La bàn chỉ hướng nam.
Cuộc tìm nhau trong rừng lần này không phải Bua và Khăm Xỉ dẫn đường mà là Phủi.
Ông Phủi gọi ông Nha cùng đi cho vui chuyện. Chúng tôi bám nhau leo lên vách đá. Thượng Lào, trừ Cánh Đồng Chum bằng phẳng, còn lại là rừng và núi. Nhìn về phía đông, phía bắc Cánh Đồng Chum có nhiều núi đất, thảng hoặc mới có núi đá. Ngoảnh về phía nam, phía tây nam Cánh Đồng Chum, những ngọn núi cao giũ sạch đất, chỉ còn lại bộ xương cốt bằng đá trắng thúc lên trời nhìn gớm ghiếc. Cây rừng thưa thớt trong kẽ đá. Có thể xem tất cả cây ở vách đá là cây bon sai, dáng thấp, gốc phình to, lá cằn cứng như vảy tê tê. Núi đá nhấp nhô, điệp trùng, dựng như thành lũy.
Từ những năm sáu mươi trở về trước, vùng núi đá phía nam cao nguyên này còn bỏ trắng trên bản đồ. Người Mỹ từ trước năm sáu mươi, đã sớm nhìn thấy cái thế hiểm trở của hai thung lũng Sảm Thông, Loong Chẹng nằm lọt giữa trùng trùng núi đá và nhanh chóng cất giấu ở đây một nhóm phỉ, cử một tù trưởng trẻ cầm đầu. Những chiếc máy bay bằng cao su bơm phồng goodgear của Mỹ từng bay lượn trên thung lũng Sảm Thông, Loong Chẹng thả dù hàng xuống nuôi sống nhóm lính phỉ. Nhưng rồi, thấy máy bay cao su không hiệu quả, CIA lại thay thế bằng máy bay nhỏ Helio Cô-nin có thể hạ cánh xuống đường băng dài bốn mươi mét cả ở Loong Chẹng và Sảm Thông. Đội quân lớn dần. Viên tù trưởng trẻ cai quản nhóm phỉ tỏ ra yếu đuối, không có gan giết người, CIA tìm được Vàng Pao thay thế. Đội quân Vàng Pao trong hai thung lũng Loong Chẹng và Sảm Thông lớn vổng lên. Vào năm sáu mươi, Loong Chẹng đã có đường băng cho C-130 hạ cánh để tiếp tế lương thực và vũ khí. Thung lũng hoàn toàn độc lập, muốn về Viêng Chăn hoặc ra Xiêng Khoảng vẫn là men theo dốc đá. Mỹ lập đường hàng không từ Thái Lan, Phi-lip-pin, Sài Gòn, Ha-oai bay đến thung lũng Loong Chẹng để nuôi đội quân phỉ Vàng Pao có lúc lên đến hơn 40.000 tay súng cùng 700 cố vấn Mỹ, không kể vài nghìn người Lào Cang và Lào Sủng bám theo chân lính, thành đội quân phục vụ binh lính.
Phủi dẫn chúng tôi trèo lên một ngọn núi, nhìn xuống dốc đá lao thẳng xuống vực thấy chóng mặt. Đó là Hin Tạng thứ nhất trong chín Hin Tạng từ đây vào Loong Chẹng. Câu chuyện của Khăm Xỉ kể về Hin Tạng thứ nhất từ Loong Chẹng ra, có nghĩa cách nơi tôi đang được Phủi dẫn đi tám Hin Tạng nữa thôi thúc tôi tìm đến. Tôi muốn tận mắt thấy cái Hin Tạng bọn phỉ Vàng Pao từng dùng làm pháp trường để thủ tiêu chiến sĩ của ta làm công tác cơ sở trong dân bị chúng phát hiện. Những cái chết mất tích đau đớn biết chừng nào, tôi chưa thấy trong các trang sử Quân tình nguyện nhắc đến. Đối diện với dốc đá bên này, dốc đá bên kia dâng cao. Hai dốc đá như hai hàm răng quái vật nhìn nhau gầm ghè.
