cá nhân đầy tình cảm dành cho cộng đồng. Đến thời điểm này, người hâm mộ đã tạo ra hơn 260.000 chủ đề trò chuyện và 5 triệu phản hồi chỉ tính trên trang web chính thức. Gardiner đã nói về mối liên kết con người sâu sắc mà trò chơi tưởng tượng này đã tạo ra. “Hãy giơ cao cánh tay của mình lên nếu bạn đã tạo ra được ít nhất một mối liên kết chân thành nào đó với một người khác khi tham gia vào dự án này dưới bất kỳ hình thức nào”.
Đến tháng 12 năm 2015, chỉ trong vòng chưa đầy ba năm, RSI đã huy động được tổng cộng hơn 100 triệu đô-la từ hơn 1 triệu công dân (Citizen), thiết lập kỷ lục thế giới không chỉ trong lĩnh vực trò chơi điện tử mà còn là trong hoạt động huy động vốn từ cộng đồng nói chung.
Tất cả đều dành cho một trò chơi chưa hề tồn tại, dù đã trễ hơn một năm so với lịch trình.
TÌM HIỂU VỀ “PHẦN THƯỞNG CHO SỰ THAM GIA”
Câu chuyện về Star Citizen cho chúng ta thấy – theo cả hai cách đáng kinh ngạc và đáng lo ngại – động cơ đằng sau cách mà mọi người đang chi tiêu, đóng góp và đầu tư tiền trong bối cảnh quyền lực mới.
Trong thế kỷ 20, chúng ta có xu hướng nghĩ đến các giao dịch của chúng ta theo một trong hai cách khác nhau.
Một là trao đổi kinh tế cơ bản. Bạn mua một sản phẩm – ví dụ, một chiếc tủ lạnh. Bạn có một kỳ vọng rất rõ ràng là khi bạn đặt mua chiếc tủ lạnh đó, bạn sẽ không nhận được một cái lò vi sóng. Nếu tủ lạnh được giao đến và nó không hoạt động đúng cách, bạn mong đợi sẽ được đổi cái mới hoặc hoàn lại tiền. Khi bạn đánh giá giá tiền của chiếc tủ lạnh, bạn cân nhắc đến các tính năng của sản phẩm và các giá trị vô hình như thương hiệu (bạn có thể trả một khoản tiền chênh lệch cao hơn nếu nhà sản xuất có thể thuyết phục được bạn tin rằng thiết bị của họ là một sản phẩm “sang trọng”). Một logic tương tự cũng được áp dụng nếu bạn là một nhà đầu tư truyền thống. Bạn đang tham gia vào một giao dịch để kiếm được tỷ lệ hoàn vốn dự kiến, và tính toán đến rủi ro.
Loại giao dịch khác thì mang tính vô vị lợi hơn. Ví dụ, với tư cách là nhà tài trợ cho Oxfam, bạn không mong đợi sẽ nhận được lợi tức tài chính cho khoản đóng góp của mình, hoặc bất kỳ điều gì khác ngoài lợi ích vô hình khi biết bạn đang giúp đỡ mọi người (và trong một số trường hợp, bạn được ghi tên vào danh sách các nhà bảo trợ). Loại chi tiêu này quan trọng nhất ở việc cung cấp cảm giác về một mục đích cao cả hơn.
Trong những năm gần đây, chúng ta có thể thấy rằng hai loại lợi nhuận này – kinh tế và vô vị lợi – được pha trộn vào nhau nhiều hơn và thường xuyên hơn. Hãy nghĩ về tác động của việc đầu tư, tức là lời hứa hẹn với các nhà đầu tư rằng họ có thể tạo ra lợi nhuận cao và mang lại chút lợi ích cho thế giới này. Hoặc bạn có thể nghĩ về vô số các thương hiệu quảng bá chính mình như là một sự nghiệp vì chính nghĩa – ví dụ như Patagonia, Toms, hay Warby Parker. Đây không phải là một hiện tượng mới – trong nhiều năm, truyền hình công cộng đã nhận những khoản quyên góp được huy động bởi lời hứa về những món quà tặng kèm miễn phí – nhưng ngày nay hiện tượng này càng trở nên phổ biến hơn.
Star Citizen đã kết hợp “một cái gì đó có giá trị” với “ý thức về mục đích” khá tốt. Những người ủng hộ vẫn đang chờ đợi công ty sẽ thực sự tung ra trò chơi mà họ đã đầu tư. Và giá trị của sản phẩm đó được tăng lên theo cảm nhận về mục đích cao hơn mà trò chơi mang lại.
Không phải ngẫu nhiên mà ngôn ngữ được sử dụng khắp vũ trụ lại xuất phát từ sách hướng dẫn các cuộc vận động NGO (các tổ chức phi chính phủ). Star Citizen liên tục được xem là vị cứu tinh của thế giới game trên máy tính cá nhân (game PC), khi đối mặt với sự cạnh tranh từ các thế lực đen tối của Đế quốc game console (máy chơi game). Những người tham gia được xem là các nhà từ thiện PC, như thể họ đang giúp đỡ giải phóng Tây Tạng vậy. Đây là một ví dụ điển hình mà Roberts đã đề xuất với cộng đồng game: “Vài năm nữa, khi bạn ngồi giữa những người thân yêu của mình, và họ hỏi bạn đã làm gì trong trận chiến vì game mô phỏng không gian và PC, bạn có thể nhìn thẳng vào mắt họ và nói: ‘Tôi đã giúp tạo nên Star Citizen’”.
Tổng của hai lợi nhuận này là rất lớn. Nhưng Star Citizen cũng cung cấp một cái gì đó khác, mà chúng ta có thể nghĩ đến như là một hệ số nhân: cơ hội tham gia. Ngay từ đầu, quảng cáo chiêu mộ của Roberts đã hứa hẹn rằng các công dân sẽ có khả năng ảnh hưởng trực tiếp lên cả cách vũ trụ sẽ được hình thành, cũng như cách nó sẽ phát triển khi nó được ra mắt. Thông điệp liên tục là một trong những hoạt động được đẩy mạnh, nhấn mạnh cảm giác rằng sự lựa chọn của các công dân là rất quan trọng và có thể thay đổi số phận của cả thiên hà.
Theo lời của một người ủng hộ Star Citizen, bạn có cảm giác như bạn đang “trả tiền cho giấc mơ” vậy. Bằng cách trở thành một công dân vũ trụ, bạn sẽ có được cả một vũ trụ trong tay mình và định hình nó – một nơi bạn có thể tranh luận xem cách tốt nhất để đánh bại Vanduul (phe phản diện trong trò chơi) là gì, phân tích những thiết kế cho các tàu chiến mới nhất, hoặc tạo ra những câu chuyện fan fiction (truyện do fan viết) của riêng mình về cách vũ trụ được hình thành, tất cả những điều tương tự như vậy trong một nhóm những người cùng chí hướng tận tụy, những người sẽ không nghĩ rằng bạn lập dị khi làm những điều như thế.
