Chỉ mới nửa thế kỷ trôi qua kể từ khi Chiến tranh Thế giới thứ hai kết thúc28, và con người bắt đầu dễ dàng ngủ quên với giấc mơ Mỹ nhảy múa trong tâm trí họ. Sự phồn vinh nằm ở phía trước dành cho tất cả và con người tự tin rằng chỉ cần siêng năng làm việc, họ sẽ có thể nhàn rỗi và xa hoa như trong giấc mơ đó. Sau tất cả, xã hội của chúng ta là một xã hội ưu ái sự tự lực. Những ai sở hữu các công cụ sản xuất và sử dụng chúng một cách hiệu quả sẽ làm nên sự thịnh vượng, còn những ai không có lợi thế sở hữu dù sao cũng có thể thoải mái nếu họ làm việc cật lực và quy phục trước uy quyền của chủ sở hữu.
28 Tính vào lần xuất bản đầu tiên của cuốn sách (năm 1995).
Giấc mơ Mỹ là nguồn sức mạnh tạo động lực cho nhiều người, và sự thừa nhận những gì Charles Reich gọi là cơ sở chung về việc tin rằng có những cách cụ thể mà mọi thứ “nên được hoàn thành” chính là phương tiện để đạt được ước mơ. Vậy nên người ta tích cực sống một cuộc đời lành mạnh chăm chỉ làm việc. Không may, giấc mơ đó không trở thành hiện thực với hầu hết mọi người. Ít nhất là không giống những gì họ đã mơ. Con người giờ đây làm việc nhiều hơn hồi thập niên 1950 - trung bình nhiều hơn gần một giờ mỗi ngày. Những gia đình có thu nhập kép trở thành tiêu chuẩn, vì vậy mà ban ngày không có một ai ở nhà, khi đó thời gian không làm việc thường bị những đứa con và việc vặt trong nhà nuốt chửng. Chỉ còn lại một ít thời gian để nghỉ ngơi và sự xa hoa không thể nào trở thành hiện thực. Nhiều gia đình có hai chiếc xe hơi, một người dọn dẹp, một máy điện thoại và một đầu máy chiếu video, nhưng thay vì tạo ra cảm giác xa xỉ thì những thứ này trở thành nhu cầu tất yếu để đối mặt với sự căng thẳng của một cuộc sống được mở rộng quá mức.
Dù vậy, ngoại trừ thập niên 1960 ngắn ngủi, đa phần mọi người đều đầu tư vào giấc mơ Mỹ, tiếp tục hy vọng rằng một ngày nào đó, cuộc sống tươi đẹp - như cuộc sống của Julia Roberts, Michael Jordan, hay Barbra Streisand29 - có thể sẽ là của họ. Và kể cả khi phép màu đó không xảy ra, thì sự cống hiến nhiệt huyết cho công việc ít nhất cũng có thể mang lại cho họ một chiếc xe RV xịn hay căn hộ cao cấp ở Florida, cùng với khả năng cho con theo học một trường đại học tốt.
29 Diễn viên Julia Roberts, vận động viên bóng rổ Michael Jordan và ca sĩ Barbra Streisand đều là những người nổi tiếng ở Mỹ lúc bấy giờ.
Tôi nhớ về người đàn ông trong một nhóm trị liệu nhiều năm về trước, một nhân viên kinh doanh cực kỳ thành công mà tôi sẽ gọi là Kevin Jacobs. Một người đàn ông quãng giữa độ bốn mươi, ăn vận đẹp và khéo ăn khéo nói, là người chồng hạnh phúc viên mãn và là cha của ba đứa con tuổi thiếu niên. Cả gia đình anh có một cuộc sống đô thị hấp dẫn, các con được học trường tư và có mọi biểu hiện cho thấy họ đã chạm đến được phiên bản vừa phải của Giấc mơ Mỹ. Kevin tham gia trị liệu vì anh ngủ không ngon suốt vài tháng qua và cảm thấy những cơn co thắt khó chịu ở lồng ngực. Hàng loạt buổi khám cùng rất nhiều xét nghiệm lâm sàng cho thấy anh không có vấn đề gì về sức khỏe, thế nhưng tình trạng khó chịu vẫn không dứt.
Quá trình trị liệu cho Kevin bắt đầu một cách chậm rãi khi anh chia sẻ mọi thứ đang diễn ra với anh tốt đẹp như thế nào. Nhưng rồi đến một thời điểm, khi đang nói về con trai mình - đứa con giữa - anh bỗng tái nhợt. Mắt anh rơm rớm và anh không nói nên lời. Như thể nỗi phiền muộn sâu sắc bất chợt ập đến anh trong thoáng chốc. Anh lo lắng cực độ, nhưng rồi dần dần cũng có thể nói về dòng suy nghĩ vốn đã bắt đầu từ biến cố định mệnh đó. Khi đã bắt đầu cởi mở, nỗi lo âu liền tan biến và anh có thể bắt đầu lên kế hoạch cho những thay đổi có ý nghĩa trong cuộc sống.