Đi gần đến đỉnh Hin Tạng thứ hai, Bua bảo:
- Đầu gối muốn rời ra rồi. Nghỉ lát được không, ông Phủi?
Không trả lời Bua, ông Phủi vẫn cắm cúi bước.
So với lúc gặp mặt và vui vẻ uống bia bằng nước cây móc ở nhà ông Nha, thì từ khi bước lên Hin Tạng, ông Phủi cứ lầm lầm, lỳ lỳ, không nói không cười với ai. Tôi không biết vì sao ông Phủi thay đổi tính nết. Bua cũng không biết. Chỉ ông Nha biết ông Phủi thường đổi tính mỗi khi lên con dốc này.
Ông Nha bảo, con dốc Hin Tạng như lằn ranh đỏ với ông Phủi. Dưới chân dốc là ông Phủi chỉ huy đồn lính Vàng Pao. Lên đến đỉnh, ông Phủi rẽ ngoắt làm chiến sĩ Pa-thét. Chuyện đã lâu, nhưng mỗi khi bước qua lằn ranh đỏ, những kỷ niệm lại lay động ông. Cuộc đổi chiều nhanh chóng của ông Phủi không phải chỉ do cách mạng mà cụ thể ở đây là ông Nghi và Bua vận động, mà là bản lĩnh, là tính cách người đàn ông Lào Sủng từ trong huyết thống lôi kéo. Trời phú cho đàn ông Lào Sủng tính cách mạnh mẽ, dẻo dai kỳ lạ, không thể uốn cong, không thể dát mỏng. Đàn ông Lào Sủng có thể chịu nghèo, chịu khổ, chịu cơ cực đói rét, nhưng không chịu nổi nếu bị khinh bỉ, hắt hủi và coi thường. Vui vẻ nói chuyện bằng rượu. Hận thù nói chuyện bằng dao. Đó là luật của đàn ông Lào Sủng. Việc trả thù không nói bằng nước bọt, mà cắt máu mình, quệt lên lưỡi dao, mà thề. Kẻ xúc phạm đến nhân phẩm thì người Lào Sủng thà chết cũng đứng dậy phản kháng, thề không cúng cùng ma, không đi cùng đường, mày dưới suối thì tao đi trên núi, mày trên núi thì tao xuống rừng bằng, không bao giờ nhìn thấy mặt nhau. Cuộc thiên di hàng ngàn năm của dòng họ người Mẹo trên các đỉnh núi từ phương Bắc xuống phương Nam đã hun đúc nên phẩm cách mạnh mẽ luôn đứng thẳng lưng của người đàn ông Lào Sủng.
Nguồn cơn đẩy Phủi đột ngột quay ngoắt là vì anh bị viên cố vẫn Mỹ làm nhục đúng vào lúc anh được an ủi vì sự trở lại bất ngờ của Bua.
Hôm đó với Phủi tưởng là buổi chiều vui mà hóa ra u ám. Sự u ám bắt đầu từ cậu lính chạy từ trong đồn ra cổng, gặp Phủi hớt hải nói có thượng cấp và ông cố vấn đến kiểm tra đồn. Họ bất ngờ đến bằng máy bay trực thăng. Máy bay đi rồi, họ ở lại. Phủi ghét bọn người dù là ai bất chợt mò đến đồn hạch sách. Từ ngày làm chỉ huy đồn Phu Xao, Phủi đã mấy lần phải tiếp cố vấn hoặc thượng cấp. Đồn Phu Xao với một đám lính địa phương chẳng quan trọng với các đồn bốt của quân đặc biệt trong vùng nhưng thường xuyên bị cố vấn và thượng cấp kiểm tra bởi đồn nằm giữa vùng gái đẹp. Gái Phu Xao nổi tiếng khắp vùng Xiêng Khoảng, thời xưa, không ít nhà ở đây có con gái làm ở hoàng cung tận Luông-phra-băng. Mỗi lần cố vấn và thượng cấp đến, đồn không những phải mở tiệc rượu, còn dắt cả gái dưới bản lên cho khách chơi thâu đêm. Chỉ huy cấp dưới nào không tiếp khách ăn chơi chu đáo, hoặc chống đối thường bị quở trách, chuyển đi nơi khác. Phủi muốn trốn cuộc tiếp mấy ông khách không mời mà đến này, bảo tên lính báo cho viên đồn phó, vốn là em họ của Phủi, một người hiền lành và chịu nhịn thay vai chủ nhà.