Giá trị của sự tham gia này là rất lớn khi mà các công dân đang đạt được những phúc lợi đầu tư ngay trước cả khi trò chơi tồn tại. Người ủng hộ có tên là powertowerpro của Star Citizen đã nói: “Những đồng tiền của tôi rất xứng đáng... Tôi đã được xem 100 giờ nội dung video về việc tạo ra Star Citizen. Tôi đã xem được cách mà trò chơi được thực hiện, cách mà tàu 3D được xây dựng (Tôi là một người đam mê mô hình 3D), những phần hỏi đáp, và nhiều thứ thú vị khác nữa (vài ý tưởng tuyệt vời cho fan fiction đây!). Chỉ cần nhiêu đó thôi cũng đã đủ xứng đáng với khoản tiền đóng góp của tôi rồi”.
Khi những khoản phúc lợi này tập hợp lại với nhau, chúng sẽ tạo nên thứ mà chúng ta nghĩ là “phần thưởng cho sự tham gia”. Star Citizen cung cấp vài khoản phúc lợi nào đó dưới hình thức những lời hứa hẹn về trò chơi, về những con tàu chiến và mục đích cao cả hơn trong việc tham gia một sứ mệnh làm sống lại các trò chơi mô phỏng trên máy tính. Sự tham gia siêu cấp trong cả hai vấn đề: nó cung cấp cho bạn quyền công dân trong một cộng đồng đầy sống động gồm những người mộng mơ cùng chí hướng với mình, và thậm chí trao cho bạn cơ hội để thay đổi chính bản thân trò chơi. Ngày nay, cho dù bạn đang “bán” sản phẩm gì đi chăng nữa, bạn sẽ có lợi thế lớn nếu cung cấp được cả ba phúc lợi này. Để đặt nó ra như một phương trình không khoa học (nhưng hữu ích), hãy nghĩ về điều này như sau:
(Một khoản phúc lợi nào đó + Mục đích cao cả) x Sự tham gia = Phần thưởng cho sự tham gia.
Quyền lực tuyệt vời – phần thưởng cho sự tham gia – là nó có thể dẫn đến việc tách rời được giá trị vật chất và giá cả. Những phần thưởng bạn nhận được với tư cách người ủng hộ hoặc người tham gia không chỉ đơn giản gắn liền với giá trị của sản phẩm có liên quan. Chúng phức tạp hơn – và có thể là còn quan trọng hơn nữa cho cả “người bán” lẫn “người mua”. Hiệu ứng này đặc biệt được thể hiện rõ trong trường hợp của Star Citizen, trong khi chưa có sản phẩm nào được bán ra cả.
Ở Trung Quốc, nhà cung cấp điện thoại thông minh Xiaomi đã sử dụng cơ cấu huy động tương tự để phát triển thị trường của mình – và đã nhận được một khoản định giá trị giá 45 tỷ đô-la.
KÊU GỌI QUYỀN LỰC CỦA CỘNG ĐỒNG
Trong năm 2015, được hỗ trợ bởi những người hâm mộ nhiệt tình của mình, Xiaomi đã thiết lập kỷ lục Guinness thế giới cho số lượng điện thoại thông minh được bán ra nhiều nhất trong một ngày – 2,1 triệu chiếc. Chỉ trong một vài năm ngắn ngủi, công ty khởi nghiệp này đã trở thành công ty điện thoại thông minh hàng đầu tại Trung Quốc và lớn thứ ba trên toàn thế giới.
Từ khi ra mắt vào năm 2010, Xiaomi đã cam kết sẽ cung cấp những chiếc điện thoại chất lượng cao, hiện đại, chi phí thấp. Tuy nhiên, nó nhắm đến một mục tiêu cao hơn so với việc trở thành nhà sản xuất cho các mặt hàng hấp dẫn. Không giống như các đối thủ cạnh tranh của mình, nó đã lên kế hoạch để phân phối, Xiaomi sẽ bán trực tiếp cho thị trường mà không thông qua các nhà phân phối và các bên thứ ba. Mối quan hệ giữa Xiaomi với cộng đồng của mình chính là yếu tố khiến nó trở nên nổi bật.
Ý nghĩa của từ Xiaomi là “hạt kê”, một hình ảnh ẩn dụ trong tiếng Hoa cho “cuộc cách mạng”. Những người theo dõi Xiaomi, hay những “Mi Fan”, được xem là một phần trong một cuộc cách mạng thân thiện về văn hóa đối kháng đầy khác biệt (nhưng chắc chắn không phải là một cuộc cách mạng về chính trị) và được xây dựng một cách nhanh chóng thông qua các chiến lược truyền thông xã hội khôn ngoan và các hiện vật mang tính thương hiệu đầy thông minh (như các linh vật dễ thương và những chiếc áo thun cá tính). Ngay cả các đối thủ cạnh tranh của nó cũng đã đề cập đến, cùng với sự tôn trọng, mức độ “sùng bái” mà Xiaomi đã truyền cảm hứng cho những khách hàng của mình.
Xiaomi nuôi dưỡng sự sùng bái này bằng các lễ hội dành cho Mi Fan được tổ chức hàng năm – để tỏ lòng tôn kính đến những người hâm mộ của mình và cũng là một cơ hội bán hàng, cung cấp một loạt các tùy chọn để đóng góp cho công ty, từ việc cung cấp những thông tin phản hồi, chơi các trò chơi trực tuyến mới hay nhận được những ưu đãi hiếm có. Trong suốt cả năm, các sự kiện “bỏng ngô” thường xuyên diễn ra trên khắp đất nước, mỗi sự kiện quy tụ hàng trăm người hâm mộ cuồng nhiệt đến tham gia để kết nối với công ty (và để ăn thật nhiều bỏng ngô nữa).
