Caroline bị béo phì trầm trọng khi cô đến buổi phỏng vấn đầu tiên cho một chương trình ăn kiêng có sự giám sát của bác sĩ. Caroline ba mươi chín tuổi, có hai con và trông rất bối rối. Cô nói rằng cô thật sự cần phải giảm cân, rằng chuyện này rất quan trọng với cô. Khi người phỏng vấn hỏi lý do tại sao, cô bật khóc. Sau vài phút nghẹn ngào, cô mở ví lấy ra tấm ảnh một người phụ nữ tuyệt đẹp độ hai mươi lăm. “Mười sáu năm trước, khi mới cưới, tôi trông thế này đây. Giờ chồng tôi nói rằng nếu tôi không giảm được ít nhất bốn mươi lăm ký, anh ta sẽ bỏ tôi.”
Victoria, một người trạc tuổi và cùng kích cỡ như Caroline, cũng đi phỏng vấn cho chương trình này. Cô thoải mái hơn và câu chuyện của cô cũng hoàn toàn khác. Cô nói mình đã tăng cân khá đều đặn trong suốt sáu hay tám năm qua. Cô thừa nhận là mình đã ăn không ngừng nghỉ trong suốt khoảng thời gian bị căng thẳng với công việc và với cả đại gia đình. Cô đã suy nghĩ rất nhiều về điều này trong sáu tháng qua và đi đến một quyết định dứt khoát rằng cô đã sẵn sàng để chịu trách nhiệm cho sức khỏe của mình. Cô thay đổi suy nghĩ để ăn ít lại và tránh những thực phẩm không tốt cho sức khỏe, và cô sẵn sàng bắt đầu tập thể dục đều đặn hơn. Cô muốn bắt đầu với một chế độ ăn kiêng ít calorie và tham khảo ý kiến của một nhà sinh lý học thể dục thể thao.
Sự đối lập giữa hai người phụ nữ này rất đáng chú ý. Caroline đến đó vì những áp lực bên ngoài, trong khi Victoria đến vì bản thân cô đã đưa ra một cam kết thay đổi. Do đó, rất có khả năng cả hai sẽ thành công theo những cách khác nhau trong chương trình này, và rằng những nỗ lực của Victoria có thể giúp cô duy trì được việc giảm cân. Trên thực tế, các đồng nghiệp của tôi và tôi gần đây đã phát hiện ra được vấn đề chính đằng sau câu chuyện này trong một chương trình nghiên cứu cách thúc đẩy thay đổi hành vi một cách lành mạnh. Chẳng hạn, chúng tôi đã nghiên cứu xem liệu những nguyên do làm cho con người tham gia một chương trình giảm cân, cai nghiện rượu hay cai thuốc lá có dự đoán được họ sẽ thành công như thế nào trong chương trình đó hay không.
Không còn gì phải nghi ngờ là có những rủi ro sức khỏe nghiêm trọng liên quan đến bệnh béo phì trầm trọng, nhưng hàng triệu người Mỹ thì lại không thể điều chỉnh chế độ ăn và rèn luyện cơ thể. Và cũng hiển nhiên là có những rủi ro sức khỏe gắn liền với việc hút thuốc lá nhưng hàng triệu người Mỹ vẫn tiếp tục hút thuốc. Thật vậy, nhiều người Mỹ thường xuyên có những hành vi không lành mạnh hoặc không thể có những hành vi lành mạnh.
Nếu những cáo phó kể lại toàn bộ câu chuyện về cái chết của con người, thì quá nửa sẽ chỉ ra rằng người đó “...đã kết thúc sớm cuộc đời mình”. Cụm từ này không nhằm ám chỉ việc tự sát, theo nghĩa thông thường, mà để nhấn mạnh hiện thực rằng hành vi và các tác nhân tâm lý ảnh hưởng đến nó đều là những thứ chủ yếu dẫn đến cái chết. Chẳng hạn, một nghiên cứu gần đây tiến hành bởi các bác sĩ J. Michael McGinnis và William Foege đã chỉ ra rằng sử dụng thuốc lá và rượu, cũng như các chế độ ăn và việc rèn luyện cơ thể, đều là những nguyên nhân dẫn đến một phần ba số người chết ở Mỹ, thường gây ra sự khởi đầu cho các căn bệnh nan y như ung thư và bệnh tim mạch. Có thể nói rằng, con người đang “tự đưa mình đến chỗ chết” và cáo phó chỉ ghi lại căn bệnh - ung thư hay nhồi máu cơ tim - như nguyên nhân dẫn đến cái chết của họ mà thôi.
Một phần vì tính nghiêm trọng đã biết của những rủi ro sức khỏe khi sử dụng thuốc lá và béo phì, nên cai thuốc lá và chế độ ăn kiêng đã trở thành một ngành kinh doanh lớn. Danh sách sách bán chạy nhất của The New York Times đưa ra thường xuyên có một quyển nói về ăn kiêng; các chương trình cai thuốc lá cũng nảy nở nhanh chóng. Tất cả những điều này cho thấy người ta có sự hiểu biết nhất định về những rủi ro và lợi ích của các hoạt động liên quan đến sức khỏe, vậy nên họ đã nỗ lực thay đổi. Nhưng kết quả nhìn chung lại ảm đạm. Một chương trình cai thuốc lá được cho là thành công nếu có kết quả khoảng 10% số người tham gia có thể duy trì sự kiêng khem dài hạn. Và duy trì được việc giảm cân suốt một giai đoạn ba đến bốn năm theo một chế độ ăn kiêng là điều hiếm có.
