Một trong những thứ làm tôi kinh ngạc nhất về hàng trăm sinh viên đại học sáng sủa, được đào tạo kỹ lưỡng mà tôi biết qua nhiều năm chính là số sinh viên nói với tôi rằng họ đã che giấu cảm xúc và niềm tin thật sự của mình nhiều đến mức nào. Họ nói rằng, nếu thể hiện chúng ra, họ sẽ cảm thấy bản thân thật ích kỷ và tội lỗi, và người ta sẽ không thích họ. Họ không thể là con người thật sự của mình vì sợ hãi hay xấu hổ.
Những sinh viên này có những sự nội nhập về việc họ nên trở thành người như thế nào và những sự nội nhập này neo chặt trong tâm trí họ. Một số sinh viên thậm chí còn nói rằng họ không biết bản thân mình là ai nếu tách rời với những gì họ nên, buộc và phải trở thành. Bị những sự nội nhập này chế ngự, người trẻ khoác lên mình vỏ bọc bên ngoài - một dạng của bản ngã giả tạo - vì họ không kết nối được với bản ngã thật sự của mình. Họ tìm sự chấp nhận từ những người khác bằng cách vay mượn một căn tính xa lạ, bằng cách nội nhập một cách cứng nhắc thay vì linh hoạt hợp nhất các khía cạnh của thế giới xã hội.
Tôi nhớ đến trường hợp một chàng trai trẻ tên Arthur, một người có một tư duy chủ động. Là một chàng trai, cậu ta có xu hướng đặt ra những câu hỏi về bản chất của thế giới và hình thành những quan điểm cố kết. Nhưng dạng hành vi này là lời nguyền rủa đối với gia đình cứng nhắc đã nuôi dưỡng cậu. Khi lên chín, cậu đã lên tiếng hỏi về mục đích của cuộc đời mình, và mẹ cậu đáp rằng: “Chúng ta không đặt ra những câu hỏi như vậy”. Một thời điểm khá lâu sau đó, cậu phê bình thấu đáo một trong những nhà văn yêu thích nhất của cha cậu, ông đáp rằng: “Con là ai mà dám nghĩ mình cao hơn người đàn ông vĩ đại này?”. Trong mỗi tình huống, cha mẹ đều dập tắt bản chất hiếu kỳ của cậu và cậu đã phải học cách không nói lên suy nghĩ của mình. Thật vậy, cậu dường như đã mất hết sự say mê với những ý tưởng lớn và những suy nghĩ trừu tượng.
Câu chuyện về đời sống gia đình của cậu thanh niên ấy không phải hiếm gặp; nhiều sinh viên cũng kể tôi nghe những câu chuyện tương tự như vậy, dù rằng câu chuyện này có một cái kết hạnh phúc hơn tất cả. Arthur cực kỳ thông minh, và khi vào đại học, tìm được sự khuyến khích tư duy độc lập, tính hiếu kỳ của cậu cũng dần nhen nhóm trở lại. Thậm chí nó đã bùng phát. Nhưng trong một kịch bản thường thấy hơn, các sinh viên phải chịu đựng môi trường gia đình mang tính kiểm soát như vậy đã nói về sự bất lực và không sẵn sàng tìm kiếm những sức mạnh và khát khao bên trong họ. Họ lo lắng và sợ hãi rằng điều gì đó tồi tệ sẽ xảy ra nếu họ kết nối với bản ngã bên trong.
Một cựu sinh viên tên Barbara đã viết rằng cô luôn cố gắng làm hài lòng người khác, rằng cô làm bất cứ điều gì họ muốn. Cô nói tiếp rằng điều này cũng ổn thôi, vậy nên cô chẳng mất mát gì cả. Tôi biết Barbara khá rõ khi cô viết ra những dòng đó, và tôi thật sự nghĩ rằng việc cô làm những gì người khác muốn không phải là điều mà cô thật sự lựa chọn, không phải là thứ mà cô thật sự thấy ổn cho mình. Thay vào đó, tôi cho rằng cô cảm thấy bị ép buộc phải nghe theo những gì người khác muốn bởi vì cô lo sợ về hậu quả sẽ xảy ra nếu không làm vậy.
Trong những trường hợp tồi tệ nhất, sinh viên thậm chí không thể diễn đạt thành lời rằng họ đang bị kiểm soát bởi những sự nội nhập và yêu cầu của người khác. Họ không có cái nhìn thấu hiểu như Barbara, và họ còn không nhận ra rằng họ đang kìm nén bản ngã bên trong mình. Tôi phải suy ra từ việc họ đang thể hiện những dạng hành vi cứng nhắc, lo âu và việc họ cứ khăng khăng về những gì họ phải làm. Những sinh viên này trên thực tế đã mất kết nối với một bản ngã đích thực. Hoàn toàn chấp nhận những nội nhập trong nỗ lực tuyệt vọng để có được sự chấp thuận, họ chẳng còn lại gì thật sự cảm thấy giống mình, và họ thậm chí còn không thể thừa nhận điều đó. Những tiềm năng của bản ngã bên trong họ đã mất; một cái tôi trưởng thành đích thực không bao giờ phát triển; và họ thậm chí còn không thể đối mặt với nó.