Một cuộc phỏng vấn đầu năm 2012 với người đồng sáng lập Bin Lin cho thấy công ty đã phát triển một cộng đồng gồm hai triệu người trên các phương tiện truyền thông xã hội. Quan trọng là, những người này không đơn giản chỉ là những người theo dõi; họ là những người tham gia tích cực trong việc phát triển sản phẩm. Không giống như Apple – một thương hiệu cũng sở hữu một cơ sở những người hâm mộ nhiệt thành mà Xiaomi thường được so sánh – bản chất của Xiaomi là công khai quy trình phát triển chứ không che giấu nó trong bí mật. Và người hâm mộ của nó không chỉ bỏ phiếu cho những tính năng mà họ thích; họ còn được khuyến khích tạo ra những thiết kế của riêng mình cho giao diện người dùng của điện thoại. Một bài báo trên tờ New York Times đã kể lại câu chuyện về một người hâm mộ nhiệt thành – Han Yu, 24 tuổi – anh ấy đã tình nguyện làm việc cho Xiaomi như thể đó là Habitat for Humanity (Một môi trường sống của nhân loại). Anh ấy kiểm tra các lỗi trên giao diện người dùng và làm việc như một người kiểm duyệt trên các diễn đàn của công ty. Phần thưởng cho anh ấy là gì? Anh ấy đã làm quen với những người bạn trên các nền tảng của công ty và thậm chí một trong những ý tưởng sản phẩm của anh đã được thông qua bởi Xiaomi. “Tôi thực sự thích cảm giác được tham gia”, anh cho biết.
Đến năm 2015, khoảng thời gian mà Xiaomi đạt được mức định giá 45 tỷ đô-la đáng kinh ngạc của mình, Bin Lin có thể tuyên bố rằng có đến 40 triệu thành viên tham gia vào diễn đàn người dùng của Xiaomi. Wanqiang Li, một nhà đồng sáng lập khác, cho biết diễn đàn điện thoại thông minh của họ nhận được từ một đến hai triệu lượt tương tác mỗi ngày. Mỗi tuần, vào ngày được gọi là “Thứ Sáu Màu Cam”, Xiaomi cung cấp một phiên bản cập nhật cho giao diện người dùng và yêu cầu cộng đồng phản hồi cho mình. Như Li mô tả, điều này cũng giống như “có một đội ngũ nghiên cứu và phát triển gồm 100.000 người vậy”. Công ty trong truyền thuyết ấy phát triển để kỷ niệm những câu chuyện về sự sáng tạo của người dùng: như việc một người hâm mộ đã nảy ra ý tưởng cho việc cải tiến chức năng đèn pin trong lúc đang cố gắng về nhà vào một đêm có chút say xỉn.
Nghiên cứu của các nhà kinh tế học hành vi Michael I. Norton, Daniel Mochon và Dan Ariely giúp cho chúng ta hiểu được động lực đằng sau các công ty như Xiaomi. Họ đã xác định được những gì mà họ gọi là “hiệu ứng IKEA”, một xu hướng mà mọi người đặt một giá trị cao hơn lên những sản phẩm tự làm. Quan sát chính của họ là khi mọi người tự lắp ráp các thiết bị với nhau từ một bộ dụng cụ tự lắp ráp, họ có xu hướng tự đánh giá cao quá mức việc sáng tạo của mình (mà thường được xây dựng kém). Để kiểm tra xem hiện tượng này có phổ biến rộng hơn hay không, họ đã thiết kế một thử nghiệm với một nhóm người được hướng dẫn gấp những con thiên nga giấy origami. Họ hỏi những người đã gấp (“những người xây dựng”) và những người khác không tham gia (“những người không xây dựng”) để đánh giá các thành phẩm sáng tạo: “Trong khi những người không xây dựng thấy những sáng tạo nghiệp dư này không khác gì những tờ giấy nhàu nát gần như vô giá trị, thì những nhà xây dựng của chúng tôi lại xem đó như là những tác phẩm origami đầy giá trị nghệ thuật”. Hiệu quả thật đáng ngạc nhiên: “Những nhà xây dựng đánh giá tác phẩm origami của họ rất cao, họ sẵn sàng trả cái giá cao hơn nhiều cho những sáng tạo của mình, so với cái giá mà nhóm người không xây dựng sẵn sàng chi trả cho những tác phẩm origami tinh xảo được gấp bởi các thợ thủ công chuyên nghiệp của chúng tôi”.
Kết luận của họ là gì? Mọi người đánh giá cao hơn giá trị của những sự vật và trải nghiệm mà họ có thể định hình được.
Trên thực tế, ngay cả khi sản phẩm có một chút ngớ ngẩn và mục đích của một chiến dịch là sự hài hước (chứ không phải là sự cao cả), một lời mời tham gia khéo léo vẫn có thể dẫn đến những kết quả đáng kể. Vào năm 2014, Zack “Danger” Brown đã thông báo với thế giới trên Kickstarter rằng anh muốn làm món salad khoai tây. Lời kêu gọi đóng góp của anh ta hầu như không hề phức tạp chút nào: “Về cơ bản là tôi chỉ định làm món salad khoai tây thôi. Tôi chưa quyết định chọn loại nào cả”. Mục tiêu gây quỹ của anh khá là khiêm tốn: 10 đô-la. Anh đã thu được 55.000 đô-la từ gần 7.000 người ủng hộ, trong đó có nhiều người cảm thấy thích thú với trò đùa phá cách này. Chiến dịch của Brown chính là sự chế giễu dành cho các chiến dịch gây quỹ cộng đồng. Anh cam kết rằng bất cứ ai ủng hộ 3 đô-la sẽ được thử một miếng salad. Lúc nấu món chính hấp dẫn của mình, Zack đã thực hiện lời hứa sẽ xướng tên tất cả những người ủng hộ mình trong khi lột vỏ khoai tây, và trở thành một đoạn video hoành tráng với gần 4 giờ livestream trên YouTube. Nó cho cảm giác có chút gì đó hơi giống với một trong những bộ phim Andy Warhol dài bất tận mà trong đó bạn được xem những thước phim câm được quay chậm. Một số người ủng hộ đã phối lại đoạn video này để làm nổi bật 1,5 giây nổi tiếng của riêng họ. Một bình luận viên khá có tiếng trên YouTube đã nhận xét về video đọc tên ấy như là “danh sách tên của những kẻ ngốc đang rất buồn chán và cô đơn đến mức họ phải trả tiền để trở thành một phần của một cái gì đó”. (Và cộng đồng Internet có thể phản hồi rằng: Chào mừng bạn đến thế kỷ 21!)
CÁC KỸ NĂNG MỚI (VÀ CŨ) ĐỂ GẦY DỰNG VÀ QUYÊN GÓP TIỀN
Để tạo ra nguồn tài trợ trong một thế giới quyền lực mới – thông qua doanh thu, quyên góp, vốn đầu tư hoặc cho vay – bạn cần phát triển một bộ những kỹ năng hoàn toàn mới, khác với những kỹ năng cần thiết để làm cho mọi thứ trở thành sự thật trong thế kỷ 20. Hãy suy nghĩ một chút về cuộc sống trước đây.
