Cách đây không lâu, tôi có đến một cửa hàng bán đồ ngũ kim để mua một đoạn ống nước nhỏ. Tôi tìm được một cái trông có vẻ thích hợp, nhưng tôi cần biết đường kính của nó nên đã gọi người bán hàng - một anh chàng dễ thương khoảng mười tám tuổi - và nhờ cậu giúp đỡ. Cậu vui vẻ lấy cuộn thước dây của mình ra đo cái ống. Cậu nhìn thước dây một lúc rồi nhìn tôi. “Cái vạch ngay dưới vạch nửa inch24 là gì nhỉ?”, cậu ta hỏi. Tôi sững sờ mất một lúc mới trả lời được.
24 Đơn vị đo chiều dài Anh, 1 inch tương đương với 2,54cm. Ở đây giữ nguyên đơn vị của văn bản gốc để thể hiện rõ tình huống trong ngữ cảnh.
Khi tôi lái xe về nhà với một đoạn ống dẫn có đường kính 7/16 inch, sự kiện ấy vẫn còn vang vọng trong tâm trí tôi. Một chàng trai trẻ rõ là được xã hội hóa rất tốt, chắc hẳn đã tốt nghiệp trung học phổ thông, thế mà không biết gì về phân số. Tôi nghĩ rằng việc quen thuộc với phân số sẽ hữu ích cho hầu hết mọi người, đặc biệt là những ai đang làm một công việc thường được nhờ đo mọi thứ. Có chuyện gì vậy nhỉ?, tôi tự hỏi. Sao cậu ta không tiếp thu được một trong những kỹ năng căn bản nhất được dạy ở trường?
Lý do có thể là cậu ta thấy môn toán không thú vị, cậu ta không có động lực nội tại để học môn toán. Nhưng đây lại là trường hợp mà một thứ bạn học được sẽ có ích cho bạn ngay cả khi không hứng thú với nó. Sự kiện này đã làm dấy lên câu hỏi về cách thúc đẩy một hành vi được mong đợi, như học phân số chẳng hạn, nếu hành vi đó không được thúc đẩy từ bên trong - tức là nếu người ta không thấy nó thú vị.
Với tư cách là các tác nhân xã hội hóa - cha mẹ, giáo viên và quản lý - công việc của chúng ta chính là khuyến khích người khác làm nhiều thứ mà họ có thể thấy chán nhưng lại giúp họ trở thành một thành viên có ích trong xã hội. Thật ra, công việc của chúng ta không chỉ là khuyến khích họ làm những điều đó; nó còn mang tính thử thách hơn thế nữa. Công việc thật sự là tạo điều kiện thuận lợi để họ làm những việc đó một cách tự nguyện, do họ tự khởi xướng, như vậy họ sẽ tiếp tục thực hiện các việc một cách tự do trong tương lai khi chúng ta không còn ở đó để thúc giục họ nữa.
Cho đến nay, chúng ta đã tập trung thảo luận về các hoạt động tạo ra động lực nội tại cho con người - các hoạt động mà con người hoàn toàn sẵn lòng thực hiện từ ý thích của riêng họ - và bằng chứng rõ ràng là nếu những người ở vị thế bề trên hành động để khơi gợi ý thức tự chủ và năng lực trong những người mà họ dạy dỗ hay giám sát, thì những người đó sẽ duy trì được sự hứng thú và được tiếp thêm năng lượng. Vấn đề đang được xem xét ở đây là điều khác, nhưng nó là điều mà hầu hết mọi người ở vị thế bề trên lúc nào cũng gặp phải: giúp người khác vận hành trong xã hội, nơi nhiều hoạt động quan trọng không hề thú vị. Nó là một vấn đề thiết yếu đối với xã hội hóa.
Vấn đề này đã được vô số nhà lý thuyết và những người quan sát khác đề cập đến suốt nhiều năm nay. Từ mà họ thường dùng để mô tả quá trình cụ thể mà qua đó các cá nhân nhận lấy những giá trị xã hội là nội hóa hay tiếp thu (internalization). Tuy nhiên, những phân tích về sự nội hóa rất khác nhau, tùy thuộc vào các giả định triết học ban đầu của chúng ta. Một cách tiếp cận sự nội hóa bắt đầu với quan điểm cho rằng con người thụ động hoặc man rợ - một góc nhìn được mô tả trong chương trước. Việc định hình sự nội hóa từ quan điểm này về cơ bản là một trong những sự kiểm soát bên ngoài để lập trình hành vi của con người. Đây là quan điểm xem xã hội hóa là thứ gì đó được thực hiện cho mọi người - là vấn đề về việc viết kịch bản cuộc đời cho con người, về việc ép họ vào đúng vị trí của họ trong xã hội.
Cách tiếp cận của chúng tôi, trái lại, tin rằng con người thấm nhuần các khuynh hướng và năng lượng để trưởng thành, phát triển phù hợp với nhu cầu tâm lý của họ. Cách tiếp cận thứ hai xem nội hóa là một quá trình tiên phong mà trong đó một đứa trẻ đang phát triển biến sự thúc đẩy ngoại tại thành sự thúc đẩy nội tại. Hãy thử nghĩ về một cậu bé biến nhiệm vụ đổ rác thành một quá trình phải để mắt đến đống rác và đem chúng đi đổ khi thích hợp, mà không cần cha mẹ phải thúc ép nữa. Cậu bé đã nội hóa một điều lệ.
Khi hiểu theo cách này, nội hóa không phải là thứ gì đó được thực hiện cho cậu bé (cha mẹ cậu bé không lập trình cậu), mà do chính cậu bé thực hiện, với sự giúp đỡ của những người chăm sóc cậu. Cậu bé chấp nhận trách nhiệm mà cha mẹ yêu cầu ở cậu. Dĩ nhiên, các tác nhân xã hội hóa đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình nội hóa của trẻ em, hoặc cản trở nó, nhưng họ không thực hiện nó. Chính bọn trẻ mới là người thực hiện.
Có thể thoạt đầu điều này chẳng là gì đối với bạn ngoài một vấn đề về ngữ nghĩa, như một kiểu biệt ngữ xuôi tai vậy. Nhưng thật ra không chỉ có thế. Từ quan điểm tâm lý học, nó có nhiều ý nghĩa hơn thế bởi vì nó nói lên rất nhiều điều về bản chất sự phát triển của con người; và từ quan điểm thực hành, nó cũng có nhiều ý nghĩa hơn thế bởi vì nó dẫn đến những cách truyền lệnh rất khác nhau để thúc đẩy trách nhiệm của con cái, sinh viên, nhân viên, bệnh nhân và công dân của chúng ta.