Sau nhiều năm nghiên cứu về động lực trong phòng thí nghiệm, tại các gia đình, trường học và doanh nghiệp, Richard Ryan và tôi đã sẵn sàng bắt đầu tìm hiểu những vấn đề về động lực liên quan đến việc thúc đẩy hành vi lành mạnh. Vào lúc đó, Geoffrey Williams là một bác sĩ nội khoa trẻ tuổi và là giảng viên tại Trường Y Rochester. Anh bắt đầu quan tâm đến ý nghĩa tâm lý của những tương tác giữa bác sĩ và bệnh nhân, vì anh không hài lòng về việc nhiều người trong số những bệnh nhân của anh mong chờ anh giải quyết những vấn đề y khoa của họ nhưng rồi lại không thể hoàn thành những gì anh yêu cầu. Anh gia nhập nhóm chúng tôi, và chúng tôi bắt đầu tìm hiểu tại sao nhiều người không tuân theo chế độ y khoa và thất bại trong những nỗ lực giảm cân, cai thuốc, hạn chế rượu bia,…
Những lý do để thay đổi
Ban đầu, chúng tôi đã quyết định tập trung vào những lý do khiến con người bước vào các chương trình được thiết kế để thay đổi những hành vi tự hủy hoại. Ryan và các cộng sự đã thực hiện nghiên cứu đầu tiên trong số này với một chương trình trị liệu cai rượu, trong khi Williams và các cộng sự tiến hành nghiên cứu tiếp theo với một chương trình giảm cân dựa trên lâm sàng. Chúng tôi đã phát triển một công cụ khảo sát gọi là “bảng hỏi trị liệu tự điều chỉnh hành vi”, yêu cầu người tham gia trả lời một loạt câu hỏi về lý do tại sao họ tham gia chương trình.
Điều chúng tôi quan tâm là mỗi bệnh nhân tự chủ, tự quyết định ở mức độ nào khi tham gia chương trình, vì vậy mà các câu hỏi đều tập trung vào điều đó. Một số liên quan đến những tác nhân bên ngoài có thể gây áp lực khiến người ta phải tham gia - những tác nhân như bạn bè hay vợ/chồng họ cứ nài nỉ họ đi. Đó là những kiểu nguyên do mang tính kiểm soát nhiều nhất và kém tự chủ nhất. Một số câu hỏi tập trung vào những nguyên nhân tham gia mang tính nội nhập - những lý do như cảm thấy xấu hổ vì tình trạng béo phì của mình, cảm thấy bản thân là người xấu vì nghiện rượu, hay nghĩ rằng họ nên thay đổi. Những lý do này vẫn hoàn toàn mang tính kiểm soát, vì trong những trường hợp này, con người đang bị chính những suy nghĩ bên trong họ gây áp lực và ép buộc. Dĩ nhiên là tự gây áp lực tốt hơn là bị người khác gây áp lực, nhưng nghiên cứu trước đó trong các lĩnh vực khác đã chỉ ra rằng chỉ khi con người hoàn toàn chấp nhận một thay đổi thì họ mới có thể hành xử một cách tự chủ và có khả năng thành công cao hơn trong những nỗ lực thay đổi. Những người tham gia chương trình với lý do mang tính tự chủ là những người sẵn sàng chịu trách nhiệm cho hành vi ăn hay uống của riêng họ, bởi vì họ đã chán cảnh đầu óc lơ mơ, sự khó chịu sau cơn say bí tỉ và những mối quan hệ căng thẳng do lạm dụng rượu bia gây ra; hoặc họ mệt mỏi với việc cảm thấy nặng nề chậm chạp và gặp rắc rối khi di chuyển vì bị béo phì trầm trọng. Họ đơn giản là đã sẵn sàng để cải thiện chất lượng cuộc sống của bản thân.
Dường như quá hợp lý, quá tự nhiên - thật ra là vì bản năng sinh tồn - khi người ta hạn chế lượng cồn nạp vào cơ thể, ăn kiêng và tập thể dục hay cai thuốc. Nhưng rồi vẫn có nhiều người tiếp tục hành vi không lành mạnh của họ. Chính vì vậy, có thể đặt ra câu hỏi rằng tại sao tất cả những người tham gia chương trình trị liệu không sẵn sàng chịu trách nhiệm cho hành vi ăn uống của họ, và tổng quát hơn là tại sao con người không hoàn toàn sẵn lòng tự chỉnh đốn một cách tự chủ những hành vi mà sẽ giúp họ khỏe mạnh hơn.
Lý do, khá đơn giản, chính là vì việc lạm dụng rượu bia, cũng như hút thuốc và ăn quá nhiều, đều phục vụ cho một mục đích. Chúng trói buộc sự lo lắng lại, đưa ra một lối thoát khỏi những áp lực, hay cho con người một kiểu thoải mái tương tự khác. Chẳng hạn, uống rượu bia có thể làm giảm cảm giác cô đơn, ăn có thể giúp người ta tránh cảm giác lo sợ bị loại ra ngoài, và hút thuốc có thể giúp họ chịu đựng cảm giác căng thẳng khi vô tình chạm mặt một nhóm người trong môi trường xã hội. Mỗi một hành vi đều có thể phục vụ cho nhiều mục đích khác nhau khiến họ chống lại sự thay đổi.
Ví dụ, hãy tưởng tượng một người đàn ông - một nhân viên quảng cáo độ ba mươi - thường nốc rượu bia để lên tinh thần trong những lần hiếm hoi anh ta cảm thấy suy sụp, nhưng cũng dùng nó để bình tâm lại mỗi khi bị kích động quá mức sau một ngày làm việc căng thẳng. Trên thực tế, với anh ta, thức uống có cồn là một thứ thuốc giảm đau đầy cám dỗ và đa năng cho bất kỳ sự thay đổi tâm trạng nào. Khi bước vào một bữa tiệc và thấy ngượng ngùng đến mức không thể bắt chuyện, anh ta sẽ uống một, hai ly để ăn nói trôi chảy hơn, thậm chí là hài hước hơn. Khi đang chờ đợi để nghe nhận xét về một dự án nào đó đã chuyển cho sếp, anh ta lại cảm thấy rằng một ly rượu sẽ giúp anh ta chịu được cảm giác bất an này. Khi sắp hẹn hò hay có một cuộc họp nhưng không mấy hào hứng với nó, anh ta cũng cảm thấy một ly rượu có thể sẽ giúp được mình.