Cha của Jeremy, Frank, dành phần lớn sự nghiệp của mình như một nhà làm phim tài liệu độc lập tại Úc. Để có được một bộ phim, ông đã viết một “bài giới thiệu” (vì làm một video quảng cáo ngắn thì quá đắt đỏ), cẩn thận xây dựng quan hệ với một vài ông chủ quyền lực bên trong các cơ quan tài trợ phim quyền lực của chính phủ, phục tùng quy trình hành chính rối ren mang phong cách của Kafkaesque, và sau đó là chờ đợi, chắp tay cầu nguyện cho số phận của mình sẽ được công bố.
Mẹ của Henry, Diann, từng là một họa sĩ vẽ tranh cho sách trẻ em ở Anh. Công cụ gây quỹ của bà là tập hồ sơ tranh vẽ (portfolio) và chiếc hộp Rolodex đựng danh thiếp của mình. Tập hồ sơ gồm những bức tranh của bà thể hiện trình độ kỹ thuật và phạm vi công việc. Hộp danh thiếp Rolodex của bà chính là một công cụ cần thiết cho việc tổ chức một “cuộc họp lớn ở London”, mà có thể dẫn đến việc một biên tập viên phê duyệt cho bà (hay không), là chiếc chìa khóa cho kế sinh nhai của Diann. Ngay cả khi có một người “đồng ý” thì nó cũng chỉ là sự bắt đầu cho một chuỗi ngày vô tận của việc gửi-đi-gửi-lại với những thay đổi được yêu cầu cho tác phẩm của bà, mà không phải lúc nào cũng được đi kèm những lời giải thích hợp logic.
Đây là cả hai thế giới mà trong đó không có quá vài chục người là thực sự quan trọng; và để thành công, bạn cần phải biết phát triển kiến thức nội bộ trong một quá trình đầy rối rắm. Kỹ năng quan trọng ở đây là phải cẩn thận nuôi dưỡng mối quan hệ (và cẩn thận để không bao giờ chọc giận) những nhân vật quyền lực và những “người tạo nên thị hiếu”. Thư giới thiệu là vô cùng quan trọng. Bạn cần phải “dành trọn thời gian cho công việc” để phát triển dần dần trên con đường của bạn; bạn cần phải đi học đúng trường. Và một khi bạn đã bước vào được hệ thống này, bạn đã có mọi động lực để cố gắng đẩy những người khác ra khỏi đó.
Thứ đang dần nổi bật lên, dù ở quy mô hoành tráng (như dự án Star Citizen) hay trên một quy mô nhỏ (như ai đó quyên tiền để phẫu thuật thay đầu gối của mình), chính là một tập hợp những kỹ năng mới để kêu gọi tài trợ. Dưới đây là tổng quan về tập hợp kỹ năng này:
Tất nhiên, các kỹ năng kêu gọi tài trợ theo kiểu quyền lực cũ và các mối quan hệ vẫn mang lại cho bạn một lợi thế to lớn nhất định – chỉ cần thử là một người phụ nữ hoặc người da màu, hoặc một người không thuộc nhóm các trường đại học danh tiếng Ivy League, cố gắng để gây quỹ ở Silicon Valley, bạn sẽ cảm nhận được điều đó. Nhưng khi đã nắm vững, những kỹ năng mới này có thể đưa bạn đến các con đường xung quanh các hệ thống bảo trợ đóng kín đã đề cập ở trên. Và càng ngày những người làm chủ những kỹ năng đó càng thành công trong việc giúp cho bộ phim của họ được thực hiện, mở rộng quy mô doanh nghiệp, và tích lũy giá trị kinh tế. Hoặc thậm chí, như chúng ta sẽ thấy trong câu chuyện tiếp theo, đó là câu chuyện bán bia.
KỸ NĂNG KÊU GỌI TÀI TRỢ CỦA QUYỀN LỰC MỚI TRONG THỰC TẾ: NHỮNG CÂU CHUYỆN SAY XỈN NHẢM NHÍ CỦA BREWDOG
BrewDog là một công ty khởi nghiệp ở Scotland đã cách mạng hóa ngành của mình – và phát triển một cách lớn mạnh – thông qua các thử nghiệm táo bạo và có hiểu biết về cách thức thu hút vốn đầu tư, thu hút cộng đồng, và nấu bia.
Công ty được bắt đầu bởi hai chàng trai hai mươi bốn tuổi, James Watt và Martin Dickie, với một khoản vay ngân hàng 20 nghìn bảng Anh khiêm tốn trong năm 2007. Sự đột phá lớn của họ đến sau đó một năm, khi cặp đôi tham gia một cuộc thi bịt mắt nếm thử bia do chuỗi siêu thị Tesco lớn nhất của Anh tổ chức, và những loại bia của họ đã lần lượt giành giải nhất, giải nhì, giải ba và giải tư. Một kết quả không tệ chút nào. Giải thưởng này đã được tiếp cận bởi hàng triệu người tiêu dùng ở Anh.
Watt và Dickie là hai anh chàng đến từ Scotland đam mê bia (thường được gọi là Scotsmen) với một vấn đề nghiêm trọng với chính quyền (cũng thường được gọi là Scotsmen), một điều gì đó mà họ đã thể hiện trên mọi khía cạnh thương hiệu của mình. Tạp chí The Guardian đã kể lại một số vụ chơi khăm của BrewDog như sau:
“Bên cạnh những trò hề khác, họ đã lái một chiếc xe tăng xuống đường Camden; đặt tên cho một loại bia theo tên của loại cocktail hỗn hợp gồm heroin và cocaine đã giết chết River Phoenix và John Belushi; chiếu hình ảnh khỏa thân của hai người sáng lập lên Tòa nhà Quốc hội; ủ bia ở đáy Đại Tây Dương; thả những con mèo nhồi bông từ một chiếc trực thăng xuống thành phố London; thuê một người lùn để kiến nghị Quốc hội cho sự ra đời của cốc uống bia 2/3 pint; và trong đám cưới Hoàng gia vào năm 2011, họ đã cho ra mắt một loại bia có chứa thứ mà họ gọi là chất kích thích tình dục tự nhiên như ‘thảo dược Viagra’, sôcôla và cỏ sừng dê, và gọi nó là Royal Virility Performance (Thể hiện sức mạnh đàn ông của Hoàng gia).”
Watt và Dickie đã kết hợp kỹ năng marketing độc đáo và kỹ năng kể chuyện của họ cùng nỗi ám ảnh với việc phải làm ra loại bia tốt nhất, đích thực nhất và mạnh nhất trên thị trường – họ nghiêm túc trong vấn đề này đến mức sở hữu cả một đội ngũ các nhà vi sinh học trình độ tiến sĩ đến làm việc tại nhà máy của mình ở Scotland. Họ đã có được những người theo dõi trung thành, cho đến tận sau này (ngay cả khi nhiều người gièm pha chê bai họ như là những kẻ lập dị không thể chấp nhận được). Giờ đây họ đã sở hữu hơn 40 quán bar trên khắp thế giới, từ Manchester đến São Paulo, và sản phẩm của BrewDog được bán rất chạy. Đó là nhà sản xuất thực phẩm và đồ uống phát triển nhanh nhất ở Anh.