“Tao bị thương - Phủi dằn giọng với tên lính - Tao không tiếp khách”.
Phủi thoái thác, gạt cậu lính sang một bên, định bước đi. Nhưng Phủi chỉ bước được vài bước, thượng cấp đã đứng sững trước mặt. Thượng cấp cũng là người Mẹo nhưng lùn, mặt to, má xệ, đôi mắt lồi, răng vổ, nói bắn nước bọt ra ngoài. Thượng cấp không chào, không bắt tay mà vỗ vai Phủi, giọng bề trên:
“Bị thương mà ông Phủi vẫn đi tuần là tốt lắm, tốt lắm. Ông sẽ được thưởng - Thượng cấp hứa rồi nói thêm: Ông cố vấn đã chờ đồn trưởng từ chiều. Bây giờ sắp tối rồi, không làm việc nữa, lính đang làm cơm rượu mời ông cố vấn. Cứ vui đi. Quân đỏ còn ở ngoài cao nguyên, xa đây hai ngày đường. Với lại, họ đâu có thể dễ dàng đến đây được, trừ họ có cánh. Mà quân đỏ thì không có cánh”.
Ông Phủi quay sang ông Nha:
- Tôi kể vậy có đúng không?
Ông Nha bảo:
- Ông nói còn thiếu một câu.
- Câu gì?
- Ông bảo thượng cấp là quái vật.
- À… Chưa đến lúc nói câu đó.
Lúc đó, ông Phủi bảo, trước thượng cấp chỉ còn biết gật đầu cho yên chuyện. Thượng cấp hài lòng về cái gật đầu này, niềm nở mời ông Phủi tiếp cố vấn. Nhưng Phủi từ chối vì lý do bị thương. Đôi mắt lồi của thượng cấp lập tức nhìn như đóng dấu vào mặt Phủi, nói lửng lơ:
“Nghĩa là...”.
Thượng cấp không nói hết câu, nhưng Phủi hiểu ông định nói gì.
Phủi nhắc lại:
“Tôi đang bị thương, không tiếp khách được”.
Thương cấp lại hỏi câu lửng lơ nữa:
“Rốt cuộc…
Phủi nói tiếp câu bỏ dở của thượng cấp:
“Rốt cuộc, tôi không thể tiếp khách!”
Phủi nghĩ thượng cấp sẽ nổi giận. Dưới trướng Vàng Pao, có một nhóm thuộc hạ được gọi là thượng cấp. Những thượng cấp này không phải tham mưu, cũng chẳng phải cố vấn, nhưng có quyền hành, chỉ dưới vua Vàng Pao, còn trên tất cả mấy chục vạn cấp chỉ huy và binh lính đội quân đặc biệt. Thượng cấp quyền hành tối thượng, có thể thăng, giáng các cấp chỉ huy, có thể ra lệnh tử hình những kẻ đi ngược đường với quân đặc biệt rồi báo cáo Vàng Pao sau. Thượng cấp đang đứng trước mặt Phủi, nghe Phủi từ chối tiếp khách mà sao không dùng quyền hành áp đặt hoặc mắng mỏ, hoặc dọa giáng chức? Bấy giờ Phủi nghĩ thế. Thì ra thượng cấp nhìn thấy người thế thân đứng sau lưng Phủi:
“Bạn gái hay vợ của ông đồn trưởng đây?” - Thượng cấp hỏi.
Phủi nói cụt lủn:
“Bạn”.
