“27 phút tiếp theo là một thử nghiệm…”
Invisible Children cảm thấy thất vọng. Nó đã tạo dựng được danh tiếng bằng các hoạt động sáng tạo. Nó đã được yêu mến bởi một đội quân những người trẻ tuổi. Nhưng đối với các nhà sáng lập trẻ của nó, nhiệm vụ sẽ không được hoàn thành cho đến khi Joseph Kony được đưa ra trước công lý.
Vì vậy, phần nào trong sự tuyệt vọng, họ đã quyết định đi theo một hướng rất mới.
Những gì họ cần là một sự bùng nổ lớn về mặt danh tiếng và được công chúng biết đến. Họ cần làm cho tên của Kony phải có mặt ở khắp mọi nơi. Những người sáng lập tin rằng, điều này cuối cùng cũng sẽ có thể giúp hoàn thành câu chuyện mà họ đã bắt đầu từ gần một thập kỷ trước. Các hoạt động ở khuôn viên và trường học dù chi phí cao nhưng lại tương đối mang tính chất cục bộ và vì vậy thông điệp của họ không được lan tỏa đủ rộng.
Họ quyết định dành mọi nỗ lực và nguồn lực của mình vào một bộ phim mới mà họ sẽ phân phối theo một cách hoàn toàn khác biệt. Thay vì áp dụng mô hình “thử nghiệm và kiểm định” của Roadie để khởi động nó, với mỗi nhà tổ chức địa phương tạo ra các sự kiện xung quanh nội dung đó để giới thiệu nó đến với cộng đồng của họ, họ sẽ phát hành bộ phim này trực tiếp ra thị trường. Mục tiêu của họ là tạo ra một cảm xúc lan truyền. Họ đặt tên cho bộ phim này là Kony 2012.
Họ đã thành công vượt lên trên cả những giấc mơ hoang đường nhất của mình. Trong vòng một tuần kể từ khi ra mắt, vào ngày 5 tháng 3, đã có 100 triệu người xem video đó (bất chấp độ dài gần 30 phút của nó, quá dài so với mong đợi thông thường của mọi người khi xem một video trên điện thoại hoặc trên máy tính xách tay). Nó được công nhận là “video lan truyền mạnh nhất trong lịch sử”. Các khảo sát cho thấy hơn một nửa số thanh niên Mỹ đã từng nghe nói về nó.
Kony 2012 đầy tham vọng, truyền cảm hứng và ấn tượng, đánh trúng mọi cung bậc cảm xúc của người xem. Nó được thuật lại bởi nhà lãnh đạo của Invisible Children, Jason Russell, người đã đặt rất nhiều dấu ấn riêng của mình trong bộ phim, thậm chí là hướng ống kính máy quay về phía đứa con trai rất dễ thương của mình, cậu bé đã tham gia cùng anh ấy với lời hứa sẽ “Stop Kony” (Ngăn chặn Kony). Giá trị của tác phẩm rất tuyệt vời; cách kể chuyện của bộ phim tương xứng với những năm tháng được đào tạo tại trường điện ảnh của Russell.
Vào thời điểm đó, lời kêu gọi hành động kèm theo video là một điều thông minh và là một sự đổi mới thực sự. Những người sáng lập đã thiết lập nên một trang web giúp cho việc tweet tại “hai mươi nhà sản xuất văn hóa và mười hai nhà hoạch định chính sách sử dụng quyền lực của họ cho những điều tốt đẹp” trở nên dễ dàng hơn. Họ yêu cầu công chúng kêu gọi những người như Mark Zuckerberg, Justin Bieber, Bill O’Reilly và Oprah giúp “làm cho Kony nổi tiếng”.
Video được nhân rộng và thúc đẩy bởi cộng đồng Invisible Children hiện hữu, và đặc biệt lượng người hâm mộ nhiệt thành bao gồm chủ yếu là thanh thiếu niên và phụ nữ. Công việc khó khăn của nó trong suốt tám năm qua dường như đã được đền đáp; khi nó gặp phải khó khăn, các fan đã đứng lên để thúc đẩy phong trào. Như Gilad Lotan của SocialFlow đã ghi lại, “Phong trào này đã không xuất hiện từ các thành phố lớn, mà là các thành phố có quy mô vừa và nhỏ trên khắp nước Mỹ”. Nhưng từ đó, cơ sở của “những người kết nối được kết nối” đã được chú ý bởi vô số người nổi tiếng. Chỉ vài giờ sau sự bùng nổ của mình, những người như Oprah đã trả lời lại (với một chút đề phòng): “Cảm ơn cộng đồng tweep vì đã gửi cho tôi thông tin về việc chấm dứt #LRAviolence (#LRABạolực). Tôi đã nhận thức được điều này. Đã ủng hộ bằng những đồng đô-la của mình và tiếng nói sẽ không dừng lại. #KONY2012”. Sau đó, các phương tiện truyền thông lớn đã nhảy vào và bắt đầu thu hút thêm sự chú ý, tiếp tục lan truyền thông điệp của bộ phim. Không ai khác ngoài chính Bono đã tuyên bố rằng Jason Russell rất xứng đáng đạt được giải Oscar. Cái tên Kony đã có mặt ở khắp mọi nơi.