BrewDog, phù hợp với bản chất và câu chuyện chống lại hệ thống quyền lực của mình, đã đi theo một con đường hoàn toàn khác biệt để hỗ trợ sự phát triển ban đầu của nó. Nó đã chọn hướng tới quần chúng (say xỉn) nhiều hơn là nhận được sự kính trọng từ tòa án. Thay vì dựa vào các khoản vay ngân hàng hoặc vốn đầu tư mạo hiểm, nó đã quyên tiền – hàng chục triệu đô-la – từ những người tiêu dùng của chính mình, và quá trình này đã giúp nó trở thành người tiên phong đầu tiên về vốn cổ phần, với 24.000 người tiêu dùng trở thành “người đồng sở hữu” (1.329 nhà đầu tư đầu tiên trong số đó đã kết thúc với mức lợi nhuận 2.800%, sau đó trong chính câu chuyện của mình, BrewDog đã bán đi một lượng lớn cổ phần cho một nhóm các quỹ đầu tư).
Như James Watt mô tả, với sự phách lối đặc trưng nhưng không phải không hợp lý: “Các xiềng xích về mặt tinh thần đã kéo các British SME [các công ty nhỏ và vừa của nước Anh] xuống cùng với những phương pháp huy động vốn cứng nhắc và thiếu tính sáng tạo. Chúng tôi đã mở ra một thế giới mới đầy thách thức”. Đợt huy động vốn cổ phần từ cộng đồng lần thứ tư của BrewDog đã kết thúc vào năm 2016 và đã phá vỡ kỷ lục 19 triệu bảng Anh từ hàng chục nghìn nhà đầu tư bình thường, hoặc như BrewDog đã tự hào gọi họ là “Equity Punks”.
Để có được thành tích này, Watt và Dickie phải nắm vững các kỹ năng xây dựng cộng đồng. Là một Equity Punk, bạn sẽ nhận được lời mời đến tham dự cuộc họp cổ đông thú vị nhất thế giới (một đề nghị mà 6.000 nhà đầu tư BrewDog đã nhận lời vào năm 2015), đó là một bữa tiệc lớn với các ban nhạc nổi tiếng và được uống bia bất tận. Bạn cũng được giảm giá trên chính sản phẩm của họ. Trên nền tảng cộng đồng trực tuyến cho các nhà đầu tư, những Equity Punk có thể kết nối với nhau, nói chuyện về việc làm bia thủ công và cuộc sống, và cũng có thể đưa ra ý kiến của họ về cách thức hoạt động của công ty. Mối liên kết được tạo ra cũng mạnh mẽ như loại bia mà họ ủ vậy. Một lần nữa, chúng ta lại được thấy cách thức hoạt động của phần thưởng cho sự tham gia.
Các Equity Punk cũng có thể tham gia sự kiện Beatnik Brewing Collective, một nền tảng sáng tạo bia “hoàn toàn được kiểm soát bởi các nhà đầu tư Equity Punk của chúng tôi. Bạn có cơ hội bỏ phiếu cho những gì mà chúng tôi pha chế để quyết định loạt sản phẩm bia hỗn hợp tiếp theo của chúng tôi. Sau đó, bạn sẽ được mời tham gia với chúng tôi tại nhà máy bia trong ngày hội cổ đông thường niên, để ủ loại bia mà chính bạn đã tạo ra”. Cổ đông có thể chọn tất cả mọi thứ từ mức “hoa bia và độ cay nồng” cho đến nhãn dán và tên gọi của bia.
Điều thú vị trong câu chuyện của BrewDog – và cuộc thử nghiệm thực tế các kỹ năng kêu gọi tài trợ theo quyền lực mới – chính là cách mà nó điều hướng động lực cộng đồng của mình ngay từ khi nó mới nổi dậy cho đến lúc trở thành một tay chơi chính thống. Với tất cả những năng lực của mình cùng các kỹ năng quyền lực mới, những người sáng lập đã có một lối hành động quyền lực cũ khi bán 23% cổ phần với số tiền 265 triệu đô-la cho một nhóm các quỹ đầu tư, được định giá 1,2 tỷ đô-la. Mặc dù James Watt tuyên bố: “Chúng tôi sẽ không để thỏa thuận này đi vào đầu chúng tôi, nhưng Martin đã tự chui đầu vào rọ”, song thỏa thuận ấy đã làm bùng phát một loạt câu hỏi về tình trạng hỗn loạn – làm thế nào để có thể dễ dàng “sống chung” với vốn cổ phần tư nhân. BrewDog bây giờ cần phải học cách pha trộn quyền lực, để có được những điều tốt nhất từ cả quyền lực mới và cũ để giữ cho cộng đồng và những nhà đầu tư của mình cùng thỏa mãn (điều này sẽ được đề cập tiếp trong chương 10).
NỀN KINH TẾ THÁCH THỨC MỚI: NHỮNG BÀI HỌC LỚN CHO VIỆC KÊU GỌI TÀI TRỢ CỦA QUYỀN LỰC MỚI
Bài học #1: Nhiều “ông chủ” không có nghĩa là quản trị sẽ tốt hơn
Đầu năm 2015, Chris Roberts đã biến mất khỏi chân trời của Star Citizen và ẩn mình trong vòng 66 ngày tại một studio phim ở London cùng với Luke Skywalker và Đặc vụ Dana Scully của bộ phim X-Files. Một số công dân bắt đầu tự hỏi liệu ông ta có còn tương tác hay đã hoàn toàn mất liên lạc với cộng đồng mà chính ông đã khởi xướng. “Chủ tịch” Roberts đã bước vào một tầng bình lưu khác.
Thành công trong việc gây quỹ cho trò chơi đã cho phép tham vọng của Roberts phát triển đến mức mà giờ đây ông còn định sẽ quay chuỗi phim chuyển thể live-action (hành động thực tế) cho Squadron 42 – một trò chơi nhỏ trong trò chơi vũ trụ Star Citizen – với các diễn viên thực thụ. Mark Hamill và Gillian Anderson đã được chọn làm diễn viên chính. Để có được chất lượng tốt, RSI đã ký hợp đồng cho Gary Oldman đóng vai Đô đốc Giám mục.
Sự vắng mặt của Roberts tình cờ trùng hợp với tin tức rằng Star Marine, một mô-đun game bắn súng đầu tiên được lên lịch phát hành vào tháng 6 năm 2015, đã bị trì hoãn vô thời hạn. Sự biến mất, và sự chậm trễ, làm dấy lên những lo ngại đang ngày càng tăng về sức khỏe của vũ trụ.