Thượng cấp chỉ cần câu trả lời như vậy. Gương mặt to bè của thượng cấp nở nụ cười quá cỡ, phô hết cả hàm răng vổ đen trắng luôm nhuôm. Nụ cười ấy ngay lập tức được thượng cấp giải thích:
“Ông Phủi biết đấy, không chỉ sinh mệnh của chúng ta mà của cả vua Vàng Pao và đội quân đặc biệt phụ thuộc rất nhiều vào sự hào hiệp của các ông cố vấn. Thật là dịp hiếm hoi để ông đồn trưởng giới thiệu cô bạn gái xinh đẹp thay ông tiếp thượng khách. Có thể sau cuộc gặp mặt này, cô bạn gái của ông đồn trưởng có vị trí xứng đáng trong đội quân đặc biệt. Thế nào, - Thượng cấp hạ giọng - cô gái xinh đẹp vui lòng đón tiếp ngài cố vấn chứ? Chà, ở xứ này mà lại có hoa đoọc kệt” (hoa các cô gái thường cài lên mái tóc trong lễ hội).
Bua nói xen vào chuyện ông Nha: Lúc đó, Bua nhớ lại, Bua cảm thấy không yên tâm khi đi tiếp rượu ông cố vấn và thượng cấp. Nên cô đã từ chối. Bua nói, Bua chỉ chăm sóc ông Phủi thôi. Nhưng nghe Bua nói, thượng cấp lại cười. Lần trước ông cười với Phủi. Bây giờ ông cười với Bua. Cái cười với Phủi là răn đe. Còn với Bua, thượng cấp cười để khuyến khích, rằng, chung tình là phẩm hạnh cao quý của những cô gái miền Lào. “Ai ngăn cấm người đẹp chăm sóc ông Phủi - Thượng cấp nói - sau khi đến chào ông cố vấn bằng một ly rượu thân tình. - Phải không ông Phủi?”.
Ông Phủi nói với tôi:
- Thượng cấp là một tay đểu cáng và lọc lõi. Lúc đó Phủi nói với y tá như vậy. Chỉ vài nước đi, ông đã buộc Phủi vào cái thế hoặc là bị chiếu hết, hoặc tự rút pháo đầu, để một cửa cho Phủi tìm nước đi mới. Tình huống ấy, tất nhiên Phủi phải nói, “Vâng, tùy ông”, mặc dù lúc đó Phủi nhìn thấy đôi mắt lồi của thượng cấp nhìn như liếm láp cơ thể của Bua.
Bua miễn cưỡng bước theo thượng cấp.
Ông Nha bảo:
- Bây giờ mới đến phận sự của y tá là băng bó vết thương của ông Phủi lại chảy máu và khuyên ông ấy đừng cáu giận. Nhưng ông Phủi không nghe. Ông ấy giận cá chém thớt, bảo mặc xác vết thương chảy máu, đi lấy cho tao chai rượu. Tôi khuyên ông ấy uống rượu không cầm được máu. Ông ấy chộp lấy súng, chửi tục: “Mẹ mày, mày dạy ai, khôn hồn thì lấy chai rượu ra đây”.
Lúc ấy, ông Nha sợ thật sự. Tính khí ông Phủi, Nha biết, khi ông ta đã nổi nóng, thì trời bằng vung. Đã từng có anh lính bị đồn trưởng bắn bị thương vì làm trái ý khi uống rượu. Vì thế ông Nha cúi thấp người, bảo: “Dạ, tôi đi lấy rượu ngay”.
Y tá Nha đem ra chai Whisy Thai, loại rượu nhái có độ cồn cao, rất phổ biến để ru ngủ binh lính đặc biệt trên các đỉnh núi. Phủi rút dao găm, phạt cổ chai rồi ngửa cổ, dốc rượu vào miệng như nước lã, rồi phá lên cười ha ha.