Ký ức đã kích hoạt toàn bộ chuyện này chính là về con trai anh. Năm sáu tuổi, cậu bé vào lớp một trường tư và tham gia một vở kịch ở trường. Cậu đã rất hào hứng và cả gia đình đều trông đợi sự kiện đó. Nhưng đúng buổi tối thứ Sáu, khi con trai anh đang đứng trên sân khấu, thì anh vẫn còn đang đổi chuyến bay ở sân bay O’Hare, trên đường trở về nhà sau một hội nghị kinh doanh. Ký ức đó là về nỗi thất vọng của con trai khi anh bảo cậu bé rằng có lẽ anh sẽ phải bỏ lỡ buổi kịch.
Ngày nay, những biến cố như vậy rất phổ biến, khi công việc có quá nhiều thứ buộc chúng ta phải rời khỏi thành phố và trói chân chúng ta đến tận tối mịt. Vốn chỉ là một biến cố mà thôi, rõ ràng nó không đến mức quá quan trọng như thế đối với Kevin và con trai anh. Nhưng nó lại không phải chỉ là một biến cố. Nó là biểu tượng cho việc Kevin đã dành ưu tiên hàng đầu cho sự nghiệp suốt hai mươi năm. Trong suốt hai mươi năm trời, anh dành nhiều tuần làm việc sáu mươi đến bảy mươi giờ đồng hồ để luôn là một trụ cột vững vàng, để cho gia đình anh một Giấc mơ Mỹ. Thế rồi đột nhiên, hóa ra anh (cũng như nhiều người cha khác trong những khoảnh khắc buồn bã vô cùng như vậy) không thật sự là một phần của gia đình trong suốt quá trình đó. Con của anh đều đến tuổi thiếu niên và anh ta đã không nhìn thấy chúng trưởng thành.
Trong những tháng ngày tiếp theo, Kevin đã thực hiện vài thay đổi. Anh sắp xếp lại thứ tự ưu tiên của mình. Anh rút ngắn thời gian làm việc và để tâm vào việc vun đắp cho mối quan hệ với vợ và các con. Điều đó không hoàn toàn suôn sẻ nhưng đại để nó cũng là một kết cục có hậu. Anh không phải trải qua những chuyện như ly hôn hay vài sự kiện đau buồn khác - như rất nhiều người đã gặp phải - trước khi kịp nhận ra điều gì mới thật sự quan trọng với mình.
Và khác biệt thật sự ở đây là gì? Anh ta có thể đạt được sự cân bằng trong việc thỏa mãn những nhu cầu căn bản của bản thân. Anh ta luôn cảm thấy mình khá có ích trong công việc nên nhu cầu có năng lực đã được thỏa mãn. Nhưng giờ đây, các mối quan hệ của anh đang trở nên sâu sắc hơn, nên anh trải nghiệm sự thỏa mãn toàn diện hơn với nhu cầu được kết nối. Thêm nữa, anh cảm thấy tự chủ hơn, cảm thấy bản thân đang thật sự được tự lựa chọn nhiều hơn trong mọi lĩnh vực của cuộc sống. Anh không còn bị cuốn vào công việc nữa.
Chắc chắn rằng Giấc mơ Mỹ, cùng với sự nhấn mạnh của nó vào chủ nghĩa vật chất, là một tác nhân thúc đẩy có sức thuyết phục mạnh mẽ. Nó trói buộc Kevin với bàn làm việc trong suốt hai mươi năm. Và nó cho phép các con anh theo đuổi những xu hướng thời trang giày thể thao thay đổi liên tục. Thế nhưng nó khiến cho Kevin và gia đình anh phải trả giá đắt về sự thỏa mãn cá nhân. Thật đáng ngại khi biết hiện tượng này - những hậu quả tiêu cực của giấc mơ Mỹ - phổ biến đến thế nào.
Quan niệm về chủ nghĩa vật chất đã được thảo luận một cách rộng rãi và tranh luận sôi nổi. Một mặt, các nhà chính trị và kinh tế học kêu gọi chi tiêu nhiều hơn để thúc đẩy GNP (tổng sản phẩm quốc dân), nhưng mặt khác, các nhà phê bình và tâm lý học như Paul Wachtel lại tranh cãi rằng sự giàu có làm tâm hồn nghèo nàn. Mãi gần đây, các dữ liệu tâm lý học mới bắt đầu làm sáng tỏ cuộc tranh cãi này. Richard Ryan và cựu học viên cao học Tim Kasser đã thu thập các dữ liệu liên quan từ hàng trăm đối tượng - sinh viên đại học và những người trưởng thành trong mọi độ tuổi với nhiều tình trạng kinh tế - xã hội khác nhau.
Các nhà nghiên cứu tập trung vào sáu loại khát vọng. Ba trong số đó là những gì chúng ta gọi là khát vọng bên ngoài - thứ tạo thành Giấc mơ Mỹ. Chúng là khát vọng được giàu sang, nổi tiếng và có ngoại hình quyến rũ. Chúng là những khát vọng mà kết quả mong muốn là công cụ cho những mục đích khác. Tiền mang lại quyền lực và sự sở hữu vật chất. Danh vọng mở ra nhiều cánh cửa và có thể dẫn ta đến một cơn mưa quà tặng. Một hình ảnh đẹp cho ta những lựa chọn như người tình quyến rũ, cơ hội tiếp thị và được chú ý không ngừng.