Nhưng không lâu sau đó, có gì đó đã đi chệch hướng. Trang web của Invisible Children đã bị dừng hoạt động dưới áp lực lớn. Jason Russell cũng như thế. Trong vòng vài ngày sau khi phát hành bộ phim, anh ấy đã bị rối loạn tâm thần, khiến cho anh ấy đi lại khỏa thân trên những con đường gần nhà mình, tất nhiên – được quay lại bằng điện thoại của ai đó. Nó đã lan truyền như vi rút.
Những sự cố này gây nên một phản ứng rất dữ dội. Một nhóm người trên Internet đã tận hưởng niềm vui tàn nhẫn và mãn nhãn về cuộc khủng hoảng sức khỏe tinh thần của Russell. Và những lời khen ngợi ban đầu của những người như Bono đã bị át đi bởi vô số các nhà phê bình và những người hoài nghi hiện đang quay lưng lại với Invisible Children. Chúng nhiều đến mức mà các phương tiện truyền thông lớn đã phải bắt đầu lập lên những trang blog đơn giản chỉ để ghi nhận lại tất cả những mối quan tâm khác nhau vẫn đang chồng chất.
Invisible Children bị cáo buộc là “anh hùng bàn phím”, một hội chứng “vị cứu tinh da trắng”, một giao dịch không đáng tin cậy, bí mật truyền giáo, thực dân, gia trưởng, và là một tấm bình phong cho hoạt động của CIA. Các nhà lãnh đạo của nó đã bị công kích vì đã ngây thơ một cách nguy hiểm, ngu ngốc, liều lĩnh, và đòi hỏi tài trợ nhiều đến mức không thể chấp nhận được. Những nhà phát ngôn có sức ảnh hưởng của châu Phi chỉ trích công việc của họ như là một sai lầm: theo đuổi sai vấn đề và sai thời điểm. Các tổ chức phi chính phủ (NGO) lâu năm làm việc trong không gian ấy, một số cảm thấy vai trò của họ bị đe dọa hoặc bị chiếm đoạt, đã bắt đầu cân nhắc lại. Những người nổi tiếng đầu tiên ủng hộ giờ đây lại chuyển sang những thứ khác. Một sinh viên đại học đã mở một tài khoản Tumblr rất phổ biến, Visible Children, để làm rất nhiều thứ nhằm hình thành nên sự phản đối thuyết phục, đặt câu hỏi về vấn đề tài chính của Invisible Children và chiến lược của họ.
Bị đẩy lùi như thế, nhóm Invisible Children đã cố gắng một cách tuyệt vọng để kể lại câu chuyện của mình. Nhưng trang web của họ đã ngừng hoạt động, lãnh đạo của họ thì đang ở trong bệnh viện, và thực tập sinh PR (quan hệ công chúng) 19 tuổi của họ, Monica, không hề có hy vọng nào để có thể phân loại hợp lý 4.000 yêu cầu qua email từ báo giới. Sau tất cả những năm tháng nỗ lực của mình, họ chỉ được nhìn thấy qua hai bộ lọc hạn hẹp: sự đơn giản đáng lo ngại trong bộ phim của họ và chứng rối loạn tâm lý của người sáng lập.
Kony 2012, cũng giống như những bộ phim trước đó của họ, được thiết kế như một khúc dạo đầu cho một sự kiện sắp tới, “Cover the Night”, nơi mà những người trẻ tuổi sẽ dành cả đêm để bao phủ thành phố bởi những tấm poster có hình Kony. Sau đó, theo lý thuyết, thế giới sẽ thức dậy và nhìn thấy chúng. Nhưng nó đã thất bại một cách thảm hại. Số lượng người đã đăng ký cho sự kiện ở Vancouver là 24.000 người; chỉ có 17 người xuất hiện. Sự kiện ở Brisbane chỉ có 50 người tham dự.