Thỉnh thoảng khi thấy cô đơn, đặc biệt vào những buổi sáng mệt mỏi vì dư vị khó chịu sau cơn say, anh ta lại có cảm giác bức bối rằng mình đã uống rượu quá mức và có thể phải trả giá về lâu về dài. Quả thật, vào những buổi sáng như vậy, anh ta rất có quyết tâm bỏ rượu. Nhưng quyết tâm ấy rất mong manh và chỉ kéo dài cho đến khi những cảm xúc không dễ chịu đó - suy sụp, kích động, bồn chồn hay sợ hãi - biến mất.
Để sẵn sàng thay đổi những hành vi tự hủy hoại bản thân, con người phải đi đến chỗ sẵn sàng chấp nhận những cảm xúc mà các hành vi đó đang khóa chặt. Con người phải sẵn sàng cảm nhận cảm giác khủng khiếp của sự thiếu thốn, nỗi sợ hãi đau đớn khi bị ruồng bỏ, nỗi kinh hoàng trước việc họ có thể chết, hay bất cứ cảm giác gì không ngừng truyền thêm sức mạnh cho những hành vi không lành mạnh. Họ cũng phải sẵn sàng “cảm thấy khác biệt” so với người khác khi uống nước khoáng tại một bữa tiệc, trong khi những người khác uống rượu mạnh; họ phải sẵn sàng cưỡng lại những món tráng miệng ngon lành ngay trước mắt; và họ phải sẵn sàng đứng lên chạy bộ khi lẽ ra có thể ngồi xem ti-vi.
Khi con người sẵn sàng chấp nhận trách nhiệm - trách nhiệm ở mức sâu sắc và tuyệt đối nhất - cho những hành vi liên quan trực tiếp đến hạnh phúc của họ, thì lợi ích thu về có thể sẽ rất tuyệt vời. Trong nghiên cứu về trị liệu cai rượu bia do Ryan và các cộng sự thực hiện, những người tham gia thật sự vì chính bản thân họ - những người xác nhận lý do mang tính tự chủ hơn là kiểm soát - sẽ tham dự chương trình thường xuyên hơn. Họ gắn bó với nó hơn là bỏ dở giữa chừng. Tương tự như vậy, trong nghiên cứu giảm cân của Williams và đồng nghiệp, những bệnh nhân có lý do tham gia tự chủ không chỉ kiên trì hơn với các buổi gặp hằng tuần trong suốt sáu tháng và chương trình ăn kiêng cực ít calorie, mà họ còn giảm cân nhiều hơn trong suốt giai đoạn này và duy trì số cân giảm được trong hai năm tiếp theo. Những người này thật sự đã quyết định tạo ra sự thay đổi; họ được hợp nhất và tự chủ trong cách tham gia vào quá trình tạo ra sự thay đổi quan trọng cho sức khỏe của chính mình. Và họ đạt được những kết quả cụ thể giúp họ tránh được bệnh tật và tăng cường sức khỏe.
Đương nhiên, có những quá trình sinh lý liên quan đến một số hành vi gây tác dụng tiêu cực. Chẳng hạn như, con người có thể bị nghiện thức uống có cồn và nicotine do sinh lý, và bằng chứng gần đây đặt ra giả thuyết rằng béo phì có thể có yếu tố di truyền. Thế nhưng, những quá trình sinh lý này không tạo ra hành vi một cách trực tiếp, bởi vì những hành vi có liên quan cũng bị ảnh hưởng bởi các quá trình tâm lý. Con người với những khuynh hướng di truyền như vậy có thể thấy khó thay đổi hơn so với những người không phải chịu những tác động đó, nhưng họ có thể đập tan thói nghiện ngập và vượt qua khuynh hướng di truyền khi thật sự sẵn sàng. Khi con người sẵn sàng nhận trách nhiệm cho hành vi và sức khỏe của mình - khi họ sẵn sàng đặt ra một cam kết cá nhân sâu sắc và chấp nhận những cảm xúc khó chịu có thể đi kèm với sự thay đổi - thì những nỗ lực thay đổi của họ có khả năng sẽ thành công.
Thành công của con người trong việc thay đổi hành vi bắt đầu khi họ thật sự quan tâm đến những động lực của chính mình. Điều này có nghĩa là họ phải tự hỏi tại sao họ lại cố gắng thay đổi và thành thật suy nghĩ về câu trả lời. Nếu những lý do họ nghĩ ra là những người xung quanh đang gây áp lực cho họ, hay họ nghĩ rằng mình nên thay đổi để sống lâu hơn, hoặc họ muốn tương xứng với một hình ảnh nào đó, thì họ sẽ có một khởi đầu tồi tệ. Những lý do này không thật sự thuyết phục và chúng không có khả năng thúc đẩy một sự thay đổi có ý nghĩa bởi vì chúng thiếu sự tán thành cá nhân.
Hãy nhớ về anh chàng nhân viên quảng cáo chỉ quyết tâm thay đổi khi dư vị của cơn say quá tệ hại. Lý do của anh ta rất nông cạn và không hề phản ánh một cam kết cá nhân nào, vậy nên quyết tâm thay đổi của anh ta rốt cuộc là vô ích. Quả thật, nếu tôi mà nghe anh ta đưa ra một lý do như vậy thì tôi hẳn sẽ nghĩ: “Thử chi cho phiền, vô ích thôi”.