Trái lại, ba khát vọng còn lại được gọi là những khát vọng bên trong, bởi vì chúng cho ta phần thưởng của riêng chúng và giúp ta thỏa mãn nhu cầu bẩm sinh là có được năng lực, tự chủ và sự kết nối. Ba khát vọng đó là: có được các mối quan hệ cá nhân thỏa mãn, đóng góp cho cộng đồng và trưởng thành như những cá nhân. Đương nhiên, cũng có khả năng một mối quan hệ cá nhân thỏa mãn với một người có sức ảnh hưởng sẽ mở ra những cánh cửa và việc đóng góp cho cộng đồng sẽ mang lại sự tung hô, vậy nên những khát vọng bên trong cũng có thể có những lợi thế mang tính phương tiện. Thế nhưng những khát vọng bên trong thật sự rất khác so với những khát vọng bên ngoài; chúng mang lại sự thỏa mãn theo cách riêng. Con người cảm nhận được sự thỏa mãn cá nhân đáng kể nhờ ba kết quả bên trong, dù chúng có dẫn họ đến những kết cục khác hay không.
Tất cả sáu khát vọng này đều là những khát vọng mà hầu hết chúng ta đang nắm giữ, thậm chí khát vọng bên ngoài như thành công về tài chính cũng quan trọng - ít nhất là ở một mức độ nào đó - để sống một cuộc đời viên mãn. Không thể chối cãi rằng việc muốn sở hữu một mảnh đất nhỏ để cư ngụ, tìm kiếm thức ăn, chăm sóc y tế và vài thú vui thẩm mỹ cho bản thân bạn cùng gia đình là hoàn toàn hợp lý. Nhưng những gì các nhà nghiên cứu quan tâm chủ yếu là những thứ xảy ra khi khát khao của con người cho một hay nhiều mục tiêu sống này mất cân bằng với những cái khác.
Trong nghiên cứu, các cá nhân đánh giá tầm quan trọng của mỗi khát vọng sống trong số này đối với bản thân họ. Bằng một phương pháp thống kê phức tạp, Ryan đã chỉ rõ mức độ mà khao khát của các cá nhân dành cho một mục tiêu mất cân bằng với những mục tiêu khác. Chẳng hạn như, nếu Kevin Jacobs hoàn thành bảng hỏi trước khi tham gia quá trình trị liệu, thì chắc chắn khao khát thành công về mặt vật chất của anh ta sẽ mất cân bằng với khát vọng đóng góp cho cộng đồng và các mối quan hệ cá nhân.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng nếu bất kỳ khát vọng nào trong số ba khát vọng bên ngoài - tiền bạc, danh vọng hay sắc đẹp - quá cao so với ba khát vọng bên trong, cá nhân đó cũng có khả năng biểu hiện sức khỏe tinh thần nghèo nàn hơn. Chẳng hạn, một nhà tâm lý học lâm sàng đã được đào tạo sẽ đánh giá rằng việc có một khát vọng mãnh liệt bất thường dành cho thành công về vật chất gắn liền với hội chứng tự yêu mình, lo âu, trầm cảm, và chức năng xã hội nghèo nàn hơn. Những khát vọng bên ngoài khác cũng gắn liền với những chỉ số chức năng tâm lý kém hơn. Ngược lại, những khát vọng mãnh liệt cho bất kỳ mục tiêu nội tại nào - các mối quan hệ ý nghĩa, sự phát triển cá nhân và những đóng góp cộng đồng - đều liên kết một cách tích cực với hạnh phúc. Chẳng hạn, những người khao khát cháy bỏng được đóng góp cho cộng đồng sẽ có sức sống và lòng tự trọng cao hơn. Khi con người tổ chức hành vi của họ trên phương diện những đấu tranh nội tâm (so với những đấu tranh bên ngoài) họ dường như hài lòng hơn - họ cảm thấy ổn hơn về con người họ và biểu hiện sức khỏe tâm lý rõ ràng hơn.
Một phần khó khăn do những khát vọng bên ngoài như giàu có và danh vọng tạo ra chính là con người sợ họ sẽ không bao giờ có thể đạt được chúng, và một số nhà tâm lý học đã đặt ra giả thuyết rằng những kỳ vọng tiêu cực này là thứ gây nên sự khổ sở. Nếu con người quá coi trọng việc đạt được bất cứ mục tiêu nào và tin rằng họ sẽ không thể nào chạm đến mục tiêu đó, thì họ sẽ cảm thấy không hạnh phúc và có lẽ sẽ tuyệt vọng. Tôi biết một nhà soạn kịch trẻ đã làm việc chăm chỉ suốt hai, ba năm trời để viết một vở kịch về những căng thẳng và hỗn loạn trong cuộc sống gia đình. Vở kịch thực chất chính là tự truyện và anh ta được các tác giả cùng những người làm trong ngành sân khấu phản hồi tích cực đến mức anh ta kỳ vọng rất nhiều rằng nó sẽ thành công ở nhà hát địa phương, rồi sau đó là ở cả Great White Way. Điều đáng chú ý là tâm trạng và thái độ chung của anh ta gắn chặt với sự phát triển của vở kịch. Khi một điều gì đó tích cực xảy ra, anh ta hăm hở và mơ về một đêm diễn mở màn rực rỡ, nhưng khi vô tình gặp phải một trở ngại, những kỳ vọng của anh ta rơi vỡ và anh ta trở nên tuyệt vọng. Với mục tiêu chắc chắn, những niềm tin tiêu cực của anh ta về khả năng đạt được mục tiêu đó báo trước tình trạng khổ sở.