Một trong những rủi ro gắn liền với việc là thành viên trong một đơn vị - một nhóm gia đình chẳng hạn, hay một xã hội - chính là con người có thể bị ép buộc phải từ bỏ hay che giấu con người thật của mình. Họ có thể cảm thấy buộc phải từ bỏ quyền tự chủ và bản ngã thật của họ để phù hợp với tập thể đó hơn. Sự hợp nhất, đại diện cho sự phát triển tối ưu và nằm trong mối quan tâm cao nhất về trẻ em và các tác nhân xã hội hóa của chúng, đòi hỏi phải khuyến khích cả sự tự chủ lẫn sự kết nối. Nhưng các tác nhân xã hội hóa lại quá thường xuyên đi ngược lại bản thân đứa trẻ bằng cách nỗ lực kiểm soát với sự yêu thương có điều kiện, trong khi khuyến khích tự chủ mới là những gì ta cần. Nếu sự tự chủ chống lại sự kết nối thì cái giá phải trả có thể là bản ngã của một người.
***
Hầu hết các nhà tâm lý học và xã hội học hiện đại đều cho rằng bản ngã được lập trình xã hội, nghĩa là họ cho rằng những quan niệm của con người về bản thân họ được xây dựng dựa trên định nghĩa của xã hội. Theo góc nhìn đó, khi người khác khen bạn thân thiện, bạn liền nhìn bản thân mình như một người thân thiện. Khi người khác băn khoăn không biết bạn có thành công hay không, bạn liền nảy sinh ý nghĩ nghi ngờ về khả năng của chính mình. Khi những người khác cắt ngang các hoạt động của bạn để cho bạn thấy cách làm tốt hơn, bạn chấp nhận niềm tin rằng bạn không đủ khả năng. Đối với những nhà lý luận này, bất kể thế giới xã hội có lập trình chúng ta thế nào đi nữa, thì đó cũng chính là những gì tạo nên bản ngã của chúng ta.
Vấn đề với việc cho rằng bản ngã được xã hội định nghĩa chính là không có sự phân biệt giữa cái tôi đích thực và cái tôi giả tạo. Quan niệm ấy không nhận ra rằng mỗi người đều có một bản ngã bên trong (dù nó chỉ mới được sinh ra), cũng như các năng lực để tiếp tục tinh chỉnh và trau chuốt bản ngã đó. Do đó, bản ngã có thể phát triển đúng với bản chất của nó, hoặc nó có thể được xã hội lập trình. Thế nhưng bản ngã sinh ra từ hai quá trình này sẽ rất khác biệt.
Tuy nhiên, bản ngã bên trong không phải là một thực thể được lập trình về mặt di truyền sẽ đơn giản bộc lộ theo thời gian. Thay vào đó, nó là một tập hợp các tiềm năng, mối quan tâm và khả năng tương tác với thế giới, mỗi bên đều ảnh hưởng đến bên kia. Tại một thời điểm cụ thể, bản ngã là kết quả phát triển của mối quan hệ biện chứng này. Khi quá trình này vận hành một cách hiệu quả, bản ngã đích thực sẽ hình thành; khi quá trình thất bại, bản ngã không đích thực sẽ được tạo ra. Như vậy, sự phát triển của bản ngã chịu ảnh hưởng rất nhiều của thế giới xã hội, nhưng bản ngã không phải do thế giới đó dựng lên. Thay vì vậy, các cá nhân đóng một vai trò chủ động trong sự phát triển của bản ngã, và bản ngã đích thực phát triển khi thế giới xã hội hỗ trợ cho hoạt động của cá nhân.
Bản ngã đích thực bắt đầu từ bản ngã bên trong - từ những mối quan tâm và tiềm năng vốn có, cùng khuynh hướng sinh vật hợp nhất những khía cạnh mới trong trải nghiệm của chúng ta. Khi bản ngã đích thực được bồi đắp và hoàn thiện, người ta sẽ phát triển một ý thức to lớn hơn về trách nhiệm. Ngoài nhu cầu cần có sự tự chủ, năng lực và sự kết nối, con người phát triển nên một ý thức sẵn lòng cho đi và hồi đáp lại những gì cần thiết trong mối quan hệ với người khác. Bằng cách hợp nhất những hành vi và giá trị như vậy, con người trở nên có trách nhiệm hơn, trong khi vẫn duy trì được ý thức về tự do cá nhân.
Nhưng quá trình hợp nhất và phát triển của bản ngã đích thực đòi hỏi phải thỏa mãn các nhu cầu của con người. Khi thế giới xã hội mà con người phát triển trong đó khuyến khích tự chủ - khi nó đặt ra những thử thách tối ưu cùng cơ hội lựa chọn và tự bắt đầu - thì bản ngã đích thực sẽ phát triển sum suê. Khi thế giới xã hội chấp nhận con người vì chính bản chất của họ, trao đi yêu thương khi họ khám phá môi trường bên trong và bên ngoài, thì bản ngã đích thực sẽ phát triển một cách tối ưu. Nhưng khi những nhu cầu này không được thỏa mãn, quá trình ấy sẽ bị cản trở. Sự phát triển của bản ngã đích thực đòi hỏi phải khuyến khích tự chủ - nó đòi hỏi sự chấp nhận và tình yêu không điều kiện.
Một trong những cách tiếp cận về kỷ luật thường thấy nhất trong xã hội hiện đại liên quan đến việc tạo ra điều khoản về tình yêu, sự chấp nhận và sự kính trọng - phụ thuộc vào hành xử của con người theo những cung cách nhất định. Cách tiếp cận triệt-tiêu-tình-yêu này chính là cơ sở cho một trong những khía cạnh bi kịch của cuộc sống, ấy là trong nhiều hoàn cảnh, người ở địa vị bề trên khiến cho sự tự chủ và sự kết nối quay lưng lại với nhau. Điều này không có nghĩa là các nhu cầu đối kháng nhau về bản chất, mà chỉ có nghĩa là thế giới xã hội có thể lợi dụng tính chất dễ bị tổn thương của con người trước việc bị kiểm soát - trước việc bị cướp mất quyền tự chủ - và trước nhu cầu kết nối với người khác. Việc khiến cho yêu thương trở thành có điều kiện là một trong những cách mang tính kiểm soát mà chúng ta có thể dùng với trẻ em (cũng như người cùng địa vị), bởi vì nó buộc họ từ bỏ quyền tự chủ để giữ lại tình yêu hoặc phải “sống như một hòn đảo cô độc”.