Ngược lại, hãy hình dung một người phụ nữ bắt đầu hút thuốc khi vừa bước sang tuổi thiếu niên vì tất cả bạn bè của cô đều như vậy và vì cô nghĩ chuyện đó sẽ giúp cô trông trưởng thành và quyến rũ hơn. Cô trở nên hoàn toàn phụ thuộc vào thuốc lá và khi sang tuổi hai mươi mốt, cô đã hút ba gói mỗi ngày. Có đôi lần cô cố gắng bỏ thuốc nhưng cũng chẳng thành công hơn so với anh chàng nhân viên quảng cáo - người cũng thi thoảng “bỏ” rượu. Nhưng rồi một chuyện xảy ra với cô gái trẻ đã thay đổi tất cả. Cô yêu một người đàn ông dễ gần và cuốn hút, với những kế hoạch và ước mơ. Anh không hút thuốc và dù anh không phê phán cô về chuyện hút thuốc nhưng anh đã làm gương cho cô. Và hơn thế nữa, khi nghĩ về cuộc sống chung của cả hai, với những đứa con sẽ lớn, cô bắt đầu nghĩ đến chuyện hút thuốc có thể gây tổn thương cho các con cũng như bản thân cô ra sao. Rồi cô thật sự ngừng hút thuốc, và dù không dễ dàng nhưng cuối cùng cô cũng đã bỏ được hẳn. Vì sao? Bởi vì cô đã tìm thấy lý do cá nhân thật sự có ý nghĩa, nên khi thực hiện, cô vô cùng quyết tâm đi đến cùng.
Quyết định thay đổi là thứ mà những cá nhân phải đưa ra cho bản thân họ. Nó có nghĩa là khám phá nguyên do tại sao họ muốn thay đổi, đồng thời chú ý đến những lợi ích họ nhận được từ hành vi đó. Khi khám phá những động lực của mình, họ sẽ ở vào vị trí có thể đưa ra lựa chọn đúng. Sự lựa chọn có thể là thay đổi, nhưng cũng có thể là vẫn tiếp tục hành vi đó. Tùy vào bản thân họ. Nhưng chừng nào họ còn chưa quan tâm đến những động lực cơ bản và đưa ra lựa chọn thật sự, thì những hành vi tự hủy hoại bản thân vẫn tiếp tục “kiểm soát họ”.
Khám phá động lực của một người có thể là một quá trình cam go và đưa ra được một lựa chọn đúng cũng có thể là điều khó khăn. Nhưng đó đều là khởi điểm cho một sự thay đổi thành công.
Không tuân theo chế độ y tế
Một trong nhiều vấn đề quan trọng mà các cơ sở y tế ngày nay phải đối mặt là những gì được quy vào đề mục không tuân thủ. Rất nhiều người không uống thuốc theo đúng quy định. Họ uống quá nhiều hoặc không đủ liều. Họ quên uống thuốc trong một, hai ngày; thỉnh thoảng họ nhớ ra nhưng lúc khác thì không; hoặc đơn giản là họ chẳng quan tâm. Việc không tuân thủ như vậy dẫn đến hàng loạt hậu quả. Nó khiến bệnh tình diễn biến xấu, tạo ra chi phí chăm sóc sức khỏe cao hơn và dẫn đến những đơn thuốc mạnh hơn (thường độc hơn) và có thể khiến cho bác sĩ vốn tin vào tác động tích cực của các loại dược phẩm đó bị bối rối.
Sự không tuân thủ cũng là một vấn đề trong nghiên cứu y tế. Nếu một người được kê đơn thuốc trong một nghiên cứu lâm sàng quan trọng nhưng rồi lại không uống thuốc đã được kê, thì nghiên cứu ấy sẽ mất hiệu lực. Và nếu những người này nói dối rằng họ tuân theo đơn thuốc thì có thể dẫn đến sự tích lũy nhiều kết luận y tế thiếu chính xác và gây ra những tác động tiêu cực tiềm tàng cho những bệnh nhân khác.
Việc tuân thủ kém chế độ y tế có thể khiến những người cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe có cách tiếp cận nặng tay với bệnh nhân - vô cùng độc đoán và sử dụng nhiều chiến thuật đe dọa. Nhưng vấn đề thì vẫn còn đó.
Cách tiếp cận của chúng tôi với vấn đề này tương đối khác so với thái độ mang tính kiểm soát được nhiều người chấp nhận. Thật vậy, chúng tôi thậm chí còn không định hình vấn đề này là vấn đề về sự tuân thủ. Sự tuân thủ truyền đạt ý thức về việc là một “con tốt”; nó truyền đạt ý thức rằng bạn phải làm một thứ gì đó vì người khác bảo bạn làm. Do đó, việc sử dụng thuật ngữ này củng cố thêm quan niệm cho rằng “khuyến khích con người hành xử theo hướng tăng cường sức khỏe” chính là vấn đề về kiểm soát hành vi của họ - khiến họ phải tuân thủ. Thay vào đó, quan điểm của chúng tôi là con người sẽ nghiêm túc theo đơn thuốc nếu họ cảm thấy tự chủ khi làm vậy, nếu những lý do thực hiện việc đó thuộc về bản thân họ, nếu họ chấp nhận trách nhiệm trở nên tốt hơn.
Trong một nghiên cứu gần đây, Williams, cùng nhà tâm lý học Gail Rodin và những người khác đã đánh giá những lý do tại sao bệnh nhân uống thuốc. Đây đều là những bệnh nhân đang sử dụng thuốc dài hạn vì nhiều căn bệnh khác nhau như đau thắt ngực, những triệu chứng hậu mãn kinh và chứng tăng huyết áp. Một số bệnh nhân chấp nhận những lý do cực kỳ mang tính kiểm soát - họ uống thuốc chỉ vì bác sĩ bảo họ nên uống. Những người khác thì có lý do tự chủ hơn - họ uống thuốc vì đó là điều quan trọng để bản thân họ khỏe mạnh. Việc uống thuốc của các bệnh nhân được theo dõi trong hai tuần tiếp theo, và dữ liệu chỉ ra rằng các bệnh nhân uống vì bản thân họ - tức những người có lý do tự chủ - đáng tin cậy hơn trong việc uống theo đúng đơn thuốc. Các bác sĩ kê đơn thuốc, nhưng chính bệnh nhân mới là người chịu hoàn toàn trách nhiệm trong việc nghiêm túc thực hiện chúng.