Thay vì đưa Invisible Children lên cấp độ tiếp theo, Kony 2012 đã giáng cho nó một đòn chí mạng. Mặc dù các thành viên nòng cốt của nhóm vẫn tiếp tục chiến đấu, và thậm chí còn ghi nhận được một số thành công trong chính sách, nhưng vẫn có những vết thương không thể khắc phục được. Chỉ trong vòng hai năm rưỡi từ khi bộ phim được ra mắt, Invisible Children đã thông báo rằng các hoạt động tại Mỹ sẽ bị thu hẹp đáng kể, dù bị tổn thương bởi tất cả những bài báo phê bình và sự tiêu cực, nhưng trên thực tế nó phải cam chịu số phận thất bại bởi vì “mô hình cốt lõi trong việc tổ chức hàng ngàn buổi chiếu phim tại các trường trung học và các trường đại học đã bị cạn kiệt” của chính mình.
Sai lầm nghiêm trọng của Invisible Children chính là họ đã thực hiện những gì mà Robert Redford đã từ chối những người sáng lập ngay từ lúc bắt đầu. Cuối cùng thì họ cũng đã phát hành một bộ phim bom tấn.
Điều gì đã tạo nên sai lầm của Invisible Children
Phiên bản tiền-Kony 2012 của Invisible Children giới thiệu một mô hình tam giác được sắp xếp đẹp mắt gồm: người sở hữu nền tảng; lực lượng siêu tham gia, các Roadie và những nhà tổ chức; và những người tham gia, hàng triệu người đã tham dự các sự kiện của họ và đã tweet, quan sát, hỗ trợ và chia sẻ công việc của họ. Các bộ phim của họ chỉ là một phần trong một trải nghiệm cộng đồng phong phú hơn, một câu chuyện tuyệt vời mà thông qua việc chia sẻ ngang hàng (peer to peer) sẽ giống như một bản anh hùng ca, sẽ càng oai hùng hơn sau mỗi lần được kể.
Kony 2012 đã bỏ qua mô hình đó. Và một khi Invisible Children di chuyển ra khỏi vùng tam giác an toàn của mình, nó đánh mất quyền kiểm soát trên cả mô hình lẫn thông điệp. Nếu chúng ta phác họa những vùng lân cận hậu-Kony, chúng ta có thể thấy tam giác được bao quanh bởi một vòng tròn gồm các bên liên quan mà nó đã thất bại trong việc nuôi dưỡng các mối quan hệ và/hoặc đã nhanh chóng rơi vào xung đột.
Cộng đồng gắn bó với Invisible Children đã luôn xem những người sáng lập của nó như là những người nổi tiếng đáng yêu, cống hiến vì những vấn đề nhân đạo, nhưng thế giới rộng lớn bên ngoài kia lại không có sự kết nối nào như vậy. Như Zach Barrows nhớ lại: “Khi Kony 2012 được chú ý, đột nhiên hàng triệu người biết đến chúng tôi là ai, và một khi trải nghiệm của họ với chúng tôi chỉ là về bộ phim và họ không hiểu gì về những người hoặc tổ chức đằng sau nó, thì yếu tố trung thành đó chắc chắn đã không còn nữa”.
Thành công lớn của Kony 2012 đã kích thích sự quan tâm – và có lẽ là ghen tị – của một loạt các bên liên quan khác bên ngoài, tất cả đều bắt đầu xáo trộn. Cân bằng với những gì mà cộng đồng Invisible Children đã đạt được, nó cũng đã khá tách biệt với những người có sức ảnh hưởng quan trọng, như là các học giả và các blogger đang hoạt động ở lĩnh vực này.
Nó đã không nhận được sự chú ý từ các phương tiện truyền thông lớn.
Bộ phim cũng chuyển dịch sự tập trung ra xa khỏi cộng đồng và chú ý vào Jason Russell, một nhân vật lãnh đạo có sức lôi cuốn. Như một chiến lược, anh ta khao khát kết nối trực tiếp với những người như Bono và Buffett, tranh thủ nền tảng của mình để giúp anh ta làm được điều đó. Nhưng trong khi mô hình cũ của Invisible Children khiến hàng ngàn người cảm thấy mình là những người lãnh đạo, thì cách tiếp cận mới này đã khiến mọi thứ chỉ xoay quanh mỗi Jason. Do đó, thất bại của cá nhân anh ta cũng chính là thất bại của tổ chức. (Để đưa ra một ví dụ khác về điều này, hãy nghĩ đến Lance Armstrong và tổ chức từ thiện ung thư của anh, Livestrong.) Lực lượng siêu tham gia, những người đã dốc rất nhiều tâm huyết vào hoạt động của Invisible Children, đã bị bỏ lại với cảm giác mâu thuẫn và bị tước đoạt mọi quyền lực. Họ không có vai trò rõ rệt gì trong tác phẩm này.