Nghiên cứu đã nhiều lần xác nhận rằng những bối cảnh mang tính kiểm soát làm suy yếu sự phát triển bằng cách đè nén sự hợp nhất và thúc đẩy sự nội nhập. Sự quản lý có điều kiện của tình yêu do đó đại diện cho một trường hợp khác về con người - các bậc cha mẹ đặc biệt nhất - chống lại chính bản thân họ. Khi buộc phải mang lấy trách nhiệm làm cho con cái cư xử sao cho đúng đắn, cha mẹ sử dụng sự triệt tiêu tình yêu thương, và trong quá trình này nó không chỉ cản trở sự nội hóa những điều lệ mà quan trọng hơn, nó còn gây trở ngại cho sự phát triển của bản ngã đích thực.
Việc trẻ em chấp nhận các giá trị, quy trình và quan niệm về bản thân chúng mà thế giới xã hội trao cho là chuyện hiển nhiên, nhưng khi những gì thế giới trao cho lại đi kèm với sự kiểm soát - khi việc nhận được yêu thương lại phụ thuộc vào việc chấp nhận các giá trị cũng như điều lệ của thế giới - trong tình huống lạc quan nhất, trẻ em sẽ chỉ nội nhập những thứ đó, nuốt trọn thay vì hợp nhất chúng vào việc phát triển bản ngã.
Chất liệu được nội nhập không phải là một phần của bản ngã đích thực hay đã được hợp nhất, mà thay vào đó là sự chịu đựng như những đòi hỏi cứng nhắc, những quan điểm và sự đánh giá vốn là cơ sở cho bản ngã giả tạo. Trong quyển The Drama of the Gifted Child (tạm dịch: Sự kịch tính của đứa con thiên tài), Alice Miller đã giải thích rằng bản ngã giả tạo phát triển khi trẻ em chấp nhận căn tính mà những người chăm sóc thích kiểm soát muốn chúng có. Trong khi nỗ lực làm cha mẹ hài lòng và nhận được tình yêu có điều kiện, trẻ em dần dần trực cảm rằng đó là những gì bản thân chúng muốn - những gì mà bọn trẻ hy vọng sẽ mang lại cho chúng tình yêu và tránh được sự quở trách của những bậc phụ huynh thích kiểm soát.
Những thứ được nội nhập có thể là nhân tố thúc đẩy mạnh mẽ, không ngừng thúc đẩy con người suy nghĩ, cảm nhận hay hành xử theo những cách cụ thể. Thế nhưng chúng cũng có vô vàn tác dụng phụ khác nhau minh chứng cho sự không thích nghi. Nội nhập có liên quan mật thiết với sự lo âu - con người sống trong nỗi sợ thất bại và sợ mất đi sự quý mến. Nó cũng đi kèm với một sự mâu thuẫn nội tâm dữ dội giữa những gì đã được nội hóa - mà chúng ta có thể bằng cách ẩn dụ coi đó là người kiểm soát, người luôn đòi hỏi, phỉnh phờ hay đánh giá - và cũng chính con người đó đang bị điều khiển và chỉ trích. Nội nhập là quá trình tạo điều kiện để bản ngã giả tạo xuất hiện - để một tập hợp các luật lệ và căn tính cứng nhắc xuất hiện - và là quá trình mà qua đó người ta có thể đánh mất sự kết nối với con người thật của họ.
Có lần, tôi trị liệu cho một anh chàng độ hai mươi tuổi - dong dỏng cao và ăn mặc bảo thủ với chiếc quần tây dệt kim và cà-vạt nhạt toẹt - tôi ngày càng nhận thấy anh ta vô hồn vô vía, mệt mỏi và giống như một con robot. Khi cuộc trị liệu tiến triển đến chỗ thảo luận về người cha độc đoán của chàng trai, tôi để ý thấy một biểu hiện cảm xúc ở chỉ một phần nhỏ của cơ thể anh: nắm tay phải siết chặt lại. Tôi đề nghị anh dùng nắm tay siết chặt đó đấm vào lòng bàn tay trái, và anh làm theo. Ngay lập tức, toàn bộ cơ thể anh ta đột ngột cứng đờ, khuôn mặt trở nên méo mó. Chính ý nghĩ rằng anh ta có thể đang đánh trả người cha, dù chỉ là tượng trưng, cũng đáng lo đến mức chàng trai trẻ gần như bị tê liệt.
Sự hoảng sợ và tê cứng dần qua đi và trong một giờ đồng hồ, anh chàng ít nhiều trở về gần như đúng với dáng vẻ trước khi tình huống xảy ra. Những gì anh ta nội nhập vẫn còn nguyên vẹn, gần như thể vụ việc chưa từng xảy ra. Quả thật, chàng trai trẻ thậm chí thấy khó có thể thảo luận về vụ việc trong suốt các buổi gặp sau đó, bởi vì việc có những suy nghĩ tức giận về cha khiến anh cảm thấy bản thân là một kẻ tồi tệ. Dù vậy, anh cũng đã lờ mờ nhìn thấy vấn đề của mình là gì và việc tiếp tục trị liệu giúp anh đối phó với cơn thịnh nộ về người cha. Nó thậm chí còn giúp anh hồi phục sức sống bẩm sinh của mình. Nhưng đó là một chặng đường chông gai. Mắc kẹt trong thói xấu bị cưỡng ép, chàng trai đã đánh mất ý thức về bản ngã đích thực và nó cũng cuốn theo động lực nội tại để sống của anh ta - tính hiếu kỳ, sự phấn đấu, táo bạo có thể truyền năng lượng cho trải nghiệm hằng ngày. May mắn thay, nỗ lực vượt qua đã giúp anh lấy lại được phần nào điều đó.