Phủi nằm ngửa mặt lên trời, nắng chiều soi những đường máu nổi đỏ trên cổ, như một bó rễ chằng chịt. Đang cơn phấn hứng, Phủi bỗng nghe tiếng kêu của phụ nữ từ gian phòng tiếp ông cố vấn, vội choàng dậy, xách súng AR-15 lững thững đi tới chỗ vừa có tiếng kêu. Phủi đạp cánh cửa. Ở một góc căn phòng ngổn ngang bát đĩa trên mặt bàn, ông cố vấn ôm ghì Bua, váy áo tơi tả. Không nói một lời, Phủi chĩa súng vào phòng, bắn một loạt dài. Loạt súng vừa dứt, Phủi bỗng chới với vì cánh cửa sập lại, đẩy ngã ngửa về phía sau.
Ba cơn gió nóng thổi vù vù trên mặt Phủi.
Phải lâu sau Phủi mới tỉnh lại. Câu đầu ông hỏi y tá đứng bên:
“Nó đâu rồi?”.
Nha bảo:
“Chỉ huy vừa bị ngất xong, để tôi dìu chỉ huy vào phòng”.
Phủi hét:
“Tao hỏi chúng đâu rồi?”.
Nha nói cho Phủi biết, họ đốt ba bó đuốc, bước qua ông chỉ huy, vội chạy về phía Hin Tạng.
Phủi tỉnh hẳn:
“Tao phải đi tìm họ”.
Nha nói:
“Để tôi dẫn chỉ huy đi”.
Phủi vừa đứng lên lại ngồi thụp xuống, hét:
“Đỡ tao đứng dậy”.
Nha đỡ ông ấy đứng dậy, nhưng ông lại ngã xuống. Mấy lần như thế, ông Phủi gầm gừ trong họng:
“Sao đầu tao quay cuồng. Y tá, cúi xuống, cõng tao đi tìm bọn nó. Nhanh lên kẻo bọn chúng chạy mất. Để chúng chạy mất, tao giết mày”.
Ông Nha kể, vừa cúi xuống cho Phủi trèo lên lưng, chưa kịp bước đi thì người toong lưởng đường đột đến bên. Lúc đầu Phủi muốn bắn ông người toong lưởng cho hả giận. Nhưng Phủi chưa kịp bắn, thì nghe người toong lưởng nói dõng dạc:
“Ông Phủi, tôi đã biết mọi chuyện. Không ai cõng ông lên dốc Hin Tạng được. Ông Phủi, tôi sẽ đi hỏi tội viên cố vấn thay ông?”.
Phủi ngẩng lên:
“Mày nói gì?”.
Người toong lưởng bảo:
“Tôi là người toong lưởng, tôi yêu nước Lào. Tôi ghét người chà đạp lên nhân phẩm người Lào. Cậu y tá, hãy đưa khẩu súng và đèn pin của cậu cho tôi. Tôi không bắn ai ở đồn này cả…”.
Y tá nói:
“Để tôi dẫn ông đi”.
Người toong lưởng dứt khoát:
“Cậu ở lại với ông Phủi. Một mình tôi đi là đủ. Tôi thuộc đường tắt lên Hin Tạng”.
Lúc đó, không hiểu sao, chỉ nghe người toong lưởng nói đĩnh đạc, ông Phủi đã tin người này. Chính vì thế, khi thấy y tá có vẻ ngần ngừ không đưa súng và đèn pin cho người toong lưởng, Phủi đã bảo:
“Người ghét kẻ thù của ta, là bạn ta. Hãy đưa súng cho người toong lưởng”.
Nhận được khẩu súng và chiếc đèn pin của cậu y tá, Nghi biến vào bóng tối.
Tôi hỏi Bua:
- Lúc ông Nghi đến trước mặt Phủi ở đồn Phu Xao, Bua có biết không?
Bua bảo:
- Bua chạy về bản, không biết ông Nghi ở đâu.