Trong nghiên cứu về những khát vọng sống, Kasser và Ryan đã yêu cầu các đối tượng trả lời báo cáo niềm tin của họ về khả năng đạt được mỗi một mục tiêu trong số ba mục tiêu bên trong và ba mục tiêu bên ngoài là bao nhiêu. Hãy nhớ lại phát hiện đầu tiên đã chỉ ra rằng nếu con người quá tha thiết với những mục tiêu bên ngoài, họ sẽ có sức khỏe tinh thần yếu ớt. Phát hiện quan trọng thứ hai là ngay cả khi các đối tượng trả lời nghĩ rằng cơ hội đạt được những mục tiêu bên ngoài cao, thì họ vẫn cho thấy sức khỏe tinh thần yếu kém. Dù việc ấp ủ những khát vọng bên ngoài và tin rằng mình không thể đạt được chúng chắc chắn sẽ khiến con người mắc chứng khó tiêu, nhưng phát hiện ít hiển nhiên và nhiều sắc sảo hơn từ nghiên cứu này lại cho thấy rằng việc giữ chặt lấy những nguyện vọng bên ngoài và tuyệt đối tin rằng họ sẽ có thể đạt được chúng cũng gắn liền với sức khỏe tâm lý yếu hơn. Dự báo quan trọng cho hạnh phúc của một cá nhân liên quan nhiều tới kiểu khát vọng mà họ ôm ấp hơn là những mong đợi của họ về việc đạt được khát vọng ấy.
Những nghiên cứu này đã mang lại một khía cạnh mới cho nghiên cứu về sự tự chủ cá nhân. Trong khi các nghiên cứu trước đó tập trung vào những vấn đề như chất lượng trải nghiệm và phong độ thể hiện của một người, thì những nghiên cứu này vẽ ra sự liên kết trực tiếp giữa các kiểu động lực và sức khỏe tinh thần cá nhân. Dường như những người khỏe mạnh nhất tập trung vào việc phát triển các mối quan hệ cá nhân khiến họ thỏa mãn, trưởng thành như những cá nhân, và đóng góp cho cộng đồng của họ. Chắc chắn họ cũng mong mỏi thành công về mặt tài chính đủ để sống một cách thoải mái. Thế nhưng sự giàu có, danh vọng lẫn sắc đẹp không chiếm một phần quá lớn trong ý thức của những người này như cách mà chúng chi phối trải nghiệm của những cá nhân kém ổn định về mặt tâm lý hơn.
Ẩn dưới việc đặt nặng vào các mục tiêu bên ngoài chính là sự ảnh hưởng có ít ý nghĩa đối với bản ngã của một người. Những mục tiêu bên ngoài đó khiến ta chú ý đến những gì họ có hơn là con người thật sự của họ. Chúng tạo thành vẻ bề ngoài, một nhân cách bắt nguồn từ xã hội không có nền tảng vững chắc. Khi không có cảm giác vô cùng hài lòng, không đạt được sự thỏa mãn những nhu cầu nội tại của bản thân, con người bắt đầu khao khát những mục tiêu nông cạn hơn.
Những khát vọng bên ngoài quá mãnh liệt, do đó, có thể được hiểu như đang thể hiện những khía cạnh của bản ngã giả tạo. Chúng có sức mạnh bởi vì lòng tự trọng có điều kiện của con người phụ thuộc vào việc đạt được những mục tiêu. Khi con người phải không ngừng chịu đựng tình yêu và sự tôn trọng có điều kiện, đặc biệt khi họ còn trẻ, họ học cách tìm kiếm những tiêu chuẩn bên ngoài, coi đó là cơ sở để phán xét giá trị của họ - ban đầu là những thứ cha mẹ họ cho rằng cần thiết và sau đó đến những gì mà xã hội tuyệt đối và kiên quyết tán thành. Trong quá trình phát triển định hướng về những tiêu chuẩn bên ngoài đối với việc phán xét giá trị của bản thân, con người trở nên đặc biệt dễ bị tổn thương trước những tác động của xã hội. Họ có nhiều khả năng chấp nhận các giá trị mà xã hội có vẻ ủng hộ hơn. Đáng chú ý nhất, họ sẽ chấp nhận những giá trị vốn có trong quảng cáo - những giá trị như tích lũy khối tài sản nhiều và xa hoa hơn, và những giá trị mà các tiêu chuẩn dễ dàng thấy rõ như sự giàu có, danh vọng hay vẻ bề ngoài. Đương nhiên, những khát vọng bên ngoài hoàn toàn phù hợp với mô tả này.