***
Việc sử dụng tình yêu và sự coi trọng có điều kiện như một phương tiện kiểm soát không chỉ thúc đẩy nội nhập mà nó còn gây ra hậu quả thậm chí đáng tiếc hơn khi nó dạy người ta coi trọng bản thân một cách có điều kiện. Cũng như họ từng phải đáp ứng với những yêu cầu từ bên ngoài để có được tình yêu và sự coi trọng của người khác thì lúc này họ cũng phải sống theo đúng những gì họ đã nội nhập để có được tình yêu và sự coi trọng từ chính bản thân. Khi thân chủ của tôi nổi giận với cha, anh ta cảm thấy mình là một con người không xứng đáng, và cảm xúc tự đánh giá có điều kiện đó đã tạo nên nguồn sức mạnh khổng lồ cho những sự nội nhập. Thật vậy, nó truyền cho chúng nhiều sức mạnh đến nỗi chúng khiến cho anh gần như tê liệt khi anh dám đứng lên chống lại chúng trong thoáng chốc.
Sự ràng buộc với cái tôi là thuật ngữ mà các nhà tâm lý học dùng để chỉ quá trình cảm giác về giá trị của con người phụ thuộc vào những kết quả cụ thể. Khi con người nắm giữ những sự nội nhập và những sự nội nhập đó càng trở nên vững chắc thêm bởi giá trị có điều kiện, thì con người được cho là bị cái tôi ràng buộc. Một người đàn ông bị cái tôi ràng buộc trong công việc nếu cảm giác về giá trị của anh ta phụ thuộc vào việc làm giàu được từ công việc đó, và một người phụ nữ bị cái tôi ràng buộc trong chuyện tập thể dục khi cảm giác về giá trị của cô phụ thuộc vào việc thắng một cuộc thi tại câu lạc bộ thể dục.
Ryan và các đồng sự của anh đã thực hiện nhiều nghiên cứu khám phá những ảnh hưởng của sự ràng buộc với cái tôi. Trong một thí nghiệm điển hình, một nhóm các đối tượng sẽ ràng buộc với cái tôi hoặc bị thúc đẩy bởi một sự đe dọa đến bản ngã, trong khi nhóm kia sẽ ràng buộc với nhiệm vụ hoặc được thúc đẩy bởi niềm say mê và giá trị của bản thân hoạt động. Các kết quả nghiên cứu chỉ ra một cách nhất quán rằng sự ràng buộc với cái tôi hủy hoại động lực nội tại dành cho nhiệm vụ và khiến các đối tượng báo cáo về áp lực, căng thẳng và lo lắng về phong độ thể hiện nhiều hơn.
Sự ràng buộc với cái tôi phát triển khi người ta được người khác coi trọng một cách có điều kiện, vậy nên nó liên quan chặt chẽ với việc nội nhập các giá trị và điều lệ. Khi lòng tự trọng xoay quanh kết quả thực hiện, con người sẽ đấu tranh để duy trì vẻ bề ngoài. Họ tự gây áp lực cho bản thân mình để xuất hiện theo một cách nào đó trước người khác nhằm có thể cảm thấy ổn về bản thân. Dĩ nhiên, điều này làm giảm đi niềm say mê và nhiệt huyết. Thực tế, nó ủng hộ bản ngã giả tạo và hủy hoại sự phát triển của bản ngã đích thực.
Khi bị ràng buộc với cái tôi, con người tập trung vào việc họ trông như thế nào trong mắt người khác nên họ cứ mãi phán xét cách bản thân thể hiện. Chẳng hạn như, một cô gái bị ràng buộc với cái tôi trong điểm số của mình sẽ cứ mãi nhìn ngó xem người khác làm bài kiểm tra thế nào để biết mình có đang làm “đủ tốt” hay không.
Nghiên cứu đã cho thấy rằng sự ràng buộc với cái tôi không chỉ làm suy yếu động lực nội tại, mà đúng như người ta dự đoán, nó còn hủy hoại việc học hỏi và sáng tạo, nó có xu hướng làm sụt giảm phong độ trong bất kỳ công việc nào đòi hỏi phải suy nghĩ và giải quyết vấn đề linh hoạt. Sự cứng nhắc của tình trạng ràng buộc với cái tôi gây trở ngại cho việc xử lý thông tin hiệu quả; chúng khiến con người trở nên nông cạn, thiển cận hơn trong cách suy nghĩ về các vấn đề.
Tóm lại, sự ràng buộc với cái tôi được hình thành trên một nhận thức hời hợt về bản ngã, và nó chống lại sự tự chủ. Để trở nên tự chủ - độc lập hơn, con người cần phải tách ra khỏi sự ràng buộc với cái tôi, họ phải dần dần từ bỏ chúng.
Mel Wearing, cầu thủ bóng chày nhà nghề của đội Rochester Red Wings, là một anh chàng mạnh mẽ và một tay đập bóng kỹ thuật cao. Khi anh ta mới vào đội, mọi người đều kỳ vọng anh sẽ thực hiện được một cú home run mỗi khi anh bước đến vị trí đánh bóng. Vấn đề là anh cũng kỳ vọng về chính bản thân mình như thế. Theo tính toán của riêng anh khi gia nhập Red Wings, anh cố tình gây ấn tượng với mọi người - đập bóng bay khỏi sân hết lần này đến lần khác. Anh nói mình đã nắm gậy quá chặt và vung tay quá mạnh. Vào đầu mỗi mùa giải, anh đều tự nhủ: “Đây sẽ là năm của mình!” và bản thân anh sẽ nỗ lực hơn nữa. Anh cố gắng dùng hết sức lực để làm điều này nhưng không hiệu quả. Màn trình diễn của anh rất đáng thất vọng, và anh cảm thấy bản thân mình thật tồi tệ.