Rồi Derek Smart xuất hiện. Smart là một nhà phát triển game kỳ cựu, với tư cách là người đóng góp cho Star Citizen, đã tự xem mình là một trong số “922.034 ông chủ” của Roberts. Với Roberts, bây giờ là thời điểm AWOL (Absent WithOut Leave – vắng mặt không có phép), Smart công khai yêu cầu một đợt kiểm toán RSI, xem xét các báo cáo chi phí của nó, và xác định một thời gian chính xác để ra mắt trò chơi. Ông cũng đặt câu hỏi về việc vợ và anh trai của Roberts đã tham gia vào công ty và được trả công như thế nào. Khi lời yêu cầu của ông lan truyền, một số người đã ủng hộ chiến dịch của ông và bắt đầu tự đặt câu hỏi của chính họ. Tuy nhiên, những người khác đã có một cái nhìn rất khác về sự khiêu khích của Smart. Họ bắt đầu gọi ông ta là “He who must not be named” (“Kẻ không thể gọi tên”, cụm từ được dùng trong bộ truyện Harry Potter để ám chỉ nhân vật phản diện Voldemort). Chiến dịch của Smart đã tạo ra một vài bài báo và gây được sự chú ý, nhưng chỉ bùng nổ khi RSI đổ thêm dầu vào lửa bằng cách quyết định hoàn trả lại tiền cho ông ta, tước bỏ “quyền công dân” của ông.
Có sự đồng thuận nhỏ đến mức đáng ngạc nhiên đằng sau thách thức của Smart đối với thẩm quyền của Roberts. Một số công dân đã chia sẻ phân tích của Smart, và muốn công ty phải minh bạch hơn về nơi mà số tiền khổng lồ được đóng góp đã được chi tiêu. Nhưng nhiều người khác không hề muốn mời thêm giám sát. Một cuộc thăm dò không chính thống nhưng được đăng tải trên các bảng tin đã hỏi những người tham gia rằng: “Bạn có muốn có một quy trình hoàn tiền công khai ngay bây giờ hay không, dựa vào tình hình đang diễn biến như gần đây?”, 74% công dân đã bỏ phiếu “KHÔNG”.
Một số công dân lo lắng rằng việc kiểm tra và số dư tăng lên chỉ là việc vặt của một kẻ ngốc. Hay một sự xao lãng từ nhiệm vụ ấp ủ của họ trong việc xây dựng một trò chơi mà họ yêu thích. Những ai muốn nghĩ xấu về RSI và trò chơi Star Citizen, các nhà bình luận đã viết, sẽ không bao giờ có thể thay đổi ý kiến của họ, bất kể bằng chứng nào được đưa ra. Như một công dân đã nhận xét: “Tôi không chắc bạn hiểu cách thức hoạt động của nó. Bạn có thể có ba [đợt kiểm toán] rõ ràng, nhưng mọi người vẫn sẽ không hài lòng”.
Roberts phải quay trở lại từ việc làm phim để trấn an đám đông và đặt dấu chấm hết cho mọi tranh luận về tính minh bạch và trách nhiệm giải trình. Khi trở về từ nước Anh, ông đã đăng một video dài 90 phút có tiêu đề 10 for the Chairman, trong đó ông giải quyết các mối quan tâm chính của cộng đồng và cập nhật nó trong chuyến đi thực địa của mình. Ông cũng đã viết một bức thư dài cho cộng đồng, thừa nhận những thách thức của RSI, và đưa ra những báo cáo thú vị về tiến trình của nó. Tất cả những nỗ lực của Roberts để thu hút cộng đồng và sự xác nhận của công dân đã dập tắt cuộc nổi loạn.
Nếu Star Citizen là một ví dụ tuyệt vời trong việc xây dựng cộng đồng, thì cuộc nổi loạn của Smart lại cho thấy đây cũng là một câu chuyện của một triệu người với vài quyền hạn ít ỏi và (tại thời điểm viết bài) cũng không có “vũ trụ bất tận” để tiến vào. Ngoài việc ngồi đó và hy vọng, hoặc gửi một dòng tweet thiếu kiên nhẫn, không có người hỗ trợ nào có thể làm được nhiều thứ về nó. Thực tế, có nhiều ông chủ không có nghĩa là sẽ quản trị nhiều hơn hoặc tốt hơn.
Như bài học mà Smart đã học được, rất khó để có thể huy động một khối lượng đáng kể các nhà đầu tư nhỏ đặt câu hỏi về một cam kết mà họ đặt rất nhiều hy vọng vào. Một âm mưu lạc quan rất khó để làm sáng tỏ. Như trang blog của game thủ Kotaku ghi lại: “Tận sâu thẳm trong lòng mọi người, ngay cả khi họ không phải là những người ủng hộ hoặc là người hâm mộ của không gian mô phỏng nói chung, đều muốn Star Citizen thành công. Bất kỳ thất bại nào, hoặc bị coi là thất bại, sẽ là một sự xúc phạm cực kỳ to lớn không chỉ chống lại sự nghiệp của hàng trăm người, của Chris Roberts, mà còn chống lại việc huy động vốn từ cộng đồng nói chung. Xét cho cùng, chúng ta đang nói về hàng trăm nghìn người ủng hộ cá nhân”.
Sự trớ trêu ở đây rất rõ ràng. Gần một triệu ông chủ này cuối cùng đã áp đặt việc giám sát ít hơn so với cấu trúc quyền lực cũ của một số ít các nhà tài chính quan trọng cùng rất nhiều rủi ro; có vẻ hợp lý hơn nếu cho rằng việc thiết lập thêm các nhà đầu tư truyền thống sẽ giúp thúc đẩy Roberts thật sự cung cấp ra sản phẩm, thay vì chỉ bán đi những lời hứa về việc trang trí buồng lái. Tương tự, đối với BrewDog, bạn có thể đặt cược rằng các giới chức quan liêu của quỹ đầu tư tại TSG Consumer Partners sẽ áp dụng một sự giám sát kỹ lưỡng hơn cho khoản đầu tư trị giá 265 triệu đô-la của họ so với mức độ giám sát của Equity Punks trên các cổ phần mức độ thấp của mình.
Mặt tối của việc kêu gọi nguồn tài trợ quyền lực mới là – bởi sự nhiệt tình của chúng ta để trở thành một phần của một điều gì đó – chúng ta thường không dành đủ thời gian để xem xét bản chất và các điều khoản của sự tham gia đó. Chúng ta nắm bắt được những gì chúng ta có thể nhận được, và không nắm bắt được những gì khiến chúng ta có thể bỏ cuộc.