Ủng hộ sự tự chủ của bệnh nhân
Khi mới chuyển đến Rochester, tôi cần một bác sĩ nội khoa, vậy nên tôi đã đi một vòng để hỏi xin ý kiến. Ai đó đã cho tôi cái tên, tôi kiểm tra lại với người khác và họ bảo nghe nói anh ta rất giỏi. Tôi đã đặt một cuộc hẹn kiểm tra sức khỏe. Từ lần ghé thăm đầu tiên đó, tôi đã thấy không thoải mái với cách giao tiếp của anh ta. Sự khác biệt trong địa vị bằng cách nào đó đã được vạch rõ: Anh ta ở vị thế cao còn tôi ở vị thế thấp. Có thời điểm, anh ta buông ra một nhận xét đầy xúc phạm về một nhân viên của mình vì đã làm việc gì đó không đủ nhanh, và tôi cau có. Lời lẽ của anh ta chỉ toàn là những phán xét đúng hoặc sai, tốt hay xấu. Anh ta khẳng định chắc nịch với tôi rằng tôi nên hay không nên làm gì. Tôi cảm thấy mình như đang bị bóp nghẹt vì sự hiện diện của anh ta nên đã không hỏi bất cứ điều gì.
Tôi nhớ sau lần đó có một lần tôi bất đắc dĩ cảm thấy phải gọi cho vị bác sĩ, nhưng cứ lưỡng lự không biết nên gọi hay không. Tôi đã không gọi, và may mắn thay vài ngày sau tôi đã khỏe lại. Nhưng chuyện gì sẽ xảy ra nếu như vấn đề tôi gặp trầm trọng hơn? Khi nghĩ về chuyện đó, điều đáng chú ý đối với tôi là mặc dù lúc đó tôi đã là người trưởng thành, nhưng lại bị cuốn vào một mối quan hệ mà trong đó tôi thực chất đã hành xử như một đứa trẻ. Đáp lại kiểu cách độc đoán và chỉ trích của bác sĩ, tôi thoái lui.
Sự đối lập giữa phản ứng này và phản ứng của tôi với vị nha sĩ hồi tôi sống ở Palo Alto rất đáng ngạc nhiên. Lần đầu gặp anh ta, tôi ngồi trên một chiếc ghế, qua ô cửa sổ lớn, tôi nhìn ra mảnh sân nhỏ có cây sồi hàng trăm năm tuổi. Ngay lập tức, tôi cảm thấy rất thoải mái. Rồi vị bác sĩ mặc sơ mi in họa tiết Hawaii thay vì blouse trắng bước vào, giới thiệu bản thân bằng tên riêng. Người trợ lý, dù rõ ràng rất tôn trọng anh, cũng gọi anh bằng tên. Tôi dễ dàng nảy ra những câu hỏi, và câu trả lời của anh cũng có đủ toàn bộ thông tin mà tôi tìm kiếm. Tôi rời buổi hẹn đầu tiên với suy nghĩ anh ta đúng là một nha sĩ tuyệt vời. Tôi không hề thấy mình là “người dưới”, dù thực chất tôi rất ngưỡng mộ chuyên môn và uy tín của anh. Tôi bắt đầu dùng chỉ nha khoa đều đặn hơn và có cảm giác rằng mình có thể gọi cho anh ta mỗi khi cần.
Từ những trải nghiệm của tôi với hai người cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe này, rõ ràng sự định hướng của bác sĩ cho bệnh nhân hẳn phải tác động đáng kể. Và có lẽ với tôi, cách mà nha sĩ ở Palo Alto sử dụng là tốt hơn. Sau đó, qua nhiều năm nghiên cứu về động lực, tôi đã biết cách mô tả hai người cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe này. Vị bác sĩ đầu tiên rõ ràng đang kiểm soát, trong khi người còn lại thì khuyến khích tự chủ. Và tất cả các nghiên cứu trước đây của chúng tôi đều dẫn đến dự đoán, mà chúng tôi cũng đã kiểm tra, rằng phong cách khuyến khích tự chủ không chỉ tạo cảm giác dễ chịu hơn cho hầu hết bệnh nhân (như tôi), mà còn dẫn đến những kết quả tích cực về mặt động lực.
Williams, Ryan và tôi đã thực hiện một số nghiên cứu để khám phá nhận thức của bệnh nhân xem liệu các bác sĩ theo phong cách khuyến khích tự chủ (so với cách kiểm soát) có thật sự tác động đến động lực và tình trạng sức khỏe của bệnh nhân hay không. Chẳng hạn, trong nghiên cứu về giảm cân đã nói ở trên, chúng tôi đánh giá nhận thức của bệnh nhân về đội ngũ nhân viên. Chúng tôi phát hiện ra rằng khi các nhân viên tỏ ra khuyến khích tự chủ thì bệnh nhân báo cáo nhiều lý do tự chủ để tuân theo chỉ dẫn của chương trình hơn, dự báo một kết quả khả quan, duy trì lâu dài. Sự tự chủ, đúng hơn là sự tự chỉnh đốn của bệnh nhân - điều cần có để hành động theo những cách lành mạnh - có vẻ thật sự bị ảnh hưởng bởi cách mà những người cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe kết nối với họ.
Nghiên cứu về sự tuân thủ y tế cũng cho kết quả tương tự. Cảm nhận của bệnh nhân về việc các bác sĩ đang khuyến khích tự chủ gắn liền với việc bệnh nhân chấp nhận những lý do uống thuốc một cách tự chủ (hay được hợp nhất) hơn, thứ mà sau cùng dẫn tới với sự tuân thủ. Những nghiên cứu này và cả những nghiên cứu khác xác nhận rằng khi những người cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe nhận thức được tầm quan trọng của các tác nhân tâm lý đối với sức khỏe của bệnh nhân và kết nối với bệnh nhân theo cách khuyến khích tự chủ hơn thì bệnh nhân mới có khả năng trở nên tự chủ trong động lực và hành xử một cách lành mạnh hơn về lâu về dài.
