“Thám tử Samantha Jazz!”
Nghe tiếng gọi của Đại úy Moore, ánh mắt của tôi giật phắt về phía Thám tử Ethan Langford, người ngồi cùng bàn, đôi khi làm cộng sự với tôi. “Anh đã làm gì vậy Lang?”
Anh ta cười, tiếng cười vừa to vừa nồng nhiệt thật phù hợp với một người cao mét chín1 với niềm tin mãnh liệt vào việc “được ăn cả, ngã về không” và thường xuyên lôi tôi vào rắc rối. Anh ta không hiểu về những nguyên tắc nghiên cứu và chuẩn bị. Anh đưa hai tay lên. “Tôi chả làm gì cả. Cứ nói thế đi. Hoàn hảo đấy.”
1 Trong nguyên văn tác giả tiếp tục sử dụng đơn vị foot và inch. Để giản tiện, tôi quy đổi sang hệ mét (N.D)
Tôi cau mày. Anh chàng vẫn luôn thích đôi co qua lại với ông Đại úy. Tôi không thích thế, và vì một lý do chính đáng. Mọi cuộc gặp gỡ giữa tôi và Moore dường như đều có sự hiện diện của một người đã khuất: Vị Đại úy tiền nhiệm, cha của tôi – người mà chúng tôi đã chôn cất từ ba tháng trước với đầy đủ lễ nghi, chỉ trừ niềm vinh dự mà tôi hằng mong muốn. “Nghiêm túc đấy hả, Lang?”
“Anh có làm gì đâu mà.” Anh nhướn một bên lông mày. “Có làm gì để lão ấy biết được đâu.”
Tôi chống tay lên hông và lườm.
“Ôi thôi nào, thiên tài ơi,” anh trêu, “em là thám tử trẻ nhất trong khu vực này, 25 tuổi, lại còn đạt điểm cao nhất trong ghi chép nữa. Và chỉ số IQ của em thì cao ngất ngưởng. Em xử được lão Đại úy ấy mà.”
“Rõ là anh đang thích việc này.” Tôi buộc tội.
“Cũng hơi hơi. Có lẽ lão ta muốn hỏi tại sao em đã 32 tuổi rồi mà không thi lên trung sĩ chẳng hạn.”
“Anh 40 rồi mà vẫn chưa thi đấy thôi.” Tôi phản đối. “Vì anh là thằng thất bại.”
Tôi quý anh ấy, nhưng anh ta đúng là thằng thất bại, và tôi luôn thấy thích việc cha tôi thường xuyên ghép chúng tôi làm việc cùng cặp với nhau. “Vậy thì,” tôi nói. “em chưa thi vì em không muốn phải quản lý mấy kẻ như anh.”
“Jazz!” Ông Đại úy gào lên. “Ngay!”
Tôi vuốt những lọn tóc dài màu hạt dẻ của mình ra sau tai, chẳng vì gì cả. Trong mắt một thám tử, như tôi đây, cử chỉ đó là một biểu hiện của sự lo lắng. Cả cách tôi đứng dậy rồi đưa tay lướt qua chiếc áo khoác nhẹ của mình, thứ mà tôi thường phối với áo sơ mi lụa và quần âu, cũng vậy. Vũ khí và phù hiệu ẩn dưới áo ngoài, còn chất liệu lụa thì như đang nói: “Ta là phụ nữ, hãy lắng nghe tiếng gầm dữ dội của ta.”
Nhưng giờ tôi không gầm gào gì. Sống lưng tôi cứng ngắc; bụng tôi quặn lại vì ghê tởm khi liếc nhìn về phía góc bàn, nơi trước đây từng để một tấm ảnh của cha – một người đàn ông cao ráo, đẹp trai, với đôi mắt màu xanh lục giống mắt tôi cùng mái tóc nâu dày. Tôi đã quá sẵn sàng để giải quyết cho xong chuyện này rồi.
Quay đi khỏi Lang, tôi bỏ ngoài tai câu “Chúc may mắn!” của anh. Câu nói này đã dấy lên một dàn đồng ca của những câu chúc tương tự, phát ra từ bàn làm việc của các thám tử khác. Chắc là ông Đại úy sẽ không bắt tôi đi thi lên trung sĩ đâu. Tôi là con gái của tay tiền nhiệm bẩn thỉu của ông ta, người mới mất được có ba tháng cơ mà. Và dường như mong muốn được làm việc ở Bộ Nội vụ để trở thành một “Jazz” tốt đẹp hơn đã biến tôi thành một kẻ phản bội tồi tệ hơn cả cha mình.