Đến một năm nọ, cuối cùng anh đã nhận ra rằng sẽ tốt hơn nếu anh ngừng lo lắng, nếu anh không cố gắng quá sức, nếu anh ngừng gắn giá trị bản thân với việc trở thành cầu thủ chuyên nghiệp. Anh tự nhủ rằng tất cả những gì anh phải làm chỉ là gắn kết với quả bóng. Và không còn nghi ngờ gì nữa, càng ít nỗ lực thì anh càng làm tốt hơn. Anh bắt đầu từ bỏ tiềm năng của mình bởi vì anh ngừng cố gắng trở nên như vậy. Anh đã từ bỏ sự ràng buộc với cái tôi của mình. Tuy nghịch lý, nhưng nó lại đúng.
Charlotte Selver26 đã phát triển bài tập thực hành về nhận thức cảm giác. Nó là một cách tiếp cận cho phép các chức năng bên trong của một người, giúp người đó kết nối với con người thật sự của họ. Bà có rất nhiều học trò lỗi lạc - như các bác sĩ tâm thần học Erich Fromm, Fritz Perls và Clara Thompson - những người đã làm việc với bà để phát triển một nhận thức sâu hơn về sự bình yên bên trong và độ nhạy cảm cao hơn về những điều xung quanh họ. Có lần tôi nghe Charlotte nói thế này: “Nếu bạn dám béo lên, thì bạn có thể gầy đi”. Đúng là cách đơn giản để nói về một điều quá sâu sắc.
26 Charlotte Selver (1901-2003) là một nhà giáo dục âm nhạc người Đức. Bà nổi tiếng với phương pháp cảm nhận bằng các giác quan.
Bà đang nêu bật cuộc đấu tranh quyền lực đang tồn tại ở quá nhiều người, giữa những ràng buộc với cái tôi gây sức ép buộc họ phải gầy đi và một phần trong bản thân họ đang phản kháng vì bị áp lực. Bằng việc ép bản thân họ giảm cân với lời đe dọa rằng họ sẽ ghét bản thân mình nếu không làm vậy, người ta sẽ tạo ra sự kháng cự. Họ tự hủy hoại bản thân bằng việc tự gây sức ép lên chính mình rồi chống lại sức ép đó. Vì căm ghét những sự kiểm soát nội nhập, họ ngầm phá hoại bản thân mình. Muốn giảm cân - hoặc thay đổi bất kỳ hành vi nào khác vì vấn đề đó - người ta sẽ thành công hơn nếu bắt đầu từ bỏ sự ràng buộc với cái tôi của mình, nếu họ bắt đầu với việc để bản thân họ thoát khỏi sự đấu tranh quyền lực với những nội nhập và thoát khỏi sự tự hận thù không thể tránh khỏi kéo theo. Khi làm được điều đó, “thì họ có thể gầy đi”.
Hãy thử nghĩ về nó trên phương diện chủ nhân và nô lệ. Chủ nhân trong đầu bạn nghĩ rằng bạn nên gầy đi và ghét bạn vì bạn béo. Vậy nên chủ nhân đã chỉ trích và đe dọa, phỉnh phờ và lăng mạ. Không có gì ngạc nhiên, dù một phần trong bạn cố gắng làm chủ nhân hài lòng, nhưng một phần khác của bạn lại muốn thách thức, trả đũa chủ nhân. Tất nhiên chuyện trả đũa không hề khó thực hiện: chỉ cần cứ tiếp tục béo thôi. Vấn đề là chủ nhân cũng chính là bạn, nên phỉ nhổ chủ nhân chẳng khác nào phỉ nhổ chính bạn.
Cứ cho phép bản thân thất bại và bạn sẽ có thể thành công hơn. Đó là những gì Charlotte Selver nói, và cũng là những gì mà cuối cùng Mel Wearing đã nhận ra.
***
Nhận ra cách mà những sự nội nhập và sự ràng buộc với cái tôi thúc đẩy thông qua quá trình tự đánh giá có điều kiện về bản thân đã chỉ ra một sự thật vô cùng quan trọng rằng thật ra có hai kiểu tự trọng. Chúng tôi gọi chúng là tự trọng đích thực và tự trọng có điều kiện. Lòng tự trọng đích thực đại diện cho cảm giác ổn định và lành mạnh về bản thân, được xây dựng trên nền tảng vững chắc của việc tin vào giá trị của một người với tư cách con người. Nó đi kèm với một cái tôi đích thực phát triển mạnh, mà ở đó động lực nội tại được duy trì, những giới hạn và điều lệ từ bên ngoài được hợp nhất tốt, và quá trình cần thiết cho việc chỉnh đốn cảm xúc của một người được phát triển. Lòng tự trọng đích thực, do đó, đi kèm với tự do và trách nhiệm.
Tuy nhiên, tự trọng đích thực không có nghĩa là cho rằng bạn chẳng làm gì sai. Con người tự trọng đích thực ý thức được các hành vi đúng hay sai, bởi vì lòng tự trọng đích thực đi kèm với những giá trị và điều lệ đã hợp nhất. Những cá nhân như vậy đánh giá hành vi của họ, nhưng cảm xúc về giá trị của họ với tư cách con người không trôi nổi theo những đánh giá đó.