Cho dù tốt hơn hay xấu đi, các nhà quản lý ở một số quốc gia cũng đã nhảy vào để bảo vệ những người ủng hộ từ các chiến dịch huy động vốn vô đạo đức từ cộng đồng: sẽ tốt hơn nếu họ bảo vệ chúng ta khỏi gian lận, nhưng có lẽ sẽ tệ hơn nếu họ đè bẹp sự mạo hiểm của rất nhiều các liên doanh được tài trợ (Kickstarter mô tả rủi ro vốn có trong các dự án của mình như là một “tính năng, chứ không phải một lỗi”).
Bài học #2: Lan truyền ≠ quan trọng
“Vào tháng 7 năm 2013, đứa con gái bốn tuổi Eliza của chúng tôi đã được chẩn đoán đang ở giai đoạn cuối của một căn bệnh di truyền hiếm gặp có tên là Sanfilippo Syndrome-Type A”, đó là những dòng mở đầu cho một chiến dịch GoFundMe. “Trong một khoảnh khắc đáng sợ, chúng tôi được bảo rằng chúng tôi sẽ phải nhìn con bé dần biến mất ngay trước mắt mình”.
Câu chuyện ảm đạm này đi kèm với một tia sáng hy vọng. Các nhà nghiên cứu tại bệnh viện Nationwide Children đã phát triển một liệu pháp trị liệu gien đột phá cho Hội chứng Sanfilippo, và chỉ cần 2 triệu đô-la là có thể chạy thử nghiệm lâm sàng.
Cha mẹ của Eliza, Glenn và Cara O’Neill, đặt mục tiêu 2 triệu đô-la cho chiến dịch của họ, cao hơn bất cứ thứ gì mà trước đây GoFundMe từng được sử dụng để gây quỹ. Tiến trình ban đầu diễn ra rất chậm: họ khó có thể vượt ra khỏi các mạng xã hội của chính mình. Trong một đêm tuyệt vọng, Glenn điên cuồng tìm kiếm trên Google một lời giải đáp cho vấn đề “cách tạo ra một video lan truyền” và tìm đến Benjamin Von Wong, một nhà quay phim trẻ.
Wong và các đồng nghiệp của mình đã từ bỏ tất cả mọi thứ và bay đến Columbia, South Carolina, để ở lại với gia đình O’Neill trong suốt 8 ngày. Họ cùng nhau tạo ra một đoạn video ngắn cảm động về Eliza qua giọng nói quẫn trí của bố mẹ cô bé. “Hy vọng là một từ đẹp, nhưng chúng ta cần phải hành động”, Cara nói, kêu gọi ý thức của chúng ta về sự cấp bách. Đó là một câu chuyện đầy cảm động phù hợp với chính chủ đề của mình – với cảnh quay chậm hình ảnh Eliza như là một đứa trẻ bình thường, xinh đẹp.
Video là bước đột phá mà gia đình O’Neill cần – nó thu hút sự chú ý của các hãng tin tức chính thống, đã thu hút 600.000 lượt xem trên YouTube và thúc đẩy lượng đóng góp ồ ạt. Vào cuối năm 2015, khi gia đình O’Neill gần đạt được mục tiêu 2 triệu đô-la không tưởng đầu tiên của họ, một doanh nhân giàu có ở Texas đã nhảy vào, quyên góp toàn bộ số tiền còn lại tính từ thời điểm đó. Vào tháng 5 năm 2016, Eliza là đứa trẻ đầu tiên trên thế giới được điều trị thử nghiệm với sự tài trợ bởi chiến dịch này.
Câu chuyện của Eliza chính là một câu chuyện gây quỹ thành công từ cộng đồng mà chúng ta có được. Một căn bệnh hiếm hoi quá nhỏ và hẹp để thu hút các nguồn tài trợ của các tổ chức tìm kiếm các nguồn lực từ sự hào phóng của hàng chục ngàn người đóng góp nhỏ, mỗi người đều đầu tư vào câu chuyện của Eliza. Tại sao lại không ăn mừng được kia chứ?
Tuy nhiên, trong khi những câu chuyện về những cá nhân thành công đã nâng đỡ trái tim của chúng ta, bức tranh nổi lên từ nhiều trường hợp kêu gọi tài trợ quyền lực mới lại phức tạp hơn. Tại Davos vào năm 2016, một hệ thống đầy đủ các sáng tạo thông thường đã cung cấp cái nhìn đầu tiên về một thứ dường như là một khả năng mới và thú vị: “Điều gì sẽ xảy ra nếu cơ sở hạ tầng công cộng được tài trợ bởi đám đông?”. Giáo sư luật tại Harvard Jonathan Zittrain đã chụp một bức ảnh về hệ thống ấy và thêm dòng chú thích: “Hãy theo cách một số người gọi nó là ‘thuế’”. Trong thế giới quyền lực cũ, ông đã nhắc nhở chúng ta rằng nhiều thứ đang bị phân tách và được tài trợ bởi cộng đồng đã từng được tập trung – chúng ta đã trả thuế và yêu cầu chính phủ đưa ra những quyết định hợp lý cân bằng các nhu cầu và ưu tiên khác nhau của xã hội. Thuế là sự đối lập của việc huy động vốn từ cộng đồng: chúng ta hầu như không có cơ quan nào quyết định cách chi tiêu tiền (trừ phiếu bầu vài năm một lần để chọn chính phủ đưa ra quyết định đó); chúng ta không nhận được “vòng lặp phản hồi” mang lại cho chúng ta ý thức từ thâm tâm, rằng mình đã làm được một điều hữu ích khi tham gia xây dựng một cái gì đó; chúng ta không được kết nối cá nhân với một câu chuyện hoặc một thử thách cá nhân nào đó. Không có gì đáng ngạc nhiên, không thể nào thỏa mãn một cách sâu sắc “trải nghiệm người dùng” của người nộp thuế, khi mọi người cảm thấy càng ngày càng hoài nghi và xa rời với chính phủ.
Nhưng hãy tưởng tượng xem, khi một thị trấn gây quỹ cho việc chi tiêu cơ sở hạ tầng của nó, thay vì chỉ dựa vào cơ chế tập trung chính phủ được tài trợ bởi người đóng thuế, rất có thể là các dự án cơ sở hạ tầng công cộng thú vị nhất với những câu chuyện hay nhất sẽ thu hút được nhiều sự chú ý nhất và cả những đồng đô-la nữa – chợ nông sản dưới lòng đất với năng lượng mặt trời gần như chắc chắn sẽ thành công hơn các dự án quan trọng nhưng không mấy hấp dẫn như làm mịn sỏi trên đường cao tốc của địa phương.