VÒNG LUẨN QUẨN CỦA UBER
Câu chuyện Kony 2012 đã cho ta thấy một minh họa đầy ấn tượng về cách thức mà vòng tròn của những người tham gia xung quanh một cộng đồng quyền lực mới có thể tác động đến số phận của nó như thế nào.
Chúng ta cũng có thể thấy những thách thức tương tự diễn ra trên quy mô lớn hơn nhiều trong một số mô hình quyền lực mới nổi tiếng. Trong chương trước, chúng ta đã thấy hình tam giác của Uber đã hoạt động thiếu hiệu quả như thế nào. Trong năm 2017, khi những căng thẳng bắt đầu nổi lên quanh vòng tròn rộng hơn của nó, họ phải trả giá bằng sự từ chức của người sáng lập kiêm giám đốc điều hành Travis Kalanick.
Trong những năm gần đây, Uber gần như có vẻ hứng thú khi chọn chiến đấu với những người khác trong vòng tròn của chính mình. Trong năm 2014, Travis Kalanick giải thích về thế giới quan của Uber như sau: “Chúng tôi đang trong một chiến dịch chính trị, ứng cử viên là Uber và đối thủ là một thằng khốn tên là Taxi” (Nói một cách công bằng, với thương hiệu cá nhân của Kalanick, Taxi có thể cũng đang đánh giá đối thủ của mình bằng những từ ngữ tương tự). Ban đầu, Uber có thể dựa vào sự ủng hộ và năng lượng từ những tài xế của mình. Nhưng, theo quan sát của Sarah Kessler từ tạp chí Fast Company, các tài xế taxi và tài xế Uber bắt đầu nhận ra lợi ích chung của họ trong cuộc đấu tranh để nhận được mức lương và những điều kiện làm việc tốt hơn. Việc cắt giảm giá cước đột ngột của Uber trong năm 2016 đã khiến cho các tài xế taxi và tài xế Uber ở Mỹ phải tổ chức các cuộc biểu tình chung để tránh một “cuộc đua đến đáy”. Kessler trích dẫn lại lời của Abe Husein, một cựu tài xế Uber đã dẫn đầu cuộc đình công ở thành phố Kansas và những nơi khác: “Khi tôi mới bắt đầu lái xe, những tài xế taxi thì ghét những người lái xe Uber, và tài xế Uber thì ghét người lái taxi... Bây giờ tất cả mọi người đều ghét Uber. Thời đại đã thay đổi rồi”.
Chiến lược quan hệ với chính phủ với phương châm “di chuyển nhanh và phá vỡ mọi thứ” (move fast and break shit) của Uber và sự nổi tiếng ngày càng tăng cũng biến nó trở thành mục tiêu phổ biến cho các nhà quản lý. Trong năm 2016, nó đã phải chống lại hơn 70 vụ kiện liên bang tại Mỹ, và đã giải quyết xong 60 vụ khác. Vào năm 2017 tại London, Uber gửi đơn xin gia hạn giấy phép hoạt động nhưng đã bị từ chối.
Những căng thẳng đằng sau phong trào #deleteuber (xóa bỏ ứng dụng Uber) khởi phát vào đầu năm 2017. Phong trào này bắt đầu khi Uber bị buộc tội cố gắng kiếm lời từ các chuyến xe đi từ sân bay JFK trong trận chiến xung quanh một cuộc biểu tình chống lại lệnh cấm của Tổng thống Trump đối với những người nhập cư Hồi giáo và những người tị nạn. Điều này được củng cố bởi tin tức rằng Travis Kalanick đang hướng đến Nhà Trắng để trở thành một phần của Hội đồng Tư vấn Kinh tế cho Trump. Chiến dịch ngày càng lan truyền dữ dội, một phần vì mọi người đã khinh miệt và không còn tin tưởng Uber nữa. Không chỉ Kalanick bị ép buộc phải từ chức khỏi hội đồng, mà hơn 200.000 người dùng đã xóa bỏ ứng dụng Uber của họ. Vài tuần sau, một loạt các phong trào xóa bỏ ứng dụng khác lại diễn ra sau khi một cựu nhân viên của công ty Uber, Susan Fowler, phơi bày vấn nạn quấy rối tình dục trong công ty trên trang blog của mình. Uber đã phải xuống nước và gửi tin nhắn cho những người dùng đang cố gắng xóa bỏ ứng dụng, cầu xin họ và nói rằng điều đó sẽ “gây tổn thương sâu sắc”. Các phương tiện truyền thông đã tận dụng cơ hội đó để viết nên những câu chuyện, thêm vào nhiều hơn những tình tiết xung đột nội bộ cùng với việc rò rỉ một đoạn video của Kalanick đang tranh cãi với một trong những tài xế của mình. Kara Swisher và trang blog công nghệ nổi tiếng Recode của cô cũng là một tiếng nói quan trọng (trong cả hai vụ bê bối trên) trong việc gửi đi ý kiến chống lại Travis và Uber.