Tuy nhiên, còn có một kiểu tự trọng khác ít ổn định, ít chắc chắn hơn, dựa trên ý nghĩa nền tảng về giá trị. Nó hiện diện ở một vài hoàn cảnh nhưng biến mất ở những hoàn cảnh khác, khiến con người bị suy kiệt và tự giảm giá trị bản thân. Đây là lòng tự trọng có điều kiện. Khi con người bị gây sức ép và kiểm soát để đạt được những kết quả đặc biệt, lòng tự trọng của họ thường phụ thuộc vào cách những thứ đó diễn ra. Sự ràng buộc với cái tôi truyền sức mạnh cho con người bởi vì chúng đi kèm với lòng tự trọng có điều kiện. Nếu lòng tự trọng của một người đàn ông trôi nổi theo việc liên tiếp chốt được những vụ giao dịch lớn - nhất là lớn hơn những giao dịch của đồng nghiệp anh ta - và nếu anh ta cứ không ngừng thành công, theo lẽ thường, anh ta sẽ cảm thấy bản thân mình khá ổn. Thế nhưng những cảm xúc đó lại chóng tàn hơn thực tế. Chúng có dáng vẻ của sự tự thêu dệt - của một cái tôi lớn, có thể nói vậy - thay vì ý thức vững chắc về bản ngã, và chúng có xu hướng được định hình bằng cách trở nên giỏi hơn những người khác thay vì đơn giản là giỏi và xứng đáng như những người khác.
Người tự trọng đích thực có thể tôn trọng và chấp nhận điểm yếu của người khác hơn là phán xét và phản đối chúng. Có lần tôi nghe Elie Wiesel, người thắng giải Nobel Hòa bình, nói rằng: “Tôi ở đây để trình bày như một nhân chứng, không phải để phán xét như một thẩm phán”. Dĩ nhiên, phần lớn những gì ông mô tả trong các trang viết của mình về Holocaust (cuộc diệt chủng người Do Thái do phát xít Đức gây ra) lại khá khủng khiếp về mặt tinh thần, và ông chắc chắn lấy làm tiếc về điều đó nhưng bình luận của ông lại tập trung vào tiềm năng con người, vào những gì tốt đẹp và khả thi cho mỗi chúng ta. Ông nói tiếp: “Tôi có hy vọng, bởi vì chẳng còn khả năng nào khác cho cuộc đời này”. Đúng là những lời lẽ của một người có lòng tự trọng đích thực.
Vô số tác phẩm nổi tiếng đã tán dương tầm quan trọng của sự tự trọng cao, nhưng việc họ không phân biệt được giữa tự trọng đích thực và tự trọng có điều kiện đã dẫn tới những mệnh lệnh có vấn đề. Các tác giả khuyên phụ huynh, giáo viên và bạn bè nên tán dương người khác - để nhắc họ nhớ họ là những người tốt như thế nào. Dĩ nhiên, truyền cho người khác niềm tin của bạn khi họ xứng đáng thì quả là cao cả, nhưng tán dương thì không nhất thiết. Thật ra, nó có thể gây phản tác dụng nếu được truyền tải có điều kiện.
Carl Rogers ủng hộ những gì mà ông gọi là sự tôn trọng tích cực vô điều kiện. Về bản chất, ông đề xuất rằng sự quý mến từ người khác (và quan trọng nhất là từ chính chúng ta) là quyền không thể chuyển nhượng. Nhưng tán dương thì thường sẽ khác. Nhìn chung, nó sẽ đi kèm điều kiện đạt điểm A trong một kỳ thi, ăn hết số rau củ đó, hay dọn phòng. Thông điệp tiềm ẩn của nó chính là bạn không xứng đáng nếu không hoàn thành mục tiêu.
Rủi ro của sự tán dương là nó ủng hộ tự trọng có điều kiện hơn là tự trọng đích thực, và trong cả quá trình nó sẽ củng cố động lực mang tính kiểm soát mà ở đó con người trở nên phụ thuộc vào những lời khen. Khi đó họ sẽ hành xử sao để được khen nhiều hơn, nhờ vậy họ sẽ cảm thấy mình có giá trị - dù chỉ trong một khắc. Và khi làm như vậy, họ càng bào mòn quyền tự chủ hơn nữa.
***
Mối quan hệ quan trọng nhất trong cuộc đời của nhiều người là một mối quan hệ ngang hàng đặc biệt, thường với một người bạn đời nhưng cũng có khi với một người bạn thân nhất. Đó là người để bạn hướng về, là người để bạn dựa vào và là người hỗ trợ bạn. Đó là người sẽ lắng nghe bạn, là người hiểu bạn khi không ai khác hiểu bạn. Nhưng đó cũng là người bạn phải cho đi, là người bạn phải chu toàn, là người bạn phải lắng nghe và phải thấu hiểu. Mối quan hệ quan trọng nhất của cuộc đời nhiều người chính là mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau. Nó là mối quan hệ cho phép người ta thỏa mãn nhu cầu kết nối bằng cách phụ thuộc vào những người cũng phụ thuộc vào họ.
Những mối quan hệ như vậy là rất cần thiết và nhiều người xây dựng cuộc sống của mình xung quanh chúng. Nhưng trong lúc xem xét một mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau, có một câu hỏi khá quan trọng là giữa sự phụ thuộc lẫn nhau đó có tồn tại sự tự chủ chung - và khuyến khích tự chủ chung hay không. Với những người yêu nhau, khuyến khích tự chủ là một con đường hai chiều.