Đến gần đỉnh Hin Tạng thứ hai, Phủi dừng lại bảo chúng tôi, người toong lưởng gặp bọn họ đang hí hóp vượt đoạn dốc này. Họ có bốn người, cầm ba bó đuốc. Thượng cấp cầm đuốc. Hai tên lính hộ vệ cũng cầm đuốc. Chỉ có cố vấn là được soi đường cho đi.
Ông Nha bảo:
- Lúc đó, tôi cũng có mặt ở đây, đứng sau lưng người toong lưởng.
Bua bất ngờ về câu ông Nha nói, hỏi lại:
- Đêm đó ông cũng lên Hin Tạng?
Ông Nha bảo:
- Ông toong lưởng vừa mất biến vào đêm tối, ông Phủi bảo tôi, mày chạy theo người toong lưởng, xem nó có làm như nó nói không. Nếu nó lừa tao thì cho mày giết nó. Tôi vác súng chạy lên dốc đá…
Ông Nghi âm thầm tiến đến gần tốp bốn người đang chạy trốn, bất ngờ hô lớn:
“Mấy người đứng lại!”.
Thượng cấp vội lên tiếng:
“Ai đấy. Nếu là lính của đồn Phu Xao thì quay về đi. Người đừng làm liều”.
Ông Nghi bảo:
“Tôi không liều. Tôi chỉ muốn gặp ông cố vấn”.
Thượng cấp bảo:
“Không gặp được ông cố vấn bây giờ”.
Thượng cấp vừa nói xong, chưa kịp phản ứng ra sao thì súng bắn về phía ông Nghi. Đạn chíu chíu va vào đá, tóe lửa. Vậy là họ muốn giết mình rồi, ông Nghi nghĩ thế, nên cẩn thận hơn, nằm ép vào sau tảng đá. Giết làm sao được khi mình nhìn rõ bọn họ, còn họ không biết cụ thể mình nấp ở đâu. Như con sóc núi, ông Nghi lẩn qua hốc đá, đến cạnh tốp người đang mải miết bắn về các hướng lấy tiếng súng cho đỡ sợ. Ông Nghi hét:
“Các người bỏ súng xuống!”.
Bị quát ngay bên tai, cả ba người cầm ba bó đuốc vội ném xuống chân rồi biến mất vào lèn đá nhấp nhô. Nghi vẫn nhìn rõ cái bóng cao lênh khênh của viên cố vấn đứng trơ khấc. Cố vấn bị đơn độc, vì thượng cấp và hai tên hộ sĩ lẩn mất.
Nghi lại hô:
“Giơ tay lên!”.
Viên cố vấn tay vẫn cầm khẩu súng ngắn, khi giơ lên ngang mặt, bất ngờ bắn về phía Nghi. Nhưng Nghi nhanh hơn đã kịp né tránh rồi nổ súng cảnh cáo. Cái bóng lênh khênh vội khựng lại.
Nghi hô:
“Ném súng xuống đất, giơ tay lên!”
Viên cố vấn vẫn lừng khừng. Nghi lại phải bắn một viên cảnh cáo nữa. Viên đạn bay sát bên tai, làm cho viên cố vấn vội ném khẩu súng xuống đá.
Nghi bảo:
“Cúi xuống, cầm lấy bó đuốc rồi đứng thẳng người lên”.
Viên cố vấn làm theo.
Hắn nói, hắn không có súng nữa, hắn xin nói một câu. Nghi bảo:
“Nói đi!”.
Viên cố vấn nói đại thể, xin ông nhớ, ông quân đặc biệt và cố vấn là bạn với nhau. Xin ông cho tôi sống, để tôi sống, ông sẽ được ban thưởng lớn. Đời ông sẽ sáng như đi đêm cầm bó đuốc này.
Nghi bảo:
“Tôi không cần ân huệ của ông. Ông cầm đuốc ở tay, hãy nhớ nếu đuốc cháy đến tay thì ném bỏ, để đuốc không cháy vào tay mình. Bây giờ ông đặt tay lên đá. Với người Lào Sủng coi đặt tay lên đá là thề đấy. Ông đặt bàn tay lên và thề đừng làm điều xấu nữa”.