Nội hóa một điều lệ và giá trị ẩn bên dưới nó là minh chứng điển hình về thiên hướng chung của con người khi hợp nhất các khía cạnh trong thế giới của họ thành một sự tượng trưng ngày càng mở rộng và thống nhất về việc họ là ai - nó là một ví dụ về điều mà chúng ta gọi là sự hợp nhất của sinh vật. Trong ví dụ “đi đổ rác”, giá trị ẩn bên dưới là việc chia sẻ trách nhiệm để làm cho cuộc sống gia đình vận hành trôi chảy, và sự hợp nhất là quá trình mà qua đó, giá trị này trở thành một phần của bản ngã đang phát triển của trẻ em.
Để kết nối và có liên quan với những người khác - tức là, để thỏa mãn nhu cầu thân thuộc - trẻ em tạo ra sự thích nghi, chúng tự nhiên có khuynh hướng chấp nhận những giá trị, luật lệ của các nhóm gần gũi của chúng và của xã hội. Thông qua việc tạo ra sự thích nghi như vậy - tức là qua việc nội hóa các giá trị và điều lệ về hành vi - trẻ em học được cách dàn xếp các chướng ngại xã hội một cách điêu luyện. Nhưng quan trọng là ta nhận ra rằng có hai kiểu nội hóa hoàn toàn khác nhau, vậy nên đơn thuần nội hóa điều lệ (về hành vi) không đảm bảo được việc tự chỉnh đốn một cách xác thực và tự chủ.
Hai dạng nội hóa là: tiếp nhận hay nội nhập - mà Fritz Perls ví như là nuốt trọng một luật lệ hơn là lĩnh hội nó; và sự hợp nhất - liên quan đến “lĩnh hội” và là hình thức nội hóa tối ưu. Giữ một quy tắc cứng nhắc đã luôn đối xử thô bạo với bạn - những tuyên bố, đòi hỏi, cách cư xử - và hành động phù hợp với luật lệ cứng nhắc đó có nghĩa là luật lệ chỉ được nội nhập (tiếp nhận), nên nó không tạo nên một hoạt động thật sự chủ động. Hoạt động tự chủ đòi hỏi rằng một điều lệ hay quy tắc được nội hóa phải được chấp nhận là của bản thân bạn; điều lệ đó phải trở thành một phần trong bạn. Nó phải được hợp nhất với bản ngã của bạn. Thông qua quá trình hợp nhất, con người mới sẵn sàng đảm đương trách nhiệm cho các hoạt động quan trọng nhưng không thú vị - các hoạt động không được thúc đẩy từ bên trong.
Nhu cầu tự chủ của con người, nhu cầu trở thành một tác nhân chịu trách nhiệm trong việc quản lý bản thân họ, cung cấp năng lượng cho quá trình hợp nhất (hơn là chỉ nội nhập) một điều lệ. Do đó, dù nhu cầu có được sự thân thuộc và năng lực có thể thúc đẩy nội nhập, nhưng chính nhu cầu có được sự tự chủ mới đấu tranh cho quá trình hợp nhất một giá trị hay quá trình tuân thủ điều lệ vào bản ngã của con người.
Con người thường tiếp thu những giá trị và luật lệ của các nhóm mà họ thuộc về, rồi hành động theo đó. Khi quá trình này diễn ra không hoàn chỉnh, nó dẫn đến những sự nội nhập - tức là những sự nội hóa dưới dạng “nên” và “phải”. Những sự nội nhập là giọng nói trong đầu mỗi người, có thể nói rằng nó đến từ bên ngoài và phát ra mệnh lệnh - đôi lúc giống như những trung sĩ kỷ luật đầy ác ý và đôi lúc giống như những bà dì đầy yêu thương và tốt bụng (nhưng dù sao cũng có tính chất xâm phạm). Khi những sự nội hóa trở thành hợp nhất, khi chúng trở thành những khía cạnh thật sự trong bản chất của một người, chúng sẽ cho phép nhiều hành động và tương tác có tính xác thực hơn.
Nếu một chàng trai trẻ tiếp quản việc kinh doanh của cha mình và thành công trong việc hợp nhất trải nghiệm, anh ta sẽ tự chủ trên con đường theo đuổi sự nghiệp. Anh ta sẽ thực hiện nó với ý thức chân chính về sự lựa chọn, và sẽ không cảm thấy bị ép buộc. Nhưng hãy thử nghĩ xem chuyện gì sẽ xảy ra khi quá trình này không như mong đợi, khi sự tiếp thu một phần tạo ra cả núi những điều nên làm và phải làm. Có nhiều kết quả khả dĩ khác nhau. Điều đầu tiên trong số này là sự phục tùng không ngại ngần và cứng nhắc. Tác giả ăn khách Michael Crichton đã trình bày một ví dụ về điều này. Khi ông ta kể một câu chuyện cho người phỏng vấn, rằng ông ta đã học hành suốt nhiều năm trời để trở thành một bác sĩ, một mục tiêu khiến gia đình ông rất hài lòng. Rõ ràng họ cho rằng việc lớn lên và trở thành một bác sĩ chính là điều đúng đắn mà ông cần làm, là điều mà Crichton phải làm, và chính bản thân Crichton cũng hoàn toàn tin tưởng vào kế hoạch này trong nhiều năm. Thế nhưng sau quá trình học hành dài đằng đẵng, ông lại chọn không hành nghề bác sĩ. Thay vào đó, ông làm những gì ông thật sự muốn làm: viết lách. Quyết định này quá khủng khiếp với gia đình ông, ông nói với người phỏng vấn.
Đương nhiên, tôi không biết Crichton lẫn gia đình ông, nhưng nhìn bên ngoài thì đây có vẻ là một trường hợp mà những gì nên làm và những gì cần phải làm đã khiến một chàng trai trẻ vô cùng có năng lực phải dành một lượng lớn thời gian để học cái nghề mà anh chẳng mấy quan tâm - một thời gian mà anh ta bị những sự nội nhập mạnh mẽ kiểm soát, khiến anh dành nguồn năng lượng khổng lồ để học nghề y. May mắn thay, anh đã có thể giải phóng bản thân khỏi những sự nội nhập đó và tiến bước trên con đường sự nghiệp mà anh mong muốn. Nhưng trong một kịch bản thường thấy hơn, con người bị kìm kẹp trong những sự nội nhập suốt cuộc đời.