Các nhà môi trường học đã biết đến một thực tế có chút chán nản này trong nhiều năm qua. Khi các đội ngũ như Quỹ động vật hoang dã thế giới (WWF) quyên góp tiền từ cộng đồng, họ gần như hoàn toàn dựa vào những gì mà người trong ngành gọi là “những động vật to lớn quyến rũ”. “Hãy cứu những chú gấu trúc” sẽ luôn luôn đánh bại việc trình bày kế hoạch chiến lược để bảo tồn các khu vực miền núi ở miền Trung Trung Quốc, nơi gấu trúc sinh sống. Trong khi các mô hình huy động vốn từ cộng đồng thường phổ biến hơn ở các khu vực từng được xem là hàng hóa công (như giáo dục), thì cuộc tranh luận lại hướng về việc sản xuất bia. Liệu việc kêu gọi tài trợ từ cộng đồng cho những thứ như sách giáo khoa sẽ giúp đỡ cho trẻ em – hay sẽ thực sự làm tổn thương ngành giáo dục cộng đồng bằng cách rút nhiệt ra khỏi chính phủ? GoFundMe đã trở thành trang web huy động tiền tài trợ từ cộng đồng lớn nhất tại Mỹ bởi vì nó là cách thức để những người gặp khó khăn có thể quyên tiền cho việc chăm sóc sức khỏe cơ bản của riêng họ, dịch vụ mà các chính phủ ở nhiều quốc gia khác cung cấp.
Huy động vốn từ cộng đồng cũng có thể là một hành động để tăng cường đặc quyền. Eliza O’Neill đã có một người cha đủ hiểu biết để thực hiện một video có sức lan tỏa về cô con gái của mình; và một người mẹ, là một bác sĩ nhi khoa, có những kỹ năng và bí quyết để điều hướng hệ thống chăm sóc sức khỏe. Đối với mỗi câu chuyện “ngoài cuộc” có thật trong cái thế giới mới và rời rạc này, chúng ta thường thấy những người có sẵn quyền lực chính là những người có khả năng nhất trong việc khơi dậy sự ủng hộ từ cộng đồng. Mặc dù không có các chất vấn về việc huy động vốn từ cộng đồng – đã mở rộng quyền tiếp cận cho mọi người để thực hiện các sáng kiến của riêng họ và đưa chúng ra thị trường – nhưng hiện tại vẫn đang thiếu một cơ chế để đảm bảo rằng các lợi ích của nó được chia đều hoặc phân bổ một cách hiệu quả.
CUỘC SỐNG NĂM 2946: TƯƠNG LAI CỦA VIỆC GÂY QUỸ
Đối với Nehkara, một người hâm mộ cuồng nhiệt, việc tham gia vào Reddit đã làm sâu sắc thêm mối quan hệ của anh với Star Citizen. Là một đại sứ và nhà tuyển dụng tự phong của Star Citizen, anh đã viết những bài viết dài đăng tải trên Reddit để giúp “mọi người hiểu được trò chơi”. Thông qua các bài đăng này, anh gặp gỡ và hợp tác với một công dân khác. Họ quyết định thành lập một công ty truyền thông.
Ba ngày sau, họ tung ra mạng lưới Imperial News Network với sứ mệnh “đưa vũ trụ vào cuộc sống”, chịu trách nhiệm cho tất cả các tin tức và những cuộc thảo luận liên quan đến Star Citizen. Nó đã trở thành một đầu mối phổ biến cho các công dân khác và đôi khi các thành viên trong nhóm RSI cũng được mời tham dự với tư cách khách mời.
Mặc dù bản thân trò chơi đã bị trì hoãn rất lâu rồi, nhưng những người hâm mộ như Nehkara đã tham gia một cách tích cực vào sự phát triển của nó. Anh nói với chúng tôi về “vũ trụ thử nghiệm công cộng” của RSI, nơi mà “mỗi ngày, những người ủng hộ đang giúp họ thử nghiệm trò chơi, tinh chỉnh nó, sửa lỗi và tìm lỗi, thực tế là, ngày càng thường xuyên hơn... Đó là một nỗ lực mang tính hợp tác cao để xây dựng trò chơi, và đó là cảm giác mà bạn nhận được. Đây cũng là dự án của tôi, bạn hiểu chứ?”.
Nehkara cảm nhận được vai trò của mình trong Star Citizen khi đóng góp một phần nhỏ cho một dự án hoành tráng: “Bạn sẽ xây dựng một thứ chưa bao giờ được xây dựng trước đây. Chưa có ai từng nghĩ đến việc xây dựng một cái gì đó tương tự trước đây, nhưng bạn phải đặt ba viên gạch vào bức tường đó. Lý do duy nhất mà nó tồn tại là vì bạn đã đóng góp. Đó chính là cảm giác mà bạn nhận được”.
Nehkara đã thêm nhiều hơn là ba viên gạch. Anh đã chi khoảng 2.075 đô-la. Anh sở hữu său con tàu vũ trụ, đã rủ thêm ít nhất mười người bạn nữa vào trò chơi này, và đã mua cả áo phông và áo hoodie. Anh đặc biệt thích đem tặng những con tàu vũ trụ như những món quà cho những người chơi khác và rủ thêm người mới vào cộng đồng này. Anh tính toán chi tiêu của mình cho Star Citizen vào khoảng 35 đô-la mỗi tháng, ít hơn 85 đô-la so với số tiền mỗi tháng mà anh chi tiêu trên chiếc điện thoại của mình.
Vào thời điểm viết cuốn sách này, đã hơn bốn năm trôi qua kể từ khi việc huy động vốn từ cộng đồng được bắt đầu, và với hơn 150 triệu đô-la được huy động, vũ trụ vĩ đại mà Star Citizen hứa hẹn vẫn đang được xây dựng.
Roberts tiếp tục tập hợp cộng đồng của mình, giữ cho giấc mơ của họ vẫn tồn tại: “Mỗi ngày, chúng ta đều bước đến gần hơn với ước mơ chung của chúng ta về một vũ trụ khoa học viễn tưởng thật sự, sống động, nơi chúng ta có thể nhập vai hơn bao giờ hết”.
Nhiều người sẽ thấy câu chuyện này cứ như một vụ lừa đảo, và cũng có thể chứng minh được điều đó. Nhưng cũng có một cách suy nghĩ khác về Star Citizen. Những người hâm mộ như Nehkara đã thấy được những phúc lợi thực sự từ khoản đầu tư của họ, lợi nhuận mà họ nhận được là các mối quan hệ cộng đồng, những cơ hội để đóng góp và tưởng tượng.
Đây có thể là sự trớ trêu lớn nhất. Vũ trụ ban đầu mà người hâm mộ mua từ RSI – mà có thể là chẳng bao giờ được hoàn thành – có lẽ sẽ không bao giờ được nhập vai, phong phú hay năng động như vũ trụ mà họ đã tạo ra cùng nhau.