Ông cố vấn vừa đặt tay lên đá, Nghi rút con dao quắm đeo ở sườn, bất ngờ chặt phăng một ngón tay của ông cố vấn.
Ông cố vấn rú lên.
Nghi nói:
“Ông phải mất một ngón tay để nhớ tội ác của mình. Tôi tha cho ông được sống. Hãy đi về Loong Chẹng. Gặp lại bọn cố vấn, thì nói với họ, người Lào có thể chịu khổ, chịu đói, chịu chết, nhưng nếu kẻ nào cưỡi đầu, cưỡi cổ làm nhục người Lào, người Lào sẽ hất xuống. Thôi đi đi. Từ đây đến Loong Chẹng chỉ còn bảy cái dốc đá nữa thôi”.
Chờ cho viên cố vấn đi khuất, ông Nghi mới cúi xuống cầm bó đuốc do thượng cấp ném lại đang cháy dở, trèo lên đỉnh khối đá, khua đuốc một vòng trên đầu, gọi Bua. Lúc đó ông mới bất ngờ nhận ra cậu y tá đứng sau lưng.
Ông Nghi hỏi:
“Sao cậu lại ở đây?”.
Y tá bảo:
“Ông Phủi xui tôi theo ông, nếu ông không làm đúng lời hứa, thì giết”.
“Tôi có làm đúng không”.
Y tá bảo:
“Tôi không ngờ ông lại tha cho viên cố vấn”.
“Tôi làm sai à?”.
“Ông làm đúng hơn tôi nghĩ. Tôi vẫn không hiểu, sao ông lại tha cho tên cố vấn?”.
Ông Nghi bỗng soi đuốc vào mặt y tá:
“Tôi chỉ muốn người Mỹ chừa cái thói hiếp đáp các quốc gia khác. Bỏ được tính xấu này, thì người Mỹ cũng là bạn”.
Y tá:
“Lần đầu tôi nghe câu này”.
Ông Nghi bảo:
“Không phải câu của tôi, mà là của một ông nghiên cứu lịch sử nói với tôi dịp tôi đi học chính trị. Ông ta bảo, ngày ở rừng, chưa giành được chính quyền, Cụ Hồ của Việt Nam đã muốn thông giao với nước Mỹ”.
“Cám ơn ông!” - Y tá nói, rồi quay đi.
Ông Phủi dừng lại khi chúng tôi lên đỉnh Hin Tạng:
- Nghỉ đã.
Mọi người đang tìm chỗ ngồi.
Tôi hỏi ông Phủi:
- Sau này biết người toong lưởng là ông Nghi, cán bộ của Quân tình nguyện, ông có bất ngờ không?
Ông Phủi bảo, ông Nghi thì Phủi không bất ngờ. Bất ngờ lại là ông Nha làm y tá đồn Phu Xao. Từ khi bỏ đồn rồi đi theo Pa-thét, ông bỗng gặp y tá Nha ở chính đơn vị mà ông tìm đến. Thì ra cậu ấy được bộ đội Pa-thét gài vào đồn Phu Xao. Gặp Phủi, cậu ấy bảo, em không lừa anh đâu đấy nhá. Em làm việc của em. Anh làm việc của anh, không ngờ rồi lại về cùng đơn vị. Bây giờ thì hai người về sống với nhau cùng một ngọn đồi.
Nghe ông Phủi kể, tôi hỏi lại ông Nha:
- Tôi nghe ông Nghi nói, ông ấy còn gặp ông Nha ở Sảm Thông, phải không?
Ông Nha bảo:
- Phải. Chúng tôi chỉ nhìn thấy nhau hôm đại đội lính đặc biệt của Vàng Pao bị xe tăng và bộ binh bộ đội tình nguyện đánh nên đầu hàng. Không ngờ người khai thác tù binh lại là ông Nghi đã gặp ở bản Phu Xao hôm nào. Nhìn thấy tôi, ông Nghi lờ đi, như là cố ý không để tôi lộ tông tích.