Người ta đôi khi thắc mắc làm thế nào để biết bác sĩ của họ có khuyến khích tự chủ hay không. Câu trả lời thật ra khá rõ ràng. Hãy chú ý vào cảm xúc của bạn khi rời phòng khám. Bạn có cảm thấy bị ép buộc, thấy mình là người dưới và cảm giác bị động như tôi khi rời phòng khám của vị bác sĩ nội khoa kia không? Hay bạn cảm thấy thoải mái và được tôn trọng như khi tôi rời phòng khám của vị nha sĩ?
Cách tiếp cận sinh học-tâm lý-xã hội
Xuyên suốt thế kỷ 20, nghề y ở Mỹ ngày càng tập trung vào các khía cạnh chuyên môn của chăm sóc sức khỏe, đưa ra góc nhìn về cái gọi là cách tiếp cận y sinh. Bệnh tật được đề cập bằng những thuật ngữ sinh học, được cho là do vi trùng và sự trục trặc của các cơ quan trong cơ thể gây ra, có thể điều trị bằng thuốc và can thiệp bằng phẫu thuật. Sự chuyên môn hóa thu hẹp trở nên quá phổ biến - bác sĩ chỉnh hình chỉ làm việc với cổ tay, hay bác sĩ nội khoa chỉ giải quyết được vấn đề về thận - là kết quả tự nhiên của cách tiếp cận y sinh. Việc tập trung vào những khía cạnh kỹ thuật khiến người ta phải chuyên môn hóa để là một chuyên gia thực thụ. Với sự quan tâm về các nguyên nhân sinh học cũng như các phương pháp chữa trị, bác sĩ đã dần hướng đến việc điều trị các bộ phận cơ thể hơn là con người. Kết quả là, bệnh nhân thường cảm thấy rằng họ không kết nối được với bác sĩ của họ và rằng họ đang không nhận được thông tin họ cần để kiểm soát việc chăm sóc sức khỏe của chính mình. Việc tập trung vào chuyên môn cao do đó làm rộng thêm hố sâu ngăn cách giữa những bác sĩ chuyên môn cao, những người kê toa, và bệnh nhân, những người được kỳ vọng tuân theo lời dặn của bác sĩ.
Mặc dù nhiều bác sĩ cảm thấy khá thoải mái với mô hình y sinh và thực hành theo nó, nhưng ngày càng có nhiều người cảm thấy mơ hồ khó chịu với sự thiếu tính con người của y học hiện đại. Những bác sĩ này ao ước kiểu chăm sóc cá nhân của các bác sĩ tổng quát những năm 1950, giả dụ vậy, được kết hợp với kiến thức y khoa của những năm 1990.
Trung tâm y tế tại Đại học Rochester là nơi đầu tiên tán thành quan điểm thay thế được gọi là cách tiếp cận sinh học-tâm lý-xã hội. Bệnh tật được hiểu là do nhiều vấn đề liên quan đến sự tác động lẫn nhau của các hệ thống tự nhiên, bao gồm hóa học, thần kinh, tâm lý và xã hội. Bởi vì những thay đổi ở bất kỳ cấp độ nào cũng dẫn đến những thay đổi ở những khía cạnh khác một cách tương hỗ, mỗi cấp độ đều là nhân tố tác động đến bệnh tật và sức khỏe của con người. Chẳng hạn như, nghiên cứu tiên phong của Hans Selye đã cho thấy rằng căng thẳng có thể ảnh hưởng đến các bộ phận trong cơ thể bằng cách hoạt tác quá mức hệ thần kinh thực vật. Quả thật, những trạng thái tâm lý khác nhau có thể tạo ra thay đổi sinh lý như bài tiết quá mức, co cứng cơ và ức chế hệ thống miễn dịch, mà tất cả những vấn đề này đều liên quan đến sự tấn công của bệnh ung thư, bệnh tim, tiểu đường và những căn bệnh vốn là nguyên nhân dẫn đến phần lớn các trường hợp tử vong ở Mỹ.
Vậy thì, rõ ràng những tác nhân về các mối quan hệ tương tác hay tâm lý có thể tác động trực tiếp đến sức khỏe con người thông qua sự ảnh hưởng lên chức năng cơ thể. Thế nhưng, không kém phần quan trọng, các tác nhân tâm lý-xã hội cũng có thể ảnh hưởng gián tiếp đến sức khỏe con người vì nó tác động đến hành vi của họ. Cả hai quá trình tâm lý và tương tác cá nhân trong cuốn sách nói về động lực con người và sự tự chủ này đều tác động đến các hành vi ảnh hưởng sức khỏe thể chất cũng như tinh thần.
Ví dụ, những hành vi rủi ro cao như ăn quá mức, hút thuốc, lạm dụng rượu bia, ăn những thực phẩm không tốt cho sức khỏe, lái xe nguy hiểm, quan hệ tình dục tùy hứng không sử dụng biện pháp bảo vệ, chơi đùa với súng... đều có những nền tảng động lực - chúng được quyết định vì những nguyên nhân tâm lý và xã hội. Bởi vì bạn bè xung quanh đều đang làm vậy nên bạn không từ chối được. Cái tôi dễ bị tổn thương của bạn thúc đẩy bạn làm như vậy. Sự rối loạn bên trong bạn dường như lớn đến mức không thể chịu đựng được và bạn phải thực hiện hành vi đó để xao lãng. Những người có thẩm quyền đã cảnh báo không được làm điều đó, vậy nên khuynh hướng thách thức sự kiểm soát khiến bạn càng muốn thực hiện nó. Mỗi một nguyên do thúc đẩy trong số này đặt ra giả thuyết rằng khi con người ít tự chủ hơn - tức là khi họ bị kiểm soát nhiều hơn - thì họ có khả năng thực hiện những hành vi thúc đẩy bệnh tật.