***
Kasser, Ryan và các cộng sự đã điều tra, nghiên cứu tiền đề phát triển của những kiểu khát vọng khác nhau với hy vọng làm sáng tỏ thêm mối quan hệ động lực giữa các khát vọng và sức khỏe tinh thần. Để làm được điều này, họ sử dụng dữ liệu thu thập từ các bà mẹ và những đứa con qua giai đoạn mười bốn tuổi. Đúng như suy đoán của họ, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những người con mười tám tuổi quá coi trọng những khát vọng bên ngoài như sự giàu sang đều có những bà mẹ thích kiểm soát (thay vì khuyến khích tự chủ) và lạnh lùng (thay vì biết dạy dỗ) khi con còn nhỏ. Ngược lại, những bà mẹ ấm áp, quan tâm và khuyến khích tự chủ sẽ có những đứa con trưởng thành và khao khát nhiều thành quả bên trong hơn.
Nghiên cứu về những khát vọng đã bổ sung rất nhiều vào bức tranh đang dần rõ nét, bởi vì nó xác nhận rằng việc không thể khuyến khích tự chủ và đặt hết tâm trí vào con cái có thể thúc đẩy định hướng ra bên ngoài cũng như nội nhập nhiều hơn và một ý thức về cái tôi phụ thuộc hơn. Định hướng bên ngoài và ý thức đồng phát về giá trị có điều kiện là kết quả của việc trẻ không thể thỏa mãn những nhu cầu nội tại cơ bản của chúng là tự chủ, có năng lực và được kết nối, do đó nó gắn liền với sức khỏe tinh thần yếu ớt hơn. Khi những cá nhân được định hướng về bên ngoài quá mạnh mẽ, họ sẽ thiếu một nền tảng vững chắc để hạnh phúc.
Thuật ngữ nhu cầu của con người thường được sử dụng và nhìn chung bị đánh đồng với ý nghĩa ước muốn hay khao khát. Thứ mà một người muốn có hay được cho là thứ mà họ cần. Nhưng đó lại là một cách dùng không chính xác và sai lệch về khái niệm nhu cầu của con người. Thay vào đó, theo Abraham Maslow, chúng ta định nghĩa nhu cầu của con người là một điều kiện sinh vật - dù về mặt triết học hay tâm lý học - phải được thỏa mãn cho con người để duy trì sức khỏe và nếu không được thỏa mãn sẽ dẫn đến tình trạng hoạt động khác thường của cơ thể. Nghiên cứu của Kasser và Ryan đã cung cấp sự hỗ trợ rõ ràng cho góc nhìn này và giúp xác minh rằng năng lực, sự tự chủ và sự kết nối quả thực là những nhu cầu cơ bản của con người. Nhưng trái lại, những gì thường được gọi là nhu cầu tiền bạc hay danh vọng, có thể nói, không phải là nhu cầu. Đó có thể là mong muốn hay khao khát, và đó có thể là những công cụ tổ chức cực kỳ mạnh mẽ cho các hoạt động sống của một người nhưng chúng không phải là những nhu cầu tâm lý cơ bản.
***
Để một xã hội vận hành hiệu quả, những thành viên cá nhân của nó phải phần nào đó làm theo những giá trị hay tập tục của xã hội. Nhưng việc nội hóa các giá trị và sẵn sàng sống theo chúng là một vấn đề nhạy cảm dựa trên hai cơ sở. Thứ nhất, để có ích với tư cách cá nhân, giá trị của một người và động lực hành xử đi kèm phải được tích hợp, chúng phải trở thành một phần của bản ngã nhất quán. Nếu không, chúng sẽ thuần hóa bản ngã cho xã hội. Và thứ hai, nếu như các giá trị và tập tục mà xã hội đặt ra cho cá nhân - những giá trị như chủ nghĩa vật chất cực đoan - sai lệch với nhu cầu con người cơ bản của các cá nhân đó, quá trình nội hóa sẽ không như ý muốn. Con người có thể nội hóa các giá trị, nhưng họ sẽ phải trả một cái giá cực kỳ đắt nếu họ cứ tiếp tục nỗ lực để sống đúng với những giá trị bên ngoài mạnh mẽ khác thường đó.
Việc bám lấy những giá trị bên ngoài vốn có bản chất dễ nhận thấy hơn những giá trị bên trong là minh chứng cho việc thiếu sự hợp nhất các giá trị này. Nếu việc coi trọng tiền bạc được hợp nhất vào nhận thức về bản ngã của con người, thì khát vọng đó sẽ cân bằng với những khát vọng khác - nó sẽ có giá trị vì lợi ích của nó khi cho phép họ sống một cuộc đời trọn vẹn và cân bằng, tạo ra những cơ hội có ý nghĩa để kết nối, đưa ra những trải nghiệm thẩm mỹ, giúp đỡ người khác và hỗ trợ những tổ chức công cộng. Nếu những khát vọng về tiền bạc của họ được hợp nhất tốt, họ sẽ sẵn sàng đóng góp cho đài phát thanh công cộng hay hội hướng đạo sinh chẳng hạn, mà không cần được công nhận hay tán thưởng. Họ sẽ đóng góp cho những nơi này, hoặc bất cứ tổ chức cộng đồng nào khác phù hợp với thị hiếu cá nhân của họ, nhờ ý thức được sự kết nối chung với người khác và cảm thấy có trách nhiệm vì một cái tốt chung.