Kalanick đã huy động được nhiều vốn đầu tư mạo hiểm hơn bất kỳ công ty khởi nghiệp nào, và cuối cùng chính năm nhà đầu tư lớn của Uber lại hướng mũi dao của họ về phía Kalanick. Vào thời điểm họ can thiệp vào, chúng ta đã chứng kiến một tam giác và vòng tròn được quản lý hết sức yếu kém. Phương tiện truyền thông, nhà quản lý, đối thủ cạnh tranh, nhân viên, tài xế, khách hàng và ý kiến công chúng đều quay ra chống lại Travis. Một nhà lãnh đạo quyền lực mới không hề nhận được bất kỳ sự ủng hộ nào trong chính tam giác của mình có rất ít cơ hội sống sót sau một cuộc bao vây thù địch.
Uber thời kỳ hậu Travis vẫn đang nỗ lực để đưa một gương mặt mới vào công ty của họ, nhưng có vẻ sẽ còn có nhiều xung đột hơn nữa. Thách thức của Uber không chỉ là văn hóa, mà còn là cơ cấu. Trong năm 2016, Uber đã lỗ 2,8 tỷ đô-la. Những thiệt hại này là do các khoản trợ cấp đi xe mà nó đã phải cung cấp trên toàn thế giới vì muốn đẩy mạnh sự thống trị thị trường. Uber sẽ phải ngày càng siết chặt các tài xế của mình, tăng mức phí lên những người đi xe, và đánh bại các đối thủ cạnh tranh nếu nó muốn tìm ra một con đường dẫn đến lợi nhuận. Chúng ta sẽ thấy căng thẳng đặc biệt tăng cao cùng với sự gia tăng của những chiếc xe tự lái, một động thái tiết kiệm chi phí cho Uber có thể đe dọa cuộc sống của hàng trăm ngàn tài xế. Sau “buy local” (hãy sử dụng các dịch vụ địa phương) cách thức di chuyển tiếp theo có khi lại là “ride human” (hãy sử dụng các dịch vụ của con người).
Đối với tất cả những thứ Uber có thể làm để cải cách, vẫn còn có những người khác cũng làm việc trên các nền tảng chia sẻ hành trình, mà nhằm mục đíchthay thế các khía cạnh tồi tệ nhất của mô hình, tạo ra một tam giác hài hòa và một vòng tròn hoàn hảo hơn, hứa hẹn một thỏa thuận tốt hơn cho tất cả mọi người cùng tham gia: người đi xe, tài xế, và thế giới rộng lớn hơn. Câu chuyện tiếp theo của chúng ta kể về một nỗ lực như vậy.
Một vòng tròn hoàn hảo hơn:
Lời hứa hẹn tuyệt vời của Ride Austin
Uber chia tay với Ligia Friedman chỉ bằng một tin nhắn.
Cô đã mê đắm việc trở thành một tài xế Uber vào ngày làm việc thứ hai của mình, cô ấy đã kiếm được 300 đô-la chỉ với một chuyến đi – đó là ngày diễn ra một trận bóng đá lớn ở Austin. Công việc của cô rất vui và nó giúp cô nuôi nấng cô con gái đang tuổi vị thành niên của mình khi cả hai người vừa chuyển đến một thành phố mới. Vì vậy, khi thành phố Austin đề xuất sẽ thực hiện việc lấy dấu vân tay cho tất cả các tài xế – điều mà Uber phản đối mạnh mẽ – cô đã nhanh chóng chớp lấy cơ hội để giúp đỡ. Cô đã tham dự các sự kiện và huy động trên danh nghĩa của nền tảng này. Cô thậm chí còn được xuất hiện trên các tài liệu quảng cáo sự kiện ấy.
Nhưng Uber đã không thành công. Vì vậy – cùng với đối thủ lớn khác, Lyft – Uber đột nhiên rút khỏi thị trường Austin. Họ chỉ đơn giản là nhắn tin thông báo quyết định đó cho các tài xế của mình và ngay lập tức tắt ứng dụng.