Đặc tính của những mối quan hệ trưởng thành và mãn nguyện nhất chính là bản ngã đích thực của một người gắn kết được với bản ngã đích thực của một người khác. Mỗi người đều phụ thuộc vào người còn lại, nhưng mỗi người đều duy trì quyền tự chủ, sự hợp nhất, hay ý thức về bản ngã của mình. Chừng nào mỗi người còn ở trong mối quan hệ một cách tự chủ, với ý thức đúng đắn về sự lựa chọn, thì mối quan hệ đó còn lành mạnh, mỗi người sẽ có thể hồi đáp đối phương bằng bản ngã đích thực của mình, có thể ủng hộ cá tính và khí chất của người kia.
Nhà tâm lý học Marc Blais, Robert Vallerand và các đồng sự tại Đại học Quebec ở Montreal đã tiến hành một nghiên cứu để tìm ra lý do tại sao con người lại tham gia vào các mối quan hệ tình cảm hiện tại. Họ đã chỉnh sửa “bảng hỏi tự điều chỉnh hành vi” của Ryan và Connell để đánh giá xem động lực nào của con người, trong việc duy trì mối quan hệ, là tự chủ - tức là họ duy trì mối quan hệ với ý thức thật sự về sự lựa chọn và khát khao cá nhân hơn là cảm thấy bị áp lực hay kiểm soát ở mức độ nào. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng quyền tự chủ của mỗi người là thứ cần thiết cho hạnh phúc lứa đôi. Những người tự chủ trong việc gắn kết với bạn đời của họ cho thấy mức độ mãn nguyện cao nhất trong mối quan hệ. Tuy nhiên, nhiều người tham gia cuộc nghiên cứu lại không hề tự chủ, mà thay vào đó là cảm thấy hoàn toàn bị kiểm soát. Những người này không cảm thấy tự do trong mối quan hệ ấy. Họ gắn kết với bạn đời của mình vì nghĩa vụ. Trong những mối quan hệ kiểu này, bản ngã đích thực của hai người không gắn kết được với nhau.
Có lần, một thân chủ gọi đến văn phòng của tôi để hẹn gặp buổi đầu tiên, cho biết tên của bà là “bà Cutlass27”. Khi đến khám bệnh, bà tự giới thiệu mình là “bà Cutlass” và cứ mỗi lần sau đó bà lại xác nhận danh tính của mình - qua điện thoại hoặc trực tiếp - rằng đây là “bà Cutlass”. Bà đặt hẹn đến trị liệu vì đã đánh chồng mình bằng một thanh củi, và sự cố này khiến bà cực kỳ hoảng loạn. (Tôi ngờ rằng cũng chỉ hơi hoảng một chút thôi.) Bà nói rằng trong vài tuần qua, thỉnh thoảng bà lại nổi giận với chồng mà chẳng vì nguyên do đặc biệt nào. Sự giận dữ này khiến bà rất bối rối. Trong suốt hai mươi tám năm hôn nhân, bà chưa bao giờ cảm thấy như thế.
27 Nguyên văn: “Mrs. Cutlass”, tức là bà muốn nhấn mạnh mình đã có chồng và dùng họ của chồng.
Bà Cutlass đã kết hôn ngay sau khi rời trường đại học và xây dựng một gia đình chỉ trong vài năm. Bà là một người nội trợ và một người mẹ kiểu mẫu. Bà phục dịch mọi nhu cầu của chồng không chút do dự, lúc nào cũng đặt chúng trên nhu cầu của bản thân mình. Đồng thời, bà cũng tận tụy với mọi mong muốn của ba đứa con, mà đứa nhỏ nhất cũng vừa tốt nghiệp đại học. Bà lái xe đưa chúng đi tập bóng đá và học nhạc, bà là một huynh trưởng hướng đạo, bà hỗ trợ các sự kiện khác nhau ở nhà thờ và trường học.
Tôi chắc rằng bạn bè của bà đều nghĩ bà yêu chồng rất nhiều, rằng bà là một người vợ tận tụy và đầy yêu thương. Ở một khía cạnh nào đó thì đúng là như vậy. Thế nhưng đây là một tình yêu mất cân bằng. Bà ủng hộ mọi nỗ lực của chồng, cho ông tất cả những gì ông cần. Trong những buổi trị liệu đó, khi tôi hỏi rằng bà muốn điều gì cho bản thân từ mối quan hệ này, hay từ cuộc sống nói chung, thì bà không nghĩ ra được bất cứ điều gì. Bà ấy muốn là một người vợ thảo và là một người mẹ hiền, chắc chắn là thế, và bà muốn người khác nghĩ tốt về cách bà thể hiện những vai trò đó, nhưng có vẻ bà chẳng muốn gì cho bản thân mình cả.
Bà có thể thừa nhận rằng dường như có một lỗ hổng lớn trong cuộc sống hiện tại, rằng con cái không cần bà nữa, còn bà thì không thể xác định xem mình có khát vọng gì. Bà không thể nói ra bất kỳ mong muốn ngắn hạn nào, như dành chút thời gian cho mình để vẽ vời, hay muốn chồng để tâm đến những cảm xúc của bà hơn. Bà cũng không thể chỉ rõ những khát khao dài hạn, như bắt đầu một sự nghiệp hay tìm thứ gì đó để cống hiến hết mình cho nó.
Tôi nghĩ chính việc bà tự giới thiệu mình là “bà Cutlass” đã nói lên rất nhiều điều. Bà là thân chủ duy nhất tôi nhớ được không dùng cả họ lẫn tên thật khi tự giới thiệu. Cứ như thể bà không có danh tính riêng vậy.