Phản ứng khả dĩ thứ hai cho toàn bộ những sự nội nhập xảy ra khi chúng không có cơ sở đủ vững chắc để kìm kẹp một người. Kết quả là một kiểu tuân thủ miễn cưỡng. Ai đó đã kể cho tôi nghe câu chuyện về một chàng trai trẻ tiếp quản việc kinh doanh của gia đình nhưng lại không hợp nhất với sự tôn trọng dành cho cơ nghiệp này. Anh làm thế vì nghĩ rằng đó là việc anh ta nên làm, nhưng anh thật sự cảm thấy mình nhu nhược hẳn đi trong quá trình đó. Điều này dẫn đến việc anh vận hành công việc kinh doanh với cảm xúc vừa yêu vừa ghét, mà sau cùng đưa anh đến thất bại. Anh rên rỉ và than vãn về cách mà mọi thứ đang diễn ra, nghĩ ra một triệu lời bào chữa cho lý do vì sao mọi thứ đang trở nên tệ hại, nhưng anh vẫn mắc kẹt trong nó bởi vì anh không thể giải phóng bản thân khỏi những nội nhập. Chúng kìm kẹp anh đủ mạnh để giữ anh ở lại với công việc kinh doanh, nhưng không đủ mạnh để khiến anh theo đuổi nó.
Khả năng thứ ba chính là khuynh hướng bất tuân của con người có thể chiếm lĩnh và tạo ra sự phản kháng toàn diện. Hẳn ai cũng biết đến con trai của một luật sư nào đó chẳng những không nối nghiệp cha, kể cả khi bị ép, mà còn vướng vào rắc rối với pháp luật. Và cũng có những cô con gái của mục sư trở thành kẻ vô thần ngoan cố, lớn tiếng. Trong những trường hợp này, rất có khả năng những gì chúng ta đang chứng kiến là ví dụ cho việc các giá trị của cha mẹ được nội nhập, nhưng con cái lại phản ứng một cách bướng bỉnh, như thể nói với những sự nội nhập (và với cả cha mẹ họ, những người đã gây áp lực lên họ), rằng: “Cha mẹ không kiểm soát con được đâu. Con sẽ cho cha mẹ thấy ai mới là người nắm quyền ở đây!”.
Những giá trị và điều lệ đã được nội nhập có thể tạo ra nhiều kết quả khác nhau, nhưng không kết quả nào trong số đó là tối ưu. Rõ ràng sự phản kháng và thiếu tận tâm chẳng tốt cho bên nào cả. Và dù sự tuân thủ một cách cứng nhắc có thể làm hài lòng các tác nhân xã hội hóa thúc ép nó, nhưng người tuân thủ phải chịu những cái giá rất đắt.
***
Trong một nghiên cứu tại Đại học Rochester, Richard Ryan và Wendy Grolnick đã xác định mức độ trẻ em tiểu học được thúc đẩy làm bài tập ở trường bằng những giá trị và điều lệ đã nội nhập, hoặc bằng những giá trị và điều lệ đã hợp nhất. Họ cũng đã yêu cầu giáo viên của những em học sinh này đánh giá xem mỗi học sinh được tạo động lực như thế nào, và họ cũng hỏi chính những đứa trẻ ấy xem chúng đã nỗ lực để học ở trường ra sao. Trên phương diện những học sinh này có vẻ được thúc đẩy như thế nào đối với giáo viên, hay chúng đã cố gắng chăm chỉ ra sao để học tốt, việc chúng được nội nhập nhiều hơn hay hợp nhất nhiều hơn hoàn toàn không quan trọng. Những học sinh có mức độ điều lệ nội nhập cao được các giáo viên cho là rất có động lực, những học sinh có mức độ điều lệ hợp nhất tương đối cao hơn cũng được xem là có động lực cao. Và cả hai kiểu học sinh ấy đều được cho là đang nỗ lực hết sức mình. Nhưng đó là điểm tương đồng duy nhất. Ngoài ra, những học sinh nội nhập nhiều sẽ cực kỳ lo lắng về trường học và thể hiện những khuôn mẫu đối mặt với thất bại theo kiểu kém thích nghi, trong khi những đứa trẻ được hợp nhất nhiều hơn lại yêu thích trường lớp và cho thấy các khuôn mẫu đối mặt lành mạnh hơn khi những nỗ lực của chúng không thành.
Chúng ta hẳn thường xuyên nhìn bọn trẻ và thấy chúng đang vâng lời làm bài tập ở trường, việc vặt ở nhà hay bất cứ việc gì khác đến thế nào. Chúng ta có thể tự nhủ rằng: “À, chúng đang rất có động lực” và chúng ta nghĩ mọi chuyện đều ổn. Thế nhưng có lẽ chúng ta nên nhìn ở một góc độ khác và tự hỏi mình xem liệu chúng có đang thật sự tự nguyện làm việc đó hay không, liệu chúng có đang làm điều đó khi đã ý thức được về sự chấp thuận cá nhân không. Nếu đúng là vậy thì có thể mọi thứ đều ổn. Nhưng thay vì nội nhập, chúng có thể làm việc chăm chỉ bởi vì nghĩ rằng mình nên làm và cho là mình sẽ được công nhận khi làm thế. Nếu vậy, những đứa trẻ này có thể đang bị tổn thương sâu bên trong. Áp lực từ bên trong về việc phải thể hiện, ban đầu thì trông có vẻ rất hay, nhưng có thể tạo ra một cái giá đắt.
Sự tuân thủ của những đứa trẻ này có thể chống lại chúng theo nhiều hướng khác nhau. Đương nhiên chúng sẽ thiếu đi sức sống và sự nhiệt tình vốn có thể khiến cho trường học trở thành một trải nghiệm vui vẻ, nhưng kết quả còn đáng buồn hơn chính là nó khiến chúng chỉ chú tâm vào việc cố làm hài lòng người khác hơn là tìm ra những gì đúng đắn cho bản thân chúng. Hơn nữa, trong các lớp học, những em học sinh lặng lẽ vâng lời này thường được xem là những học sinh gương mẫu, vậy nên chúng là những trường hợp thành công-bị ngó lơ, chẳng cần chú ý mấy. (Ngược lại, những đứa trẻ ồn ào và bướng bỉnh lại được chú ý cực kỳ nhiều). Việc những học sinh vâng lời đòi hỏi quá ít sự chú ý có thể coi là bi kịch, bởi vì những cảm giác mà chúng có thể đang chôn sâu trong mình - chẳng hạn cảm giác không xứng đáng - lại rất đáng được quan tâm. Những cảm giác này có thể dễ dàng sinh ra từ việc nội hóa một phần - từ sự nội nhập thay vì hợp nhất - vì khi con người nội nhập những luật lệ và sự đánh giá, họ thường cảm thấy mình không thể sống đúng với những điều đó cho dù có cố gắng thế nào đi nữa.