Thị trưởng Steve Adler nói với chúng tôi, như thể Uber đã “xây dựng nên các nhà máy để rồi lại bỏ đi, nhưng họ cũng đã quay lưng lại với những người quan trọng. Họ đã bỏ lại phía sau vô số tài xế. Họ cũng bỏ rơi vô số người đi xe”. Và thực sự, trong vòng vài tuần, một tổ chức hoàn toàn mới đã sẵn sàng chuyển đến. Một cuộc họp tại nhà của Adler đã truyền cảm hứng cho một nhóm gồm hội đồng thành phố, các doanh nhân công nghệ cao và những người kinh doanh nói chung để thử một cách tiếp cận mới cho cùng một dịch vụ. Và từ đó, dịch vụ Ride Austin đã ra đời.
Ride Austin được tạo ra không chỉ là một sự thay thế cho Uber, mà còn là một loại thuốc giải độc cho nó. Đó là một nỗ lực kinh doanh để tạo ra một mô hình chia sẻ chuyến đi sẽ được xác định bởi cộng đồng, chứ không chỉ bởi các giao dịch. Như TheNextWeb đã mô tả lại: “Ứng dụng này về cơ bản là một bản sao của Uber, chỉ là không bao gồm việc kinh doanh tồi tệ đằng sau nó”.
Đứng phía sau Ride Austin không phải là một doanh nghiệp, mà là một tổ chức phi lợi nhuận. Đây là dịch vụ chia sẻ chuyến đi nhằm phục vụ cộng đồng, với cam kết làm giảm chi phí và tăng khả năng tiếp cận – như khẩu hiệu của nó: “Được xây dựng bởi Austin, phục vụ cho Austin”. Nó tán thành một triết lý tự hào của địa phương, ủng hộ giới tài xế và thể hiện lòng nhân ái. Bạn có thể trả thêm tiền tip cho lái xe. Bạn có thể làm tròn lên số tiền để hỗ trợ cho các tổ chức từ thiện địa phương. 100% lệ phí thông thường (và 80% của các chuyến đi cao cấp) sẽ được chuyển ngay vào túi của người lái xe.
Với tư cách là cựu giám đốc của cộng đồng, Joe Deshotel nói: “Uber giữ sức mạnh của chính mình bằng cách chia tách tài xế khỏi những người đi xe và đặt những rào cản kỹ thuật số này giữa họ”. Ride Austin đang phá vỡ những rào cản này. Nó thường xuyên tổ chức các sự kiện đề cao người tài xế, thu hút hàng ngàn thành viên cộng đồng cũng như các tài xế, hấp dẫn mọi người bằng BBQ và tinh thần Texas, và nó đã quyên góp được hàng triệu đô-la từ các nhà tài trợ địa phương, đặc biệt trái ngược với mô hình khai thác kinh doanh của Uber và Lyft – nó có đạo đức công dân. Nó thậm chí còn thuê Ligia Friedman, người đã dùng sự nhiệt tình và chuyên môn của mình để trở thành người lãnh đạo hoàn hảo trong việc thu hút các tài xế, hoạt động như là nhà vô địch, chuyên gia trị liệu và hướng dẫn cho cộng đồng tài xế.
Những nỗ lực của Ride Austin để tìm được sự liên kết giữa các bộ phận của mình mở rộng thêm cách thức mà nó tương tác với chính phủ. Không giống như Uber là che giấu dữ liệu, Ride Austin chia sẻ số liệu thống kê các chuyến đi của mình để giúp lập kế hoạch vận chuyển và thiết kế tốt hơn – và công bằng hơn – cách di chuyển của mọi người. Trên thực tế, chiến lược mở rộng để vượt ra ngoài quy mô của Austin dựa vào lời hứa của họ về một sự hợp tác có giá trị và tốt hơn với những thành phố khác. Cách tiếp cận của Ride Austin đến các nhà quản lý, như Deshotel nói với chúng tôi, là: “Nhìn thử xem, các bạn sẽ thích mô hình này. Các bạn sẽ thích nền tảng này. Chúng tôi có thể cung cấp những điều đó với sự minh bạch và sự hợp tác cao hơn, so với các đối thủ cạnh tranh”.