Bà Cutlass là vợ của ông Cutlass, và đương nhiên là mẹ của các con ông. Bà là bà Cutlass theo nghĩa là người ở vị thế bề dưới, và trong suốt hai mươi tám năm, bà ấy đã nghĩ như vậy là đủ. Nhưng dường như có gì đó đang diễn ra. Bà Cutlass không còn thấy đủ nữa, dù phải mất tận vài tháng bà mới nhận ra điều đó và chấp nhận việc bà đánh chồng có liên quan đến vấn đề này. Cơn giận, mất hai mươi tám năm để thể hiện ra bên ngoài, bắt nguồn từ việc danh tính của bà bị gộp vào danh tính của chồng.
Dĩ nhiên, cuối cùng bà mới chính là người chịu trách nhiệm cho việc bản ngã của mình bị khuất phục, mặc dù rõ ràng chồng bà cũng có góp phần. Và nhận thức rõ này là điểm khởi đầu để tìm ra bà muốn gì cho bản thân mình và làm thế nào có thể đạt được điều đó. Khi dần nhận thức rõ hơn về mong muốn, nhu cầu và cảm xúc của bản thân, bà đứng ở vị thế có thể biểu hiện và thỏa mãn chúng. Dần dần, bà cố gắng thay đổi mối quan hệ với chồng bằng cách xác định xem mình muốn gì trong mối quan hệ đó và thương thảo để có được nó.
Những mối quan hệ trưởng thành có đặc trưng là sự tương tác cởi mở giữa hai cá nhân, không bị cản trở bởi sự ràng buộc với cái tôi, những đánh giá nội nhập hay sự tự phản kháng. Trong những mối quan hệ thân thiết, trưởng thành, mỗi bên đều tự chủ và mỗi bên đều ủng hộ quyền tự chủ của bên còn lại.
Trong những mối quan hệ như vậy, mỗi bên đều có thể cho đi mà không mong nhận lại và không gán ghép nghĩa vụ gì cho bên kia. Sự cho đi xuất phát từ bản ngã đích thực, và do đó con người trải nghiệm việc muốn cho đi. Nó không phải là kiểu cho đi như của bà Cutlass, vì sự cho đi của bà đến từ một loạt những niềm tin được nội nhập về việc bà nên cư xử như một người vợ, người mẹ như thế nào, hơn là từ một bản ngã đã được hợp nhất. Mặc dù bà là một người vợ, người mẹ đầy tình thương, đã làm rất nhiều điều tốt đẹp cho người khác, nhưng sự cho đi của bà là cái giá của ý thức cứng nhắc về bản ngã của bản thân.
Khi hai người đang gắn kết nhau một cách trưởng thành, mỗi người có thể hỏi người kia xem họ muốn hay cần những gì, với niềm tin tuyệt đối rằng đối phương sẽ nói “không” nếu không muốn cho đi. Cũng như sự cho đi không dệt nên những kỳ vọng và sự nhận lại không tạo ra nghĩa vụ nào, trong những mối quan hệ tối ưu, việc yêu cầu điều gì đó từ bên kia không đi kèm kỳ vọng nhận được nó và cũng không hình thành nghĩa vụ người kia phải cho đi. Trong những mối quan hệ trưởng thành này, con người tự do cho đi và tự do từ chối cho đi. Có một sự cân bằng giữa việc có được thứ mà người ta cần cho bản thân và cho người khác. Việc cho đi không phải trả giá bằng bản ngã của một người, thay vào đó nó phải được bản ngã tán thành hoàn toàn.
Trong các mối quan hệ như thế, mỗi bên đều có thể biểu hiện cảm xúc của mình một cách tự do và có thể lắng nghe cảm xúc của người kia mà không cần đề phòng. Chẳng hạn, khi một người đàn ông nói với bạn đời của mình rằng: “Anh đang giận em”, anh ta sẽ nhận thức rõ rằng nó không nhất thiết phải có nghĩa là bạn đời của anh đã làm gì sai. Thay vào đó, nó có nghĩa là anh ta không có được những gì mình muốn. Việc nhận ra cảm xúc rất quan trọng cho sự phát triển và hoạt động của bản ngã đích thực, và việc giao tiếp với chúng rất quan trọng cho mức độ thân thiết trong mối quan hệ. Nhưng khi con người “nắm giữ” được chúng, khi con người hiểu rằng những cảm xúc đó được tạo nên bởi sự liên kết giữa các sự kiện với mong muốn, nhu cầu và kỳ vọng của riêng họ, họ sẽ có thể biểu hiện cảm xúc của mình theo hướng mang tính xây dựng chứ không bị cuốn vào sự công kích. Nó cũng cho phép con người nghĩ về cách có được những gì họ muốn hay cần mà không nhất thiết phải đòi hỏi đối phương thay đổi.
Chẳng dễ gì lắng nghe những lời giận dữ của người khác mà không đề phòng, nhưng nếu một bên càng có khả năng làm chủ cơn giận, thì bên còn lại sẽ càng có khả năng lắng nghe nó. Bằng việc làm chủ cảm xúc và chia sẻ chúng với người khác, hai người sẽ trở nên gần gũi nhau hơn.
Trong quyển sách cực kỳ nổi tiếng The Art of Loving (tạm dịch: Nghệ thuật yêu), Erich Fromm đã chỉ ra rằng yêu một người là công việc rất khó khăn. Điều thật sự khó khăn trong tình yêu chính là phải giải phóng bản thân bạn khỏi những nội nhập, sự cứng nhắc, đổ lỗi và tự xúc phạm bản thân, những thứ vốn ngăn cản khả năng kết nối một cách chân thành bằng bản ngã đích thực của bạn. Điều gây khó khăn chính là phải đủ tự do về mặt tâm lý để tạo ra sự gắn kết chân thật.