Tôi không đề xuất rằng người ta nên đóng góp ẩn danh. Mà vấn đề là nếu động lực thật sự đến từ một khát khao nội tại được đóng góp cho cộng đồng, và nếu mối quan tâm đến tiền bạc của họ được hợp nhất tốt với những khát vọng nội tại và với những khía cạnh khác trong chính họ, họ sẽ sẵn lòng đóng góp ẩn danh. Bản thân sự đóng góp đã là phần thưởng và bất kỳ sự thừa nhận nào cũng chỉ là món quà tặng kèm dễ thương mà thôi.
Việc hợp nhất các giá trị bên ngoài - tức là sự cân bằng giữa chúng với các giá trị bên trong - chịu ảnh hưởng đáng kể của cách nuôi dạy con, như nghiên cứu của Kasser và Ryan đã chỉ ra. Những bậc cha mẹ biết dạy dỗ con cái và khuyến khích tự chủ có nhiều khả năng có được những đứa con hợp nhất được các giá trị bên ngoài hơn. Nhưng không phải toàn bộ trách nhiệm đều nằm ở các bậc phụ huynh. Xã hội, với áp lực cùng cực của việc nhấn mạnh vào chủ nghĩa vật chất, là một trở ngại kinh khủng cho việc thúc đẩy sự cân bằng trong các giá trị của con cái chúng ta - và thật ra trong chính bản thân chúng ta nữa.
Tiền bạc giúp con người bắt kịp thời đại, với khối tài sản hào nhoáng, những thiết bị thời thượng, những chỗ ngồi đáng ao ước ở các sự kiện thể thao hay các buổi hòa nhạc. Và đương nhiên, nó cho con người sức mạnh để nổi bật giữa đám đông, thể hiện ý chí hơn người và trông như một người đặc biệt. Theo James Pattern và Peter Kim trong cuốn The Day America Told the Truth (tạm dịch: Ngày nước Mỹ nói lên sự thật), giá trị của tiền bạc trong xã hội chúng ta cao đến nỗi có khoảng 25% dân số sẵn sàng từ bỏ toàn bộ gia đình họ để được nhận 10 triệu đô-la; khoảng 7% dân số sẵn sàng giết một người lạ để có được số tiền tương tự; và khoảng 3% dân số sẵn lòng đưa con mình cho người khác. Bị bủa vây với những khao khát tiền tài như vậy, nhiệm vụ của cha mẹ trong việc thúc đẩy một khát vọng cân bằng trong con cái cho cả những mục tiêu bên trong lẫn bên ngoài là một thử thách dễ gây nản chí.
***
Một trong những nền tảng của xã hội Mỹ chính là chủ nghĩa cá nhân. Nhiều anh hùng của chúng ta, trong hiện thực và trong cả văn chương, đều là những cá nhân độc lập chiếm lĩnh nhiều lãnh địa và gầy dựng nên gia tài khổng lồ. Chúng ta có một cách nhìn lãng mạn về những chàng cao bồi rong ruổi ở miền Tây hay những tay thủy thủ chiến đấu với dông bão trên những trang tiểu thuyết và chúng ta thần tượng hóa những người đứng đầu ngành công nghiệp, những người mà tên họ được đặt cho bảo tàng, thư viện và các trường đại học.
Những câu chuyện làm giàu từ hai bàn tay trắng đầy rẫy trong lịch sử văn hóa của chúng ta và được thêu dệt qua vô vàn những quyển sách giáo khoa để đưa ra một quan điểm được cường điệu hóa rằng: “Tất cả chúng ta đều có thể tạo ra cho mình bất cứ điều gì chúng ta muốn”. Chủ nghĩa cá nhân này đối với các thành viên trong xã hội là một sản phẩm phụ hợp lý từ chủ nghĩa cá nhân của toàn xã hội. Quốc gia mới đứng lên đấu tranh cho quyền tự trị và trao quyền tự quản cho công dân của mình. Chủ nghĩa cá nhân được tuyên bố là một giá trị xã hội và cả hai hệ thống chính trị và kinh tế được phát triển để hỗ trợ giá trị đó.
Theo lời lý giải chính thức của nhà văn Ayn Rand và những người khác, chủ nghĩa cá nhân giữ vị trí hàng đầu trong các quyền cá nhân. Khát vọng của mỗi người nắm quyền tối cao và là lý lẽ bào chữa của riêng họ. Trong khi theo Rand, nếu chủ nghĩa vị tha xem cá nhân là phương tiện để đạt mục đích của những người khác, thì chủ nghĩa cá nhân xem cá nhân là mục đích tự thân. Từ quan điểm này, mệnh lệnh đạo đức là người hưởng lợi của một hành động cũng chính là người hành động, nên chủ nghĩa cá nhân và vị kỷ về cơ bản là tương đồng nhau. Cả hai đều liên quan đến việc đánh giá kết quả dựa trên cơ sở của sự tư lợi. Họ nói rằng lợi ích của toàn bộ - tức là của xã hội - không nên là việc của cá nhân. Thay vào đó, lợi ích xã hội được lý thuyết hóa thành kết quả từ việc các công dân của nó theo đuổi lợi ích cá nhân của riêng họ. Như vậy, hạnh phúc chung không được xem là một mục tiêu mà được cho là hệ quả tất yếu của chủ nghĩa cá nhân.