Ride Austin xem sự hài hòa mà nó có thể đạt được trong mô hình tam giác và vòng tròn của mình như là một lợi thế cạnh tranh. Giờ đây nó cam kết sẽ giúp cho các tài xế của mình trở thành những người lao động với đầy đủ phúc lợi – tạo ra những việc làm đáng tin cậy. Nó có kế hoạch hoạt động tại những khu vực chưa được phục vụ để tăng tính cơ động và khuyến khích nhiều hơn việc chia sẻ các chuyến đi thực tế, bằng cách giảm số người di chuyển một mình. Nó cũng đang suy nghĩ thông qua một đề xuất sử dụng một số lệ phí từ các tùy chọn đi xe sang trọng của mình để bù đắp chi phí cho những người có thu nhập thấp. Hãy suy nghĩ về Ride Austin như là một cách tái phân phối hoạt động chia sẻ chuyến đi.
Tình huống độc đáo ở Austin – cũng là ngày tận thế của Uber (Uberpocalypse), như nó đã được biết đến – và văn hóa tiến bộ của Austin đã tạo ra một cơ hội hiếm hoi cho một sáng kiến như Ride Austin xuất hiện. Tuy nhiên, câu chuyện ấy có thể chỉ là minh chứng cho một nỗ lực vô nghĩa. Một thỏa thuận toàn tiểu bang mới đã đưa Uber và Lyft quay trở lại thị trấn, khiến cho tương lai của Ride Austin trở nên không chắc chắn một cách nghiêm trọng.
Tuy nhiên, bài học lớn từ Ride Austin là chúng ta có thể tưởng tượng đến một sự thay thế triệt để cho Uber và xem chúng ta có thể làm tốt hơn bao nhiêu cho nó. Ride Austin đã chỉ ra rằng dịch vụ của nó là khả thi, cả về việc cung cấp các chuyến đi lẫn về tài chính của nó. Vào mùa xuân năm 2017, nó đang dần đạt được mục tiêu lợi nhuận của mình, chạm mốc chuyến đi thứ một triệu, và sở hữu 5.100 lái xe phục vụ 70.000 lượt đi xe trong một tuần. Ride Austin đạt được tất cả những điều này cùng với thiện chí cộng đồng tuyệt vời và đầy sự tin cậy, hài lòng giữa những người đóng vai trò chủ chốt của nó.
Theo lý lẽ thông thường thì các hiệu ứng mạng lưới tại môi trường làm việc dựa trên các nền tảng tương tự như Uber sẽ hướng đến việc độc quyền trong một quốc gia và độc quyền trên toàn cầu hoặc độc quyền lưỡng cực hiện đang nổi lên (và đó chắc chắn là mục tiêu mà Uber hướng tới). Tuy nhiên, như Deshotel đã nhắc nhở chúng ta, 90% của nền tảng chia sẻ hành trình là hoàn toàn mang tính địa phương. Đây là một dịch vụ khá phù hợp với quy mô trong một thành phố và một khuynh hướng thiên về tính cộng đồng, đặc biệt khi các ưu đãi của người lái xe, người đi xe, cộng đồng và chính phủ đều có thể liên kết với nhau.
Hơn nữa, việc tưởng tượng ra một Ride Houston, hoặc một Ride DC, hoặc thậm chí một Ride São Paulo cũng không phải là vô lý lắm. Sử dụng công nghệ và thương hiệu được chia sẻ, phiên bản ứng dụng trình duyệt mang tính địa phương thậm chí còn có thể bắt đầu tập hợp lại thành một kiểu “nền tảng liên kết” – với các cộng đồng khác nhau để sở hữu và chăm sóc phiên bản phần mềm riêng của họ trong cùng một hệ sinh thái.
BÀI KIỂM TRA VÒNG TRÒN: THÀNH LẬP NHỮNG CỘNG ĐỒNG QUYỀN LỰC MỚI CÓ THỂ HOẠT ĐỘNG CẢ BÊN TRONG LẪN BÊN NGOÀI
Động lực của các cộng đồng quyền lực mới không chỉ quan trọng bởi vì họ giúp chúng ta hiểu được tại sao Reddit lại có thể nổi dậy hoặc Uber lại có thể bị đánh bại. Chúng cũng quan trọng bởi vì các nền tảng này có ảnh hưởng sâu rộng đến tất cả chúng ta.