***
Việc nội nhập những luật lệ cứng nhắc chẳng tượng trưng cho điều gì ngoài một kiểu thất bại của quá trình nội hóa nhằm hoạt động hiệu quả. Một kiểu khác cực đoan hơn là không hề tiếp thu một giá trị và điều lệ nào. Cậu nhân viên bán hàng trẻ tuổi mà tôi gặp ở cửa hàng ngũ kim là ví dụ, dù khá bình thường, về một người không thể nội hóa một giá trị hay điều lệ nào - trong trường hợp của cậu ta, là giá trị và điều lệ về việc thông thạo phân số. Một ví dụ tương tự nữa có lẽ là xu hướng khá phổ biến về việc không coi trọng việc sử dụng ngôn ngữ chính xác theo truyền thống. Gần đây tôi có đọc một đoạn tiểu sử ngắn được viết bởi một người đàn ông ba mươi tuổi, tốt nghiệp một trường đại học khá danh giá và tiếp tục theo học chương trình MBA. Đoạn văn, là một phần của thư xin việc, mở đầu bằng: “When I was young, me and my family lived in a small town” (“Hồi tôi còn nhỏ, tôi và gia đình mình sống tại một thị trấn nhỏ”). Tôi đã nghĩ thật xấu hổ khi anh ta không phân biệt được giữa chủ ngữ và tân ngữ25.
25 Lẽ ra phải dùng là “I” thay vì “me” trong câu tiếng Anh. (BT)
Mặc dù điều này có thể là một vấn đề quá tiểu tiết, nhưng sẽ có nhiều thứ rắc rối hơn. Hãy nghĩ đến những cô bé vị thành niên vì không thể nội hóa giá trị của nền giáo dục chính quy và tầm quan trọng của việc có được một phương tiện hỗ trợ bản thân nên đã mang thai chỉ vì muốn có “thứ gì đó để quan tâm”. Khao khát trở thành mẹ của các em thật tuyệt vời, nhưng việc các em trở thành mẹ trước khi có thể tự lo cho bản thân và con cái mình thì không.
Việc vì sao quá nhiều người có vẻ không nội hóa được các giá trị và điều lệ có ích cho một cuộc sống khỏe mạnh, hiệu quả là một câu hỏi thú vị và quan trọng. Sao có thể như thế, nếu - như tôi đã giả định - con người vốn có động lực tự nhiên để nội hóa muôn mặt thế giới xã hội của họ, điều vốn có ích cho việc hoạt động hiệu quả? Hay nói cách khác, tại sao có quá nhiều người không sẵn sàng thực hiện những hoạt động có ích cho họ? Để hiểu được luận điểm có vẻ nghịch lý này, chúng ta cần phải quay lại với phép biện chứng - sự tương tác giữa sinh vật chủ động với bối cảnh xã hội có thể hỗ trợ hoặc cản trở những gì sinh vật vốn có thiên hướng thực hiện.
Nếu bạn cho một hạt bơ đã bén rễ vào chậu đất thì có thể nó sẽ lớn thành một cái cây, bởi vì bản chất của bơ là như thế. Việc đó diễn ra một cách tự nhiên. Nhưng không phải hạt nào cũng có thể mọc thành cây; vài hạt sẽ teo lại và phân hủy. Chúng không thể nảy mầm vì thời tiết không phù hợp, hoặc vì thiếu những dưỡng chất cần thiết. Chúng cần mặt trời, cần nước và nhiệt độ thích hợp. Những yếu tố đó không làm cho cây lớn lên, nhưng chúng là các dưỡng chất mà cây bơ đang phát triển cần - chúng cần thiết để cây bơ có thể làm những điều theo bản chất tự nhiên của nó.
Tương tự, con người đang phát triển cần các chất dinh dưỡng về mặt tâm lý để làm những điều theo bản chất tự nhiên của mình. Để nội hóa và hợp nhất các khía cạnh xã hội quan trọng phục vụ cho thành công của riêng họ trong cuộc sống giữa xã hội đó, họ phải trải nghiệm sự thỏa mãn những nhu cầu tâm lý cơ bản - tự chủ, bản lĩnh và thân thuộc - trong bối cảnh xã hội tạo nên các cấu trúc cần được nội hóa.
***
Mọi đứa trẻ đều phải đối mặt với thử thách đáp lại tín hiệu của xã hội mà không bị nó lấn át hay bóp nghẹt. Chúng phải tìm ra cách liên kết với thế giới xã hội, nhưng đồng thời cũng có được ý thức về tính hợp nhất trong bản thân chúng. Xét trên diện rộng, việc những người trẻ này có thành công trong nỗ lực trở nên chân thật và có trách nhiệm hay không còn tùy thuộc vào tính chất môi trường xã hội hóa của họ. Nó tùy thuộc vào việc liệu môi trường xã hội hóa có cung cấp những dưỡng chất họ cần hay không, liệu môi trường xã hội hóa có cho phép họ thỏa mãn nhu cầu tâm lý trong lúc nội hóa các giá trị cũng như điều lệ khả nghi hay không.
Một phần của chương trình nghiên cứu về nội hóa do Grolnick và Ryan tiến hành đã phát hiện ra rằng các tính chất của cuộc sống gia đình có thể thúc đẩy sự hợp nhất hữu hiệu các giá trị và điều lệ bên ngoài. Nhóm nghiên cứu đã thiết kế các cuộc phỏng vấn với phụ huynh học sinh tiểu học trong một cộng đồng nông thôn khác biệt về nhân khẩu học. Họ đã phỏng vấn riêng từng phụ huynh, tại nhà của từng gia đình. Họ đã đến những ngôi nhà di động dựng trên những cột trụ và kẹp giữa những ngôi nhà khác giống hệt như vậy; họ đến những căn nhà to lớn kiểu Victoria, có nước sơn mới tinh, với những chiếc bánh gừng trang trí hào nhoáng; đến những trang trại nhỏ đổ nát với đàn gà và khung xe tải gỉ sét trong sân. Trong mỗi trường hợp, người phỏng vấn sẽ đặt ra một loạt câu hỏi, như các phụ huynh làm gì với bài tập về nhà của trẻ, và họ giải quyết vấn đề thường gây đau đầu, như yêu cầu trẻ làm việc nhà, như thế nào.
Grolnick và Ryan quan tâm đến hai vấn đề chính: Các phụ huynh khuyến khích sự tự chủ của con cái đến mức độ nào - trái ngược với việc gây áp lực và điều khiển hành vi của trẻ; và mức độ quan tâm của phụ huynh - dành thời gian và sự chú ý để cùng với con cái giải quyết những vấn đề này. Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy tất cả các kiểu bố mẹ: một số người có vẻ như phớt lờ con cái họ và mong chờ điều tốt đẹp nhất; một số người đòi hỏi và khắt khe; một số bảo bọc quá nhiều; và số khác thì khích lệ con mà không hề hạ mình hay bắt con chịu đựng mình.