Đại úy Moore không tin tưởng tôi. Việc cha đỡ đầu của tôi là cảnh sát trưởng kiêm “cựu chí cốt” của cha tôi có vẻ cũng chẳng giúp ích gì trong việc này.
Tôi đã đến ngưỡng cửa phòng Đại úy và bước thẳng vào, không có lấy một chút do dự. Đó là một tố chất cơ bản của việc trở thành một thám tử chuyên điều tra những vụ án mạng, và là con gái của cha tôi. Tôi chưa bao giờ được nuôi dạy để rụt rè, ngay cả trước những tình huống không thoải mái nhất. Tôi biết cách để xử lý những trường hợp “máu me”. Và, ít nhất là đối với tôi, mọi khoảnh khắc phải đối mặt với ông Đại úy này đều có thể được coi là “máu me”.
Lão Đại úy đã ngồi đợi sẵn ở bàn của mình. Đó là một người đàn ông gốc Phi, độ 40 tuổi và “to lớn” theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Ông ta có vẻ ngoài to lớn và một phong thái đầy tự tin. Dường như từ ông ta tỏa ra một thứ năng lượng có thể buộc người khác phải phục tùng. Văn phòng của ông ta cũng lạnh lẽo như chủ nhân của nó, hoàn toàn không có tấm ảnh gia đình nào. Rõ ràng là ông ta rất thích đi tập gym, và từ kinh nghiệm với ông ta tính đến thời điểm này, tôi có thể rút ra kết luận rằng ông ta còn thích đi tập hơn nhiều so với đi ăn kem. Tôi thì khác, tôi thích cả đi tập lẫn ăn kem; chỉ là ông ta chẳng bao giờ tách bạch được mọi việc như thế. Ông ta cũng không thể thấy được vùng – nơi mà tôi tin rằng luôn có thể đưa ra lời giải cho các vụ án. Trong mắt ông ta chỉ có trắng và đen. Tôi nghĩ điều đó giải thích được tại sao Moore luôn khó chịu với tôi, và trước đó là cha tôi. Cả hai chúng tôi đều biết rằng tôi học cách tìm vùng xám ấy từ cha mình, một thám tử phải nói là kiệt xuất vào thời đó. Chỉ đơn giản là cha tôi thấy hơi nhiều vùng xám quá.
“Đóng cửa lại,” Moore ra lệnh, mắt vẫn không rời khỏi tập tài liệu.
Tuyệt vời. Chẳng có gì tốt đẹp xảy ra phía sau một cánh cửa đóng cả.
Tôi làm theo lệnh. Cánh cửa đóng lại, và tôi chính thức bị khóa kín trong căn phòng chật hẹp đó, cùng một người đàn ông đặc biệt to lớn. Lúc này, Moore mới ngẩng đầu lên nhìn tôi. Lườm thì đúng hơn. Cặp mắt màu nâu đầy thông tuệ của ông ta lúc nào cũng như đang cáu kỉnh; và bây giờ, chúng đang chĩa thẳng vào tôi. Một ánh mắt đầy phán xét. Lúc nào ông ta cũng phán xét người khác, nhưng lại chẳng bao giờ chịu thừa nhận điều đó.
“Tôi nghe nói là cô biết chút ít về thơ phú.” Ông ta gõ màn hình máy tính. “Hồ sơ việc làm của cô ghi thế. Trong đó nói cô từng điều hành một câu lạc bộ thơ hồi còn học đại học.”
Tôi cau mày. Có vẻ như cuộc nói chuyện ngày hôm nay thực sự xoay quanh vấn đề thi lên trung sĩ. “Sếp kiểm tra hồ sơ thời đại học của tôi làm gì vậy?”