Cũng giống như sự độc lập, chủ nghĩa cá nhân cũng bị nhầm lẫn với sự tự chủ, và nhiều tác giả đã hoán đổi các thuật ngữ này cho nhau. Tuy nhiên, hai khái niệm này khác nhau hoàn toàn. Sự nhầm lẫn bắt nguồn từ vẻ tương đồng bề ngoài trong định nghĩa của hai khái niệm. Chủ nghĩa cá nhân được xem là tự do theo đuổi mục đích riêng của bạn; nghĩa là không có sự tác động từ bên ngoài (hiểu là: không có chính phủ) nào can thiệp vào những nỗ lực đạt được điều bạn khao khát, miễn là bạn thực hiện nó một cách hợp pháp. (Giá trị của chủ nghĩa cá nhân cũng đòi hỏi ít nhất bạn phải tuân thủ đúng luật). Tương tự, sự tự chủ có thể được định nghĩa là tự nguyện (nghĩa là, tự do) theo đuổi những mục tiêu mà bạn lựa chọn. Cả hai khái niệm do đó đều có một mối quan hệ nào đó với sự tự do, và cả hai đều truyền đạt ý thức về chế độ tự quản. Thế nhưng trọng tâm và ý nghĩa của hai khái niệm rất khác nhau.
Chủ nghĩa cá nhân chính là sự tư lợi, là hành động nhằm mục đích đạt được và kiếm được cho bản thân. Nó bao gồm việc độc lập một cách cá nhân hay cảm tính (điều đã được thảo luận ở Chương 6), nhưng nó còn hơn cả sự độc lập để hợp nhất với ý thức về vị kỷ, về việc chỉ chú ý đến bản thân mình. Chủ nghĩa cá nhân đối lập với hành động vì lợi ích chung. Trái ngược với chủ nghĩa cá nhân là chủ nghĩa tập thể. Quyền và mục tiêu của các cá nhân ở đây phụ thuộc vào quyền và mục tiêu của tập thể. Trong một xã hội tập thể, người ta phụ thuộc vào người khác, nhưng sự phụ thuộc của họ thì hơn cả sự nương tựa về mặt cá nhân và cảm xúc; nó là một mối quan hệ tương liên có cấu trúc mà ở đó tất cả các kết quả của một người bện chặt với các kết quả của những người khác. Gia đình đặt lên trước cá nhân; đội nhóm đặt lên trước cá nhân; xã hội đặt lên trước cá nhân. Cá nhân được kỳ vọng hành xử theo cách phục vụ lợi ích chung hơn là lợi ích của riêng họ. Hạnh phúc cá nhân do đó được xem là hệ quả tất yếu của sức mạnh của tập thể, hơn là theo hướng ngược lại.
Trái lại, tự chủ chính là hành động một cách tự nguyện, với ý thức về sự lựa chọn, tính linh hoạt và tự do cá nhân. Đó là cảm giác thật sự sẵn lòng để hành xử một cách có trách nhiệm, theo đúng sự quan tâm và giá trị của bạn. Đối lập với tự chủ là bị kiểm soát, nghĩa là bạn bị gây áp lực để hành xử, suy nghĩ hay cảm nhận theo một cách cụ thể nào đó. Sự kiểm soát thường được những người ở vị thế bề trên hoặc xã hội sử dụng, nhưng dĩ nhiên con người có thể tự kiểm soát bản thân để thỏa mãn những nội nhập. Tự gây sức ép cho chính mình, ép bản thân hành động, hoặc cảm thấy như thể bạn phải làm gì đó chính là hủy hoại sự tự chủ của chính bạn.
Một doanh nhân khó tính và thích cạnh tranh, đấu tranh để có nhiều quyền lực và giàu sang, có thể là một người theo chủ nghĩa cá nhân nghiêm ngặt, nhưng anh ta không phải là một hình mẫu tự chủ. Chừng nào việc theo đuổi các mục đích của anh ta còn bị gây áp lực hay ép buộc, ngay từ bên trong, thì anh ta vẫn chỉ có tính cá nhân chủ nghĩa chứ không hề tự chủ. Đương nhiên, nhiều người thấy rằng ý niệm chủ nghĩa cá nhân rất cuốn hút, nhưng sự cuốn hút của nó đến từ sự cưỡng bách của bản thân họ để đạt được điều gì đó trong hệ thống kinh tế tư bản hơn là đến từ nhu cầu bẩm sinh của họ. Một số tác giả như nhà tâm lý học Carol Gilligan đã nhầm lẫn giữa chủ nghĩa cá nhân và sự tự chủ nên những bài phê bình của họ mô tả khái niệm tự chủ như là một kẻ tội đồ, trong khi thực tế những gì họ đang phê bình là sự độc lập nam tính và chủ nghĩa cá nhân của phương Tây. Tự chủ trong việc gắn kết với người khác hầu như không phải là thứ đáng bị phê bình.