Nhóm nghiên cứu cũng đi đến trường học địa phương để thu thập dữ liệu từ trẻ em. Mối quan tâm chủ yếu là mức độ nội hóa giá trị của trường học ở trẻ - về việc làm bài tập về nhà và cố gắng thể hiện tốt trong các hoạt động ở trường. Không còn nghi ngờ gì nữa, những đứa trẻ có cha mẹ khuyến khích con tự chủ và để tâm đến chúng - nói chuyện về bài tập về nhà và giúp con giải quyết những vấn đề phát sinh - sẽ nội hóa giá trị khá tốt. Những đứa trẻ này tin rằng bài tập về nhà rất quan trọng và chúng có trách nhiệm hơn trong việc làm bài tập.
Thêm nữa, sự nội hóa và hợp nhất càng lớn thì càng thích nghi tốt hơn và thành quả cũng lớn hơn. Nhờ nội hóa giá trị của việc thể hiện tốt ở trường (và của việc góp sức làm việc nhà), bọn trẻ trở nên có trách nhiệm hơn và hạnh phúc hơn. Thật thú vị khi việc khuyến khích tự chủ, vốn là nguồn dưỡng chất bối cảnh quan trọng cho việc duy trì động lực nội tại của cá nhân và nhờ đó mà trẻ sáng tạo hơn, xử lý thông tin sâu hơn và yêu thích các hoạt động hơn, hóa ra cũng cần thiết cho quá trình thúc đẩy sự nội hóa và hợp nhất động lực với các hoạt động tuy quan trọng nhưng lại không thú vị.
Ở mức độ phân tích, khuyến khích tự chủ nghĩa là xem những người khác - con cái, học sinh và nhân viên của chúng ta - là con người, là những tác nhân chủ động xứng đáng được hỗ trợ, chứ không phải là những đồ vật bị thao túng để chúng ta cảm thấy hài lòng. Điều đó có nghĩa là ta phải tiếp thu quan điểm của họ và nhìn thế giới dưới góc nhìn của họ. Đương nhiên, khuyến khích tự chủ có thể đòi hỏi nhiều thứ hơn, nhưng cuối cùng thì đó vẫn là trách nhiệm của chúng ta, với tư cách những tác nhân xã hội hóa. Để mong đợi trách nhiệm từ người khác, chúng ta phải đảm đương trách nhiệm của riêng mình với tư cách là tác nhân trong quá trình xã hội hóa của họ.
Mặc dù quan niệm khuyến khích tự chủ để thúc đẩy quá trình hợp nhất nghe khá trừu tượng, nhưng nó có thể diễn dịch thành những gợi ý cụ thể cho các tác nhân xã hội hóa. Để làm được điều đó, tôi quyết định tiến hành một thí nghiệm với sự giúp đỡ của các học viên sau đại học là Haleh Eghrari, Brian Patrick và Dean Leone. Chúng tôi tập hợp một nhóm các đối tượng thí nghiệm cho nhiệm vụ cực kỳ nhàm chán là nhìn vào màn hình máy tính cho đến khi các đốm sáng nhỏ xuất hiện. Chúng tôi đưa ra giả thuyết rằng ba khía cạnh cụ thể trong cách chúng tôi trình bày nhiệm vụ sẽ khá quan trọng cho việc thúc đẩy sự hợp nhất.
Đầu tiên, đưa ra một lý do căn bản để thực hiện những hoạt động nhàm chán có vẻ cần thiết. Chẳng hạn, khi bạn bảo con bạn nhặt đồ chơi dưới sàn nhà lên, bạn có thể giải thích lý do làm vậy là để đồ chơi không bị giẫm lên và bị hỏng, hoặc để các món đồ chơi không bị lạc mất. Trong thí nghiệm này, lý do căn bản chúng tôi yêu cầu các đối tượng thực hiện nhiệm vụ ấy là để họ có thể cải thiện khả năng tập trung; dù sao thì đó là một nhiệm vụ giống như những nhiệm vụ từng được sử dụng để huấn luyện kiểm soát viên không lưu. Thứ hai, có vẻ như việc thừa nhận rằng con người có thể không muốn làm những việc họ đang được yêu cầu là khá quan trọng. Nhớ rằng việc thừa nhận cảm xúc con người cũng là chìa khóa trong nghiên cứu mà Koestner, Ryan và cộng sự của họ đặt ra các giới hạn để khuyến khích trẻ em gọn gàng ngăn nắp, và nó giúp giữ cho các giới hạn không hủy hoại động lực nội tại. Ở đây, chúng tôi kỳ vọng nó giúp các đối tượng hợp nhất điều lệ về những hành vi nhàm chán. Cuối cùng, chúng tôi nghĩ rằng quan trọng là ngôn ngữ và phong cách mà chúng tôi sử dụng để đưa người tham gia thí nghiệm vào hoạt động chỉ nên có áp lực tối thiểu. Lời đề nghị nên giống với một lời mời thay vì một yêu cầu, nhấn mạnh sự lựa chọn thay vì kiểm soát.
Chúng tôi đã thiết kế thí nghiệm để những hành vi khác nhau của người phụ trách thí nghiệm - như đưa ra một lý do căn bản, thừa nhận cảm xúc và áp lực tối thiểu - có thể hiện diện hoặc vắng mặt. Thực tế, các yếu tố này đã tạo ra một sự khác biệt rõ ràng. Mỗi hành vi trong số ba hành vi trên đều góp phần vào lượng nội hóa diễn ra: Khi chúng hiện diện, sự nội hóa sẽ nhiều hơn là khi chúng vắng mặt. Sự nội hóa được thể hiện ở các đối tượng mà sau thí nghiệm vẫn quay lại thực hiện nhiệm vụ - họ dành thời gian tự chọn tiếp theo để thực hiện nhiệm vụ này thay vì làm việc gì khác, như đọc tạp chí.
Tuy nhiên, có một phát hiện khác thậm chí còn quan trọng hơn. Hóa ra, nếu người ta nội hóa một điều lệ khi có mặt những hành vi khuyến khích tự chủ (lý do căn bản, sự thừa nhận và sự lựa chọn), các đối tượng sẽ hợp nhất điều lệ ấy. Điều này rất rõ ràng với chúng ta bởi vì hành vi sau đó của họ đi kèm với cảm giác tự do, yêu thích nhiệm vụ và tin rằng nó quan trọng với cá nhân họ. Họ đang thực hiện hành vi khi nhận thức thật sự về ý chí.
Trái lại, nếu nội hóa xuất hiện trong bối cảnh kiểm soát, khi ba hành vi tạo điều kiện thuận lợi quan trọng đều vắng mặt - có thể có một chút, nhưng ít hơn rất nhiều so với trong bối cảnh khuyến khích tự chủ - thì nó có hình thức nội nhập, chứ không phải hợp nhất. Nếu những người này sau đó thực hiện hành vi thì thật ra họ làm vậy nhưng không cảm thấy thoải mái, không yêu thích nó và không tin rằng nó quan trọng về mặt cá nhân. Họ nuốt trọn cái suy nghĩ rằng họ nên thực hiện nó, họ lê bước khó nhọc như một đàn cừu tiến vào lò mổ.