“Chính xác mà nói thì tôi không chủ tâm kiểm tra hồ sơ của cô, Thám tử Jazz ạ. Tôi đang tìm một người có kiến thức về thơ, kể cả nếu phải dùng người ngoài bộ phận này. Nhưng ai ngờ là tôi lại tìm được cô.” Ông ta đẩy tập hồ sơ ngang qua mặt bàn và đặt nó xuống trước mặt tôi. “Cái này giải thích được cho cô đấy”
Tôi buông lỏng cảnh giác, và người thám tử trong tôi là một người sống vì những câu đố bất khả thi - ngồi xuống và hăng hái bắt tay vào công việc. Làm việc là tốt. Công việc giữ cho tôi tỉnh táo và lí trí. Sau khi cha tôi mất, tôi đã phải tốn đến sáu chục ngày mới thuyết phục được bác sĩ tâm lý của bộ phận này rằng điều đó đúng đến thế nào. Chỉ một tháng sau đó, bà ta đã thấy tôi phá án và làm việc tốt nhất có thể. Giờ thì bà ấy đã tin tôi. Còn tôi thì cuối cùng cũng không phải gặp người phụ nữ đó nữa.
Tôi mở tập tài liệu, đập vào mắt tôi là hình ảnh của một người đàn ông khỏa thân bị trói chân và hông vào một cái ghế. Điểm thú vị ở đây là hai tay anh ta lại được thả tự do và buông thõng xuống hai bên. Đầu nạn nhân gục xuống phía trước, bộ tóc sẫm màu phủ lên mặt anh ta. Loang lổ trên sàn nhà phía bên phải nạn nhân là một bãi nôn. Trong đầu tôi hiện lên cảnh tượng về cảnh cơn buồn nôn trào lên trong người anh ta, tưởng tượng cách anh ta cố gắng thoát khỏi cái ghế đó, và qua những vết trầy xước trên hai bên lồng ngực, tôi có thể thấy rằng anh chàng này đã vùng vẫy dữ dội. Nhìn vào các dấu vết để lại, nhiều khả năng là trong cơn tuyệt vọng và không thể thoát thân, anh ta đã phải cố hết sức để ngả cả người về phía trước và giãy giụa không ngừng.
Tôi đọc qua tờ giấy thông tin bên trong tập tài liệu
Nguyên nhân tử vong: ngộ độc. Chưa xác định được chất độc. Đang chờ báo cáo độc chất học.
Điều này gợi cho tôi nhớ về một vụ án từng xảy ra trước đây. Một gã chồng đã ép vợ mình uống một viên cyanide2 bằng cách đe dọa sẽ giết các con của cô. Cô ấy không có một chút cơ hội sống sót nào. Không ai có thể sống sau khi trực tiếp uống một lượng cyanide lớn đến vậy, khả năng cứu chữa bằng không. Nạn nhân sẽ chết trong vòng hai đến năm phút sau khi bị dằn vặt bởi cơn đau khủng khiếp. Người mẹ ấy cũng vậy. Cô đã chết sau khoảng hai đến năm phút vật vã trong đau đớn và không bao giờ được nhìn thấy các con của mình nữa.
2 Là một hợp chất hóa học có chứa nhóm cyano. Nếu tiếp xúc với một lượng lớn cyanide có thể gây tổn thương cho não và tim mạch, còn nếu tiếp xúc ở liều lượng thấp có thể gây những hậu quả như khó thở, đau tim, nôn mửa, thay đổi máu, đau đầu, làm rộng tuyến giáp
Người phụ nữ đó, người mẹ phải chết để bảo vệ con cái của mình, đã không bị trói vào ghế như người đàn ông kia; nhưng sau này, tên quái vật chồng cô thú nhận rằng hắn đã cho cô lựa chọn. Hắn đã bảo cô rằng hoặc là cô phải uống viên cyanide mà hắn kiếm được từ trên web đen, hoặc là hắn sẽ giết lũ trẻ. Hắn muốn tiền bảo hiểm nhân thọ của cô. Cô ấy đã uống viên thuốc độc để cứu con mình, nhưng sau đó hắn đã bắt cả bọn trẻ uống, rồi tạo hiện trường giả để ngụy trang bản thân thành một con người cô độc và thống khổ sau một vụ giết người-tự sát xảy ra trong chính gia đình mình.