Tương tự, các tác nhân khiến con người thay đổi những thói quen không lành mạnh này cũng mang tính động lực, như nghiên cứu của chúng tôi đã nhiều lần chỉ ra. Hãy nhớ lại nghiên cứu của Williams và các cộng sự, rằng người ta sẽ giảm cân thành công hơn và duy trì được việc giảm cân suốt một giai đoạn hai năm khi nguồn động lực của họ mang tính tự chủ, thay vì bị kiểm soát - khi họ làm điều đó vì bản thân họ chứ không vì ai khác. Vậy thì nhìn chung, khi con người tự chủ hơn - tức là khi họ có động lực nội tại nhiều hơn và hợp nhất được điều lệ của các hành vi quan trọng - thì họ không chỉ ít có khả năng thực hiện những hành vi rủi ro cao ngay từ đầu, mà còn có thể thay đổi những hành vi đó nếu bị chúng lôi kéo.
Cách tiếp cận sinh học-tâm lý-xã hội để điều trị chú trọng việc xây dựng một mối quan hệ hợp tác giữa những người cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe và bệnh nhân của họ. Nó thừa nhận tầm quan trọng của việc điều trị toàn diện và thừa nhận rằng các quá trình xã hội-tâm lý cũng cần thiết để khỏe mạnh. Do đó, cách tiếp cận này nhấn mạnh rằng cách một nhà trị liệu kết nối với bệnh nhân có thể ảnh hưởng đến việc bệnh nhân có hành động một cách lành mạnh như uống thuốc, giảm cân, ngừng hút thuốc,... hay không.
Các nhà trị liệu khuyến khích bệnh nhân chủ động quản lý sức khỏe của họ - đặt câu hỏi và tham gia đưa ra những giải pháp khả thi cho các vấn đề về chăm sóc sức khỏe. Đương nhiên, bác sĩ sẽ cung cấp thông tin có giá trị và đưa ra những đề xuất về kế hoạch điều trị, nhưng bệnh nhân được khuyến khích suy nghĩ về các phương án và đóng vai trò nào đó trong việc quyết định kế hoạch. Nhờ đó, bệnh nhân sẽ không chỉ cung cấp những quan điểm đáng giá về bản thân họ - chính bệnh nhân mới là người biết rõ mình có thể làm gì, chứ không phải nhà trị liệu - mà họ còn có động lực thực hiện kế hoạch hơn. Đã từ lâu, trong mọi lĩnh vực hoạt động của con người, người ta thừa nhận rằng khi con người đóng một vai trò trong việc quyết định làm gì và làm như thế nào, họ sẽ tận tâm hoàn thành quyết định đó hơn.
Tất cả các đặc tính của việc khuyến khích tự chủ - đứng ở góc nhìn của người đó, trao quyền lựa chọn, cung cấp thông tin liên quan mà người đó không thể tiếp cận, đưa ra nguyên do cơ bản đằng sau những đề nghị hay yêu cầu, hiểu được cảm xúc của người đó, giảm thiểu những thái độ và ngôn ngữ mang tính kiểm soát - mô tả một cách hoàn hảo việc phải tâm lý và lấy bệnh nhân làm trung tâm trong thực hành y học có nghĩa là gì. Chúng giúp ta xây dựng những mối quan hệ hợp tác và chúng là những hành vi và thái độ mà cách tiếp cận sinh học-tâm lý-xã hội được ủng hộ ở các bác sĩ.
Trách nhiệm và khuyến khích tự chủ
Khi các nhà trị liệu khuyến khích tự chủ, họ có thể hiểu được và chấp nhận lý do tại sao một bệnh nhân lại hút thuốc, uống rượu bia hay ăn quá nhiều. Và với sự thấu hiểu đó, họ sẽ có thể cùng bệnh nhân xây dựng những kế hoạch điều trị có khả năng thành công. Những kế hoạch điều trị được vạch ra từ góc nhìn của một bác sĩ mà không cân nhắc đến những nhu cầu của riêng bệnh nhân và những trở ngại mà bệnh nhân phải đối mặt thì đều có khả năng thất bại. Hãy nhớ lại trường hợp người phụ nữ không chịu uống thuốc điều trị tăng huyết áp khi bác sĩ của bà có tính kiểm soát, nhưng rồi lại hoàn toàn đảm bảo theo đúng đơn thuốc sau khi đổi sang một bác sĩ khuyến khích tự chủ.
Rốt cuộc, hành vi của một bệnh nhân (và theo đó là sức khỏe của họ) phải do chính họ chịu trách nhiệm. Ngoài những nỗ lực mạnh tay như buộc bệnh nhân nhập viện và chữa trị, bác sĩ không thể giúp bệnh nhân khỏe lại nếu họ không sẵn lòng hợp tác. Bệnh nhân có quyền hút thuốc, và nếu họ quyết định như vậy, thì dù cho bản thân họ và bác sĩ đều biết nó có hại, thì bác sĩ cũng phải tôn trọng quyết định của họ. Bác sĩ không thể ngăn bệnh nhân hút thuốc, và trong hầu hết các trường hợp, khi bác sĩ vượt quá giới hạn từ người cố vấn sang người kiểm soát, thì họ đã đi quá xa. Họ đã tước đi trách nhiệm vốn thuộc về bệnh nhân.
Mặc dù một hành vi liên quan đến sức khỏe của bệnh nhân là trách nhiệm của riêng họ, nhưng bác sĩ cũng có trách nhiệm khuyến khích bệnh nhân hành động một cách lành mạnh. Do đó thúc đẩy hành vi lành mạnh mà không kiểm soát chính là con đường đúng đắn mà các y bác sĩ nên theo. Để làm được điều này, quan trọng là các bác sĩ phải cung cấp thông tin cho bệnh nhân - chẳng hạn như, nicotine làm chứng tăng huyết áp trầm trọng hơn và rằng bệnh nhân đặc biệt dễ bị tổn thương bởi những tác động như vậy. Một điều cũng quan trọng là nói về những rủi ro sức khỏe và khuyến khích thay đổi - theo cách khuyến khích tự chủ - bằng cách truyền tải thông điệp rằng họ quan tâm đến sự khỏe mạnh của bệnh nhân và họ ở đây để giúp đỡ. Nhưng khi họ đi quá xa, bắt đầu kiểm soát, thì mọi thứ có thể phản tác dụng.