Phát hiện về việc kiểm soát bối cảnh thúc đẩy phần nào sự nội hóa - dù rằng thúc đẩy ít hơn những bối cảnh khuyến khích tự chủ - là khá quan trọng bởi vì nó cho phép chúng ta dung hòa những báo cáo được thực hiện bởi các nhà tâm lý học hành vi khác, cho rằng con người có thể được “xã hội hóa” bằng cách kiểm soát những lực tác động. Có vẻ như sự kiểm soát có thể tạo ra phần nào quá trình nội hóa, nhưng dưới những hoàn cảnh kiểm soát sẽ có ít sự nội hóa hơn so với những hoàn cảnh khuyến khích tự chủ, và hơn nữa quá trình nội hóa này có vẻ chỉ là nội hóa một phần - tức chỉ ở mức nội nhập.
Một người quan sát có thể mô tả chính xác những người đã nội nhập các điều lệ như có trách nhiệm và làm điều đúng đắn - như các giáo viên trong nghiên cứu của Grolnick và Ryan mô tả những học trò đã nội nhập của mình - là có động lực. Thế nhưng những ai cư xử có trách nhiệm nhờ nội nhập sẽ phải chịu hậu quả là sống với những cảm xúc không thoải mái và những hậu quả tiêu cực đi kèm. Bởi vì vẫn còn có một lựa chọn thay thế - cụ thể là những hành vi trách nhiệm sinh ra từ sự hợp nhất - không chỉ nhân văn hơn mà còn hiệu quả hơn, nên quan trọng là chúng ta có nỗ lực để thúc đẩy sự hợp nhất hơn là áp đặt kỷ luật nghiêm ngặt để thúc đẩy sự nội nhập, dù phải chịu trả giá lớn về mặt tâm lý với những người đang được xã hội hóa.
***
Nhu cầu cần có được sự thân thuộc từ bên trong khiến con người trở thành một phần của các nhóm - ban đầu là gia đình hạt nhân, rồi đến những nhóm lớn hơn, đến xã hội, và cuối cùng (người ta hy vọng) là cộng đồng toàn cầu - và nhu cầu này, dù tốt hay xấu, cũng khiến con người mở lòng để được xã hội hóa. Khi con người thuộc về một nhóm, nhóm đó sẽ trở thành một phần trong căn tính của họ và tự nhiên họ có khuynh hướng chấp nhận các giá trị của nhóm và nhiều thứ khác. Ở quy mô lớn, đây là quá trình mà qua đó tính trách nhiệm phát triển rất nhiều.
Ryan và tôi đặt cược vào một niềm tin nhân văn rằng điều quan trọng là phải chân thật, phải là chính mình để làm những gì bản thân muốn mà không tuân theo người khác. Thế nhưng rõ ràng, chúng ta đặt lòng tin vào tầm quan trọng của việc trở nên có trách nhiệm. Ủng hộ tự chủ không có nghĩa là kêu gọi buông thả bởi vì thật sự là chính mình bao gồm việc nhận lấy trách nhiệm về hạnh phúc của người khác. Nhu cầu cảm thấy được kết nối khiến con người tự nhiên tiếp nhận và lĩnh hội các khía cạnh văn hóa có thể dẫn đến sự đóng góp phong phú của họ, và việc những người quan trọng khác khuyến khích tự chủ cũng góp phần thúc đẩy điều này. Nhu cầu trở nên thân thuộc của các cá nhân, đi đôi với sự khuyến khích tự chủ của các tác nhân xã hội hóa, khiến người ta trở nên có trách nhiệm khi họ thật sự được tự do. Đó chính là ý nghĩa của việc xã hội hóa, ít nhất là theo đúng ý nghĩa lành mạnh và tích cực của thuật ngữ đó.
Bởi vì sống đúng với bản thân thường bị đánh đồng với tính vị kỷ khi chỉ làm những việc của riêng mình, chân thật thường bị hiểu sai thành sự bào chữa cho thói vô trách nhiệm và bị công kích bởi những người hiểu nó theo cách đó. Sự ích kỷ, vị kỷ khi chỉ làm những việc của riêng mình đúng thật là vô trách nhiệm và rõ ràng có thể mang lại những hậu quả tiêu cực. Nhưng những hành vi đó không chân thật, chúng không thể hiện sự tự chủ của con người; cũng không phải là minh chứng cho việc được là chính mình.
Sự chân thật theo cách đó bị các tác giả phê phán là hành động vô trách nhiệm theo kiểu riêng của mình. Nhân danh trách nhiệm, họ đòi hỏi chính sự kiểm soát gây bất lợi cho quá trình phát triển của con người, và do đó có hại cho tính trách nhiệm. Chẳng hạn như, Allan Bloom đã viết thế này trong quyển Closing of The American Mind (tạm dịch: Cái kết của tinh thần người Mỹ): “Chúng ta được bảo rằng người hướng nội lành mạnh sẽ thật sự quan tâm đến người khác. Với vấn đề này, tôi chỉ có thể đáp lại rằng: Nếu tin được điều đó thì bạn có thể tin bất cứ điều gì”. Bởi vì nhận định của Bloom về tính chân thật quá thiển cận và sai lầm - bởi vì ông không nhận ra nhu cầu quan trọng và có tính bổ sung của con người về tự chủ và có được cảm giác thân thuộc - nên lập luận của ông chỉ làm cho việc nghiên cứu về những vấn đề này thêm rối bời.
Những ai trở nên ích kỷ, quá yêu bản thân hay nổi loạn sẽ không “quan tâm đến người khác” và sẽ hành xử một cách vô trách nhiệm. Những tình cảnh này xuất phát từ việc không thể thỏa mãn nhu cầu cơ bản là được tự chủ và có cảm giác thân thuộc. Chúng là sự đáp lại kiểu quan tâm lạnh lùng và mang tính kiểm soát, hoặc hỗn loạn và dễ dãi. Trong những môi trường như vậy, con người sẽ không thể trở nên chân thật và họ sẽ không thể có trách nhiệm.
***
Có nhấn mạnh thêm bao nhiêu lần nữa cũng không đủ, rằng khuyến khích tự chủ không phải là dễ dãi. Dù vậy, con người vẫn thường diễn giải việc khuyến khích tự chủ chính là mặc cho người khác thoải mái làm những gì họ muốn. Có lần, tôi ngồi uống cà phê cùng một người bạn trong phòng sinh hoạt gia đình tại căn nhà của anh ở vùng ngoại ô Philadelphia. Con gái anh, Becky, có lẽ được ba tuổi, cầm một quả bóng cao su từ sân sau bước vào. “Becky”, anh nói, “để quả bóng ở ngoài đi con”. Becky vẫn đi vào như thể cô bé không hề nghe thấy gì. “Becky, làm ơn để quả bóng ở ngoài đi con”, ông bố nói, và Becky vẫn cứ bước vào. Anh bạn tôi quay lại và tiếp tục trò chuyện với tôi. Còn tôi thì cảm thấy kinh ngạc.