Chỉ khi chủ nghĩa cá nhân được kiểm soát, thì một hoạt động mới có thể đại diện cho một tập thể. Ở Nhật, theo truyền thống, nhóm luôn đứng trước cá nhân. Nó là một giá trị xã hội mạnh mẽ, gần như được giữ vững ở khắp mọi nơi trong nền văn hóa. Lòng trung thành với gia tộc được hiểu là bổn phận, và danh dự của gia đình thậm chí đã thúc đẩy các vụ tự tử của thành viên bị mất thanh danh. Tuy nhiên, thay vì dựa vào sự ép buộc từ bên ngoài, phương tiện kiểm soát của Nhật Bản là một quá trình thúc đẩy kiểu nội hóa hiệu quả đáng kinh ngạc, ở đó, con người lĩnh hội các giá trị và sử dụng nó một cách cứng nhắc lên bản thân mình. Con người kiểm soát bản thân theo đúng tập tục xã hội của nền văn hóa thay vì bị kiểm soát bởi các tác nhân của nền văn hóa đó.
Tuy nó hiệu quả, nhưng ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy kết cấu của xã hội Nhật Bản đang bắt đầu xung đột. Những cáo buộc tham ô và cấu kết ở mức độ cao của giới tài chính đã minh chứng cho ý thức đang lớn dần về chủ nghĩa cá nhân, và các vấn đề xã hội như vô gia cư dù ít nghiêm trọng hơn nhiều so với ở Hoa Kỳ, nhưng vẫn đang gia tăng.
Việc mang chủ nghĩa cá nhân vào hành động của một người không tự chủ là điều có thể xảy ra, và quả thật khá phổ biến ở xã hội Hoa Kỳ, cũng như ta hoàn toàn có thể theo chủ nghĩa tập thể mà không hề tự chủ, như trường hợp Nhật Bản xét về truyền thống.
Triết gia Robert Young, khi đưa ra một định nghĩa về sự tự chủ khá giống của chúng ta, đã nói rằng hành động một cách tự chủ đòi hỏi năng lực lý tính và sức mạnh của ý chí. Dĩ nhiên, chủ nghĩa cá nhân cũng cần những điều này. Nhưng sự tự chủ, theo Young, cũng cần phải có tính tự biết mình. Đây là một điểm vô cùng quan trọng, bởi vì sự tự biết mình bao hàm cả việc hợp nhất tính cách, và đó là những gì phân biệt sự tự chủ với chủ nghĩa cá nhân. Thông qua sự tự biết mình, người ta trở nên hợp nhất hơn và kết nối nhiều hơn với bản thể bên trong thật sự của mình - với những giá trị được hợp nhất và thiên hướng bên trong. Chủ nghĩa cá nhân, với năng lực lý tính và sức mạnh ý chí của nó, chỉ có thể tự chủ khi đi kèm với sự tự biết mình.
Như đã lưu ý ở trên, tự biết mình (trái ngược với tự dối mình) là một khái niệm tương đối phức tạp. Tự biết mình bắt đầu với sự chú tâm thoải mái đến những quá trình bên trong của một người; bắt đầu với sự quan tâm chân thật đến bản thân. Những gì vẫn được coi là tự biết mình thường không hẳn là thế, mà thay vào đó, nó liên quan đến sự đầu tư vào hình ảnh của bản thân, người khác nhìn mình thế nào, theo một cách đặc biệt - như thân thiện, giàu có, thông minh, hay thế nào khác. Khi con người quan tâm đến bản ngã bên trong theo một cách chân thành, họ sẽ có thể từ bỏ sự ràng buộc với cái tôi, và khao khát được hiểu những gì họ gặp phải khi khám phá nội tâm. Sự tự chủ tạo điều kiện và được tạo điều kiện bởi sự tự biết mình này.
Mỉa mai thay, trong nền văn hóa vốn nhấn mạnh chủ nghĩa cá nhân như quyền thừa kế của chúng ta, sự tuân phục lại thể hiện quá rõ ràng. Mặc dù nhiều người Mỹ không còn bị kiểm soát bởi những giá trị cộng đồng hay tôn giáo, nhưng họ ngày càng bị kiểm soát bởi những kết quả bên ngoài, theo đúng những biểu tượng địa vị được truyền bá bởi các phương tiện truyền thông đại chúng. Thử nghĩ xem, chẳng phải thật ngớ ngẩn khi con người mang những nhãn hiệu trên quần áo bề ngoài thay vì bên trong sao?
Việc hiểu rằng chủ nghĩa cá nhân thường cùng tồn tại với sự kiểm soát thay vì sự tự chủ cho phép chúng ta hiểu được hiện tượng dường như nghịch lý này. Con người, khi để tâm đến những niềm say mê cá nhân của riêng họ, thường thấy áp lực phải củng cố ý thức về bản ngã của họ thông qua việc đạt được những khát vọng bên ngoài. Họ tuân thủ và phục tùng khi nỗ lực đạt được những mục tiêu đó.
Đương nhiên, chẳng có gì sai hay yếu kém khi ước mơ - lựa chọn theo một kiểu tự do và tự chủ - được là một phần trong nhóm hay được giống các thành viên khác trong nhóm. Nó là một phần trong bản chất con người. Khi được hợp nhất tốt với tư cách những cá nhân, con người sẽ đủ vững vàng để kiên trì là chính mình trong xã hội không ngừng dịch chuyển, và đồng thời, bởi vì họ thu hút sức mạnh từ nhau, nên họ cũng vững vàng để nuôi dưỡng sự phụ thuộc vào những người khác.