Facebook là nền tảng quyền lực mới phổ biến nhất thế giới đang ngày càng nắm quyền thống trị trên phạm vi toàn cầu. Trên quy mô nhỏ, nó đưa ra một thách thức cho các tổ chức phi lợi nhuận hoặc trường học địa phương muốn tiếp cận các sinh viên hoặc nhà tài trợ tiềm năng nhưng lại phải trả tiền cho Facebook để được “tăng” phạm vi tiếp cận của bài viết. Và nó cũng cho thấy một thách thức vĩ mô đối với bản thân cuộc tranh luận dân chủ khi Facebook, thông qua thuật toán không minh bạch của mình, có khả năng lựa chọn là nó nên cho ai xem cái gì và khi nào. Mọi người có xu hướng suy nghĩ rằng các trang web truyền thông xã hội chỉ đơn thuần là những câu lạc bộ hay những quán cà phê ảo, và ít quan trọng hơn so với những gì đang diễn ra trong quốc hội hoặc trên chiến trường. Nhưng trên thực tế, các nền tảng như Facebook đang ngày càng định hình và che khuất những gì đang thực sự xảy ra bên trong các tên miền ấy.
Bây giờ chúng ta đã biết vai trò quan trọng của Facebook trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, cả về vai trò là phương tiện chính mà “tin tức giả mạo” và thông tin sai lệch được lan truyền từ người này sang người khác, và vai trò như một phương tiện mà các điểm vận động tuyển cử của Trump đã thực hiện những mánh lới rất tinh vi hướng tới hàng triệu người trong những ngày trước cuộc bầu cử – hành động nhằm làm tăng lượng cử tri bầu chọn cho mình và làm suy giảm lượt bầu chọn của đối thủ. Phản ứng ban đầu của Mark Zuckerberg đối với những tuyên bố này là sự hoài nghi: “Theo ý kiến cá nhân, tôi nghĩ ý tưởng cho rằng tin tức giả mạo trên Facebook – trong đó có một lượng nhỏ nội dung – đã ảnh hưởng đến cuộc bầu cử theo bất kỳ cách nào là một ý tưởng khá điên rồ”. Năm tháng sau, Facebook đảo ngược quá trình và thừa nhận nó đã có dính líu trong vụ việc này. Và tin tức tiếp tục được nhỏ giọt – vào tháng 9, họ thừa nhận rằng họ đã bán quảng cáo cho các cá nhân do Nga hậu thuẫn, cố gắng thao túng quan điểm của người Mỹ. Vào tháng 11, chúng ta đã biết những quảng cáo này đã tiếp cận đến hơn 150 triệu người Mỹ.
Khi chúng ta nghĩ về ảnh hưởng của những mô hình quyền lực mới rộng lớn như Facebook và Uber trên thế giới rộng lớn hơn, chúng ta nên áp dụng những gì mà chúng ta gọi là “bài kiểm tra vòng tròn”. Bài kiểm tra vòng tròn yêu cầu chúng ta phải xem xét các tác động của nền tảng, đối với cả những người tham gia bên trong tam giác lẫn những người tham gia trong vòng tròn rộng hơn của nó. Đối với Facebook, bài kiểm tra này đặt ra một loạt những câu hỏi khó. Ảnh hưởng của nó đối với khả năng của các phương tiện truyền thông truyền thống để thực hiện vai trò của họ vì lợi ích của công chúng là gì? Tác động tâm lý của Facebook là gì, khi các bằng chứng khoa học đều thống nhất rằng chúng ta càng sử dụng nó, chúng ta càng cảm thấy tồi tệ hơn? Các hệ lụy đạo đức là gì khi có hàng tỷ người trong phạm vi tiếp cận của nó (đặc biệt có liên quan trực tiếp khi Zuckerberg cố gắng mang lại quyền truy cập Internet được kích hoạt trên Facebook – và có thể là bị giới hạn rất hẹp – đến những nơi như vùng nông thôn Ấn Độ)? Liệu rằng “quảng trường công cộng”, như điều mà Facebook đang ngày càng trở thành, có thuộc sở hữu cá nhân và bị kiểm soát hay không?
Không chỉ các nhà hoạch định chính sách, các nhà nghiên cứu và các nhà đạo đức mới là những người nên suy nghĩ về việc áp dụng bài kiểm tra vòng tròn này, mà là toàn bộ chúng ta, những người tham gia và lực lượng siêu tham gia. Những nền tảng này sẽ chỉ là những con tàu trống rỗng nếu như không có chúng ta, và chính chúng ta mới là người quyết định chúng có phát triển được hay không. Khi chúng ta lựa chọn có tham gia hay không, chúng ta có nghĩa vụ phải xem xét nhiều vấn đề hơn – không chỉ “Liệu các cộng đồng quyền lực mới có giúp thỏa mãn hay làm mọi thứ dễ dàng hơn cho chúng ta hay không?”, mà còn “Liệu họ có đang giúp đỡ hay làm hại thế giới xung quanh chúng ta hay không?”.