Tôi từng nghe kể về một người nghiện thuốc lá hay gắt gỏng, bảy mươi hai tuổi, sống những năm cuối đời ở Florida. Trong nhiều năm, các bác sĩ đã cảnh báo ông phải ngừng hút thuốc vì nếu không chắc chắn thuốc lá sẽ giết chết ông. Chà, cuối cùng thì ngày cuối cũng đến gần, và thứ giết ông là u não, thế là ông nói rằng rốt cuộc ông đã chứng tỏ cho các bác sĩ thấy. Nhưng chuyện không dễ dàng như vậy. Theo ông, lý do khiến ông kháng cự là vì ông thấy các bác sĩ quá kiểm soát. Và ông đã phải trả giá cho sự bất tuân của mình. Thuốc lá không giết ông, nhưng nó khiến cuộc sống những năm tháng cuối cùng của ông vô cùng khổ sở. Chính thuốc lá đã khiến ông ho ra đờm mỗi buổi sáng và thở dốc khi leo cầu thang hay khi đi bộ lên một ngọn đồi thấp.
Đương nhiên, tôi không đổ mọi lỗi lầm lên các bác sĩ. Người đàn ông lẽ ra có thể quyết định ngừng hút thuốc và cải thiện cuộc sống của chính mình. Và lẽ ra tôi có thể cư xử trưởng thành hơn với vị bác sĩ nội khoa ở Rochester. Phong cách của các bác sĩ chắc chắn sẽ gây tác động lên bệnh nhân, nhưng bệnh nhân có thể không để nó ảnh hưởng đến mình, như chúng ta sẽ được thấy trong chương tiếp theo. Lẽ ra tôi có thể chủ động hơn trong việc đặt câu hỏi và quyết tâm có được những gì tôi cần hơn. Nhưng tôi đã không chịu trách nhiệm cho bản thân và việc chăm sóc sức khỏe của chính mình, phải mất một khoảng thời gian tôi mới có thể bắt đầu khám phá những động lực của mình và hành động một cách quyết đoán hơn.
Hành vi liên quan đến sức khỏe của con người do đó là sự tương tác giữa những động lực của riêng họ và phong cách của nhà trị liệu. Để có nhiều kết quả tích cực hơn, người ta nên khám phá nguồn động lực của chính mình để tìm thấy một khao khát đích thực khiến họ cư xử theo những cách lành mạnh, và các cơ sở y tế có thể khuyến khích tự chủ tốt hơn.
Đào tạo các nhà trị liệu khuyến khích tự chủ
Bởi vì việc các bác sĩ khuyến khích tự chủ là rất quan trọng trong việc tăng cường sức khỏe cho bệnh nhân, nên có vẻ như đối với Williams và tôi thì việc khám phá cách đào tạo để các bác sĩ trở nên khuyến khích tự chủ hơn là điều cần thiết. Chúng tôi tiếp cận với các sinh viên năm hai đang theo học khóa phỏng vấn y tế tại hai trường y. Đó là nơi mà các bác sĩ đầy hăng hái học cách kết nối với bệnh nhân - cách cung cấp và lấy được những thông tin có liên quan. Ở đầu khóa học, chúng tôi đã đánh giá những lý do tham gia khóa học của các sinh viên, để xác định họ tự chủ ra sao trong động lực của mình, và thái độ của họ đối với cách tiếp cận tâm lý-xã hội. Vào cuối khóa học kéo dài năm tháng, chúng tôi lại đánh giá các biến số này một lần nữa, cùng với quan điểm của sinh viên về tính khuyến khích tự chủ của những người hướng dẫn họ. Có hơn hai mươi người hướng dẫn tại hai trường đại học, và giữa họ có những khác biệt rất lớn về mức độ khuyến khích tự chủ so với kiểm soát trong cách giảng dạy của mình.
Kết quả cho thấy những sinh viên có người hướng dẫn giảng dạy theo phương pháp khuyến khích tự chủ sẽ trở nên tự chủ hơn trong lý do chọn học cách phỏng vấn và trong các giao tiếp giữa bác sĩ với bệnh nhân. Kết quả là, nhờ tự chủ hơn trong hành vi học tập, họ cũng cho thấy thái độ tích cực hơn với cách tiếp cận sinh học-tâm lý-xã hội. Về bản chất, những người hướng dẫn ủng hộ sinh viên tự chủ cũng khuyến khích sự nội hóa và hợp nhất các giá trị tâm lý-xã hội.
Vài tháng sau đó, các sinh viên được ghi âm quá trình phỏng vấn một bệnh nhân, kết quả phân tích cho thấy các sinh viên nào đã trở nên tự chủ hơn về động lực của chính họ, và các sinh viên đã hợp nhất giá trị của cách tiếp cận tâm lý-xã hội, sẽ “lấy bệnh nhân làm trung tâm” hơn. Họ ủng hộ tính tự chủ của bệnh nhân.
Một trong những điều thú vị nhất khi nghiên cứu sinh viên y khoa chính là phát hiện ra rằng cách giảng dạy khuyến khích tự chủ sẽ giúp sinh viên tiếp thu cách tương tác khuyến khích tự chủ hơn với bệnh nhân. Thật ra, khi ta tập hợp tất cả các nghiên cứu được đề cập trong quyển sách này, ta sẽ thấy rằng một phụ huynh tốt, một giáo viên tận tâm, một quản lý giỏi hay một người cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe mẫu mực đều có điểm gì đó tương đồng, ấy là, cách giao tiếp ứng xử khuyến khích tự chủ. Quả thật, thành công của một người ở vị thế bề trên bắt đầu với cách tương tác khuyến khích tự chủ, bởi vì nó liên quan đến hiệu năng, sự phát triển và hạnh phúc của con người ở vị thế thấp hơn. Nó bắt đầu bằng việc lắng nghe một cách cởi mở để có thể hiểu tình huống từ góc nhìn của người đó.