Anh bạn tôi không khuyến khích sự tự chủ; mà anh đang dễ dãi. Anh đã thất bại trong việc đặt ra những giới hạn và không thể kiên định với việc kiểm soát hậu quả. Kết quả là, chẳng những anh không có được hành vi mong muốn (để quả bóng bên ngoài) mà còn đang can thiệp vào quá trình nội hóa và xã hội hóa. Nếu không có giới hạn, không có cấu trúc, không có điều lệ để nội hóa, thì sẽ không có sự nội hóa.
Buông thả thì dễ, khuyến khích tự chủ mới khó. Nó đòi hỏi phải rõ ràng, kiên định, lập ra các giới hạn theo cách thức đầy thấu hiểu và đồng cảm. Có lần, sau khi tôi diễn thuyết về chủ đề này, một người phụ nữ đã phản đối rằng: “Khuyến khích tự chủ thì rất hay, nhưng không phải lúc nào cũng công bằng”. Vì chưa hiểu rõ ý cô nên tôi động viên cô nói thêm. “À, tuần trước tôi có một buổi họp quan trọng mà người giữ trẻ nhà tôi lại không có mặt đúng giờ, vậy nên tôi đã bị trễ giờ họp. Cậu ta là một họa sĩ, và khi tôi gọi hỏi xem cậu ta đang ở đâu thì cậu ta trả lời rằng: ‘Tôi đang dở tay vẽ tranh nên bây giờ chưa thể đi được’”. Để củng cố thêm cho lập luận của mình, cô bảo tôi: “Ông đang bảo tôi là tôi nên khuyến khích sự tự chủ và ủng hộ sự tự thể hiện của cậu ta. Nhưng nó lại làm tôi rất khó chịu, và thế là không công bằng”.
Tôi đồng ý với người phụ nữ. Thế là không công bằng. Và tôi nói thêm rằng nếu tôi là cô ấy thì có lẽ tôi đã bảo cậu ta đừng trông trẻ nữa. Chuyện cậu ta là một họa sĩ thì rất hay, và tôi muốn ủng hộ động lực nội tại và sự sáng tạo của cậu. Nhưng cậu ta đã đặt ra một thỏa thuận, và thật vô trách nhiệm khi không làm nó đến cùng. Việc cố gắng kiểm soát cậu ta - tức là bị cuốn vào cuộc chiến quyền lực - chắc chắn sẽ không ích lợi gì. Nhưng nếu không thể tin cậy vào cậu ta, nếu cậu không làm theo đúng thỏa thuận, thì hậu quả cho những hành động đó là tôi không gọi cậu làm việc tiếp nữa. Để mặc cho cậu ta vô trách nhiệm rồi gọi cậu quay lại trông trẻ thì khác nào dễ dãi. Đó không phải là khuyến khích tự chủ.
Nhiều người nghĩ rằng giải pháp thay thế duy nhất cho sự dễ dãi chính là kiểm soát - tức là áp chế người khác phải tuân theo. Trẻ con thường phạm lỗi và thi thoảng chúng tỏ ra vô trách nhiệm. Nhưng dễ dãi hay áp dụng kỷ luật thẳng tay đều không tạo ra được những kết quả tối ưu. Thay vào đó, việc giúp trẻ em làm chủ được tình huống khó khăn và phát triển theo những cách lành mạnh đòi hỏi phải khuyến khích tự chủ, bắt đầu từ việc hiểu được những gì đang xảy ra với chúng. Chúng ta cần đặt ra những giới hạn và kiên định trong việc kiểm soát hậu quả, nhưng quan trọng là thực hiện điều đó với một sự thấu hiểu.
Có thể hành vi của người khác còn có nhiều khía cạnh ẩn ý hơn những gì mà ta nhìn thấy. Có thể sự không hợp tác của một cô con gái là cách đáp trả lại một điều gì đó ở cha mẹ. Có thể cách cư xử tệ hại của một cậu con trai là cách thu hút sự chú ý của cha mẹ. Có rất nhiều khả năng, nhưng phớt lờ những hành vi trên hay gay gắt với chúng đều không phải là giải pháp. Hiểu được những gì chúng đang cảm nhận và cần, đồng thời làm rõ những giới hạn và hậu quả, là con đường dẫn đến cách hành xử phù hợp và giúp trẻ trở thành những người có khả năng tự chỉnh đốn tốt hơn.
Sẽ có những thời điểm trong đời mà việc trở thành cha mẹ, giáo viên hay người quản lý có trách nhiệm đòi hỏi người ta phải hy sinh thứ gì đó mà họ thích để khuyến khích tự chủ ở một đứa trẻ, học sinh hay nhân viên. Chẳng hạn như, một người mẹ lên kế hoạch suốt mấy tuần là sẽ đến buổi hòa nhạc đặc biệt vào tối thứ Bảy, nhưng thứ Bảy đến thì cô con gái nhỏ của bà lại bị ốm, hoặc có thể đang rất hoảng loạn sau một trải nghiệm khủng khiếp và cần được an ủi. Thế nên trách nhiệm của bà là phải ở nhà - dù điều đó có không công bằng đi nữa.
Hầu hết mọi người đều hy sinh vì một đứa trẻ đang ốm đau hay sợ hãi. Nhưng khuyến khích tự chủ có thể còn cần những sự hy sinh khó khăn hơn. Lấy ví dụ: Một người cha dự định đưa cả nhà đến tham dự một buổi họp mặt đại gia đình. Nhưng ngày hôm đó, con trai ông lại có một trận đấu Little League quan trọng và cậu bé không muốn đồng đội của mình thất vọng. Cả hai sự kiện đều quan trọng nhưng những người trẻ thích đi cùng bạn bè hơn. Mong muốn của cậu bé là một điều thích đáng, nó thể hiện bản thân cậu cũng như sự công nhận đích thực về tinh thần trách nhiệm của cậu với tư cách một thành viên của đội. Việc người cha cho phép con lựa chọn, dù điều đó có nghĩa là sẽ không có đủ mặt thành viên trong gia đình quây quần bên họ hàng, nhất định sẽ khuyến khích tự chủ. Đó không phải là dễ dãi, dù hơi khó xử và có thể không mang lại cho người cha những gì mà ông mong muốn.