Tôi đẩy những kí ức không lành mạnh ấy sang một bên để tập trung vào vụ án mới này. Trong đầu tôi dần hình thành nên một giả thuyết. Có lẽ trường hợp của người đàn ông này cũng tương tự như người mẹ kia. Vì thế nên hai tay của anh ta mới không bị trói. Anh ta đã có một lựa chọn – tự nguyện chọn cái chết bằng thuốc độc hoặc một điều gì đó khác, có thể còn tệ hơn cả cái chết.
Lúc ấy, tôi tin rằng vụ án cũ cùng kinh nghiệm của mình với việc giết người bằng chất độc là lý do tại sao tôi được giao cho tập tài liệu này, nhưng rồi tôi nhớ ra là ông Đại úy từng nhắc đến kiến thức về thơ ca của tôi. Tôi lật sang trang kế tiếp và thấy một bức ảnh chụp bản đánh máy của một bài thơ, nhìn như một mảnh giấy thường được nhồi trong những chiếc bánh quy may mắn, nhưng ở kích cỡ lớn hơn. Có ghi chép rằng mảnh giấy này đã được nhét vào trong miệng nạn nhân, nhưng lại không dính chút dịch nôn nào. Thú vị đây.
Tôi tạm thời gạt suy nghĩ ấy sang một bên và đọc bài thơ:
Ai còn cười trong nanh vuốt tai ương,
Đốt hy vọng rọi xuyên màn đêm tối,
Để ngàn sao dẫn lối
đến cạnh chân Người…
“Chúng tôi đã tra google về bài thơ,” ông Đại úy nói, rõ ràng là đang dõi theo tôi đọc tập tài liệu. “Đó là thơ của...”
“Arthur Guiterman.” Tôi thêm vào.
Ông ta cau mày. “Bài thơ ấy dài đến tám khổ. Cô mới chỉ đọc được có ba câu. Làm sao cô biết được?”
“Chẳng phải vì thế mà sếp gọi tôi vào đây sao? Vì tôi có kiến thức về thơ?”
“Đúng vậy,” ông ta đồng ý. “Tôi chỉ không ngờ rằng...”
“Rằng tôi có kiến thức thật? Đúng, tôi có đấy.”
Ông ta nheo mắt nhìn. “Vậy bài thơ này nghĩa là gì?”
“Sếp đem câu ấy đi hỏi bao nhiêu học giả thì sẽ có bấy nhiêu ý kiến bất đồng.”
Ông ta bặm môi. Ông ta không thích thói thành thật của tôi, một điều có liên quan trực tiếp đến mức độ khó trả lời của câu hỏi. “Vậy với cô thì nó có ý nghĩa gì?”
“Theo như tôi hiểu thì nó là về định mệnh.”
Tôi đã qua được bài kiểm tra kiến thức. Có lẽ là như vậy, vì ông ta lại tiếp tục. “Thám tử vốn phụ trách vụ án này bất ngờ quyết định chuyển công tác tới Houston. Tôi chẳng còn cách nào khác hơn là phải tìm người khác để giao lại nó.”
Tôi nhíu mày bối rối, đầu óc tập trung vào thám tử vừa chuyển đi kia chứ không phải vụ án mà rõ ràng là tôi sắp phải phụ trách này. Chúng tôi là một bộ phận nhỏ chỉ gồm 12 thám tử, và chúng tôi khá thân với nhau. Vậy mà không ai nói gì về việc chuyển công tác cả. “Ai sắp chuyển đi vậy?”
“Roberts.”
Giờ thì tôi thực sự thấy khó hiểu. Ý tôi là, tôi không thân với Roberts lắm, nhưng tôi đã biết ông ta từ nhiều năm nay, và ông ta có gốc rễ ở đây – một ngôi nhà, bạn bè, một cô vợ cũ mà ông ta sống chỉ để đấu khẩu với cô ta, một giải đấu bóng bầu dục vào cuối tuần. Tôi lắc đầu vì khó hiểu. “Sao ông ấy lại làm vậy, thưa Đại úy?”
“Lý do cá nhân.” Ông ta không hề giải thích gì thêm. “Tôi sẽ cho anh ta biết rằng anh ta sẽ phải bàn giao cho cô vụ án này. Cô sẽ tiếp nhận nó. Tùy cô quyết định sẽ làm việc cùng với Thám tử Langford hay làm việc một mình. Theo tôi thấy, vụ này là định mệnh của cô đấy, Thám tử Jazz ạ.”