Một tình huống thậm chí còn khó khăn hơn nữa là khi một đứa trẻ vô trách nhiệm. Giả sử một cậu con trai làm vỡ một bức tượng quý giá của mẹ, dù mẹ cậu đã dặn là không được động vào. Khuyến khích tự chủ vẫn là con đường ta phải đi. Điều đó nghĩa là mẹ cậu bé nên hiểu được góc nhìn của con trai và bà cũng nên kiểm soát hậu quả theo một cách thẳng thắn - không trừng phạt, không điều khiển, mà cứ làm đúng theo thỏa thuận (dù là thỏa thuận ngầm hay tuyên bố rõ ràng) đã được lập ra khi bà bảo cậu bé không động vào bức tượng. Khuyến khích tự chủ nghĩa là người mẹ nên kiểm soát hậu quả nhưng bà cũng nên kiên nhẫn với con trai, cố gắng hiểu quan điểm của con và giúp con hiểu mình.
Có vẻ như tôi đang thay đổi quan điểm của chính mình - đưa ra một mệnh lệnh khác - cho người họa sĩ trông trẻ và cậu con trai vô trách nhiệm? Phần nào tôi cũng đang như vậy thật, đó là bởi vì hai tình huống hoàn toàn khác nhau. Trong cả hai trường hợp này, việc kiểm soát hậu quả khá quan trọng. Nhưng trong trường hợp của cậu con trai, điều quan trọng hơn cả là giải quyết cùng cậu bé để tạo điều kiện cho sự phát triển tính trách nhiệm lớn hơn, kể cả khi nó đòi hỏi phải hy sinh một điều nào đó để làm được vậy. Phụ huynh có trách nhiệm sẽ thúc đẩy sự phát triển của con trẻ, và thậm chí nếu đứa trẻ có vô trách nhiệm đi nữa thì quan trọng vẫn là nỗ lực hết sức mình để khuyến khích tự chủ và thúc đẩy sự phát triển. Tuy nhiên, đối với trường hợp của người họa sĩ trông trẻ, người phụ nữ kia chỉ có mối quan hệ công việc hời hợt với anh ta, cô ấy không có trách nhiệm phải thúc đẩy sự phát triển của anh ta. Không gọi cậu ta làm việc tiếp là một cách kiểm soát hậu quả, cô không cần phải làm thêm gì nữa - đương nhiên là trừ khi cô muốn. Nhưng nếu cậu ta là một nhân viên chính thức, hoặc ai đó làm việc toàn thời gian cho cô thì cô sẽ phần nào chịu trách nhiệm nhiều hơn một cách tương xứng.
Một phần lý do mà ta dễ dàng nhầm lẫn giữa khuyến khích tự chủ và sự dễ dãi chính là con người thấy khó có thể thừa nhận rằng họ đang dễ dãi, vậy nên họ hiểu sai hành vi dễ dãi của mình thành khuyến khích tự chủ. Tôi nhớ lại một buổi tối vài năm trước khi tôi trông chừng cô bé chơi đàn violin tên Lisa. Tôi nghĩ khi đó cô bé khoảng bốn tuổi. Buổi tối cứ thế trôi qua, cô bé dần trở nên quá phấn khích và khi đến lúc thực hiện thói quen hằng ngày - đánh răng, đọc truyện và đi ngủ - bé trở nên cực kỳ hiếu động. Tôi, người nghĩ về việc đặt ra các giới hạn rất nhiều, nhận ra thật khó có thể làm được những gì tôi biết là điều đúng đắn - tôi cảm thấy khó có thể đặt ra giới hạn cho Lisa. Đó là một trải nghiệm khiến tôi bối rối, và khi tôi dò xét được sự miễn cưỡng của chính mình khi bước vào tình huống này, sự thật trở nên rõ ràng một cách hoàn hảo, dù không dễ gì thừa nhận. Tôi miễn cưỡng đặt ra những giới hạn - dù là những giới hạn khuyến khích tự chủ - vì không hiểu sao tôi lo sợ rằng Lisa sẽ không còn thích tôi nhiều nữa. Ngoài việc bản thân tôi cần một người bạn bốn tuổi yêu thương mình, tôi cũng đang trốn tránh trách nhiệm của mình với vai trò một người chăm sóc.
***
Chúng ta đang ở một thời điểm lịch sử mà nhiều bậc phụ huynh làm việc quá sức vì cố đạt được điều gần như không thể là cân bằng được giữa gia đình và sự nghiệp. Và bởi vì điều này mà các bậc phụ huynh không có nhiều thời gian dành cho con cái đã hình thành một xu hướng cảm giác tội lỗi về chuyện đó, và họ dễ dãi với con cái như một cách để nguôi ngoai cảm giác tội lỗi của mình. Về mặt động lực, nó tương tự như vấn đề mà tôi đã gặp với Lisa.
Một số phụ huynh lại phản ứng với sự căng thẳng bằng việc đòi hỏi và khắt khe với con cái hơn. Trong những tình huống tệ nhất, các phụ huynh này thậm chí còn công kích con mình. Khi con cái không hưởng ứng theo ý họ, khi con cái đẩy họ đến giới hạn, họ liền nổi giận và công kích chúng. Tôi đã chứng kiến chuyện này khá nhiều lần, giữa những lối đi ở siêu thị gần nhà và tại các gian ăn uống của nhà hàng. Các bậc cha mẹ cảm thấy áp lực trước những việc họ phải làm, và nếu con cái cản trở việc họ đang làm, họ sẽ kích động la mắng hoặc tóm lấy chúng và lắc thật mạnh.
Bất kỳ đứa trẻ nào cũng có thể đẩy cha mẹ chúng đến giới hạn, đặc biệt khi sức mạnh tinh thần của họ đang ở mức thấp. Khi họ mệt mỏi, căng thẳng vì công việc, hay bị đè nặng bởi những công việc chưa hoàn thành, họ rất dễ thành ra buông thả, hoặc có thể đòi hỏi, khắt khe và ngược đãi nếu con - hay học sinh, nhân viên - không hành động đúng ý họ. Tất cả mọi người đều có thể bị tổn thương vì điều này, nhưng quan trọng là người ta không tự lừa dối bản thân, nghĩ rằng họ đang đặt ra những giới hạn trong khi họ thật ra đang nổi nóng.
Con người được quyền căng thẳng và mâu thuẫn, nhưng nếu họ nhận ra bản chất của sự bực dọc này, nếu họ thừa nhận chúng, thì con cái (học sinh hoặc nhân viên) của họ sẽ ít có khả năng phải trả giá cho những sự bực dọc ấy hơn. Khi nhận ra những mâu thuẫn và áp lực bên trong của mình, con người ở vị thế bề trên sẽ có thể tạo điều kiện cho sự dàn xếp hiệu quả giữa các cá nhân họ giảng dạy, chăm sóc, hay quản lý, và cho xã hội đang ra tín hiệu với họ.